MỤC LỤC
Lời nói đầu
I. NGHI THỨC CÔNG PHU KHUYA
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam Bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5a. Thần chú Lăng-nghiêm, chú Đại bi, Thập chú
5b. Kinh Di Giáo
6. Bát-nhã Tâm Kinh
7. Tán dương
8a. Sám mười nguyện Phổ Hiền
8b. Sám quy mạng
9. Tán lễ
10. Hồi hướng công đức
11. Lời nguyện cuối
12. Đảnh lễ ba Ngôi báu
13. Tán dương Thiên Long bát bộ
14. Tán dương Hộ Pháp
II. NGHI THỨC CÚNG NGỌ
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Bát-nhã Tâm Kinh
6. Tán dương
7. Cúng dường
8. Đảnh lễ ba Ngôi báu
III. NGHI THỨC CÔNG PHU CHIỀU
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Mông sơn thí thực
6. Bát-nhã Tâm Kinh
7. Vãng sanh Tịnh độ thần chú
8. Chơn ngôn phổ hồi hướng
9. Tán lễ
10. Khuyến tu
11. Sám cứu độ vong hồn
12. Hồi hướng công đức
13. Lời nguyện cuối
14. Đảnh lễ ba ngôi báu
IV. NGHI THỨC CẦU AN KINH PHỔ MÔN
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Phát nguyện trì kinh
5. Tán dương giáo pháp
6. Kinh Phổ Môn
7. Kinh tinh hoa trí tuệ
8. Niệm Bồ-tát
9. Mười hai lời nguyện
10. a) Năm điều quán tưởng
10. b) Quán chiếu thực tại
11. a) Sám quy nguyện
11. b) Sám cầu an
12. Hồi hướng công đức
13. Phục nguyện
14. Đảnh lễ ba Ngôi báu
V. NGHI THỨC CẦU AN KINH DƯỢC SƯ
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Phát nguyện trì kinh
5. Tán dương giáo pháp
6. Tán Phật Dược sư
7. Kinh bổn nguyện công đức của Phật Dược Sư
8. Kinh tinh hoa trí tuệ
9. Niệm danh hiệu bảy Phật Dược Sư
10. Nguyện cầu an lành
11a. Mấy điều quán tưởng
11b. Sám mười nguyện
12. Hồi hướng công đức
13. Lời nguyện cuối
14. Đảnh lễ ba Ngôi báu
VI. NGHI THỨC CẦU SIÊU KINH A DI ĐÀ
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Phát nguyện trì kinh
5. Tán dương giáo pháp
6. Kinh A Di Đà
7. Kinh tinh hoa trí tuệ
8. Niệm Phật
9. Mười hai lời nguyện
10-a. Sám Di-đà
10-b. Sám niệm Phật
10-c. Sám nhất tâm
10-d. Sám phát nguyện
10-e. Sám tống táng
11. Hồi hướng công đức
12. Phục nguyện
13. Đảnh lễ ba Ngôi báu
VII. NGHI THỨC SÁM HỐI
1. Nguyện hương
2. Tán Phật và đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Phát nguyện trì kinh
5. Tán dương giáo pháp
6-a. Lạy sám hối sáu căn
6-b. Lạy sám hối hồng danh
7. Bát-nhã Tâm Kinh
8. Niệm Phật A-di-đà và thánh chúng
9-a. Sám nguyện
9-b. Sám quy nguyện
10. Hồi hướng công đức
11. Lời nguyện cuối
12. Đảnh lễ ba Ngôi báu
VIII. NGHI THỨC HÔ CHUÔNG
1. Pháp kệ hô chuông
2. Hồi hướng
3. Đảnh lễ ba Ngôi báu
IX. NGHI THỨC AN VỊ PHẬT
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Phật nói Kinh Phước Đức
6. Sái tịnh thủy
7. Tiêu tai cát tường thần chú
8. Nguyện an lành
9. Sám mười nguyện Phổ Hiền
10. Hồi hướng công đức
11. Phục nguyện
12. Đảnh lễ ba Ngôi báu
X. NGHI THỨC PHÓNG SANH
1. Nguyện hương
2. Chơn ngôn gia trì
3. Kệ giải nghiệp
4. Quy y và sám hối
5. Kệ phóng sanh
6. Thất Phật diệt tội chơn ngôn
7. Tiêu tai cát tường thần chú
8. Nguyện an lành
9. Hồi hướng công đức
10. Đảnh lễ ba Ngôi báu
XI. NGHI THỨC TẾT NGUYÊN ĐÁN
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Phật nói Kinh Phước Đức
6. Tiêu tai cát tường thần chú
7. Niệm Phật nguyện an lành
8. Sám quy nguyện
9. Hồi hướng công đức
10. Phục nguyện
11. Đảnh lễ ba Ngôi báu
XII. NGHI THỨC QUY Y TAM BẢO
1. Nguyện hương
2. Tán Phật và đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Kinh Người Áo Trắng
6. Giới sư khai đạo
7. Truyền tam quy
8. Thầy truyền giới khai đạo
9. Vâng giữ năm điều đạo đức
10. Sám quy y
11. Hồi hướng công đức
12. Đảnh lễ ba Ngôi báu
13. Thuyết giảng và đọc pháp danh
XIII. NGHI THỨC LỄ THÀNH HÔN
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Phật nói Kinh Thiện Sinh
6. Lạy báo ân
7. Bốn điều phát nguyện
8. Trao nhẫn cưới
9. Niệm Phật gia trì
10. Hồi hướng công đức
11. Đảnh lễ ba Ngôi báu
12. Lời chúc phúc của hai họ
13. Cảm ơn của đôi tân hôn
14. Lời chúc phúc của chủ lễ
XIV. NGHI THỨC LỄ XUẤT GIA
1. Nguyện hương
2. Tán Phật và đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Kinh tinh hoa trí tuệ
6. Sám hối ba nghiệp
7. Lạy báo ân
8. Thầy bổn sư khai đạo
9. Ba điều phát nguyện xuất gia
10. Làm lễ quán đảnh
11. Xuống tóc giới tử
12. Sách tấn giới tử
13. Niệm Phật gia trì cho giới tử
14. Hồi hướng công đức
14. Đảnh lễ ba Ngôi báu
LỜI NÓI ĐẦU
Như tên gọi của tác phẩm, Nghi thức tụng niệm này là một tuyển tập gồm 14 nghi thức phổ thông được sử dụng trong các chùa Phật giáo Bắc tông. Nền tảng của nghi thức này gồm các khóa lễ Công phu khuya, Cúng ngọ, Công phu chiều và Khóa kinh Tịnh độ buổi tối (thường là kinh Phổ Môn hoặc kinh A Di Đà) đã được biên soạn hoàn tất từ 1994. Vào thời điểm đó, để tiện dụng cho từng khóa lễ, các nghi thức này được ấn hành độc lập. Các nghi thức Hô chuông, An vị Phật, Phóng sanh, Tết nguyên đán, Lễ thành hôn, Quy y Tam bảo và Xuất gia được bổ túc trong Nghi thức tụng niệm này để người đọc tụng có được trọn bộ các nghi thức thông dụng đúng nghĩa.
Trong nghi thức Công phu khuya, ngoài thần chú Thủ Lăng Nghiêm, Đại bi và Thập chú (nên tụng vào ngày 2, 4, 6), soạn giả còn giới thiệu kinh Di Giáo (Kinh Lời dạy cuối cùng của đức Phật – nên tụng vào ngày 3, 5, 7 và chủ nhật).
Nếu mục đích của thần chú là nhằm hỗ trợ người đọc tụng thiết lập định tâm thì kinh Di Giáo giúp ta ôn lại tinh hoa chánh pháp và đạo đức thanh cao mà người xuất gia cần thực tập để đạt được sự chuyển hóa tâm thức khỏi tham sân si. Việc đọc tụng xen kẻ thần chú và kinh vào ngày chẵn lẻ sẽ giúp người đọc tụng tăng cường định tâm và tuệ tâm, vốn là hai nền tảng quan trọng của đời sống tâm linh.
Nghi thức công phu chiều là sự thực tập lòng từ bi trong việc cứu độ các oan hồn uổng tử, giúp nhận thức được vô thường và vô ngã, sớm được siêu sinh. Đây là nghi thức chuyên dụng trong các chùa Bắc tông. Để việc siêu độ có tác dụng hóa độ người mất, người tụng trì khi miệng niệm các chân ngôn thì tâm đồng thời phải quán tưởng vào nội dung của từng chân ngôn.
Ví dụ, khi đọc chân ngôn phá địa ngục, người đọc tụng quán tưởng các tù ngục bị phá vỡ bằng trí tuệ và đời sống đạo đức; khi tụng chân ngôn giải oan kiết, người đọc tụng quán tưởng động tác mở trói các dây oan trái, nhờ đó an vui và hạnh phúc có mặt.
Trọng tâm của nghi thức này là sự quán chiếu vừa nêu trong mối liên hệ với những chấp mắc về hận thù, nỗi oan, tức tối, tình yêu đắm đuối, tình thương quyến luyến và những luyến tiếc về mọi sở hữu mà người chết thường bị kẹt trong tiến trình sinh tử. Khi nào phá được chấp ngã, chấp ngã sở hữu và chấp pháp, việc siêu độ mới thực sự có kết quả, nhờ đó, người chết siêu thoát khỏi cảnh ngạ quỷ.
Trong Nghi thức cầu an, kinh Phổ Môn và kinh Dược Sư được sử dụng thay thế. Thông thường, nếu kinh Phổ Môn được sử dụng trong phần lớn các khóa kinh Tịnh độ thì kinh Dược Sư thường được đọc tụng vào tháng chín âm lịch. Giới thiệu hai bài kinh này trong cùng nghi thức cầu an, là nhằm giúp hành giả có thể đọc tụng luân phiên hai bài kinh vào những ngày chẵn lẻ.
Các bài quán tưởng và quán chiếu thực tại có sức truyền dẫn cho người đọc tụng về kiến thức vô ngã và vô thường, theo đó, người bệnh không quan trọng hóa và cường điệu hóa về bệnh tật đang đeo mang. Nhờ thực tập như vậy, nỗi đau trên thân không ảnh hưởng đến nỗi khổ của tâm. Để cầu an có kết quả, người làm lễ cần hướng dẫn bệnh nhân thực tập thiền quán vô ngã, vượt qua tai ương và tật ách.
Phần Cầu siêu trong nghi thức này chủ yếu là kinh A Di Đà, giới thiệu bao quát về cảnh giới cực lạc Tây Phương, sinh thái tịnh độ, cư dân thánh giả và điều kiện chánh nhân ở hiện đời và niệm Phật nhất tâm bất loạn. Chánh nhân trong kinh A Di Đà bao gồm gieo căn lành lớn (không còn tham, sân, si), trồng phước báo lớn (bao gồm vạn thiện công đức), tạo nhân duyên tốt lớn (xây dựng môi trường lành mạnh cho nhiều người cùng tu) và sử dụng dữ liệu Ta bà xây dựng Tịnh độ hiện tiền.
Các bài sám nguyện được luân phiên tụng niệm trong các ngày khác nhau, để thời kinh đựơc phong phú, mặt khác sử dụng đúng căn cơ của người được siêu độ sẽ phát huy tối đa tác dụng của nghi thức.
Trong Nghi thức sám hối, sám hối hồng danh của các Tổ Trung Quốc và sám hối sáu căn của Thiền sư Trần Thái Tông được sử dụng làm bản tụng chính. Người sám hối có thể sử dụng hai tụng bản xen kẻ nhau để tạo sự phong phú về giá trị sám hối và chuyển hóa.
Ví dụ ngày 14 sử dụng sám hối hồng danh và ngày cuối tháng sử dụng sám hối sáu căn. Trong nghi thức sám hối sáu căn có 18 lễ bao gồm Phật quá khứ, Phật vị lai, Phật Thích Ca lịch sử, 10 vị Bồ tát lịch sử (thập đại đệ tử, hay còn gọi 10 đại A-la-hán) và năm vị Bồ tát đại thừa. Phần sám văn của nghi thức này có thể thay thế với phần sám văn ngay sau danh hiệu các đức Phật trong nghi thức sám hối hồng danh.
Sám hối là nghệ thuật chuyển hóa và làm mới, có khả năng thanh tẩy tội lỗi và mặc cảm bất toàn về bản thân, giúp cho người lễ bái khôi phục niềm tin, phấn đấu và vươn lên trong cuộc đời. Ngoài tác dụng trị liệu mặc cảm tội lỗi, người lạy Phật được tăng trưởng phước báu do tôn kính Phật pháp và tăng cường sức khỏe do hít thở sâu đều và vận động toàn thân. Sám hối lợi lạc như thế, mong mọi người nỗ lực lạy Phật sám hối như một thói quen chuyển hóa.
Pháp kệ Hô chuông trong nghi thức này bao gồm 37 bài thiền kệ theo thể song thất lục bát được soạn giả phóng tác từ tinh thần của kinh điển Pali và Đại thừa. Số 37 tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo, vốn là những yếu tố quan trọng của con đường tâm linh được đức Phật giảng dạy. Trong trường hợp thời gian ít, người hô chuông có thể dừng lại ở các con số biểu tượng tâm linh Phật giáo như bài kệ thứ 18 (tượng trưng thập bát giới) hoặc 21 (cấp số nhân 3 lần của số 7, biểu tượng của sự trọn vẹn và đầy đủ).
Sau mỗi bài kệ là danh hiệu của Phật, các Bồ tát lịch sử và các Bồ tát Đại thừa. Chú cát tường, chú vãng sanh, hồi hướng công đức và đảnh lễ ba ngôi báu được đưa vào cuối nghi thức như phần hỗ trợ thực tập rất phổ biến trong các khóa lễ. Mỗi vòng tròn sau danh hiệu hay cuối đoạn thi kệ tượng trưng cho tiếng chuông. Dọng chuông trong chánh niệm sẽ giúp hành giả và mọi người được thư lắng tâm trần, rũ bỏ não phiền và hướng đến an vui.
Trong Nghi thức An vị Phật, bài kinh Phước Đức dạy về 38 yếu tố tạo phước báu và hạnh phúc, là trọng tâm của nghi thức. Bài kinh chia làm 10 phân đoạn, mỗi đoạn 4 câu 5 chữ, chứa đựng các phước báu có cùng nội dung. Trình tự còn lại của nghi thức gồm sái tịnh thủy, chú cát tường, nguyện an lành, 10 nguyện Phổ Hiền và hồi hướng công đức… là những yếu tố không thể thiếu của nghi thức.
Trong Nghi thức an vị Phật cần thể hiện hai nội dung: Tôn trí thánh tượng Phật và Bồ tát trên trang thờ và cầu nguyện an lành đến với gia chủ. Người chủ lễ cần giải thích và hướng dẫn việc thờ cúng Phật và thọ trì đọc tụng hằng ngày tại tư gia. Được thế, ngoài phước báu do tôn kính và đảnh lễ Tam bảo, gia chủ có cơ hội mở mang tuệ giác nhờ đọc kinh.
Nghi thức phóng sanh là sự trải nghiệm lòng từ bi thương vật, trao tặng tự do và sự sống lần thứ hai cho các động vật bị giam cầm. Vì các loài chim cá không hiểu được ngôn ngữ của con người, khi sử dụng nghi thức này, người đọc tụng phải thực tập quán chiếu. Kệ giải nghiệp cho các vật bị giam cầm có ý nghĩa đổi đời súc sinh thành con người. Quán tưởng chuyển nghiệp có sức trợ dẫn, nhằm giúp loài bị giam cầm tiêu trừ túc nghiệp. Kệ quy y và sám hối có ý nghĩa to lớn cho sự chuyển nghiệp súc sinh và ba đường khổ nói chung.
Thông qua sự quán chiếu, chân ngôn diệt tội và thần chú cát tường là một năng lượng hỗ trợ có khả năng giúp loài bị giam cầm chuyển nghiệp chướng để được an vui. Để phóng sanh có kết quả ban tặng sự sống, gia chủ không nên mặc cả mạng sống của chúng với sức khỏe và tuổi thọ của bản thân và gia đình. Thực tập từ bi, bảo vệ tự do và mạng sống sẽ mang lại nhiều kết quả an lạc và như ý cho người thực hiện.
Nghi thức Tết nguyên đán thường được sử dụng trong đêm giao thừa tại các chùa Bắc tông, một mặt kỷ niệm ngày đản sanh của đức Phật Di Lặc từ biểu tượng hóa thân của Hòa thượng Bố Đại, mặt khác đây là sự thực tập năng lượng từ bi, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, quốc gia thịnh vượng và phát triển, nhà nhà hòa thuận và no ấm, người người hạnh phúc và bình an.
Nghi thức có thể được bắt đầu vào lúc 23 giờ 30 của đêm 30, theo sau là lời chúc tết của Thầy trụ trì và phát “lộc chánh mạng” cho thập phương bá tánh. Lời chúc tết ngoài các câu chúc an lành nên đi sát biểu tượng năm âm lịch ứng với các con giáp, theo tinh thần Phật pháp. Ví dụ nhân năm con mèo nên nói về hình ảnh con mèo trong Phật giáo; năm con cọp nên nói về chuyển nghiệp con cọp trong Phật giáo. Áp dụng công thức tương tự cho các năm tương ứng với các con giáp còn lại trong 12 con giáp.
Trong Nghi thức quy y Tam bảo, điều quan trọng là làm thế nào nói rõ được giá trị vì sao ta theo đạo Phật và hạnh phúc khi là Phật tử. Khi nhận Phật làm Thầy, người Phật tử không còn yêu cầu thờ Thượng đế và các thần linh vốn không có thật. Khi nương tựa chánh pháp, người Phật tử không theo các tôn giáo và tín ngưỡng ngoài đạo Phật vì chất liệu Phật pháp đủ khả năng giải quyết các vấn nạn con người. Nương tựa Tăng đoàn, người Phật tử thực tập hạnh hòa hợp, đoàn kết và dấn thân phụng sự.
Điều không kém phần quan trọng là người truyền giới nên phân tích ứng dụng năm điều đạo đức dưới góc độ hạnh phúc cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Làm thế nào để trỗi dậy được sự chấn động tâm thức của người quy y để từ đó giúp họ trở thành người hạnh phúc mà về sau, dầu có bị áp lực hay cám dỗ của bất kỳ tôn giáo nào họ vẫn giữ vững chánh tín Phật pháp, không bỏ đạo vì lý do kinh tế hay sức ép.
Các hướng dẫn về cách thờ phượng Phật, bàn thờ gia tiên, lễ Phật, tụng kinh, ăn chay vào ngày sóc vọng, sinh hoạt gia đình Phật tử và nghe giảng vào các ngày chủ nhật, đi chùa vào các ngày lễ hội văn hóa và thực tập chuyển hóa… là những điều không thể thiếu ngay sau khóa lễ quy y.
Nghi thức lễ thành hôn cũng là yếu tố mới trong các kinh nhật tụng, có ý nghĩa to lớn đối với hạnh phúc của người tại gia. Tổ chức lễ cưới tại chùa giúp cho đôi tân hôn hiểu rõ về sáu tương quan gia đình và xã hội: Vợ - chồng, cha mẹ - con cái, thầy cô – học trò, chủ lao động – người lao động, quốc gia – công dân và tâm linh – tín đồ, nhờ đó cuộc sống hạnh phúc gia đình của đôi tân hôn được đảm bảo.
Ngoài các điều đạo đức mà vợ chồng cùng phát nguyện giữ gìn để xây dựng hạnh phúc cho nhau, nghi thức này còn hướng dẫn vợ chồng phát nguyện giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc và hướng dẫn con em trở thành Phật tử từ nhỏ. Để việc tổ chức lễ cưới không bị khô khan, ta nên mời 1 MC chuyên nghiệp dẫn chương trình, phối hợp với nhạc lễ Phật giáo và các ca khúc ca ngợi đời sống hạnh phúc chân chính.
Đây là lần đầu tiên Nghi thức lễ thế phát xuất gia được giới thiệu trong kinh Nhật Tụng, nhằm phát họa động cơ xuất gia chân chính và khẳng định các giá trị đạo đức và tâm linh mà người xuất gia có thể đạt được trong sự chuyển hóa bản thân và phụng sự chúng sinh.
Ba điều phát nguyện xuất gia trở nên quan trọng vì nó giúp cho giới tử ý thức được lý tưởng xuất trần cao cả, tự nguyện cắt bỏ đời sống ái dục, giữ giới hạnh thanh cao, vượt qua các chướng duyên, giúp lý tưởng độ sinh của Phật, từng bước hoàn thành chí nguyện xuất trần và thành tựu con đường giải thoát.
Khi xuống tóc cho giới tử thầy bổn sư cần giải thích rõ ý niệm biểu tượng của việc làm này: Râu tóc vốn là niềm hãnh diện về sắc đẹp của người đời thì trong Phật giáo chúng tượng trưng cho phiền não và nghiệp trần. Cạo bỏ râu tóc là thông điệp trút bỏ các nghiệp chướng.
Sau lễ thế phát việc đặt pháp danh cần thể hiện sự chuyển nghiệp và soi sáng lý tưởng cho giới tử. Hướng dẫn hành trì và trình tự thực tập được xem là rất cần thiết, nhằm giúp người phát tâm xuất gia đạt được hạnh phúc hiện tiền và đủ nghị lực để thực hiện lý tưởng cao cả.
Với ngôn ngữ thuần Việt và sự phong phú về thể loại nghi thức, soạn giả hy vọng rằng Nghi thức tụng niệm này là cẩm nang hành trì căn bản của người Phật tử. Việc sử dụng các nghi thức tụng niệm trong sự hiểu nghĩa có khả năng dẫn đến sự thực tập chuyển hóa thành công. Vì là nghi thức phổ quát, trong Nghi thức tụng niệm này chưa có các bài kinh chuyên dùng cho giới xuất gia, ngoài những gì đã được biết qua hai thời công phu sáng tối tại các chùa. Trong khi chờ đợi Kinh điển cho người tại gia và Kinh điển cho người xuất gia ra đời để đáp ứng nhu cầu tu học chuyên biệt, sử dụng Nghi thức tụng niệm này sẽ giúp hành giả sống an lạc và hạnh phúc trong đời.
Giác Ngộ, ngày 27-4-2011
Thích Nhật Từ
Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM