NỖ LỰC CHO HÒA BÌNH
Hội thảo Phật giáo Quốc tế lần thứ V được tổ chức tại Việt Nam, nhiều diễn đàn Phật giáo thế giới đã chú trọng và nhấn mạnh đến ý nghĩa hòa bình thông qua lời dạy của đức Phật. Vào ngày 11 đến 18-4-2006, Diễn đàn Phật giáo thế giới đã diễn ra tại tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Chủ đề của diễn đàn này là “Thế giới hòa bình bắt đầu từ tâm”. Vào ngày 19 đến 22-4 tại Đài Loan, đặc biệt là trụ sở Phật Quang Sơn thế giới ở Cao Hùng, Hội nghị lần thứ 23 của Hội Liên hữu Phật tử Thế giới diễn ra với chủ đề: “Phật giáo và sự khoan dung cho hòa bình thế giới”.
Từ ngày 7 đến 10-5, tại thủ đô Bangkok – Thái Lan, Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ III đã diễn ra nhân Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc, cũng xoay quanh chủ đề Phật giáo đóng góp cho hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững.
Ban Điều phối hội thảo quốc tế của Phật giáo khắp thế giới đều đặt trọng tâm vào nền tảng lời dạy hòa bình của đức Phật, không phải không có lý do. Nhớ lại năm 1981, lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đề nghị có Ngày hòa bình thế giới trong phiên họp 67 của Đại hội đồng lần thứ 36. Đến 20 năm sau, năm 2001, Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa trong Đại hội lần thứ 55, phiên họp 282 đã thảo luận rất kỹ và đi đến kết luận bằng một nghị quyết chọn ngày 21 tháng 9 dương lịch làm Ngày hòa bình thế giới.
Trong nghị quyết, Liên Hiệp Quốc giải thích và yêu cầu tất cả các chính quyền, đảng phái, dân tộc, tôn giáo và mọi thường dân đến ngày 21 tháng 9 phải ngưng hết tất cả mọi hoạt động chiến tranh, không gieo rắc hận thù. Bên cạnh đó, những hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, cầu nguyện hòa bình ở các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo được diễn ra. Ai theo tôn giáo nào thì cầu nguyện theo nghi thức của tôn giáo đó. Liên Hiệp Quốc đã có Ngày hòa bình thế giới là nỗ lực đáng trân trọng.
Các tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới đã vận động Liên Hiệp Quốc thừa nhận ngày Đại lễ Phật đản làm Lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới. Đồng thời vận động các quốc gia thừa nhận ngày Phật đản là ngày Quốc lễ, chào mừng ngày ra đời của đức Thế Tôn, mang lại an lạc hạnh phúc cho số đông, chư Thiên và loài người. Dĩ nhiên, nỗ lực đó gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù được Liên Hiệp Quốc chính thức công bố từ năm 1999 và kể từ đó đến nay Phật giáo thế giới đã tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc vài lần, với mong mỏi rằng ngày Đại lễ Phật đản được công nhận là Ngày hòa bình thế giới.
Mặc dù nỗ lực đó đi hơi chậm nhưng cũng góp phần giúp thế giới thấy được rằng, những lời dạy của Thế Tôn mang yếu tố hòa bình, không hận thù, không giết chóc, thể hiện từ bi, hỷ xả, khoan dung, độ lượng, tha thứ, bỏ qua quá khứ, thiết lập tình nhân loại và yêu sự sống của con người đối với các loài động vật và môi trường thiên nhiên.
Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chỉ đề cập đơn thuần là ngừng bắn để bảo hộ sự sống của con người. Trong đó không hề có một từ nào đề nghị ngừng sát sanh, giết chóc, bạo động, vì sự sát sanh các loài động vật đối với Liên Hiệp Quốc và các tôn giáo khác trên thế giới là không quan trọng. Mỗi khi tâm con người với những hạt giống và thói quen của sự giết hại vẫn còn, thì hòa bình có giá trị rất ít, nếu không nói là không đáng kể.
Dù không giết người, không bắn, không bạo động với con người, nhưng ta có thể gây tổn hại đến loài động vật và thiên nhiên theo cách “Giận cá chém thớt”. Hạt giống bạo động đó đã được chuyển tải và dùng vào phần thế giới còn lại của sự sống. Hòa bình đó chỉ có ý nghĩa phân nửa cho thế giới loài người mà thôi.
Ý nghĩa của hòa bình thế giới theo đạo Phật phải được mở rộng, bởi vì thế giới không chỉ bao gồm có con người, mà có tất cả các loài động vật, nói chung tất cả chúng sinh. Chính vì thế, thế giới hòa bình phải bắt đầu từ tâm với nhau trong mối quan hệ con người, các loài động vật và thiên nhiên. Đặt bối cảnh của nội dung đó vào Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc ta thấy ý nghĩa của hòa bình thế giới trở thành vấn đề trọng tâm, nhất là liên hệ đến bối cảnh chiến tranh dây dưa trên thế giới như hiện nay.
Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế chiến thứ II, với mục đích tạo ra an ninh cho toàn cầu. Nỗ lực của Liên Hiệp Quốc là hạn chế chiến tranh một cách tối đa, tiêu hủy tất cả các loại vũ khí có thể dẫn đến hủy diệt loài người, hoặc giết người hàng loạt. Nhưng giới hạn của Liên Hiệp Quốc là không thể ngăn cản được khuynh hướng chiến tranh và ngừng vũ khí một cách trọn vẹn, nhất là từ tâm con người. Lòng tham và quyền lực của con người, các đảng phái, quốc gia, liên minh khó có thể chấp nhận tuyệt đối từ góc độ hòa bình, như lòng từ bi của đức Phật đã dạy.
Một trong những phương hướng mà Liên Hiệp Quốc dạy và yêu cầu mọi người tôn thờ Ngày Quốc tế hòa bình, là thực tập một phút mặc niệm vào giữa trưa. Trước và sau đó là các hoạt động rất ấn tượng, chẳng hạn, treo cây cột cao 2.5m tượng trưng cho hòa bình và sự yêu chuộng hòa bình. Trên thân cột có ghi: “Nguyện cầu hòa bình có mặt trên thế giới”. Dân tộc nào ghi ngôn ngữ của dân tộc đó. Cây cột hòa bình này tượng trưng cho ý thức về giá trị của đời sống an vui, hạnh phúc khi các loại hình sự sống được tôn trọng.
Sự bình quyền về mạng sống giữa con người và các loài động vật được Phật giáo đề cao, đến độ các tôn giáo khác cảm thấy rất khó chịu vì họ nghĩ rằng: Thượng đế và các thần linh đã tạo ra các loài động vật để phục vụ, chu cấp cho đời sống của con người. Lý luận của tôn giáo nhất thần làm ta nhận ra ân sủng lớn từ Thượng đế. Nếu phân tích một cách cùng tột, thì sự thương xót giả định của Chúa là tình thương có phân biệt.
Đạo lý “Vật dưỡng nhơn” được cả thế giới ca ngợi, lại có nhiều giới hạn, bởi chủ yếu là phục vụ cho con người, còn các loài chúng sanh khác không được quan tâm. Trong khi đó, sự tương tác về quy luật của đời sống cho thấy rằng không chỉ có con người mới tồn tại, các sinh vật khác cũng đồng tồn tại trên hành tinh này.
Từ bi của đạo Phật vượt lên trên bác ái và các học thuyết nhân bản thông thường. Người ta ca ngợi nhân bản như là đạo lý quan trọng, nhưng chỉ phục vụ cho con người, trong khi đó hòa bình thế giới là cho tất cả mọi loài chúng sinh. Chính vì thế, ta có thể nạp thêm những nội dung từ bi của đạo Phật cho đạo lý hòa bình thế giới của Liên Hiệp Quốc, để giá trị hoà bình được cao đẹp hơn.
Tổ chức triển lãm về tình thương, an vui hạnh phúc sau chiến tranh vốn có quá nhiều tan nát, chết chóc, khổ đau, là các hoạt động chào mừng hoà bình có ý nghĩa thiết thực. Các hoạt động vì hoà bình đòi hỏi sự hiểu biết, tha thứ, hỷ xả, bao dung... Từ đó chất liệu của lòng từ bi và an lạc mới có thể được thiết lập và thay thế những cảm xúc khổ đau trong quá khứ, do chiến tranh gây ra trên khắp hành tinh.
Nếu chiến tranh được quan niệm là một trong những nỗ lực giành quyền lợi cho cộng đồng, dân tộc, quốc gia hay liên minh thì ngược lại hòa bình là nỗ lực mang an lạc hạnh phúc đến cho toàn thể nhân loại. Sự giành giật quyền khống chế giữa chiến tranh và hòa bình, mở chiều sâu tâm thức và thái độ tâm lý của người tham chiến.
Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc và giá trị của sự hy sinh đã được các quốc gia trên thế giới đề cao, để các chiến sĩ lao vào trận chiến và họ chỉ có một sự lựa chọn: chết hoặc sống. Cái chết của bản thân họ có thể dẫn đến sự tang tóc và khổ đau cho dân tộc. Cho nên phần tìm đến sự sống trở thành nhu cầu rất lớn, họ cần phải tham chiến với tất cả lòng yêu nước sẵn có, nhằm mang lại hòa bình cho dân tộc. Dĩ nhiên giữa hòa bình và chiến tranh, sự chiến thắng chỉ nằm ở tuệ giác của con người được thiết lập trên nền tảng từ bi.
Trong chiến tranh không có hòa bình đích thực, mà chỉ có hòa bình và an lạc tạm thời. Dù có hòa bình thật sự đi nữa thì sự thái bình chưa chắc đã có. Vẫn còn đó các hình thái bất công xã hội bao gồm giới tính, sắc tộc, màu da, chính trị, văn hóa. Dường như tất cả những bất công về xã hội vẫn còn đầy rẫy ở nhiều quốc gia, mặc dù chiến tranh chưa từng có mặt trên đất nước họ. Chính vì thế ý nghĩa hòa bình trên nền tảng của chính trị học và xã hội học, chỉ tương đối.
Đề cập đến cấp độ xã hội học của hòa bình là nhắc đến góc độ không có chiến tranh, ngừng tất cả hoạt động của bạo động, giết chóc, tàn phá. Như vậy nó được đánh dấu như chiến thắng lớn của các chủ nghĩa. Trong khi đó ý nghĩa nội tại của hòa bình liên hệ đến tâm và nhận thức của con người, bởi chiều sâu của nó đặt trên nền tảng tất cả ý nghĩ của sự sát sanh, ý niệm về bạo động, và cả những khuynh hướng về giành giật, đấu đá, phân chia, bất công đều đã được chuyển hóa một cách rõ rệt.
Do đó, đạo Phật dạy hòa bình phải khởi đi từ tâm thức đã được chuyển hóa trọn vẹn, để lòng tham đắm dẫn đến sự tranh chấp không còn nữa. Ở đó lòng sân hận, kiêu hãnh, trả đũa niềm đau do người khác tạo ra cho bản thân, gia đình, dân tộc, quốc gia mình không còn nữa. Từ đó lòng si mê đấu tranh, giết chóc được lắng dịu. Đó là hòa bình của đời sống nội tại.
Dĩ nhiên, các ý thức hệ chính trị trên khắp thế giới khó có thể chấp nhận được đạo lý hòa bình từ nội tâm của đạo Phật. Vì nó đòi hỏi đến sự chuyển hóa tâm thức, sự hy sinh của thắng và bại, chỉ còn lại sự an lạc hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi loài. Chỉ có vượt lên trên mọi ý thức hệ chiến tranh vì quyền thắng của một bộ phận hay một phe đối chiến nào đó thì mới có thể tiếp cận được ý nghĩa hòa bình như đức Phật đã dạy.
NGUỒN CỘI CỦA CHIẾN TRANH
Khoảng bốn năm sau khi Thế Tôn thành đạo, Ngài đã được các vị đệ tử kể lại sự kiện tranh chấp căng thẳng diễn ra từ nhiều năm giữa hai bang Calavaskun và Kylavaskun. Chỉ vì tranh chấp quyền sử dụng nước, hai tiểu bang này trở thành kẻ thù trong giết chóc và loại trừ.
Nghe được tin đó, Thế Tôn đến đứng ngay biên giới giữa hai tiểu bang. Cuộc chiến đã sắp bắt đầu, và dường như nó sẽ diễn ra trong tích tắc. Tất cả đồ đệ cảm thấy rất lo cho Thế Tôn. Nếu không may cuộc chiến diễn ra thì mạng sống của Thế Tôn chưa chắc được đảm bảo. Phật vẫn an nhiên, tĩnh tại ngồi thiền trước hai đội quân rất hùng hậu. Một vị đại tướng đã cất lời yêu cầu:
- Thưa tất cả các binh sĩ hai bên, chúng ta chứng kiến Bậc Giác ngộ thuộc dòng tộc Sakya đang có mặt giữa hai đội binh chúng ta. Ngài là biểu tượng của tình thương và hòa bình. Tôi đề nghị chúng ta hãy hoãn cuộc chiến, vì như vậy chúng ta đang xúc phạm đến Thế Tôn.
Sau lời yêu cầu của vị đại tướng, tất cả các binh sĩ hai bên đã bỏ hết cung tên, giáo mác xuống. Thế Tôn nhân cơ hội đó hỏi vị đại tướng:
- Vì lý do gì mà ngày hôm nay binh và tướng của hai thành phố đã có mặt tại đây với thái độ rất căng thẳng?
Tất cả binh sĩ đều trả lời:
- Chúng tôi có mặt tại đây là để chiến tranh. Thế Tôn hỏi tiếp:
- Các vị chiến tranh vì động cơ gì? Mục đích gì? Không ai bảo ai, họ trả lời:
- Chúng tôi chiến tranh vì nguồn nước ngọt, không có nước ngọt chúng tôi sẽ chết.
Thế Tôn hỏi tiếp:
- Xin các vị hãy làm một so sánh nhỏ, giá trị của nước so với giá trị mạng sống của con người như thế nào?
Mọi người im lặng. Một binh sĩ đứng lên thưa:
- Bạch Thế Tôn, sông hồ, biển cả chỉ có giá trị giải khát, tắm giặt, nên không là gì so với mạng sống vô giá của con người.
Thế Tôn kết luận:
- Nếu tất cả binh sĩ, nhất là lãnh tụ của hai quốc gia nhìn thấy được giá trị của con người là vô giá thì tôi khuyên các vị hãy đến với nhau bằng tình thương, đối thoại trong hoà bình. Thay vì để có được quyền sử dụng nguồn nước ngọt, phải thông qua chiến tranh thắng bại, thì sao ta không phân chia hợp lệ để hai bên cùng có nước, không bên nào đổ máu và chết chóc.
Điều đó mặc dầu lãnh tụ hai quốc gia, tướng sĩ đã biết, nhưng vì không chịu tương nhượng và chia sẻ, chiến tranh suýt diễn ra. Thái độ độc quyền sử dụng nguồn nước ngọt thường dẫn đến sự tranh đấu và loại trừ.
Bản chất và nguồn gốc của mọi cuộc chiến đều nằm trên nền tảng phục vụ cho quyền lợi của bản ngã, bao gồm bản ngã cá thể, tập thể, quốc gia và liên minh. Một khi con người đặt nặng vấn đề bản ngã vì quyền lợi riêng thì không ai chịu nhường bước cho ai; lúc đó lòng sân hận bắt đầu trỗi dậy, để phục vụ cho lòng tham lam, độc đoán. Lòng tham bảo hộ cho lòng sân hận và sân hận diễn ra một cách khốc liệt để chiến thắng của lòng tham về mình.
Sự si mê có mặt và châm ngòi cho cuộc chiến diễn ra từ ngày này qua tháng nọ. Cái chết đã trở thành trò cười đắc thắng, trên khổ đau và bất hạnh của nhân loại. Kiến thức về hòa bình ai cũng có , nhưng làm thế nào để kiến thức hòa bình đó trở thành thực tại, hẳn đòi hỏi đến chiều sâu của nhận thức và hiểu biết.
Chất liệu và từ trường của lòng từ bi Thế Tôn rất sâu rộng. Lời Ngài nói tỏa ra hấp lực lớn, tác động đến độ một vị tướng cầm đầu đã yêu cầu kẻ thù tạm hoãn binh. Lời nhắn nhủ của Phật đâu dừng lại ở chỗ nói cho hai bên dừng cuộc chiến. Bằng từ trường ngôn ngữ, bằng hình ảnh và tất cả những giáo huấn của lòng từ bi, Phật đã giúp hai bên chuyển hoá được thù hận và chiến tranh. Giao thoa tâm linh được diễn ra khi hai bên tiếp xúc với nhau trong tinh thần hiểu biết và tôn trọng. Nguyên tắc giao thoa diễn ra theo cách thức cái lớn khống chế, cái nhỏ thường bị bao bọc hoặc được tác động để tranh giành và thay thế lẫn nhau.
Từ trường từ bi của Thế Tôn quá lớn, tỏa trùm ra khắp chiến trường và thẩm thấu vào dòng cảm xúc sân hận của những kẻ thù có mặt trên trận chiến ngày hôm đó. Lời nói của Phật đơn giản nhưng lại có tác động sâu sắc, làm cho hai bên đã ngừng chiến. Như vậy, thay vì thôn tính một quốc gia, biến đất nước khác trở thành thuộc địa, phục vụ cho quyền lợi kinh tế thì Thế Tôn dạy tất cả các quân tham chiến hãy nghĩ đến sự tương nhượng lẫn nhau vì lợi ích của hai phía.
Một hệ thức tương nhượng xã hội đặt ra, có biên cương bờ cõi để hai bên cùng chấp nhận, không đi vượt qua những gì cần được hai bên tôn trọng. Hiệp ước hoà bình trở thành bờ cõi chung, là nguồn thiên nhiên chung mà hai bên có thể chia sẻ. Khế ước xã hội đó là một trong những nỗ lực quan trọng để hai bên tham chiến cảm thấy mình không bị mất mát.
Sự hòa đàm có lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa. Nếu bên nào cũng cảm thấy rằng, thông qua cuộc hòa đàm và tương nhượng đó, phần lợi lạc không mất ở phía mình thì khế ước hòa bình có thể được ký kết.
Thế Tôn không đứng về một phía nào. Dù Ngài sinh ra tại Ca- tỳ-la-vệ, nhưng những lời dạy của Ngài về hòa bình không phục vụ riêng cho dân tộc Sakya. Mỗi khi chiến tranh diễn ra, giết chóc bắt đầu có mặt, tàn phá gieo rắc khắp mọi nơi thì khổ đau có thể năm mươi năm sau chưa chắc đã phục hồi được. Cho nên lòng từ bi phải được xem như yếu tố quan trọng, và sự sống con người phải được đặt trên nền tảng của mọi cuộc hòa đàm.
Các khế ước về hòa bình thế giới thường đặt trên quyền lợi của đôi bên. Nếu một bên có tham vọng, giành quyền lợi về phía mình quá nhiều thì hòa đàm đó khó có thể dẫn đến sự tương nhượng để hai bên được lợi lạc.
Câu chuyện tranh giành nước còn cho thấy rằng bản chất của cuộc chiến nằm ở sự tranh chấp về quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, và nhiều phương diện khác. Nó có thể núp bóng và thay hình đổi dạng, dưới nhiều chủ nghĩa, và học thuyết. Phải thận trọng để thấy rõ được mặt mũi của các hạt giống chiến tranh đang nằm dưới hình thức giành quyền lợi dân tộc, về quyền cai trị hoặc các phương diện.
Cái gì có quyền lợi là nơi đó có chiến tranh. Cái gì có tranh chấp là nơi đó có hận thù, tổn thương tình hữu nghị và tình huynh đệ.
Chiến tranh là kẻ thù của hòa bình, cũng là kẻ thù của hạnh phúc. Trong kinh Trung Bộ, đặc biệt bài kinh thứ 13, đức Phật xác định chỉ vì quyền lợi và tranh chấp về quyền lợi, vua trở thành kẻ thù của vua, Bà-la-môn trở thành kẻ thù của Bà-la- môn, các thương gia trở thành đối thủ của thương gia, những người làm công trở thành kẻ thù của nhau.
Trong bối cảnh giai cấp của Ấn Độ thời cổ đại, nếu ứng dụng cho bối cảnh văn hóa xã hội của thế giới hiện nay, thì các cuộc chiến (dù là chiến tranh cá nhân, cộng đồng, quốc gia, hay chiến tranh liên hành tinh) cũng đều đặt trên nền tảng của tranh chấp quyền lợi mà thôi.
Cái gì đã tạo ra thái độ tranh chấp quyền lợi? Câu trả lời không đơn giản. Quyền lợi đó là sự sống, là bản ngã, là hạnh phúc vật chất, là sĩ diện, nói chung muôn hình vạn trạng. Nó gắn liền với thù hận trong quá khứ, từ dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quốc gia, những mối hiềm hận cá nhân, còn nhiều gốc rễ sâu xa khác.
Cho đến lúc nào các gốc rễ này không được tưới tẩm bằng hạt giống và năng lượng của lòng từ bi, thì hận thù có thể biến dạng. Nếu không còn là chiến tranh của vũ khí hạt nhân, giết người hàng loạt, thì cũng thể hiện dưới chiến tranh ý thức hệ, du kích, bạo động, tự sát, biểu tình, nhiều hình thái khác nhau. Lúc nào những chiến tranh vẫn còn có mặt thì hòa bình chỉ là trò đùa của nhân quyền.
Các nhà hoạt động vì hòa bình thế giới luôn thừa nhận rằng những lời Phật dạy có chiều sâu, có khả năng giúp ta nhận diện được gốc rễ và giải quyết chiến tranh một cách an toàn. Khi lòng từ bi chưa được gieo rắc thì hận thù vẫn đang còn có mặt và lúc đó chiến tranh vẫn tiếp tục được diễn ra.
TỪ BI CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU
Trong kinh tạng Pali, Thế Tôn đã tuyên bố rằng, Ngài chưa từng và không bao giờ tranh chấp với đời, chỉ có thế gian tranh chấp với Ngài mà thôi.
Các giáo sĩ Bà-la-môn vì sợ mất quyền lợi, bị thay thế bởi đạo Phật, nên đã xem Phật là đối thủ nguy hại, vì Ngài dạy xóa bỏ giai cấp, gieo rắc lòng từ bi. Giai cấp không có trong giáo lý của Ngài. Khi học thuyết lan toả, thiết chế xã hội Ấn Độ cổ đại bị lung lay. Nhiều người xem Phật là đối thủ, vì lời dạy của Phật đã làm cho quyền lợi và học thuyết sai lầm, nhân danh Thượng đế, bị thách thức.
Khi tuyên bố chân lý, Phật không có dụng ý thay thế vai trò tâm linh của các tôn giáo Ấn Độ thời đó. Những gì có giá trị thiết thực cho đời, mang lại hạnh phúc cho nhiều người, thì Phật tuyên bố vì chân lý.
Lời tuyên bố của Phật không có bất kỳ vóc dáng của chiến tranh, tranh chấp quyền lực về tôn giáo. Để thiết lập sự truyền thông hòa bình, tất cả lòng tham, lòng sân phải được chuyển hóa đến tận gốc rễ. Bằng không nhân danh hòa bình, ta có thể dấy khởi chiến tranh.
Có khuynh hướng cho rằng chuẩn bị chiến tranh là để duy trì hòa bình. Các quốc gia thuộc địa vì năng lực và tiềm năng về quân sự quá kém, khi cuộc chiến xâm lăng diễn ra, họ trở thành kẻ bị đánh bại. Muốn có hòa bình bền vững, quốc gia đó phải là cường quốc về quân sự và kinh tế.
Trong gia đình, khi con em la lối lớn tiếng, là cha mẹ, chúng ta khuyên lơn con cháu yên lặng. Lời khuyên đó chưa chắc có tác dụng. Lấy quyền lực của một người lớn trong gia đình, ta hét một tiếng và buộc tất cả phải im lặng. Im lặng có mặt tạm thời. Sự ồn ào vẫn còn âm ĩ trong lòng, khi có điều kiện như vắng chủ nhà thì đâu vào đấy.
Qua đó ta thấy cưỡng lực của bạo động lớn có thể khống chế cưỡng lực của bạo động nhỏ. Sức mạnh quân sự lớn có thể tạo ra hòa bình ở một mức độ nhất định nào đó, không làm cho những đối thủ cất quân đánh ta. Hòa bình tương đối này có giá trị trấn an, chứ không phải là giải pháp lâu dài.
Khi vẫn còn đó tranh chấp và bạo lực, thế giới ta đang sống là một sự khủng bố ngấm ngầm. Khi thổi hơi vào bong bóng hận thù, chiến tranh bắt đầu bùng phát. Đó là lý do đạo Phật luôn nhắc nhở ta phải tiêu diệt hận thù từ ngay gốc rễ.
Hãy từ bỏ và chuyển hóa cảm xúc hiềm hận có gốc rễ từ chiến tranh trong quá khứ, diễn ra giữa ta và người, giữa cộng đồng này và cộng đồng nọ và giữa các quốc gia. Thế Tôn dạy: “Nếu ai quan niệm rằng, nó giết tôi, nó đánh tôi, nó mang lại khổ đau cho tôi, thì hận thù không bao giờ nguôi được”. Dòng cảm xúc hận thù có chất sơn, keo và là nam châm dính mắc, làm ta khó buông khổ đau.
Trong lúc quan niệm rằng ta trả đũa để giảm nỗi khổ đau trong quá khứ, là ta đang đày đọa cảm xúc khổ đau của chính mình đến tột độ. Mỗi lần hồi tưởng về nỗi khổ và niềm đau do người khác tạo ra, dòng cảm xúc này được kích hoạt; nỗi khổ niềm đau bắt đầu sống lại lần thứ hai. Khổ đau theo đó được diễn ra theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Ký ức về khổ đau trong quá khứ làm ta trở thành nạn nhân của chính mình.
Trong lúc sự trả thù chưa chắc thành công, người ấp ủ hận thù đang tự hành hạ. Trong cuộc chiến tự biến mình thành nạn nhân, ta vừa là đạo diễn, vừa viết kịch bản, kiêm diễn viên chính ngay cả vai đối lập. Đây là cách nhiều người tự giết mình trong từng phút, từng giây.
Thế Tôn dạy từ bỏ dòng cảm xúc và những hạt giống hiềm hận, bám sâu sắc trong tâm khảm và ý thức hệ của con người, được nuôi lớn bằng chủ nghĩa yêu nước. Chuyển hóa tâm hiềm hận là nhu cầu.
Dĩ nhiên, có nhiều người là nghĩa sĩ, yêu nước thật sự. Họ không thể nào không cầm súng đeo gươm ra chiến trường, khi quốc gia lâm nguy. Họ không thể nào không giết kẻ thù để giữ biên cương bờ cõi. Trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, các nghĩa sĩ phải trang bị bằng tâm từ bi; đừng để lòng sân hận tạo ra phản ứng trả đũa thì nghiệp chướng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Với tâm từ bi dẫn đầu, hành động giết hại vẫn có, nhân quả của sự giết hại vẫn phải trả. Nhưng vì lòng từ bi là hạt giống tốt, lại phát xuất từ động cơ tốt, hành động giết kẻ thù của các nghĩa sĩ làm cho quả tốt và quả xấu trổ cùng một lúc. Các tướng yêu nước thương dân vẫn có tuổi thọ lâu dài bởi hành động của họ phát xuất từ trái tim yêu nước, chứ không từ thù hận nhiều đời.
Ai là chiến sĩ khi phải bóp cò và làm cho kẻ thù nằm xuống hãy mong rằng kẻ thù sớm phóng thích những nỗi khổ niềm đau và hận thù. Ta làm là vì trách nhiệm của một chiến sĩ yêu nước chứ không phải vì hận thù. Đừng nối kết hận thù. Khi đối phương nằm xuống, ta nên cầu nguyện cho họ sớm được siêu sinh thoát hóa. Được vậy, hận thù trong cuộc chiến chỉ còn một chiều. Hãy làm hết năng lực của mình, phải hiểu được rằng bất cứ một hành động giết chóc nào đều có nhân quả báo ứng của nó.
Ôn lại một vài lời dạy của Phật, để nhắc nhở nhau về cách tháo gỡ mọi tranh chấp, bất hạnh, xung đột, nhằm chuyển hoá các mâu thuẫn và khổ đau giữa những người thân, cộng đồng, dân tộc trên thế giới. Làm được như thế thì hòa bình sẽ nở trong tâm mọi người và ở mọi nơi, nhờ đó, hạt giống của thù hận và giết chóc được chuyển hóa đến tận gốc rễ.