I. DỊCH NGHĨA
Người vướng víu ái dục, như cầm đuốc đi ngược gió, dĩ nhiên bị bỏng tay.
II. LƯỢC GIẢI
Ái dục ở chương này được Đức Phật nói như một câu danh ngôn, phương ngôn cho cuộc sống cho tất cả Tăng sĩ chúng ta. Hình ảnh mà Đức Phật ví dụ ái dục và tác hại của nó là cây đuốc có lửa nhưng đi theo hướng nghịch gió. Tất nhiên, lửa của ngọn đuốc sẽ không cháy bốc lên bên trên mà là sẽ tạt về hướng tay người cầm. Do đó, người cầm đuốc phải bị bỏng tay. Ngay khi ấy, có thể tác dụng soi sáng của đuốc không còn nữa, vì người ta sẽ không can đảm để cầm tiếp. Cũng vậy, người đam mê ái dục luôn luôn muốn thỏa mãn các dục hạ liệt, nhưng chưa chắc đã thưởng thức được hương vị của nó thì họa hệ lụy, nhiễm đắm đã đến kế bên rồi. Ngay vị ngọt nhất thời của ái đã hiện hữu vị đau khổ lâu dài. Vì thế, người xuất gia, chúng ta không nên tham đắm ái dục. Có được như vậy, con đường phạm hạnh, phạm trú của chúng ta mới được thành tựu viên mãn.
Vài điều tâm niệm cần nhớ:
1.- Ái nhiễm, nhân sinh thế gian và hình thành sáu đạo.
2.- Ái dục, quả bom tàn phá đạo Bồ đề.
3.- Còn sống hệ lụy ái dục, còn là phàm phu.
4.- Ái dục dẫn dắt chúng sinh vào ra sáu nẻo ngang qua ngưỡng cửa Bồ đề.
5.- Nhịp sống của chúng sinh trong tam giới là ái nhiễm.
6.- Ái dục là nơi sinh ra ta, cũng là nơi chôn ta.
7.- Đầu mối mọi tranh chấp, thác loạn trên thế giới, không gì hơn ái.
8.- Hệ lụy ái tình là giết chết cuộc đời.
9.- Từ bi mà không trí tuệ, thực chất chỉ là ái nhiễm.
10.- Dưới cái nhìn của bậc thánh, không có sự trói buộc nào bằng sự trói buộc của tâm ái.
11.- Để diệt trừ ái nhiễm, vô ngã quán, bất tịnh quán phải thường xuyên tu tập.
12.- Diệt trừ tận gốc của tham ái là đồng nghĩa giải thoát mọi hệ lụy.
13.- Mấy trăm giới của một Tỳ kheo, mục đích duy nhất là duy trì phạm hạnh, đoạn ái khử dục.
14.- Đoạn tận tâm ái dục là người tối thắng trong loài người.
Xá chi bọt nước đầu khơi. Xá chi làn chớp chân trời xa xăm. Tỉnh lòng, thanh tịnh hóa tâm. Lo chi biển ái sóng dầm đam mê.