Giảng tại chùa Thanh Nhàn, Hà Nội, ngày 29-06-2008
Đánh máy: Đào Bích
1. Điều thứ nhất: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
♦ HÃY THẮNG CÁI TÔI
Từ chính mình trong bản dịch chưa được chuẩn. Bản chữ Hán nguyên văn là tự ngã chớ không phải là tự kỷ (chính mình). Tự ngã là cái tôi, cái ta của mình. Vì cái tôi muốn làm vua, muốn làm Thượng đế, nắm lấy vai trò quan trọng nhất nên tất cả mọi người như cha mẹ, ông bà, người thân, người thương, vợ hay chồng chỉ là thứ yếu. Sự va chạm giữa cái tôi của ta, cái tôi của những người thân và cái tôi của cộng đồng xã hội, cái tôi của nền văn hóa, cái tôi của triết lý, cái tôi của ý thức hệ chính trị… là nguyên nhân dẫn đến những sự đổ vỡ hằng ngày.
Người nào đặt nặng cái tôi nhiều thì những khoảng cách trong quan hệ giao tế càng được thiết lập. Lúc đầu, nó chỉ là khoảng cách vô hình, về lâu dài trở thành một dãy Trường Sơn với hai đầu cách biệt; xa hơn nữa là Vạn Lý Trường Thành, rồi lớn hơn nữa như núi đại Tu Di. Chúng ta có thể đánh giá và hình dung cái tôi giống như vỏ sầu riêng, chạm vào có thể chảy máu, đau nhói, khó chịu; như dây kẽm gai, hàng rào, miểng chai, lựu đạn, mìn nổ… đụng tới đâu phá vỡ tới đó. Cái tôi ấy có mặt mọi lúc mọi nơi, lúc nào cũng sẵn sàng có mặt và thể hiện sức mạnh của nó, cho nên kẻ thù lớn nhất của con người không phải là địch thủ cụ thể, cố định, mà chính là cái tôi vạn biến của mình.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Thắng hàng vạn quân địch ở chiến trường mặc dù khó, nhưng vẫn là dễ nếu ta có binh pháp giỏi, tướng tài, lính cảm tử, hết lòng vì quê hương, chính nghĩa; có được lòng dân, sự đoàn kết, nhất trí; có được thời cơ, thế chiến v.v... (có thể nói tóm lại như là có được “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”). Còn thắng cái tôi của mình rất khó; những biện pháp hỗ trợ bên ngoài như trên không mấy tác dụng hiệu quả lên cái tôi, bởi nó không có hình dáng cụ thể; nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và ở đâu, khó nhận ra, phân biệt. Cái tôi có thể được đong đo tính đếm bằng tác động của những ngọn gió (bát phong) như khen, chê, thành công, thất bại và những cảm xúc thăng trầm vinh nhục khác. Ta có thể đo nó chính xác hơn trong lúc đối diện trước Phật, sống trong ảnh hưởng tâm linh của Ngài. Khi có bạn đồng tu, có người nhắc nhở thì cái tôi đó teo hẹp lại, tuy nó vẫn thôi thúc bên trong nhưng gần như không xuất hiện, lúc đó ta dễ tưởng rằng đã vượt qua và chiến thắng được. Nhưng khi đối diện với nghịch cảnh, đứng trước những lời khen tiếng chê, thị phi và nhiều hành động chọc gậy bánh xe, phá đám, phủ nhận các cố gắng, thành quả của mình thì cái tôi bị chao đảo, lúc đó ta mới thấy rõ mình đã chuyển hóa cái tôi đến được mức nào.
Nền văn hóa phương Tây ủng hộ và đề cao cái tôi tự do, cho nên tình làng nghĩa xóm mờ nhạt trong lối sống. Họ không bận tâm nhiều đến người khác, khi hàng xóm có chuyện, họ không trực tiếp giúp đỡ, mà gọi điện báo cơ quan chức năng vì sợ liên lụy. Như vậy trong thế giới tự do, cái tôi được phóng thích và khuyến khích. Nó hùng cứ trong tâm thức và sai sử con người trở thành kẻ nô lệ, phục vụ cho những nhu cầu vô hạn của cá nhân. Cho nên, vì sống trong điều kiện tiện nghi vật chất đủ đầy, người phương Tây dễ bị thương tổn bởi năng lực chịu đựng kém. Chỉ cần ở Hà Nội vào giữa tháng sáu, nóng 38 độ, toát mồ hôi… là họ rụng rời tay chân, dễ cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu. Quen sống trong thuận lợi, khi đối diện trước những nghịch cảnh dù nhỏ thôi, nhiều người đã tưởng chừng nghiêm trọng lắm; như trời sập trên đầu, đất lở dưới chân… mình là nạn nhân duy nhất, khổ sở nhất. Dân gian Việt Nam có câu: “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày sổ ruột”. Đứt tay là chuyện nhỏ, do bất cẩn, sơ ý trong lúc sinh hoạt thường ngày, nhưng vì người giàu được nâng niu, xem trọng quá mức, được nhiều người an ủi vỗ về, làm cho cái tôi của họ nhân cao, khiến vấn đề va chạm trở nên trầm trọng. Trong khi đó đối với người nghèo, quen sống trong hoàn cảnh khó khăn, không được quan tâm chăm chút nên khi bị một tổn thương lớn đối với họ cũng chỉ là việc nhỏ.
Cái tôi có cấu trúc hoạt động là trương phình, tăng trưởng, giãn nở, teo hẹp. Tùy theo tâm lý hãnh diện tự hào hay mặc cảm tự ti mà nó lớn lên hay nhỏ lại. Đây là hai phương diện của cái tôi: Sống với cái tôi trương phình, đi tới đâu ai cũng sợ không dám thân cận, hợp tác; sống với cái tôi teo hẹp dễ mặc cảm, tự ti, đóng bít các cửa ngõ tiềm năng, khóa nhốt những lợi thế mình có, trở thành người vô dụng. Đó là hai mặt trái ngược của cái tôi. Cả hai đều làm cho con người mất đi lợi lạc, bởi nó cản trở sự phấn đấu học hỏi cũng như nỗ lực tinh tấn, giúp cho con người đạt được hạnh phúc chân chính.
Do đó, tự ngã của mình là đáng sợ nhất, là kẻ thù lớn nhất chớ không phải người khác, trái với mình mới là kẻ thù. Quan điểm nhà Phật tôn trọng sự tự do, khác biệt của chúng sinh. Tất cả mọi việc chỉ là dữ liệu để chúng ta đối chiếu tham khảo chớ không phải là một lộ trình phải diễn biến theo ý muốn chủ quan. Cái tôi luôn vận động, thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng lại rất độc đoán. Chính điều này khiến nó trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của mình.
♦ QUÁN PHÁP BÌNH ĐẲNG
Đạo Phật chủ trương có nhiều pháp môn tức là nhiều con đường, nhiều lối đi, nhiều sự hành trì. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy “Chư pháp bình đẳng vô hữu cao hạ”. Các pháp môn vốn là ngang bằng với nhau, không phân cao thấp. Rất tiếc khi truyền bá, các tổ đã dùng những ngôn ngữ phương tiện như: Pháp môn này là số một, mầu nhiệm, được chư Phật hộ niệm, hộ trì… làm cho chúng ta cảm giác các bài kinh có cao có thấp, có phân tầng xã hội trong khi nó vốn không như thế. Cũng như trong các loại thuốc, không thể nói thuốc nào hay hơn thuốc nào. Chỉ có uống đúng thuốc thì nhanh hết bệnh, uống trật thuốc thì bệnh nặng hơn thôi.
Như vậy, phải tùy tình huống mà chúng ta phân định. Các pháp môn trong đạo Phật cũng như vậy. Một người đang chán nản, thất vọng, đang buồn, đang khổ, đang đau mà kêu ra gò mả để quán tử thi chắc sẽ tự tử luôn.
Trong thời đức Phật đã từng có những vị Tỳ kheo như thế. Vì buồn chán khi nhận ra thân thể ngũ uẩn, họ ra gò mả, lại gặp toàn xác chết, tang tóc, sầu bi, khổ não…, mức độ của nỗi khổ từ đó được cường điệu, tăng trưởng, nhân rộng, kích thích. Đối với những người như thế mà dạy về phương pháp quán tử thi, lợi bất cập hại.
Về phương pháp quán vô ngã trong phương pháp quán tử thi hay vô tự tại, không quan trọng nó cao hay thấp, chỉ cần đặt đúng tình huống thì có kết quả. Ví dụ: Một người ăn chơi đang lún sâu trong sự hưởng thụ, quá đặt nặng chủ nghĩa xem cơ thể như là Thượng đế, vun vãi tiền bạc để chăm sóc nó - như thói quen của nền văn hóa phương Tây – nơi mà người ta bảo hiểm cái miệng, con mắt, cái tay… bằng hàng triệu đô la. Nếu dạy họ phương pháp quán tử thi để họ hiểu được cái vô thường khi thấy tử thi trương sình, hư thối, rã mục, trở thành tro bụi v.v... sẽ khiến họ bớt đi chấp trước, bình thường hóa và sống với cái ngã như là người bạn, không quá hưởng thụ, cũng không quá bi đát.
Đó là phương pháp tu đạo, cao và thấp còn lệ thuộc vào căn tính và sự ứng dụng với từng con người. Bản chất pháp môn trong đạo Phật không có cao và thấp. Từ đó, những quan niệm cho rằng Thiền chỉ áp dụng cho căn cơ cao thượng, còn Tịnh độ áp dụng cho sơ cơ là không chuẩn xác. Hoặc những quan niệm cho rằng tu Thiền, mười người tu thì một người chứng, còn tu Tịnh độ mười người tu thì mười một người chứng… cũng là hình thức khích lệ cường điệu. Tu chân chính, đúng phương pháp phù hợp với mình mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Mẹ chúng tôi là người lam lũ, không biết đọc chữ cái, di cư vào Nam từ năm 1943. Bà khổ cực từ nhỏ, phải lo cho một đàn con thì đâu còn thời gian để ngồi học. Khi chúng tôi đi tu, khuyến khích bà trở thành Phật tử thuần thành. Nhưng nếu khuyên bà tu bằng những phương pháp cao siêu thì làm sao bà tu nổi, chỉ có nước niệm Phật thôi. Như vậy, ta có cảm giác rằng pháp môn Tịnh độ phù hợp với người bình dân hơn.
Nhưng người tri thức áp dụng phương pháp Tịnh độ một cách có nghệ thuật, chính là Thiền. Nhứt tâm bất loạn là cốt lõi của Thiền: Hơi thở, nụ cười, thư thái, buông xả, chánh niệm, tỉnh thức, an lạc từng bước chân, hay là trong tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, nói, nín, động, tịnh, thức và ngủ giữ được sự tỉnh thức… là nhất tâm bất loạn.
Như vậy, Tịnh độ cũng chính là Thiền. Khi chúng ta xem tất cả các pháp môn đều hỗ trợ cho nhau, không còn thói quen xem pháp môn của tôi là số 1, pháp môn của người khác là thứ yếu, thầy của tôi là số 1, chùa của tôi là số 1… Trong đạo Phật có tông môn pháp phái như là những sở trường, những con đường, cũng giống như giao thông có nhiều phương tiện, không thể nói xe hơi là số 1, xe lửa là thứ yếu, máy bay là số 1, xe Honda là số 1… Tùy điều kiện, địa hình, hoàn cảnh mà mỗi loại phương tiện phát huy được hết tiện ích riêng.
Hiểu được như vậy, ta có được tri thức dung thông vô ngại. Chúng ta thử hình dung có một đỉnh núi, cảnh rất hữu tình, trên núi có mây, núi được phủ bởi đá và cây xanh…; bên dưới là biển với các vầng mây mù bao phủ, tất cả quyện vào nhau như bức tranh tuyệt đẹp, nên thơ. Ta thử hình dung mây đi ngang qua đỉnh núi, thân núi... Nếu mây có cảm giác rằng núi cản trở, mây sẽ phiền não, kiếm chuyện, mây sẽ vướng lại cho tiến trình xử lý của mình. Núi cũng có cảm giác rằng, mây mù phủ tỏa làm cho màu xanh của núi không được người ta thưởng thức trọn vẹn thì núi sẽ kháng cự, chống đối. Trên thực tế, núi và mây không có tâm niệm đó. Nhờ vậy, ta thấy cảnh mây phủ trên núi trở thành cảnh đẹp.
Trong kinh Dược Sư có hai vị Bồ tát là Nhựt Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Nhựt Quang là ánh sáng mặt trời, Nguyệt Quang là ánh sáng mặt trăng. Mặt trời và mặt trăng hiếm khi gặp nhau, mỗi khi gặp luôn dẫn đến một trong hai hiện tượng hoặc là Nhật thực, hoặc là Nguyệt thực. Cả hai đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vụ mùa và công việc làm ăn. Từ đó người ta mới có thành ngữ: “Mặt trăng, mặt trời với nhau” nghĩa là hai người không được tâm đầu ý hợp, có tính cách loại trừ, xung đột. Họ thường giải quyết xung đột bằng cách một còn một mất. Ai có tính cách như thế thường có cái tôi rất lớn. Cái tôi đó trở thành ám khí, chướng khí hay suy khí. Do vậy, không thể nào sống chung với nhau được, nỗi khổ niềm đau từ đó mà phát sinh.
Đức Phật Dược Sư được gọi là “đức Phật dược chất tâm linh”. “Dược” là dược chất, “Sư” là thầy thuốc. “Thầy thuốc dược chất tâm linh”, lý do nào mà Ngài có được danh hiệu cao thượng này?
Ngài đã thành công trong việc huấn luyện hai cao đệ - Nhựt Quang và Nguyệt Quang - trở thành cánh tay trái, tay mặt của Ngài. Đó là biểu tượng của sự hóa giải những xung đột trở thành hai xung lực hỗ trợ lẫn nhau. Lúc đó, khổ đau trở thành hạnh phúc, phiền não trở thành Bồ đề, trần gian trở thành Tịnh độ, bùn nhơ là chốn cho hoa sen nở. Cái tôi được chuyển hóa là hạnh phúc có bản lĩnh. Như vậy, toàn bộ tiến trình tu tập của con người là làm sao để giải phóng cái tôi.
Có người đặt ra vấn đề: Nếu tôi tu tập theo Phật là vô ngã, không may có kẻ ngoại xâm, chẳng lẽ tôi không kháng cự, không chống đối, để mặc cho chúng giày xéo quê hương, mang lại nỗi đau tang tóc, chết chóc, bất hạnh?
Trong tình huống đó phải có những người nhập thế. Đối với vấn đề ứng xử với kẻ ngoại xâm, giáo lý nhà Phật dạy ta không nên xuất phát từ lòng hận thù, giống như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, chuyển lòng sân hận, căm thù của mình qua động tác bóp mà thần thái bên ngoài vẫn bình tĩnh. Hay như Trưng Trắc, Trưng Nhị ăn ý với nhau: Người chị nói với người em nên để cho giặc phương Bắc không đánh giá cao người miền Nam bởi sự khinh địch sẽ sớm dẫn đến thất bại; người em nghe lời, cố nén nỗi đau, nén cái sân vào trong mà giả vờ bắn trật. Đó là động tác của những nhà ngoại giao về chính trị.
Đạo Phật dạy khi đất nước lâm nguy thì ơn tổ quốc, ơn đồng bào, ơn xã tắc ở quê hương được đặt lên hàng đầu trong tứ trọng ân. Mỗi người Phật tử đều phải có trách nhiệm. Lúc đó, ta nên tham chiến bằng thái độ của lòng từ bi. Hãy phát nguyện rằng: Tôi xin nhận nghiệp sát về phía mình để cứu giúp cho hàng triệu con người vô tội. Tôi ngăn chặn hành động sát nghiệp của giặc ngoại xâm để sát nghiệp đó không được gieo rắc ở nhiều người hơn. Đó là Đại Trí, Đại Dũng trên nền tảng của Đại Bi.
Như vậy, cũng trong một động tác sát nghiệp, người phát nguyện yêu nước và khởi xuất từ lòng từ bi sẽ giảm được nghiệp sát sanh, hậu quả cũng nhờ đó mà nhẹ đi. Phước báu bảo vệ quê hương xã tắc, bảo vệ mạng sống của đồng loại và ngăn chặn nghiệp sát của kẻ ngoại xâm lại tăng gấp trăm lần. Vì nó có tác dụng bù trừ nên ta thấy những vị tướng tài có lòng yêu nước, không hận thù thường sống thọ. Có người sống đến 80, 90 tuổi. Một ví dụ điển hình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lịch sử, nhà Trần có đức thánh Trần Hưng Đạo…
Giải quyết các xung đột bằng thái độ vô ngã chính là sử dụng hòa đàm thay vì vũ khí. Ngày nay, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng giải pháp của đạo Phật và thấy rất hiệu quả, tuy kết quả đến chậm nhưng không có những phản ứng phụ, không gây tổn thất cho các phía. Trong chiến tranh, nói theo đạo Phật: Không có bên nào chiến thắng, cả hai bên đều thất bại, hoặc ít, hoặc nhiều; chiến thắng chỉ là sự tương đối trong tư thế giành chủ quyền dù đúng hay sai, dù chánh nghĩa hay phi nghĩa. Do đó, kẻ thù của hạnh phúc, của phát triển, của tâm linh, của đạo đức chính là cái tôi của mỗi người chứ không phải ai khác. Người tu học Phật sẽ bắt đầu quay lại chính mình nhiều hơn, thay vì đổ trách nhiệm, quy kết cho hoàn cảnh và tha nhân. Phản quan tự kỷ để thấy rõ cái bế tắc ở chỗ nào rồi từ đó tháo gỡ là cả một tiến trình tu tập.
***