30. KINH BA DẤU ẤN THỰC TẠI
***
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở chùa Kỳ Viên thuộc thành Xá-vệ. Trước mặt Tăng đoàn, Phật dạy như sau: “Này các đệ tử, có ba dấu ấn về các thực tại, là ba cánh cửa đi vào giải thoát, cũng là chân lý được các đức Phật truyền bá, giảng dạy, là con mắt tuệ của các đức Phật, là chỗ đi về của các đức Phật.” Nay ta giảng dạy, hãy nên lắng nghe, ghi nhớ hành trì. O
DẤU ẤN TÁNH KHÔNG
Này các đệ tử, bản chất sự vật vốn là “không tính.” Tính “không” của vật không kẹt có, không, không tự sinh ra, không mất vĩnh viễn, không vướng vọng tưởng, thoát khỏi tri kiến. Bản thể tánh “không” không có hình tướng, không kẹt không gian, không thể khái niệm, chưa từng sinh khởi, vượt khỏi tri kiến và sự nắm bắt. Vì không nắm bắt, tánh “không” bao hàm tất cả sự vật, tồn tại trong tánh vốn không phân biệt. Đây là nhãn quan vô cùng xác thực về các loại vật thể. Đó là dấu ấn của mọi sự vật.
Này các đệ tử, người biết tu tập nên tìm yên tĩnh, như ở rừng sâu, ngồi dưới gốc cây, thực tập quán chiếu về mọi sự vật. Thấy rõ sắc chất bao gồm thân thể và mọi sự vật là không thực thể, vốn là vô thường, nhờ đó thoát khỏi tâm lý bám víu vào các hình thể, an trú trong cái thấy biết bình đẳng, không còn phân biệt đối sắc chất, hình thể. O
Này các đệ tử, tương tự đối với cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức, người biết tu tập nên thấy rõ rằng chúng không thực thể, vốn là vô thường, nhờ đó thoát khỏi tâm lý bám víu vào những thứ này, an trú trong cái thấy biết bình đẳng, không còn phân biệt, vướng kẹt vào chúng.
Này các đệ tử, năm nhóm tổ hợp cấu tạo nên thân vốn không thực thể, do duyên giả hợp, tương tác lẫn nhau giữa thân và tâm. Khi tâm không còn hiện hữu trong thân thì các tổ hợp cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức không còn tác dụng. Nhận thức như thế là chánh tri kiến, hướng đến giải thoát. Nhờ tuệ nhãn này, hành giả thoát khỏi mọi sự vướng mắc liên hệ tri kiến.
Phương pháp quán này là không thực thể, là dấu ấn một, là cửa giải thoát. O
DẤU ẤN VÔ TƯỚNG
Này các đệ tử, thực tập chánh niệm, an trụ trong định, quán sát sự vật, hành giả thấy rằng hình thể vô ngã, tướng trạng tan biến. Nhờ thực tập này, hành giả thoát được các loại ảo giác về các hình thể. Tương tự, quán chiếu về bản chất của âm thanh, hương, vị, tiếp xúc và pháp cũng đều vô ngã, tướng trạng tan biến. Nhờ thực tập này, hành giả thoát được ảo giác về chúng.
Nhờ quán vô tướng, hành giả đạt được trí tuệ thanh tịnh, diệt sạch phiền não, hết tham, sân, si, không còn chấp thủ, đạt được cái thấy bình đẳng tuyệt đối. Đồng thời hành giả không còn vướng kẹt vào cái tự ngã, về ta, của ta; chấm dứt tất cả thấy biết sai lầm.
Phương pháp quán này gọi là “vô tướng,” là dấu ấn hai, là cửa giải thoát. O
DẤU ẤN VÔ TÁC
Này các đệ tử, một khi đạt được nhận thức vô ngã, hành giả không còn cho rằng sự vật thấy, nghe, cảm, biết... là có thực thể ngoài nhận thức nữa. Nhận thức của người là do nhân duyên, tương tác phát sinh. Bản thân nhận thức và duyên phát khởi các loại nhận thức đều là vô thường, nên ta không thể nắm bắt được chúng. Trên cơ sở này, nhóm tổ hợp thức có cần gì được tác tạo nữa đâu!
Với nhận thức này, hành giả thấy rõ thực tướng sự vật một cách rốt ráo, không còn bị kẹt vào các sự vật, vì đã thể nghiệm được bản chất thật của mọi sự vật.
Phương pháp quán này gọi là “vô tác,” là dấu ấn ba, là cửa giải thoát.
Này các đệ tử, bất kỳ người nào thực tập nhận thức về ba dấu ấn của mọi sự vật như vừa nêu trên, sẽ có khả năng đi vào cánh cửa giác ngộ, giải thoát. Đang khi thực tập nhìn các sự vật bằng ba nhận thức “tánh không, vô tướng, cũng như vô tác,” ta đã đạt được tri kiến thanh tịnh.
Nghe Phật giảng dạy, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***