Giảng tại trại giam Phú Sơn 4, phân trại 4, ngày 30-04-2010
Phiên tả: Hiệu Diệu Nguyệt
Hiệu chỉnh phiên tả: Giác Hạnh Đức
QUAY ĐẦU LÚC HẤP HỐI
“Lời sám hối của người hấp hối” là sáng tác rất đặc biệt của ca sĩ Duy Mạnh. Anh cũng chính là người thể hiện ca khúc này rất thành công.
Phân tích nội dung bản nhạc sẽ giúp ta rút ra những bài học từ tâm trạng của một người đối diện với cái chết, sắp vẫy tay chào với cuộc đời, với những người thân thương, những cảm xúc dâng trào, những nỗi đau uất nghẹn, những tâm lý đang muốn níu kéo, và những lời trăn trở, đến việc gửi gắm những người sau triết lý sống có giá trị.
“Người ơi, ngày qua chất độc lôi kéo tôi nên tôi đã trót mang lầm lỗi. Từng đêm, từng đêm tôi lạnh lẽo bước đi, lang thang chẳng khác chi hồn ma.
Đời tôi còn chi, chỉ còn da với xương, chân tay run mỗi khi cầm thuốc. Và tôi đã không, không còn sức bước đi. Ôi! thân đã héo khô, tàn rơi.
Tôi đánh mất lòng tin của tất cả mọi người. Tôi không còn là tôi lúc xưa. Thôi tôi xin kiếp sau, sẽ khôn hơn tôi kiếp này, sẽ không bao giờ gần ma túy.
Tôi đã sắp phải đi, hãy lắng nghe tôi một lời. Xin hãy tránh thật xa ma túy kia. Tôi muốn sao thế gian sẽ không có những nỗi buồn, Dù chỉ một lần cũng trở nên buồn…”
Lời một của bài ca: “Lời sám hối của kẻ hấp hối” nói lên được tâm trạng của người đang vướng vào nỗi đau, nỗi đau của sự rút ngắn sự sống, nỗi đau của ray rứt lương tâm, nỗi đau của những phân biệt đối xử xã hội, nỗi đau của một người đang bị tuyệt vọng, và nỗi đau lớn nhất là chưa có thể giúp được cho cuộc đời. Do vậy, lời trăn trối cuối như một lời tạ từ, và thông qua đó mong mỏi những người trong xã hội, đặc biệt giới trẻ hãy tránh xa những thói quen hưởng thụ, đôi lúc vướng vào thì dễ mà dứt ra được mặc dầu không khó lắm nhưng thực sự quá muộn màng vì nó cũng là thời điểm kết thúc mạng sống con người.
Bản nhạc có 12 câu, tôi tạm chia ra thành 4 khúc, mỗi khúc nói lên được những sắc độ dòng cảm xúc của một người đang đối diện với cái chết.
Các cung bậc của cuộc đời có thể lên xuống thăng trầm tùy theo dòng cảm xúc của con người. Ở đây, tác giả đã đóng vai của một người ở những giờ phút cuối đời. Theo lời tự sự của Duy Mạnh, đây là tiếng nói người bạn thân của anh, và thông qua anh muốn nhắn gửi đến tất cả chúng ta, bất cứ ai chỉ cần một phút mềm lòng hay mất sự kiểm soát của tâm có thể biến chính mình trở thành nạn nhân. Nỗi đau đó không chỉ đơn thuần nằm ở bản thân mà còn nối kết với người thân tạo ra nhiều gánh nặng cho xã hội và cộng đồng nói chung.
LẦM LỖI VÀ CÔ ĐƠN
“Người ơi, ngày qua chất độc đã kéo tôi nên tôi đã trót mang lầm lỗi”.
Lời tự sự này xác định về lỗi dân sự. Sự sai lầm về phương diện dân sự dù không có mức độ tàn phá cũng ảnh hưởng đến đời sống xã hội và cộng đồng. Các lỗi của một con người, do không nghe lời khuyên của cha mẹ, những người thân thương cũng thuộc về dân sự mà hậu quả của nó đối với đời sống xã hội không phải là nhỏ.
Theo Phật giáo, ngoài lỗi lầm là những cái sai dù vô tình hay cố ý, còn có những tội về phương diện luật pháp và tội về phương diện đạo đức. Luật pháp trên thế giới không phải nước nào cũng liệt những vi phạm trở thành là tội. Việt Nam xác định điều đó một cách khẳng khái hơn để hạn chế tối đa các hình thái khủng hoảng xã hội khác nhau nên tội thường gắn liền với luật pháp. Mặc dầu một số quốc gia không xem sử dụng ma túy là tội nhưng về phương diện đạo đức, nó có thể dẫn đến thương tổn rất lớn.
“Lời trăn trối” xác định rõ, một mặt những lầm lỡ đối với bản thân mà người thân chúng ta phải mang một nỗi đau khi có một thành viên trong gia đình vướng vào hoàn cảnh này, mặt khác xác định nó như một tội vì trái với những quy định của luật pháp mà phần lớn các nước trên thế giới đều có khung hình phạt gần giống nhau. Xác định bằng nhận thức, nghiện ma túy là một sự lầm lỡ quá khứ giúp cho người nhận thức hiểu rõ những năm tháng còn lại nếu không khéo sẽ mất hết tất cả các hương vị của cuộc đời.
Đối diện trước những giờ phút mà đời sống của mình được tính đếm bằng tích tắc của thời gian, ta cần có nghệ thuật sống. Lỡ trót mang lầm lỗi rồi thì phải cố gắng vượt qua. Phó vận mệnh của mình vào trong sự an bài của Thượng đế hay các thần, không phải là giải pháp. Niềm tin sai này có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho chúng ta.
Lời ca xác định rõ: “Từng đêm, từng đêm tôi lạnh lẽo bước đi lang thang chẳng khác chi một hồn ma”.
Đó là một trạng thái cô đơn về phương diện xã hội, cô đơn về phương diện gia đình, và cô đơn với chính bản thân của người đang vướng vào khổ lụy mà hầu như không ai muốn đến. Những mặc cảm dằn vặt về phương diện cảm xúc đã dẫn đến trạng thái cô đơn. Đôi lúc được những người thân thương dang tay ra đón nhận, có khi xã hội cộng đồng rũ bỏ tất cả mọi phân biệt đối xử để đón nhận những người lỡ sa vào con đường như thế, nhưng bản thân đương sự vẫn cảm thấy mình phải tự tách ly ra hỏi cộng đồng và xã hội đó. Đi lang thang tới một phương trời vô định, không muốn cho người khác biết đến chứng bệnh mà mình đang mang. Không muốn người thân thương của mình phải bận tâm đến nỗi đau mà mình đang trải nghiệm. Không muốn mọi hình thái phân biệt đối xử trong xã hội có thể diễn ra. Do vậy, đương sự có cảm giác mình giống như một hồn ma khi ẩn, khi hiện, khi có mặt chỗ này, khi lẩn khuất chỗ khác. Nỗi đau của sự cô đơn giằng xé người vướng vào chứng bệnh ma túy một cách khốc liệt, hầu như không có sự tha thứ.
THÂN TÀN MA DẠI
“Đời tôi còn chi, chỉ còn da với xương, tay tôi run khi cầm thuốc”.
Đó là tình trạng kháng thể ngày càng giảm đến độ nó làm hư hết tất cả các hồng cầu. Những tế bào quan trọng nuôi sự sống, làm cho chúng ta lạc quan, tích cực, yêu đời gần như mất hết. Nếu tính về được và mất thì người chơi ma túy được những giây phút hưng phấn mà các nhà khoa học xác định đó là ảo giác trên bộ não trong 15 giây, nhưng hậu quả hay sự mất mát do ma túy mang lại có thể là cả cuộc đời. Cả thế giới, cả bầu trời hạnh phúc đã từng thân thương và hạnh phúc đều mất hết. Đặt lên bàn cân được và mất, ta sẽ rút ra được nhiều bài học. “Tay chân run” đến nỗi cầm thuốc để uống vào mà cầm không nổi nữa. Đó là nỗi đau khi thấy mình bất lực dần dần, tuổi chưa già mà sức lực đã cạn kiệt. Đó là bế tắc rất lớn mà khi đối chiếu, nhìn lại bản thân, ta cảm thấy mình không còn là mình nữa.
“Và tôi đã không, không còn sức bước đi. Ôi thân đã héo khô, tàn rơi”. Sánh ví thân mình như những chiếc lá khô, chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua các chiếc lá rơi rụng bay đi, không biết đi về đâu với một định hướng gì và tương lai của nó như thế nào.
Thân đã khô héo tức là nhựa sống, sức sống, trạng thái yêu đời, dòng cảm giác hạnh phúc mà mình cần có với tư cách là một con người gần như vẫy tay chào và chối từ chúng ta. Đó là nỗi đau đang uất nghẹn.
CHIA SẺ CẢM THÔNG
Năm 2003, Unicef đã đài thọ cho một chương trình nghiên cứu về phòng chống HIV/AIDS. Các vị lãnh tụ trẻ Phật giáo được thỉnh mời cùng tham gia. Chúng tôi được cử đi trong phái đoàn đến biên giới Thái Lan và Miến Điện ở các tỉnh Chang-rai, Chang-mai, Chang-nai để nghiên cứu 20 mô hình của Phật giáo về vấn đề chăm sóc các bệnh nhân HIV/ AIDS ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối.
Tại đây, chúng tôi được học hỏi một số kinh nghiệm. Khi các nhà sư trụ trì dấn thân vào công việc phụng sự cho các bệnh nhân HIV thì phản ứng của quần chúng Phật tử không mấy thiện cảm. Một số người thầm suy nghĩ rằng chúng tôi cúng dường các chùa để các nhà sư tu học chứ không phải cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Ngộ nhận căn bản là do một số người quan niệm rằng ai bị nhiễm HIV/AIDS đều là người ăn chơi trác táng, họ tự gieo khổ, họ phải tự lãnh hậu quả khổ, không nên giúp đỡ.
Một số đại gia từ bỏ các ngôi chùa có trung tâm chăm sóc HIV/AIDS. Lòng từ bi của các chùa vẫn tràn đầy, con đường dấn thân đó vẫn diễn ra. Những người từ bỏ chùa vừa đi khỏi thì đồng lúc ấy có nhiều vị thiện tâm khác đến ủng hộ vì họ biết rõ chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối có ý nghĩa nhân văn và đạo đức.
Bài học thứ hai chúng tôi đón nhận được là thông qua các khóa lễ cầu an do chính quyền địa phương đã yêu cầu đoàn chúng tôi tụng bằng tiếng Việt. Các chị em bị HIV/AIDS giai đoạn cuối, mặc dầu không hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt nhưng qua thời kinh ngắn, cảm giác hân hoan, hạnh phúc trỗi dậy trong tâm họ. Chúng tôi đã thực hiện trong buổi sáng ngày đầu tiên bốn khóa lễ cầu an. Khóa lễ đầu tiên đã để lại những nỗi buồn, trong tất cả các thành viên trong đoàn.
Một chị phụ nữ trạc tuổi bốn mươi, tay ẵm một đứa trẻ trong lồng ngực của mình, gượng dậy bằng đôi bàn tay của chị với tư thế như muốn chắp tay xá chào các nhà sư nước ngoài nhưng sức khỏe không cho phép nên chị không thể làm được việc đó. Chúng tôi và các thành viên của đoàn phải ra dấu hiệu yêu cầu chị hãy nằm xuống trong trạng thái thư thái, thoải mái, nhẹ nhàng, thảnh thơi, không phải bận tâm đến chủ nghĩa hình thức. Các thông dịch viên đã truyền đạt thông tin đó. Chị đã nở một nụ cười đón nhận chúng tôi với tất cả tấm lòng. Các thành viên chúng tôi đã trải nghiệm nỗi đau của một người ở giai đoạn cuối, chia sẻ bằng những sự cảm thông lớn. Đứng bên cạnh chị, chúng tôi ủng hộ tinh thần chị và tụng thời kinh. Chưa được nửa thời kinh thì chị đã trút hơi thở cuối cùng. Đứa bé nằm trong vòng tay người mẹ đã khóc òa lên, mặc dầu không biết mẹ nó đã tắt thở. Cảm giác lạnh dần của người mẹ đã làm cho đứa con mất đi giá trị hạnh phúc mà một đứa bé có quyền được cha mẹ chăm sóc và bảo hộ. Đoàn chúng tôi đã không ăn ngon được cả buổi trưa hôm đó. Đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh một người AIDS vẫy tay chào với người thân và mọi người tiếp tục tái sinh.
VỰC DẬY SỨC SỐNG
Buổi chiều, đoàn tiếp tục thăm viếng các trung tâm khác. Đoàn đến chúc nguyện, cầu an cho các bệnh nhân. Tại đây, chúng tôi gặp hai anh thanh niên vướng vào AIDS đã 10 năm. Nếu không được giải thích, chúng ta sẽ không ngờ rằng với 10 năm, họ vẫn sống khỏe mạnh, bình thường. Khi hỏi ra mới biết, mỗi ngày các anh đã được các nhà sư ở những ngôi chùa này chăm sóc, hướng dẫn thiền quán, được khích lệ tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Các anh được mời làm nhạc trưởng của đội nhạc trong trung tâm. Mỗi ngày như vậy, có biết bao niềm vui. Thỉnh thoảng được đi biểu diễn từ thiện, vận động tiền bạc giúp đời sống trong trung tâm được tốt hơn. Chính những bàn tay đó, mồ hôi đó, nước mắt đó đã tiếp nhận được sự rung cảm từ trái tim của người tham dự, đã làm cho họ tăng thêm kháng thể và nghĩ rằng cuộc đời họ không phải vô dụng. Tôi đang đứng ở giai đoạn cuối của cuộc đời nhưng tôi vẫn làm việc lợi ích cho xã hội, cho chính tôi. Tôi không là cây tầm gửi của ai. Tôi không phải vứt bỏ bản thân của mình đi. Tâm trạng đó đóng vai trò quan trọng để vực ta dậy từ nỗi đau mà gần như mình đã đánh mất.
Bài học rút ra được từ câu chuyện này là bất kỳ trong tình huống nào, dù ta phải đối diện với cái chết cận kề, điều quan trọng nhất là đừng đánh mất niềm hy vọng, sự lạc quan yêu đời, đừng để ta chìm vào sự tuyệt vọng, hãy sống với ý nghĩa vị tha và trải nghiệm hạnh phúc.
Theo Phật giáo, cái quan trọng trong cuộc đời không phải là chúng ta sống dài hay ngắn, thọ hay yểu mà là sống như thế nào. Quá khứ theo Phật giáo là những nỗi đau cần phải quên đi bằng sự nỗ lực chuyển hóa tâm. Ta phải sống trải nghiệm từng giây phút hiện tại một cách toàn vẹn nhất. Dầu thời khắc đó rất ngắn nhưng làm cho ta hân hoan, hạnh phúc, do vậy, giá trị cuộc đời vẫn được thiết lập. Nếu ngay thời khắc đó chúng ta vẫy tay chào với những người thân thương nhất một cách vĩnh viễn thì theo Phật giáo, ta sẽ có một cảnh giới tái sinh hạnh phúc và bình an. Tại kiếp sống mới đó, ta sẽ được ra đời trong bào thai của một người mẹ mà hoàn cảnh sống xã hội, giáo dục, đạo đức v à nhiều phương diện thuận lợi khác sẽ giúp ta trưởng thành với nhiều điều kiện đặc biệt. Đừng tuyệt vọng, nhất là ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Phải sống với ý chí và năng lực tích cực để tạo niềm vui, và chính điều đó sẽ kéo dài mạng sống ta thêm vài ba năm, vài ba tháng, vài ba ngày.
Đối với các chứng bệnh không nguy kịch như HIV/AIDS, việc thực tập tương tự cũng cần phải được thực hiện hàng giờ, hàng phút. Nỗi sợ hãi, lo âu, buồn phiền, tuyệt vọng sẽ làm cho cái chết diễn ra khổ đau hơn, nhanh chóng hơn, buồn phiền hơn.
Cuộc đời quá nhiều khổ đau rồi, đừng dày vò mình thêm nữa. Ta phải thương chính ta, thương người thân, thương cha mẹ, thương những người quan tâm đến ta để ta sống những ngày còn lại một cách có ý nghĩa. Điều đó làm cho ta trở thành con người mới. Tại giây phút mới mới mẻ này, bất cứ lúc nào sự ra đi đều là một niềm an vui rất xứng đáng.
XIN ĐỪNG TUYỆT VỌNG
Phần còn lại của bản nhạc nói lên sự mất mát lớn mà những người vướng vào ma túy có thể phải uất hận, loay hoay tìm một lối thoát nhưng không thoát ra được: “Tôi đánh mất lòng tin của tất cả mọi người. Tôi không còn là tôi lúc xưa.”
Rất nhiều người kỳ vọng rằng người thân của mình có một tương lai, thông qua đó phụng sự, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều bậc cha mẹ đã thất vọng hoàn toàn ở đứa con trai, con gái mình. Lẽ ra với sức học, kiến thức, tuổi trẻ, ta có thể đóng góp nhiều cho gia đình, nhất là cha mẹ lúc về già. Một phút sai lầm, ta đã đánh mất kỳ vọng đó.
Chồng là điểm tựa của vợ. Là cha, ta có thể là điểm tựa của những đứa con. Lỗi lầm và cơn nghiện đã làm cho con chúng ta thất vọng, không tin rằng cha mẹ mình là người rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy. Rất nhiều đứa con đã đánh mất tương lai vì bị nỗi ám ảnh dằn vặt, bởi hình ảnh tiêu cực của những người thân thương nhất trong cuộc đời.
Thương và quý trọng những người thân nhất cuộc đời, ta phải thể hiện bằng sự cam kết và trách nhiệm chăm lo cho bản thân, từ đó ta đủ sức khỏe, thời giờ, tâm huyết, sự khôn ngoan để chăm sóc người thân. Làm được như thế thì hạnh phúc ngày càng lớn.
Những người dính vào căn bệnh HIV/AIDS hầu như mất hết niềm tin. Nhiều bậc cha mẹ đau khổ còn hơn bệnh vì mặc cảm với xã hội, sự mất thanh danh với cộng đồng, những ức chế tâm lý làm họ đóng cửa, không muốn giao tế, không tiếp xúc để hạn chế sự biết đến bởi cộng đồng xã hội. Chính những người thân đã tạo ra sức ép cho bệnh nhân, mà lẽ ra trong giai đoạn cuối của cuộc đời bệnh nhân cần đến sự hỗ trợ, cảm thông, thương lo, chăm sóc nhiều hơn nữa.
Không phải ai cũng may mắn có người thân có tinh thần rộng lượng, hiểu biết. Giả sử các anh chị có gặp hoàn cảnh đó thì đừng tuyệt vọng. Ta chính là người giúp mình quan trọng nhất. Nếu ta không tự cứu chính mình, vượt ra những mặc cảm, dày vò đó, ta không thể vượt qua khổ đau. Những người thân chỉ là người trợ giúp, không thể là người trực tiếp tháo gỡ những bế tắc của ta.
Sau đây là lời tâm sự như một hờn trách với bản thân: “Tôi không còn là tôi lúc xưa”.
Những người bị bệnh HIV/AIDS hãy nhớ lại 10 năm trước với thời vàng son. Làm được tất cả! Ta là trụ cột kinh tế gia đình, là mối nối kết của tình thân thương, là niềm vui của những người khác. Còn bây giờ ta không tự tạo cho mình được niềm vui, lấy đâu truyền niềm vui đó cho người khác. Nỗi đau làm cho mình cảm thấy mất giá trị và mất tất cả.
ĐỪNG KỲ VỌNG TƯƠNG LAI
“Tôi xin kiếp sau sẽ khôn hơn tôi kiếp này.” Lời nguyện ước đó có vẻ rất tiêu cực. Tại sao phải chờ đến kiếp sau mà không thực hiện ở kiếp này. Tại sao phải chờ đến năm sau mà không thực hiện ngay từ hôm nay. Đức Phật dạy: “Hãy sống trọn vẹn với những giờ phút hiện tại.” Ai thực hiện như thế được gọi là đang trải nghiệm được hạnh phúc bây giờ và tại đây.
Hạnh phúc không có trong quá khứ vì mỗi lần ký ức về quá khứ vàng son, sự nuối tiếc sẽ là nguồn năng lượng tiêu cực đốt cháy tất cả những gì chúng ta đang có hiện tại. Kỳ vọng vào một tương lai xa xôi, không có những dữ liệu nhân quả hiện tại sẽ đốt cháy tất cả năng lực hiện tại.
Theo đức Phật hãy sống một cách trọn vẹn với phương pháp luận, với nhiệt huyết, với khả năng, với sự thuận theo luật pháp, với con đường đạo đức thì mỗi tích tắc trôi qua, ta là người hạnh phúc.
Hạnh phúc theo Phật giáo không phải là một cái gì cao siêu, huyền diệu, vượt khỏi tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc như là không khí ta hít thở hàng ngày, là áo ta mặc, là cơm ta đang ăn, như gió thoảng, mây bay, suối chảy, thông reo, chim hót líu lo, rất gần gũi với ta.
Chúng ta có thói quen kỳ vọng vào những gì ta không có, sống với sự nuối tiếc cái gì đó xa vời như những chiếc bánh vẽ không có thật, do vậy ta đánh mất đi hạnh phúc ở hiện tại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, tình huống nào, đừng hẹn kiếp sau, vì ta không xác định rõ là mình như thế nào, ra sao. Dĩ nhiên, bằng phương pháp loại suy, ta có thể tạo dựng cho mình một viễn cảnh của kiếp sau hạnh phúc bằng phương pháp đầu tư hạnh phúc ở hiện tại.
Theo nhân quả, ta của bây giờ là hậu quả hay kết quả tốt hay xấu của quá khứ, ta ở tương lai lệ thuộc hoàn toàn vào cái ta của hiện tại. Xây dựng tương lai không gì tốt bằng chăm sóc hiện tại. Thay vì kỳ vọng có một đàn gà con, triệu triệu con gà con, tốt nhất là làm thế nào để có những quả trứng gà có trống, vì đây là điều kiện tiên quyết. Rất nhiều người chỉ biết kỳ vọng, chứ không biết tìm ra nhân tố quan trọng để có được những cái chúng ta muốn. Phật giáo không dạy ta nguyện cầu, van xin mà dạy ta hành động thiết thực. Muốn cái gì phải đầu tư vào cái đó. Muốn được một phải đầu tư ba, bốn. Muốn được an vui thì phải sống trọn vẹn với hạnh phúc và mang hạnh phúc cho tha nhân. Đừng kỳ vọng ở kiếp sau, hãy sống hiện tại này, sống bằng chánh niệm, nghĩa là đang đi, đứng, nằm, ngồi, nói nín động tỉnh, co, duỗi, thức, ngủ ta làm chủ được dòng cảm xúc, thái độ, nhận thức, hành vi. Người như thế là người sống hạnh phúc bây giờ và tại đây.
LÀM CHỦ CẢM XÚC
Chữ Hán chịu ảnh hưởng từ triết học Phật giáo rất nhiều. Kể từ khi Ngài Huyền Tráng, sau 12 năm tu học tại Ấn Độ, mang kinh điển về Trung Hoa, đã dành suốt cuộc đời phiên dịch kinh điển và mang lại cho nền văn học nước này thêm 35.000 từ mới, trong đó có từ “thánh”. Chữ thánh có ba bộ thủ: phía trên phía bên tay trái là chữ nhĩ tức là tai, phía phải bên trên là chữ khẩu nghĩa là miệng, bên dưới là chữ vương, là người làm chủ, người nắm quyền. Theo triết học Phật giáo, ai làm chủ được lỗ tai, cái miệng, người ấy là thánh. Trên thực tế, đây là một cách nói vắn tắt, thay vì nói đủ phải là “người làm chủ các giác quan là thánh”. Chữ tượng hình thường có giới hạn trong mô tả con người và sự vật.
Phật giáo dạy rằng ai làm chủ 6 giác quan, khi mắt thấy không sinh lòng tham lam, ganh tỵ, hận thù; khi nghe không để cho dòng cảm xúc mình chìm vào sự tham đắm hay sự tức tối, bực dọc bởi những lời khó nghe; mũi ngửi các mùi, lưỡi nếm các vị, thân xúc chạm, ý tưởng tượng và hình dung quá khứ, hiện tại và vị lai ta làm chủ tâm. Sự làm chủ trọn vẹn tâm ý sẽ giúp ta trở thành chân nhân, người sống hoàn toàn thuận hợp với luật pháp, mẫu mực về đạo đức và như tấm gương cho những người thân, cho thế hệ sau noi theo. Chỉ cần làm chủ được dòng cảm xúc, ta đã giải quyết được nhiều khổ đau trong cuộc đời. Do vậy, đừng hẹn đến kiếp sau mà phải thực hiện ngay từ bây giờ và tại đây.
Khổ cuối cùng của bài ca là một lời trăn trối: “Tôi đã sắp phải đi. Hãy lắng nghe tôi một lời. Xin hãy tránh thật xa ma túy kia.Tôi mong sao thế gian sẽ không còn có những nỗi buồn. Dù chỉ một lần cũng trở nên buồn”.
Câu cuối là một chân lý: Chỉ thử ma túy một lần là mất cả cuộc đời. Tính lệ thuộc vào dòng cảm xúc cũng như thân thể sẽ làm cho ta trở thành nạn nhân của thói quen tiêu cực. Thế giới xem ma túy như vấn nạn toàn cầu. Việt Nam với những nỗ lực đáng khích lệ, khống chế ma túy ở mức độ cao. Những người sản xuất ma túy, buôn bán nó, tiêu thụ nó, những đường dây dính líu đến nó đều bị xử bằng những hình phạt nặng. Mỗi quốc gia có những hình phạt gắt gao đối với tội phạm ma túy. Tại sao thế giới có quan niệm cộng thông như thế. Vì lãnh đạo toàn cầu thấy rất rõ rằng: ma túy là chất độc giết chết tương lai, là bom nguyên tử hạt nhân giết chết hạnh phúc của rất nhiều người. Những người trồng và buôn bán ma túy có được khoản lợi lớn trên nỗi đau, khổ, bệnh tật, chết chóc của rất nhiều người không làm chủ được bản thân hoặc thiếu kiến thức về lãnh vực này. Người sản xuất, buôn bán ma túy hầu như luật pháp không dung tha. Nếu không khéo, ta có thể bị vướng vào đường dây ma túy. Tại các sân bay, người ta thường lưu ý, nếu không phải là người thân thương nhất thì khi ai gửi trông dùm hành lý thì dừng có dại dột mà tiếp nhận, vì trong đó có thể có ma túy. Khi bị phát hiện, tình trạng đó có thể dẫn đến bản án tình ngay lý gian. Phải ý thức bằng chánh niệm để ta tránh xa ma túy. Lời sám hối trong bài ca, “hãy tránh thật xa ma túy” kia vì nó là kẻ sát nhân, là hồn ma, là kẻ hủy diệt, là kẻ thù của tất cả chúng ta. Cả thế giới cùng đứng dậy chống lại ma túy, để bảo vệ hạnh phúc của mỗi người. Từ lúc mới sinh ra đến lúc qua đời, ta có quyền sống hạnh phúc bằng sự tách rời khỏi ma túy. Không may một số người bị vướng vào ma túy. Mong sao thế gian này không còn những nỗi buồn do ma túy tạo ra.
Kẻ giàu hút ma túy, không chết sớm như những người chích ma túy. Những người được cho, tặng, biếu ma túy khi bị nghiện rồi sẽ trở thành nô lệ, vướng vào đường lao lý. Không khéo có thể trở thành kẻ cắp vặt những tài sản của người thân thương. Khi tài sản của người thân không đủ đáp ứng, kẻ nghiện có khuynh hướng lấy của những người khác, mặc dù trong thâm tâm không muốn điều đó. Cơn nghiện biến con người trở thành một người rất khác với chính họ trong lúc mình bị dằn vặt, đòi hỏi. Ma túy tạo ra sự lệ thuộc tâm lý mà giá trị hạnh phúc thật sự của nó hầu như là âm. Ma túy tạo ra ảo giác hạnh phúc. Đập đá, thuốc lắc cũng thế. Cái ảo giác đó làm cho mình có cảm giác như ở lạc cảnh, thiên bồng, lâng lâng. Hậu quả của nghiện ma túy vô cùng to lớn. Chỉ sau một thời gian hưởng thụ, ta có thể mang bệnh chết người, nuối tiếc cũng quá muộng màng. Chỉ một lần thử ma túy cũng trở nên buồn là lời nhắn nhủ rất có ý nghĩa.
NỖ LỰC CHUYỂN HÓA
Các diễn viên điện ảnh, các ngôi sao sân khấu và những nhân vật thành công trong xã hội nếu không khéo dễ vướng vào các đường dây ma túy. Vì ngộ nhận nó là một phần lối sống của giới thượng lưu.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có lượng người sử dụng ma túy nhiều. Trong lúc sử dụng ma túy, sự tuyệt vọng diễn ra rất lớn. Số lượng người tự tử ở Hoa Kỳ mỗi ngày là khoảng 88 người. Trong đó khoảng 30% là do sử dụng ma túy. Micheal Jackson đã từng có một quá khứ nghiện ma túy. Ca sĩ Elvis Presley cũng từng có một quá khứ tương tự. Nhiều nhân vật trong làng giải trí toàn cầu cũng từng có một quá khứ đau thương. Gần Hollywood có một trung tâm Promise Center, là trung tâm hứa hẹn dành cho các nhân vật nổi tiếng trong xã hôi bị vướng vào chứng bệnh này, tình nguyện đến và đóng 20.000USD/ tháng để vượt qua thói quen nghiện ngập. Sự cách ly khỏi môi trường nghiện ngập sẽ làm cho con nghiện khoanh vùng được thói quen nghiện ở một chỗ. Dần dà, những người ở Trung tâm Hứa Hẹn đều nỗ lực gieo cộng nghiệp mới, làm mới chính mình thoát khỏi cơn nghiện.
Các trung tâm ma túy mà chúng tôi có dịp chia sẻ, ở Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Phước, chỉ mới có khoảng 15 % là tình nguyện đến, khoảng 20% do cha mẹ khích lệ con em đến để tự làm mới chính mình. Có thể khi các anh em được đưa đến Trung tâm có cảm giác hận cha mẹ mình không bao bọc mình, che giấu mình và có thể có những lời lẽ rất bất kính, có hành động ngỗ nghịch vì nghĩ rằng tình thương của mình bị cắt đứt đi. Thực ra đó là một ngộ nhận. Cha mẹ, người thân thương chúng ta chừng nào thì cần phải dứt khoát đưa chúng ta đến các trung tâm để sống một đời sống mới, giúp ta trở thành người mới. Tại các Trung tâm, nếu không có nỗ lực để vượt qua ma túy thì người nghiện bị đói khát hơn. Khi quay trở về sau khi hết thời hạn, người nghiện sẽ tái nghiện nhiều hơn, nghiêm trọng hơn. Tại Trung tâm cai nghiện, nếu nghĩ đó là nơi tốt để ta tu thì đó là môi trường lý tưởng để chuyển nghiệp ma túy. Cơ hội cô lập ta khỏi không gian mà trước đây mình có được quyền tự do bay nhảy thường sẽ giúp cho ta tự chuyển hóa.
Người tu mỗi năm có 90 ngày hạn chế việc đi lại, tái nạp lại bình năng lượng tâm linh sau chín tháng phụng sự. Đó là tự biết thương mình và truyền trao những kinh nghiệm tu học cho nhau. Nếu nghĩ mình đang bị giam nhốt tại Trung tâm cai nghiện thì ta dễ bị mặc cảm. Nỗi đau mặc cảm làm mình sống gượng gạo. Khi được phân công làm việc, ta không tự nguyện, không hạnh phúc. Nếu nghĩ đây là môi trường Cực Lạc để ta làm mới thì ta sẽ cảm ơn những nơi như thế này. Khi trở về với gia đình, người thân ta sẽ không ngờ được rằng tôi có một người con rất mới, tôi có một người chồng rất dễ thương, tôi có một người vợ rất khả ái, tôi có một người anh em, chị em đáng kính. Quá khứ không là cái gì hết. Quá khứ không còn nữa, tương lai chưa đến, hiện tại là cái quan trọng nhất. Phải cố gắng tu tập để vượt qua nỗi đau. Đối diện trước cái chết, quan trọng nhất là phải làm chủ bản thân mình. Năm tháng ngày giờ còn lại cuối đời là một nỗi đau khó tả đối với người nghiện ngập.
Trong các nghề nghiệp phi đạo đức, đức Phật nghiêm cấm năm loại. Thứ nhất là trồng, sản xuất và bán ma túy là nguy hại nhất. Thứ hai là sản xuất và buôn bán vũ khí vì nó là nguyên nhân dẫn đến sự tàn phá và giết người hàng loạt. Thứ ba là buôn bán nô lệ, làm cho con người mất đi nhân phẩm cần có. Thứ tư là bán thân thể như một sự hưởng thụ, dẫn đến nỗi đau cho nhiều gia đình. Thứ năm là nghề đồ tể, giết các loài súc vật để mưu sinh. Theo đức Phật, những người sống với năm nghề nghiệp này thường bị bất hạnh. Cuối đời thường bị bệnh hành. Buôn bán ma túy và đường dây liên hệ tạo ra nhiều bất ổn xã hội, không kém gì sản xuất và buôn bán vũ khí. Nghề buôn bán vũ khí và ma túy sẽ dẫn đến tình trạng bị bệnh tâm thần, mặc dù không muốn, dù có bệnh viện hay có bác sĩ giỏi vẫn phải đối diện.
“Lời sám hối” theo Phật giáo không chỉ là lời hứa hẹn, mà là một sự quay đầu khi ta nhận thức rằng con đường quá khứ là sai và bây giờ ta có trách nhiệm tạo dựng con đường mới. Mỗi nỗ lực của ta từng thời khắc trôi qua là những điểm trên một con đường làm mới lớn. Phải mạnh dạn bước đến tương lai tươi sáng, cho đến hơi thở cuối cùng. Đừng bao giờ bỏ cuộc giữa đường. Ai làm được như thế được xem là đang sống thiền quên đi những nỗi đau, hướng đến hạnh phúc. Ai cũng có quyền được hạnh phúc. Đừng bỏ lỡ cơ hội.
***