Đạo Phật xuất hiện cách đây hơn 25 thế kỷ, trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, từng chịu đựng biết bao sự thử thách nghiệt ngã của thời gian, nhưng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Như thế, tất nhiên Phật giáo phải tiềm tàng những chân lý vượt cả thời gian và không gian. Những chân lý ấy phải phù hợp với mọi căn cơ của chúng sinh, và đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của mọi thời đại. Người ta có thể gọi đạo Phật là một tôn giáo từ bi, một hệ thống triết học hoàn chỉnh, một nền đạo đức nhân bản v.v... Tất cả những yếu tố đó được bao gồm trong ba tạng giáo điển là: Kinh, Luật và Luận. Trong ba tạng ấy, Luật tạng được xem như môn đạo đức Phật giáo, nhằm hướng dẫn cuộc sống thực nghiệm, chuyển hóa con người, cải tạo xã hội trở thành chân thiện mỹ. Tinh thần giáo lý của Đức Phật có thể được cô đọng trong 4 câu kệ:
“Không làm các điều ác,
Vâng làm các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạnh,
Chư Phật dạy như vậy.”
Dựa trên những nguyên tắc tổng quát đó, đức Phật đã chế ra giới luật theo các cấp độ khác nhau. Tuy chia nhiều cấp độ, nhưng căn bản vẫn là 5 giới và mười thiện giới; các giới khác chỉ là cụ thể hóa chi tiết những giới này mà thôi. Năm giới không những là nguyên tắc đạo đức vô cùng thiết thực cho người Phật tử, mà còn rất cần thiết cho hết thảy mọi người, ở mọi thời đại, nếu nhân loại muốn thiết lập một đời sống gia đình hạnh phúc, xây dựng một xã hội ổn định, và kiến tạo một đất nước thanh bình. Giới thứ nhất không sát sinh, là tôn trọng sự sống của muôn loài, là nêu cao đức hiếu sinh của đạo Phật. Giới thứ hai không trộm cắp, là tôn trọng tài sản của kẻ khác, là sống theo lương tâm và lẽ phải. Giới thứ ba không ngoại tình, là bảo vệ hạnh phúc của gia đình và tôn trọng hạnh phúc của kẻ khác. Giới thứ tư không vọng ngữ, là tôn trọng sự thật, giữ lòng thành tín với mọi người. Giới thứ năm không uống rượu, là bảo vệ sức khỏe, giữ gìn tâm trí sáng suốt.
Đó là những nguyên tắc đạo đức cơ bản mà đức Phật đã đề ra cho các Phật tử thực hành, hầu đem lại hạnh phúc cho bản thân mình, an vui cho kẻ khác ngay trong đời này và những cuộc sống mai sau.
Tiến thêm bước nữa, Phật dạy các hàng đệ tử xuất gia phải sống một cuộc đời tri túc để đoạn trừ tận gốc mọi dục vọng. Vì dục vọng chính là thủ phạm gây nên những nỗi đau thương nơi bản thân mình, và tạo ra tang tóc cho bao nhiêu người khác. Để thực hiện nếp sống tri túc, đức Phật dạy người xuất gia phải sống một cuộc đời thanh bần, đạm bạc, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “Tam thường bất túc”, tức là ba sự nhu cầu thường ngày như ăn, mặc và ngủ không được quá dư thừa, sung túc. Trong kinh Di giáo, đức Phật dạy các Tỳ-kheo phải xem sự ẩm thực như là môn thuốc để bảo vệ sự sống, nên không được lạm dụng: “Nầy các Tỳ-kheo, thọ dụng đồ ăn, thức uống, phải coi như uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát thì thôi; như ong lấy nhị hoa, chỉ lấy mùi vị mà không làm tổn thương hương sắc. Người xuất gia cũng vậy, thọ dụng đồ cúng dường của tín thí không được tham cầu cho nhiều, đến nỗi phá vỡ thiện niệm của họ.”
Tất nhiên, ai cũng phải ăn mới sống, nhưng nếu vì sự sống của mình mà làm tổn thương sự sống của kẻ khác thì thật là điều đáng trách. Bởi vì “người ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”, như tục ngữ dân gian thường nói. Thế nên, người tu sĩ thọ dụng sự cúng dường của thí chủ là nhằm tạo cơ hội để họ kết mối duyên lành, hầu ban phát cho họ những thức ăn tinh thần, loại thức ăn cao quí, bổ dưỡng, tối cần thiết để nâng cao phẩm giá con người xứng đáng cái địa vị tối ưu, mà các loại sinh vật khác không thể có được.
Ngoài ra, đức Phật còn dạy khá nhiều về nếp sống tri túc, và Ngài kết luận về giá trị của sự tri túc hay biết đủ như sau: “Chính sự biết đủ là giàu sang, hạnh phúc và yên ổn. Người biết đủ thì nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ thì ở Thiên đường cũng không thỏa mãn. Không biết đủ thì giàu mà nghèo, biết đủ thì nghèo mà giàu.” (kinh Di Giáo)
Ai cũng biết nhân loại đã trải qua hàng bao thế kỷ nỗ lực phát huy những thành tựu khoa học nhằm phục vụ con người đạt đến hạnh phúc tối đa. Những phương tiện khoa học rất cần trong quá khứ, hiện tại và cả đến tương lai, điều đó không ai có thể phủ nhận. Nhưng điều cần thiết hơn hết chính là người sử dụng những phương tiện ấy phải có đạo đức và lương tâm. Nếu thiếu lương tâm và đạo đức thì những phương tiện khoa học kia có nguy cơ biến thành thảm họa, trở lại đe dọa sự sống của con người. Bởi vì, lòng ham muốn của con người là vô cùng tận, càng được thỏa mãn, càng tham muốn nhiều hơn, khiến cho con người lúc nào cũng cảm thấy khát khao và đau khổ, nếu như không biết dừng lại đúng lúc.
Thực ra cái thiếu thốn trầm trọng nhất của con người hiện đại là thiếu thốn tinh thần, chứ không phải thiếu thốn những tiện nghi vật chất. Chính vì thiếu thốn tinh thần mà một số ít giới trẻ đã trở thành vong thân, chạy theo chủ nghĩa thực dụng, ca ngợi quá đáng giá trị của đồng tiền, đến nỗi cho rằng “với thế lực của đồng tiền, người ta có thể mở cửa Thiên đường cho các linh hồn đi vào”. Bị đầu độc bởi cái triết lý thô thiển, tha hóa như thế, đã khiến cho một số thanh thiếu niên chưa hấp thụ được truyền thống cao thượng của cha ông ta là “xem tiền tài như phấn thố, trọng nhân nghĩa tợ thiên kim,” chỉ còn biết tôn thờ sức mạnh của đồng tiền mà quên hết nghĩa nhân.
Để ngăn ngừa lòng tham, trấn áp mọi cám dỗ vật chất bên ngoài, đức Phật dạy ta sự tri túc, nhưng để đối phó với những kẻ xúc phạm đến danh dự và lòng tự ái của ta, Đức Phật trang bị cho ta thứ vũ khí nhẫn nhục, như trong Bồ-tát giới mô tả: “Nếu là Phật tử thì không được đem sự giận dữ đáp lại sự giận dữ, không được đem sự đánh đập trả lại sự đánh đập, thậm chí cũng không được nuôi hận thù đối với những kẻ đã tàn sát cha mẹ, anh em, chú bác của mình. Nói tóm, tàn sát sự sống để trả thù sự sống là điều trái ngược với đức hiếu sinh của đạo Bồ-tát.”
Tất nhiên, theo thường tình, trả thù những kẻ đã sát hại cha mẹ, anh em ta, đó là lẽ công bằng tự nhiên của đạo lý làm người. Thế nhưng, nếu dùng oán để trả oán, thì oán oán sẽ chập chùng, khó mà chấm dứt được dòng nhân quả vay trả trả vay bất tận. Bởi vì:
“Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật nghìn thu.”
Những người mà ta xem là kẻ thù kia chẳng qua cũng chỉ là nạn nhân của những điều kiện lịch sử, địa lý, chính trị, và nhất là nạn nhân của si ám vô minh. Thế nên, người thực hành đạo Bồ Tát phải mở rộng tấm lòng, khoan dung cho họ. Dĩ nhiên, công hạnh này rất khó thực hiện, nhưng nếu thực hiện được, sẽ có mãnh lực cảm hóa những kẻ ác hướng về đường thiện, và chắc chắn xã hội loài người sẽ trở nên an lạc và tốt đẹp hơn nhiều. Vả lại, kẻ thù đích thực từng gieo rắc đau thương thống khổ bất tận cho nhân loại chính là ba độc tham, sân, si, chứ không phải là những con người bằng xương bằng thịt mà chúng ta cùng chung sống trên trái đất này. Chính vì tham, sân, si thúc đẩy mà có người đã biến thành kẻ trộm cướp, gây đau khổ cho bao người, thậm chí còn làm tổn thất đến tài sản quốc gia một cách trầm trọng. Vì tham, sân, si mà có những người đã biến thành quân xâm lăng, đi xâm chiếm đất đai người khác. Trong lịch sử Việt Nam, có lúc dân tộc ta đã là nạn nhân của loại vô minh tam độc ấy, và đã phải dũng cảm đứng lên hy sinh bao xương máu, mới có thể giành được tự do độc lập.
Với trí tuệ tối thượng, đức nhẫn nhục tuyệt cùng và lòng từ bi bao la, Đức Phật đã cảm hóa một người Bà-la-môn, khi y đến xúc phạm Ngài: “Này Bà-là-môn, nay ông mắng Ta mà Ta không nhận thì ông sẽ chuốc lấy hậu quả, như vang theo tiếng, bóng theo hình, không bao giờ rời nhau.” “Người ác mà hại người hiền cũng như ngửa mặt lên trời mà nhổ nước miếng, nước miếng không thấu trời, mà rơi lại vào mình. Thế nên, hãy cẩn thận, chớ làm điều ác.” (kinh Tứ thập nhị chương).
Trong một dịp khác, Đức Phật dạy các Tỷ kheo phải nhẫn nại trước những trường hợp khó nhẫn nhất. Ngài khẳng định người nào nhẫn được trong trường hợp ấy mới xứng đáng là bậc đại sĩ dũng mãnh, cao cả hơn người: “Này các Thầy Tỳ-kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng mảng, từng đoạn, các thầy cũng phải kiềm chế tâm mình, đừng có nổi giận. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hỏng mất công đức. Thực hành đức nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỉ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không được ca ngợi là bậc thượng nhân có trí.” (kinh Di Giáo).
Nhờ ảnh hưởng tinh thần từ bi, nhẫn nhục của đạo Phật mà một người con vĩ đại của dân tộc Ấn Độ là Gandhi, đã lãnh đạo dân chúng đấu tranh giành độc lập theo đường lối bất bạo động, cuối cùng đã giải phóng Ấn Độ thoát khỏi ách thực dân Anh. Vì vậy, nhân dân Ấn Độ suy tôn ông như một vị cứu tinh, một ông Thánh. Tên tuổi của ông được sử sách muôn đời ca ngợi, chỉ vì ông đã thấy được sức mạnh của tâm linh, phát huy truyền thống bất bạo động cao cả mà tiền nhân đã chỉ dạy. Bài học về lòng từ bi khoan dung của đạo Phật cũng đã thấm nhuần sâu sắc vào trong huyết quản và tâm hồn của người Việt Nam. Do đó, một nhà ái quốc lớn của dân tộc là Nguyễn Trãi đã khéo vận dụng và biến thành đường lối chính trị nhân bản đem lại thành công và rất nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Đó là: “Đem nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.”
Như tất cả chúng ta đều biết, trong đạo Phật có nhiều hệ phái và nhiều dị biệt lớn lao, nhưng lịch sử Phật giáo chưa bao giờ ghi lại một cuộc tranh chấp đẫm máu nào như những cuộc thánh chiến đã từng xảy ra trong lịch sử châu Âu. Điều đó chứng tỏ những lời Phật dạy có ảnh hưởng rất sâu xa trong tâm hồn mọi người con Phật.
Thể hiện tâm đại bi và đức hiếu sinh đối với các loài hữu tình, Đức Phật đã cụ thể hóa những lời dạy thành những giới điều mà người thọ giới Bồ- tát cần phải tuân thủ: “Khi Phật tử thọ giới Bồ- tát thì không được ăn thịt, vì ăn thịt là làm mất hạt giống đại bi của Phật tính.” “Người thọ giới Bồ-tát nên xem chúng sinh trong 6 cõi như cha mẹ mình, nếu ta giết mà ăn thịt thì khác nào ăn thịt cha mẹ ta.” (Giới Bồ-tát thứ 3 và 20)
Đó là cái nhìn bằng tuệ giác vô thượng của đức Phật, thấy được chân tướng bình đẳng của muôn loài trong dòng trường lưu sinh tử. Còn đối với chúng ta, xem loài vật ngang hàng với mình còn không thể chấp nhận được, huống nữa là xem ngang hàng với cha mẹ mình.
Không sát sinh và không ăn thịt cố nhiên là những việc rất khó thực hành. Thế nhưng, nếu có người nỗ lực thực hiện được những điều ấy, thì không những bản thân họ hưởng được hạnh phúc an vui, sinh mạng của các loài động vật được bảo toàn, mà các giống vật quí hiếm cũng tránh khỏi thảm họa diệt chủng - Một nỗi lo âu mà các nhà động vật học đang khan cổ báo động.
Đức hiếu sinh là đạo cao thượng của Bồ-tát, nhưng sự xoa dịu những nỗi đau thương, cứu giúp người cùng khổ, cũng là trọng trách mà Bồ-tát phải đặc biệt quan tâm: “Đã là Phật tử thì khi gặp bất cứ người nghèo khốn nào đến cầu xin, cũng phải tùy theo nhu cầu của họ mà nhường cho những thứ mình có.”
Tinh thần cứu khổ ấy của đạo Phật đã biến thành ca dao tục ngữ rất phổ biến trong nhân dân ta, như: “Lá lành đùm lá rách”, hay:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”
Mà bất cứ người Việt Nam nào cũng đều thấm nhuần sâu sắc, hoạt hiện thành tình người, nói lên lòng nhân ái vị tha của dân tộc Việt Nam.
Sự nhường cơm xẻ áo, cảm thông những nỗi khổ của đồng bào, đồng loại, đó là nền tảng giáo lý từ bi của đạo Phật. Đạo Phật dạy con người sống theo lương tâm, sống có đạo đức - Một nền đạo đức rất cần thiết cho mọi dân tộc và mọi thời đại, nhất là cái thời đại mà nền văn minh vật chất đã khống chế toàn bộ con tim và khối óc của nhân loại. Ngày nay, những thành tựu của khoa học và kỹ thuật đang phát triển mạnh và trở lại khống chế con người. Sức mạnh của đồng tiền đã biến con người thành kẻ nô lệ ngoan ngoãn phục tùng cho dục vọng của chính mình. Trong khi ấy đạo đức và nhân phẩm đang bị khinh rẻ. Tình trạng khủng hoảng đạo đức trầm trọng như hiện nay, chính là lúc nhân loại đang cần đến những phương thuốc thần diệu để chữa trị căn bệnh suy thoái đạo đức hơn bao giờ hết.
Chúng ta thấy trong kinh điển, đâu đâu cũng có những lời dạy về sự công bằng, lòng nhân ái, đức chính trực, về sự khiêm tốn phục thiện v.v... Người Phật tử chân chính không được hiếp đáp kẻ cô thế, không được vu oan giá họa bất cứ một ai, không được vô cớ hủy báng những người hiền lương đức hạnh. Lại càng không được ham mê danh lợi, dựa thế kẻ cầm quyền để dọa nạt, giành giật và chiếm đoạt tài sản của cá nhân, của tập thể, của xã hội một cách bất lương. Đức Phật rất am hiểu tâm lý của chúng sinh là dễ xu hướng theo những tật xấu mà khó phát huy những đức tính tốt. Bởi vì, tật xấu cũng như loài cỏ dại, không gieo hạt mà nó vẫn nẩy nở tràn lan, còn đức tốt thì giống như loài hoa quí, phải tưới nước, bón phân, nắng che, gió chống, nó mới dâng hiến cho đời những hương sắc xinh tươi. Do vậy, đức Phật đã hệ thống hóa những lời dạy của Ngài thành những giới điều, những nguyên tắc sống, khiến các đệ tử phải tuân thủ một các nghiêm nhặt, hầu nâng cao phẩm giá của mình, đem lại an vui cho kẻ khác.
Nói thế hẳn có người sẽ hỏi: Những điều nêu trên thì luật pháp của nhà nước cũng từng đề cập đến, thế thì pháp luật và giới luật có gì là khác nhau? Tất nhiên là rất khác nhau: Pháp luật mang tính chất răn đe, trừng phạt, giới luật có tính cách tự giác, khuyến khích; pháp luật chỉ sửa trị ở ngọn, giới luật sửa trị từ gốc; pháp luật chỉ trừng trị những tội phạm khi đã phát sinh bằng hành vi của thân và miệng, giới luật ngăn chận những lỗi lầm khi chưa phát sinh, còn manh nha từ trong ý tưởng; pháp luật căn cứ trên hậu quả của hành vi mà qui định, giới luật dựa trên nguyên lý nhân quả mà thiết lập.
Một người phạm pháp có thể che giấu mọi người xung quanh, che giấu pháp luật nhà nước, có thể dùng những mánh khóe khôn ngoan để chạy tội, trốn tránh sự trừng phạt của luật pháp, nhưng họ không thể nào trốn tránh được sự trừng phạt của lương tâm, của tòa án chí công nhân quả. Không thể nào phạm tội giết người mà được an vui tự tại. Không thể nào lường gạt, thụt “Két” mà hưởng được giàu sang sung sướng. Không thể nào ngoại tình, quan hệ bất chính, mà có được hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu chung thủy. Không thể nào lừa bịp, gian dối mà được mọi người tôn trọng. Không thể nào rượu chè bê tha mất hết trí khôn mà còn giữ được lương tâm, sống theo lẽ phải. Làm điều bất thiện mà tạm được yên ổn, chẳng qua là ác quả chưa đến đó thôi. Khi ác quả đã chín, thì nhân nào sẽ trổ quả nấy, như ông bà ta từng dạy: “Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.”
Pháp luật chỉ là những qui ước của xã hội, nhằm kiềm chế những kẻ xấu, không cho gây rối loạn trật tự xã hội, không cho xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác. Nó chỉ đối trị những hậu quả mà không thể ngăn ngừa từ những nguyên nhân. Nó không có tính tự giác, không thể ngăn chận những mầm móng tội ác còn đang manh nha.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn cổ xúy một xã hội rối loạn, vô luật pháp. Cho đến bao giờ chưa tìm được một giải pháp nào tốt đẹp hơn thì pháp luật vẫn là những qui định cần thiết nhằm xây dựng một xã hội có kỷ cương. Điều đó thiết tưởng không ai dám phủ nhận. Nhưng điều quan trọng hơn hết chính là những người có trách nhiệm duy trì luật pháp phải nêu cao gương tốt, có như thế mới khích lệ mọi người tuân hành pháp luật một cách nghiêm túc.
Tóm lại, để ngăn ngừa các hành vi tội ác, xây dựng mẫu người đạo đức lý tưởng, kiến tạo một xã hội an lành thật sự, thiết tưởng, chúng ta nên tìm trong di sản quí báu của ông cha để lại, rút ra những bài học sinh động, thực tiễn, từng được thể nghiệm có kết quả tốt nhất mà dùng làm phương thuốc cứu chữa căn bệnh suy thoái đạo đức trầm trọng như hiện nay. Phải chăng đó là hoài bão mà các nhà trí thức có tâm huyết từng trăn trở và lo âu cho tiền đồ của dân tộc và tương lai xứ sở thiết tha mong muốn? Và có lẽ đó cũng là niềm thao thức khôn nguôi của mọi người con dân Việt Nam yêu nước, thương nòi.
(Kỷ niệm Phật thành đạo, Pl 2535. Xuân 1992).