Ở chương 1, chúng ta đã khảo sát sơ lược vài quan niệm của Phật giáo về cách hóa giải thù hận ở kiếp này và những kiếp khác. Trong đó, chúng tôi đề cập đến pháp môn “Quán không tác giả,” mà ở chương này, chính là nội dung trọng tâm.
Pháp quán này giúp ta có cái nhìn đích thực về bản thân và tác nhân. Con người là hợp thể nhân tính, gồm năm thành phần, không có thực thể bất biến. Các tổ hợp thuộc năm thành phần này bắt đầu hình thành từ cấu trúc nhân thể vật lý, gồm bốn yếu tố là đất, nước, lửa và gió hay nói khác hơn là chất rắn, chất dịch, nhiệt độ, thể khí và tất cả qui luật liên hệ đến các yếu tố này.
Quán không tác giả là quán phân tích về sự tách rời các yếu tố ra, bằng cặp mắt tuệ quán, sẽ thấy rằng không có một chủ thể tác nhân tạo ra nỗi khổ niềm đau cho bản thân mình. Dòng cảm xúc của con người như một dòng thác mạnh bạo, nhìn từ xa thấy nó như một thực thể, nhưng khi nhìn gần thì dòng thác này cũng chỉ được hợp thành bởi các phân tử nước cho nên nó vốn không có một thực chất nào.
Tương tự ta áp dụng cho tiến trình ý niệm hóa khi các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với các đối tượng trần cảnh như ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hương, vị, sự xúc chạm và sự hình dung của ý v.v... Tất cả dòng ý niệm hóa này chỉ là sự liên tưởng tổng hợp từ cách tiếp xúc với các giác quan mà thôi. Sự vận hành của chúng tạ ra tiến trình nhận thức mà ta thường gọi là cái thấy của con mắt, cái nghe của lỗ tai, ngửi của lỗ mũi, nếm của lưỡi, sự xúc chạm của thân hay các ý niệm hóa lưu lại trong bộ não của con người. Các yếu tố nhận thức đó không có cái nào là thực thể bất biến.
Để quán chiếu không có tác giả, trước nhất ta quán không có kẻ thù. Đây là cách thực tập vô ngã trong ứng dụng tâm lý trị liệu. Kế đến ta quán tiến trình tách rời dòng chảy của cảm xúc tâm lý ra khỏi sự vận hành của thân. Sự sống của con người được thiết lập khi thân này với lục phủ ngũ tạng đang hoạt động. Khi tim ngưng đập, não tạng đã bị chết, các cơ quan khác đến tình trạng kết thúc thì lúc đó tạm gọi là “Cái chết lâm sàng”. Chết lâm sàng chưa phải là chết thật sự, bởi vì có tình huống thần thức vẫn còn lẩn quẩn. Đó là lý do tại sao ta thỉnh thoảng thấy người chết sống lại sau một vài giờ, hay vài ngày nằm trong nhà xác.
Dù trong tình trạng chết lâm sàng hay chết thật, thì chắc chắn rằng sự tương tác giữa các nhóm yếu tố tâm vật lý đã ngưng hoạt động. Dòng cảm xúc thường vận hành rất hữu cơ và đa chiều với thân thể vật lý. Nếu tách rời hai cái này ra thì mạng sống con người không còn nữa, ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt như khi ngủ hoặc ý thức không hoạt động khi bị mê man bất tỉnh, không còn sự bấn loạn của cảm xúc trên bộ não của chúng ta. Trong tình huống đó dòng cảm xúc gần như lắng đọng.
Tất cả nỗi khổ niềm đau hay hạnh phúc của con người có được, đều đặt trên nền tảng của dòng chảy cảm xúc. Nó được sánh ví như một bản đồ nhiệt lượng, từ độ âm cho đến 1000C hoặc hơn thế nữa v.v... Hễ còn nằm trong bảng nhiệt, dầu có lạnh đến mức nào hoặc nóng đến mức nào thì vẫn được xem là nhiệt độ.
Tất cả những gì thuộc về cảm xúc thì bản chất của nó vẫn là khổ đau. Muốn tách rời nỗi khổ đau của hận thù ra khỏi thân thể vật lý của mình, chỉ cần quán tưởng dòng cảm xúc và thân thể vật lý không phải là một. Quán tách rời để khổ đau không còn chỗ bám víu.
Nỗi khổ đau của việc bị người ta cướp bóc thuộc về tinh thần, nỗi khổ đau bị người ta đánh đập thuộc về vật chất v.v... hãy quán rõ như vậy.
Giống như thân cây chuối, mới nhìn vào ta cứ tưởng như một khối không thể tách rời, nhưng khi ta mở ra từng bẹ thì không thấy lõi bên trong. Mạng sống của con người với cấu hình vật lý cũng hoạt động một cách tương tự như vậy.
Bằng cách quán đó, ta thấy thân thể vật lý này với các dòng cảm xúc không hề có chỗ để dung chứa nỗi khổ niềm đau. Như vậy, ta quán không có tác giả là không có kẻ tạo tội ác, không có kẻ khủng bố, không có người đã gây những thương tích cho mình.
Dĩ nhiên, quán không tác giả nhằm trị liệu về phương diện tâm lý, để không bám víu cảm xúc, không trả thù đối với người tạo ra khổ đau. Trên thực tế, sự kiện khổ đau vẫn từng diễn ra và luật pháp vẫn truy nguyên được ai là tác nhân, ai là kẻ chủ mưu, tội trạng thế nào. Quán không tác giả không có nghĩa kẻ tạo tội không bị tội lỗi trừng phạt về mặt pháp luật. Như vậy, ta quán để tách rời cảm xúc khổ đau ra khỏi thân thể vật lý trong khi mình chính là nạn nhân.
Phương pháp quán nào cũng nên áp dụng hướng dẫn cho một số đối tượng nhất định, phải tùy bệnh cho thuốc. Phương pháp quán không tác giả chỉ được áp dụng cho chính những nạn nhân để không kéo dài khổ đau, hoặc là người thân của nạn nhân, để không tạo sợi dây lan truyền về cảm xúc khổ đau khi thấy người thân của mình bị hãm hại.
ĐỪNG VIN VÔ NGÃ ĐỂ CHẠY TỘI
Gần đây, tôi có đọc trên báo nước ngoài một câu chuyện nói về luật pháp ở Thái Lan (Phật giáo ở Thái Lan được xem là quốc giáo) như sau: Có một anh tù nhân rất giàu. Tài sản một phần do anh chơi cổ phiếu, phần anh mánh mung trộm cắp. Khi bị bắt và truy tố, anh nhờ một luật sư Phật tử lý luận trước tòa rằng:
- Thân chủ tôi không phải là người trộm cướp, bởi vì nhà
Phật dạy không hề có tác giả.
Ông thẩm phán nói:
- Tôi đồng ý luật Phật dạy như vậy. Tôi cũng là Phật tử, tôi hiểu học thuyết đó.
Bây giờ ta hãy phân tích học thuyết trên dưới góc độ tâm lý mà đức Phật dạy: “Không có tác nhân, chỉ có chuỗi sự kiện”. Tương tự, “Không có người đã ăn cắp mà chỉ có sự kiện ăn cắp”, không nên hiểu về mặt hiện thực rằng người trộm cắp không có đủ lý do để bị cầm tù.
Luật sư vừa nhận ra sự ứng dụng của học thuyết vô ngã trong tâm lý trị liệu đối với nạn nhân, chứ không nên áp dụng cho tác nhân, trên thực tế thì ông thẩm phán yêu cầu chọn lựa:
- Chủ nhân của ông phạm tội ăn cắp. Nếu nói không có người ăn cắp mà chỉ có bàn tay ăn cắp và sự kiện ăn cắp, tôi xử tội và giam tù bàn tay bằng cách chặt đứt bàn tay rồi bỏ tù ba năm, thay vì giam thân chủ của ông ba năm, ông chọn cách nào?
Luật sư biện hộ lặng người, không nói lời nào. Lúc đó chắc hẳn cả người biện hộ lẫn kẻ phạm tội trộm cắp sẽ hoảng hốt và chấp nhận ngồi tù ba năm, còn hơn bị chặt đứt cánh tay thì cả đời không làm ăn gì được từ đôi tay nữa.
Sử dụng phương pháp trị liệu tâm lý đối với nạn nhân vào tình huống luật pháp thực tế đối với tác nhân là sự sai lầm về phương pháp luận, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng từ sự biện hộ. Khi quán vô ngã, ta phải hiểu bàn tay ăn cắp vẫn là bàn tay lấy của phi pháp. Người có bàn tay ăn cắp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân quả từ hành vi lấy của phi pháp.
Những người tạo ra khổ đau cho người khác thì không được quyền quán như thế, vì như vậy sẽ trở thành ngụy biện, không thừa nhận lỗi lầm của mình. Nếu những người đã gây ra tội lỗi mà nghĩ rằng không có tác giả nghĩa là tôi không phải là tác nhân, rõ ràng là thiếu trách nhiệm đạo đức trước pháp luật.
Phải biết phương pháp quán không tác giả chỉ áp dụng cho nạn nhân và thân nhân để không gieo rắc hận thù trả đũa với người đã tạo ra nỗi khổ cho mình, còn những người lợi dụng vào học thuyết này biện hộ cho họ để khỏa lấp sự thật, sẽ gây ra tội lỗi nhiều hơn. Khi quán phải biết phương pháp nào dành cho mình, phương pháp nào dành cho người. Đối với những người tạo ra tội lỗi, nhà Phật cũng có những phương pháp quán khác.
BA PHÁP QUÁN ĐỂ TRỊ LIỆU
Thứ nhất là quán thân nhân. Quán tất cả mọi người nam lớn tuổi đều là cha, ông tất cả mọi người nữ lớn tuổi đều là mẹ, bà. Những người ta gặp trong đời từng là ông bà tổ tiên, con cháu, thân bằng quyến thuộc của mình ở những kiếp trước. Như thế mỗi lần muốn làm tổn hại cho người nào thì cứ nghĩ là người thân nên sợ không dám làm. Người có lòng tôn kính và thương tưởng người thân, khi áp dụng phương pháp quán thân nhân sẽ giúp họ không dám cố ý gây tội lỗi.
Thứ hai là quán sám hối, tức nhận diện tội lỗi và nỗ lực vượt qua bằng sự hồi đầu lương thiện. Hình dung những tội lỗi mà ta gây ra trong cuộc đời như giết người, trộm cắp, lường gạt, ngoại tình, tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc làm lũng đoạn hệ thống luật pháp v.v... nếu không bộc bạch để làm mới cuộc đời thì giống như tình trạng đóng băng trên mặt biển, dần dần sẽ to lên và trầm xuống. Khi tảng băng đóng trên và trong lòng biển, tàu thuyền qua đó có thể bị va chạm vào, dẫn đến tình trạng bị đắm chìm, như tàu Titanic. Sự sống của con người cũng giống như những con tàu lênh đênh trên biển sanh tử. Cần phải làm tan những tảng băng che giấu tội lỗi, để những con tàu đạo đức của bản thân có thể thong dong vượt thoát sanh tử, khổ đau.
Thứ ba là quán không thọ giả. Đây là cách quán không có chủ thể cảm nhận những nỗi khổ niềm đau do người nào đó gây ra. Dĩ nhiên cách quán này được sử dụng cho chính nạn nhân hay đương sự đang đối diện với nỗi khổ tâm lý và nỗi đau vật lý. Ta quán rằng không có một bản ngã đang tồn tại để chịu đựng sự hàm oan, đau đớn, bực tức, thù hằn, bất công hay những cảnh đời trái ngang thì cảm xúc sẽ lắng dịu.
Ý thức về mình như một nạn nhân bị lừa đảo, bức hiếp, xúc phạm, bị trù dập v.v... làm tăng sự khó chịu. Ý thức về sự bất công làm cho con người dễ có phản ứng nổi loạn, xung đột, nó đều dẫn đến sự đổ vỡ lớn hơn trong tương lai.
Không thực tập phương pháp này để tự trị liệu tâm lý, đôi lúc người ta lầm lỗi với mình chỉ có một, mình có thể gây lỗi lại gấp hai, gấp ba lần. Một đứa lỗi thêm đứa lỗi nữa thì hai đứa lỗi cũng giống nhau, theo đó, bế tắc này có thể kéo theo bế tắc khác lớn hơn, nếu không biết cách tự chuyển hóa để cứu bản thân.
Quán không thọ giả để thấy được dòng cảm xúc khổ đau, bất hạnh mà mình chịu đựng chỉ là một sự kiện của oan trái hay của dòng chảy bất hạnh. Quán như vậy thì dù khổ đau lớn như núi Tu Di nó cũng teo lại thành quả núi lớn, quả đồi, đống đất, viên đá rồi chỉ còn lại một hạt cát. Quán cách vừa nêu thì khổ đau lớn sẽ trở thành nhỏ như hạt cát rồi sẽ tan biến thành hư không, nghĩa là không còn tác dụng gây đau khổ nữa.
Ba pháp quán niệm trên là nghệ thuật tâm lý, có khả năng giúp người khổ đau có thể sớm hóa giải hận thù. Dĩ nhiên phải đòi hỏi đến thái độ buông bỏ của đương sự. Người có khuynh hướng dứt khoát công thưởng, tội trừng thì khó tu tập được những phương pháp quán này.
Nếu không chịu tu tập các pháp quán, nỗi bất hạnh ngày càng lớn, trong tương lai sẽ thuộc về họ chứ không thuộc về người đã tạo ra tội lỗi. Bởi kẻ gây án đã bị luật pháp trừng phạt và ngay cả nếu như kẻ tạo tội may mắn qua mặt được luật pháp, không bị trừng phạt thì nhân quả nghiệp báo vẫn không dung tha; trong một đời kiếp nào đó họ cũng phải gánh lấy.
Món nợ mà không chịu trả ngay trong lúc mình có khả năng thì sau này khi bị thất nghiệp lại càng khó trả hơn. Đó là chưa nói tới tình trạng tiền vay sẽ gia tăng lãi suất, tùy theo năm tháng thời gian vay mượn. Tiến trình nhân quả cũng diễn ra theo cách tương tự, ai chịu trả nợ sớm thì không phải lo trả lãi.
XOA DỊU NỖI ĐAU
Hành giả đừng nên bận tâm rằng, ai là người đã tạo ra nỗi khổ cho mình. Hãy để sự trừng phạt nằm về phía luật pháp, cứ xem nó như là một sự kiện. Nếu là thân bằng quyến thuộc của nạn nhân thì cũng đừng chăm sóc cảm xúc của nạn nhân bằng cách hỏi “Cho tôi biết ai là tác nhân, tôi sẽ trả thù giùm cho”. Thương như thế chỉ làm gia tăng thêm cảm xúc khổ đau của nạn nhân. Cả họ và ta đều rơi vào tình huống bế tắc. Đừng đổ dầu vào lửa, sự sân hận làm cho tâm lý con người luôn bị đốt cháy và theo đó ta đánh mất dòng chảy của cảm xúc an lạc, thảnh thơi.
Khi dạy phương pháp quán không có tác nhân tạo và chủ thể cảm nhận nỗi khổ đó, đức Phật không đưa ta vào tình trạng thiếu trách nhiệm mà Ngài muốn dùng phương pháp tâm lý để xoa dịu đi nỗi khổ niềm đau. Nỗi khổ đau giống như ly nước có cặn. Thương người thân, có người khuấy ly nước bằng cách hỗ trợ để trả thù v.v... Càng khuấy thì cặn sẽ không lắng được và người thân không uống được ly nước trong.
Đừng khuấy nước khổ đau lên. Cứ để nó lắng đọng với thời gian. Thời gian là phương pháp chữa trị vết thương lòng. Đừng tác động mà hãy hướng tâm của nạn nhân về phía tích cực và tươi sáng hơn, họ sẽ tách rời khỏi trạng thái khổ đau theo cách thức mà đức Phật đã dạy. Khổ đau nằm trên thân thể vật lý, ảnh hưởng đến dòng cảm xúc thông qua hệ thống dây thần kinh trung khu và cảm giác. Khi tách rời hai yếu tố này, nỗi khổ đau dù có mặt như là sự thật, nhưng lại không ảnh hưởng đến bản thân. Từ đó, đau khổ không thể làm cho con người bị ức chế sống trong dày vò, đau đớn.
Ta hãy làm thí nghiệm để thấy được tính ảo giác của cảm xúc trong nỗi khổ niềm đau. Nếu là người sợ máu, khi đưa vào bệnh viện để chích thuốc giảm đau, nỗi sợ hãi về tiêm chích và máu làm đương sự hình dung động tác đưa kim vào cơ thể họ là một sự đau nhức. Trên thực tế, đau nhức có thể chỉ bằng cái chích của một con kiến, nhưng cảm xúc sợ hãi làm cho nỗi đau này gia tăng đến độ có thể ngất xỉu.
Nhiều người đã từng bị rơi vào trạng thái tâm lý đó. Thực tế, chích kim vào cơ thể không làm con người phải khổ đau quá mức. Chỉ vì sợ hãi mà khổ đau được gia tăng. Do đó tách rời tâm lý khỏi cảm xúc là một trong những phương pháp hữu hiệu có khả năng giúp đương sự vượt qua khổ đau dễ dàng và nhanh chóng.
Phương pháp quán không thọ giả là nghệ thuật hình dung mình không phải là nạn nhân. Đừng nên nghĩ ta là nạn nhân, để dòng cảm xúc không bị đè nặng trên tâm lý. Dĩ nhiên còn có nhiều phương pháp thực tập khác, cốt làm cho tâm ta phấn chấn, không còn khổ đau là được.
Năm 1999, khi cộng đồng Tây Tạng tổ chức 40 năm lưu vong tại Ấn Độ, đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng tiêu đề Tưởng niệm “40 năm đại chuyển pháp luân”. Ngài không dùng từ 40 năm Pháp nạn như Phật giáo Việt Nam. Dùng khái niệm “Pháp nạn” là cách trực tiếp thừa nhận rằng mình là nạn nhân, hoặc có thọ giả, trong khi đức Phật dạy ta hãy quán bốn đối tượng vô ngã là ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả.
Quán chúng sinh vô ngã tức là không có ý niệm về chúng sinh, bao gồm tha nhân và bản thân như một chủ thể với ý niệm và dòng cảm xúc đang tiếp nhận khổ vui. Đó là tinh thần của kinh Kim Cương Bát Nhã. Quán như vậy, nỗi khổ niềm đau sẽ tan biến rất nhanh.
Khi dùng từ “40 năm Pháp nạn,” xem như ta đã chấp nhận mình là nạn nhân và Phật pháp đang bị lâm nạn. Thực ra, Phật pháp không lâm nạn. Chỉ có người hành đạo bị nạn, do chịu ảnh hưởng xấu của nghịch duyên. Cách dùng từ của đức Đạt Lai Lạt Ma rất phù hợp với tinh thần vô ngã. Nhờ biến cố Trung cộng, Phật giáo Tây Tạng đã có mặt ở Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới.
Như vậy, trong biến cố của Tây Tạng, ta thử hỏi nên buồn hay vui? Buồn về một quá khứ không như ý, nhưng vui trong hiện tại và tương lai khi Phật giáo Tây Tạng được phát triển toàn cầu. Không nhìn thấy phương diện tích cực này, con người dễ sống trong tình trạng uất hận và chịu khổ đau lâu dài, nhất là trong tình huống ta không thể làm gì khác hơn, dù có nỗ lực chân chính.
Như thế, quán không thọ giả là cách thức tích cực, nhằm tách rời khổ đau quá khứ khỏi đời sống hiện tại. Được vậy, ta có thêm bản lãnh sống ở hiện tại để gầy dựng lại cuộc đời và có thể hưởng được hạnh phúc. Nếu chỉ ký ức về quá khứ và cho rằng mình là nạn nhân của lịch sử, chiến tranh, ý thức hệ, bất đồng, xung đột v.v... thì cảm xúc khổ đau sẽ dâng cao. Nếu thực tập như thế, chắc chắn sự tiến bộ về tâm lý sẽ cứu thoát ta khỏi hoàn cảnh khổ đau đã có, như con khỉ nhờ bám vào nhành cây mà lên khỏi vũng lầy.
Người thực tập nên loại bỏ lòng tự ái. Về bản chất, tự ái là cảm xúc thương yêu bản ngã hơn bất kỳ ai khác. Nó được núp bóng dưới dạng thương yêu người, nhưng trên thực tế là thương yêu chính mình. Chẳng hạn, đứng trước cảnh sanh ly tử biệt của người thân, có người buồn bã, khóc lóc, bỏ ăn mất ngủ và gào thét với những câu cảm xúc như: “Ba ơi! Ba đi rồi, bỏ con lại cho ai? Con khổ lắm!” Hoặc người vợ nói với chồng vừa qua đời: “Anh ơi! Anh đi rồi, cuộc sống của em trở nên vô nghĩa. Anh là điểm tựa cuộc đời em”. Tất cả những lời than vãn từ tình thương hoặc tình yêu có thể xuất hiện dưới hình thức quan tâm người quá cố, nhưng trong chiều sâu tâm lý là lo sợ cho bản thân mình bị cô đơn.
Thực ra, người khóc đâu phải thương tưởng người ra đi. Phần lớn khóc trong tình huống của tang tóc là sợ rằng mình không còn ai chăm sóc, vỗ về, giúp đỡ khi cô đơn và túng thiếu. Trong tình yêu nam nữ, hoặc giữa hai người đồng giới tính, tự ái là trục xoay chính yếu. Người ta yêu chính bản thân mình nhiều hơn yêu người khác.
Gốc tự ái trong tình yêu có thể bị biến dạng thành nỗi hận thù, khi các yêu cầu, cảm xúc và khao khát bị từ chối hoặc không thỏa mãn. Lúc đó, đương sự có khuynh hướng trả đũa để chứng minh rằng “Tôi đâu phải không có giá!” Càng chứng minh mình có giá trên nền tảng tự ái thì giá trị càng bị giảm.
Nhiều người ngạc nhiên khi nghe Thế Tôn, là Bậc phước trí vẹn toàn, sao đời Ngài vẫn còn gặp nhiều cảnh trái ngang. Lý giải truyền thống cho rằng đó là sự thị hiện, Ngài hiện thân là con người nên cũng phải có những cuộc sống và hoàn cảnh éo le, ngang trái, nhưng Ngài đã vượt qua được tất cả. Muốn khẳng định rằng, là con người ai cũng có thể làm được như Ngài. Nhằm giáo dục con người về tính kiên nhẫn vượt khó. Tôi thích khuynh hướng nhìn đức Phật dưới góc độ con người lịch sử, dầu là Bậc giác ngộ, Ngài vẫn chịu khổ đau về thân thể nhưng hoàn toàn không có nỗi khổ tinh thần.
Quy luật nhân quả rất xác thực và công bằng, không hề bị lũng đoạn, không ai có thể sống vượt ngoài vòng kiềm tỏa của nó. Dù là đức Phật, Bồ-tát, A-la-hán, những gì đã gieo thì phải gặt. Người giác ngộ biết cách chuyển hóa khổ đau, vượt lên trên nghịch cảnh, thay vì phải gặt hái trọn vẹn quả không như ý, nhờ sự chuyển nghiệp, các hạt giống xấu trong quá khứ không đủ sức trổ quả ở hiện tại, hoặc nếu trổ thì tác dụng xấu của nó không nhiều như trong tình huống của người phàm.
TÌNH YÊU VỊ KỶ
Chuyện kể rằng có một thiếu nữ tên là Magadida, thuộc hàng danh môn vọng tộc. Cô xinh đẹp đến độ các công tôn, vương tử thoạt nhìn đều si mê, như có sự cuốn hút lạ lùng. Sắc đẹp đó đã làm cho cô đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Được quá nhiều người thương và săn đón từ: thái tử, phú hộ, kẻ hào hiệp cho đến người thường dân, cô không biết phải lựa chọn ý trung nhân nào.
Cha cô muốn con mình được hạnh phúc, môn đăng hộ đối cùng giai cấp, nên không đồng ý cho cô đính hôn với ai thuộc giai cấp thấp hơn. Ông tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa hài lòng về ứng cử viên tương xứng.
Một hôm nọ, ông đến thành Xá-vệ, thấy đức Phật đang đi khất thực, ông không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một người đẹp trai lạ lùng đến thế! Với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, mặc dù chiếc y của Ngài mặc đã quá cũ, nhưng Phật vẫn đẹp và hấp dẫn. Ông nảy sinh ý định chọn Phật làm rể. Sau đó, ông lập kế thỉnh Phật về nhà cúng trai Tăng và dặn dò con gái:
- Con ơi, ba sẽ cưới cho con một người rất xứng đáng. Nét đẹp và sự phương phi của người này là điều không người đàn ông nào có thể hơn được. Nhất định khi lấy anh ta, con sẽ rất hạnh phúc. Đây là niềm mơ ước của ba.
Hôm ấy, đức Phật và Tăng đoàn đến nhà ông bá hộ theo lời thỉnh cầu. Ngài đi nhẹ nhàng với bước chân thảnh thơi, ngồi
xuống trong tư thế an lạc. Gia đình ông ai cũng phấn chấn bởi nghĩ Phật sẽ trở thành chú rể.
Suốt đêm, Magadida sửa soạn, trầm tư không ngủ được. Khi Phật đến nhà, cô không chịu ra, ở trong phòng trang điểm tăng thêm hương sắc và tập điệu bộ, dáng đi, cách thể hiện ánh mắt, nụ cười để quyến rũ Phật chấp nhận làm chồng mình.
Trái với dự kiến, khi cô bước ra khỏi phòng, đức Phật dường như không quan tâm đến. Theo truyền thống, sau khi nhận phẩm vật cúng dường của ai, Phật tạ ơn bằng cách thuyết giảng pháp thoại, như thực phẩm tâm linh. Trong sự giao hoán này, một bên hiến vật chất, một bên tặng tâm linh.
Phật dụng ý giảng về sự bất tịnh của thân. Thân thể con người dù đẹp cũng chỉ là nghĩa trang, chứa đầy xác chết bên trong. Khi ăn thịt các loài thú, nói chung là loài có sự sống, ta đã biến bao tử này thành nghĩa trang tập thể. Phật phê phán thái độ hãnh diện tự hào về sắc đẹp. Theo Phật, sắc đẹp của thân chỉ là chiếc túi da chứa đựng những thứ bất tịnh mà thôi. Lời thuyết pháp của Phật như cơn sấm sét, tấn công vào não trạng của cô. Cô tức giận, cho rằng Thế Tôn chọc tức và khinh mình. Cô thầm nghĩ mình thuộc hàng sắc nước hương trời mà ông thầy tu lại so sánh cô như nghĩa địa hay cái túi da hư thúi, thì còn gì đau đớn cho bằng.
Cô giữ mối thù đó và nói với cha:
- Ba ơi, con không thèm cưới ông này. Ông này đẹp trai nhưng chảnh quá, lại nghèo rớt mồng tơi sao làm chồng con được.
Trong tâm cô oán hận, thầm nghĩ: “Đến ngày nổi tiếng, tôi sẽ cho ông biết tay, để ông không khinh thường tôi nữa”. Niềm uất hận đó đã được nuôi dưỡng trong lòng cô ngày càng lớn.
Ba năm sau có đợt tuyển cung, vì là người đẹp nhất nên cô đã được nhà vua tuyển làm quý phi và được sủng ái hơn hoàng hậu.
Nhà vua là Phật tử thuần thành. Một hôm, vua thỉnh đức Phật đến hoàng cung thuyết pháp. Khi nghe tin đó quý phi thuê người đứng dọc đường đến kinh thành, chửi bới đức Phật. Điều đó đã làm A Nan xót xa, thưa đức Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, con thấy chỗ này không yên, nếu Thầy trò ta ở đây thêm nữa, vô tình tạo tội lỗi cho kẻ xấu. Chi bằng ta hãy đi nơi khác.
Đức Phật nói:
- Nếu đi chỗ khác cũng bị chửi bới tương tự thì sao? A Nan thưa:
- Thì đi tiếp nữa. Đức Phật nói:
- Nếu chỗ tiếp đó nữa cũng gặp tình trạng tương tự hoặc nặng hơn thì tính sao?
- Thì đi chỗ khác tiếp.
Triết lý của câu chuyện là khi con người để tình yêu giới tính mang tính chiếm hữu khống chế, thì các quan hệ sẽ dẫn đến tình trạng nếu không độc hữu về tình yêu được thì sanh tâm thù hận. Cô gái trong câu chuyện không quên được cái tự ái một chiều, khi nghĩ rằng Phật đã khinh thường cô, mà trên thực tế muốn giúp cô vượt qua cái tôi cao ngạo về ngoại hình. Tự ái sai lầm dẫn đến thù hận, rồi trả đũa bằng cách thuê người sỉ nhục đức Phật quả là một chuỗi sai lầm. Điều chính yếu của câu chuyện là trong nghịch cảnh đó, đức Phật dạy A Nan phải giữ tâm vững chãi để vượt qua, thay vì đầu hàng nó một cách vô điều kiện.
Câu chuyện trên còn cho thấy, kéo dài sự lẩn tránh không phải là giải pháp. Nghịch cảnh xuất hiện chỗ nào thì đối diện tháo gỡ chỗ đó.
Nghệ thuật tháo gỡ khổ đau theo nhà Phật là đối diện với thực tại khổ đau đó và nhận diện mặt mũi khổ đau, truy nguyên nguồn gốc và nguyên nhân, để chuyển hóa và vượt lên trên nó. Trốn tránh không phải là giải pháp. Đối diện theo kiểu liều mạng lại càng không phải là giải pháp. Trốn tránh và bỏ mặc là hai thái độ cực đoan, nếu không nói là thiếu trách nhiệm.
Cứ quan sát, nhìn nhận sự việc xảy ra như là một sự kiện. Lúc đó, nhìn thấy sự vật chỉ đơn thuần là sự thấy, nghe các âm thanh chỉ đơn thuần là sự nghe dù có chửi bới hay khen chê thì cũng chỉ là âm thanh. Quán được như vậy là đang nhìn thấy được chân tướng của sự vật. Lúc đó, ta không còn chạy theo phản ứng thuận và nghịch của cảm xúc. Tất cả dụng ý xấu của người khác không hề tác động đến thành trì kiên cố của đời sống nội tâm. Bằng cách thực tập như vừa nêu, nỗi khổ đau dù có mặt cũng không làm ta bị khủng hoảng.
Trong câu chuyện đức Phật đã chuyển hóa được những thành phần đâm thuê, chém mướn bằng thái độ thản nhiên và không hận thù. Những hành động chửi bới, ném liệng của họ không hề làm cho đức Phật cảm thấy bực dọc, thù hằn. Ánh mắt của Ngài đối với họ chan chứa tâm từ ái. Ứng xử này, giúp cho người xấu nghĩ đây phải là một nhân vật siêu phàm với tính cách đặc biệt. Tâm hóa giải của Ngài đã làm cho mọi hận thù tan biến rất nhanh. Cuối cùng Ngài cũng độ được bà quý phi thoát khỏi mặc cảm, tự ái và thù hận.
Nếu tự ái tạo ra hận thù, thì tự ái sai lầm là tự sát. Trong tình yêu giới tính, thái độ đòi hỏi luôn cao hơn nhu cầu ban tặng. Trong tình bạn, sự ban tặng nhiều hơn là sự tiếp nhận. Trong kinh Tăng Chi, Phật dạy có bảy cách làm vợ chồng: vợ như là người mẹ, chị, em gái, bạn đời, người đầy tớ, kẻ sát nhân. Trong các loại trên, vợ chồng như bạn là lý tưởng nhất.
Quan hệ vợ chồng như bạn, sẽ không có phân biệt đối xử trọng khinh, cao thấp cả hai luôn sống trong sự chia sẻ khổ đau và hạnh phúc. Người chồng không đòi hỏi người vợ phải chiều anh ta bằng cách này cách nọ. Trong cách ứng xử ngang hàng như vậy, tình yêu chân thật sẽ trưởng thành, đơm hoa kết trái bền vững cả đời. Thương ai không phải để người đó mang lại cho mình gia tài, sự nghiệp, địa vị, danh vọng, hoặc để hãnh diện với bà con về nhan sắc, văn bằng học vị, vai trò vị trí xã hội mà họ có. Những thứ đó sẽ không bền vững.
Quan niệm tình yêu như tình bạn, sẽ không có sự hơn thua; thay vào đó là sự hy sinh cho nhau. Trong tình yêu vị kỷ, luôn có điều kiện để buộc người yêu thuộc về mình. Do vậy, khi không đạt được mục đích, rất dễ sinh ra thù oán nhau.
Đừng ứng xử theo cách tự ái, vì tự ái là biến dạng của thù hận. Trong tình yêu nếu để chất liệu tự ái trưởng thành thì dễ bị đổ vỡ. Đức Phật dạy, hãy lấy chất liệu tình bạn đặt vào tình yêu, nên dầu cưới nhau mấy mươi năm vẫn xem nhau như hai người bạn quý. Thường xuyên hâm nóng lại tinh thần đó.
Phương Tây thường tổ chức kỷ niệm 50 năm sau hôn nhân, hoặc ngắn hơn như 20 năm, 10 năm, để thắp sáng tinh thần bằng hữu hay thiện hữu tri thức, nói theo đạo Phật. Thiện tri thức là bạn có đạo đức, tuệ giác, nương tựa lẫn nhau, dìu dắt nhau để cả hai người cùng hướng về con đường hạnh phúc.
Sống như vậy thì sự đổ vỡ sẽ không xuất hiện. Cần nhổ lên hạt giống tự ái trong các mỗi quan hệ. Được vậy, thế giới này sẽ có được màu xanh của bình yên bất tận.
DÒNG SUỐI GIẢI OAN
Phương pháp khác có khả năng xóa bỏ sự thù hận là buông bỏ hàm oan. Những người chết oan ức, hay bất đắc kỳ tử thường bị ức chế tâm lý, nên khó siêu thoát. Trong cách chết trợ tử, nếu bệnh nhân không yêu cầu mà thân nhân tự động làm thì khả năng sân hận có thể có, dù đang bị hôn mê họ vẫn không chấp nhận cái chết đang diễn ra như sự thật.
Người chết mà không chấp nhận cái chết thường rơi vào cảnh giới ngạ quỷ, tức hồn ma sống thuần bằng tâm thức. Thần thức này tồn tại không bị giới hạn bởi không gian vật lý, nên có thể nhìn thấy con người, sự vật, cây cảnh, màu sắc và có trường hợp hiểu được tâm lý người còn sống với những tình cảm nhớ thương.
Dĩ nhiên cảm quan của người sống và người chết khác nhau rất xa. Nếu người sống nhìn thấy tất cả hình thù, màu sắc, thì sự cảm nhận này trực tiếp từ mắt; trong khi người chết chưa được siêu thoát chỉ cảm nhận bằng sự hình dung và tưởng tượng.
Muốn xem kỳ quan và cảnh đẹp, người sống chỉ tốn tiền mua vé máy bay hay đi xe đến nơi là có thể xem được, hoặc xem lại từ VCD hay hình ảnh được chụp lại. Các hương linh sống bằng cảm xúc, không có các giác quan như người sống để tiếp xúc trực tiếp. Khi nhu cầu của con mắt nhìn hay lỗ mũi ngửi, lỗ tai nghe âm thanh có mặt thì sự thèm khát hưởng thụ dâng trào nhưng họ không thể thực hiện được. Dòng cảm xúc thèm khát này làm cho hương linh chưa siêu bị đói về mọi phương diện, nên họ được gọi là ngạ quỷ. Chết oan uổng mà không được sự giúp đỡ bằng các khóa lễ cầu siêu thì hương linh khó đầu thai được.
Một trong những cách xóa bỏ hận thù có hiệu quả là phải tháo gỡ những nỗi hàm oan. Mặc dù vẫn biết mình bị oan nhưng đừng cố chấp vào nỗi hàm oan đó, thì mối gút hận thù được tháo gỡ phân nửa về phía nhận thức của nạn nhân. Còn người đối tác có thừa nhận hay không là chuyện khác, ta không nên quá bận tâm. Nếu tác nhân thừa nhận cái gút hàm oan tạo cho người khác nên mở thì tốt cho cả hai. Bằng không nhận thức được, người không giữ nỗi hàm oan vẫn được an toàn bản thân. Về sau hay kiếp sau có gặp lại, nếu không với tư cách là người bạn, thì cũng không vì thế mà hận thù nhau, nhờ đó, không vấp phải những đổ vỡ và tổn thất.
Bộ Từ bi thuỷ sám là tác phẩm Phật học, dạy nghệ thuật làm mới đời sống đạo đức rất hay trong thời cận đại. Tác phẩm dưới dạng sám pháp, nói về cách thức tháo gỡ lỗi lầm, khi đã lỡ gây tạo cho người khác. Sự tích của bộ sám này từ câu chuyện có thật liên quan đến Ngộ Đạt quốc sư, bậc chân tu đạo cao đức trọng, trong kiếp quá khứ từng tạo ra nỗi hàm oan cho một người hiền lương.
Trong tiền kiếp, Quốc sư Ngộ Đạt từng làm quan thẩm phán tối cao, tên là Viên Án. Có một thường dân tên là Triệu Thố, do vì tình ngay lý gian, đã bị kết án tử hình. Triệu Thố van xin bằng mọi cách nhưng Viên Án không tin. Với chứng cứ giả, không biện hộ được, theo luật pháp lúc đó, Viên Án xử tử Triệu Thố.
Cái chết đó đã làm cho Triệu Thố uất ức và thù hận. Trước khi bị hành hình, Triệu Thố thề: “Tôi sẽ báo thù Viên Án dù phải trải qua nhiều đời kiếp”. Cuối đời Viên Án đã trở thành một nhà sư. Trong lúc tĩnh tâm thiền quán, ông lật lại những trang dữ liệu quá khứ và biết rằng mình đã xử oan Triệu Thố, dẫn đến cái chết của cả gia đình người hàm oan. Dù Viên Án ăn năn hối hận, làm lễ sám hối nhưng oan khiên đó vẫn không buông tha ông.
Sau nhiều kiếp tái sanh làm nhà sư tu hành giới luật nghiêm minh, đến kiếp thứ 10, Viên Án trở thành quốc sư tên là Ngộ Đạt. Quốc sư Ngộ Đạt rất thông thái, đạo cao đức trọng và rất khiêm hạ. Vị vua Trung Quốc lúc đó rất tôn kính Phật pháp Tăng, thỉnh Ngộ Đạt về triều thuyết giảng đạo lý, sau đó phong làm quốc sư.
Trong ngày lễ phong chức, vua cho làm tòa ngồi bằng trầm hương, quý hơn long tọa của vua. Khi Quốc sư Ngộ Đạt khởi lên ý niệm hãnh diện tự hào, thì lập tức nghiệp oan trái của 10 kiếp trước có cơ hội xúc tác để trả quả. Bỗng dưng, đầu gối của Quốc sư Ngộ Đạt mọc mụt ghẻ hình mặt người, lại có thể phát ra âm thanh. Dù không phải ngôn ngữ của con người nhưng với khả năng nghe của Ngộ Đạt, đây hẳn là âm thanh của sự oan trái than thở, trách móc, đòi đền tội để rửa thù:
- Là người học sâu hiểu rộng về lịch sử và văn chương, hẳn ngài đã đọc qua quyển Tây Hán Thư, ra đời dưới triều đại Đường Ý Tâm. Tác phẩm này có đề cập đến chuyện oan khiên giữa Viên Án và Triệu Thố.
Quốc sư Ngộ Đạt nói:
- Tôi biết chuyện đó. Thật tội nghiệp cho Triệu Thố. Mụt ghẻ phát ra những tín hiệu cho biết rằng:
- Trong câu chuyện đó, ngài là Viên Án còn tôi chính là Triệu Thố. Tôi làm oan hồn theo ngài đã 10 kiếp rồi nhưng chưa có cơ hội để trả thù, bởi ngài đã trở thành một vị chân sư. Do kiếp này ngài có tâm cống cao, ngã mạn nên tôi có cơ hội để trả thù rửa hận.
Nói xong, mụt nhọt làm thân thể quốc sư nhức nhối kinh khủng, không sao chịu nổi. Trong sự đau nhức, Quốc sư Ngộ Đạt nhớ lại cuộc tao ngộ đặc biệt với một vị cao Tăng trước đây. Vị cao Tăng này xuất hiện dưới hình thái một người ăn mặc xốc xếch, đi đâu cũng bị mọi người xa lánh. Chỉ có tu sĩ trẻ Ngộ Đạt tỏ ra kính trọng, gần gũi dâng cơm nước, tặng phẩm vật. Nhân đó, vị cao Tăng nói:
- Sau này, nếu gặp nạn, thầy nhớ lên trên núi Tà Lũng thuộc khu Bành Thành mà tìm. Chỉ cần liên tưởng đến thì thầy sẽ gặp tôi.
Lúc giúp vị cao Tăng, Ngộ Đạt nghĩ đơn thuần là nhà sư nói chơi thôi, hơn nữa ngài cũng chẳng cần ai giúp đỡ trả ơn, vì không còn sợ tai nạn và bất hạnh. Khi bị oan khiên hoành hành, Ngộ Đạt đã tìm đến núi Tà Lũng. Làm theo lời dặn, Ngộ
Đạt gặp lại người xưa. Vị cao Tăng nói:
- Nỗi oan khiên của quốc sư tôi đã biết. Bây giờ quốc sư hãy đi xuống con suối bên cạnh núi Tà Lũng, dùng nước, quán tâm từ bi của mình đang trải rộng dài khắp nơi và mọi loài, từ chúng sanh có sự sống, cho đến thảo mộc vô tình. Quốc sư hãy tâm niệm: “Xin những giọt nước từ bi này xóa tan những nỗi oan khiên, thù hận đã tạo trong quá khứ, dù vô tình hay cố ý”.
Quốc sư Ngộ Đạt đã làm theo lời hướng dẫn của cao Tăng, cuối cùng đã hóa giải thành công mối thù truyền kiếp của Triệu Thố. Cảm phục giá trị của phương pháp sám hối này, Quốc sư Ngộ Đạt đã sáng tác ra bộ Từ bi thuỷ sám với lời văn tha thiết, nói về quy luật nhân quả, đạo đức chi phối hạnh phúc hay khổ đau của con người trong cuộc đời.
Các Phật tử thỉnh thoảng nên đọc lại bộ sám pháp này, với tất cả lòng chí thành để sám hối, những lỗi lầm do vô tình hay cố ý gây ra cho người khác. Có những chuyện làm sai nhưng ta không hề hay biết, cứ tưởng mình làm đúng theo lương tâm và luật pháp, nên đã tạo ra những nỗi oan khiên, biến người vô tội thành những oan hồn, chịu nhiều nỗi khổ đau qua nhiều kiếp.
Thực tập thói quen sám hối để tháo gỡ những nghiệp oan trái cũ và mới. Phải buông bỏ nỗi oan khiên với người khác. Dù với tư cách nạn nhân hay tác nhân, ta nên tháo gỡ các oan khiên để không trói buộc oán thù từ đời này sang đời khác.
TỪ BI & THA THỨ
Bên cạnh các phương pháp vừa nêu, hạnh từ bi và tha thứ là hai đức tính giúp ta tháo gỡ hận thù. Dòng suối mà Quốc sư Ngộ Đạt sử dụng, sở dĩ được gọi là suối Từ bi là vì từ bi là chất liệu thanh lương, thẩm thấu vào lòng người có thể mang lại sự an lạc.
Không ai nói là núi từ bi, đất từ bi mà thường nói là nước từ bi, bởi vì nước có khả năng tẩy rửa, làm sạch. Sử dụng chất liệu từ bi có nghệ thuật, ta sẽ làm cho tâm sân hận được rửa sạch. Lúc đó, cảm xúc thù hận sẽ được phóng thích ra khỏi cơ thể vật lý và tâm sinh lý, con người sẽ trở về với trạng thái thanh tịnh, an vui, hạnh phúc. Tha thứ là chất liệu để cho hạt giống từ bi được nảy mầm. Điều quan trọng là đừng lẫn lộn tình cảm với lòng từ bi.
Ví dụ, đứng trước cái chết của người thân, ta rơi nhiều nước mắt và tưởng đây là lòng từ bi của mẹ đối với con, ông đối với cháu... Thực ra, đó chỉ là tình cảm thông thường trong quan hệ huyết thống. Muốn biết mình có từ bi nhiều hay không thì hãy thử. Mỗi khi nghe đến một tai nạn giao thông hay những đại nạn động đất, sóng thần, hỏa hoạn, nói chung trước chết chóc xảy ra, nếu ta không hề có chút tâm thương xót, không dành một phút mặc niệm nào để hồi hướng cho những người bất hạnh được siêu sanh thì ta biết hạt giống từ bi của mình đang bị ngủ quên.
Khi để dòng cảm xúc của tình thân phủ trùm lên cuộc sống, ta làm vì trách nhiệm, tình thương lại lầm tưởng là thể hiện từ bi. Tình cảm thì có nặng nhẹ, bên này bên kia. Lòng từ bi thì không phân biệt. Đứng trước cái chết của một người thân thì khổ đau, trong khi trước cái chết của mấy chục ngàn người thì dửng dưng, như vậy là chưa khơi dậy được lòng từ bi cần có.
Phật dạy, cứ mỗi ngày trước khi đi ngủ phải quán từ bi. Quán từ bi có lợi ích nhiều trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chẳng hạn khi giận chồng hay giận vợ, nếu biết quán từ bi thì rất dễ dàng tha thứ; biết rằng tội lỗi và sai lầm như là thuộc tính của người phàm. Hễ là người phàm, ai cũng lầm lỗi. Có người lỗi nặng, người lỗi nhẹ. Thấy được thuộc tính người phàm giúp ta không chấp trước và dễ dàng khởi ý niệm tha thứ, bỏ qua. Tha thứ người khác vì biết rằng mình có thể vi phạm sai lầm trong tình huống tương tự. Biết tha thứ cho người khác thì khi mình lầm lỗi họ cũng dễ dàng tha thứ cho mình. Đó là nhân quả của đạo đức tha thứ. Điều quan trọng hơn, tha thứ tháo gỡ hận thù, là phương thuốc trị liệu vết thương lòng.
Khi có tu chuyển hóa, ta dễ tha thứ bất cứ lỗi lầm nào của con người. Tha thứ là những giọt nước tẩy rửa bợn nhơ đạo đức của con người, đồng thời là chất liệu giúp họ làm mới cuộc đời. Quan niệm được như vậy, ta sẽ không khó chịu khi thấy người bạn đời hay thân bằng quyến thuộc đã làm cho mình khổ đau.
Đừng tuôn ra những câu thề thốt độc địa, khi giận dữ. Lời thề cay, rủa độc không phải là chánh ngữ. Đó là ngôn ngữ thiếu từ ái, thể hiện sự sân si, mang theo khổ đau, dẫn đến bế tắc trong quan hệ.
Nếu trong đời, lần nào đó vì giận quá nên ta đã buông ra những lời thề hăm doạ thì hãy rút lại lời nói đó. Phải biết “Một cái giá bằng ba cái đánh”. Đánh một lần đau rồi hết còn giá sẽ làm người sợ, vì không biết sẽ bị đánh lúc nào, ở đâu. Trạng thái hồi hộp, lo sợ cứ chầu chực, làm cho họ quên ăn bỏ ngủ. Nhân quả của hù dọa có trường hợp lớn hơn là đánh thiệt, về phương diện tác hại tâm lý đối với đời sống. Nhân quả rất phức tạp. Không phải khi nào có làm cụ thể mới thật sự có nhân, có quả. Một hành động của tư duy tiêu cực xuất hiện là đã tạo ra nghiệp quả xấu rồi.
Xóa bỏ lời thề cay, rủa độc giống như ta delete các tập tin bị lỗi trong hệ điều hành tâm thức của mình. Tháo hết ra để người kia thấy rằng họ đã được đón nhận bằng tất cả lòng từ bi, giữa ta và họ không còn những khoảng cách nữa. Như vậy chất liệu của tha thứ đã làm cho người kia trưởng thành hơn trong đạo đức và là một dưỡng chất làm cho họ cảm thấy hân hoan, nhẹ nhàng, phấn chấn.
Thông thường có hai tình huống mẹo vặt giúp người dễ dàng tha thứ. Tình huống một là lúc người cố chấp đang khổ đau nhất; sự quan tâm và chia sẻ của ta dễ được chấp nhận như lời xin lỗi. Trong nỗi khổ đau cùng cực, con người dễ dàng tiếp nhận sự xin lỗi và tha thứ, để có thể thiết lập tình thân, vượt qua cô đơn và khổ nạn.
Tình huống thứ hai là khi được hạnh phúc cực điểm, con người cũng dễ dàng tha thứ. Lúc đó sự tha thứ được thực hiện như một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng, theo nghĩa tỏ ra ta là người nhân từ, rộng lượng. Trong tâm trạng sung sướng người ta thường tỏ ra dễ dãi và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ lỗi lầm. Những ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9 hay Giải phóng 30/4, lệnh ân xá cho những tội nhân thường được thực hiện.
Lợi dụng vào cảm xúc hạnh phúc nhất của họ để bày tỏ lỗi lầm thì ta dễ dàng thiết lập được nhịp cầu thông cảm, tha thứ. Nhờ đó lòng thù hận sẽ được xoá bỏ và không dây chuyền từ kiếp này sang kiếp khác.
Dĩ nhiên, cả hai nghệ thuật tâm lý vừa nêu chỉ thành công khi cả hai cùng nỗ lực; nếu chỉ một bên thì kết quả sẽ không nhiều.
KHÔNG THA THỨ GÂY RA ĐẠI HỌA
Trong lịch sử Ấn Độ thời đức Phật, có một cuộc chiến đẫm máu mà nguyên nhân là do lòng chấp thủ. Dòng tộc Thích Ca, tổ phụ của đức Phật Thích Ca, đã có lần chơi trác dòng họ Lưu Ly. Trong nước cộng hòa Ấn Độ gồm 16 bang, Sakya là nước nhỏ nhưng sự phồn thịnh về văn hóa, giáo dục, kinh tế, đã làm cho những nước khác phải nể sợ. Ma Kiệt Đà là nước lớn mạnh cũng phải e dè trước dòng tộc Thích Ca.
Khi tổ phụ dòng họ Thích Ca quá mạnh, vua nước Lưu Ly muốn cầu hòa, xin cầu hôn con gái dòng họ Thích Ca cho hoàng thái tử. Dòng họ Thích Ca khinh thường dòng họ Lưu Ly bằng cách gửi tỳ nữ đẹp về làm vợ hoàng thái tử nước Lưu Ly, sau này trở thành hoàng hậu.
Theo phong tục Bà-la-môn giáo, người nào giai cấp vua chúa mà đính hôn với người giai cấp thấp hơn thì sự thanh tịnh nhiều đời nhiều kiếp bị phá vỡ.
Nỗi đau sĩ diện này là tổn thất không thể đo lường được đối với nước Lưu Ly. Mấy đời trôi qua, cho đến thời đức Phật, vua Lưu Ly con phát hiện sự chơi khâm của nước Sakya, nảy sinh ý định trả thù.
Biết chuyện đó, đức Thế Tôn tìm mọi cách để hóa giải lòng hận thù của vua Lưu Ly, nhưng vẫn không thành công. Trước khi vua Lưu Ly cất quân đánh nước Sakya, đức Phật khuyên rằng: “Tôi thừa nhận tổ phụ của Sakya đã từng tạo ra khổ đau cho nước Lưu Ly. Khổ đau đó đã trở thành quá khứ mấy thế kỷ rồi. Vậy tại sao phải hâm nóng nỗi đau quá khứ. Tôi khuyên ngài hãy vì lòng từ bi mà xóa bỏ nỗi khổ đau này để cho hai dân tộc có thể trở thành bạn trong hòa bình và phát triển.
Nếu đại vương cất quân đánh thì biết bao người dân vô tội sẽ bị chết. Đại vương nên ý thức rằng hành động trả thù đó đã gieo nghiệp sát, vốn không có liên hệ gì đối với tác nhân gây tạo trước đây. Nỗi khổ đau này sẽ không cùng tận.
Đức Phật thuyết phục mấy, vua Lưu Ly vẫn không nghe. Tha thứ vẫn không được thiết lập, binh phạt đã xảy ra và biết bao nhiêu người dân vô tội của dòng tộc Thích Ca đã phải chết.
Đức Phật không phải kém tài thuyết phục. Khi quy luật của lòng tham, sân, si đã hoạt dụng ở trục cực điểm thì những gì thuộc về chân lý, đạo đức, từ bi đều trở nên vô dụng. Phật đã từng nói trong kinh rằng: “Ta có thể cứu độ vô lượng, vô số chúng sanh nhưng không thể độ những người không có duyên với Ta”. Nghiệp quá khứ của dòng họ Thích Ca đã gây ra thì phải chấp nhận trả. Phật có thể độ rất nhiều người nhưng không thể độ những người có thành kiến quá nhiều mà không sẵn lòng tháo mở. Thành kiến và cố chấp là ổ khóa, đóng lại cánh cửa tâm hồn, mặc cho chân lý có thiết tha đến gõ cửa cũng không cách nào vào được.
Sự cố trả thù của vua Lưu Ly không thuộc về trách nhiệm của Phật Thích Ca. Lỗi ở nơi lòng sân hận và sự trả thù, đã mang lại tang tóc, khổ đau cho biết bao nhiêu người. Ít nhất về phía dòng tộc Thích Ca được sự giáo hóa của đức Phật nên họ không còn lòng sân hận trước cái chết tàn khốc.
NỐI DÂY THÂN ÁI
Là người con Phật, chúng ta phải mở rộng lòng để nối dây thân ái với mọi người. Dù ai có gây bất cứ lỗi lầm nghiêm trọng như thế nào chúng ta cũng nên tạo cơ hội, giúp họ làm mới cuộc đời, không mặc cảm tội lỗi và ý thức được những lỗi lầm đã gây ra. Ta luôn luôn mở rộng cửa tâm hồn để chấp nhận người khác, sau đó tùy theo thái độ từng người mà nối rộng vòng dây thân ái như thế nào.
Có bản lĩnh hơn nữa thì chúng ta cứ tin rằng người kia đến với tất cả tấm lòng chân thật, đừng nhìn họ bằng lăng kính quá khứ. Ưa nhìn thấy lỗi lầm của người khác sẽ chất chồng khổ đau, từ một nắm đất bất hạnh trở thành đồi, núi, hay vạn lý trường thành bất hạnh. Quên đi quá khứ của người, ta có thể tiếp nhận người khác bằng cái mới của họ trong hiện tại như sự thật đang diễn ra. Lúc đó, không còn quá khứ nào có thể tác động, ảnh hưởng, chi phối và cũng không còn những khoảng cách phân ly nữa. Hạt giống của sự tha thứ rất quan trọng trong quan hệ tình người. Thiếu đi sự tha thứ, chính bản thân người chấp giữ cũng bị bế tắc.
Có nhiều người trừng phạt mình bằng cách tự chặt bàn tay đã từng ăn cắp. Nếu cái miệng này đã từng nói dối, lừa đảo thì bây giờ làm cho lưỡi bị câm, bị ngọng; nếu đã tạo cái chết cho người khác thì tự sát để đền nợ. Tất cả sự trừng phạt đó là sai lầm, không giải quyết được vấn đề. Chẳng hạn, Hitler dù tự sát thì nghiệp sát của ông với dân Do Thái vô tội vẫn không trả được. Nếu những nạn nhân không có hạnh tha thứ, ôm giữ mối hận thù thì Hitler khó siêu sanh. Bản thân Hitler nếu không tháo mở sự uất hận để hồi đầu làm mới cũng khó có cơ hội tái sinh với đời sống an vui.
Tha thứ là một nhu cầu lớn. Ta có thể hình dung tha thứ như chiếc phao cho người tội lỗi bám để được vào bờ. Vì giá trị của lòng tha thứ có thể làm mới cuộc sống hạnh phúc, bằng mọi cách, ta cố gắng gieo trồng càng nhiều càng tốt.
Hãy thực tập bằng cách nghĩ rằng tha thứ người khác như tha thứ chính mình. Không tha thứ thì mỗi khi nhìn thấy tác nhân, nỗi ám ảnh về lỗi lầm của họ xuất hiện, làm cho ta cứ luôn ray rứt phiền não, mặt khác không nhìn thấy được những cái tốt của họ đang có. Thay vì chấp nhận người xấu với hình ảnh làm mới, nhiều người cố chấp nhìn thấy họ như với quá khứ lỗi lầm, nên bế tắc và hận thù cứ tiếp tục theo ta không chấm dứt. Rốt cuộc bất hạnh vẫn nằm về phía ta, cho nên tha thứ chính là giải thoát cho chính mình khỏi khổ đau của cảm xúc.
Có một trăm người bạn tốt vẫn chưa đảm bảo được an vui nhưng chỉ cần có một kẻ thù là ta đã bị khủng hoảng. Số lượng kẻ khủng bố rất ít so với dân số con người trên hành tinh, thế mà chỉ cần một hành động khủng bố cũng đủ làm cho biết bao nhiêu người phải bị khủng hoảng và khổ đau. Tinh thần tha thứ làm cho ta mở rộng lương tâm và thiết lập nhịp cầu tình bạn. Xóa bớt lòng hận thù tức là bớt thù thêm bạn, dù người bạn đó không giúp ích được gì cho mình cũng không sao, miễn họ chấp nhận làm bạn với ta là quý rồi.
Sở dĩ, ta không chấp nhận người khác làm mới được là vì có những thành kiến về cũ mới, đúng sai giữa quá khứ và hiện tại, tạo thành rào cản lớn. Thiết lập thành trì tâm lý vướng mắc đó chẳng khác nào ta đang cô lập chính mình.
Cần có lòng từ bi và tha thứ, như cặp đức tính sinh đôi. Chỗ nào có lòng từ bi thì chỗ đó có sự tha thứ. Chỗ nào có tha thứ thì hạt giống từ bi sẽ sinh sôi. Nên áp dụng hai đức tính này trong các mối quan hệ tình người.
Nếu chỉ giải quyết sự thù hận bằng cách dùng bạo lực lớn để oanh tạc bạo lực nhỏ, bạo lực đó sẽ tạm thời dừng lại rồi nó sẽ nổi loạn trong tương lai. Dùng cưỡng lực mạnh để áp chế một lực khủng bố nhỏ hơn không phải là giải pháp. Đừng khủng bố lẫn nhau mà cần làm thế nào để cho người kia phải chịu trách nhiệm nhân quả đạo đức trước luật pháp, sau đó lấy tình người để tháo gỡ và chuyển hóa họ. Nếu chỉ sử dụng bạo lực thì tình trạng sẽ bị biến dạng. Khi hận thù biến dạng thì nỗi khổ đau khủng bố sẽ được thiết lập, giống như những quả mìn nằm ở mọi nơi, chỉ cần phút bất cẩn là chúng có thể nổ tung.
Chỉ có tình thương và lòng tha thứ mới góp phần thiết lập môi trường trong lành, thoải mái, người với người biết thương nhau hơn. Điều này ai cũng có thể thực hiện được, chỉ cần mỗi người cố gắng một ít. Hãy quán chiếu theo lời Phật dạy rằng “Tất cả người xa lạ đều là thân bằng quyến thuộc” thì ta đâu nỡ giết hại lẫn nhau để gieo thêm cảnh chia ly, tang tóc.
Nói tóm lại, xóa bỏ hận thù được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau như gieo trồng hạt giống từ bi, thể hiện sự tha thứ, nhổ sạch gốc rễ tự ái, mạnh dạn từ bỏ nỗi hàm oan, hay quán tưởng rằng ta không phải là chủ thể để tiếp nhận nỗi khổ niềm đau, cũng như quán không có một tác nhân nào gây ra khổ đau. Kết hợp những cách quán sát như thế thì nỗi khổ niềm đau sẽ giảm đi đến độ không còn có mặt trên cuộc đời này nữa.