Giảng tại chùa Phú Thọ, tỉnh Bình Định, ngày 04-07-2008
Đánh máy: Nguyễn Hoa, Diệu Tịnh Đinh Phi Khanh
5. Điều thứ năm: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất chính mình.
Khái niệm đánh mất chính mình là sự phóng thích cái tôi để nó bay nhảy và mất tự chủ.
Có hai nguyên nhân căn bản để đánh mất chính mình: Một là do lòng tham chi phối, hai là do bệnh sân dẫn dắt. Người để cho lòng tham chi phối thì mua vui bằng cách hưởng thụ, tức là hướng về đời sống thực dụng. Khi có khuynh hướng đó tức là đời sống nhân phẩm và phong cách đạo đức đang sa sút.
Mỗi người có một hướng đi riêng do cộng nghiệp văn hóa, cộng nghiệp xã hội và biệt nghiệp của cá nhân tác động, ảnh hưởng. Xã hội nào, chủng tộc nào cũng có truyền thống, phong tục, đạo đức, chúng ta đi trên quỹ đạo và sống theo những quy điều đó thì ở mức độ thấp nhất, ta có thể trở thành người gương mẫu. Đánh mất chính mình là chạy theo sự kêu gọi của lòng vị kỷ. Có những lòng tham tưởng chừng rất nhỏ mà mình cho rằng đúng, nhưng càng đi theo càng mất sự kiểm soát của tâm. Dầu bị dẫn dắt bởi lòng tham hay sân thì sự đánh mất chính mình là một điều không nên.
Ngày 31-5-2008, chúng tôi cùng phái đoàn Phật giáo Từ thiện Đạo Phật ngày nay đến viếng thăm lần thứ 5, tại trại giam K.20 tỉnh Bến Tre. Nơi đây có 2.000 phạm nhân với mức án hình sự từ 5 năm đến 20 năm tù. Họ đang phải từng ngày gỡ lịch, mong một ngày được tái đoàn tụ gia đình.
Cũng như bốn lần thuyết giảng trước, sau khi chia sẻ, chúng tôi đã gặp gỡ các phạm nhân, trong số đó có các em thiếu niên tuổi 15, 16. Hỏi một em trong số đó nguyên do tại sao bị vào đây, em trả lời: “Thưa thầy, hôm đó đi chơi với bạn bè, con gặp một đứa mặt mày rất láu cá. Nhìn nó con thấy tức khí quá, mà nó lại ăn hiếp con nữa, nên con lấy con dao Thái Lan đâm nó cho đỡ tức”. Kết quả là em phải vào đây 20 năm tù. Ở đây, hành động của em thiếu niên đó là biểu hiện của việc không kiểm soát được chính mình.
Như vậy, bớt giận đâu chưa thấy, nhưng hậu quả nhãn tiền là em phải lãnh án 20 năm tù, mất luôn cả tuổi thanh xuân. Thay vì được ăn học rồi phát triển về nhân phẩm, đạo đức; được cha mẹ lo lắng, chăm sóc, hướng dẫn… thì các em phải lao động mỗi ngày 8 giờ trong trại giam. Không có tivi để xem, không có báo chí để đọc, không có các phương tiện giải trí để thưởng thức. Các em phải sống trong hoàn cảnh rất thiếu thốn, nóng nực, mỏi mệt, căng thẳng, biệt lập với thế giới bên ngoài. Đó là điều rất khổ đau. Một giây phút đánh mất chính mình có thể dẫn đến kết quả rất thương đau, phải ân hận suốt đời.
Thường thì các cậu choai choai mới lớn luôn muốn chứng tỏ mình là người lớn nên tập hút thuốc, uống rượu… Nếu có lân la với các anh chị trong xã hội đen, giới giang hồ thì chúng chửi thề, đánh lộn, tranh chấp, thậm chí là cướp giựt, chém giết nhau không gớm tay để tập tành làm dân anh chị và tưởng như thế là “ta đã được trưởng thành”. Nhưng thực tế là càng làm như vậy, họ càng đánh mất chính mình.
Có một chị tuổi ngũ tuần, nghẹn ngào khóc và kể rằng: Gia đình chỉ có hai mẹ con, cô rất hiếu thảo, người mẹ già ngoài bảy mươi tuổi, mất sức lao động... Hôm nọ đi bán bị ế, trong lòng đã cau có khó chịu rồi, vừa về đến đầu ngõ thì thấy mẹ khóc và nói rằng bị nhà hàng xóm qua ăn hiếp. Hai mẹ con vừa về đến nhà, người hàng xóm đó lại qua mắng chửi thêm một lần nữa. Thấy mẹ bị khinh thường, cô ta giận quá nên có phản ứng. Lời qua tiếng lại rồi hai bên đánh nhau, không kiềm chế được tánh nóng, cô cầm cái búa trong nhà có sẵn đập vào đầu bà hàng xóm thiếu lễ độ kia, bà ta chết tươi tại chỗ.
Lần đó chúng tôi thuyết giảng về đề tài “Đứng dậy sau vấp ngã”, cô nghe và giải tỏa được những mặc cảm. Chỉ vì một phút sai lầm, thiếu kiểm soát mà nông nỗi như thế, trong khi bản thân cô là người hiền lương chân chất, hiếu kính với cha mẹ, hòa ái với những người xung quanh. Chỉ vì bức xúc do ngày hôm đó bán không được, ế ẩm quá, về nhà thì không có tiền mua gạo, thực phẩm cho mẹ già nên tâm sân dễ dàng trỗi lên.
Ở gần chùa Giác Ngộ nơi chúng tôi ở, có một bé trai khoảng chừng 15 tuổi cũng đang ở tại trại giam này do dính vào đường dây ma túy. Em đua đòi theo đám anh chị giang hồ sống buông thả, họ tặng cho một loại bột trắng, kêu hít vào sẽ có cảm giác kỳ diệu. Vì kiến thức chưa có, em này đã hít vào, liền có cảm giác lâng lâng như trong thế giới thiên bồng lạc cảnh, hạnh phúc lắm. Được anh chị đại ca cho thêm một vài lần nữa, em bị ghiền luôn. Sau đó, họ buộc em phải mua khi lên cơn nghiện. Để có thuốc cứu cơn nghiện, em bất chấp tất cả. Gia đình thì nghèo, tìm đâu ra tiền? Không có tiền thì phải đi ăn cắp và buôn bán bột trắng mới có đủ tiền cho một tuần được một phần để hút và chích. Rồi cũng bị phát hiện, cậu bé đã phải chịu án 10 năm tù.
Lần nào chúng tôi đi thuyết giảng ở trại tù, mẹ của em cũng xin đi theo. Mẹ con nhìn nhau qua những giọt nước mắt. Chỉ vì nỗi đam mê bồng bột, không nghe theo lời khuyên của cha mẹ, nghe theo lời xúi giục của bạn xấu, cuối cùng phải ra nông nỗi...
Do đó, nỗi bất hạnh lớn nhất là không làm chủ được chính mình. Cứ thả mình theo thói quen, theo bản năng, theo sự buông thả thì hậu quả kéo theo là rất nghiêm trọng. Giờ đây, họ phải ngồi tù gỡ từng trang lịch trong sự khổ đau, hối hận muộn màng.
Nhiều người phải chịu những hậu quả khác: Họ ăn chơi sa đọa một thời gian, sau bỗng thấy cuộc đời vô vị, mất hết ý nghĩa nên quyên sinh hoặc trở thành bợm nhậu. Mỗi khi có chuyện buồn thì mượn rượu giải sầu, nhưng càng uống vào sầu không hết mà càng tăng thêm, sức khỏe sa sút, gia đình ly tán, vợ chồng bất hòa, cuối cùng tạo ra những địa ngục trong nhà.
Đối với các em thiếu nhi mới chập chững vào đời thì sự làm chủ chính mình là hiếu thảo với cha mẹ, học hành siêng năng, nghe lời thầy cô giáo. Ở nhà thì chịu khó học bài, phụ giúp cha mẹ, không được lân la chơi những trò chơi điện tử quá nhiều, vừa bị cận thị, vừa tốn tiền, thậm chí bỏ học, không có tương lai.
Thế giới ngày nay đang đối mặt với tình trạng nghiện Internet và các trò chơi điện tử. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên có một trung tâm giam và cai nghiện cho những người nghiện Internet. Mặc dầu không phải là tội phạm, nhưng họ chính là mầm mống gây án sau này. Một người ghiền Internet có thể mất 8 tới 9 giờ bám vào màn hình nhỏ để chat, tâm sự giãi bày với người không hề biết mặt mũi, cá tính, đời sống, đạo đức như thế nào. Họ làm vậy chỉ để giải sầu thôi, để trút hết cái tôi hưởng thụ của mình ra.
Nếu là người con ngoan thì sẽ không buông thả và thiếu trách nhiệm với gia đình như thế. Học sinh, trẻ em thường nghiện các trò chơi điện tử bởi bị những phần thưởng hấp dẫn và muốn chứng tỏ mình là một game thủ nổi tiếng. Vì vậy bao nhiêu tiền ông bà cha mẹ cho, thay vì để mua sách vở học thì chúng trút hết vào tiệm Internet. Đó là một cách đánh mất chính mình.
Những người có chồng/vợ rồi đôi khi nghiện internet cũng bỏ luôn chồng/vợ bởi họ cứ lo tâm sự với người mà mình không quen biết. Mỗi khi vợ/chồng hỏi đến thì nói “Anh đang có thảo luận online” hoặc “Em đang có công tác đột xuất phải giải quyết bằng email”, “Em đang tìm tài liệu để tham khảo, nghiên cứu”. Mình đánh lừa người kia, nhưng trên thực tế như vậy là đánh mất chính mình, bỏ mình vào trong những cuộc vui không có tương lai.
Các em tuổi còn trẻ phải ráng hiếu kính cha mẹ. Nhận thức của mình chưa đầy đủ, nếu được cha mẹ hướng dẫn bài bản, có trình tự và nghe lời thầy cô giáo sẽ không đánh mất chính mình. Đừng như các anh chị mới 16-17 tuổi đã phải vào trại giam thay vì được ngồi ở trường để học. Được mẹ cha, thầy cô dìu dắt trong cuộc đời thì sung sướng và hạnh phúc biết mấy.
***