Giảng tại chùa Phú Thọ, tỉnh Bình Định, ngày 04-07-2008
Đánh máy: Nguyễn Hoa, Diệu Tịnh Đinh Phi Khanh
6. Điều thứ sáu: Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.
Bất hiếu bao gồm có 3 phương diện:
Bất hiếu thứ nhất là không nghe theo lời khuyên chân thành, đứng đắn của mẹ cha ông bà nên trở thành kẻ hư đốn, đánh mất chính mình.
Bất hiếu thứ hai là ta thừa kế gia tài, sự nghiệp ông bà tổ tiên để lại một cách thiếu khôn ngoan, dẫn đến tình trạng “cha làm thầy con đốt sách”, đi ngược lại đạo lý nhiều đời mà gia tộc để lại, làm cho truyền thống đó bị cắt đứt và thân bằng quyến thuộc phải bị mang tiếng có những đứa con hư, không nên nết. Uy tín của gia đình đối với xã hội, vì đó mà bị giảm sút rất nhiều.
Bất hiếu thứ ba là sống trong vòng tay thương yêu của mẹ cha với những sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình mà ta không thể thành đạt để trở thành người hữu dụng trong xã hội. Ta ăn bám và ỷ lại mẹ cha, trở thành những cậu ấm cô chiêu, giống như gà công nghiệp, không làm gì được, vài ba chục tuổi đầu mà phải chìa tay xin tiền cha mẹ. Dầu có sức khỏe, trí thông minh nhưng không chịu làm, lệ thuộc mãi rồi quen, mỗi lần cần gì thì xin, mẹ cha thương quá nên chiều, tạo ra tâm lý ỷ lại và kết quả là không có cơ nghiệp gì trong xã hội.
Những người như thế, khi cha mẹ qua đời thì họ khó có thể đứng dậy tự đi lên vì năng lực tự lập không có. Họ dễ dàng rơi vào tình trạng bế tắc, trở thành người tha phương cầu thực. Đó là chưa nói đến những hành vi bất hiếu, làm cho cha mẹ buồn, mang tiếng, hổ mặt với đời, không dám ngước nhìn gia tộc, lối xóm, người thân.
Ở trại giam K.20, phần lớn phạm nhân nằm trong độ tuổi từ 14-35, cái tuổi lẽ ra có rất nhiều tiềm năng, sức khỏe để phục vụ, đóng góp thì họ lại rơi vào trong con đường tội lỗi, sai lầm. Nhiều anh chị ở đây tâm sự với chúng tôi: “Phải chi mà mấy năm trước nghe lời mẹ cha dạy thì đâu nên nông nổi này”. Khi cha mẹ cấm phạt do phát hiện con cái hư đốn, không chịu học hành, lo ăn chơi đua đòi với chúng bạn, có những dấu hiệu sa sút về đạo đức.., có nhiều đứa hư quá bỏ nhà đi luôn, sống lang thang vỉa hè, đường phố như những kẻ hành khất. Bữa thì xin được tiền, bữa thì không, đói quá thì phải ăn cắp, giựt dọc lừa đảo, móc túi, may mắn thì được vài ba trăm ngàn để sống. Vì tiền phi nghĩa nên tiêu xài rất dễ, tổn thất rất là mau. Làm được vài lần tưởng dễ ăn, nào ngờ không lọt khỏi lưới pháp luật và bị công an bắt. Từ đó, mỗi khi họ nhớ lại lời cha mẹ đã dạy khuyên thì chảy nước mắt. Trong những năm tháng quá khứ, dù cha mẹ phải chân lấm tay bùn mới nuôi nổi cả năm bảy mặt con nhưng gia đình vẫn sống một cách đàng hoàng.
Thời đại này, mấy chàng thanh niên muốn làm giàu, muốn chưng diện, muốn chứng tỏ ta đây là đại gia giàu sang nên dễ dàng lao vào con đường tội lỗi, kết quả là trở thành người con bất hiếu. Khi làm cho cha mẹ buồn, ta sẽ bị mất phước, nên ta phải sống làm sao để cha mẹ tin tưởng, khiến cho cha mẹ hãnh diện với họ hàng. Khi cha mẹ già phải chăm lo báo đáp, giúp cha mẹ hiểu được đạo lý, sống cuộc đời an vui hạnh phúc ở tuổi về già.
Có nhiều đứa con gây áp lực khi thấy cha mẹ có tiền, nói: “Bà mà không cho tôi tiền, tôi sẽ bỏ nhà ra đi” hoặc “Ông mà không cho tôi vài trăm mét vuông đất để tôi bán thì về sau này tôi sẽ không nhìn mặt ông nữa, tôi không xem ông là ba của tôi nữa”… Những đứa con bất hiếu luôn tìm cách gây áp lực vì chúng biết rằng cha mẹ không thể nào rũ bỏ đứa con của mình. Lợi dụng tình thương đó, cuối cùng chúng trở thành những đứa con làm cho cha mẹ tủi sầu, khổ đau, bịnh tật.
Nhiều cha mẹ vì giận quá, lâm vào tình trạng tai biến mạch máu não mà chết. Khi nhận ra được việc này thì đã quá muộn màng. Cho nên hiếu kính với cha mẹ trước nhất là thái độ sống có đạo đức, ăn học đến nơi đến chốn, về nhà không vui chơi với internet hay ra đầu làng ngả xóm uống rượu, chơi bời mà phải có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ.
Đừng sợ làm như thế sẽ không có thời giờ học bài. Nếu mình có lòng hiếu thảo thì phải học bài ngay tại lớp, bằng cách tập trung vào bài vở trong lúc thầy cô giảng bài. Như vậy là vừa kết thúc tiết học, ta đã hiểu và làm được bài rồi. Về nhà chỉ cần ôn và tư duy thêm thì có thể thi đỗ đạt cao. Bằng cách này, ta có thể dành thời gian một vài tiếng một ngày để phụ giúp công việc gia đình.
Phần lớn số thanh niên vào trại cai nghiện ma túy đều là đứa con hư trong những gia đình giàu có. Chúng không nghe lời cha mẹ, ăn chơi lêu lổng, cuối cùng trở thành con nghiện.
Khi nghiện ngập rồi thì ngày đêm nó hành hạ ghê gớm lắm, giằng xé thân thể rất khó chịu. Phải nỗ lực rất nhiều mới cắt được cơn ghiền trong vòng 15 ngày, sau đó phải có bản lĩnh chịu đựng thêm từ 16 đến 18 tháng, cơn nghiện mới dứt.
Có nhiều em thiếu bản lĩnh, tiếp tục nhờ người thân chu cấp bằng cách đút lót người quản trại giam nên chúng tiếp tục nghiện trong trại. Khi hết thời gian ở trại về thì cơn nghiện gia tăng gấp hai ba lần. Giống như một con hổ đói, mức độ đòi hỏi và lệ thuộc cao hơn.
Bất hiếu làm cho mình sống thiếu trách nhiệm, do vậy mà đánh mất tương lai. Những người con thảo cháu hiền thì cố gắng tạo điều kiện cho cha mẹ già có được sự bình an về đời sống nội tâm. Có như vậy, mỗi khi nhắc đến con cái, cha mẹ mới hãnh diện và tự hào về sự trưởng thành của chúng.
Muốn làm người con hiếu thảo, ta phải phấn đấu đạt được thành quả trong học tập để đóng góp cho xã hội cộng đồng từ nhiều phương diện khác nhau, qua đó làm rạng danh gia tộc. Nếu mình là người kế thừa sự nghiệp của cha mẹ thì ta làm cho truyền thống văn hóa của gia tộc ngày càng nổi tiếng hơn, nhiều người biết đến hơn, khiến cho ông bà cha mẹ hãnh diện, tự hào vì mình hơn. Nếu cha mẹ chưa biết tu hành theo Phật giáo thì nhiệm vụ làm con một mặt phải cung phụng, mặt khác ra sức hướng họ về Tam bảo.
Nhiều người thành đạt tưởng hiếu kính cha mẹ là chiều theo những nhu cầu của cha mẹ. Có nhiều ông bà cụ ghiền phim kiếm hiệp Hồng Kông, Đài Loan, đòi thì con cái đáp ứng bằng cách thuê về cả lô phim chưởng. Hết bộ này đến bộ khác, cha mẹ coi liên tục ngày 8 tiếng đến ốm o gầy mòn, bệnh tật nằm trên giường. Chỉ trong vòng hai năm là bị tiểu đường, mắt mờ, tai điếc, thần kinh suy giảm, độ minh mẫn giảm đi. Thậm chí nhiều người vì suy nhược thần kinh quá nên bị loạn tưởng, đêm nào ngủ cũng nằm mơ thấy ma...
Là người con có hiếu, ta phải biết: Ngoài cung ứng những phương tiện giải trí chân chính, chúng ta cũng phải tìm kiếm những băng giảng, phim Phật, những bài nhạc Phật giáo để cha mẹ hiểu thêm về Tam bảo mà tu cho giảm bớt nghiệp. Chiều chuộng không có nghĩa là có hiếu mà phải phụng sự sao cho cha mẹ sống hạnh phúc và bình an. Điều đó không dễ làm, nhưng nếu có lòng thì ta có thể làm được.
Có lần chúng tôi đến gia đình của một vị luật sư ở San Jose, Hoa Kỳ. Hai vợ chồng này nổi tiếng trong cộng đồng người Việt Nam tại đây. Họ thiết đãi chúng tôi một bữa cơm chay thân mật, các món ăn đều được chế biến rất ngon. Chúng tôi hỏi anh chị ăn chay trường, chay kỳ, hay là ngày hôm nay mới tổ chức ăn chay, ông nói hai vợ chồng và đứa con ăn chay trường, lý do rất đơn giản: Ngày sinh nhật 6 tuổi của con gái, người mẹ bắt con gà ra cắt cổ, nhổ lông, con gà la thất thanh, giẫy giụa. Cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ác độc quá!”. Người mẹ giật mình nói: “Hôm nay sinh nhật con, mẹ mới làm gà đãi để mừng sinh nhật, sao lại ác độc?”. Đứa bé nói: “Hằng ngày ba mẹ đi làm, con ở nhà chơi với con gà, vịt, chó. Nó là bạn của con, mẹ giết bạn của con là mẹ ác độc”. Nghe như vậy, bà giật mình về kể lại cho chồng nghe. Từ đó cả gia đình phát nguyện ăn chay trường.
Từ lúc mới sinh ra, cô bé này đã không thích ăn thịt cá, ăn vào là ói. Khi ăn chay thì bé thích và mập mạp hơn. Hạt giống lòng từ bi đã có sẵn trong tâm của em từ đời trước, nên khi sanh ra là đòi ăn chay như một thói quen, không chịu ăn mặn. Trong trường hợp này, đứa con tuy chưa làm được gì giúp cha mẹ, nhưng đã khiến cha mẹ bỏ được nghiệp sát sanh và phát nguyện ăn chay trường, đó cũng là hạnh hiếu thảo. Người mẹ có thêm một nghề mới là nấu cơm chay.
Chỉ cần biết cách, ta không cần giàu có vẫn có thể hiếu thảo với cha mẹ. Làm cho cha mẹ hồi đầu, sống tốt hơn, bình an hơn là ta đang trả hiếu. Không phải trả hiếu là cho cha mẹ một nửa đồng lương hay một phần ba tài chánh mình có được là hiếu đâu. Nếu mình không mang lại được hạnh phúc cho cha mẹ thì không phải là hiếu. Nhiều đứa con cho tiền cha mẹ còn tính từng đồng từng cắc, nói nặng nói nhẹ.
Có anh thanh niên làm giám đốc một công ty nên rất bận rộn. Người cha già của anh mất sức lao động, đi đứng rất khó khăn. Vì bận với công việc làm ăn nên anh ta rất ít khi về thăm. Thỉnh thoảng người cha gọi điện thăm thì anh giận dữ, nói rằng: “Con đang bận mà cha cứ làm phiền con hoài”. Vài ba ngày sau, nhớ con, người cha lại gọi điện, mong con mình đến thăm. Anh ta lại cằn nhằn tiếp: “Ba cứ làm phiền con hoài, để cho con làm việc. Mỗi tháng con còn trách nhiệm lo cho ba vài ba trăm ngàn để ba uống thuốc, ăn bánh, dưỡng già chứ! Ba làm phiền hoài, sao con làm việc được?” Người cha không trách móc gì, cũng không gọi điện thoại nữa, ông cảm thấy rất buồn tủi và cô đơn.
Mấy tháng sau, anh ta mới dành được thời gian đến thăm nhưng khi đến, người cha lại không thèm nói năng gì hết vì giận. Người cha để trước mặt anh một cuốn nhật ký, trong đó ghi lại bao nhiêu yêu cầu của anh: “Ba ơi dẫn con đi chợ, ba ơi dẫn con đi mua đồ chơi, ba ơi dẫn con đến trường, ba ơi dẫn con đi du lịch”… Tất cả những điều đó, ông đều ghi lại năm tháng ngày giờ ở đâu, sự việc gì… xong ông bỏ ra ngoài vườn, không thèm nói chuyện với anh. Anh ngồi lật từng trang sách mới thốt lên: “Trời ơi! Bất cứ lúc nào mình cần, dù là 12 giờ khuya, lúc đang giờ ngủ trưa, ba mình đều ngưng hết tất cả để chiều chuộng mình. Bây giờ ba nhớ mình quá, chỉ gọi một hai lần mà mình cằn nhằn, nói nặng nói nhẹ, làm cho ba buồn đau”. Đọc được những trang nhật ký như vậy anh ta mới hối hận, xin lỗi ba và kể từ đó, anh rất hiếu thảo với ba.
Thông thường, người con không nhận ra sự đau khổ của cha mẹ. Khi ở trong giai đoạn tiền lương không bao nhiêu, phải chân lấm tay bùn mới có được chén cơm manh áo cho con, nhưng vì là cha mẹ nên nào kể công. Ngược lại, con cái khi giúp đỡ cha mẹ lại thường hay kể công. Làm như thế là bất hiếu vì đã tạo cho cha mẹ mặc cảm vì sống mà phải làm phiền con cái, mặc cảm về sự cô đơn, mặc cảm về sự thiếu thốn. Tất cả những điều đó phải tránh vì bất hiếu là trọng tội. Trong kinh Vu Lan, Phật dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Tâm Địa Quán cũng nói như thế và khẳng định cha mẹ là hai vị Phật ở trong nhà.
Cha mẹ mà ta còn không lo được thì làm sao có tâm để giúp đỡ cho cộng đồng, xã hội? Ngược lại, dầu dấn thân vào xã hội, cộng đồng, ta cũng phải lo tròn chữ hiếu thì mới không vương vào những tội lỗi. Nếu ta hiếu thảo thì phước rất lớn, bằng không, sống bất hiếu thì tội lỗi rất nặng.
Ngài Mục Kiền Liên nổi tiếng là thần thông đệ nhất. Ngài đã dùng thần thông xuống địa ngục cứu mẹ vượt qua nỗi đau bị đày đọa ở ranh giới ngạ quỷ vì lòng tham lam và bỏn xẻn. Thấy mẹ bị đày đọa chốn địa ngục, ngài lấy cơm dâng mẹ, bà đói quá vội bốc ăn. Cơm vừa đưa vào miệng mẹ thì hóa thành than, ngài khóc lóc vì biết rằng tội lỗi của mẹ quá nặng.
Ngài về thưa với Phật, xin Phật chỉ bảo phương pháp nào báo hiếu và giải tội địa ngục cho mẹ. Phật dạy: “Dù ngươi có thần thông cũng không thể một mình mà cứu được mẹ. Ngươi phải nhờ thần lực của chư Tăng cầu kinh và sự tu hành thanh tịnh của chư Tăng trong ba tháng an cư kiết hạ. Nhằm ngày rằm tháng 7 là ngày tự tứ của chư Tăng sau 3 tháng chuyên tu tập, cũng là ngày chư Tăng hoan hỷ mà lập đàn cúng dường trai Tăng gồm cơm canh hoa quả, thành tâm cúng dường thì mới mong có phước báu để cầu siêu cho thân mẫu ở chốn địa ngục”.
Ngài Mục Kiền Liên đã làm đúng theo lời Phật dạy. Hôm đó, không những mẹ ngài được siêu sanh mà toàn thể tội nhân ở địa ngục cũng nương phước lực đó mà được siêu sanh về tịnh cảnh. Cũng từ đó, như thường lệ, ngày rằm tháng 7 được gọi là Ngày báo hiếu phụ mẫu thâm ân, cũng được gọi là Ngày xá tội vong nhân ở chốn địa ngục.
Là người con có hiếu như vậy mà vào cuối cuộc đời, ngài Mục Kiền Liên lại chết hết sức thảm thương. Ngài bị những kẻ ngoại đạo ganh ghét, bằm chặt thân thể ra từng mảnh vụn vì chúng biết ngài có thần thông, nếu còn thể xác có thể biến hóa trở lại.
Lần thứ nhất chúng đến giết, ngài sử dụng phép thần thông để tàng hình nên họ không phát hiện ra. Lần thứ hai cũng như thế. Trước khi những kẻ xấu trở về, họ đe dọa rằng: “Nếu ông không xuất hiện, cả ngôi chùa này sẽ trở thành bình địa, Phật tử lai vãng xung quanh chùa sẽ bị giết chết hết”. Vì có thần thông, ngài hiểu được với tâm địa ác độc, bọn chúng có thể hành động. Ngày hôm sau chúng đến lần nữa, ngài đã chấp nhận để cho chúng giết. Nhờ đó mà dân chúng ở vùng lân cận được bình yên. Ngài hy sinh bản thân xem như là trả nghiệp quá khứ.
Rất nhiều người đau xót, thương tâm trước cái chết của ngài Mục Kiền Liên. Khi hỏi đức Phật thì Ngài nói rằng: “Trong một kiếp rất xa, mấy trăm kiếp về trước. Mục Kiền Liên là một người con bất hiếu. Ông thương một cô vợ trẻ đẹp nhưng lại rất ích kỷ. Khi bất hòa giữa con dâu và cha mẹ chồng diễn ra, cô con dâu ích kỷ này đã gây áp lực buộc chồng phải chọn một trong hai: Nếu thương cô ta thì phải giã từ và giết cha mẹ ruột đi, bằng không cô ta sẽ ly dị.
Vì mê đắm người đàn bà xinh đẹp mà độc ác nên ông đã chọn con đường bất hiếu. Ông đặt cha mẹ ngồi trên chiếc xe lăn (vì cha mẹ già yếu, tàn tật, lại bị mù), đưa vào rừng sâu. Đi đến mỏm núi có vực sâu, ông đã gài những viên đá ở bánh xe trước và giã từ cha mẹ. Sau đó, chính ông dùng tay lắc chiếc xe, đánh đập vào thân thể của cha mẹ để cho chiếc xe theo phản ứng dao động qua lại mà rớt xuống vực sâu.
Trong lúc bị đánh, người cha và người mẹ đã la lên: “Con ơi! Con ơi! Cướp!…Cướp giết cha mẹ! Con đừng lại đây! Bà con ơi hãy cứu con tôi! Con hãy trốn đi bằng không con sẽ chết!”. Lúc ông vừa nghe được những lời cảm động bi ai thì cũng là lúc hai ông bà rớt xuống vực sâu, chết thành người thiên cổ. Ông trở về bị tâm thần luôn, khổ đau ngày đêm, không ngờ trước cái chết mà cha mẹ còn thương tưởng và lo lắng tới mình, trong khi đó ông giả vờ và gài bẫy để đẩy cha mẹ xuống vực sâu cho rảnh nợ.
Chỉ vì ham mê sắc đẹp mà ông trở thành kẻ bất hiếu. Ăn năn hối lỗi biết bao nhiêu mà ngài vẫn còn phải trả nghiệp rất nặng là thân thể bị bằm những mảnh vụn. Ngài là người đã tu thành chánh quả, có thần thông phép Phật nhiệm mầu mà vẫn không tránh được nghiệp quả xấu. Tội lỗi lớn nhất của kiếp người là bất hiếu, đây là một bài học chúng ta cần phải suy nghĩ.
***