Ý thức khủng hoảng và cách hoằng pháp
Phóng viên đài phát thanh Đuốc Tuệ (PV): Kính thưa quí vị thính giả của chương trình phát thanh Đuốc Tuệ! Hôm nay, nhóm phóng viên Đuốc Tuệ có được thiện duyên tiếp xúc với Tiến sĩ Đại đức Thích Nhật Từ nhân dịp thầy đi hoằng pháp. Thầy từ bên Texas mới sang đây. Tuần trước, thầy đã thăm viếng và thuyết giảng trên miền Bắc California. Tuần này, thầy vừa ban một thời pháp vào hôm chủ nhật, ngày 17/10/2004 tại chùa Diệu Quang - Santa Ana - California cho hàng trăm đồng hương Phật tử với đề tài: “Sự buông xả trong Phật giáo”. Hôm nay, chúng tôi được đến đây để phỏng vấn thầy về nhiều vấn đề.
Kính thưa thầy! Chúng con biết thầy qua website: buddhismtoday.com của thầy từ năm 2000. Đài phát thanh Đuốc Tuệ mới ra đời được hai tháng nay. Chủ trương của Đuốc Tuệ là thuần túy học về Phật, không liên quan đến chính trị, không phê bình chỉ trích các vị đồng đạo cũng như các tôn giáo khác, tích cực phát huy cái hay, cái đẹp của đạo tỉnh thức và cố gắng hội nhập với đời sống mới, tùy nơi, tùy thời đem đạo vào đời, cố gắng cập nhật hóa và hiện đại hóa đúng với tinh thần “tùy duyên bất biến” của giáo lý giác ngộ. Trên tinh thần đó, hôm nay chúng con đến đây để được phỏng vấn thầy. Chúng con xin có một số câu hỏi như sau:
Thứ nhất, trong ba ngày, từ 29 – 31/09/2004, tại Phật Quang Sơn, thành phố Cao Hùng – Đài Loan đã có một cuộc hội thảo Tăng già thế giới gồm 22 nước tham dự. Cuộc hội thảo đặt ra 4 vấn đề lớn:
1. Phương thức hoằng pháp trong thế kỷ 21.
2. Ý thức về sự khủng hoảng trong đạo Phật.
3. Tầm quan trọng của văn hóa Phật giáo và công tác giáo dục.
4. Phật giáo và phụ nữ.
Nhìn chung, cả bốn vấn đề đều rất quan trọng! Ở vị trí Phật tử hải ngoại, chúng con chú trọng đặc biệt đến hai điểm là, phương thức hoằng pháp trong thế kỷ 21 và ý thức về sự khủng hoảng trong đạo Phật. Xin thầy cho biết về hai vấn đề này!
Ý thức về sự khủng hoảng
Thích Nhật Từ (TNT): Trước nhất, xin chân thành cảm ơn chương trình phát thanh Đuốc Tuệ đã tạo cơ duyên để chúng tôi có dịp chia sẻ những ý kiến về các vấn đề phát triển Phật giáo cũng như những vấn nạn Phật giáo đang gặp phải trên khắp thế giới hiện nay. Nội dung các ngày hội thảo tại Phật Quang Sơn gồm rất nhiều vấn đề như cư sĩ vừa nêu. Đặc biệt, hai vấn đề cư sĩ chú trọng là hai vấn đề rất bức xúc. Ý thức về sự khủng hoảng trong đạo Phật là vấn đề mà tất cả các tham dự viên gồm chư tôn đức Tăng Ni, các nhà nghiên cứu Phật học trên khắp thế giới tới dự đều tham gia.
Vấn đề đặt ra là, đạo Phật không thể sống và phát triển ngoài lòng thực tại xã hội. Dĩ nhiên, khi sống trong lòng thực tại, đạo Phật cùng với xã hội đang phải đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng rất khác nhau. Ý thức về sự khủng hoảng trong đạo Phật không chỉ là sự khủng hoảng nội bộ, mà còn bao gồm ý thức của tất cả những người con Phật nói chung. Những tu sĩ và cư sĩ tại gia cần phải dấn thân nhiều hơn nữa trên tinh thần Phật pháp mà bản thân đang theo truyền thống nào đó. Ví dụ, truyền thống Phật giáo Nam tông, truyền thống dấn thân của Phật giáo Đại thừa… đều phải đối đầu, tìm giải pháp cho những nạn khủng hoảng đó.
Trong buổi hội thảo, các cử tọa đều thống nhất một điểm, do khủng hoảng về chiến tranh, sự phân biệt chủng tộc, kinh tế dẫn đến những khủng hoảng về tôn giáo, chính trị, xã hội… và ngay cả khủng hoảng về đời sống đạo đức. Đó là những vấn đề rất lớn, không chỉ của thế kỷ 21 mà hầu như con người từ bao thế kỷ qua cũng đều phải đối đầu. Vấn đề đặt ra là, cần phải làm việc gì đó để quần chúng ý thức về những khủng hoảng đang diễn ra xung quanh và tìm giải pháp thật hữu hiệu không phải tạm thời để giải quyết một vấn nạn nào đó đối với bản thân, gia đình hay những người liên quan hoặc cộng đồng, xã hội.
Trước nhất, ý thức về sự khủng hoảng có thể được định nghĩa là một dòng chảy của chánh niệm và tỉnh thức về các hoạt động của cuộc đời đang diễn ra xung quanh con người. Chỉ khi ý thức rõ được chúng ta đang bị vấp phải nỗi khổ đau từ những cuộc khủng hoảng nào đó mới có cơ hội tháo gỡ có kết quả. Đạo Phật giới thiệu phương thức hữu hiệu là nhìn thấy kết quả trước, vì cần phải đối đầu với thực tại đang vấp phải. Khác với phương cách của các chủ nghĩa, học thuyết thường đề cao, tô hồng hoặc nâng cao giá trị sự vật, đôi lúc, có sự vật không xứng đáng giá trị như thế. Nhà Phật vạch trần bộ mặt khổ đau về những thực trạng khủng hoảng mà con người đang vấp phải. Phương cách vạch mặt khổ đau đặt con người trong tình huống không thể chạy trốn mà phải đối đầu. Trong lúc đối đầu, có cơ hội tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề thông qua đáp án của các câu hỏi: Tại sao có chuyện này? Tại sao khổ đau xuất hiện? Làm thế nào để giải quyết?...
Có thể nói Tứ diệu đế là phương pháp đối đầu trực tiếp, gồm hai quy trình nhân quả. Một quy trình nhân quả thuộc về khổ đau, hạnh phúc và một quy trình nhân quả thuộc về khổ đau, hạnh phúc siêu vượt cảm xúc thường tình của con người. Quả của khổ đau được xem như một thực tại đang diễn ra gồm rất nhiều khủng hoảng khác nhau như nêu trên. Đặt ra khủng hoảng về khổ đau không phải để chạy trốn hay tìm cách làm lơ, mà để đối đầu với nó. Đức Phật dạy cách thức đối đầu là tìm đến những nguyên nhân. Dĩ nhiên, có nguyên nhân xa và gần, chủ quan và khách quan, cá thể và tập thể, nguyên nhân hiểu lầm hay những nguyên nhân do tất cả cùng gây ra… Người tìm ra nguyên nhân được gọi là người dấn thân, thắp sáng ý thức về các khủng hoảng. Khi nhìn thấy rõ nguyên nhân sẽ tìm được cách tháo gỡ và giải quyết vấn đề được 50%. Còn lại phải tiến bước trên quy trình nhân quả thứ hai có giá trị cao hơn là an lạc, hạnh phúc được đặt lên trên. An lạc và hạnh phúc này chính là Niết bàn, được xem như hệ quả của sự dấn thân vào đời để tháo gỡ các vấn nạn đó.
Con đường tháo gỡ các nạn vấn là Bát chánh đạo. Có rất nhiều cách thức để triển khai vấn đề vào các vấn nạn trong cuộc đời. Hầu như các cử tọa đều thống nhất Tứ diệu đế là một phương thức để nhìn, ý thức về những vấn nạn khủng hoảng nói chung của cuộc đời. Phương thức này có thể được sánh như một bệnh viện hay bác sĩ đang đối đầu với con bệnh nào đó. Dĩ nhiên, vị bác sĩ, bệnh viện đó không thể nào bịt mắt, bịt lỗ tai của bệnh nhân và không cho biết căn bệnh họ đang bị vướng phải. Bởi vì như vậy, bệnh nhân sẽ không có cơ hội vượt lên trên cơn bệnh. Cho nên, cách thức này cho thấy y học rất gần đạo Phật thông qua phương thức Tứ diệu đế.
Đầu tiên, phải xác định khủng hoảng bệnh tật đang vấp phải. Ví dụ như ung thư gan, phổi hay bất kỳ một loại ung thư nào dẫn đến cái chết. Ý thức về cái chết, căn bệnh làm cho con người có bản lĩnh vượt lên và không sợ hãi nó nhiều hơn. Từ sự ý thức về khổ đau, bệnh tật dẫn con người tìm đến nguyên nhân bằng các câu hỏi, tại sao tôi bị bệnh mà người khác không bị? Tại sao cũng hoàn cảnh nhưng những người khác bị vấp phải còn tôi thì không? Bấy nhiêu câu hỏi đã gợi lên giải pháp giải quyết vấn đề được 50%. Nếu chỉ dừng lại tại đây thì vẫn đang lẩn quẩn trong vòng quả rồi nhân, nhân rồi quả mà chưa có giải pháp. Cho nên, y khoa tìm đến những hướng giải quyết vấn đề như chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi… Tất cả đều đặt trên khuynh hướng làm thế nào để phục hồi sức khỏe của bệnh nhân hoặc làm cho bệnh nhân có thể sống an vui, hạnh phúc từ việc phục hồi sức khỏe của mình. Đó là con đường rất thiết thực mà tất cả mọi người ý thức về sự khủng hoảng bệnh tật của mình đều phải làm. Khi làm được điều đó, sức khỏe phục hồi chính là kết quả rất hiện thực. Đối đầu với khổ đau bệnh tật đang vấp phải cũng cùng một cách thức như vậy.
Nhà Phật dạy, ý thức về những vấn nạn hay khủng hoảng trong đạo Phật là cách giúp thấy đạo Phật không bao giờ tách khỏi cuộc đời, đạo Phật lớn lên, phát triển từ trong lòng cuộc đời. Đạo Phật mang lại những giá trị an vui hạnh phúc cho chính cuộc đời. Cho nên, quan điểm ý thức về sự khủng hoảng trong đạo Phật làm cho tất cả Tăng Ni và Phật tử cần phải dấn thân nhiều hơn nữa vào những khủng hoảng đó. Bởi vì, những khủng hoảng này trực hay gián tiếp ảnh hưởng đến hạnh phúc, người thân của mỗi người. Đừng nghĩ khi nào khủng hoảng xuất hiện trong gia đình mới ý thức về nó. Ví dụ, chứng bệnh HIV/AIDS là cuộc khủng hoảng của toàn thể gia đình, cộng đồng và xã hội. Nó liên hệ đến tình thương, trách nhiệm xã hội, đạo đức, liên hệ đến tình tương thân đồng loại giữa con người với con người. Cho nên, khi một người bị vướng vào chứng bệnh đó, bỗng dưng những người của cộng đồng mới thấy cần ý thức nhiều về vấn đề này như, làm thế nào để chia sẻ nỗi khổ đau của người đó? Làm thế nào để giúp họ dù biết bị vướng vào chứng bệnh như vậy nhưng không mặc cảm bị xã hội bỏ rơi?… Họ cảm nhận được xung quanh vẫn còn nhiều cánh tay Bồ tát, nhiều tinh
thần vị tha, người có tấm lòng rộng lượng và đặc biệt còn rất nhiều người có tình thân thương vượt cả người mang tình cốt nhục. Do đó, khi bị vướng bệnh, họ không bị mất tất cả. Đôi lúc, người vướng vào chứng bệnh có được tình cảm, sự cảm thông, những tấm lòng của tình thương yêu đồng loại rất vị tha và cao cả! Cho nên, ý thức về sự khủng hoảng đó là cách thức làm tăng giá trị đời sống của con người lên mức độ và vai trò, vị trí người đó đang có.
Càng ý thức về sự khủng hoảng nhiều chừng nào càng có cơ hội tháo gỡ, vượt ra khỏi sự khủng hoảng chừng đó. Đức Phật không dạy ngừng lại ở ý thức về sự khủng hoảng, vì nó chỉ là một chánh niệm về những khổ đau đang diễn ra. Vấn đề quan trọng hơn là ngoài chánh niệm, phải có những giải pháp đi đến cách thức giải quyết dứt điểm chứ không phải tạm thời. Như trạng thái đang bị khát nước rồi uống vào một cốc nước mặn, sau đó, cơn khát gia tăng gấp hai, ba hoặc thậm chí gấp mười lần. Cho nên, ý thức về sự khủng hoảng để tìm ra giải pháp tuyệt hảo nhất. Dĩ nhiên, theo nhà Phật, giải pháp tuyệt hảo đó chỉ là sự tương đối chứ không bao giờ tuyệt đối. Vì vậy, trong từng vai trò, cách thức, điều kiện môi trường, hoàn cảnh đang sinh sống, có thể tạo ra những giải pháp thích hợp tạm gọi là giải pháp toàn hảo nhất trong những điều kiện hiện có. Như vậy, ý thức về sự khủng hoảng là con đường của sự chuyển hóa đạo đức, tâm linh, đời sống xã hội và mọi phương diện mà con người trực hoặc gián tiếp liên hệ đến.
Vì thế, chủ đề ý thức về sự khủng hoảng trong đạo Phật là vấn đề lớn, đặt lại những vấn đề truyền thống đã đi qua, những vấn đề liên hệ đến cách thức đã ứng dụng, hành trì trong đạo Phật. Nó đặt lại những cách thức và giá trị con người đã đóng góp cho đạo Phật, và khẳng định còn đủ sức thực hiện lời Phật dạy hay tinh thần dấn thân của đức Phật còn tỏa sáng trong xã hội ngày nay hay không, dầu lời Phật dạy lúc nào cũng thích hợp với cuộc đời. Nếu không có cách ứng dụng để con người ý thức về những khổ đau đang có trong cuộc sống, không ý thức được sự dấn thân của đạo Phật đang có mặt với những khổ đau đó thì giá trị của đạo Phật có thể bị giảm sút rất nhiều. Dĩ nhiên, chỉ giảm sút về phương diện ứng dụng chứ không về phương diện bản chất. Vì bản chất của đạo Phật luôn luôn cao siêu, huyền diệu. Tuy nhiên, thông qua con đường chuyển hóa tâm linh, nếu không đưa những ý thức về giá trị của đạo Phật đối đầu với những khủng hoảng của cuộc đời thì rõ ràng các bế tắc có thể bị dập tắt ở một giai đoạn nhất định nào đó nhưng sẽ bộc phát vào lúc khác. Khi nó bộc phát lần thứ hai, ba, tư… thì mức độ của sự khủng hoảng khổ đau có thể gia tăng rất nhiều. Chính vì vậy, ở góc độ của nhà Phật, phải tìm ra một giải pháp tốt, lâu dài để có thể nhổ tận gốc, chấm dứt sự khủng hoảng. Có thế, phương pháp giải quyết đó mới thật sự được coi là có ý nghĩa và giá trị.
Hoằng pháp trong thế kỷ XXI
Về phương thức hoằng pháp trong thế kỷ XXI, dĩ nhiên cũng liên hệ rất nhiều đến ý thức về sự khủng hoảng đối với những người dấn thân trên tinh thần đức Phật đã dạy. Càng ý thức về sự khủng hoảng nhiều chừng nào thì càng có giả định phương thức hoằng pháp nhiều chừng đó. Những phương thức hoằng pháp như trong kinh điển Đại thừa nói có 84.000 pháp môn không phải là con số thực, chỉ là con số biểu tượng cho thấy có nhiều cách thức tiếp cận một vấn đề. Có nhiều phương pháp giải quyết một vấn nạn, nhiều cách triển khai làm cho khủng hoảng rút ngắn lại, giảm thiểu, được nhổ đến tận gốc. Phương thức hoằng pháp rất quan trọng! Nếu không
biết cách áp dụng, tất nhiên hiệu quả của việc hoằng pháp không mang lại giá trị về sự nhổ tận gốc khủng hoảng trong xã hội con người đang vấp phải. Quan điểm của chúng tôi cho rằng, có thể làm từ nhiều cách thức khác nhau.
a- Sử dụng các phương tiện khoa học sẵn có
Cách thứ nhứt là cần phải sử dụng nhiều phương tiện trong thời kỳ khoa học kỹ thuật ngày nay cung cấp như in- ternet, phương tiện truyền thông đại chúng. Thông qua việc cung cấp thông tin, đây là những công cụ quan trọng bậc nhất trên con đường chuyển hóa nhận thức của con người. Cụ thể, đất nước Đài Loan tuy nhỏ bé nhưng có đến khoảng bảy đài truyền hình Phật giáo phát rộng rãi toàn quốc 24/24h. Chương trình của họ rất đa dạng, phong phú. Như vậy, với bấy nhiêu phương tiện thông tin đại chúng, nếu áp dụng đúng cách thì Phật tử không cần phải mất số tiền lớn để đi từ nước này đến nước khác tham dự buổi giảng trực tiếp của vị cao Tăng nào đó. Họ có thể ngồi tại nhà, nhờ hệ thống thông tin, trực tiếp học hỏi Phật pháp ở một nơi xa xôi nào đó. Do vậy, nếu áp dụng đúng cách các phương tiện thông tin đại chúng thì việc hoằng truyền phổ biến thông tin Phật pháp, ngay cả những thông tin tu học sẽ rất có hiệu quả. Rất tiếc, do những hoàn cảnh khó khăn của lịch sử, điều kiện khó khăn của các hội đoàn Phật giáo trên khắp thế giới nên vẫn chưa có hoạt động đồng bộ về vấn đề, phương thức này dù đã có những người rất tâm huyết tạo ra những chương trình phát thanh.
Ở Mỹ có những chương trình phát thanh Tiếng Chuông Từ Bi, Tiếng Chuông Tỉnh Thức, Đuốc Tuệ và một số chương trình ở nhiều ngôi chùa của những giáo hội Phật giáo khác nhau, nhưng hạn chế là chỉ phát thanh mà không phát hình. Tuy nhiên, vẫn có giá trị rất lớn, vì nhiều người suốt ngày rất bận rộn, không có thời giờ đến chùa, thời giờ đọc kinh, xem sách nên họ nghe đài là cách hữu hiệu. Dù một chương trình nửa hoặc một giờ nhưng với sự chọn lọc, có nội dung thật sự mang lại chất liệu an lạc, thảnh thơi cho họ trong suốt một ngày làm việc cực nhọc.
Nếu không sử dụng phương tiện, vô tình đã đánh mất cơ hội rất lớn để phục vụ người có nhu cầu mà không có điều kiện đến chùa, những trung tâm thuyết giảng Phật pháp. Các phương pháp hoằng pháp thông qua phương tiện thông tin đại chúng hiện đại là cách thức giúp đạo Phật luôn luôn bên cạnh cuộc đời, khiến con người cảm thấy đạo Phật luôn có mặt với họ. Khi cần, đạo Phật sẽ gần gũi, tiện lợi như việc họ chỉ cần mở tủ lạnh là có thực phẩm, trái cây thưởng thức, nước uống. Gần gũi như việc họ có áo quần mặc, máy sưởi để khổ đau về thời tiết, khí hậu được giảm thiểu tối đa. Cho nên, hoằng pháp qua các phương tiện thông tin đại chúng là điều quan tâm hàng đầu. Hy vọng các hội đoàn Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại bằng cách thức nào đó, đầu tư chia sẻ gánh nặng về tài chính, tạo ra một chương trình chất lượng. Chương trình này có thể phát sóng không chỉ trên một tiểu bang, một thành phố mà cả toàn nước Mỹ. Hơn thế, có thể phát sóng rộng rãi cho một số nước có làn sóng gần với cách phát sóng ở Mỹ. Trực tiếp đón nhận, thưởng thức những chương trình như vậy là điều rất hay!
b- Nghi thức tụng niệm và hành trì
Cách thứ hai cũng được rất ưu ái, quan tâm hàng đầu là, cần phải có những suy nghĩ lại về cách thức đưa vào trong những nghi thức tụng niệm, hành trì hằng ngày. Dĩ nhiên, những nghi thức đó có giá trị tâm linh được trải nghiệm từ nhiều thế kỷ, do các vị tôn đức, các vị tổ sư của Phật giáo đầu tư nên giá trị hành trì là điều không thể phủ định. Vấn đề đặt ra là, nội dung hành trì của những nghi thức đang sử dụng phần lớn ảnh hưởng từ những tổ sư Trung Hoa. Do vậy, nếu chỉ dừng tại đó, sẽ đóng bít cơ hội cho những Phật tử tiếp cận chánh pháp của đức Phật từ nhiều góc độ khác nhau.
Mỗi ngày có bốn thời trì tụng là:
Công phu khuya có Thần chú Thủ Lăng Nghiêm.
Buổi trưa có nghi thức cúng Phật trước khi ăn cơm để tập lòng quán tưởng, gọi là tôn kính Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, tôn kính những bậc thầy! Hồi hướng công đức đến tất cả chúng sinh, chia sẻ tình thương với các người nghèo khó khăn, các loài động vật thấp kém hơn. Khắc ghi công đức của những người nghèo khó và những người phát tâm đã tạo ra chén cơm manh áo cho mình… là những nghi thức rất hay.
Buổi chiều có thời công phu chiều là thời khóa quán niệm rất đặc sắc để tìm chất liệu tâm linh, chuyển hóa nhận thức cho tất cả các loài cô hồn, ngạ quỷ sống trong lòng sân hận si mê hoặc trong nỗi khổ đau mà chính họ không thoát ra khỏi.
Buổi tối có thời Tịnh Độ, thường tụng kinh Phổ Môn hay A Di Đà, một số chùa tụng kinh Pháp Hoa, Địa Tạng, Dược Sư, Đại Bát Niết Bàn.
Như vậy chỉ dừng lại nghi thức tụng niệm ở một số các bản kinh căn bản. Vì thế, Phật tử đi chùa lâu ngày tưởng thế giới Phật pháp chỉ bấy nhiêu. Trong khi đó, đức Phật giảng rất nhiều kinh, nếu dịch hết có thể mấy chục ngàn trang. Vì thế, cánh cửa đến với đạo Phật bị giới hạn do những nghi thức này. Dĩ nhiên, những nghi thức đó vẫn rất hay và không nói chúng không có giá trị, chúng có giá trị hành trì rất lớn. Nhưng thiết nghĩ, cần giới thiệu thêm một số bản kinh khác như những bản của kinh điển Pali, A hàm, Đại thừa… mà có thể đi đến nhiều góc độ nhân sinh, vũ trụ, hạnh phúc, hôn nhân, tình yêu, gia đình, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… Tất cả những góc độ đó, phải xác định rằng đức Phật đã dạy rất nhiều. Có thể nói, đức Phật là nhân vật tôn giáo đầu tiên trong lịch sử nhân loại thuyết rất nhiều về các vấn đề đó. Rất tiếc, các bản kinh dành cho Phật tử thọ trì lại không có nhiều chất liệu này. Vì vậy, Phật tử cảm thấy có khoảng cách rất lớn đối với đạo Phật. Người đến với đạo Phật hầu như ở tuổi về già, nữ giới nên Phật pháp có những giá trị rất lớn mà lại không có dịp tiếp xúc.
Vấn đề nữa cần đặt ra là, trong các nghi thức tụng niệm có giới hạn và nặng về phần chữ Hán. Nhiều thập niên trước, nhu cầu biết chữ Hán rất cao, hầu như những người lớn tuổi trong giai đoạn đó đều có thể đọc được chữ Hán trực hay gián tiếp. Do đó, nhu cầu phiên dịch sang Việt ngữ không cần thiết. Giai đoạn hiện nay, nhất là trên đất nước Mỹ hay phương Tây đang sinh hoạt với hình thức cộng đồng thiểu số, không còn biết đến chữ Hán nữa. Nếu vẫn tiếp tục duy trì các nghi thức tụng niệm bằng chữ Hán, e rằng một lúc nào đó, tất cả những Phật tử đến với đạo Phật giống như là đọc thần chú để được đức Phật ban phước thay vì phải đọc được kinh Phật để hiểu được những chất liệu đạo đức, đời sống tâm linh, con đường chuyển hóa, phương thức hành trì, áp dụng vào ngõ ngách của xã hội, giải quyết những khủng hoảng về đời sống, gia đình, cá nhân, xã hội, thế giới, hòa bình… Do đó, họ đến với đức Phật và xem Ngài như một vị thần linh, Thượng đế, thay vì vị Đạo sư và kinh điển của Ngài, là giải pháp. Họ lại đến với Ngài với cách thức cầu nguyện, còn kinh điển của Ngài trở thành thần chú giải quyết những vấn đề dựa trên góc độ của phước báu. Cảm ứng như vậy có thể giới hạn con đường tiếp cận Phật pháp của Phật tử đối với quần chúng và xã hội.
c- Dấn thân hành trì
Cách thức thứ ba là cần phải có cách thức dấn thân nhiều hơn nữa trong sinh hoạt cộng đồng. Bởi vì, trong Phật giáo không chú trọng những sinh hoạt đó, nếu có thì không được tổ chức tốt. Do đó, không thu hút được giới trẻ, chỉ đáp ứng một số tầng lớp nhất định nào đó. Sinh hoạt gia đình Phật tử, hướng đạo Phật tử nỗ lực mang lại sức sống mới cho thành phần thanh thiếu niên trước đây chưa đề cập đến. Nếu phát huy các hoạt động như đưa nhạc vào trong nghi thức tụng niệm, sáng tác những bản đạo khúc thay vì tình ca, bài thuộc đạo ca, bài thuộc thiền ca gọi là chất liệu cuộc sống thì bấy giờ giá trị của sự đóng góp được gia tăng. Người đến với đạo Phật không còn cảm giác đạo Phật chỉ là tôn giáo dành cho những người tuổi về già hoặc là tôn giáo rất bi quan, yếm thế. Mặc dầu bản chất đạo Phật là tuệ giác có bi, trí, dũng nhưng trên thực tế, người ta đánh giá đạo Phật ngược lại với tinh thần đạo Phật đã có. Vì vậy, cần phải mạnh dạn đưa nhạc vào trong các sinh hoạt Phật giáo.
Có thể giảm bớt thời khoá tụng niệm về phương diện thời lượng để giới thiệu thêm những phương thức đưa Phật giáo vào những ngóc ngách của xã hội đối với thế hệ trẻ. Cần phải có những buổi giảng nhiều hơn. Bởi vì phần lớn các chùa, sau những thời kinh chỉ có những buổi trò chuyện gọi là pháp đàm với nhau, còn những buổi giảng về nội dung của các bản kinh quá ít. Nếu có, chẳng qua chỉ là nỗ lực rất cá thể của một số vị trụ trì ở một số tự viện nào đó, chưa có khuynh hướng rõ rệt rằng người Phật tử cần phải học giáo lý. Ngay cả trong nước, quá ít trung tâm giảng pháp và những trung tâm chỉ hoạt động được vào sáng hoặc chiều ngày chủ nhật. Trong khi số lượng Phật tử rất đông nhưng hội trường chỉ vài trăm chỗ ngồi. Chính vì vậy, nhu cầu đưa kiến thức Phật pháp vào lòng xã hội trở thành bức thiết. Nếu bỏ rơi điều này, về lâu dài, người ta nghĩ đến với đạo Phật bằng con đường truyền thống có tín ngưỡng, gia đình hơn là con đường tiếp cận chân lý.
Còn nhiều phương pháp khác nữa nhưng vì điều kiện cho phép quá ít nên chỉ xin trình bày ba phương pháp phương diện mà tôi nghĩ là cần thiết. Nếu phát huy những phương diện này đồng bộ, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau thì tin chắc trong tương lai rất gần, Phật giáo ở nước Mỹ sẽ được người địa phương tiếp nhận tích cực. Nhờ đó, có giá trị chuyển hóa đời sống bản thân và gia đình!
Nhu cầu hiện đại hóa Phật giáo
PV: Chúng con xin cảm ơn thầy đã cho biết những quan điểm rất mới và tiến bộ cho vấn đề hoằng dương Phật pháp trong hiện tại và tương lai! Chúng con xin có câu hỏi thứ hai cũng liên quan đến cuộc hội thảo trên. Các đại biểu ưu tư và thao thức làm thế nào để hiện đại hóa và tôn giáo hóa Phật giáo, đồng thời làm cho Phật giáo trở thành nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong cuộc sống, nhằm giúp con người vượt qua những vấn nạn của thời đại. Trên vị trí một tu sĩ đang hoằng pháp, với những kinh nghiệm học hỏi qua quá trình đi nhiều nước, thấy thực trạng Phật giáo nhiều nơi, thầy nghĩ sao và có ý kiến gì về vấn đề cấp thiết và thực tế này?
TNT: Đây là câu hỏi rất hay trong những ngày hội thảo! Người ta đã được lắng nghe kinh nghiệm hiện đại hóa hoằng pháp của Phật Quang Sơn. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn tâm linh của Hòa thượng Tinh Vân, người chủ trương về Tịnh Độ nhân gian là hình thái Tịnh Độ khác Tịnh Độ truyền thống đã được giảng dạy và tu học trong nhiều thế kỷ qua tại Việt Nam, Trung Hoa và những nước ảnh hưởng truyền thống Phật giáo đại thừa của Trung Quốc. Tịnh Độ tông được triển khai nhiều góc độ khác nhau.
Thứ nhất là phát triển phương diện giáo dục. Mở nhiều trường đại học Phật giáo. Bên cạnh đó, có thể mở thêm những trường đại học chung với tinh thần của nhà Phật đón nhận tất cả người Phật tử và không phải Phật tử, có tôn giáo và không tôn giáo. Đến với những trường đại học đó, họ được thấm chất liệu Phật pháp từ những nội dung thấm đượm giáo pháp. Nhưng ngôn ngữ, các khái niệm, thuật từ được truyền và diễn đạt hoàn toàn không phải thuần túy đạo Phật, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và xem đó là một chất liệu cho cuộc sống. Về lâu dài, họ sẽ thấm nhuần chất liệu này, cảm thấy có nhu cầu đến với đạo Phật nhiều hơn và nhận ra tất cả những điều họ học được ở trường lớp chính là những phương châm, cách thức đạo Phật đã chuyển hóa cuộc đời. Đó là sản phẩm tuệ giác mà đức Phật đã để lại cho loài người 26 thế kỷ qua. Hòa thượng Tinh Vân thực hiện phương hướng này rất thành công.
Thứ hai là dấn thân vào góc độ từ thiện xã hội. Đạo Phật có rất nhiều học thuyết dạy về tình thương, cách thức chia sẻ tình thương, giúp người và bản thân cùng có hạnh phúc trong đời sống khổ đau. Trong điều nguyện thứ 11 của đức Phật Dược Sư có đoạn: “Khi tôi thành Phật, nếu người nào đói khát, tôi xin cung cấp thức ăn, nước uống. Nếu người nào lạnh, tôi xin cung cấp áo quần. Miễn cho họ được no ấm rồi sau đó mới ban chánh pháp nhiệm mầu giúp họ được an vui, hạnh phúc lâu dài”. Đây là triết lý về hành động và dấn thân hoằng pháp rất hay nhưng đôi lúc không được chú ý, quan tâm.
Con đường hoằng pháp của đạo Phật có nhiều rào cản vì chỉ đặt nặng về triết lý, đạo đức, ý thức hệ, nhân sinh quan, thế giới quan mà không lo đến bao tử cho những người đến với đạo Phật. Trong khi đó, lời của đức Phật Dược Sư dạy phải lo ăn mặc cho họ trước. Khi có đời sống vật chất tương đối đầy đủ, không còn bận tâm những nỗi khổ đau về vật chất gây ra mới có thể dễ dàng hướng tới đời sống tâm linh. Đó là lý do tại sao bây giờ phương Tây trở về nghiên cứu phương Đông. Đến với phương Đông, họ chọn đạo Phật là điểm tinh thần quan trọng và hấp dẫn nhất vì có nhiều giá trị lâu dài và những giá trị đó có thể giúp cuộc đời của họ chuyển hóa. Như vậy, khi con người đầy đủ đời sống vật chất, họ không bao giờ cho đời sống vật chất là những giá trị tuyệt đối. Họ có thể nhìn thấy lỗ hổng, mặt trái và khổ đau của những giá trị này. Họ thấy sự lợi dụng những giá trị đó làm khổ đau gia tăng trong lịch sử loài người nhiều thế kỷ qua. Từ đó, họ tìm đến những giá trị tâm linh cao hơn, tạo lại một cuộc sống thăng bằng và lâu dài hơn.
Cho nên, đức Phật Dược Sư đã dạy phải phát huy hai phương diện, vừa đời sống vật chất vừa đời sống tinh thần. Làm sao để người có cơ may đến với đạo Phật và người không đến với đạo Phật vẫn có được chất liệu của đời sống hạnh phúc, hòa quyện giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Như vậy, hạnh phúc mới thật sự được đảm bảo. Đó là cách thức Tịnh Độ tông của Hòa thượng Tinh Vân dấn thân và nhiều nơi đã dấn thân. Nhưng nếu chỉ làm với tính cách cảm tính, nhường cơm sẻ áo vì thương những người khổ đau mà không hướng dẫn họ để có được những cách thức tự tồn tại, không khéo thì phương thức nhường cơm sẻ áo đơn thuần sẽ thiếu những phương pháp giúp họ tự kiếm được tiền và vật chất. Vì vậy, khi hết vật chất họ càng khổ đau, càng lệ thuộc vào người khác nhiều hơn. Nếu áp dụng phương thức đức Phật Dược Sư đã dạy là mang lại giá trị vật chất, sau đó cung cấp giá trị tinh thần. Ở đây, giá trị tinh thần là những phương pháp để tạo ra giá trị vật chất.
Với mức độ đơn giản, thường nghĩ con đường làm từ thiện đơn thuần như đã thấy ở các hội đoàn Phật giáo chưa phải là giải pháp lớn giải quyết các vấn nạn khổ đau về vật chất cho xã hội. Bởi vì, khi cho họ ăn một bữa cơm, có thể giải quyết những khổ đau trong ngày đó. Còn nếu cho họ phương pháp để có được những bữa cơm thì đồng nghĩa với việc cho họ những hạnh phúc lâu dài. Như vậy, phải làm song hành giữa vật chất và tinh thần, giữa cái đem tặng và những phương pháp để tạo ra giá trị cái đã đem tặng cho họ. Đó là cách thức rất hay, dấn thân vào từ thiện như vậy rất tốt!
Thường trong những dịp đi làm từ thiện, chúng tôi trích những câu kinh nho nhỏ trong kinh Pháp Cú, mười điều tâm niệm, mười bốn điều răn của đức Phật… đơn giản, mộc mạc chèn vào những gói quà, không cần để tác giả. Dĩ nhiên, những người tiếp nhận có thể xem phần đó không có giá trị, có thể quẳng vào sọt rác, họ chỉ chọn những phần quà để ăn, chọn phần tiền cất vào túi. Tuy nhiên, cũng có người đọc những bài kệ đó. Lúc đầu, họ không chấp nhận nhưng dần dần họ sẽ thấy đây là chất liệu đời sống tinh thần mà họ không thể nào thiếu. Cho nên, nếu chỉ làm công việc từ thiện đơn thuần sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội giúp họ có những giá trị tinh thần cao hơn. Đi theo phương pháp, khuynh hướng Tịnh Độ dân gian của Hòa thượng Tinh Vân đưa ra cần phải có những giá trị này để đáp ứng hạnh phúc lâu dài cho họ.
Góc độ thứ ba, phương pháp Tịnh Độ dân gian của Hòa thượng Tinh Vân chủ xướng không chỉ tạo cho người ta có niềm mơ ước hay giá trị sau khi chết. Nếu có giá trị đó vẫn rất tốt nhưng vấn đề còn lại, vấn nạn lớn nhất của cuộc đời nằm ở thời gian con người đang sinh sống trong thế giới khổ đau. Mười, hai mươi, ba mươi hoặc trăm năm không có giải pháp đi vào lòng cuộc đời, tháo gỡ những khổ đau thì giá trị hạnh phúc ở thế giới Cực Lạc sẽ bị giảm thiểu. Cho nên, truyền thống mới về Tịnh Độ dân gian là con người phải thiết lập Tịnh Độ ở trong tâm, trong hành động, trong lời nói, việc làm, trong cách thức chúng liên hệ với mọi người, đối tác, trong sinh hoạt, giao lưu, ứng xử với người khác. Làm thế nào để thông qua cách liên lạc, ứng xử, ngoại giao giữa bản thân và đối tác mang lại giá trị hạnh phúc, an vui, lợi ích về vật chất lẫn tinh thần cho mình với người ở hiện tại và tương lai. Thiết lập Tịnh Độ dân gian thông qua con đường giáo dục, từ thiện, dấn thân, hành trì hay con đường Bồ Tát đạo. Tất cả phải mang chất liệu, hình ảnh của Tịnh Độ ở ngay lòng của cuộc đời và giá trị cuộc sống luôn luôn nở hoa. Đó là điều chúng tôi vô cùng tâm đắc và cho đó là hướng hiện đại hóa Phật giáo.
Phương pháp hiện đại hóa Phật giáo
PV: Xin thầy cho biết phương pháp hiện đại hóa Phật giáo?
TNT: Hiện đại hóa Phật giáo không có nghĩa là tạo ra nhiều giá trị mới cho đạo Phật. Bởi vì, bản chất lời dạy của đạo Phật đã có giá trị. Hiện đại hóa chỉ là phương pháp sửa lại cách thức hiểu, hành trì, dấn thân đạo Phật vào cuộc đời. Làm cách nào để mọi người hiểu và hành được đạo Phật để có an lạc từ đạo Phật là bản chất của hiện đại hóa. Dĩ nhiên, có thể vay mượn nhiều phương pháp hiện đại, có thể đi từ góc độ của xã hội học, tâm lý học, phân tâm học, nhân chủng học hay của bất kỳ học thuyết, góc độ, phân ngành học nào để nhằm thông qua phương tiện đó mà mang lại giá trị cho cuộc đời. Như thế được gọi là hiện đại hóa.
Hiện đại hóa được hiểu như cách thức tùy duyên, tạo thêm những phương tiện, cách thức triển khai tinh thần của nhà Phật với điều kiện, chất liệu và bản chất an lạc. Nghĩa là, sự hành trì mang lại sự an lạc cho đạo Phật vẫn giữ nguyên bản chất như đã được lưu giữ trong kinh điển. Có vậy, sự hiện đại hóa mới mang lại giá trị lâu dài. Nếu hiện đại hóa bằng cách vay mượn tất cả nội dung lẫn hình thức thì không mang nghĩa hiện đại hóa, mà là cách làm biến chất đạo Phật. Có thể đứng từ góc độ của tu sĩ, cư sĩ, người dấn thân hay người hành trì mang lại giá trị hiện thực cho đạo Phật, cho những người đến với đạo Phật và những người hành trì đạo Phật. Nói cách khác, người dấn thân làm thế nào đó có thể chứng minh cho mọi người thấy, đạo Phật có mặt trong cuộc đời không phải để con người phục vụ mà đạo Phật có mặt vì mục đích phục vụ con người.
Thông qua những người hoằng pháp, tu sĩ, cư sĩ… phải làm cho chất liệu Phật pháp được tỏa sáng, mang được an vui đến với người khác. Với tư cách là một tu sĩ đã có cơ duyên tu học tại Ấn Độ, và nhờ đó có dịp tham quan một số nơi ở Phật giáo có nhiều vấn nạn trên thế giới, tôi nhận ra nguyên nhân do sự phong phú về truyền thống tâm linh, pháp môn tu tập, con đường thực hành nên nhiều người cảm thấy hoang mang, xa lạ, thậm chí nghĩ các truyền thống này có mâu thuẫn lẫn nhau. Xin trả lời, đừng hoang mang như vậy vì tất cả những con đường đó là hoa thơm cỏ lạ, là những cách thức làm cho Phật giáo được mọi người tiếp cận ở nhiều góc độ với tâm tư thích hợp nhất. Cho nên, cách thức đứng và con đường đi, biểu tượng vận dụng, triết lý hành trì có thể rất đa dạng, phong phú. Nhưng, đừng cho rằng con đường mình đi, cách thức mình hành trì là số một còn của những người khác là số hai, ba, năm, mười… Khi bỏ được ý thức về chuyện một và mười đó, tất cả những phương pháp đồng bình đẳng. Điều này rất cần thiết cho Phật giáo. Có thể có hàng trăm tông phái hay hàng ngàn giáo pháp khác nhau nhưng tất cả sẽ trở thành những pháp môn vi diệu, con đường tích cực và dấn thân hiệu quả, giúp mang đạo Phật phục vụ cho hạnh phúc của loài người. Ngược lại, biến pháp môn, truyền thống, ngôi chùa, sự dấn thân của mình trở thành một chất liệu tô bồi cho vị kỷ, giáo phái hay chủ nghĩa nào đó thì bản chất của sự dấn thân không đúng đắn và có chất liệu đi ngược lại những giá trị đạo Phật muốn thật sự đóng góp cho con người, xã hội.
PV: Xin cảm ơn thầy, chúng con được thầy giảng rất rõ ràng về vấn đề hiện đại hóa là đem đạo Phật vào đời để cho hoa đạo nở khắp nơi, giúp mọi người thấy nét đẹp và sự cần thiết của Phật giáo là phụng sự con người!
Nới rộng biên giới hoằng pháp
PV: Sau ba ngày hội thảo, cũng trong tinh thần đó, hội nghị đúc kết một nghị quyết gồm bốn điểm. Chúng con chú ý nhất đến điểm thứ tư là cử các vị hoằng pháp có trình độ đi khắp thế giới để làm cho thế giới Phật giáo ngày càng mở rộng hơn, những người con Phật và mọi người ngày càng gần nhau hơn, xóa đi những dị biệt để cùng nhau hoạt động nhằm thăng hoa cộng đồng xã hội và thế giới. Xin thầy cho biết nhận định của thầy về những thuận lợi cũng như khó khăn khi thi hành nghị quyết này trên bình diện quốc gia và thế giới?
TNT: Chúng tôi cho điểm thứ tư của nghị quyết là một điểm đáng ghi nhận (order) rất lớn của mấy ngày hội thảo. Dĩ nhiên, ao ước đó đã có từ rất nhiều thế kỷ nhưng cách thức thực hiện rất lớn. Bởi vì, khó có cơ hội làm được việc này trên bình diện một quốc gia chứ chưa nói đến cả thế giới. Nhưng cũng có một số hội đoàn, giáo phái Phật giáo đã làm thành công. Ví dụ Phật giáo Tây Tạng, nhờ tị nạn trên đất nước Ấn Độ là nước có ngôn ngữ hành chánh và giáo dục là tiếng Anh nên mặc nhiên các nhà sư Tây Tạng được sinh ra, lớn lên trên đất nước này có cơ hội nói tiếng Anh thông thạo. Nhờ đó, con đường hoằng truyền, lý giải, giảng dạy Phật pháp cho quần chúng phương Tây không có khoảng cách lớn như các cộng đồng Phật giáo của người Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn ở trên đất Mỹ và những nước nói tiếng Anh trên thế giới. Như vậy, những nhà hoằng pháp ở khắp nơi trên thế giới có thể đi một cách thành công những nơi họ muốn.
Chiến lược hoằng pháp
Thiết nghĩ, tất cả những nhà hoằng pháp đó phải có một chiến lược ngắn hạn và lâu dài. Chiến lược ngắn là có thể cử đi theo một chương trình giao lưu được tổ chức giữa hai nước với nhau như Việt Nam và Mỹ, Nhật và Mỹ, Trung Quốc và Mỹ, Đài Loan và Mỹ… Tại hai bên có hội đồng Phật giáo để nối kết, mời những vị đạo sư, nhà hoằng pháp, thiền sư, Tịnh Độ sư… thực tế để thuyết giảng về một chuyên đề hay một khóa tu nào đó song song với các chuyên đề vừa được giảng dạy.
Trong giai đoạn giảng dạy ở mức độ của chiến lược ngắn, cần đến những nhà phiên dịch thông thạo trợ giúp cho nội dung và chất liệu bài pháp của người hoằng pháp không biết tiếng Anh hay ngôn ngữ nơi họ đang có mặt để vẫn có thể được truyền tải rất chính xác đối với các cử tọa. Nhờ sự hiểu biết rộng rãi và chính xác như vậy, các cử tọa cảm thấy đạo Phật chính là chất liệu cho sự sống như nhu cầu không khí để thở, thực phẩm để ăn, áo quần để mặc. Do đó, có thể làm cho người ta đến với đạo Phật dễ dàng.
Chiến lược ngắn hạn không thể tồn tại được lâu vì về lâu dài, các cử tọa sinh ra nhàm chán. Mất hai giờ đồng hồ để nghe một bài thuyết pháp thông qua người phiên dịch sẽ có những gián đoạn bên trong. Cho nên, cần phải có những chiến lược lâu dài. Để có được chiến lược lâu dài, các nhà hoằng pháp được gởi, cử đi hay mời sang những nước nói tiếng Anh, Đức, Pháp… phải được huấn luyện những kỹ năng nói ngôn ngữ của những nơi họ sẽ đến hoằng pháp. Với kỹ năng nói lưu loát mới có thể giới thiệu cho cộng đồng bản địa biết được chất liệu tâm linh của nhà Phật, nhu cầu mà họ không thể thiếu được.
Chất liệu bản địa
Có một câu chuyện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho thấy chất liệu bản địa là nhu cầu cần thiết cho công cuộc hoằng pháp được thành công hơn những vay mượn, nhập cảnh từ nước A sang nước B, nước C sang nước D. Khi đức Phật Thích Ca truyền bá, giới thiệu về triết lý Nhất Phật thừa, Tuệ giác, Phật tính, tiềm năng giác ngộ cao cấp nhất mà tất cả con người cần phải có, cần phải phát huy và có thể đạt được đã có rất nhiều vị Bồ tát ở nhiều hành tinh khác đến ca ngợi. Bởi vì, họ thấy được nỗ lực của đức Phật Thích Ca rất lớn, Ngài đã làm được kỳ công khó làm ở quốc độ có đời sống đạo đức, nhận thức khó khăn về hoàn cảnh, điều kiện xã hội, môi trường sinh thái và mọi cách thức. Cho nên, các vị Bồ tát đã phát nguyện: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con xin trở thành những tình nguyện viên tới thế giới Ta bà làm công việc hỗ trợ cho những pháp sư làm công việc giảng pháp. Những người hành trì pháp này, chúng con cũng tạo điều kiện thuận lợi để họ không còn thối thoát trên con đường đầy chông gai mà họ đang đi. Chúng con làm và tin chắc rằng sẽ thành công. Giá trị của sự thành công đó sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng!” Lúc bấy giờ đức Phật cười cảm ơn thiện chí rất lớn và Ngài nói: “Khoan đã, các ông hãy chờ một chút”.
Nếu một người có thiện chí, muốn giúp đỡ nhưng mình không nhận thì giống như cách thức mình tạt nước lạnh vào người đó, họ có thể sinh phiền muộn. Ở đây, đức Phật không ứng xử theo cách thức tâm lý thông thường. Ngài thấy được tiềm năng của những vị Bồ tát ở thế giới Ta bà nên nói: “Này các vị, trước nhất, tôi xin ghi nhận tấm lòng và thiện chí của các vị về công cuộc bảo vệ, hộ trì, truyền bá giá trị chân lý tôi đang làm ở trên hành tinh Ta bà này. Nhưng các vị cũng biết, hành tinh này có những người như các vị dù có thể thua các vị ở phương diện này hoặc phương diện khác, nhưng họ có thể làm được những việc này và làm rất thành công. Bây giờ các vị hãy chờ, trong chừng giây lát sẽ có nhiều vị Bồ tát xuất hiện làm chuyện đó”. Nhờ thần lực của Như Lai, bỗng dưng tất cả các vị Bồ tát từ dưới đất vọt lên và họ làm rất hiệu quả.
Các vị Bồ tát ở những cõi khác nhìn thấy hiệu quả đó, lòng sinh hoan hỷ. Câu chuyện “Tùng Địa Dõng Xuất” là từ dưới đất vọt lên, nếu hiểu không khéo sẽ cho là một huyền thoại không có giá trị. Cần hiểu, “tùng địa” là từ bản tâm, từ ngay bản tánh, tiềm năng của mình đầy đủ chất liệu của những Bồ tát, các vị Phật. Cũng có chất liệu của những người dấn thân, vĩ nhân ở trong cuộc đời. Nếu người khác làm được thì mình cũng có chất liệu đó. Đức Phật đã nhìn thấy được yếu tố bản địa là một giải pháp lâu dài và có hiệu quả. Có thể vay mượn các vị Bồ tát từ các nơi khác đến như vay mượn một vị thiền sư, cao Tăng ở nước A, B, C đến ngay đất nước Mỹ để làm đạo. Dĩ nhiên, các vị đó có thể tồn tại 20, 30, 40 năm… rồi viên tịch. Khi đó sẽ cảm thấy hụt hẫng vì hiếm ai có thể thay thế được vai trò vị trí của những vị này. Cho nên, phải biết tận dụng tiềm năng ở ngay những con người bản địa. Khai thác được những tiềm năng đó, chất liệu này sẽ trở thành sức sống, mạch nước Phật pháp tâm linh rất lớn!
Đức Phật dạy, phải biết khai thác giá trị bản địa. Giá trị bản địa được đánh thức bằng cách, những vị cao Tăng ở nơi khác tới truyền đạo vào nước Mỹ. Sau đó, chính những người Mỹ gồm bất cứ ai định cư tại Mỹ đến với đạo Phật phải có trách nhiệm thắp sáng được ánh sáng của đạo Phật với quần chúng và con người. Chính những người đó là giải pháp cuối cùng, lâu dài cho công cuộc mang ánh sáng Phật pháp đến với những công dân của nước Mỹ. Tương tự, có thể hiểu chất liệu bản tính, bản năng là chất liệu tiềm năng Phật tính, tiềm năng hoằng pháp thành công của những người ở nước Pháp, Đức, Anh hay bất cứ quốc gia nào đó.
Cách thức này cho thấy, muốn làm đạo thành công, những cộng đồng Việt Nam, Trung Hoa, Nhật bản, Triều Tiên, Đại Hàn không thể chỉ giới hạn truyền bá Phật pháp và phương thức hành trì trong cộng đồng của mình. Mà phải bắt đầu dấn thân hoằng pháp bằng con đường nói tiếng Anh. Người Việt ở nước Mỹ và con em của người Việt Nam tại đất nước Mỹ nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt thì dĩ nhiên việc giảng pháp, tụng kinh, hành trì, dấn thân bằng tiếng Anh không chỉ có con em Việt Nam được lợi ích, mà cả những người bản địa thuần nói tiếng Anh cũng có được cơ hội đến chùa, đến với Phật pháp, sự hành trì của người giảng. Do vậy, họ có được lợi ích từ sự hành trì đó. Thế mà, cộng đồng người Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên lại giới hạn trong sinh hoạt phục vụ dân bản địa.
Sau giai đoạn đầu, thế hệ lớn tuổi qua đi, những thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ không cảm thấy ngôi chùa ông, cha xây dựng ra gần gũi với họ nữa. Họ sống trong nền văn hóa, hấp thu nền giáo dục của Mỹ, nói tiếng Mỹ, sinh hoạt kiểu Mỹ. Thành trì truyền thống văn hóa của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên trở thành Vạn Lý Trường Thành, thành bức tường Berlin, thành gián cách, thách thức rất lớn. Để đến với nó thì họ phải mất rất nhiều thời gian học hỏi Phật pháp. Do đó, họ cảm thấy đạo Phật không còn là nhu cầu.
Chính vì vậy, cần phải đầu tư rất nhiều cho giới trẻ, những vị xuất gia, tại gia tại đất nước Mỹ, phải dấn thân nhiều hơn mới có thể làm công cuộc hoằng pháp thành công. Cho nên, công việc đưa các nhà hoằng pháp ra nước ngoài giao lưu, xóa đi khoảng cách địa lý, màu da chủng tộc, thành kiến, phải làm bằng những cách thức khác nhau.
Đầu tiên là gởi những nhà hoằng pháp ngắn hạn. Sau đó, gởi những nhà hoằng pháp dài hạn. Những nhà hoằng pháp này phải được đầu tư huấn luyện kỹ năng hoằng pháp, ngôn ngữ, kỹ năng vận dụng nền văn hóa bản địa như một công cụ lý giải, phân tích, triển khai Phật pháp. Lúc bấy giờ, người ta mới thấy Phật pháp không có gì xa lạ, thật gần gũi với họ. Nếu giữ ngôi chùa Việt Nam với mái cong trên đất nước Mỹ, dĩ nhiên người Việt Nam cảm thấy gần gũi nhưng người phương Tây cảm thấy xa lạ. Vì xa lạ, họ không có cơ hội đến chùa và học được chánh pháp, nghe thuyết giảng. Cho nên, có những lúc phải mạnh dạn vay mượn những nền tảng, yếu tố văn hóa bản địa để tô bồi, lý giải Phật pháp nhưng nội dung phải không thay đổi. Phần hình thức vận dụng bằng nhiều cách là cách thức tạo ra nhịp cầu cảm thông giữa người bản địa và phi bản địa. Có được sự mạnh dạn đó thì trong tương lai, công cuộc hoằng pháp sẽ thành công và các nhà hoằng pháp sẽ để lại những giá trị lâu dài.
Nhìn lại quá khứ 150 năm về trước, những người Trung Hoa đầu tiên sang nước Mỹ đã mở rất nhiều ngôi chùa. Nhưng cuối cùng, những vị đó và thế hệ Phật tử ủng hộ ngôi chùa đó nằm xuống thì con em của họ không đến chùa nữa, nhiều chùa đóng cửa và phải bán. Nếu không khéo, Phật giáo Việt Nam cũng lâm vào một tình trạng tương tự, sẽ phải đóng cửa những ngôi chùa trong tương lai. Số lượng chùa của Việt Nam nhiều là điều đáng mừng nhưng cũng là nỗi lo nếu không có cách thức duy trì, làm cho con em Phật tử, những thế hệ trẻ đến chùa. Ngôn ngữ họ đang sử dụng, nền văn hóa họ đang sống, cách thức họ đang sinh hoạt ở Mỹ mà lại rập khuôn nhập cảng nền Phật học Việt Nam hay Trung Hoa hoặc Nhật Bản thì sẽ không bao giờ biến những nền Phật học đó thành chất liệu sự sống tâm linh của họ. Vì vậy, nỗ lực cũng chỉ là nỗ lực, giới trẻ không thể cảm nhận đó là một thiện chí. Cuối cùng, họ sẽ đẩy thiện chí ra bên ngoài. Do đó, giá trị của sự hoằng pháp không bền lâu.
PV: Xin cảm ơn thầy, tầm nhìn của thầy rất xa và chính xác! Bởi vì, trong cuốn sách Sen Nở Trời Âu Mỹ cũng có nói đến vấn đề phát triển Phật giáo ở Âu Mỹ và vấn nạn nếu cứ đi theo vết bánh xe cũ, sẽ không phát triển được và một ngày nào đó sẽ tàn lụi. Quan điểm của thầy rất đúng với thao thức của chúng con!
Về hai quyển sách chống phá Phật giáo
PV: Kính bạch thầy, xuyên qua vấn đề kinh sách Phật giáo. Gần đây, con thấy xuất hiện một vài cuốn sách nói về Phật giáo của một số tác giả thuộc đạo Gia Tô. Đặc biệt hai quyển là “Hành Hương Đất Phật” của tác giả Phan Thiết, tên thật là Nguyễn Kim Khánh và quyển “Tôn Giáo và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại, Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới” của hai tác giả bút hiệu là thiền sư Định Lực và cư sĩ Nhất Tâm, tên thật có thể là Phạm Cao Hoàng. Trong hai quyển sách vừa nêu, thầy đã có dịp đọc quyển nào chưa? Nếu có, theo ý kiến của thầy, nội dung của những quyển sách này có thật sự là những nghiên cứu đúng đắn về Phật giáo không?
TNT: Tôi đã có dịp đọc qua hai quyển sách vừa nêu. Quyển “Hành Hương Đất Phật” đọc cách đây mấy năm và cũng đã có sự trả lời và ra mắt với tựa đề “Vạch Trần Âm Mưu Phá Ngầm Phật Giáo”. Chúng tôi nhận được quyển ký sự “Hành Hương Đất Phật” từ thầy Nguyên Tạng, một người bạn học cũ ở Việt Nam, hiện tại đang ở Úc. Khi đọc tác phẩm này, tôi cảm thấy có nhiều điều cần phải lên tiếng góp ý và xây dựng đối với tác giả đã có cái nhìn sai lệch về Phật giáo. Chủ ý của tác giả là muốn độc giả phải lưu tâm chứ không phải là chuyện viết sai lầm một cách tình cờ hay do hạn chế về kiến thức Phật học. Khi phái đoàn của Hòa thượng Phước Huệ sang Ấn Độ hành hương, ông Phan Thiết cũng tham gia chuyến đi đó. Không trực tiếp theo phái đoàn nhưng tôi được nghe kể lại. Khi đến các Phật tích, ông để lại nhiều ấn tượng đẹp cho những người lớn tuổi. Trong đoàn có vài cụ trên 75 tuổi, có hai người bị đau chân đi không được, ông phát tâm cõng hai bà cụ này vào những đền Phật tích lễ lạy. Khi vào bên trong, chính ông không lạy và ra ngoài khiến nhiều người rất ngạc nhiên thắc mắc, tại sao ông phải mất nhiều tiền qua đến đất Phật lại không chịu lễ bái? Ông trả lời, tôi phát nguyện giữ dép giầy và hành lý của các vị, các vị có thể an tâm lễ bái. Mọi người trong phái đoàn đều cảm động trước tâm hạnh của ông.
Ngày phái đoàn rời Ấn Độ trở về Úc, tôi có cơ hội được mời đến tham dự và gặp Hòa thượng Phước Huệ. Hòa thượng đề cử tôi đại diện chư Tăng Ni có mặt tại đó phát biểu cảm tưởng. Ông Phan Thiết là người đại diện cho những Phật tử phát biểu cảm tưởng. Khi nghe ông phát biểu, chúng tôi nghĩ ông là một Phật tử thuần thành, lời lẽ Phật pháp và khiêm tốn, rất hay. Nhưng khi trở về, ông lại ra cuốn ký sự “Hành Hương Đất Phật”. Nếu chỉ nhìn tựa đề sẽ gây ra sự hiểu nhầm là tác phẩm được ông ghi nhận về những cuộc hành trình ông có mặt trên đất Phật với phái đoàn. Trái lại, tất cả nội dung làm cho mọi người thất vọng vì đọc vào quyển sách, nói theo
giáo sư Trần Văn Ngọc, đó là quyển sách “hành hung đất Phật”. “Hành hương đất Phật hay hành hung đất Phật” vì tất cả những điều ông trình bày từ thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan, Phật Đà quan, hành đạo quan, những quan niệm về đạo Phật, cuộc đời đều được ông ta bóp méo bằng ngòi bút điêu luyện với cách chơi chữ rất hay.
Nếu Phật tử không có những nền tảng căn bản về Phật pháp mà có thiện cảm với ông trong chuyến đi đọc tác phẩm này sẽ tưởng ông là Phật tử hồi tâm tỉnh ngộ sau những năm tháng đi theo đạo Phật, thấy đạo Phật là con đường sai lầm. Những hành động của ông trong chuyến đi rất gây thiện cảm nên sách của ông dễ dàng tạo niềm tin và mang lại tai hại lớn, làm nhiều người hiểu sai đạo Phật. Tôi đặt ra vấn đề, tại sao ông Phan Thiết không dám mạnh dạn đặt vấn đề và tháo gỡ với nhau trong những cuộc đối thoại? Điều đó sẽ rất hay, rất khách quan. Cần gì phải giả Phật tử thuần thành nhập vào phái đoàn hành hương để gây thiện cảm? Từ thiện cảm đó, ông ra tác phẩm khiến những Phật tử đi cùng đoàn dễ dàng chấp nhận. Do chấp nhận, họ sẽ có cái nhìn sai lầm về Phật giáo. Cách thức như vậy cho thấy ông là một người có chủ hướng rất rõ ràng khi đặt bút viết tác phẩm này. Đó là điều không hề lầm lẫn.
Trong những trang cuối, ông ta viết: “Tôi viết tác phẩm này suốt tám năm liền, tôi đã đầu tư đọc kinh sách, vào những ngôi chùa giao tiếp với quý thầy, nhận định, đánh giá, học hỏi rất nhiều thứ rồi tôi mới viết ra cuốn sách này để ý thức. Biết đâu, quý vị khi đọc quyển sách này sẽ được tỉnh ngộ, sẽ được giải thoát”. Đó là đại ngôn vì đọc vào những lời sai lầm ấy làm sao giải thoát, có thể giải thoát khỏi những chuyện ảo giác của ông ta là muốn xóa nhòa đạo Phật - một mặt trời tỉnh thức bằng những ảo giác của mình. Nói cho người tỉnh thức với ngòi bút sai lầm của ông là điều không thể có trong cuộc đời. Việc chúng tôi viết tác phẩm phản hồi lại ông không phải mang tính chất hận thù, Phật giáo đối đầu lại tác giả Kitô giáo mà chỉ muốn nói lên trong cách thức tiếp cận của ông có những điều không chính xác. Từ sự không chính xác đã phủ định tất cả những gì ông viết trong tác phẩm.
Đến với đạo Phật bằng thái độ sai lầm như vậy, những giá trị của đạo Phật dầu như kim cương cũng chỉ là những giọt nước mắt. Tại sao không chấp nhận viên kim cương có giá trị, lại chấp nhận những giọt nước mắt? Tại sao không nhìn thấy đóa hoa hồng mà chỉ tạo ra những cái gai mặc dầu đóa hoa hồng đó đã được tách khỏi gai? Như vậy, cách nhìn, sự tiếp cận với đạo Phật sẽ mang lại giá trị lợi và không lợi. Nếu là người khôn ngoan, tri thức, chúng tôi xin khuyên tác giả và những người có tinh thần tương tự như tác giả Phan Thiết đừng nên biến viên kim cương thành giọt nước mắt, đừng bao giờ tạo thêm nhiều cái gai cho một cánh hoa hồng đang đẹp, mọi người đang thưởng thức và hạnh phúc với sự thưởng thức này!
Riêng về tác phẩm “Tôn Giáo Và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại”, “Phật Giáo Việt Nam Và Thế Giới” của hai tác giả mang bút hiệu thiền sư Định Lực và cư sĩ Nhất Tâm, chúng tôi đã đọc qua và có hai bài viết đăng trên nguyệt san báo Giác Ngộ cách đây vài tháng. Chúng tôi phỏng vấn Phạm Cao Hoàng là tác giả quyển sách này và được biết, Định Lực thiền sư chỉ là cái tên để tạo tác phẩm có giá trị, vì mang danh nghĩa là thiền sư sẽ thu hút nhiều người đọc. Ở Việt Nam có vị sư tên Định Lực, theo trường phái Nam tông, sống tại Huế. Ông là chú của chủ tiệm sách Văn Lang, người bảo trợ cho tác phẩm và xuất bản tác phẩm này.
Chúng tôi tìm hiểu và được biết, bất cứ tác phẩm nào về Phật pháp nhà sách này mua để xuất bản thường đặt tên chú của mình vào, nâng giá trị của ông chú lên, khiến tác phẩm được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhưng ông không biết cách làm nhiệt tình đó mang lại những giá trị tai hại cho bản thân người chú và Phật giáo, mặc dầu ông chỉ muốn có giá trị lợi nhuận về kinh tế. Cư sĩ Nhất Tâm là người của vài mươi năm trước, ông đã qua đời cách đây khá lâu. Dù mang danh là cư sĩ, thật ra những tác phẩm của ông viết vừa có chất liệu của Cao Đài, vừa có chất liệu của hòa đồng tôn giáo nhất thần và đa thần. Một số sách của ông được xuất bản rất nhiều ở Việt Nam vào năm 1965-1975. Khi tạo ra tác phẩm này, ông Phạm Cao Hoàng đã lấy lại những điều đó và chỉ có nhuận bút sửa lại một số câu. Sau đó, nhận tiền bán cho nhà thầu sách Văn Lang. Theo ông cho biết, số tiền nhuận bút khoảng mười mấy, hai chục triệu.
Thiết nghĩ, một tác giả viết sách với lý do kinh tế mà không nghĩ đến tác hại của tác phẩm thì vị tác giả ấy nên xét lại lương tâm cầm bút của mình. Hơn nữa, ông ta tự xưng là một Phật tử, thậm chí là đệ tử của Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Ông không nên lạm dụng danh xưng như vậy vì khi trao đổi, ông vẫn gọi chúng tôi bằng anh. Nếu là Phật tử, không thể gọi một tu sĩ bằng anh được. Vì vậy, ông là người chuyên sống bằng nghề viết sách. Ông tự thuật rằng, ông sống với nghề này bằng cách nhuận văn lại một số tác phẩm và xuất bản với tên của mình.
Trong tác phẩm đó gồm bốn phần, phần “Phật giáo khắp thế giới” của Đại đức Nguyên Tạng đã được xuất bản thành sách và trên internet ở trên các nước thuộc châu Úc bị trích lại 100%. Việc làm này rất liều lĩnh vì xã hội ngày nay với phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy được chuyện bên kia của nửa trái đất giống như thấy một vân tay trên bàn tay. Thế mà ông ta lấy 100%, thậm chí những lỗi chính tả cũng được giữ nguyên, những chú thích vẫn còn giữ nguyên, rồi đặt tên thiền sư Định Lực và cư sĩ Nhất Tâm vào và bán cho các nhà xuất bản. Ở Việt Nam, khi báo Giác Ngộ và nguyệt san Giác Ngộ nêu vấn đề này, ông có làm tờ kiểm điểm. Cục xuất bản Việt Nam cũng đã lập biên bản, họp thu hồi những quyển sách này. Theo biên bản đó gởi đến tòa soạn Giác Ngộ, khoảng 800 cuốn. Điều đáng tiếc, khi cục xuất bản làm điều này không mời nhân chứng nào của Phật giáo có mặt trong cuộc thống kê và thu hồi. Họ có thu hồi hay không không ai biết. Sau khi đọc được tin thu hồi, ở những tiệm sách lớn như Nguyễn Văn Cừ Q.5 và một số tiệm sách khác ở Sài Gòn vẫn thấy bày bán. Cho nên, vấn đề thu hồi chỉ là cớ cho thấy họ vẫn làm rất khách quan về những chuyện sai lầm của tác phẩm này để lại, và nhà xuất bản cũng đã lên tiếng xin lỗi về những sơ suất trong phương diện biên tập, xuất bản tác phẩm này. Nhưng họ chỉ làm một cách qua loa, thiếu trách nhiệm. Nó không chỉ tổn hại về phương diện kinh tế đối với tác giả quyển sách mà còn tổn hại về đời sống đức tin, đời sống tinh thần, giá trị chất xám của người khác tạo ra một tác phẩm bằng năm tháng mày mò nghiên cứu của họ.
Đứng từ nhiều góc độ, chúng tôi xin góp ý. Việc đó hoàn toàn không nên làm, tác giả nên thành thật hơn, nên có lương tâm nhiều hơn trong ngòi bút của mình. Những gì cần viết thì nên viết, những điều gì viết mà không có lợi cho đời sống đạo đức, đời sống an vui, hạnh phúc của nhân loại, xã hội thì không nên viết với danh nghĩa của người này hay người khác, đôi khi phản lại hoàn toàn đến mức không ngờ được tác hại rất lớn.
Hai tác phẩm vừa nêu là những điều cho thấy, sự mở cửa về xuất bản sách hiện nay trong nước, những người làm công tác biên tập, duyệt cho một tác phẩm được xuất bản cần phải nhìn lại chính mình nhiều hơn, liệu có đủ trình độ để phân định một tác phẩm đúng và sai? Đừng cho nó ra đời một cách vô tội vạ. Đừng dựa vào quyền lực kiểm soát tác phẩm mà không màng đến giá trị, sự ảnh hưởng của tác phẩm đó đối với đời sống tinh thần của quần chúng độc giả. Nếu làm thiếu trách nhiệm như vậy, công việc biên tập xuất bản những tác phẩm rất nguy hiểm. Nếu tập trung về một mối, sự nguy hiểm lại càng gia tăng, giống như trường hợp ra đời của tác phẩm “Tôn Giáo Và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại, Phật Giáo Việt Nam Và Thế Giới”.
PV: Xin tiếp một câu hỏi đối với vấn đề có tính cách không tốt đẹp cho Phật giáo Việt Nam. Qua những quyển sách viết về Phật giáo như vậy. Theo thầy, hàng Phật tử cần phải được cảnh giác ở mức độ nào? Và vấn đề này có thể gây sứt mẻ tình đoàn kết tôn giáo, theo thầy, các vị lãnh đạo tinh thần có nên lên tiếng về những vấn đề này hay không?
TNT: Về phương diện cảnh giác, tất cả những người con Phật nói chung, dù xuất gia hay tại gia, khi đọc một tác phẩm đừng bao giờ đọc với danh nghĩa của một tác giả. Dù tác giả đó có thể là người rất có ảnh hưởng về phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, thậm chí trong lĩnh vực văn chương. Đừng đến với tác phẩm bằng cái danh của người viết mà hãy đến với tác phẩm bằng chất liệu tác phẩm đó chứa tải. Khi đến với tác phẩm bằng thái độ như vậy, những điều đúng sai sẽ thấy rõ. Những điều thiếu khách quan sẽ thấy rõ và những điều xuyên tạc về đạo Phật sẽ thấy chính xác. Có như vậy, sự tiếp cận một tác phẩm phi Phật giáo hay chống Phật giáo sẽ rất rõ ràng, không bao giờ bị cuốn hút theo những chiêu bài, danh nghĩa để xuyên tạc Phật giáo bằng cách này, cách khác. Cho nên phải đến với tác phẩm bằng một thái độ khách quan như vậy.
Đối với các vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo nói chung, thiết nghĩ, các vị đó cần phải có một sự vận động tôn trọng tôn giáo của người khác, đến với tôn giáo của người khác bằng tất cả sự khách quan có được. Dĩ nhiên, mỗi người có cá tính, nghiệp tính, nhận thức, lý tưởng riêng, khó có thể chấp nhận lý tưởng khác. Đó là chuyện cá nhân, tự do lựa chọn, không bàn đến. Nhưng khi đến với một tôn giáo khác, cần bỏ ranh giới của sự tự do. Tránh tình trạng không thích tôn giáo nào lại dùng ngôn ngữ xuyên tạc, dùng những cách chơi chữ để nói xấu, biếm vẽ, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và tâm linh, niềm tin của tín đồ tôn giáo đó. Là những người lãnh đạo tinh thần, cần phải khuyến khích các tín đồ, nhất là những người cầm bút đến với tôn giáo khác bằng tất cả sự trân trọng. Bằng tấm lòng trân trọng mới thấy được giá trị, sự khác biệt và tại sao đạo này có mặt, giá trị phục vụ cho con người ở chỗ nào... Từ đó, sẽ không bao giờ chấp nhận học thuyết sai lầm và được đại đa số quần chúng chấp nhận là đạo nào cũng dạy người ta lánh ác làm lành. Nếu như đạo nào cũng dạy người ta lánh ác làm lành thì chỉ cần một tôn giáo trong cuộc đời là đủ. Trên thực tế, có 10, 20, thậm chí trong tương lai sẽ có nhiều tôn giáo nữa. Dĩ nhiên, khi các tôn giáo đó ra đời, giáo chủ không chấp nhận con đường, cách thức, giá trị tôn giáo cũ phục vụ nên mới có thêm những giá trị của các tôn giáo khác.
Cho nên, đừng đánh đồng hình thức với nội dung, cũng đừng đánh đồng nội dung với hình thức. Từ thái độ tiếp xúc thận trọng, các tôn giáo có thể tiếp xúc với nhau, bổ sung cho nhau những giá trị không có của nhau. Tôn giáo có giá trị A bổ sung cho tôn giáo có giá trị B và ngược lại. Dù bất đồng, khác biệt với nhau về cách thức, hành trì, giá trị trong cuộc đời nhưng vẫn có thể ngồi lại, sống với nhau, có thể dấn thân với nhau trong cuộc đời vì mỗi cái sẽ có những giá trị riêng biệt. Nếu đến với tôn giáo khác bằng thái độ thiếu thiện chí, tuyên truyền và giảng giải tinh thần Phật giáo hay tinh thần Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo… thì mâu thuẫn tôn giáo, ý thức hệ về cách hành trì tôn giáo không xảy ra trong lịch sử. Có chăng, khác biệt đó chỉ ở mức độ có thể chấp nhận được, đừng để dẫn tới những xung đột hay cực đoan tôn giáo. Nếu tôn giáo đến với nhau bằng con đường chiến tranh và hận thù thay vì là con đường của giải thoát khổ đau, thì tôn giáo chính là đầu mối của khổ đau.
Đạo Phật là một trong những tôn giáo của con đường giải quyết những khổ đau nên dù tôn giáo, tác giả của các tôn giáo nào đó lợi dụng tinh thần tự do dân chủ, lợi dụng quyền viết của mình để xuyên tạc đạo Phật thì đạo Phật cũng không bao giờ hận thù với họ. Ngược lại, những người Phật giáo cần phải có tình thương rộng hơn nữa vì nghĩ họ chưa có cơ hội để tiếp xúc với ánh sáng của tình thương và tuệ giác. Họ có thể mất phần lợi lạc của việc không tiếp xúc này, cần phải thương họ nhiều hơn! Từ tình thương đó, có thể cảm hóa họ trong tương lai. Đó là điều có thể tin sẽ trở thành hiện thực.
PV: Chúng con cảm ơn thầy đã ban cho những lời vàng ngọc! Con nhớ thầy có hai câu thơ như thế này:
“Tình pháp lữ hạnh anh nhi
Nụ thiền thanh thoát còn gì khổ đau”.
Chúng con gặp được thầy, nhìn nụ cười của thầy thật đúng nghĩa rất thanh thoát!
Cảm tưởng về chuyến hoằng pháp ở Mỹ
PV: Xin thầy cho biết cảm tưởng về chuyến hoằng pháp ở Mỹ trong thời gian qua của thầy. Phật tử những nơi thầy đã tới có như những Phật tử ở đây không?
TNT: Tôi nghĩ rằng, sự trả lời khó có thể toàn diện. Bởi vì, chúng tôi chỉ mới đi tham quan một vài nơi như Houston, Dallas, New Orland, San José và hiện tại là Los Angeles. Tôi chỉ mới vừa tham quan bốn thành phố tiêu biểu nhưng đã đánh giá sinh hoạt tu học của Phật tử tại Hoa Kỳ là điều rất vội vàng. Tuy nhiên, thông qua buổi pháp đàm cá nhân, có dịp trao đổi, trình bày và chia sẻ với những Phật tử, chúng tôi nhận thấy tinh thần tu học của Phật tử tại Hoa Kỳ rất lớn. Thông qua con đường của tri thức Phật pháp, tinh thần đó khiến tôi phải nghĩ đến nhu cầu về đời sống tinh thần. Trong quá khứ, không chú trọng đến phương diện này. Việt Nam trước năm 1975, các ngôi chùa mới được mọc lên sự dấn thân của các vị trụ trì rất nhiều, dấn thân đến độ thời gian tu học của các vị chỉ là duy trì chánh niệm, tỉnh thức, thong dong tự tại trong việc làm, còn những thời khóa có thể bị giảm. Cách thức phục vụ quá nhiều dành cho một người phải đương đầu với nhiều dấn thân khác nhau. Cho nên, chương trình tu học ở các nơi không trọn vẹn như mong ước ở những nơi Phật giáo đang phát triển mạnh. Dù vậy, vẫn nhìn thấy những sự nỗ lực rất lớn của các nhà sư, sư cô ở đất nước Hoa Kỳ!
Thông qua những nỗ lực đó, chúng tôi thấy còn những nhu cầu đang bị bỏ sót. Ví dụ, những chương trình giảng dạy Phật pháp hàng tuần ở từng ngôi chùa hoặc các khóa tu học ứng dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày vẫn là vấn đề bị bỏ ngỏ. Thông qua cuộc tiếp xúc, chúng tôi nghĩ, Phật tử cần nhiều thời pháp, chương trình tu học, cách thức để chuyển hóa khổ đau hơn các ngôi chùa chỉ hiện hữu là một ngôi chùa như một điểm hội tụ về tâm linh. Tinh thần tu học là nhu cầu rất lớn, thông qua đó, đã đến lúc phải đầu tư về phương diện tâm linh và tinh thần cho những Phật tử nhiều hơn. Nếu không, họ đến với đạo Phật bằng tâm trạng rất bơ vơ, lạc lõng vì thiếu phần chăm sóc. Trên tinh thần đó họ có thể được hướng dẫn con đường làm phước báu, hành trì tu tập nhưng không có kiến thức về Phật pháp thì sự hành trì tu tập có thể không có đường hướng rõ ràng, không có con đường lâu dài và bền bỉ. Do đó, giá trị an lạc, hạnh phúc của họ đến với đạo Phật không được đảm bảo lâu. Dĩ nhiên, cần thông cảm cho khó khăn của công việc Phật sự mà các giáo hội Phật giáo hải ngoại gặp phải, nhưng không cho phép dừng lại ở những thành quả đang có. Ngay cả ở trong nước và bất cứ nơi nào cũng vậy, cần phải dấn thân nhiều hơn.
Chúng tôi không dám gọi là lời nhắn nhủ, chỉ xin một lời chia sẻ với các Phật tử nếu có là, hãy tin tưởng một tương lai xán lạn của Phật giáo ở đất nước Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới. Bởi vì, nó là chân lý. Thế kỷ XXI, tất cả mọi tầng lớp trong xã hội ở nhiều góc độ khác nhau đã chấp nhận đạo Phật là con đường của tâm linh. Khi đi trên con đường tâm linh, mọi người hãnh diện, tự hào đang sống trong biển Phật pháp, đang hòa mình hít thở trong không khí Phật pháp, chỉ cần sống hạnh phúc, tất cả giá trị đó sẽ có mặt. Do vậy, cần phải chịu khó vượt qua những khó khăn thử thách về chế độ làm việc nghiêm khắc và nặng nhọc ở Mỹ, duy trì truyền thống này ở trong từng ngôi nhà. Đặc biệt, phải khuyến khích con em, nhất là những trẻ em dưới tuổi vị thành niên đi chùa, lạy Phật, học tiếng Việt, nghe Phật pháp. Mặc dù Phật pháp được dẫn giải ở đây bằng Tiếng Việt, các em có thể gặp rất nhiều khó khăn. Nếu vượt qua những khó khăn này, về sau, chính những chất liệu tâm linh đó sẽ nâng giấc, giúp đỡ các em trong cuộc đời bất cứ lúc nào các em cần đến. Cho nên, tất cả các bậc phụ huynh cố gắng thuyết phục con em trở thành một Phật tử như chính mình đã trở thành một Phật tử. Bởi vì, giá trị chân lý đó là điều không thể phủ định được.
Nếu thương con em mà không hướng dẫn chúng trở thành Phật tử, thật là sự mất mát cho thế hệ con cháu trong tương lai. Chúng tôi tin chắc, với sự sáng suốt, với con đường Phật pháp quý vị đã đi, các vị có thể vượt qua thử thách và làm việc này rất thành công!
PV: Trong thời gian vừa qua, thầy đã ban rất nhiều pháp nhủ cho chúng con. Xin thay mặt tất cả các thính giả của đài Đuốc Tuệ, cảm ơn thầy! Và thật rõ ràng trong những giờ phút vừa qua, chúng con đã được say trong men rượu Bồ Đề đúng với nghĩa lời thơ của thầy:
“Say trong men rượu Bồ Đề
Tâm liền vượt thoát cơn mê nhiều đời”.
Thật quý hóa được gặp thầy hôm nay! Chương trình phát thanh Đuốc Tuệ rất biết ơn thầy và chúng con tìm chữ “Đuốc Tuệ” trên tinh thần ý nghĩa câu thơ “Nhìn đời bằng mắt tuệ tri, vô thường vô ngã có gì bận tâm” của thầy, xin trân trọng cảm ơn thầy!
TNT: Chân thành cảm ơn quý bác, quý cư sĩ trong chương trình “Đuốc Tuệ” đã tạo cơ hội giúp chúng tôi chia sẻ cái nhìn của mình về Phật giáo, sự hoằng pháp trong thế giới hiện đại, những phương pháp hành trì, sự dấn thân, chia sẻ, sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác! Thông qua cái nhìn đó, quý Phật tử có được những điều an vui hạnh phúc trong cuộc đời. Kính chúc tất cả các vị trong chương trình của Đuốc Tuệ luôn luôn hiện hữu tâm Bồ Đề, luôn luôn có được sự nhận thức sáng suốt và giới thiệu Phật giáo trên tinh thần của con đường chuyển hóa giống như tông chỉ chương trình Đuốc Tuệ đã đưa ra! Nghĩa là, phải vượt lên trên tất cả các ý thức hệ chính trị, ý thức hệ giáo hội, tôn giáo, ý thức hệ cuộc đời đã từng vấp phải, vì giá trị đạo Phật vượt lên trên tất cả những thứ này. Nếu làm được điều đó là làm cho tuệ giác, ánh sáng “Đuốc Tuệ” thắp sáng mãi trong lương tâm, hành động, lời nói, việc làm của mình. Được như vậy, chúng tôi tin chắc, dù một Đuốc Tuệ ra đời chỉ vài tháng cũng có thể trở thành người bạn tinh thần của đông đảo quần chúng Phật tử trên đất nước Hoa Kỳ!
***