Giảng ngày 17-08-2011 tại chùa Pháp Thắng, Vũng Tàu
Phiên tả: Subin
I. ĐẠO LÀM PHẬT TỬ TẠI GIA
Phần thứ sáu trong kinh Thiện Sanh thể hiện mối quan hệ giữa người tầm cầu con đường hạnh phúc với tư cách Phật tử tại gia và những đạo sư sau khi trải nghiệm đời sống tâm linh, chia sẻ con đường mà mình đạt được, nhằm giúp người tại gia sống an vui hạnh phúc. Phần lớn Phật tử Bắc tông ít biết đến kinh Thiện Sanh, mặc dù trong hệ thống văn học A Hàm, bài kinh này có chỗ đứng khá tốt trong tương quan gia đình và xã hội.
Mỗi vị thế của người tại gia hay xuất gia, đức Phật đều đưa ra quy chuẩn đạo đức mà cả hai bên cần thực tập và làm tròn trách nhiệm của mình. Khi thực hiện đồng nghĩa chúng ta đang góp phần đưa đạo Phật ngày càng phát triển. Khái niệm “Phật tử” trong ngữ cảnh của bài kinh này chỉ dùng cho những người chính thức nhận đức Phật, nhận giáo pháp của Ngài qua kinh điển và nhận các bậc xuất gia chân chính làm thầy; có sự thực tập hành trì; có năng lực chuyển hóa nỗi khổ niềm đau; có cơ hội cam kết phụng sự người thân và tha nhân.
Như vậy, Phật tử không phải đơn thuần chỉ là người đi chùa, lạy Phật, bái sám.
Điểm chung của tín ngưỡng đạo Phật và tín ngưỡng tôn giáo khác đối với những người không phải là Phật tử thuần thành thì họ thường xem đức Phật như Thượng đế, thần linh. Họ đến chùa bái viếng chủ yếu cầu Phật gia hộ cho bản thân mua may bán đắt, được thành công; chứ hoàn toàn không thấu hiểu tinh hoa lời Phật dạy là gì. Do vậy, việc ứng dụng Phật pháp vào đời sống thực tế có rất nhiều hạn chế. Điều đó không trách Phật tử, vì Phật giáo chúng ta đã suy vong trong giai đoạn vừa nêu. Vấn đề còn lại là mỗi người phải tình nguyện trở thành một cánh tay nối dài của Phật pháp và học hạnh “mồi đèn truyền chân lý”. Truyền chánh pháp trước tiên hãy truyền trong gia đình của mình, sau đó góp phần mở rộng, phổ biến trong đời sống cộng đồng và xã hội. Người làm được như thế mới gọi là Phật tử.
Lấy tiêu chí này làm thước đo, ai bất cập thì phải nỗ lực nâng chính mình cao hơn nữa; ai đã làm được thì hoan hỷ với thành tựu và nỗ lực tinh tấn nhiều hơn. Khái niệm “đạo sư” mà tôi sử dụng là chỉ cho đức Phật ở vào thời của Ngài, bậc thầy đầu tiên của con đường tâm linh giác ngộ, theo đúng nghĩa “thực tiễn và hành trì”. Về sau, khái niệm “đạo sư” chỉ cho tất cả các bậc xuất gia chân chính. Họ đã chứng đạo hoặc đang trên con đường hướng về đạo giải thoát, hoặc đang nỗ lực thực tập, miễn họ có năng lực hiểu thấu Phật pháp, và hướng dẫn Phật pháp rõ ràng. Người thực tập có thể nương theo các hướng dẫn này để an vui hạnh phúc giữa đời thường.
Bài kinh với những lời dạy rất đơn giản. Người Phật tử tại gia và đạo sư tâm linh cần phải thể hiện trọn vẹn bổn phận để Phật giáo trở thành thực phẩm tâm linh, trở thành sự lựa chọn đạo đức và an vui của phần lớn người tại gia.
Phật dạy, đệ tử mẫu mực tôn kính Tăng bảo với năm bổn phận, nhờ đó an ổn không còn lo sợ. Lời dẫn nhập ngắn gọn cho thấy, chí ít mỗi Phật tử chuẩn phải nêu quyết tâm lớn và thực hiện bằng được năm điều lý tưởng sau. Dĩ nhiên khi nói điều ấy, đức Phật đã ngầm hàm ý rằng, trước khi chúng ta thực hiện năm điều này, chúng ta phải là người Phật tử có ba ngôi tâm linh: Phật, Pháp, Tăng, và đã thực tập năm điều đạo đức:
- Không giết người, bảo vệ hòa bình.
- Không trộm cắp, chia sẻ sở hữu.
- Không ngoại tình, chung thủy vợ chồng.
- Không nói dối, tuyên bố sự thật; không nói lời chia rẽ, truyền thông hòa hợp đoàn kết; không nói lời văng tục, nói những lời lịch sự, văn hóa, khiêm tốn; không nói lời tán gẫu, nói lời thật sự có giá trị và lợi ích.
- Không uống rượu, không dùng các loại ma túy tổng hợp nói chung, để cam kết có sức khỏe cho mình và chăm lo hạnh phúc cho người thân.
Năm điều đạo đức căn bản này được xem là nền tảng hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội. Toàn bộ hệ thống luật pháp trên hành tinh cũng dựa vào năm điều đạo đức vừa nêu mặc dù đi sau đạo Phật đến mấy nghìn năm. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, phần lớn các nhà đạo đức vẫn còn bất cập: ngoài bốn điều đầu tiên được xem như hệ thống đạo đức và luật pháp đã gần đến với đức Phật và đạo Phật; thì còn điều thứ năm hầu như mới đến được phân nửa.
Luật pháp cấm ma túy dưới các hình thức sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ. Riêng rượu và các độc tố khác thì luật pháp cho phép. Trong khi đức Phật thấy rất rõ nó có nguy cơ tiềm ẩn, có thể khiến con người mất sự làm chủ cảm xúc, thái độ, và hành vi, dẫn đến hành vi vi phạm luật pháp là điều khó có thể tránh khỏi.
1. Làm lành với hành động thân
Đây là tuyên ngôn nhập thế rất sâu sắc của đức Phật, có thể giải quyết được các vấn nạn về sự chai sạn tình người. Nhiều người không theo đạo Phật, nghĩ rằng mình chưa từng phạm pháp, chưa từng tạo lỗi dân sự, nên không cần phải theo đạo Phật, như thể người đi theo đạo Phật là kẻ tội lỗi. Thực ra, đối với đạo Phật, kẻ chưa từng tạo tội thì chẳng có một phước báu nào. Không tạo tội thì không bị luật pháp cầm tù, không bị người đời phỉ nhổ, không bị xã hội phân biệt đối xử, nhưng đó không phải là tất cả. Đức Phật dạy, phải làm điều thiện thì mới gọi là con người trên mức trung bình, đúng nghĩa với con người.
Làm từ thiện về thân, chúng ta phải thấy rõ có ba phương diện.
Thứ nhất, góp phần bảo vệ sự sống, xây dựng hòa bình, thương yêu loài vật, bảo vệ môi sinh. Đây là tuyên ngôn về một thế giới thịnh vượng, hòa bình, phát triển bền vững. Toàn thể thế giới hiện nay đang theo khuynh hướng này, kêu gọi chấm dứt mọi hình thái chiến tranh bạo động; và hòa đàm được xem là phương thức hàn gắn rạn nứt, tranh chấp chính trị, quân sự, biên giới, kinh tế giữa các khối, các liên minh, các quốc gia, các tổ chức, và các cá thể.
Thứ hai, không trộm cắp, chia sẻ sở hữu tài sản. Phần lớn chúng ta chỉ mới làm vế đầu: tôn trọng sở hữu hợp pháp của người, những gì không cho không được lấy. Riêng phần chia sẻ thì phần lớn người tại gia theo Phật giáo làm rất tốt, còn người tại gia không theo đạo Phật thì không nghĩ đó là một nhu cầu: có lòng thì chia sẻ, giúp đời, cứu người; còn không thì người ta đưa hàng trăm lý do khác nhau để thoái thác. Lúc đó họ tìm cơ sở biện hộ khiến tâm bị chai sạn trước nỗi khổ niềm đau của tha nhân.
Trên hành tinh, còn đó nạn chết đói, chết khát ở những nước châu Phi, những nước thuộc thế giới thứ ba. Việt Nam mặc dù không bị nạn chết đói chết khát, nhưng nạn khổ đau do nghèo, do thất nghiệp tràn lan khắp nơi. Và còn nhiều quốc gia trong số hơn hai trăm quốc gia trên hành tinh cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Do đó, tiền bạc lẻ chúng ta đi chợ mua sắm còn dư, thay vì mua kẹo cho con cháu, hãy bỏ vào ống heo công đức, giúp cho các trung tâm từ thiện, góp phần hỗ trợ Phật sự ở các chùa mà mình có cơ hội đến sinh hoạt tu học.
Phụ nữ thường chi tiêu nhiều hơn phái nam qua thời trang, mỹ phẩm, trang sức, và các hình thái tiêu thụ khác. Hãy học hạnh kiệm phước, để ta đồng thời gieo phước bằng sự bòn phước thì mỗi một năm như vậy, ta làm được rất nhiều việc lành. Chỉ cần biết quản trị tài chính, cái nào cần thì chi tiêu, cái nào không thì không nên. Đừng mải mê mua sắm theo quảng cáo rồi chất đống chất đầy các sản phẩm rẻ tiền mà thực tế lại không có nhu cầu sử dụng bao nhiêu; vài ba năm phải vứt bỏ. Nếu không để ý sẽ tổn phước đáng kể.
Thứ ba, không ngoại tình, chung thủy một vợ một chồng để ngăn nạn dịch toàn cầu HIV và AIDS, cơn bệnh được xem là tử thần của thế kỷ hai mươi và là mối đe dọa của hạnh phúc gia đình trên phương diện rộng và phổ quát. Khi ta chung thủy một vợ một chồng, đồng lúc ấy ta cũng thấy rất rõ tác hại của tham ái đối với những người không phải là vợ chồng chính thức. Cũng đồng lúc ấy, ta thực tập sự hài lòng biết đủ với người bạn đồng hành. Về phương diện này, kinh Thiện Sanh đưa ra một tiêu chí: vợ chồng phải là bạn đồng hành. Hiểu theo ngôn ngữ hiện nay thì vừa là bạn, người tình, vừa là vợ chồng hợp pháp. Phần lớn các cặp vợ chồng bị đổ vỡ hạnh phúc do vì đánh mất yếu tố làm bạn và làm người tình với vợ hoặc chồng chính thức của mình. Cho nên nỗi cô đơn, sự thiếu cảm thông, ủng hộ tinh thần đã khiến rất nhiều người quay ra với mối quan hệ đồng nghiệp, đặc biệt đồng nghiệp khác phái. Sau thời gian chia sẻ với nhiều điểm tương đồng, tình cảm hai bên phát sinh, và rồi ngoại tình tâm tưởng diễn ra dẫn đến ngoại tình thực thụ, điều đó chỉ cách nhau một tơ tóc của nhận thức.
2. Làm lành với hành động lời
Ngôn ngữ con người là phương tiện truyền thông. Chúng ta rất may mắn làm đệ tử đức Phật, được Ngài huấn luyện về truyền thông một cách bài bản. Có bốn phương diện truyền thông thuộc điều đạo đức thứ tư dành cho người tại gia.
Một, không nói dối gạt, tuyên bố sự thật. Trong phương diện này, người Phật tử không tình nguyện trở thành loa phóng thanh. Khi chúng ta không biết và không đoan chắc đó là sự thật, mà trong thế giới truyền thông hiện đại này thì cái giả dối, cái na ná sự thật chiếm đại đa số, còn cái thật lại chẳng bao nhiêu; nếu nhẹ dạ cả tin dựa vào đó, chúng ta sẽ trở thành người gieo nỗi hàm oan; và nỗi khổ niềm đau theo đó gia tăng rất nhanh. Chẳng hạn trên diễn đàn internet, người ta có thể phịa từ 60% thông tin thật khoảng 40% thông tin giả; khi mình đối chiếu thấy 60% đúng thì tự động sẽ suy luận những thông tin còn lại chắc chắn đúng. Như thế, ta bị đánh lừa bởi kẻ xấu mang tâm ác độc, gây chia rẽ, tạo hận thù, phá hoại, khủng bố, dẫn đến mất mát tình thương.
Hai, không gây chia rẽ. Mỗi khi được cơ hội phát biểu, ta góp ý chỗ nào có thể hàn gắn, chỗ nào đang hiểu lầm trở nên cảm thông, chỗ hận thù trở nên đoàn kết. Còn nếu không làm được thì thà im lặng, chứ không “đổ dầu vào lửa”. Đừng liên minh về phía nào, mà hãy tạo thế trung lập. Phần lớn người chồng giận vợ thường muốn con cái đứng về phía mình, có tâm bất kính với mẹ của nó. Tương tự nhiều bà mẹ cũng luôn muốn con biết tội lỗi của cha nó, để nó xa lánh cha. Làm như thế là ta đang gieo nghiệp bất hiếu ở con đối với bạn đời của mình, cũng chính là cha hoặc mẹ chúng.
Ba, truyền thông mang tính văn hóa, lịch sự, khiêm tốn. Tránh các loại ngôn ngữ văng tục, nguyền rủa, chửi bới, chì chiết. Ngữ điệu lên xuống cũng cần phải quan tâm trong truyền thông lẫn nhau. Con người nhạy cảm hơn các loài động vật ở ngữ điệu, đại từ nhân xưng, các thể từ trong lúc tiếp xúc; nhất là tiếng Việt nhạy cảm với ngôi một, ngôi hai, ngôi ba. Đối với người mình ghét thì “bọn nó, chúng nó, thằng đó, thằng kia, mày, bọn mày”, còn đối với người mình thích thì “kính bạch, thưa, dạ, vâng”. Khi cường điệu cảm xúc trút đổ vào ngôn ngữ truyền thông làm thái độ sân trỗi lên mà ta không hay biết. Và khi sân có mặt thì si đồng hành.
Chỉ một câu nói “Kính mời cha dùng cơm” nghe rất dễ thương, nhưng nếu chúng ta thử áp dụng qua ngữ điệu gằn giọng to tiếng thì đó lại trở thành thái độ bất hiếu.
Cho nên truyền thông thứ ba dạy chúng ta ngữ điệu. Phải làm chủ ngữ điệu trong lúc nói nhằm thể hiện sự từ ái. Vợ chồng nói với nhau gằn giọng là có thể ly thân, ly dị; anh chị em trở thành kẻ thù; ra đường có thể ẩu đả giết chết nhau.
Bốn, không tán gẫu. Từ lâu, thành ngữ “tám” trong dân gian được mặc định ám chỉ cho người nhiều chuyện, đưa chuyện làm quà. Rất nhiều người trút đổ nỗi đau của mình cho người thân nhưng không quan tâm hậu quả của nó sau khi mình trút đổ. Người thân chúng ta vô tình trở thành sọt rác của nỗi khổ niềm đau. Do đó chỉ nên tâm sự với người có khả năng tháo mở. Tâm sự xong thì không nhớ nữa, vì nhớ như vậy thì nỗi khổ niềm đau lại bị hâm nóng lên một lần, rất nguy hiểm.
Thực hiện bốn phương diện truyền thông trên, chúng ta sẽ luôn làm lành với hành động lời.
3. Làm lành với hành động ý
Cực kỳ khó! Trong Thiền tông, tâm ý được xem là mối quan tâm hàng đầu. Phương pháp thiền Tứ niệm xứ là nghệ thuật thanh lọc thân tâm, gồm bốn phương diện: quán thân, quán cảm xúc, quán tâm và quán ý niệm trong tâm.
- Quán thân đóng vai trò chức năng, nó không phải cái tôi vĩnh hằng. Do vậy khi nỗi khổ niềm đau đến, chúng ta không bị vướng vào. Quán thân bất tịnh để chúng ta không đam mê và tôn thờ thân là thượng đế, từ đó ta biết hài lòng với vợ chồng mình ở hiện tại; không lao theo con đường hưởng thụ với nhiều hình thức khác nhau.
- Quán cảm xúc theo hướng thủy triều lên xuống. Cảm xúc khổ đau dẫn đến bất mãn sân hận. Cảm xúc hạnh phúc dẫn đến chấp trước, tham ái, sở hữu, vướng dính. Cảm xúc trung tính dẫn đến chần chừ không dứt khoát, không quả quyết, không rõ ràng. Do vậy chúng ta trở nên si mê trong giai đoạn tính phản ứng chưa diễn ra. Đức Phật dạy chúng ta chỉ giữ lại cảm giác hạnh phúc, không để cho nó đi theo hướng tham ái. Biết nó mà không theo nó.
Còn hai dòng cảm xúc còn lại, phải vượt qua nó bằng những thực tập chuyển hóa có nghệ thuật, không đè nén ức chế, vì làm như thế sẽ dẫn đến các phản ứng phụ.
- Quán tâm có các phạm trù: tâm thiện, tâm ác, tâm chơn, tâm vọng, tâm tích cực, tiêu cực, tâm sân, tâm hoan hỷ, tâm từ bi, tâm sát hại, tâm vô minh, tâm trí tuệ… Người tu học chỉ giữ lại những tâm chân chính. Tâm vọng và những tâm còn lại chỉ biết mà không theo, phải tìm cách rũ bỏ nó. Sự rũ bỏ này giống như tình trạng, chỉ cần duy trì ánh sáng thì ta không cần phải đem vũ khí để tiêu diệt bóng tối. Bóng tối chỉ là nỗi ám ảnh; giữ ánh sáng thì bóng tối tự nhiên hết.
- Quán ý niệm trong tâm khó nhất. Nhưng khi quán niệm được thì chúng ta chắc chắn đạt con đường hướng về sự giác ngộ hoặc thành quả giác ngộ. Bởi vì có những hành động bên ngoài là thiện nhưng với động cơ xấu, mục đích xấu, nhằm che mặt luật pháp, hoặc nhằm cầu danh vọng… thậm chí nhiều người làm việc thiện còn mặc cả phước báu cho bản thân mình trên nỗi khổ niềm đau của con người và cuộc đời. Động cơ đó chưa được xem là động cơ thuần thiện, nên ở phương diện này khó thực hiện nhất.
Khuynh hướng của tâm thường quay về quá khứ, hâm nóng nỗi khổ niềm đau thêm lần nữa qua tâm trạng tiếc nuối những hạnh phúc đã qua, hoặc khuynh hướng chạy về tương lai với nhiều kỳ vọng, ý tưởng, và do vậy ta đốt cháy hạnh phúc hiện tại. Làm chủ tâm được xem là sống chánh niệm với các động tác đi đứng nằm ngồi; nói, nín, động, tịnh, thức, ngủ; hầu như ta không theo nó mà nó phải tùy thuận theo ta. Giữ dòng chảy chánh niệm vừa nêu thì người đó được xem là đang làm thiện với tâm ý.
Mức độ làm thiện thứ hai, động cơ hành thiện chỉ hướng đến con người và chúng sinh thay vì nghĩ cho bản thân. Nhiều người đóng góp mổ mắt cườm với mong muốn kiếp sau mình không bị mù, tâm trí được sáng láng. Như vậy, ta đang mặc cả nhân quả trên khổ đau. Thực ra, không cần phải cầu phước báu như thế. Tự động nhân nào sẽ trổ quả đó. Cũng như ăn một ly chè đậu xanh ít đường thì tự động gan hấp thụ chất bổ, ăn một ly đậu đen tự động thận sẽ khỏe mạnh. Còn ăn quá nhiều gia vị cay, nóng, dầu, lạnh… thì thận mệt mỏi, gan ì ạch. Nhân nào quả đó, không ai can thiệp được. Khi ta tạo nhân thiện cho cuộc đời thì tự động quả sẽ trổ. Vấn đề còn lại là thời gian và sự chăm sóc bởi các thuận duyên.
4. Phát tâm cúng dường ủng hộ
Đây là phần cứu nhân độ thế. Tu hành mà chỉ biết niệm Phật, trì chú thì không đi tới đâu. Có thể nhiều Phật tử sẽ sốc khi nghe điều này, nhất là khi đã dành mấy chục năm niệm Phật. Tuy nhiên cũng không cần phải tiếc nuối, vì niệm Phật giúp tâm ta bình an, được chánh niệm. Trên nền tảng đó, ta phát triển chánh định, đó là phần thiền chỉ. Nếu niệm có phương pháp sẽ trở thành thiền quán. Nhưng, nếu ta không làm vạn thiện công đức như Phật dạy trong phần lớn các kinh, bao gồm kinh A Di Đà, kinh Niệm Phật Ba La Mật vốn là hai bài kinh quan trọng của Tịnh Độ tông thì chúng ta không trọn vẹn phần thứ tư này.
Con đường giác ngộ giải thoát rất khó. Làm thiện cũng hỗ trợ đến sự giác ngộ, vì làm thiện là nền tảng của từ bi. Từ bi giúp ta phát tâm độ sinh và làm thiện có phương pháp là một phần của trí tuệ. Làm thiện dựa trên bát chánh đạo thì trí tuệ dễ dàng thành tựu. Do đó phải nỗ lực mà làm. Không vị Phật nào không có đức hiệu Minh hạnh túc. Minh là trí tuệ, hạnh là đạo đức và các việc làm lành. Làm Phật mà chỉ có một trong hai thì chưa phải là Phật.
Muốn tu giác ngộ giải thoát ngoài con đường tu đúng, tu đạo đức, tu trí tuệ, các việc làm lành, ta phải dấn thân phụng sự. Người tu đạo đức và làm việc thiện luôn có uy với chúng tăng, và được đông đảo quần chúng ủng hộ. Chỉ cần một tiếng nói là biết bao người lợi lạc.
Câu “Có đức mặc sức mà ăn”, hay “thuộc kinh Di Đà, ăn tới già không hết”, đó chỉ là câu nói vui, chứ trên thực tế chúng ta phải làm lành, tu thiện, giới đức thanh cao, trí tuệ siêu việt thì mới ăn đời đời không hết. Chẳng những thế còn mang lại lợi lạc cho biết bao người trong cuộc đời. Do đó, người Phật tử không bỏ qua cơ hội làm thiện với động cơ trong sáng.
5. Nghinh tiếp học hỏi, hành trì
Nghinh tiếp, học hỏi đạo sư và các vị xuất gia chân chính. Học hỏi hành trì thể hiện trải nghiệm sự tiêu hóa của Phật tử trong cuộc đời. Gần đạo sư để học hỏi đạo sư và hành trì những gì đạo sư dạy. Rất nhiều Phật tử đến với một vị đạo sư chỉ vì vị đạo sư đó quá nổi tiếng, làm đệ tử thì sẽ được hưởng lây uy tín. Hoặc đến với ông thầy, vì ông thầy đó lãnh đạo giáo hội, sư bà đó có vai trò lãnh đạo lớn ở địa phương, chứ không phải vì vị thầy, vị sư bà, Hòa thượng đó đạo cao đức trọng, trí tuệ siêu việt, phương pháp hướng dẫn trong sáng, dễ hiểu, thực tập có kết quả nhanh. Thậm chí nhiều người đơn giản đến với vị đạo sư vì vị đó làm đám tang cho cha mẹ quá trọng thể, nên đến để biết ơn suốt đời. Những phương tiện đến như thế rất cần thiết, không thể không có, nhưng chỉ dừng lại ở đó là một sự lỗ lã cho người Phật tử.
Khi đến chùa, đừng trông mong, kỳ vọng sư thầy cho mình quyền ưu tiên vì đã đóng góp nhiều Phật sự cho chùa, mà ta phải đến học hỏi một cách thầm lặng. Những lời kinh Phật dạy sâu sắc mà mình chưa hiểu tới do không có thời giờ nghiên cứu, nên mỗi lần gặp gỡ các thầy, các sư cô, ta phải khai thác góc độ này; đến tham vấn tâm linh, chứ đừng đến chùa chỉ ngồi tâm sự. Chuyện trong nhà ngoài phố kể cho các sư thầy nghe cũng chẳng để làm gì. Ta chỉ nên nói mấu chốt bị vướng mắc của bản thân mình, chẳng hạn gia đình đang có vấn nạn, mặc dù đã nỗ lực thực tập như thế nhưng vẫn chưa có kết quả, mong được thầy hay cô hướng dẫn. Sau đó, ta dành thời gian để nghe hơn là để nói.
Là một giảng sư, hàng ngày tôi nhận không dưới năm mươi cuộc điện thoại. Nhiều Phật tử hải ngoại gọi đến xin hẳn bốn mươi phút chỉ để tâm sự tràng giang đại hải chuyện gia đình. Chúng ta chỉ nên nói gọn trong vòng hai phút. Sau đó tôi hướng dẫn khoảng mười phút, phần còn lại tôi sẽ giới thiệu những trang kinh trên internet, những bài giảng, những đề tài phù hợp để Phật tử về nghe một cách cặn kẽ. Thuyết pháp qua điện thoại, mất nhiều thời gian mà chưa chắc độ nổi một người.
Do đó, đừng bắt các thầy, các sư cô phải nghe, đặc biệt nghe qua điện thoại ảnh hưởng xấu đến não bộ. Nếu ở xa, ta có thể tư vấn đơn giản, rồi sau đó nương vào những chỉ dẫn: bài giảng A, trang kinh B, trang web C, chứ đừng bắt buộc thầy hay sư cô phải hướng dẫn cho riêng mình. Hướng dẫn từng cá nhân như thế thì làm sao tu sĩ làm các Phật sự khác được. Thời đại này, thời gian như vàng bạc. Cho nên, ta cần quản trị thời gian và tận dụng thời gian tốt.
Học hỏi mà vẫn vướng thì ta tư vấn thêm. Hành trì mà chưa có kết quả thì biết mình làm chưa đúng, lúc ấy hãy nhờ đến các thầy. Cần nhờ, tốt nhất cũng thông qua giảng đường, những khóa học; cái gút mắc của mình cũng là gút mắc của hàng trăm, hàng ngàn Phật tử khác. Ta nêu ra, quý thầy hay quý sư cô hướng dẫn thì những người khác cũng theo đó mà được khai thông.
Đừng ích kỷ, chỉ muốn được giải thích cho bản thân. Đôi lúc, một số Phật tử cúng chùa biết bao nhiêu nhưng thầy lại không ưu tiên lo cho mình nên giận dỗi bỏ đi. Người Phật tử thuần thành phải biết dành thời gian để các thầy, các sư cô hướng dẫn Phật tử mới. Chúng ta đi chùa lâu năm, hiểu rõ Phật pháp thì cố gắng thực tập, hỏi thì hỏi giữa công chúng để nhiều người được lợi lạc, còn hỏi cho riêng mình thì thật uổng phí.
II. ĐẠO LÀM ĐẠO SƯ
Là một đạo sư lý tưởng phải nghĩ đến lợi lạc của đàn na thí chủ, bá tánh quần sanh. Tu cho bản thân thì rất dễ, ở tại gia cũng có thể tu được, không cần phải xuất gia. Do đó sáu vai trò Phật dạy sẽ giúp tu sĩ trở thành bậc đạo sư đích thực.
Đạo là người chỉ đường, sư là bậc thầy. Muốn làm bậc thầy chỉ đường không bị lạc lối thì chúng ta phải học đến nơi đến chốn và hành trì có kết quả.
Từ Sài Gòn ra chùa Pháp Thắng này khoảng 120km. Đường có bảng chỉ dẫn rõ ràng. Trên đường có hàng nghìn người mà đôi lúc ta hỏi không xong, phải hỏi người địa phương, chạy tới chạy lui mới tìm ra được. Như vậy, bản đồ có sẵn, máy chỉ đường cũng đã có mà đôi lúc còn đi lạc, huống hồ không học gì thì lấy đâu hướng dẫn.
Do đó ta phải quay trở về với lời dạy truyền thống của đức Phật. Chẳng hạn như các bài kinh Ngài dạy về “Bảy tài sản thánh”, điều bác học đa văn, học nhiều về chánh pháp, nghe nhiều Phật pháp, thực tập nhiều, được xem là một trong bảy tài sản thánh. Ai sở hữu khối lượng tài sản này sẽ có cơ hội trở thành thánh trong tương lai. Bí quyết võ công tâm linh mà không nắm vững thì làm sao hành trì.
Các trường Phật học ngày xưa, chẳng hạn đại học Nalanda luyện trung bình từ mười đến mười hai năm. Một tu sĩ học ròng rã mười hai năm thì không gì về Phật pháp mà không biết. Ra trường vừa đóng vai trò bác sĩ đa khoa tâm linh, ở những trường hợp cụ thể với nguyện vọng độ sinh, ta vừa có thể trở thành bác sĩ chuyên khoa về một số chứng bệnh tâm linh nào đó, chẳng hạn bệnh tham ái, tham dục, tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt. Người bệnh đến một vị thầy nào chuyên về các bài kinh hướng dẫn như thế thì họ rất vui sướng, được nghe vài ba câu là có thể tháo mở vấn đề. Có những vị thầy chuyên những bài kinh về chuyển hóa lòng sân. Người bị sân tới gặp sẽ đạt hiệu quả ngay. Tương tự cho các chứng bệnh tâm lý, hành động tiêu cực, thói quen xấu v.v… Do đó một vị tu sĩ theo đức Phật trong bài kinh này và hàng trăm bài kinh Pali, tức kinh điển Nikaya và A Hàm, đức Phật khuyên phải nắm vững Phật pháp.
1. Khuyên ngăn không để làm ác
Đệ tử tại gia đến tư vấn thì nên cung cấp dữ liệu về người thân của mình cho các thầy, các sư cô, chẳng hạn “con tôi đang nghiện cờ bạc”, “cháu tôi đang nghiện game điện tử”, “chồng tôi đang nghiện rượu”…, phải làm thế nào để vượt qua? Sau đó, ta sắp xếp cho chồng, con, cháu đến chùa gặp trực tiếp các thầy, các sư cô. Nhờ được cung cấp trước dữ liệu, nên khi gặp “bệnh nhân”, các thầy mời trà, tâm sự vài ba câu sẽ dễ dàng giúp người bệnh có cảm giác gần gũi và cảm phục. Từ đó, những lời khuyên chân thành của quý thầy mới đạt kết quả dứt ác bỏ thói quen xấu.
Nhiều Phật tử không nhớ lời dạy này, ngược lại còn yêu cầu nhà chùa xem ngày động thổ, cất nhà, khánh thành… những trò mê tín dị đoan, ngược hoàn toàn với lời Phật dạy, chẳng mang lại lợi lộc gì. Có người thì bị ám ảnh cha mẹ chết vào ngày trùng tang, ngày cung ly, cung sát chủ, nên đến nhờ chùa ếm trù làm sao cho tình hình được yên ấm. Do mê tín, ta lại vô tình vu oan giá họa cho ông bà tổ tiên, đó là tội đại bất hiếu, một trong ngũ nghịch tội. Nhiều người suốt đời không làm ác, nhưng tại sao cứ lận đận, là bởi vì vu oan giá họa cho ông bà mình, trong khi ông bà quá vãng không có cơ hội để minh oan. Nếu chưa tái sinh, ắt hẳn ông bà sẽ rất tức giận. May mắn là phần lớn con người chúng ta đều tái sinh ngay trong vòng vài ba giây sau khi nhắm mắt.
Đừng đến chùa than vãn người này người nọ, mà phải hợp tác với chùa và phải đưa người bệnh đến. Không cầu an hộ. Tụng thời kinh cầu an mà người bệnh không hề hay biết thầy tụng cái gì, không được nghe, không hiểu, thì đâu có tác dụng. Việc cầu an đó chỉ giải tỏa tâm lý cho người quan tâm; còn bản thân người bệnh hay người khổ đau bởi thói quen xấu, tật hư xấu thì vẫn còn y nguyên. Cha mẹ thấy con đang thất tình đôi lúc khuyên con cố niệm Phật. Phương pháp này cũng không tác dụng. Niệm Phật chỉ giúp tâm an ngay lúc đó, nhưng thất tình thì vẫn còn. Gốc rễ chưa được hiểu thấu thì khổ đau vẫn tiếp tục diễn ra. Trường hợp này, ta phải đem bài kinh Tứ diệu đế mà hướng dẫn con cái. Thừa nhận thất tình, đừng cường điệu hóa nó, đừng phớt lờ nó, đừng chán nản, đừng tuyệt vọng, đừng tự tử, đừng trốn tránh mà hãy truy tìm nguyên nhân tại sao. Xem lại bản thân có vô duyên không, có bỏ quên chồng (vợ) không? Có chăm sóc đúng không? v.v... tìm dây mơ rễ má của nó mới giải quyết được vấn đề. Tin tưởng vào hạnh phúc gia đình và thực tập con đường Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo giải quyết mọi vấn nạn từ cá nhân, gia đình, xã hội, thế giới; không có cái gì thoát ra khỏi nó. Rất nhiều người niệm thần chú, ấn tống 1.000 quyển kinh, nghĩ rằng làm như thế thì mọi nỗi khổ sẽ vượt qua. Thực ra không phải thế... Ấn tống có phước ấn tống; còn khổ thì phải thực tập mới hết khổ.
Do đó, vị đạo sư phải hướng dẫn tín đồ từ bỏ điều ác từ lúc còn manh mối. Sự hợp tác giữa nhà chùa và gia đình cũng giống như giữa gia đình với nhà trường thì con em chúng ta mới không rơi vào con đường xấu được.
2. Hướng dẫn nghệ thuật làm lành
Nghệ thuật rất quan trọng, vì nếu chỉ nói chuyện lành thì chưa đủ. Phải chỉ cách, mẹo vặt, hướng đi, các bước thực hiện để giúp con em mình thực tập và giải quyết nó. Ví dụ: một bà mẹ thích làm từ thiện. Thay vì đích thân làm, hưởng được việc thiện thì bà dạy nghệ thuật làm từ thiện. Bà ẵm đứa con đến tận nơi. Lúc phát quà, bà để con chứng kiến, đưa con cầm bao thư tặng tận tay những mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh. Từ thuở nhỏ, trẻ đã quen với động tác tặng, biếu, giúp, cứu thì khi nó lớn lên, trong cõi vô thức, những hạt giống trong a lại da sẽ khiến nó không thể dùng bàn tay này để mánh khóe, giựt dọc, cướp bóc, và làm thương tổn mạng sống người khác.
Cũng một khối lượng thiện đó, công việc thiện đó; người làm theo cách này sẽ được phước gấp đôi. Thứ nhất, ta được phước do mình phát tâm. Thứ hai, ta có thêm phước hướng dẫn, hỗ trợ người thân làm. Thứ ba, người thân do được cha mẹ quan tâm hướng dẫn, cho nên biết cách làm phước và hoan hỷ với phước đó. Dù không tự tay bỏ tiền nhưng vẫn có phước, đó là tùy hỷ công đức.
Đến cúng dường nhà chùa cũng vậy. Một số quý bà cúng dường chùa mà phải giấu giếm chồng, bởi vì chồng không hoan hỷ. Sống như thế rất khổ. Ta làm một việc thiện, chùa tặng phiếu công đức thì hãy ghi tên chồng; đợi khi chồng vui hãy đem ra thì niềm vui sẽ nhân lên. Hoặc ta ghi tên những đứa con trong gia đình. Phải thực tập tốt để chồng con noi gương. Còn tu mà về nhà không chuyển hóa, không an vui hạnh phúc, không chăm sóc chồng con, sẽ bị gia đình ngăn cản không cho đi chùa, cũng không muốn cho con đi theo.
Quý bà nên tu vừa phải. Đừng tu gắt như các sư cô. Đừng “nhập cảng” mọi sinh hoạt ở chùa về gia đình. Mỗi ngày một thời kinh là quá đủ. Tụng đầy đủ bốn thời kinh thì làm sao chồng hoan hỷ được. Trong các chùa đều có sự phân công theo từng thời điểm làm Phật sự, ai tụng kinh sáng thì miễn kinh chiều, ai tụng kinh chiều thì miễn kinh tối. Tu bền, chứ đâu phải tu như ngày mai mình chết. Mặc dù vô thường là thật, nhưng ta còn nhân quả phước báu chứ đâu phải muốn chết là có thể chết ngay. Do đó chúng ta phải tu bền, tu đều; thời gian còn lại phải chăm sóc những người thân. Việc chăm sóc đó là một phước thiện, đó là hạnh tu Bồ tát. Vợ chồng một ngày gặp mặt nhau không nói chuyện thì có tụng đủ bốn thời kinh cũng vô ích. Quý bà phải đổi cách tu để các ông chồng hãnh diện vì vợ mình là Phật tử. Đừng tu sai phương pháp theo kiểu về nhà “cấm vận” chồng. Phật nào dạy thế. Tại gia phải sống đúng tại gia, có trách nhiệm, nghĩa vụ, có tình thương, quan tâm, hỷ xả, rộng lượng, từ bi.
Các thầy, các sư cô phải hướng dẫn cho bằng được việc làm thiện. Đồng thời Phật tử cũng phải áp dụng cho bằng được nghệ thuật đó thì đạo Phật mới phát triển lâu dài.
3. Dạy dỗ vì thiện chí lớn
Giới tu sĩ cần phát xuất từ động cơ giúp người tại gia thoát khỏi nỗi khổ đau mà họ đang gặp. Đừng vì họ giàu mà ta mời đến chùa, vì họ phát tâm nhiều mà ta phải ưu tiên, vì cung kính mình nên họ muốn gì cũng được. Người tu sĩ phải có năng lực dạy dỗ, hướng dẫn làm sao có hiệu quả thực tập. Để việc hướng dẫn thành công, thì giới Phật tử cũng phải hỗ trợ, đến chùa không nhờ xem năm tháng ngày giờ, vì đó là mê tín chẳng giải quyết được gì. Là Phật tử thuần thành, ta nên đầu tư vào con đường tâm linh đạo đức và phước báu. Không đắm nhiễm trên phước báu có, mà chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh hơn.
Mỗi ngôi chùa cần tổ chức tối thiểu một tháng hai buổi thuyết giảng vào các ngày sám hối, ngày rằm hay mùng một. Một số chùa tại thành phố Hồ Chí Minh thường tổ chức thuyết giảng vào các ngày chủ nhật, thứ bảy, ngoài ngày sám hối.
Kể từ khi nhận nhiệm vụ phó ban hoằng pháp ở Sài Gòn từ mấy năm qua, tôi đã vận động thêm mười mấy giảng đường mới dành cho chư ni thuyết giảng; kêu gọi các lớp giáo lý mở rộng cho nhiều thành phần Phật tử khác nhau tham dự. Hiện nay, có khoảng bảy mươi giảng đường tại Sài Gòn, hai trăm năm mươi lớp giáo lý. Nếu tính theo tỷ lệ mười mấy triệu dân hiện nay thì Sài Gòn đang có quá ít giảng đường. Như vậy, đồng nghĩa Phật tử vẫn bị thiệt thòi.
Hiện nay, trên internet chứa tải vô số bài giảng của các vị cao tăng trong nước lẫn nước ngoài, các vị giảng sư lỗi lạc, các tăng sĩ trẻ, các sư cô cũng đóng góp một cách khá tích cực. Vấn đề còn lại là chúng ta biến những băng giảng đó trở thành giảng sư di động. Bằng cách thức sau:
Thứ nhất, ta hạ tải bài giảng về nghe. Nếu thấy tâm đắc thì phổ biến cho người thân, phổ biến qua diễn đàn, qua đường link internet hoặc sao chép băng đĩa đó. Kinh sách hiện nay đã không còn dạng quyển nữa mà là tập tin. Ta có thể lấy đại tạng kinh dạng âm thanh sao chép đưa vào máy vi tính, máy mp3 rồi mang theo nghe trên xe hay trong lúc làm việc gia đình. Vừa làm việc nhà vừa nghe, hiệu quả lao động vẫn không mất đi mà tâm mình được tập trung, hiểu thêm nhiều điều hay lẽ phải. Đó là cách hỗ trợ việc dạy dỗ của tu sĩ trong chùa.
Chồng không thích Phật pháp, ta cứ giả vờ lãng tai và mở băng đĩa Phật pháp to lên chút nữa. Tìm hiểu bệnh của chồng và chọn băng giảng đối trị bệnh đó. Lúc đầu có thể chồng sẽ bực bội, vạch lá tìm sâu, nhưng càng bới móc lỗi chừng nào thì càng vướng câu chừng đó, vì giáo pháp Phật rất cao siêu. Nghe mãi sẽ nhận ra lời Phật dạy vô cùng chí lý, khác hẳn quan điểm rằng đạo Phật mê tín dị đoan như trước đây. Tự động người chồng sẽ bội phục và đi theo.
Đối với người thân là trí thức không theo đạo Phật, trước tiên ta xem nghiệp của họ thế nào, sau đó nhờ các thầy tư vấn bài kinh, đoạn kinh gì dạy về nghiệp đó. Ta in ra đặt trên bàn làm việc. Sẽ có lúc người ấy hiếu kỳ, đọc lướt và ngộ. Còn đem về các bài kinh A Di Đà, Địa Tạng, thần chú thì làm sao người thân trí thức có thể tiếp nhận. Ta phải chọn đúng bài kinh, chọn đúng sách để việc hướng dẫn Phật pháp mới đạt kết quả tốt nhất.
Người tu cũng cần áp dụng phương pháp này như một bổn phận cho hàng đệ tử của mình. Chùa chiền ngày nay có phước hơn thời xưa. Ngày xưa ta chỉ có một nghi thức tụng niệm của Trung Quốc: kinh Thủ Lăng Nghiêm buổi sáng, cúng ngọ danh hiệu Phật buổi trưa, Mông sơn thí thực buổi chiều. Cúng cô hồn theo khóa tu tịnh độ thì dùng kinh A Di Đà, Dược Sư, Phổ Môn, Địa Tạng. Quá nghèo nàn, quá ít ỏi! Số lượng bài kinh đó nhằm trị đối tượng nào? Già, bệnh, chết, có tội. Trong khi đức Phật thuyết giảng trên ba trăm ngàn bài kinh dài, ngắn và vừa suốt bốn mươi chín năm. Ấy thế mà giới trẻ, giới tri thức, giới quản trị quốc gia, giới doanh nghiệp hầu như không có cơ hội học Phật pháp. Họ không hề biết rằng, thực tế không bài kinh nào, lãnh vực gì mà đức Phật không đề cập đến.
Ngoài nghi thức tụng niệm trong chùa, ta nên phổ biến thêm những bài kinh mang tính nhân thừa. Đừng xem thường nhân thừa, vì cuộc đời là sống trên mặt đất. Chùa có thể tu cao, nhưng người Phật tử phải áp dụng đúng với tầm nhu cầu của họ. Một nhà hàng giỏi, đầu bếp hay là phải làm sao đáp ứng khẩu vị của thực khách, chứ không phải trình diễn, biểu dương khẩu vị của mình. Hai việc này khác nhau. Khẩu vị tâm linh của người tu rất cao, đó là giải thoát; còn khẩu vị tâm linh của người tại gia là hạnh phúc, bình an, phát triển bền vững trong cuộc đời. Phải thấy rõ sự khác biệt thì việc dạy dỗ của người tu sĩ đối với người tại gia mới đạt hiệu quả mong đợi.
4. Mở mang những điều chưa biết
Chùa nào không giảng kinh thuyết pháp thì Phật tử bị mù chữ về Phật pháp. Chùa nào chỉ chuyên về một cái gì đó thì người Phật tử sẽ bị mù chữ Phật pháp về những cái còn lại. Ta cứ hình dung trong y khoa, nếu không có một phương thuốc nào trị bá bệnh, thì trong tâm linh cũng không có một pháp môn nào, một bài kinh nào trị bá bệnh chúng sinh. Chân lý đó không khác nhau.
Trước đây nghe người ta quảng cáo lá sống đời trị bá bệnh, lá xuyên tâm liên trị bá bệnh, canh dưỡng sinh, cây lô hội (nha đam), nước tiểu v.v… Chuyện đó không đúng sự thật về mặt y khoa. Mỗi bài kinh theo tôi là một thực phẩm tâm linh. Nó có dưỡng chất tâm linh nào đó, có chất bổ hạnh phúc, chất bổ trí tuệ nào đó. Ta càng đưa vào sự thực tập của mình nhiều loại chất bổ như thế thì ta sẽ có một hệ thống miễn nhiễm trước tội lỗi, khổ đau, phạm pháp, thói hư tật xấu tốt chừng ấy. Giống như buffee vậy, buffee tâm linh thì phải có nhiều bài kinh. Ăn mãi món gạo lức muối mè để trị một số chứng bệnh, trong khoảng thời gian nhất định là điều cần thiết; nhưng ăn một món nào đó cả đời dù là cao lương mỹ vị thì chẳng ai chịu nổi đến ngày thứ ba. Nó dư chất này nhưng lại thiếu các chất còn lại.
Việc hướng dẫn những điều chưa biết cũng thế. Nay ta giảng chủ đề này, mai hướng dẫn điều thiện kia, ngày mốt hướng dẫn giá trị nọ. Còn cứ xoay quanh những nghi thức tụng niệm trong chùa thì sau một năm là cạn đề tài; trong khi Phật tử đâu phải chỉ đi một năm, mà họ đi cho đến lúc nhắm mắt lìa đời; rồi đến thế hệ con cháu lại tiếp tục đi. Cho nên, ta phải luôn đem lại cái mới.
Sở dĩ số lượng khóa tu tại chùa Hoằng Pháp ngày càng đông, theo tôi do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố liên tục mời giảng sư mới đóng vai trò chủ chốt. Giống như sân khấu, các ngôi sao nổi tiếng cỡ nào đi nữa thì sau quãng thời gian theo dõi cũng bão hòa. Ban tổ chức phải mời ngôi sao khác đến, mời Bắc vào Nam, Nam ra Bắc, hải ngoại về Việt Nam, Việt Nam ra hải ngoại, để khẩu vị thưởng thức được thay đổi liên tục. Tâm linh cũng vậy, một giảng sư giảng hay, nhưng nếu cứ giảng mãi một chỗ sẽ khiến thính chúng nản; nhìn mặt giảng sư đó là biết chuẩn bị nói gì, mới nói câu đầu đã đoán nghĩa câu thứ hai. Do đó không tạo được tâm khát ngưỡng, tầm cầu từ Phật tử. Sức truyền cảm, truyền dẫn, sức thuyết phục về việc đưa vào thực tập không còn cao nữa, ngoài một số giảng sư có năng lực đặc biệt, giảng năm ba chục năm mà người nghe vẫn thấy mới, không thấy bị bão hòa.
Chùa Hoằng Pháp, cứ đến khóa tu là có giảng sư mới. Các giảng sư trong và ngoài nước dù giỏi cỡ nào đi nữa cũng chỉ được mời một hoặc hai lần trong năm. Đó là cách ta tạo điều kiện cho Phật tử nghe những điều chưa nghe. Mỗi thầy, mỗi sư cô có sở trường, sở đắc, và kinh nghiệm riêng. Do đó học càng nhiều vị, lòng chúng ta mở ra, tâm trí càng tốt hơn. Nó không bị khuôn việt, không bị giới hạn, không bị cực đoan, điều đó rất cần thiết.
5. Giúp hiểu pháp sâu sắc hơn
Phật pháp bao giờ cũng sâu sắc. Nội dung ý nghĩa của Phật pháp có thể chia thành nhiều lớp, nhưng chủ yếu là nghĩa đen và biểu tượng triết lý. Nếu không được hướng dẫn cặn kẽ bởi vị đạo sư nhiều kinh nghiệm thì ta chỉ có thể hiểu nghĩa đen mà bỏ đi giá trị cao quý sâu sắc bên trong, rất thiệt thòi. Ví dụ phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm, câu “Niệm bỉ Quan Âm lực”, lặp lại mấy chục lần phần trùng tụng của bài kinh. Phần lớn các băng dịch người ta dịch “Niệm danh hiệu Quan Âm”, bỏ đi chữ “lực”. Thực ra, Quan Âm lực khác với Quan Âm. Quan Âm là danh từ riêng chỉ Bồ Tát “Ar ya va lo ki te śva ra” còn được gọi là “Quán Tự Tại” hay “Quan Âm Quán Thế Âm”, vị Bồ tát của lòng nhân từ, trí tuệ, vị Bồ tát không sợ hãi và giúp chúng sinh thêm trí tuệ để đạt được sự không sợ hãi. Bỏ đi chữ “lực” thì ta chỉ nhớ đến Bồ Tát Quan Âm như một người độ sinh; rồi từ đó chúng ta biến Bồ tát trở thành Chúa hay đức mẹ Maria, cầu nguyện Ngài gia hộ cái này cái nọ. Trong khi “Quan Âm lực” là năng lực Quan Thế Âm, năng lực hành trì. Cho nên hiểu theo nghĩa đen là niệm Quan Âm; còn hiểu theo nghĩa triết lý, đúng với mạch văn kinh là năng lực Quan Âm.
Năng lực Quan Âm là năng lực gì? Mang niềm vui bằng sự hiểu, cảm thông bởi hai tai và nhận thức. Phần lớn chúng ta thích nói chứ không thích hiểu người khác. Nhiều người đóng vai trò gia trưởng, biến mình trở thành cán cân chân lý, trở thành thẩm phán trong gia đình rồi phớt lờ hết những góp ý của mọi người, dù đó là vợ con. Vợ đóng vai gia trưởng thì gia đình càng khổ hơn, biến ông chồng trở thành “sợ vợ”, các đứa con nhất là con trai trở nên yếu ớt.
Do đó thực tập năng lực Quan Âm là nghe mà không chỉ trích, nghe không giận dữ, nghe để tìm hiểu nguyên nhân cảm thông, để biết tại sao người thân ta khổ, tại sao người thân ta ứng xử thế, nói thế, làm thế mà ra nông nỗi đến thế.
Nghĩa gốc của “Ar ya va lo ki te śva ra” là Quán Tự Tại. Ta quán chiếu cuộc đời vô thường, quán chiếu thân này vô ngã; mọi sự vật, hiện tượng là vô ngã sở hữu để ta sống tự tại thong dong trên cuộc đời ba chìm bảy nổi. Cái đó mới là một túi khôn, một ứng xử thông minh. Đa số con người chỉ biết cầu Quan Âm bên ngoài mà không hề biết Quan Âm lực. Ai cũng có Quan Âm lực, chỉ cần thực tập là có thể đạt được. Thay vì cầu đức Quan Âm thì hãy trở thành vị Quan Âm đó trong đời sống thực tế với những người thân thương và với cuộc đời; giá trị của mình từ đó được nâng cao nhiều hơn.
Phải biết ban niềm vui không sợ hãi. Một buổi tối âm u, sấm sét, lá cây xào xạc, đứa con sau khi xem phim ma và truyện ma bỗng sợ không dám xuống nhà vệ sinh hoặc không dám bước ra khỏi nhà. Ta muốn con không sợ nữa thì hãy nắm lấy tay nó dắt đi, nói chuyện vui vẻ với nó… Trạng thái bình tĩnh vững vàng của ta, tự động nguồn năng lực không sợ hãi này sẽ lây lan làm cho con mình bình tĩnh lại. Muốn thế ta phải có chánh niệm và chánh định. Niệm Phật kinh A Di Đà được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm là chánh niệm, và bất loạn chính là chánh định. Ta phải làm sao đạt được giá trị này thì mới an lạc hạnh phúc.
Như vậy, khi hiểu theo nghĩa triết lý thứ hai, bài kinh Phổ Môn không phải để chúng ta biến Bồ tát Quan Âm trở thành vị Chúa nhân từ mà ta phải học để trở thành Bồ tát ấy ngay bây giờ và tại đây, sau đó mới giúp đỡ mọi người. Các bản kinh đại thừa ngoài nghĩa đen đều có lớp nghĩa triết lý. Do đó phải hiểu sâu sắc Phật pháp. Các giảng sư, đạo sư, thầy trụ trì, các tu sĩ nói chung hướng dẫn Phật tử cũng cần hướng dẫn cả hai phương diện nghĩa pháp: nghĩa đen và triết lý.
6. Chỉ dạy con đường sanh thiên
Kinh điển Nikaya chú trọng nhân thừa và thiên thừa cho người tại gia. Theo tôi đó là mối quan tâm cực kỳ sâu sắc. Kinh điển Nikaya không bàn đến sự giải thoát cho người tại gia. Lý do tại sao? Người tại gia đang sống đời sống ái dục, có quan hệ vợ chồng, hạnh phúc vợ chồng, có tham ái hiện hữu. Dù đến tuổi chín mươi, nhu cầu tham ái không còn nhưng không có nghĩa nó đã hết. Tham ái vẫn tiềm ẩn trong cõi vô thức như một bản năng. Ngay cả trong tình huống một trong hai người đi trước, người còn lại không có nhu cầu tái giá, không màng đến việc hưởng thụ nữa thì không vì thế mà tham ái đoạn trừ. Thực tế, nó vẫn còn.
Cho nên, người tại gia sẽ không bao giờ chứng đắc giác ngộ, giải thoát. Vì sơ quả A La Hán đòi hỏi phải diệt tham, sân, si; kinh A Di Đà cũng nói thế. Sanh Tây Phương thì phải có năm điều kiện:
- Căn lành lớn, tức là hết tham, sân, si.
- Vạn thiện công đức, tức công đức lớn.
- Nhân duyên tốt lớn, tức tạo điều kiện cho người thân cùng tu, xã hội cùng tu.
- Lấy dữ liệu Ta bà, xây dựng Tịnh độ. Tức gió thổi, thông reo, suối chảy, mây bay, chim hót líu lo đều xem là pháp âm.
- Nhất tâm bất loạn.
Theo tôi, người tại gia có thể chứng mức tối thiểu là sơ quả A La Hán. Khi có được sơ quả A La Hán, tôi đoan chắc người đó sẽ không còn muốn sanh đi đâu nữa, ở ta bà này cũng đã quá hạnh phúc. Đó là lớp nghĩa bóng, lớp nghĩa triết lý bằng văn tự hiện thực rất sâu sắc.
Cho nên Phật chỉ dạy người tại gia con đường sanh thiên, sanh làm cõi người, chứ không dạy con đường giải thoát; mà có muốn họ cũng không giải thoát được. Tu sĩ tu nhiều kiếp chưa chắc giải thoát, huống hồ người phàm. Thiên không phải là tiên nữ trên các cõi trời, cũng không phải là các ông đạo tiên của tôn giáo khác, mà là người ngoài hành tinh vượt trội hơn con người trên địa cầu chúng ta về năm phương diện: hình thù vóc dáng, tuổi thọ, trình độ tri thức, đời sống đạo đức và môi trường sinh thái tốt. Khi ta làm việc thiện, nghĩa cử cao thượng, đúng với năm điều đạo đức tại gia, đúng với năm bổn phận trong kinh Thiện Sanh này, chúng ta sẽ có con đường sanh thiên, tức là tái sanh vào một hành tinh khác, nơi đó đời sống con người cao hơn chúng ta rất nhiều.
Năm mươi năm trở lại đây, chúng ta đã nghe đến con người ngoài hành tinh qua đĩa bay không xác định, đó là một dạng chư thiên. Muốn có phước báu tái sinh thành người ngoài hành tinh, ta phải làm phúc rất lớn; Cho nên người tại gia đừng bận tâm đến giải thoát. Ai muốn giải thoát thì chọn con đường xuất gia. Nơi đó ta có không gian tâm linh thuận lợi, thời gian tâm linh tốt, phương pháp tâm linh ưu việt, bạn đồng tu hòa hợp để ta tu có kết quả. Còn ở tại gia, hãy sống hạnh phúc vợ chồng, làm cha mẹ có trách nhiệm với con cái, làm con cái hiếu kính cha mẹ, anh chị em hòa thuận, dấn thân đóng góp cho xã hội phát triển ổn định. Đó là mẫu chuẩn người tại gia mà đức Phật đã nêu.
Như vậy, đạo sư phải nắm vững sáu phương diện trên. Khi đến học hỏi ở bậc đạo sư, Phật tử hãy nhấn mạnh vào một hoặc cả sáu phương diện này. Những người tại gia sống đơn độc ở tuổi về hưu, mặc dù không vào chùa ở, nhưng muốn đi con đường giải thoát thì cơ hội thực tập có thể cao. Lúc đó hãy hướng đến con đường xuất gia chân chính. Còn đại đa số Phật tử tại gia nên hướng về hạnh phúc con người và hạnh phúc cõi trời là đủ. Dù điều này nghe hơi ngược tai, ngược với những gì chúng ta đã từng nghe giảng đây đó; nhưng tôi không lấy tư biện cá nhân mà dựa vào kinh điển để phân tích. Tư biện thì mỗi người một kiểu, nhưng kinh điển thì chỉ có chuẩn mực. Cho nên dựa vào kinh, theo lời Phật dạy, chúng ta sẽ tu ăn chắc mặc bền, rất đảm bảo.
Nhân mùa Vu Lan, ôn lại một phần quan hệ tâm linh giữa người tại gia và xuất gia, để chúng ta thấy vai trò của người tại gia rất lớn. Vai trò của người xuất gia lại càng cao hơn. Từ đó, khi phát tâm cúng dường, giúp đỡ người xuất gia, chúng ta chỉ hướng đến mục đích giúp vị đó tu học đến nơi đến chốn, chứ không nhằm mục đích sở hữu vị ấy, hoặc khống chế vị ấy rồi bắt nhà chùa phải theo khuynh hướng của mình. Tại hải ngoại đang xuất hiện khuynh hướng này. Phật tử nào đóng góp nhiều cho chùa thì thường yêu cầu thầy trụ trì, sư cô trụ trì làm theo ý mình. Không được đáp ứng là bỏ đi, thậm chí còn vận động các Phật tử khác cùng bỏ đi, để cô lập chùa và gây sức ép cho chùa.
Người Phật tử thuần thành không bao giờ làm như thế. Sau này phương pháp tu của mình khác với thầy hoặc mình không còn duyên với thầy, duyên với nơi mình tu học nữa, thì đi đến chỗ khác, chứ đừng tác động xấu. Việc đóng góp của chúng ta có giá trị vào thời điểm đó thì sẽ có giá trị vào những thời điểm sau. Còn nuối tiếc, hay hành động sai, chúng ta sẽ tổn phước, tổn đức. Toàn bộ phước báu thành tro bụi. Người Phật tử thuần thành cần học hạnh khiêm tốn, đóng góp nhiều nhưng không cậy công ỷ sức. Kêu gọi việc gì là hưởng ứng việc đó trong điều kiện và khả năng. Ai có tịnh tài đóng góp tịnh tài, ai có công sức đóng góp công sức, ai có trí tuệ đóng góp trí tuệ.
Người xuất gia cũng vậy, hướng dẫn Phật tử đồng thời hướng họ đến tu học ở những nơi khác, đừng sợ bị mất. Sợ thì sẽ mất, còn không sợ sẽ không mất. Phật đã dạy vô ngã sở hữu. Chúng ta hướng dẫn Phật tử đến chùa, hướng dẫn tận kỹ trong tang chế, hôn nhân, trong nỗi khổ niềm đau, bệnh tật, trong hộ niệm trước chết, đang chết, sau chết… thì thử hỏi Phật tử nào bỏ chùa được.
Không có hạnh phúc nào trong cuộc đời mà không được sự chăm sóc của nhà chùa. Thay vì lo sợ Phật tử đi chỗ khác thì hãy đầu tư giúp Phật tử hạnh phúc như chính mình. Đó mới là vị đạo sư có trọng trách, có lòng từ bi, trí tuệ lớn, có mối quan tâm đến đàn na thí chủ, có nỗ lực đền đáp công ơn đóng góp của họ cho sự tu tập và thành công của mình cũng như chúng tăng trong chùa.
Kính chúc toàn thể quý Phật tử an lành, hạnh phúc tinh tấn trên con đường tu. Cố gắng trải nghiệm những bài kinh nguyên văn mà đức Phật dạy trong phần Thiện Sanh này.
Kèm theo mùa Vu Lan, tôi gởi đến quý vị món quà, đó là kinh “Nghi thức tụng niệm” do tôi dịch, gồm tất cả mười bốn nghi thức. Trong đó có vài nghi thức mà người tại gia có thể sử dụng như: nghi thức cầu an, cầu siêu, sám hối, lễ cưới, quy y,…; các nghi thức còn lại như: nghi thức công phu khuya, cúng ngọ, công phu chiều thì người tại gia không cần.
Vì là sách về nghi thức nên phải trình bày đủ, còn người đọc chỉ nên chọn lọc cái gì cần. Không nên buông hết khi đang sống đời sống vợ chồng hạnh phúc, làm ăn khấm khá. Người Phật tử phải biết thực tập tinh tấn Ba la mật, tu hoài, làm phúc hoài, hướng dẫn người thân, chăm sóc người thân hoài. Người tại gia phải sống đúng vai trò tại gia, chứ đừng sống theo kiểu thầy tu. Tụng kinh mỗi ngày một thời là đủ, đừng nhiều hơn, hãy dành thời gian còn lại đầu tư cho việc làm phúc, tham gia Phật sự, cứu người, giúp đời. Những việc đó cũng là pháp tu. Tất cả pháp môn đều dựa vào bát chánh đạo, gồm chánh tinh tấn. Ai bỏ việc thiện mà chỉ chuyên niệm Phật, chuyên trì chú thì không đúng theo tinh thần bát chánh đạo.