“Đừng vì tiền, phụ nghĩa, quên tình” là tuyển tập năm bài pháp thoại, trong số đó, bốn bài đầu giảng tại trại giam Sơn Phú 4, thành phố Thái Nguyên, và bài cuối giảng tại chùa Giác Ngộ. Trại giam Sơn Phú 4 hiện đang giam giữ 5.500 phạm nhân phạm tội hình sự và bị tuyên án từ 5 năm đến 25 năm tù giam. Trong hai ngày 30/04 và 11/05/2010, tác giả có cơ hội chia sẻ cho 5 phân trại khác nhau, mỗi phân trại một bản nhạc đúng với hoàn cảnh mà các phạm nhân đang gặp phải.
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Phần 1. Mong đời thứ lỗi
Thực tập thiền
Mong được thứ lỗi
Tiền kết nghĩa anh em
Trèo cao té nặng
Lỡ bước sa cơ, tình bay xa
Cô đơn trong tuyệt vọng
Đừng mặc cả phước khi làm từ thiện
Hồi đầu hối lỗi
Phần 2. Kiếp đỏ đen
Sống thiền
Về “kiếp đỏ đen”
Khó giữ được của bạc gian
Ngày sanh không tạo nên số phận
Thắng và thua đều khổ
Quả báo hiện tiền
Xa lánh kiếp đỏ đen
Quay đầu là bờ
Phần 3. Đừng quên tình đời
Chuyển hóa nội tại nhờ thiền
Có ai không nghĩ về tiền
Kẻ gieo gió
Tiền đã cướp đi nhiều thứ
Giá trị tình thương
Tiền không mua được tiên
Đừng khổ đau trong vô thường
Phần 4. Lời sám hối của kẻ hấp hối
Quay đầu lúc hấp hối
Lầm lỗi và cô đơn
Thân tàn ma dại
Chia sẻ cảm thông
Vực dậy sức sống
Xin đừng tuyệt vọng
Đừng kỳ vọng tương lai
Làm chủ cảm xúc
Nỗ lực chuyển hóa
Phần 5. Giới hạn của đồng tiền
Tiền không phải là tất cả
Tiền và tổ ấm
Tiền và giấc ngủ
Tiền và kiến thức
Tiền và sức khỏe
Tiền và thời gian
Tiền và sự kính nể
Tiền và tình yêu
Tiền và sự chung thủy
LỜI GIỚI THIỆU
“Đừng vì tiền, phụ nghĩa, quên tình” là tuyển tập năm bài pháp thoại, trong số đó, bốn bài đầu giảng tại trại giam Sơn Phú 4, thành phố Thái Nguyên, và bài cuối giảng tại chùa Giác Ngộ. Trại giam Sơn Phú 4 hiện đang giam giữ 5.500 phạm nhân phạm tội hình sự và bị tuyên án từ 5 năm đến 25 năm tù giam. Trong hai ngày 30/04 và 11/05/2010, tác giả có cơ hội chia sẻ cho 5 phân trại khác nhau, mỗi phân trại một bản nhạc đúng với hoàn cảnh mà các phạm nhân đang gặp phải. Các nhạc khúc này thể hiện chân lý: “Lối sống buông thả dẫn đến bế tắc và khổ đau”. Mỗi bản nhạc đều gợi mở con đường “quay đầu vào bờ”, theo đó, người phạm pháp mong người thân và cuộc đời rộng lòng thứ lỗi.
Vì đam mê kiếp đỏ đen, người chơi cờ bạc đã trở thành các con nghiện “tham lam” và “thiếu lý trí”. Trong canh bạc, trên 95% người chơi đều là kẻ thua. Kẻ cờ bạc đã góp vốn làm giàu cho các chủ sòng bạc. Các chủ sòng bạc góp phần tạo ra thế giới ăn chơi, giang hồ và thanh trừng lẫn nhau. Trong mỗi canh bạc, người thắng và thua đều khổ. Người thắng thì cười vui tạm thời, sau đó, trở thành người thua. Cứ như thế các canh bạc đã biến những con bạc trở thành kẻ thua trắng tay. Người thua thì khổ nhiều hơn. Có kẻ cầm cố tất cả tài sản, bán nhà, đẩy người thân vào con đường cùng. Có người không có tiền trả “nợ thua bài” đã bị giới giang hồ cắt tay, chặt chân, “dằn mặt” thân nhân họ. Có người chết không để lại dấu vết. Thế giới đỏ đen là thế. Quyết tâm xa lìa kiếp đỏ đen, các con bạc đi từ thế giới bóng tối ra ánh sáng, làm lại cuộc đời để sống hạnh phúc thật sự.
Vì tiền, nhiều người đã quên tình nghĩa, tình thân, tình yêu và tình đời. Tiền đã trở thành nỗi ám ảnh lớn. Vì muốn sở hữu tiền nhanh, nhiều người đã để lòng tham lấn át lý trí, lao vào con đường phạm pháp, gây tạo nhiều tội lỗi. Hậu quả trước mắt là phải vào tù gỡ lịch, chuộc lại tội lỗi ngày xưa. Nếu thấy rõ “đồng tiền phi pháp” tạo ra khổ đau, đánh mất tương lai, chúng ta sẽ không biến tiền thành “chủ nhân ông”. Trên thực tế, tiền không phải là tất cả. Tiền không mua được tổ ấm, giấc ngủ, sức khỏe, thời gian và tuổi thọ. Tiền càng không mua được kiến thức, túi khôn, sự kính trọng và tình người. Có tiền có thể hưởng thụ nhiều nhưng không thể mua được tình yêu đích thực và sự chung thủy, vốn là thực phẩm của hạnh phúc hôn nhân. Thấy rõ các giới hạn của đồng tiền, người tu Phật vượt qua các tâm lý tham lam và si ám, nhờ đó, vẫy chào được các khổ đau phát xuất từ chúng.
Chỉ vì ám ảnh bởi tiền, có người đã lao vào con đường sản xuất và buôn bán “cái chết trắng”. Dính vào con đường ma túy, người phạm pháp nếu không thân tàn ma dại thì cũng bị luật pháp cầm tù, trừng phạt nghiêm khắc. Khi xét nghiệm với kết quả HIV dương tính, nhiều con nghiện ma túy đã hối hận, thốt lên những lời than oán, hận người, hận đời và hận mình. Lúc nhận ra sự thật cũng là lúc muộn màng, không còn khả năng cứu vãn tình thế. Khi kết bạn với tử thần, các tháng năm còn lại chính là chuỗi ngày cay đắng, tủi hận, mất phương hướng và khổ đau. Quay đầu lúc hấp hối là con đường dầu muộn màng nhưng có ý nghĩa. Hãy vực dậy sức sống, hãy tự lên dây cốt cho bản thân, quyết tâm không rơi vào tuyệt vọng. Nỗ lực thay đổi chính mình ở cuối con đường khổ đau là lúc ta chính thức bước sang thế giới hồi đầu. Đấu tranh với cơn nghiện dù có vật vã, người nghiện dần dà làm chủ được cảm xúc. Tiếp tục chuyển hóa các tâm lý tiêu cực sẽ giúp cho đương sự trở thành con người mới. Nhờ đó, hạnh phúc có mặt, người khổ đau vẫy tay chào với quá khứ đen tối. Đây chính là lối thoát duy nhất và có ý nghĩa nhất.
Tác phẩm này có thể là cẩm nang cho người lầm lỗi, tuyệt vọng, khổ đau vì tiền, vì kiếp đỏ đen và vì hưởng thụ ma túy. Phân tích ứng dụng các vấn nạn vừa nêu theo tinh thần Phật dạy có khả năng giúp cho nạn nhân và kẻ phạm pháp thay đổi cuộc đời. Mong sao mọi người hãy nhớ đến “hậu quả” của các hành động xấu và tiêu cực trước khi quyết định và làm bất cứ điều gì. Nếu luật pháp là thước đo công bằng thì lương tâm là thước đo đạo đức. Luật pháp, lương tâm và đạo đức có thể giúp con người xây dựng hạnh phúc, sống cuộc đời có giá trị và ý nghĩa cho mình và cho người. Lối sống “đừng vì tiền, phụ nghĩa, quên tình” là con đường giúp ta có được tương lai tươi sáng và hạnh phúc đó.
Giác Ngộ, 25-08-2012
TT. Thích Nhật Từ
Chủ nhiệm
Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay