I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người hành đạo giải thoát như mang cỏ khô, gặp lửa thì phải tránh. Cũng vậy, đạo nhân gặp dục tất phải tránh xa.
II. LƯỢC GIẢI
Ý nghĩa chính yếu mà kinh văn chương này khắc họa là hình ảnh người hành đạo giải thoát được mệnh danh là đạo nhân, cần phải xa lìa những gì là dục, thuộc về dục. Dục và đạo giải thoát không thể cùng hiện hữu ở con người đạo nhân. Đạo nhân muốn giải thoát thì giải thoát đó phải là giải thoát dục. Giải thoát và dục không thể song hành với nhau.
Dục, Phạn ngữ là Rajas với ý nghĩa là tham cầu, vọng cầu những mục tiêu thuộc trần tục. Chính vì dục là những ước vọng mang sắc thái trần tục, bất thiện đã làm con người xa hẳn với bản chất của đạo giải thoát, nơi chỉ dung chứa những thiện dục, lợi ích dục, hỷ lạc dục, và giải thoát dục, cũng còn gọi là thiện tinh tấn hay chánh tinh tấn.
Luận Duy Thức 5 định nghĩa dục như là một chất dính, làm dính tâm với các mục tiêu đam mê bất thiện:
“Bản chất của dục là đam mê những đối cảnh nó ưa thích và tập quán, sự nghiệp của nó là bám víu, đeo đuổi đối cảnh ưa thích ấy”. Quyển Bách Pháp Minh Môn Luận Biểu Giải có giải thích rộng ba phạm vi đối cảnh ưa thích (sở nhạo cảnh) như sau:
1/ Cảnh hân hoan (khả hân cảnh): Niềm nở trước những cảnh trạng thấy nghe, cảm giác, tri giác.
2/ Cảnh mong cầu (sở cầu cảnh) lại chia ra làm hai: a/ Cảnh hân hoan: những gì chưa được thời mong cầu cho được, đã được thì mong cầu cho còn mãi, không sơ thất phân ly. b/Cảnh nhàm chán: những gì đã có, mong mỏi được thoát ly, xa lìa, những cái chưa có thì mong mỏi đừng bao giờ có.
3/ Cảnh hân quán (hân quán cảnh): Tác ý về cảnh muốn quan aát, tức là muốn các cảnh thấy, nghe, cảm giác, tri giác… (tr. 33, 34, bản chữ Hán).
Nhìn chung, ba phạm vi của đối cảnh ưa thích các dục đều mang tính chất nhiễm đắm bất thiện, nó thuộc về ố dục, ác dục, những nguyện vọng không chính đáng, không phù hợp của chân lý giải thoát. Chính vì thế mà Đại Thừa Nghĩa Chương 2 nói rằng: “Dục là ái nhiễm trần cảnh” (ái nhiễm trần cảnh danh vi dục). Và Kinh Viên Giác dạy rằng ái dục là chất tố tạo nên sinh mạng của chúng sinh trong tam giới thông qua tứ chủng sinh: “Tất cả chủng tính của chúng sinh trong thế giới như sinh từ trứng, sinh từ thai tạng, sinh từ ẩm thấp và sinh từ biến hóa, hóa thân… đều do chất dục làm hình thành sinh mạng”.
Còn Luận Trí Độ kết án dục là trọng tội, vì ràng buộc chân tâm của con người: “Dục tuy không não hại chúng sinh như đao búa nhưng lại ràng buộc tâm tính con người. Nó là đại tội. Vì thế, trong luật giới, cấm chỉ dục đầu tiên.”[1]
Bộ Pháp Tụ định nghĩa dục là một chất keo hàn dính hai yếu tố ái và thủ lại với nhau để tạo thành Hữu, kiếp sống kế tiếp trong tam giới lục đạo: “Dục là sự mong muốn, tham luyến, vui thích, ái nhiễm, luyến thương, nôn nóng, hôn mê, quyến luyến, làm nhân cho sinh tử ở Hữu”. (tr. 287-288, số 709).
Chính vì dục sẽ mang lại sợ hãi trong hiện tại, sợ hãi trong tương lai, không được tự tại, giải thoát, nên Đức Phật gọi dục bằng hàng loạt những tên gọi như sau: “Này các Tỳ kheo, sợ hãi là đồng nghĩa với dục. Đau khổ là đồng nghĩa với dục. Bệnh là đồng nghĩa với dục. Cục bướu là đồng nghĩa với dục. Mũi tên là đồng nghĩa với dục. Trói buộc là đồng nghĩa với dục. Bùn nhơ là đồng nghĩa với dục. Thai tạng là đồng nghĩa với dục.”[2] Và bài kệ trùng tụng kế tiếp, Đức Phật khẳng định, ai thoát khỏi mạng lưới dục triền, vị ấy thoát khỏi cảnh sinh già:
“Sợ hãi, khổ và bệnh
Cục bướu và mũi tên
Trói buộc và bùn lầy
Cả chúng và thai tạng
Được gọi là dục triền
Chỗ phàm phu ái nhiễm
Rơi vào trong sinh tử
Tỳ kheo sống nhiệt tình
Tỉnh giác, không phóng dật
Vượt đường hiểm nạn này
Con đường khó vượt qua
Niết bàn, lìa sinh tử.”[3]
Do đó, mục tiêu chính của hành giả tu Phật đạo, đạo giác ngộ giải thoát phải chóng vánh xa lìa các dục bất thiện, dục ái triền. Sự xa lìa các dục chính là mốc quyết định mức độ tu tập của hành giả. Hành giả sẽ trở thành đạo nhân thoát tục siêu phàm, khi ở con người hành giả, máu dục đã khô, xương thịt dục đã tan rã, chỉ còn lại tinh anh của giải thoát. Và ngược lại hành giả sẽ chẳng là đạo nhân, nhưng chỉ là dục nhân, nhiễm đắm nhân, khi ở đó chỉ hội tụ các dục hạ liệt. Chính như vậy, người tu sĩ Phật giáo phải xa lánh dục cũng như cỏ khô xa lánh lửa. Nếu cỏ gặp lửa phát hỏa hoạn thì tu sĩ vướng dục sẽ phát sinh lửa sinh tử triền miên. Dứt bỏ dục lậu, hướng đến giải thoát là con đường duy nhất, tất yếu, cần phải đi đối với mọi Tăng sĩ chúng ta.
[1] Phật học đại từ điển, tr. 1985.
[2] Tăng Chi II, tr. 124.
[3] Kinh đã dẫn, tr. 125.