Giảng tại chùa Thanh Nhàn, Hà Nội, ngày 29-06-2008
Đánh máy: Đào Bích
3. Điều thứ ba: Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.
Nó cũng là một hình thái của cái tôi. Tâm lý học Phật giáo phân tích theo ba chiều hướng so sánh: Hơn, bằng và thua để đong đo hình thù vóc dáng của cái tôi. Có những người trình độ là 5 nhưng nghĩ mình là 10, có những người ngang với người khác mà vẫn nghĩ mình là hơn người khác, tức là bằng mà so sánh hơn, thua mà so sánh hơn. Tất cả đều dẫn tới tình trạng lấy cái tôi làm hệ quy chiếu, tạo ra nhiều phiền muộn, rắc rối.
Trong ngôn ngữ giao tế, người Việt Nam thường có cách xưng hô chủ quan, luôn lấy mình làm trọng tâm. Còn người nói tiếng Anh lấy khách quan làm trọng thể. Ví dụ: Một người gõ cửa hỏi: Ba của cháu có ở nhà không? Nếu là tiếng Anh, khi ba không ở trong nhà mà ở vườn thì người con trả lời: My father is in the garden - cha tôi đang ở sân vườn. Việt Nam thì nói là: Ba tôi ở ngoài vườn. Bởi vì, người Việt lấy cái điểm mà mình đang đứng ở trong ngôi nhà làm phương vị chuẩn, cái vườn là bên ngoài căn nhà. Thực ra là cha mình đang ở trong vườn chứ sao ngoài vườn được, ngoài vườn tức là ngoài một cái khác. Nếu phân tích thì ta thấy hệ quy chiếu gắn liền với những cái tôi.
Ngôn ngữ Việt Nam có rất nhiều cảm xúc, cũng là ngôn ngữ của cái tôi. Trong ngôn ngữ của chế độ quân chủ, cái tôi bị bắt buộc phải tôn vinh những người bề trên và xem mình là kẻ hèn mọn. Cả những ông tướng giỏi, những vị quan cận thần tài ba, mỗi khi muốn trình thưa điều gì cũng phải quỳ mọp sát đất, bái lậy, vâng bẩm để vua ghé mắt đến. Họ là những người rất tài giỏi, kiến thức và khả năng của họ có thể hơn gấp trăm lần vua nhưng đều phải giả vờ như kẻ ngu dốt nếu không muốn bị buông lời sàm tấu, bị kết tội chém đầu.
Chữ tài mà không biết lấy trí tuệ để soi sáng, cứ để cái tôi phủ trùm. Nói theo truyện Kiều của Nguyễn Du: “Chữ tài đi liền với chữ tai một vần”. Nhất là với chữ tài tự đại, hậu quả và những chướng duyên sẽ đi liền theo sau, thất bại trong cuộc đời là điều hiển nhiên.
Ngôn ngữ Việt Nam rất có cảm xúc. Ví dụ: Mình tự xưng là cháu, con, em với những người mình kính trọng, quý mến; đối với kẻ thù, mình tự xưng là tao; đối với người dưng là tôi v.v…
Hoa văn, Anh văn lại không như thế. Tiếng Anh có ngôi thứ nhất là I, ngôi thứ hai là You; tiếng Hán có ngôi thứ nhất là Ngã, ngôi thứ hai là Nị; tùy theo ngữ cảnh, mối quan hệ mà ta hiểu cách xưng hô. Tiếng Việt rắc rối và nhiều cảm xúc nên cái tôi dễ xuất hiện theo. Phật tử đến chùa, gặp quý thầy, khi muốn xin cái gì đó liền thưa: Bạch thầy cho con xin ăn mày công đức. Phật tử lúc đó tự biến mình thành kẻ ăn xin, không nên hành xử như vậy. Đó là mình tự ti mặc cảm, cho rằng mình nhỏ bé. Ta vốn bị ảnh hưởng nền văn hóa thưa, bẩm, trình, điều đó làm cho người được tiếp nhận dễ tự hào, tự đại, tự cao, tự đắc.
Học thuyết của đạo Phật dạy vô ngã, làm cho người ta trở nên khiêm tốn, dễ gần gũi. Người tự cao tự đại lúc nào nói cũng kể công, giúp đỡ người khác được một chút là đi đâu cũng kể, ta nghe là sợ luôn, không dám nhờ nữa. Đó là hình thức tự đại về thành quả. Người lớn tuổi ngồi lại với nhau tâm sự thường kể chuyện đời xưa: “Hồi xưa tao vác được ba bao gạo, mỗi bao 50 kg, đâu phải như bọn mày ngày nay ăn ươn ở dở mà làm chẳng ra gì. Nam nhi gì đâu như công tử bột, yếu hèn quá”. Hoặc: “Tao ngày xưa công dung ngôn hạnh đầy đủ, ai như bọn mày tối ngày lo xí xọn, chưng diện, không biết làm gì khác. Về làm dâu nhà này, bát chén không biết dọn rửa, nhà cửa không biết lau quét, đợi làm sẵn cho ăn, gì đâu mà tệ hại quá”. Có những cái cũng có thật, có những cái cũng hơi cường điệu. Thật ra, trong cuộc đời các cụ làm có một lần mà nói như thể sống mấy chục năm làm như thế. Vác một lần ba bao gạo cụp xương luôn, đi vật lý trị liệu, trị mấy năm trời mới hết. Muốn người khác bắt chước theo cho người ta chết sớm hay sao!
Tự đại là tâm lý cường điệu, giá trị thực, đóng góp thực, năng lực thực của mình nhỏ lắm. Mình bơm phồng lên, cho giãn nở ra, tạo ra một ảo giác về tính giá trị. Công nghệ quảng cáo thường đánh vào thói quen tự đại, tự hào, cho rằng tiền nào của đó của khách hàng. Các công ty dựa vào việc khai thác tâm lý trên để làm giàu.
Cũng là một sản phẩm hoa hồng, nhưng nếu gắn vào một grand name tức là thương hiệu, giá cả của nó sẽ tăng lên gấp 10 lần. Cũng một cái áo, quần được may ở Việt Nam bán ra nước ngoài, được một công ty gắn cái mạc thương hiệu, giá thành lập tức tăng gấp trăm lần. Người ta có quan niệm tiền nào của đó, phải xài hàng hiệu để chứng tỏ rằng mình là người nhà giàu, biết thưởng thức. Công nghệ thời trang cũng đánh vào tâm lý đó.
Công nghệ quảng cáo tạo ra giá trị ảo cho các sản phẩm. Khách hàng bị nhồi sọ bởi các phương tiện truyền thông như truyền thanh, truyền hình, báo chí. Những phương tiện này sử dụng các kỹ xảo làm cho người ta phải mê mẩn, đồng ý chi khoản tiền gấp nhiều lần so với giá trị thực của sản phẩm. Đó cũng là một cách thỏa mãn tâm lý tự đại.
Khách sạn ở Việt Nam hiện nay tối đa là 5 sao, người ta đang xây dựng khách sạn 6 sao, ở nước ngoài có khách sạn 7 sao. Một đêm lưu trú trị giá khoảng 10 ngàn đôla cho đến 50 ngàn đôla. Cái vòi rôminê được làm bằng vàng thật khiến cho du khách mê mẩn bởi được thưởng thức cảm giác sang trọng quý phái tựa như vua chúa. Điều đó càng đánh vào sự tự đại, tự hào của con người để khai thác và làm giàu trên tâm lý người tiêu dùng.
Ai sống với tâm lý tự đại thì phải tổn thất nhiều thứ cho những dịch vụ không đáng. Nó tạo ra khoảng cách rất lớn giữa mọi người. Nhân gian thường nói câu kính nhi viễn chi. Nói kính chứ thật ra không kính mà sợ quá nên phải kính để khỏi bị vướng lụy. Viễn chi là xa người đó không dám lại gần, vì lại gần không tốt, những người tự đại thường phải chịu như vậy.
Ai được tâng bốc nhiều, khen ngợi nhiều thì năng lực tự đại càng lớn nhanh. Muốn hại, làm sụp đổ một người nào hãy khen khống, khen rỗng để họ hãnh diện tự hào thì sẽ sớm chuốc lấy thất bại. Do đó, nếu sống với tâm lý tự đại, ta trở thành kẻ thất bại và là nạn nhân của nhận thức cường điệu hóa sai lầm về bản chất thật của mình.
***