TÓM TẮT
Sau Đồng khởi (1960), chính quyền Diệm ngày càng suy yếu trước phong trào cách mạng nổ ra khắp nơi ở miền Nam Việt Nam. Các tầng lớp nhân dân từ đô thị đến các vùng quê đã vùng lên đấu tranh chống lại sự đàn áp của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, trong đó nổi bật nhất là phong trào đấu tranh của Phật giáo. Chính chính sách bất bình đẳng về tôn giáo, đàn áp Phật giáo đã dẫn đến sự bùng nổ phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963, qua đó thúc đẩy phong trào đấu tranh chung của quần chúng nhân dân trên toàn miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm phát triển. Sự đàn áp Phật giáo năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm đã khiến cho dư luận thế giới lên tiếng và người Mỹ đã nhận thấy “sự thiếu năng lực và bất trị” của Ngô Đình Diệm, nên đã quyết định “thay ngựa giữa dòng” nhằm cứu vãn chế độ thực dân mới bằng cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm ngày ngày 1/11/1963. Bài viết trên cơ sở trình bày những diễn biến cùng những tác động bên trong và bên ngoài của phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 nhằm chứng minh phong trào chính là đợt sóng cuối cùng nhấn chìm chế độ độc tài Ngô Đình Diệm (1/11/1963).
1. Sau khi lên cầm quyền năm 1954, Ngô Đình Diệm đã thực hiện nhiều chính sách bạo ngược, phi lý nhằm diệt Cộng, tố Cộng, gây nên nhiều cuộc thảm sát trên toàn miền Nam, khiến lòng dân oán thán khắp nơi. Bên cạnh đó, chính quyền Ngô Đình Diệm còn tiến hành đàn áp mạnh mẽ các phe phái chính trị đối lập. Đầu năm 1959, Diệm hợp thức hóa sự tàn bạo của mình bằng việc thiết lập các tòa án quân sự để xử những tội những kẻ đối lập về chính trị và xử tử hình trong vòng ba ngày. Ngoài ra, Diệm còn hăng say đóng cửa các cơ quan báo giới không ủng hộ mình. Tệ hơn cả, Diệm thay thế các tướng lĩnh bằng những người của Diệm và hoạt động theo cơ chế “gia đình trị”. Diệm và gia đình đã đàn áp mọi cuộc đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực. Một tài liệu của CIA (công bố trong tháng 2/1957) đã mô tả chế độ Diệm: Không có một tổ chức đối lập nào, dù trung thành hay không trung thành, được phép thành lập, và mọi chỉ trích chính quyền đều bị đàn áp. Quyền lực và trách nhiệm tập trung nơi ông Diệm và một nhóm nhỏ gồm có những thân nhân của ông Diệm, những người quan trọng nhất là ông Nhu và ông Cẩn. Chế độ độc tài của ông Diệm, dựa trên một mạng lưới mật vụ, tòa án quân sự, và công chức tham nhũng…(1) Từ đây đường lối chủ đạo mà Diệm dùng để kiểm soát đất nước chính là “đàn áp và củng cố quyền lực trong tay những anh em và thuộc hạ của Diệm”. Một nhân vật ủng hộ Mỹ lúc đầu đã kết luận: lạm dụng quyền lực, độc tài, tham nhũng, coi thường cấp dưới, và không đếm xỉa gì đến nhu cầu của dân chúng một cách ác độc, đó là tấm gương mà gia đình họ Ngô để lại cho những bộ trưởng, nhà lập pháp, tướng lãnh,… mà họ Ngô dùng như những quân cờ noi theo.(2) Mặc dù sự thù ghét Diệm và gia đình hắn gia tăng đến độ người ta có thể cảm thấy đầy trong bầu không khí ở Sài Gòn và tin đồn đảo chánh loan truyền trong thành phố hầu như hàng ngày nhưng Diệm vẫn khư khư bám chặt vào quyền lực. Lúc này, cuộc chiến chống Cộng sản mặc nhiên trở thành thứ yếu.
Những mâu thuẫn nội bộ của chính quyền Diệm cùng cách cai trị độc tài thậm chí đã làm cho những tướng lĩnh có tư tưởng chống Cộng mạnh mẽ nhất cũng bắt đầu xa lìa Diệm và không còn giữ được ý chí chống Cộng quyết liệt như trước đây nữa.(3) Chính những điều này đã khiến Diệm sa lầy và không tập trung vào công cuộc chống Cộng như người Mỹ mong muốn. Có thể nói, Diệm đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Bernard B. Fall, sử gia và chuyên gia Chính trị học tại Đại học Howard cho rằng chế độ Diệm sai lầm ở hai phương diện: (i) một là, lực lượng quân đội không bao giờ thực sự hữu hiệu, (ii) hai là, các sĩ quan quân đoàn không trung thành với lãnh đạo và nhắm mắt làm ngơ trước sự thất bại của chế độ.(4) Đường lối cai trị của Diệm đối với các tướng lãnh đã vấp phải sự khó chịu và chỉ trích từ phía Mỹ, đặc biệt từ sau phong trào Đồng khởi năm 1960, khi tình hình nội bộ của chính quyền Sài Gòn mâu thuẫn nghiệm trọng, càng ngày càng không thể giải quyết. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi sự bạo hành kỳ thị đối với người phi Công giáo, đặc biệt là các Phật tử, đã gây nên sự rối loạn nghiêm trọng ở miền Nam. Chính điều này đã khiến người Mỹ vô cùng lo ngại cho sự tồn vong của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Thực tế, chính việc thiên vị của Diệm đối với Công giáo đã gây ra sự bất mãn của đại đa số quần chúng nhân dân còn lại ở miền Nam Việt Nam. Dưới sự nắm quyền của mình, Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách phân biệt tôn giáo, dành nhiều sự ưu ái, đặc quyền, đặc lợi đối với Công giáo, và tiến hành chiến lược Công giáo hóa miền Nam (mà trước hết là Công giáo hóa bộ máy công quyền, sau là toàn dân). Nhằm thực hiện chính sách này, Ngô Đình Diệm đã sử dụng nhiều thủ đoạn kỳ thị và tiêu diệt các giáo phái khác, đặc biệt là Phật giáo (tôn giáo có số lượng tín đồ và ảnh hưởng lớn ở Việt Nam lúc bấy giờ). Diệm đã lệnh cho lính ra tay phá chùa, bắt bớ, tàn sát tăng ni Phật tử, vu cáo cho Phật giáo “tiếp tay cho cộng sản”, bắt buộc các tín đồ Phật giáo phải cải sang đạo sang Thiên Chúa giáo, nhằm thực hiện mưu đồ triệt tiêu Phật giáo, tất cả những hành động đàn áp, khủng bố, vô lý này đã thúc đẩy sự đấu tranh của tín đồ Phật giáo, dù nó đã diễn ra âm thầm từ khi Diệm bắt đầu cầm quyền và bùng nổ là năm 1963, là giọt nước làm tràn ly. “Công giáo Việt Nam phát triển do chính sách kỳ thị Phật giáo một cách có hệ thống của ông Ngô Đình Diệm. Người Công giáo được dùng trong các dịch vụ dân sự, trong khi những người Công giáo sống trong những làng mạc thường không bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc làm đường xá và những việc công cộng. Không giống như những chùa Phật giáo, nhà thờ Công giáo được đặc quyền sở hữu tài sản đất đai, cũng như trong thời Pháp thuộc. Với thời gian, sự kỳ thị đối với tuyệt đại đa số dân chúng này đưa đến những phản đối chính trị chống ông Diệm của những nhà sư Phật giáo”(5).
Thực tế này đã dẫn đến sự bất mãn, phẫn nộ và làm gia tăng mâu thuẫn giữa Diệm với các tầng lớp nhân dân, và với các giáo phái trong đó đặc biệt là Phật giáo ngày càng lớn. Mâu thuẫn này không chỉ bắt nguồn từ yếu tố tôn giáo mà nó còn bắt nguồn từ yếu tố dân tộc vì kể từ khi vào nước ta cho đến ngày nay, thì “lịch sử đạo Phật cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam có những bước thăng trầm, thịnh suy, nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào đạo Phật cũng hòa nhập với đời sống dân tộc, cùng chung vận mệnh với dân tộc và có nhiều cống hiến đối với dân tộc”(6). Lịch sử đã chứng minh trong suốt chiều dài hai ngàn năm, giới Phật tử và nhiều vị cao tăng đức độ của đạo tràng đã nhập thế tham gia vào những phong trào yêu nước, kháng chiến chống giặc, và xây dựng đất nước. Từ cuối năm 1961, đầu năm 1962, nhiều đơn khiếu nạn của tín đồ Phật giáo khắp từ miền Trung đến miền Nam gửi các cấp của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm nêu rõ nỗi thống khổ của tín đồ Phật giáo trước hoạt động khủng bố, đàn áp của chính quyền Diệm ở các địa phương, yêu cầu Ngô Đình Diệm thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo, tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi.(7)
2. Trên cơ sở các chính sách kỳ thị Phật giáo, ngày 6/5/1963, trước lễ Phật Đản 2 ngày, Ngô Đình Diệm đã chỉ thị ra Huế bắt hạ cờ Phật giáo và cấm treo cờ trên toàn miền Nam Việt Nam với lý do là “Quá sát ngày kỉ niệm chiến thắng Điện Biên phủ của cộng sản!”. Tại Huế, lực lượng cảnh sát đã đi khắp các chùa, nhà Phật tử xem có nơi nào treo cờ Phật giáo bắt hạ xuống ngay. Rõ ràng, lệnh cấm treo cờ của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo và với đại đa số người Việt Nam có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo từ nhiều đời nay, là một hành động miệt thị, xúc phạm trắng trợn đối với một tôn giáo lớn của một dân tộc. Nhận thấy lý do quá vô lý, Giáo hội Phật giáo, đông đảo Phật tử đã lên tiếng phản đối.
Chiều ngày 7/5/1963, để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật đản, quần chúng nhân dân, Phật tử Huế đã tụ họp bao vây Tỉnh tòa Thừa Thiên. Tiếp đó, đến ngày Phật đản (8/5/1963) ngày rằm tháng tư, khoảng 6 giờ 30 sáng, Phật tử đã tổ chức một cuộc rước Phật với hàng trăm ngàn người tham gia. Bắt đầu từ chùa Diệu Đế tỏa đi các ngã đường rồi kéo về chùa Từ Đàm, với các biểu ngữ mang những dòng chữ: Kính mừng Phật đản, cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ, Phản đối chính sách bất công gian ác, yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng, Phật Giáo đồ nhất trí bảo vệ Chánh Pháp dù phải hy sinh… Đến tối, quần chúng thanh niên, sinh viên, Phật tử bao vây Đài phát thanh Huế đòi chính quyền Ngô Đình Diệm giải quyết những yêu sách của mình. Chính quyền ngụy ở Huế do Ngô Đình Cẩn chỉ huy đã cho lính kéo xe tăng đến đàn áp và bắn vào các tín đồ Phật giáo làm 8 Phật tử chết và nhiều người khác bị thương. Cuộc đàn áp đẫm máu này không làm dập tắt mà nó còn thổi thêm một luồng gió mới khiến cho phong trào đấu tranh của Phật giáo vốn âm ĩ, ngấm ngầm bùng cháy mạnh mẽ hơn, bắt đầu từ Huế, nhanh chóng lan rộng vào Sài Gòn nhiều nơi khác trên khắp miền Nam Việt Nam, thành một phong trào rộng lớn, được dư luận trong và ngoài nước đồng tình ủng hộ.
Ở Sài Gòn, nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào Phật giáo đã diễn ra liên tiếp, với nhiều sự tham gia của tăng ni, Phật tử, sinh viên và các tầng lớp nhân dân ủng hộ tham gia các cuộc biểu tình. Ngày 13/5/1963, một phái đoàn Phật giáo gồm tăng ni, tu sĩ cấp bậc cao đến Dinh Gia Long, đưa ra yêu cầu chính quyền Diệm bãi bỏ lệnh cấm treo cờ Phật. Ngày 21/5/1963, tại chùa Ấn Quang, các vị thượng tọa tổ chức lễ cầu siêu cho những Phật tử đã thiệt mạng tại Huế trong ngày Phật đản. Tiếp đó, gần 1.000 tăng ni rước bài vị từ chùa Ấn Quang đến đến chùa Xá Lợi và lần lượt diễu hành tới các chùa khác trong thành phố. Ngày 26-5-1963, Tổng hội Phật giáo với thái độ cương quyết mạnh mẽ yêu cầu Diệm thực thi 5 yêu cầu trong tuyên ngôn ngày 10-5-1963, nếu như không được Diệm chấp nhận, toàn bộ Giáo hội và các tăng ni sẽ tuyệt thực trong vòng 48 giờ bắt đầu từ ngày 30/5/1963. Năm yêu cầu đó là: Bãi bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo; Phật giáo và các tín đồ Phật giáo có cùng địa vị như Thiên chúa giáo; Cho phép các tín đồ Phật giáo được tự do truyền giáo; Phải bồi thường cho các nạn nhân và các gia đình của họ trong cuộc khủng bố ở Huế ngày 8-5; Trừng trị các quan chức chịu trách nhiệm sự việc xảy ra ngày 8-5-1963.
Thay vì xuống nước và chấp thuận những yêu cầu chính đáng này, thì anh em Diệm Nhu lại khước từ, vẫn ngoan cố không có sự nhân nhượng nào đối với Phật giáo.(8) Hành động này đã thôi thúc thêm sự phản đối từ các tầng lớp nhân dân đối với chính quyền họ Ngô. Ngày 30-5-1963, bốn trăm nhà sư tập trung ngồi biểu tình trước trụ sở Quốc hội chính quyền Sài Gòn. Trên khắp miền Nam, từ đô thành cho tới miền quê, các tầng lớp nhân dân đặc biệt là lực lượng học sinh, sinh viên đã hưởng ứng tham gia tích cực cùng với các tăng ni, Phật tử biểu tình, tuyệt thực lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo. Tại Huế, ngày 3-6-1963, năm trăm sinh viên Huế đã tập hợp trước trụ sở “Đại biểu Chính phủ” miền Bắc Trung nguyên Trung phần, nhằm biểu tình phản đối chính quyền Diệm đàn áp tôn giáo, việc sinh viên tham gia biểu tình đã làm chính quyền Ngô Đình Diệm bất ngờ.(9) Tuy các cuộc biểu tình đã bị lực lượng cảnh sát Diệm đàn áp, bắt bớ, đánh đập và giải tán bằng hơi cay, nhưng phong trào không vì thế bị dập tắt nó đã để lại tiếng vang, và làm cho chính quyền Diệm lo lắng.
Trong lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang phải đau đầu tìm cách đối phó với các cuộc biểu tình phản đối chính sách đàn áp tôn giáo nổ ra rầm rộ khắp nơi, thì ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn, một sự kiện mang tính lịch sử đã xảy ra. Đó chính là vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngay ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là Cách mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức có sự chuẩn bị và đã được báo trước cho Diệm về sự “sụp đổ” của chế độ nhưng ông ta vẫn không tin đó là sự thực vì thế vẫn ngoan cố mạnh tay đàn áp phong trào đấu tranh của Phật giáo. Hành động tự thiêu của phong trào Phật giáo đã gây chấn động toàn thế giới. Ngay sáng hôm sau, bức ảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã được đăng trên trang nhất những tờ báo lớn ở Sài Gòn và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt tấm ảnh do nhà báo Brown chụp, được đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ Kennedy, điều này đã chứng minh sự bất lực của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với miền Nam Việt Nam kể từ sau phong trào Đồng khởi năm 1960. Mấy tháng tiếp sau đó, những tư liệu này là tác nhân chính dẫn đến việc Chính phủ Mỹ đưa ra quyết định quan trọng: phế bỏ Ngô Đình Diệm thay một chính quyền mới.(10)
Có thể nói, vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức không chỉ tạo nên chấn động mạnh ở trong nước mà nó còn có sức lay động thế giới. Chính “cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục”(11). Đặc biệt, cuộc tự thiêu đã làm cho dư luận thế giới và dư luận Mỹ quay sang chống đối gia đình Ngô Đình Diệm. Từ lâu, các tầng lớp nhân dân trong nước đã căm phẫn sự cai trị độc tài, gia đình trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, nay sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã gây xúc động và càng khắc sâu sự căm phẫn trong tâm trí quần chúng nhân dân. Đó chính là biểu tượng cao nhất về sự phẫn uất của đồng bào Phật giáo đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, và hình ảnh tự thiêu có tác động lớn lao đến tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn và cả miền Nam lúc bấy giờ.
Ngày 16-6-1963, bất chấp chính quyền Ngô Đình Diệm ngăn cấm, các tầng lớp nhân dân trí thức, công chức, sinh viên, học sinh Sài Gòn xuống đường biểu tình đòi quyền bình đẳng tôn giáo, công bằng xã hội, họ kéo đến chùa Xá Lợi, nơi đặt thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Nhận tin cấp báo, Ngô Đình Diệm vội vã điều ngay năm trăm hiến binh, cảnh sát đến đàn áp. Quần chúng biểu tình rất đông đảo, nhất là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia đấu tranh rất hăng hái. “Quần chúng hòa vào nhau như những giọt nước trong đại dương và trong tình yêu người ta tự thấy mình lớn lên và không còn sợ hãi nữa”(12). “Đây là cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt nhất ở Sài Gòn trong mấy năm nay. Nó đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm, đẩy chúng vào tình thế bị cô lập hơn bao giờ hết”(13). Chính quyền Diệm càng mạnh tay thì lực lượng quần chúng nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên càng tham gia đông đảo. Tầng lớp này lại kéo theo sự ủng hộ của các giới tiểu thương, quân nhân, công chức, giáo chức,... tạo thành một lực lượng đông đảo, như một làn sóng mạnh mẽ, không gì ngăn trở nổi.
Nhằm thực hiện âm mưu đè bẹp ý chí phong trào Phật giáo, Diệm giả vờ nhân nhượng thông qua bản yêu sách 5 điểm của Giáo hội Phật giáo nhưng thực tế lại chuẩn bị kế hoạch đàn áp mạnh mẽ phong trào. Ngày 20/8/1963, Ngô Đình Diệm ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn miền Nam, quân đội được lệnh “cấm trại”. Đúng 1 giờ sáng ngày 21/8/1963, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ngô Đình Nhu, từng đoàn xe quân sự chở đầy cảnh sát, mật vụ, binh lính thi hành chiến dịch “Nước lũ”, tấn công tất cả các ngôi chùa trên toàn miền Nam Việt Nam. Ở Sài Gòn, các chùa Ấn Quang, Viện Hóa Đạo, Xá Lợi,... là trọng điểm đánh phá của quân đội và cảnh sát Sài Gòn. Giới tăng ni, Phật tử đã kiên cường tay không chống cự quyết liệt với quân đội Diệm. Mặc dù cuộc đàn áp diễn ra trong đêm, phía Diệm phải mất 8 tiếng mới hoàn thành được chiến dịch, bắt đi 1.400 vị tăng ni trong đêm. Sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục cho quân đánh phá các ngôi chùa trên khắp miền Nam và đặc biệt là tấn công vào các cứ điểm quan trọng của Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng và nhiều nơi khác. Phật giáo gọi đây là ngày “Pháp nạn” (21-8-1963). Mặc dù phong trào Phật giáo bị đàn áp, nhưng phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên và các tầng lớp nhân dân Sài Gòn vẫn tiếp tục diễn ra như những đợt sóng thần dội thẳng vào chế độ Ngô Đình Diệm đang trên đà sụp đổ.
3. Tính từ lúc lên cầm quyền năm 1954 với chức danh Thủ tướng của Quốc gia Việt Nam cho đến năm 1963 là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trải qua 9 năm, Ngô Đình Diệm đang đứng trước nhiều sự khó khăn mà không thể nào giải quyết nổi. Mặc dù bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt nhưng phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên từ nông thôn đến đô thị càng ngày càng sôi sục mạnh mẽ. Đánh giá về chế độ Ngô Đình Diệm, tác giả Dennis Bloodworth đã viết: “Cho tới năm 1963 mật vụ của ông Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những kẻ thù hầu như mọi người quốc gia có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước. Ông ta và gia đình đã đàn áp mọi đối lập, chất đầy nhà tù, bịt miệng báo chí, gian lận bầu cử, và bám vào quyền lực”(15). Nói đến nguyên nhân sụ đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, Bộ trưởng Mỹ McNamara đã nhận định rằng: “Diệm đã mất đi lòng tin và sự trung thành của dân chúng”(16). Thực sự, đối với đại đa số nhân dân miền Nam lúc bấy giờ, chính quyền của Ngô Đình Diệm đã không còn nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân bởi chính sách cai trị độc tài, gia đình trị. Thay vì ủng hộ Diệm như trước đây, người dân cảnh giác và co rúm người lại khi ông Diệm tàn nhẫn dẹp tất cả mọi lực lượng đối lập, không chỉ Cộng sản... bằng những cuộc thanh trừng nội, thảm sát man rợ khắp miền Nam Việt Nam. Mục sư Martin Luther King trong bài phát biểu của mình tại New York vào tháng 4/1967 đã cho rằng Diệm là “một trong những tên độc tài đồi bại nhất của thời hiện đại”(17). Trong lúc đó, nội bộ chính quyền càng ngày càng bị phân hóa, tranh giành quyền lực, và đang việc bất mãn với Ngô Đình Diệm ngày càng tăng. Như vậy, nguy cơ sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng rõ ràng.
Trong bối cảnh đó, phong trào đấu tranh của Phật giáo nổ ra ở miền Nam Việt Nam nhằm phản đối chính sách không bình đẳng tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thay vì có sự xem xét, thay đổi chính sách, Ngô Đình Diệm lại chủ trương đàn áp mạnh phong trào đấu tranh của Phật giáo cùng với các phong trào đấu tranh khác của quần chúng nhân dân. Với việc tiến hành tấn công chùa, đánh đập, bắt tăng ni, đàn áp tự do tín ngưỡng, chế độ Ngô Đình Diệm đã tự ký vào bản án tử hình cho chính chế độ độc tài gia đình trị của mình. Bởi chính sự kiện này đã chính thức đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngay sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là dư luận quốc tế đã phản ứng dữ dội chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngay thân phụ của bà Trần Lệ Xuân, ông Trần Văn Chương, lúc này đang làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ xin từ chức và tuyên bố là dưới Chính phủ do Diệm - Nhu lãnh đạo, Việt Nam Cộng hòa không có một hy vọng nào chiến thắng Cộng sản. Bà Chương và hầu hết các nhân viên ngoại giao khác của sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ đồng loạt từ chức. Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức, cạo đầu và xin đi hành hương Ấn Độ.(18) Có thể nói, sự kiện đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam chính là đợt sóng cuối cùng nhấn chìm chế độ độc tài Ngô Đình đang trên đà sụp đổ.
Về phía Mỹ, trước những thất bại ngày càng gia tăng của chế độ Diệm ở Việt Nam, nhất là từ sau thất bại ở trận Ấp Bắc (3/1/1963), thêm vào đó phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị miền Nam ngày càng lên cao, đặc biệt là phong trào Phật giáo, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Trước tình hình đó, người Mỹ nhận thấy Diệm và anh em Diệm không còn là công cụ đáp ứng cho việc duy trì chủ nghĩa thực dân mới của chúng ở miền Nam. Mâu thuẫn Mỹ - Diệm càng trở nên căng thẳng và Mỹ đã bí mật lựa chọn phương án “thay ngựa giữa dòng”(19). Ngày 22-8-1963, Mỹ đưa ra thông báo không tán thành chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thông báo đặc biệt nhận xét: “Rõ ràng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp khắt khe đối với các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam (Sài Gòn) vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động đàn áp nêu trên”(20). Trước chính sách bắt bớ, đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh Phật tử của Diệm đã lên quá mức, Tổng thống John Kennedy đã thôi không ủng hộ ông Diệm nữa.(21)
Được Nhà Trắng bật đèn xanh, CIA vốn đã quá chán trước sự bất lực của anh em Diệm - Nhu nên đã lên kế hoạch đảo chính. Ngày 1-11-1963, dưới sự hậu thuẫn của CIA, một nhóm tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã làm một cuộc đảo chính lật đổ Diệm - Nhu. Cuối cùng, sau 9 năm tồn tại, chế độ độc tài gia đình trị và nền “Đệ nhất cộng hòa” với thuyết “Cần lao nhân vị” do Mỹ đẻ ra đã sụp đổ. Có thể thấy, sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm không nằm ngoài suy đoán, bởi lẽ với việc thực thi chính sách độc tài, khủng bố, kỳ thị, đàn áp tự do tín ngưỡng tôn giáo của Ngô Đình Diệm đã tự đánh đổ ông ta. Nước cờ của Diệm rơi vào thế bí, đã có lúc Diệm muốn nối quan hệ với phía lực lượng cách mạng, nhưng ông ta đã lầm, vì chí hướng và lý tưởng của ông ta không giống họ. Đàn áp, khủng bố, bắt, giết những người vô tội đã không giúp cho chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm bền vững mà nó chỉ càng làm cho sự bất mãn của quần chúng nhân dân đối với Diệm và gia đình ông ta ngày càng lớn hơn. Và hậu quả xảy ra là Diệm đã làm cho quần chúng nhân dân càng gần nhau hơn, khi họ có cùng chung lý tưởng và mục đích.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, từ những cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 cho đến phong trào học sinh, sinh viên ở đô thành, các cuộc đấu tranh chính trị, biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu... liên tục diễn ra đã góp phần làm suy yếu chính quyền Ngô Đình Diệm. Trên mặt trận quân sự, quân đội Diệm Nhu liên tục bị đánh bại điển hình là trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963, càng làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm suy yếu nghiêm trọng về chính trị, quân sự, bị dư luận trong nước và thế giới lên án. Trong lúc đó, thì mâu thuẫn giữa Diệm và Mỹ càng trở nên gay gắt trước làn sóng đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, chính phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963 là chất xúc tác quan trọng nhất đẩy Mỹ ra tay đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm nhằm bảo toàn “chế độ thực dân kiểu mới” của chúng ở miền Nam Việt Nam.
Trong Báo cáo về tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận lần thứ hai (1964) viết: “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”(22). Bàn về ý nghĩa của phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại. Song Mỹ đã phạm phải sai lầm. Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên môt bước mới”(23). Như vậy, cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 không chỉ là cuộc đấu tranh mang ý nghĩa tôn giáo, mà nó còn là một cuộc đấu tranh chính nghĩa được nhân dân cả nước ủng hộ. Thật vậy, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963 có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Phong trào Phật giáo đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh cách mạng ở đô thị ngày càng dữ dội và quyết liệt hơn. Cùng với các phong trào đấu tranh khác, phong trào Phật giáo năm 1963 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau đó đã góp phần không nhỏ cùng nhân dân cả nước đánh cho “Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, qua đó làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lê Thị Dung
Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM
***
Tài liệu tham khảo
1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, Tập III, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985.
2. Bernard B. Fall, The Two Vietnams: A Political And Military Analysis, Frederik A. Praeger Publisher, New York, 1967.
3. Christopher S. Queen - Sallie B. King, Engaged Buddhism: Buddhist Liberation Movements in Asia, New York: State University of New York, 1996.
4. John Guilmartin, America in Vietnam, New York: Military Press, 1991.
5. Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
6. Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.
7. Nguyễn Phúc Luân (chủ biên), Ngoại giao Việt Nam vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
8. Robert J. Topmiller, The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966, University Press of Kentucky, 2006.
9. Trần Trọng Tân (chủ biên), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2 (1954-1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.
10. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập III: Đánh thắng chiến tranh đặc biệt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
Địa chỉ liên lạc:
Lê Thị Dung
Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh
28 Lê Quý Đôn, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 0916066629; Email: le_thi_dung2003@yahoo.co.uk
1. Richard J. Barnet, Intervention and Revolution, A Meridian Book, New York, 1972, pp. 233-235.
2. Committee of Concerned Asian Scholars, The Indochina story: A fully documented account, A Bantam Book, New York, 1970, pp. 32, 34.
3. Ralph K. White, Nobody Wanted War: Misperception in Vietnam and Other Wars, A Doubleday Anchor Book, New York, 1970, p. 91.
4. Bernard B. Fall, The Two Vietnams: A Political And Military Analysis, Frederik A. Praeger Publisher, New York, 1967, p. 250.
5. John Guilmartin, America in Vietnam, New York: Military Press, 1991, p. 69.
6. Phan Huy Lê, “Hồ Chủ tịch với dòng văn hóa Phật giáo Việt Nam”, Nội san nghiên cứu Phật học, số đặc biệt kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 1/1991, tr. 9.
7. Lê Cung – Phan Văn Hoàng, “Phong trào Phật giáo miền Nam đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm trước năm 1963”. Trong Lê Mạnh Thát (Chủ biên), Bồ Tát Quảng Đức – Ngọn lửa và trái tim, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.
8. Trần Trọng Tân (chủ biên), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2 (1954-1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 133.
9. Lê Cung, “Phong trào Phật giáo miền Nam với cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 167, 11-2005.
10. Bùi Cường, “Sự thật về đảo chính năm 1963”, Nguyệt san Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. http://phapluattp.vn/20091214094152329p0c1112/su-that-ve-dao-chinh-nam-1... (truy cập ngày 22/4/2013).
11. Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1966, tr. 342.
12. Tâm Phong, “Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo”, Tuần báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24/8/1964, tr. 10.
13. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, Tập III, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 268.
14. Christopher S. Queen - Sallie B. King, Engaged Buddhism: Buddhist Liberation Movements in Asia, New York: State University of New York, 1996.
15. Dennis Bloodworth, An Eye For The Dragon: South East Asia Observed, 1954 1970, Farrar Publisher, Straus & Giroux, New York, 1970, p. 209.
16. Robert McAfee Brown, Abraham Joshua Heschel and Michael Novak, Vietnam: Crisis of Conscience, Association Press, New York, 1967, p. 30.
17. Nguyên văn tiếng Anh: “… the peasants watched again as we supported one of the most vicious modern dictators (…) The peasants watched and cringed as Diem ruthlessly routed out all opposition, supported their extortionist lanlords”. Speech delivered by Dr. Martin Luther King, Jr., on April 4, 1967, at a meeting of Clergy and Laity Concerned at Riverside Church in New York City, with the title: “Beyond Vietnam: A Time to Break Silence”. Reese Williams, Unwinding the Vietnam War: From War into Peace, The Real Comet Press, Seattle, 1987, p. 431.
18. Quán Như Phạm Văn Minh, Vietnamese Engaged Buddhism: The Struggle Movement of 1964 and 1966, tr. 203-205. Bản dịch của Thư viện Hoa Sen. http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-135_4-7199_5-50_6-1_17-24_14-1_15-1/ (truy cập ngày 25/4/2013)
19. Lê Cung, “Phong trào Phật giáo miền Nam với cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 167, 11-2005.
20. Giao Hưởng, “Những bóng hồng của dinh Độc Lập - “Trái đắng” của hai dòng họ”, Thanh niên, ngày 22/4/2010. http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/20100422/nhung-bong-hong-cua-dinh... (truy cập ngày 22/4/2013).
21. Joseph L. Daleiden (1994), The Final Superstition: A Critical Evaluation of the Judeo-Christian Legacy, Prometheus Books, New York, p. 62.
22. Lê Cung, Bàn thêm về phong trào Phật giáo Việt Nam năm 1963. http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2... (truy cập ngày 26/4/213)
23. Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 248.