Có một lúc, khi chúng ta lưu tâm đến lời kêu cầu nào đó, khi thế giới phải đồng sát cánh bên nhau như một. Bao nhiêu con người đang trong cơn hấp hối, đây chính là lúc chúng ta góp một bàn tay cho cuộc sống chung. Món quà có giá trị nhất trong muôn một, không thể tiếp tục giả tưởng ngày này sang ngày khác, sẽ có một ai đó, ở một nơi nào đó, chẳng bao lâu nữa mang đến một đổi thay.
Nhạc: Michael Jackson & Lionel Richie
Giảng tại chùa Phổ Quang, ngày 05/07/2009
Phiên tả: Mỹ Tuyết
THƯƠNG TIẾC MICHEAL JACKSON
Bài ca “Chúng Ta Là Thế Giới” do ca sĩ nhạc sĩ Micheal Jackson và Linel Ricchiene cùng sáng tác.
Micheal Jackson sinh ngày 29.8.1958 và đột tử tại nhà riêng vào ngày 25.6.2009, để lại sự thương tiếc to lớn chưa từng có trong lịch sử nghệ sĩ. Elvis Presley khi an táng vào tháng 8.1977, có 800 ngàn người tham dự. Công nương Diana khi làm lễ truy điệu vào năm 1997 có 750 ngàn người tham dự. Chính quyền Los Angeles đã phối hợp với gia đình của Micheal Jackson, tổ chức lễ an táng hoành tráng nhất trong lịch sử, với sự tham dự tối thiểu của một triệu người, vượt qua Elvis và Diana khoảng từ 250-300 ngàn người.
Trung tâm lễ an táng cho Micheal nằm ở Los. Sức chứa của trung tâm chỉ được 20 ngàn chỗ ngồi, cũng là nơi ba ngày trước khi Micheal qua đời, anh đã tập luyện, chuẩn bị cho chuyến lưu diễn quốc tế sau 10 năm vắng mặt trên thị trường giải trí. Sự ra đi của anh để lại nhiều nỗi đau, không chỉ cho gia đình, những người thân, các fan hâm mộ, hầu như cả thế giới đều quan tâm, thương tiếc.
Tổng thống Obama có thư chia buồn sâu sắc đến gia đình anh. Trong thư có đoạn nói: “Micheal Jackson là thiên tài của âm nhạc, là nhân vật giỏi nhất trong công nghệ giải trí trong mọi thời đại. Tôi đã lớn lên bởi các điệu nhạc và ý tưởng nhạc của Micheal. Hiện nay trong i-pod của tôi vẫn còn những ca khúc bất hủ của anh”. Điều đó cho thấy, nỗi thương tiếc của nhiều người dành cho anh rất lớn. Thế giới thương anh tiếc không chỉ đơn thuần vì anh là một nhân tài về nhạc pop, tạo ra các vũ điệu sáng tạo chưa từng có trong lịch sử của loại nhạc này. Anh mở ra cho thế giới, đón nhận các giá trị do con người tạo ra, trên nền tảng sáng tạo và đóng góp, không dựa trên màu da. Những ca khúc của anh đượm tính chất nhân văn, đạo đức và mối quan tâm hạnh phúc con người, trên nền tảng mỉm cười với khổ đau. Ở tuổi lên bảy, anh trở thành một thần đồng ca nhạc. Tên tuổi của anh trở thành một huyền thoại, vượt qua Elvis Presley, bởi giá trị của những ca khúc do anh sáng tác rất sâu sắc.
Theo dự kiến, anh lưu diễn tại Anh 50 buổi, bắt đầu vào ngày 13.7.09. Anh đã ký hợp đồng với công ty tổ chức sự kiện âm nhạc AEG Live. Không may, sự ra đi của anh diễn ra trước khi sự kiện được bắt đầu. Trong vòng khoảng bốn tiếng đồng hồ, kể từ khi thông báo về việc phát hành vé, thì 750 ngàn vé đã được bán hết. Lúc đầu người ta dự kiến chỉ tổ chức khoảng 10 buổi lưu diễn. Nhưng sau 10 năm vắng bóng trên sân khấu nhạc, sự trở lại của anh làm cho người ta cảm thấy như một thần tượng trở về. Trong vòng vài ngày sau, con số đã nâng lên bảy trăm mấy chục nghìn.
Về số lượng đĩa, Micheal Jackson có kỷ lục bán cao nhất trên toàn cầu, một con số chưa có một siêu sao ca nhạc, dầu trong bất kỳ lĩnh vực nào đạt được. Cuộc đời của anh gắn liền nhiều nỗi đau, đôi lúc nỗ lực mỉm cười với chính mình chưa mấy thành công. Đó là điều đáng tiếc.
LẬN ĐẬN VÌ BỊ KIỆN TỤNG
Năm 1993 anh bị cáo buộc là người lạm dụng tình dục trẻ em nam. Vụ án kéo dài vài năm liền, cuối cùng anh phải thương lượng với cha của đứa bé, bằng cách cho tiền mấy chục triệu đô la, để chấm dứt vụ kiện không có hồi kết thúc. Nó ảnh hưởng đến danh dự, cũng như những chuyến lưu diễn quốc tế của anh. Tưởng chừng các vụ kiện tai tiếng được lắng dịu sau hai lần đính hôn, lần thứ nhất với con gái của thần tượng âm nhạc Elvis Presley, lần thứ hai với y tá riêng, để lại cho anh ba đứa con, cuộc đời Micheal vẫn không ngừng đối diện bất hạnh.
Đến năm 2005, thêm một lần nữa, người ta cáo buộc anh lạm dụng tình dục. Lần này, phần thắng đã nghiêng về phía anh, nhưng cũng làm cho anh cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh những thành công và danh vọng lên đến đỉnh cao nhất, chưa từng có một nghệ sĩ nào đạt được hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Micheal có mối quan hệ lận đận với mẹ, làm cho anh đôi lúc phải ngậm ngùi với những nỗi bất hạnh. Điều đó làm cho anh tìm đến ma túy. Việc sử dụng ma túy khiến cho sự nghiệp của Micheal Jackson bị khựng lại. Trong chuyến lưu diễn với Dangerous World, cơn nghiện ma túy buộc anh phải hủy bỏ hợp đồng, vào trung tâm cai nghiện điều trị một thời gian.
Những thay đổi về bạch biến làm cho anh phải giải phẫu làn da đến ba lần. Sau đó giải phẫu thẩm mỹ mũi. Những chứng bệnh ảnh hưởng từ những cuộc giải phẫu và những tác động xấu từ việc sử dụng quá nhiều các chất, thuốc giảm đau, làm cho vóc dáng anh trở nên tiều tụy so với thời 30 tuổi trở xuống. Nếu ta so sánh hai gương mặt trước và sau của Micheal, thấy khác nhau hoàn toàn, không phải khác về màu da từ đen thành trắng, mà khác luôn vóc dáng hình thù. Cộng thêm chứng bệnh dị ứng nắng, đi đâu Micheal cũng phải có dù che, làm cho anh mất đi nét tự nhiên.
Cuộc đời của anh gắn liền với những hoạt động từ thiện, nhất là trẻ em, điều mà thế giới không ai có thể phủ nhận được. Đó chính là giá trị nhân văn lớn mà anh đã cống hiến cho cuộc đời. Bản nhạc “We Are the World- Chúng ta là thế giới” đoạt được bốn giải Grammy vào năm 1986 sau một năm trình làng. Các giải đó bao gồm ca khúc của năm 86, bản thu âm năm 86, trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất dành cho thể loại tốp ca và video âm nhạc hay nhất loại clip ngắn. Hiếm khi nào một bản nhạc đoạt được nhiều giải Grammy như vậy. Bởi vì, giá trị âm nhạc, tư tưởng và điệp khúc làm cho tất cả mọi người nghe phải xúc động. Nhạc phẩm “We Are the World” mang lại rất nhiều triệu đô la cho Micheal Jackson. Anh đã dành trọn vẹn tiền tác quyền cho việc cứu giúp các trẻ em nghèo khổ bất hạnh ở châu Phi, đặc biệt những trẻ em ảnh hưởng của nạn đói diễn ra vào năm 84-85. Hậu quả của nạn đói và những khổ đau mà trẻ em ở nước này vẫn còn chịu. Sau chuyến công diễn, bản nhạc này được bán cho đài HBO với số tiền 20 triệu đô la, anh đã dành trọn vẹn tiền tác quyền cho ngân quỹ “Heal The World” (trị liệu thế giới) do anh thành lập. Mục đích của ngân quỹ này là góp phần chăm sóc, tạo điều kiện cho trẻ em trên thế giới, nhất là ở các quốc gia chậm phát triển, có được cơ hội học hành đến nơi đến chốn, vượt qua các bệnh tật, giảm đi được nỗi khổ niềm đau do mồ côi và những bất hạnh khác gây ra, như một hình thức gián tiếp, giúp các em có được nụ cười với khổ đau các em gặp phải tình cờ, hay do hoàn cảnh gia đình mang lại.
CHÚNG TA LÀ THẾ GIỚI
Sau đây là nguyên văn bản nhạc “We Are the World” được dịch tiếng Việt.
Có một lúc, khi chúng ta lưu tâm đến lời kêu cầu nào đó, khi thế giới phải đồng sát cánh bên nhau như một. Bao nhiêu con người đang trong cơn hấp hối, đây chính là lúc chúng ta góp một bàn tay cho cuộc sống chung. Món quà có giá trị nhất trong muôn một, không thể tiếp tục giả tưởng ngày này sang ngày khác, sẽ có một ai đó, ở một nơi nào đó, chẳng bao lâu nữa mang đến một đổi thay.
Tất cả chúng ta đều là phần tử trong một đại gia đình của các Thượng đế. Sự thật, bạn có biết, tình thương là tất cả những gì chúng ta cần. Chúng ta là thế giới, chúng ta là những người con của thế giới, chúng ta chính là người làm cho một ngày mai trở nên tươi sáng hơn.
Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu ban tặng, đó là sự lựa chọn. Chúng ta chọn lựa, chúng ta đang cứu vớt lấy chính cuộc sống của chúng ta, đó là sự thật. Nó mang lại một ngày mai tốt đẹp hơn cho chính bạn và tôi.
Vậy thì, hãy gửi tặng trái tim của bạn đến mọi người, để họ biết rằng, một ai đó lưu tâm đến họ, cuộc sống của họ sẽ trở nên cứng rắn và tự tại hơn, như đấng Tối thượng đã từng chỉ bày chúng ta, chuyển những sỏi đá thành cơm, tất cả hãy cùng góp một bàn tay.
NHÌN VÀO KHỔ ĐAU ĐỂ GIÚP NHAU
Điệp khúc hai là tinh thần liên đới vị tha: “Khi bạn thất cơ lỡ vận, dường như không còn một tia hy vọng nào, nhưng nếu như bạn chỉ tin rằng chúng ta không thể ngã quỵ, vậy, vậy, vậy thì chúng ta hãy nhận thức rằng, ồ, một sự đổi thay chỉ có thể xảy đến khi tất cả chúng ta cùng đồng sát cánh bên nhau như một”.
Phần đầu mang âm hưởng nhạc thôi thúc, mời gọi chúng ta cần quan tâm, sát cánh bên nhau như một. Khi có bất cứ nơi đâu, từ con người nào, một lời kêu cứu, bày tỏ nỗi khổ niềm đau họ đang mắc phải trong tự thân, không đủ sức vượt qua được nỗi đau này, ta hãy sẵn lòng ra tay giúp đỡ.
Micheal Jackson yêu cầu chúng ta mở rộng tầm nhìn trước nỗi khổ niềm đau, cái chết, bế tắc, trở ngại, nghịch duyên. Những nỗi đau thân thể hay tâm lý diễn ra hằng ngày, hằng giờ, xung quanh mình, trước mặt mình, như một loại ám ảnh, khó có thể mờ phai. Hãy mở mắt thật to, lắng tai nghe thật rõ, để tiếp xúc được nỗi đau của con người, chia sẻ phần nào, làm cho nỗi đau vơi đi. Đây là chất liệu từ bi, tạo ra nhận thức hành động cộng hưởng trong cuộc sống. Nơi nào nỗi đau chưa được chuyển hóa, nơi đó hạnh phúc không thể nào có mặt trọn vẹn.
Chúng ta vì ý thức hệ chính trị, ý thức hệ tôn giáo, màu da, sắc tộc, địa lý, giới tính, lớn nhỏ, tạo ra biết bao nhiêu những ranh giới, rào cản. Có mắt vẫn không nhìn thấy được mối cộng sinh trong sự tương tác giữa nỗi khổ niềm đau của người và mình. Trước nỗi đau mất mát, thương tổn của người thân, ta có thể rơi những giọt nước mắt, thậm chí khóc cả ngày lẫn đêm, quên ăn bỏ ngủ, như kẻ chết rồi, có người như điên dại, có kẻ tự vẫn theo.
Nhìn xung quanh ta, hàng triệu người, tỷ người đang khổ, đang đau, thiếu lòng bi mẫn, ta trở thành như người bàng quan xa lạ. Ta mới nhìn giới hạn trong mối quan hệ tình thân của gia đình. Khi có một lời kêu cầu, chẳng hạn, có “người đang trong cơn hấp hối, đó chính là lúc chúng ta cần phải góp một bàn tay cho cuộc sống”. Góp có nhiều cách. Đạo Phật dạy ta trực tiếp tham gia, dự phần vào các hoạt động từ bi, nỗ lực chia sẻ nỗi khổ mà người khác đang gặp phải, trên cơ sở đó hiến tặng những niềm vui.
Giá trị của hoạt động từ bi bao gồm hai phương diện. Thứ nhất, tháo gỡ, không để cho nỗi đau đó tăng trưởng thêm. Thứ hai, tìm hạnh phúc lấp vào nỗi đau như một phần an ủi, một tiến trình trị liệu. Phần lớn, chúng ta chỉ có thể hỗ trợ, tháo được nỗi đau được một phần, hay nhiều phần, nhưng mang lại hạnh phúc cho người khác không phải là chuyện đơn giản, dầu ta có nhiệt huyết, có phương pháp, có tấm lòng.
Lòng từ bi vượt lên rất xa lòng bác ái. Bác ái phần lớn dành cho người thân, và giới hạn trong con người. Trong khi đó, nỗi khổ niềm đau của thế giới này là vô cực. Tiếng nói, bàn tay, trái tim từ bi, các hành động nhân đạo, các giá trị hỗ trợ tương thân... cần phải được thể hiện khắp mọi nơi mọi chốn. Sử dụng được các hạt giống lòng từ bi thì vượt qua được nỗi đau, điều chúng ta có thể đạt được. Điều đó Micheal Jackson gọi là món quà có giá trị nhất trong muôn một. Khái niệm “trong muôn một” cho ta thấy tỉ lệ nỗi đau được trị liệu và phần mang lại niềm vui là cái gì rất ít, không đáng kể.
Trên thế giới có hàng trăm, hàng ngàn, vài chục ngàn, vài trăm ngàn các hội đoàn từ thiện, các ngân quỹ gia đình, chia sẻ bớt chén cơm manh áo và phần tiêu thụ của bản thân để giúp người bất hạnh bớt đi nỗi đau. Nếu so với các tổng thể nỗi khổ niềm đau, con số hoạt động từ thiện giống như hạt cát trong sa mạc.
Kinh Phật mô tả, nước mắt của chúng sinh, nếu tích tụ, đong đo cả chiều dài lịch sử, sẽ sâu hơn đại dương, lớn hơn bốn biển, có sức công phá như một cơn sóng thần đi ngang qua mảnh đời bất hạnh của con người. Nếu không được giúp đỡ để vượt qua, chắc chắn rằng, cõi đời này khó có thể có được nụ cười, dù là cười gượng gạo, hay cười ra nước mắt.
Thấy được giá trị “trong muôn một” của các hoạt động từ thiện, con người không cho phép mình nghĩ rằng các hoạt động nhân đạo đã đến hồi đầy đủ và kết thúc. Ta có thể chết và tái sanh hàng trăm nghìn kiếp trong tương lai, tiếp tục làm sứ mệnh chia sẻ nỗi đau của cuộc đời, bằng cách mang tặng niềm vui, nỗi đau vẫn tiếp tục có mặt.
CHỚ BÀNG QUAN TRƯỚC NỖI ĐAU
Đức Phật xác định một trong ba điều ngài không thể làm là: Độ vô lượng vô số chúng sinh, nhưng không thể độ hết tất cả chúng sinh. Khái niệm “tất cả” cho thấy bất hạnh, vô minh, sân hận, tham ái, những hệ lụy do các hạnh nghiệp tiêu cực này gây ra, biết bao nhiêu khổ đau, chúng sinh phải gánh lấy như kết quả tất yếu của những hành vi sai lầm. Lòng từ bi vô hạn của đức Phật, tuệ giác lớn chưa từng có của ngài trong lịch sử, vẫn chưa thể nào chuyển hóa hết được tất cả những nỗi đau của nhân loại. Kể cả nỗi đau của dòng họ Thích Ca, bị vua Tỳ Lưu Ly bình địa và giết sạch, không thể nào vượt qua được, dầu lòng từ bi có dư thừa.
Những nỗi đau về bất công xã hội với bốn giai cấp, những nỗi đau về phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ trên toàn cầu, những nỗi đau bất bình đẳng xã hội, những nỗi đau không có những quyền căn bản nhất của con người, những nỗi đau do bệnh tật, những nỗi đau do thiên nhiên tạo ra, những nỗi đau do những hiểu lầm, do cố tình, ganh tỵ, hờn ghen, căm tức, sát hại, thương tổn giữa con người với con người, là vô hạn lượng. Bao nhiêu vị Thánh, hàng trăm nghìn các vị Bồ tát, triệu triệu vô số các đức Phật có mặt trên các hành tinh, vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn các nỗi đau đó. Ta thấy việc chuyển hóa nỗi đau chỉ trong muôn một, do đó, ý thức cộng đồng cần được đề cao, mỗi người nên dấn thân hy sinh vào các hoạt động nhân đạo, vì tha nhân.
“Chúng ta không thể tiếp tục giả tưởng ngày này sang ngày khác sẽ có một ai đó, ở một nơi nào đó, chẳng bao lâu nữa, sẽ mang đến một đổi thay”. Rất nhiều người trong chúng ta sống trong an ủi bởi những lời hứa hẹn, những chương trình, kế hoạch, tuyên bố trong các dịp bầu cử, trong những lúc chuẩn bị đăng quang. Nhưng khi mọi việc đã xong, niềm vui đã có, các nguyện ước được thành tựu, những lời hứa hẹn chỉ tồn tại dưới hình thức hẹn hứa mà thôi.
Micheal Jackson yêu cầu con người đừng tự an ủi chính mình, nếu không có tôi giúp, người khác cũng tham gia vào. “Không có Mợ thì chợ vẫn đông” là một câu nói mang tính xả bỏ “chủ nghĩa công thần” trên các hành vi công ích. Không nên hiểu như một cơ sở biện hộ rằng, không có tôi nhiều người khác cũng làm, tôi được quyền bàng quan, dửng dưng, thờ ơ, lãnh cảm, không cần phải có trách nhiệm, bổn phận gì đối với nỗi khổ niềm đau của người khác.
Thế giới phương Tây phát triển “tự do cái tôi” ở mức độ cao nhất. Do đó, khuynh hướng muốn an phận thủ thường, không muốn làm phiền ai, không muốn ai làm phiền mình, tạo ra những lý luận tại sao tôi phải giúp người khác, tại sao tôi buộc phải quan tâm đến người khác, tại sao tôi phải quan hoài với những người không phải chính là tôi, tại sao tôi phải chia sẻ cơm ăn, áo mặc, vật thực, sức lao động, khi người khác đang cùng có những điều kiện tương tự, không tự cứu giúp lấy chính mình. Hàng loạt, hàng ngàn, hàng trăm những câu hỏi tại sao có mặt để biện hộ ai khổ ráng chịu, tôi sướng mặc tôi.
Bên cạnh những quan niệm do cái tôi vị kỷ đó, rất nhiều người có trái tim nhân ái, bác ái, rộng xa hơn nữa, lóe lên được chất liệu từ bi như Micheal Jackson: “Ta không thể tự an ủi và giả vờ rằng sẽ có một hiện tượng làm thay đổi, ở một nơi nào đó”, từ một con người, có thể là vua, hoàng hậu, chủ tịch nước, tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng, chủ tịch các đảng phái, người cầm cân nảy mực của các công ty, hoặc trong gia đình của chúng ta, có thể là cha mẹ ông bà. Rất nhiều những lời hứa hẹn và an ủi từng có, nhưng chẳng đưa chúng ta đi tới đâu. Micheal Jackson yêu cầu chúng ta hãy nhìn thẳng vào thế giới hiện thực, đừng tránh né, biện hộ, bàng quan.
KỲ VỌNG SAI LẦM MANG ĐẾN KHỔ ĐAU
Trong kinh Tứ diệu đế, đức Phật dạy phải trực diện với khổ đau. Thế giới này đang khổ, trái đất này đang bị hủy diệt, nạn hâm nóng toàn cầu đang diễn ra khắp nơi. Sự bóc lột vẫn đang còn đó, các bất công xã hội vẫn dẫy đầy. Sự phân biệt nam nữ vẫn còn có mặt khắp mọi nơi, xen lẫn vào trong các nền văn hóa, làm khủng hoảng hạnh phúc biết bao con người. Cho nên, ta phải thừa nhận nó, nhìn thấy nó và phủ truy nguyên được bế tắc đó do đâu mà ra. Con người không nên đặt nặng vào tự an ủi có sự đổi thay, nếu nó chưa diễn ra. Khái niệm “chẳng bao lâu” làm con người có cảm giác việc đó đến gần kề vào ngày mai, tuần tới, tháng sau, năm nữa. Rất nhiều người từng có những kỳ vọng tương tự, hy vọng rằng tôi sẽ đổi đời. Kết quả sự chờ đợi càng dâng cao thêm quá nhiều thất vọng.
Kỳ vọng càng nhiều mà không đặt trên nền tảng hiện thực, với những nỗ lực tinh tấn cần có, sẽ làm con người rơi vào trạng thái “cầu bất đắc khổ”, vốn là một trong tám phạm trù khổ, đặt nặng tính cường điệu các cảm xúc, quá nhiều áp lực của kỳ vọng và an ủi bản thân. Trong khi đó, kỳ vọng và an ủi từ tha nhân lại càng tồi tệ hơn nữa. Con người làm chủ bản thân, đôi lúc muốn vẫn chưa làm xong, huống hồ các ước muốn mông lung, mang tính điều kiện. Có những tương tác xã hội, tương quan gia đình không phải muốn làm có thể làm được.
Có rất nhiều người phát nguyện làm tốt ngày mai nhưng chiều đến, họ trở thành người thiên cổ. Có người muốn làm tốt vào tháng sau, nhưng chưa kịp, con cái của họ đã phá sạch sành sanh của cải. Không thể hẹn ước việc làm lành, không thể cam kết mang tính tương lai đối với những việc cần phải đầu tư ngay bây giờ. Do đó, phải lấy phương pháp “hiện tại lạc trú” để đầu tư công đức, giúp xoa dịu các nỗi đau, mang lại niềm vui, góp phần thiết thực cho kết quả đổi thay, hơn là những lời hẹn ước đơn thuần.
TÌNH THƯƠNG ĐƯỢC NỐI KẾT
“Tất cả chúng ta đều là một phần tử trong đại gia đình của các Thượng đế. Sự thật bạn có biết, tình thương là tất cả những gì chúng ta cần”.
Là người theo Tin Lành, dĩ nhiên Micheal Jackson tin vào Chúa. Ông không gọi Chúa là thần tối cao của tôn giáo mình, mà gọi là các “đấng Tối thượng”, tức là Chúa của nhiều tôn giáo khác nhau. Tiếng nói của lòng bác ái làm cho Micheal Jakcson thấy rất rõ, nhiều người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, đến với nhau bằng tình người, vượt qua các rào cản của tôn giáo, họ vẫn có thể gieo mầm thương yêu và nối kết sự sống. Những giới hạn trong quan niệm này cho thấy rằng khổ hay hạnh phúc do Thượng đế của các tôn giáo tạo ra. Nỗ lực của con người chỉ là một phần thách đố với quyền lực của các Thượng đế mà thôi. Hãy sử dụng tình thương mà con người học được từ các giáo nghĩa của các tôn giáo. Hãy đến với nhau trong cuộc đời này, bằng chăm sóc, vì đã thấy rất rõ, chúng ta là thành viên trong một đại gia đình. Hiểu như thế, ý nghĩa của lòng từ bi sẽ lớn hơn. Trong khi đó, ông hiểu rằng, con người là thành viên của “một đại gia đình” các đấng tối thượng, có nghĩa là tất cả con người đều là con của các đấng Thượng đế, theo Nhất thần giáo.
Tất cả tín hữu của Nhất thần giáo và Đa thần giáo đều là con cháu, là vật thụ tạo, là các sản phẩm tri thức của các đấng tạo dựng nên cuộc đời này. Ý muốn nói nếu con người nhận được phần thưởng của các đấng tạo vật, con người hãy chia bớt một phần thưởng đó cho những mảnh đời bất hạnh, kém hạnh phúc. Lời kêu gọi đó dù sao cũng có giá trị nhân sinh, mặc dầu có những giới hạn nhất định của nó. Người nghĩ rằng mình là thành viên của đại gia đình Thượng đế, không thể nào gieo rắc tình thương với những người ngoài niềm tin tôn giáo với họ. Ý niệm “con Chiên trong đàn và con Chiên ngoài đàn” là một phân biệt đối xử tôn giáo, không thể trải nghiệm tình thương với người ngoại đạo.
Chiên là một loại cừu. “Trong đàn” chỉ cho những người đi theo công giáo và chưa bị rút phép thông công. Tức là các quyền lợi tôn giáo được hưởng một cách trọn vẹn, song hành với quyền lợi của một công dân trong nước. Nếu quyền của một công dân trong nước là nhân quyền mà mỗi người có thể có, thì quyền được nhận phép thông công đối với Thượng đế được xem là tối cao trong tôn giáo Nhất thần. Quan niệm như thế, người ta rất khó có thể trải lòng bác ái và tình thương với những người khác đạo, những người chống lại mình, như tinh thần từ bi của đạo Phật.
Tình thương là tất cả những gì chúng ta cần. Tình thương bác ái còn giới hạn đối tượng, phân biệt đối tượng. Mặc dầu là tình thương con người, nhưng con người thuộc về tôn giáo, con người không có tôn giáo không được quan tâm. Các loài động vật càng bị chà đạp thân phận nhiều hơn. Môi trường sinh thái đôi lúc không được chú trọng... Đó là những tình thương ít nhiều gì mang tính ích kỷ. Trong khi đó, đạo Phật dạy con người tình thương trên nền tảng của lòng từ bi, lấy con người làm trọng tâm, lấy sự sống làm nền tảng. Mạng sống của con vật được xem quý báu tương tự như sinh thể con người.
Môi trường sinh thái được đề cao ở góc độ có giá trị tương đương. Sống, trải nghiệm lòng từ bi, lúc đó việc chia sẻ nỗi khổ niềm đau được thực hiện tốt đẹp nhất. Ta thấy đối với các tổ chức từ thiện của Phật giáo, mỗi khi có một biến cố thiên tai diễn ra ở một nơi nào trên hành tinh, các Phật tử đến tận nơi để chia sẻ, giúp đỡ, bất luận những người gặp thiên tai thuộc tôn giáo nào. Giá trị của lòng từ bi, Phật tử phải phát huy nhiều hơn nữa, để cho thế giới bớt đi nhiều cảnh đời bất hạnh.
HÃY BAN TẶNG NIỀM VUI
Điệp khúc, Micheal Jackson miêu tả rất ấn tượng: “Chúng ta là thế giới, chúng ta là những người con. Chúng ta chính là người làm cho những ngày mai trở nên tươi sáng hơn. Vì thế chúng ta hãy bắt đầu ban tặng”.
Điệp khúc này có ý nghĩa hay gấp mấy lần so với đoạn trước đó. Nó xác quyết vị thế trong mối tương giao về sự sống, con người là thành viên của đại gia đình các đấng Tối thượng. Ở đây nói “Chúng ta chính là người làm cho ngày mai tươi sáng hơn”. Micheal Jackson xác định rõ không thể trông chờ vào sự cứu giúp của Thượng đế và các Thần linh, vì Thượng đế chưa từng có mặt.
Nitche từng phát biểu: “Thượng đế đã chết”. Mặc dầu tính toàn năng, toàn bi, toàn trí của Thượng đế được các tôn giáo ca ngợi không thể nghĩ bàn, nhưng trên thực tế, nỗi khổ niềm đau trên hành tinh này, để vượt qua vẫn chính là con người. Đó là mâu thuẫn về phương pháp luận rất lớn mà các tôn giáo khác, dựa trên nền tảng lòng bác ái của Thượng đế, không thể nào lý giải được.
Có người tự an ủi rằng, Thượng đế đã hóa thân làm bác nông dân để cho con người có cơm ăn. Thượng đế trở thành người dệt vải, để con người có áo quần để mặc. Thượng đế đã hóa thân trở thành nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, để con người có được những giá trị xã hội. Đó là giải thích khiên cưỡng thôi. Tính chất chân lý và hiện thực của các tuyên bố rỗng chẳng là bao.
Dầu là người theo Tin Lành giáo từ nhỏ, Micheal Jackson thấy rất rõ, chúng ta chính là người làm cho ngày mai trở nên tươi sáng hơn. Đây là tinh thần tự lực để đi trên con đường ta cần phải đi. Trông chờ những thành quả an vui, hạnh phúc và mỉm cười với khổ đau, từ sự ban tặng của người khác, là một sự sai lầm về phương pháp, một ngộ nhận trong tiến trình cải thiện xã hội.
Hậu quả là con người chỉ có thể hưởng được những hạnh phúc trên chiếc bánh vẽ không có thật trong cuộc đời.
THẾ GIỚI VÀ CON NGƯỜI
Mối quan hệ giữa thế giới và con người được Micheal Jackson đánh đồng bằng một đẳng thức hóa. Thứ nhất, phát huy cái tôi tập thể là “Chúng ta” bao gồm tất cả những người trên hành tinh, như là những hữu thể có thật. Ta phải thấy, việc đẳng thức tổng thể các đơn vị hữu thể sự sống là “Thế giới” là một đẳng thức hóa mang tính nhân bản và nhân văn rất cao. Tại sao chúng ta quan tâm đến thế giới? Bởi vì thế giới không phải là của riêng mình. Thế giới bị phá hoại bởi chiến tranh, loạn lạc, bệnh tật, nạn phá rừng, nước và đất bị ô nhiễm, làm cho trái đất hâm nóng.
Con người nghĩ rằng rừng là công cụ, nên khai thác vô tội vạ để chu cấp cho hạnh phúc bản thân. Đánh đồng bằng một đẳng thức “chúng ta là thế giới”, ta thấy, theo Phật giáo, hành tinh này, sự sống này, mẹ đất này, chính là chúng ta. Ta không thể nào có những hành động tham, sân, si, khai thác hành tinh một cách cạn kiệt, để dẫn đến sự yểu thọ của hành tinh, kéo theo sự yểu thọ của sự sống, trong đó có bản thân mình là một điều chắc chắn phải diễn ra. Đẳng thức hóa này, mặc dầu dựa trên nền tảng của ngã, là một đẳng thức hóa có ý nghĩa, giúp con người dừng lại các hành động si mê đã từng phá hoại hành tinh và sự sống nói chung.
Khi xác định, “Chúng ta là những người con” tức xem định con người là những đứa con của thế giới, không có lý gì, con người không tạo điều kiện để chính mình được cơ hội sống hạnh phúc hơn, bình an hơn, bền bỉ hơn trên hành tinh. Đó là phán đoán có ý nghĩa tích cực cho ý thức cộng đồng toàn cầu. Việc bảo hộ hành tinh, thông qua việc bảo hộ con người, là một nhu cầu không thể thiếu. Đề nghị rất thiết thực của Micheal Jackson là: “Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu ban tặng”. Ban tặng được hiểu là một phần của tình thương, hành động của tình thương, là cơ hội để tháo gỡ những nỗi đau do thiếu thốn về vật chất như cơm ăn, áo mặc, phương tiện, những điều kiện để có được sự giáo dục chân chánh trên cuộc đời. Rất tiếc vì là tín đồ tin vào Nhất thần giáo, cái nhìn của Micheal Jackson chỉ dựa trên tình thương bác ái, xem đó là lối giải quyết vấn đề duy nhất.
Trong khi đó, theo đạo Phật bố thí tức rộng lượng chia sẻ tình thương chỉ là một phương tiện để bảo hộ thế giới con người, không phải là tất cả. Sáu phương pháp đạo đức toàn thiện bắt đầu là sự chia sẻ sở hữu tài sản. Kế tiếp là đời sống đạo đức hoàn thiện. Thứ ba là sự tinh tấn theo đuổi những mục đích, những giá trị chân chính. Thứ tư là sự kham nhẫn tất cả những nghịch cảnh có thể xảy ra trên tiến trình con người đi tới những mục đích này. Thứ năm là thiền định để con người có được định tâm vững, có được sự chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau. Cuối cùng là trí tuệ, ngọn hải đăng soi đường, trong những tình huống con người rơi vào bóng tối. Năm yếu tố còn lại được xem là thước đo quan trọng để con người mang lại hạnh phúc trong cuộc đời, xây dựng hạnh phúc cho thế giới, bảo hộ con em của mình, trong đó có chính mình. Ban tặng là bố thí hay cúng dường không thôi vẫn chưa có thể giải quyết được các vấn nạn con người.
Rất nhiều triệu phú, tỷ phú chết rất đau khổ bằng tự vẫn, bởi vì không có được thiền định và trí tuệ. Mỗi khi nỗi khổ niềm đau diễn ra, họ vượt qua không nổi. Họ có những nỗ lực, có thể giúp cho người khác vượt qua được nỗi đau vật chất đơn thuần. Để nỗ lực cứu trợ có kết quả ở mức độ cao, người tham gia các hoạt động cứu trợ, trước hết phải tạo niềm vui cho chính mình, mỉm cười với khổ đau, chuyển hóa được khổ đau đến tận gốc rễ. Đơn thuần làm công việc giúp người mà không chăm lo cho mình bằng tuệ giác, thiền định, đời sống đạo đức... thì dễ bị những nỗi khổ niềm đau khác làm thương tổn, chinh phục. Nỗi đau có thể gây trở ngại cho những hoạt động bác ái, từ bi của người dấn thân. Hãy bắt đầu không chỉ bằng ban tặng mà còn với năm đức tính toàn thiện. Đó là đạo đức, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Theo Micheal Jackson: “Đó là một sự lựa chọn, chúng ta chọn lựa, chúng ta đang cứu vớt lấy chính cuộc sống của chúng ta, đó là sự thật. Nó mang lại một ngày mai tốt đẹp hơn, cho chính bạn và tôi”.
Khi nói, “chúng ta là thế giới” như một đẳng thức, đôi lúc rất mông lung. Rất nhiều người khó có thể cảm nhận được, chấp nhận được để có thể góp phần, như một dự phần trong chương trình giải phóng nỗi khổ niềm đau mà cuộc đời đang đối diện. Những nỗ lực cho một tương lai tươi sáng, cho ngày nay hạnh phúc, không phải cho người khác, mặc dầu rộng là thế giới, trên thực tế cho chính bạn và tôi. Phải có tôi trong đó, phải có bạn trong mối tương giao đó, có lẽ con người mới mạnh dạn dấn thân vào. Đây chính là giới hạn của lòng bác ái. Khi cái tôi được hưởng những nhân quả phước báo, cái tôi mới cố gắng làm. Khi mặt mũi cái tôi đó ẩn khuất, hầu như rất nhiều người không thấy được giá trị cao thượng của lòng từ bi, không cần mong đền đáp lại, với những quả phúc công đức tương xứng con người đã làm ra. Khi làm các việc lành, ta đã là người hạnh phúc rồi. Đang lúc các việc làm tốt chưa kịp trổ quả, ta cũng sống trong hạnh phúc. Ngay cả khi các việc làm tốt được gieo trồng dù không có một nguyện ước nào, quả tích cực, quả an vui hạnh phúc vẫn tiếp tục được diễn ra. Đó là nhận thức sáng suốt mà những người con Phật được huấn luyện, để sống tốt và hành xử tích cực.
Khi làm từ thiện, mổ mắt cườm, giúp người già, kẻ cô đơn, người buồn chán, kẻ tàn tật, trẻ mồ côi, hay bệnh nhân ung bướu, người khiếm thị... ta phải thấy rõ, hồi hướng công đức cho bản thân và gia đình, thường được hiểu như một nguồn động cơ, không nên hiểu như là cứu cánh trong tự thân của nó. Quả báo tốt tự động được hiển bày, dầu ta có nguyện ước hay không nguyện ước. Đó là quy luật tất yếu sẽ diễn ra. Không cần nghĩ cho chính bạn và tôi, mà nghĩ cho cuộc đời, con người làm với động cơ cao thượng. Nếu ai đó chưa thấy được tính giá trị trong những việc làm tốt, mang lại hạnh phúc an vui, ít ra có thể sử dụng câu nói tương đối của Micheal Jackson, đó là “cho chính bạn và tôi”, để ta có động lực thôi thúc tích cực.
“Vậy thì! Hãy gửi tặng trái tim của bạn đến mọi người.Để họ biết rằng, một ai đó lưu tâm đến họ, cuộc sống của họ sẽ trở nên cứng rắn và tự tại hơn, như đấng tối thượng đã từng chỉ bày chúng ta, chuyển những sỏi đá thành bánh mì”. Nhu cầu giúp đỡ trước hết tạo ra sự an ủi lớn ở những người bất hạnh. Không phải ai cũng may mắn có được năng lực và sức chịu đựng phi thường, xem tất cả chướng duyên thử thách và những nỗi gian truân trong cuộc đời là lửa thử vàng để sống hạnh phúc ở hiện tại và trong tương lai.
Trì hoãn các hỗ trợ và “kết thúc” truyền thông mối đồng cảm giúp đỡ, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách, hay lá rách ít đùm lá rách nhiều” có lẽ làm cho nỗi khổ niềm đau càng tăng trưởng, trương phồng hơn bao giờ hết. Mỗi động tác giúp đỡ làm người khổ đau có cảm giác được quan tâm, chăm sóc, chữa trị, giúp đỡ bằng tình thương yêu; giúp họ tăng trưởng niềm tin, không nên tuyệt vọng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tâm sự “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”.
VƯỢT QUA TUYỆT VỌNG
Khích lệ người khác rất dễ, khích lệ bản thân rất khó. Khi khích lệ người khác, ta cố gắng dùng hết tất cả những khôn ngoan nhất của bản thân, để làm cho người kia vực dậy từ hoàn cảnh bế tắc và khổ đau. Khích lệ chính mình là một tiến trình nhận thức, trong đó nỗi khổ niềm đau, ức chế tâm lý và những bất mãn phải được nhổ tận gốc rễ, ta mới có thể vượt qua được nỗi đau:
“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”.
Trịnh Công Sơn tự nhắc nhở mình mấy lần trong bản nhạc “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. “Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông” là quy luật vô thường. Những bất hạnh, trắc trở, những điều không như ý diễn ra, không phải ở ngay nghịch cảnh con người đang có, ngay cả trong những mùa không thuộc nghịch cảnh, nó vẫn xuất hiện như thường.
“Lá mùa thu rơi rụng” giữa mùa thu là một hiện tượng rất phổ quát. “Lá mùa thu rơi rụng” trong mùa đông là một hiện tượng không phải không có. Nếu nói mạnh dạn hơn, “lá mùa thu” tiếp tục rơi trong mùa xuân. Theo nguyên lý vô thường, “lá mùa thu” vẫn rơi trong các mùa xuân, hạ, thu, đông. Ta ví đời người tương đương như bốn mùa, mùa đông là mùa của tuổi U50 trở lên. Micheal Jackson đã sống trong độ tuổi U50. Lá mùa thu của anh đã rơi, rụng, bằng cái chết rất đau thương, do anh sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều. Khi giải phẫu tử thi, người ta đã thấy trong bao tử của anh không có một cái gì. Trong suốt ba ngày trước đó, anh không ăn, lại uống những thuốc giảm đau có chất an thần cao, làm cho tim ngưng đập hoàn toàn.
THẤY RÕ VÔ THƯỜNG
Thấy rõ được ý nghĩa vô thường, ta không nên ỷ lại. “Lá” của chúng ta dầu là lá mùa xuân, hay lá mùa hạ, mùa thu, mùa đông, có thể rơi rụng bất cứ lúc nào. Ra ngoài đường phố, chịu khó quan sát, ta thấy dưới những gốc cây, trên các vỉa hè, không chỉ có những chiếc lá vàng, tức lá mùa thu, mà còn những chiếc lá mùa đông, mùa xuân xanh rờn, vẫn bị rụng bởi gió, bởi sự gãy đổ của cành, hoặc bởi sự phá hoại của con người.
Tính cách vô thường buộc con người phải gửi tặng trái tim đến mọi người. Đừng để việc giúp đỡ người khác trở nên quá muộn. Thể hiện sự quan tâm đến người khác chính là lúc ta xây dựng nên những nhịp cầu thân ái, một hơi ấm có ý nghĩa, cho mình và cho người. Người giúp cho người khác có thêm nghị lực cứng rắn hơn, sẽ sống tự tại hơn, thoải mái và bình an hơn.
Trong bài “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng”, Trịnh Công Sơn có lời khuyên tương tự: “Hãy hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh”. Tức phải sống một trạng thái hồn nhiên, đừng lo, đừng sợ hãi, đừng khủng bố nội tại, đừng rầu rĩ, đừng van xin, đừng khóc lóc, đừng tuyệt vọng, thì bình minh của hạnh phúc, bình minh của tương lai, thuận duyên, chắc chắn là một hiện thực. Thái độ tích cực vượt qua được nhiều nghịch cảnh, mở cửa cho con người thoát khỏi những bế tắc. Khi ta nỗ lực giúp một người nào đó, năng lượng vực dậy sẽ được gia tăng.
Ta chỉ cần đến bên cạnh người đang hấp hối, nắn tay chân họ, với sự trìu mến của tình thân, tình thương, lòng tôn kính, người bệnh cảm thấy hạnh phúc, ấm lòng. Giả sử vô thường diễn ra trong tích tắc đó, việc tái sanh cũng là thuận duyên. Chết trong sự cô đơn, hiu quạnh, không người biết, chẳng kẻ hay, nỗi đau ức chế tâm lý sẽ là nỗi ám ảnh rất lâu dài.
Nhiều nghĩa sĩ bỏ thân trên chiến trường, trải qua nhiều năm, vẫn chưa được siêu thoát, vì nghĩ rằng Tổ quốc không ghi công, nhiều người vẫn chưa biết đến, đóng góp của họ trở nên bạc bẽo, cuộc đời hết sức hẩm hiu. Hãy thể hiện tình thương bằng những hành động cụ thể. Bằng lời nói, thăm viếng, chia sẻ, giúp đỡ, tức bằng một cái gì đó thiết thực trong hiện tại, để người khác có được sự cứng rắn vươn lên khỏi nỗi khổ niềm đau. Tất cả chúng ta cần phải góp vào một bàn tay cho cuộc đời tươi sáng.
Giúp người khác bằng một bàn tay chưa đủ. Hãy thử quan sát tiếng vỗ của một bàn tay. Chắc chắn rất khó, ngoại trừ tiếng vỗ đó do bàn tay đập vào tường, vỗ trên bàn, tát vào người khác, tạo ra âm vang như một phản ứng kêu cứu, phản ứng ức chế hay phản ứng tất yếu. Ta phải vỗ bằng nhiều bàn tay. Do vậy, việc đóng góp cho người khác cùng biết, cùng dấn thân vào những nghĩa cử cao thượng cần làm, phải là công việc của nhiều bàn tay. Triết lý về đức Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn có mặt cũng trên ý nghĩa tốt đẹp này. Một bàn tay giúp người thì chẳng là bao.
Nhiều người phải làm thêm ca hai, ca ba, để có thêm tiền làm từ thiện. Ta có thể hiểu người đó đang sống với sáu bàn tay, ca hai thêm hai bàn tay nữa, ca ba nhân lên thành sáu. Có người làm sáu bàn tay chưa đủ, vận động cả chồng, con, người thân, quyến thuộc cùng làm. Nhiều người đã mạnh dạn làm như thế. Cả gia đình phát tâm đến các trung tâm, tham gia vào các hoạt động từ thiện. Họ đã có được vài chục bàn tay. Một bàn tay tạo thành sự đơn điệu, mặc dầu vẫn hỗ trợ, giúp đỡ, giảm bớt những nỗi đau. Con người làm bằng nghìn bàn tay, triệu bàn tay, thì niềm an vui hạnh phúc ban tặng, cống hiến cho những mảnh đời bất hạnh sẽ nhiều hơn, nhờ đó, nỗi khổ sẽ giảm đi.
ĐOÀN KẾT VỰC DẬY TỪ KHỔ ĐAU
Lời điệp khúc yêu cầu mọi người cần quán chiếu chính mình như một giả thuyết:
“Khi bạn thất cơ lỡ vận, dường như không còn một tia hy vọng nào, nhưng nếu bạn tin rằng, chúng ta không thể ngã quỵ. Vậy! vậy! vậy! Chúng ta hãy nhận thức rằng ồ ! Một sự thay đổi chỉ có thể xảy đến. Khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng sát cánh bên nhau như một”.
Khi ngã quỵ nếu đơn thương độc mã, ta dễ dàng bị bế tắc, tuyệt vọng. Nếu ngã quỵ mà bên cạnh có nhiều người, tự đứng dậy bằng đôi chân, đứng dậy bằng ý chí nỗ lực làm mới cuộc đời, người đó trở thành giá trị tham khảo và noi theo cho người khác. Khi “đồng lòng sát cánh bên nhau” như một, cả thế giới này là một, một là tất cả, tất cả là một, theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm. Lúc đó, vực dậy cõi đời khổ đau trên thế giới này, dẫn đến thành công và hạnh phúc là không khó lắm.
Khó khăn lớn nhất là ta phải nỗ lực cho đất nước, cho cộng đồng, cho gia đình, cho người thân và cho bản thân mình... Cần thấy rõ, có một nhu cầu lớn hơn, mang tính cách toàn cầu, một ý thức, sự cam kết lớn là hãy “sát cánh bên nhau”, đứng với nhau trở thành một. Giống như hiện tượng triệu triệu các bó đũa, đại diện cho các chủng tộc, con người, giới tính, vai trò vị thế xã hội khác nhau, màu da, sắc thái, tuổi tác, kết thành một khối thống nhất, chắc chắn rằng việc vực dậy hạnh phúc từ những khối khổ đau, có thể thực hiện được. Đừng bao giờ đánh mất hy vọng, đầu hàng khi ngã quỵ một lần hay nhiều lần. Đừng bao giờ có nhận thức rằng tôi không thể làm được. Đừng bao giờ rơi vào sự chán nản, đừng suy nghĩa tiêu cực rằng việc này vượt ngoài tầm với của tôi.
Nếu muốn hướng về tia sáng hy vọng, hãy thực tập những nghệ thuật rất đơn giản và có giá trị trị liệu. Hướng mắt về mặt trời để quên đi bóng tối, hướng mắt về điều lành để quên đi nỗi đau. Hạnh phúc, khổ đau đồng hành, xen lẫn trong cuộc đời. Ai nhớ quá nhiều nỗi khổ niềm đau, không còn tâm tư để thấy hạnh phúc đang có mặt trong ta, xung quanh ta, bên cạnh mình.
Hãy mở to đôi mắt tuệ giác, nhìn sự vật để thấy bên cạnh khổ đau, hạnh phúc vẫn có mặt như một hiện thực. Con người không có quyền đào tẩu, bỏ cuộc, chào thua. Nhìn thấy được Niết bàn như một thành quả tất yếu, trên nền tảng thực tập tám điều chân chính sẽ giúp ta sống hạnh phúc hơn. Đó là phương pháp luận và cách giải quyết vấn đề theo tinh thần đức Phật dạy.
Nỗ lực tập thể được xem là quan trọng. Nhu cầu tuệ giác, ánh sáng soi đường đóng vai trò chỉ đạo không kém phần quan trọng. Rất nhiều người có tinh thần tập thể, nỗ lực cùng đứng lại bên nhau để vượt qua khổ đau. Không có tuệ giác, ta rơi vào tình trạng một người mù dẫn cả đoàn người mù rơi vào vực thẳm hố sâu.
Trong mỗi bàn tay của đức Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có thêm một con mắt. Con mắt đạo diễn cho từng hành vi. Con mắt tượng trưng cho ánh sáng. Một ngàn con mắt là trí tuệ tập thể, chất xám tập thể, là giải pháp tập thể, mối quan tâm tập thể, sự cam kết tập thể, hướng về toàn hành tinh. Hành động từ bi tập thể với trí tuệ tập thể sẽ dẫn đến hạnh phúc và hòa bình toàn cầu.
THẮP SÁNG HY VỌNG
Bài nhạc “Chúng ta là thế giới” của Micheal Jackson là lời kêu gọi lòng bác ái đối với những người theo Nhất thần giáo, cần được triển khai rộng hơn dưới góc độ của từ bi, đối với người Phật tử. Nó chính là chiếc phao giúp cho cuộc đời bớt đi nỗi hiu quạnh, thắp sáng lên những niềm hy vọng, xua tan bóng tối của tuyệt vọng, khổ đau, bế tắc. Hãy cùng thắp sáng ngọn nến hy vọng là sự dâng tặng cho thiên tài nhạc pop Micheal Jackson.
Năm 2002 có một nhà báo hỏi: “Nếu chết, ông muốn được an táng như thế nào?” Micheal Jackson trả lời: “Tôi muốn được đưa lên một chiếc xe cổ tích, quan tài thì dán vàng, để cho thấy tính cách hồn nhiên trẻ thơ”. Những ước nguyện của Micheal ở tuổi U50, gắn liền với tuổi thơ là như vậy.
Nỗi đau của Micheal Jackson đã nằm xuống như một tuyệt vọng. Cuộc đời và những hoạt động từ thiện của anh đóng góp cho hội từ thiện do chính anh thành lập là nguồn hy vọng và hạnh phúc cho nhiều trẻ em trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi, vượt qua những bất hạnh. Bài ca bất hủ mang tính từ bi và tinh thần tương thân tương trợ của anh, sẽ là tia sáng cho chính ông, trong cảnh giới tái sanh sau khi qua đời.
Hy vọng rằng tất cả mọi người, trong khi chia tay với Micheal Jackson, cố gắng thắp sáng niềm tin “chúng ta là thế giới”, để tất cả “đồng sát cánh bên nhau” như một, vì lợi ích của nhau, để không còn những cơn hấp hối, đau quỵ, tuyệt vọng, diễn ra trên cõi đời này nữa. Hy vọng sự ra đi của Micheal Jackson là một tia sáng cháy mãi trong con tim của mọi con người.
Xin hồi hướng công đức và cầu nguyện cho Micheal Jackson “không chấp thân này là tôi, tôi không lệ thuộc vào thân thể này; không chấp dòng cảm xúc này là tôi, tôi không lệ thuộc vào dòng cảm xúc đó; không chấp vào tất cả những danh vọng, gia tài một tỷ đô la là sở hữu của tôi”, để có thể nhẹ nhàng ra đi, trở thành niềm tin và hy vọng mới cho tất cả những người còn lại.
***