MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
HT.TS. Thích Trí Quảng
Phát biểu chào mừng Hội thảo
PGS.TS. Võ Văn Sen
Diễn văn khai mạc Hội thảo
Phần I
TỪ PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO ĐẦU THẾ KỶ XX
ĐẾN PHONG TRÀO PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM NĂM 1963
HT. Thích Đức Nghiệp
Từ phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963
TT. Thích Huệ Thông
Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong phong trào chấn hưng Phật giáo
TS. Nguyễn Tất Thắng & Dương Thanh Mừng
Tác động từ phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung đối với cuộc vận động Phật giáo miền Nam năm 1963
Phần II
BỐI CẢNH LỊCH SỬ, SỰ KIỆN, NHÂN VẬT, VĂN HỌC TRONG
PHONG TRÀO PHẬT GIÁO Ở MIỀN NAM NĂM 1963
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương
Nguyên nhân dẫn đến phong trào Phật giáo năm 1963 ở miền Nam Việt Nam
PGS.TS. Trương Văn Chung
Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam 1963 - Nhìn từ hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Mỹ
PGS.TS. Đào Ngọc Chương
Phong trào đấu tranh Phật giáo miền Nam 1963 – Từ góc nhìn của người Mỹ
TS. Bùi Kha
Phật giáo 1963 & Bồ-tát Quảng Đức, nhìn từ thế giới
NNC. Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân
Ngọn lửa Thích Tiêu Diêu tỏa sáng giữa sân chùa Từ Đàm Huế ngày 16-8-1963
PGS.TS. Hà Minh Hồng & TS. Phạm Thị Ngọc Thu
Phong trào Phật giáo năm 1963 - Một cách tiếp cận
ThS. Dương Hoàng Lộc
Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không trong phong trào đấu tranh Phật giáo ở miền Nam năm 1963
Dương Văn Triêm
Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 có phải là nguyên nhân cái chết của Ngô Đình Diệm?
TS. Hoàng Chí Hiếu
Phong trào Phật giáo thị xã Quảng Trị năm 1963
NNC. Tịnh Minh Đoàn Ngọc Chức
Cà-sa vương khói
NNC. Trí Bửu
Phật giáo Khánh Hòa với pháp nạn 1963
NNC. Lê Chính Tâm & TS. Lê Thành Nam
Cộng đồng quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963
ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Vai trò quần chúng nhân dân trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963
ThS. Phan Văn Cả
Chính sách của Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm trong cuộc khủng hoảng Phật giáo 1963
NNC. Lê Thị Dung
Phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam năm 1963 - Đợt sóng cuối cùng nhấn chìm chế độ độc tài Ngô Đình Diệm
NNC. Tâm Diệu
Lịch sử Phật giáo Việt Nam trong ngày 11-6-1963 đã bị mạo hóa
GS.TS. Nguyễn Tri Ân
Bồ-tát Quảng Đức: Cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu
PGS.TS. Lê Giang
Con đường thơ đi đến “Lửa từ bi” của Vũ Hoàng Chương
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
Tinh thần vô ngã vị tha của Bồ-tát Quảng Đức qua Lời nguyện tâm huyết và Kệ thiêu thân cúng dường
Phần III
Ý NGHĨA, VAI TRÒ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
PGS.TS. Lê Cung
Năm mươi năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam (1963 - 2013)
TT.TS. Thích Nhật Từ
Nguyên nhân và ý nghĩa tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức
ThS. Huỳnh Thị Cận
Mục tiêu công bằng xã hội nhìn từ cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963
TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh
Nhìn lại phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 - Những giá trị và ý nghĩa lịch sử
Nguyễn Văn Bắc
Ảnh hưởng của phong trào Phật giáo đến cục diện chính trị miền Nam (1963)
HT.ThS. Thích Đạt Đạo
Tinh thần dân tộc trong phong trào Phật giáo năm 1963
TT.TS. Thích Viên Trí
Bài học lịch sử từ ngọn lửa Quảng Đức
TS. Giác Chính Trần Đức Liêm
Sự kiện Phật đản năm 1963: Bài học lịch sử
GS.TS. Cao Huy Thuần
Pháp nạn 1963: suy nghĩ về bất bạo động
PGS.TS. Trần Hồng Liên
Từ phong trào tranh đấu của Phật giáo miền Nam năm 1963, nghĩ về tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam
TS. Trần Thuận
Sức mạnh truyền thống trong phong trào Phật giáo năm 1963
HT.ThS. Thích Giác Toàn
Sáng ngời đức vô úy
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Dung
Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam 1963 - Đỉnh cao của sự nhập thế
TS. Trần Nam Tiến & Huỳnh Tâm Sáng
Tác động của phong trào đấu tranh Phật giáo ở miền Nam Việt Nam 1963 đến quan hệ Mỹ - Ngô Đình Diệm
GS.TS. Cao Huy Thuần
Bản chất văn hóa của cuộc đấu tranh Phật giáo trong pháp nạn 1963
ĐĐ. Thích Giác Hoàng
Tinh thần bất bạo động trong Phật giáo
Phần IV
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
CỦA PHẬT GIÁO TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM
HIỆN NAY
NGND.GS.TS. Ngô Văn Lệ
Cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam chống Mỹ - Diệm và xu hướng nhập thế trong bối cảnh hiện nay
NNC. Nguyễn Đắc Toàn
Phật giáo với một số vấn đề văn hóa - xã hội
TS. Trần Hoàng Hảo & ThS. Dương Hoàng Lộc
Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh với việc cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng (thực trạng và giải pháp)
ThS. Võ Thanh Hùng
Vai trò của Phật giáo vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trên lĩnh vực văn hóa - xã hội trong thời kỳ đổi mới hiện nay
PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền
Sự tiếp biến Phật giáo trong văn hóa người Việt miền Tây Nam Bộ
ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng
Xu hướng biến đổi của ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay
TT.TS. Thích Phước Đạt
Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu
TS. Trần Thị Hoa
Mấy suy nghĩ về vai trò của Phật giáo đối với đất nước hiện nay
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
Sau 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam 1963 (báo cáo tổng kết hội thảo)
LỜI GIỚI THIỆU
Phật giáo Việt Nam với tư tưởng nhập thế “Hộ quốc An dân” luôn đồng hành cùng quá trình dựng nước, giữ nước; luôn miệt mài vì độc lập, tự do cùng dân tộc. Trong cuộc đồng hành đó, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 như một điểm nhấn rực rỡ, đánh dấu bước chuyển lớn trên con đường hướng nội và nhập thế đến tận cùng vì dân tộc.
Hội thảo khoa học lần này với chủ đề: “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” có mục đích không chỉ là tiếp tục tìm kiếm, làm sáng tỏ hơn cội nguồn, bối cảnh lịch sử, nhân vật, sự kiện, ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử…; mà còn là cuộc hành hương tinh thần đặc biệt để trở về, để lắng nghe, cảm nhận bằng trái tim những âm thanh vang vọng, ngọn lửa hào khí sôi sục, bừng sáng từ phong trào vì quyền sống tự do, bình đẳng của Phật giáo và của dân tộc Việt Nam. Gần 50 bài viết được chọn in trong tập kỷ yếu này đã dẫn dắt chúng ta trở về phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 30 của thế kỷ trước; đến sự kiện đàn áp Phật giáo ở Huế của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và hệ quả tất yếu của sự bùng nổ phong trào đấu tranh Phật giáo toàn miền Nam mà đỉnh điểm là ngọn lửa rực sáng của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Với những tư liệu mới, những cách tiếp cận mới từ nhiều phương diện khác nhau, các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài Phật giáo, ở trong nước và ở nước ngoài đã không chỉ mang lại cái nhìn tổng quan, những nhận thức mà còn là những trải nghiệm, cảm xúc tươi mới về một giai đoạn hào hùng của Phật giáo Việt Nam.
Hội thảo khoa học diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam – một quá trình đầy thời cơ và thách thức; mà mặt trái của chúng ẩn chứa những thế lực mang sức mạnh phi nhân, có thể làm đảo lộn và làm thay đổi tất cả từ truyền thống đến hệ giá trị, bản sắc văn hóa. Vì vậy, hội thảo lần này là để vì ngày hôm nay, vì những mệnh lệnh của cuộc sống hiện tại đang đặt ra cho Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam trên con đường vì tự do, độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách này là tuyển tập các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Phật học, các giáo sư, giảng viên của các trường đại học, các viện nghiên cứu do Trường Đại học KHXH và NV - ĐHQG TP. HCM và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM tổ chức Hội thảo khoa học và biên soạn. Cuốn sách được chia làm 4 phần với 4 chủ đề chính:
1. Từ phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.
2. Bối cảnh lịch sử, sự kiện, nhân vật, văn học… trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.
3. Ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963.
4. Đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội của Phật giáo trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay
Hy vọng cuốn sách thực sự là một tài liệu tham khảo, nghiên cứu bổ ích và có giá trị đối với đông đảo bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Ngày 24 tháng 5 năm 2013
PGS.TS. Trương Văn Chung
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP HCM
LỜI GIỚI THIỆU
1963-2013! Năm mươi năm đã trôi qua. Nửa thế kỷ là thời gian đủ dài để chúng ta có thể an nhiên nhìn lại quá khứ hầu rút ra được những bài học cho tương lai. Đối với Phật tử thì đó là một bài học về đạo lực vận dụng giữa trí tuệ và từ bi, giữa hạnh nhẫn nhục và lực đại hùng một cách hài hòa và vì lợi lạc của chúng sinh. Còn đối với tương lai dân tộc ta thì Pháp nạn Phật giáo năm 1963 đã cống hiến cho chúng ta một bài học lớn về niềm khao khát và lòng tôn trọng một cuộc sống cộng sinh trong một môi trường hòa bình an lạc.
Tôi tán thán công đức của TT. Thích Nhật Từ và NNC. Nguyễn Kha đã nhân dịp tưởng niệm 50 năm pháp nạn 1963 mà sưu tầm tài liệu và tập hợp lại trong một tác phẩm để mô tả đầy đủ nguyên nhân, bản chất và tiến trình của một chuyến sang sông tràn đầy Bi Trí Dũng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại.
Xin trân trọng giới thiệu.
Phật Đản năm Quý Tỵ (Phật lịch 2557, Tây lịch 2013)
HT. Thích Đức Nghiệp
Phó Pháp Chủ GHPGVN
LỜI NÓI ĐẦU
“Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam 1963” là tuyển tập các bài nghiên cứu tại Hội thảo khoa học: “50 năm phong trào đấu tranh Phật giáo (1963-2013)” do Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đồng tổ chức tại Khu du lịch Phương Nam, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, vào ngày 11-6-2013, kỷ niệm 50 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức (11-6-1963 – 11-6-2013) thiêu thân vì đại nghĩa dân tộc, góp phần mang lại hòa bình, công bằng xã hội và bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam.
Với gần 50 bài tham luận của nhiều học giả, nhà nghiên cứu và nhà Phật học trong và ngoài nước, nhiều phát hiện mới được khám phá và công bố lần đầu tiên trong Hội thảo này, đã góp phần làm sáng tỏ những ẩn số vốn gây tranh cãi giữa các nhà chính trị và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Để đánh giá một cách hệ thống, toàn diện các ảnh hưởng và tác động tích cực từ cuộc tự thiêu vô úy, vô tiền khoáng hậu của Bồ-tát Thích Quảng Đức và các vị thánh tử đạo, cũng như phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963, nội dung của tuyển tập này được phân làm 4 phần.
Phần I giới thiệu bao quát về phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX trên thế giới và những ảnh hưởng của nó đối với phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963. Thống nhất và phát triển bền vững GHPGVN từ năm 1981 được xem là sự kế thừa truyền thống nhập thế và đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam từ 2.000 năm lịch sử.
Trong phần II, nhiều học giả hàng đầu về lịch sử Việt Nam cận hiện đại nói chung và phong trào Phật giáo Việt Nam nói riêng đã phân tích bối cảnh lịch sử và các nguyên nhân sâu xa dẫn đến pháp nạn 1963, bao gồm chính sách Công giáo trị của chính quyền Ngô Đình Diệm tạo ra sự bất bình đẳng xã hội; sự lũng đoạn của đảng Cần Lao – Nhân Vị trong chính thể Ngô Đình Diệm với sứ mệnh chống Cộng sản, chống Phật giáo và chống đảng phái quốc gia; chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo và mối liên hệ của nó với Đạo dụ số 10 được khéo sử dụng như văn bản pháp luật về chủ trương bất bình đẳng tôn giáo. Các bài viết trong phần này đã sử dụng nhiều tài liệu dạng quý hiếm, được khai thác từ hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều nguồn khác. Các nhà nghiên cứu đã phân tích thấu đáo chính sách của Washington, mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Nam Việt cũng như việc thực hiện chính sách ở miền Nam Việt Nam. Toàn bộ các sự kiện nêu trên đã được các nhà nghiên cứu phân tích và đánh giá từ cái nhìn của người Mỹ và truyền thông quốc tế, bên cạnh các đánh giá của các nhân chứng lịch sử.
Vấn đề cốt lõi được đặt ra là phong trào Phật giáo năm 1963 có thể được xem là một bộ phận của phong trào dân tộc, hay độc lập với phong trào giải phóng dân tộc, đã góp phần trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến sự cáo chung của chính quyền đệ nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và mở đường cho sự độc lập và thống nhất đất nước năm 1975. Dù không phải là ngọn cờ chủ đạo của dân tộc chống chủ nghĩa thực dân mới tại Việt Nam, phong trào Phật giáo năm 1963 đã tạo ra “hiệu ứng domino” cho các phong trào Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phong trào học sinh, sinh viên, giáo chức, phong trào công nhân và nông dân ở đô thị và nông thôn và các phong trào tôn giáo đòi hòa bình, công bằng xã hội, tự do tôn giáo và các quyền căn bản khác của con người ở miền Nam.
Trong phần III, các nhà nghiên cứu đã phân tích vai trò, ý nghĩa và các bài học lịch sử từ phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, dưới nhiều góc độ khác nhau. Sự cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị, đàn áp Phật giáo đã trở thành bài học lịch sử của dân tộc ta trong việc bảo vệ và phát triển đất nước theo hướng bền vững. Sức mạnh của phương pháp bất bạo động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 được khẳng định là giải pháp tối ưu của khủng hoảng tôn giáo và chính trị tại miền Nam. Qua kinh nghiệm thực tiễn tại Ấn Độ và Việt Nam, sức mạnh lớn nhất mà con người có thể có hẳn không phải vũ khí, sự độc ác, mà là năng lượng từ bi, vô úy, trí tuệ, vô ngã, vị tha vốn hiện hữu trong mỗi con người. Ngọn lửa từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã kết tinh thành phương thức đấu tranh mới, theo đó văn hóa từ bi đã được chứng minh có khả năng chiến thắng bạo lực và hận thù.
Bất chấp sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, phong trào Phật giáo năm 1963 vì chính nghĩa của dân tộc đã thu hút hàng triệu người, bất luận chính kiến, tôn giáo, trí thức, sinh viên, học sinh, công dân và nông dân tham gia. Phương pháp đấu tranh bất bạo động vô úy và linh hoạt, vai trò to lớn của Phật giáo và quần chúng nhân dân, sự ủng hộ chưa từng có của cộng đồng quốc tế và lực lượng cách mạng miền Bắc v.v... là những trợ duyên tích cực giúp cho phong trào Phật giáo năm 1963 đạt được sự thành công, góp phần thiết lập hòa bình, công bằng xã hội và nhân quyền cho miền Nam.
Chủ đề của phần IV đề cập đến định hướng đồng hành của Phật giáo với dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam hiện nay. Nếu trong quá khứ, tinh thần nhập thế của Phật giáo được thể hiện qua học thuyết “cư trần lạc đạo”, “hòa quang đồng trần” và “Phật tại tâm” thì trong thời hiện đại, nhập thế của Phật giáo Việt Nam bao gồm các dấn thân về xã hội, chính trị, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và mọi phương diện của đời sống, vì mục đích phục vụ cho dân tộc và con người Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học, kỹ thuật hiện đại, các trào lưu thế tục hóa đã mở đường cho sự ra đời của các phong trào tôn giáo mới. Phật giáo và xã hội Việt Nam phải đối diện, cộng tồn và khéo léo vượt các thách thức mới này.
Nhờ truyền thống nhân bản, đề cao bình đẳng, dân chủ và giá trị nhân văn cao quý của con người, các hoạt động của Phật giáo Việt Nam xưa cũng như nay góp phần xây dựng hòa bình, bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục và đề cao vai trò đạo đức, thiền định và trí tuệ trong việc giải phóng nỗi khổ niềm đau và xây dựng hạnh phúc bền vững cho con người, bây giờ và tại đây.
1963 – 2013, năm mươi năm là khoảng thời gian dài mà chúng ta có thể điềm tĩnh để nhìn lại vận nước thăng trầm, tái đánh giá các giá trị và ảnh hưởng tích cực của phong trào Phật giáo năm 1963 để rút ra nhiều bài học bổ ích cho việc giữ nước và phát triển đất nước ở hiện tại và tương lai. Đồng thời, qua đó, góp phần định hướng chính sách Phật giáo đồng hành với dân tộc trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập tại Việt Nam hiện nay.
Ngày 29-5-2013
TT.TS. Thích Nhật Từ
Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
(Đồng Trưởng ban tổ chức và Đồng chủ biên)