MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Lời ngỏ
Chương 1: Phật sống Tây Tạng
Chương 2: Một ngày sinh hoạt của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chương 3: Phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
Chương 4: Sức mạnh của lòng từ
Chương 5: Những bình diện của tâm linh
Chương 6: Tỉnh giác về cái chết
Chương 7: Viếng thăm và đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chương 8: Ngôi chùa mang tên Bồ Tát Quảng Đức trên đất Úc
Lời Giới Thiệu
“Sức mạnh của lòng từ” được thầy Thích Nguyên Tạng dịch và ấn hành nhân dịp chào mừng sự kiện thuyết pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Úc châu vào trung tuần tháng sáu, 2007.
Tác phẩm này là một tuyển tập, gồm 8 chương, trong đó chương 4, có cùng tựa đề của tác phẩm, được xem là chương trọng tâm; chương 5 khái quát các phương diện tâm linh; chương 6 thiền quán về cái chết. Hai chương đầu giới thiệu bao quát về cuộc đời và sự nghiệp của đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như thời biểu sinh hoạt thường nhật của Ngài. Chương 3 là phần vấn đáp do ký giả John Avedon phỏng vấn về sự tái sinh, cuộc đời tu học và các đức hạnh đặc biệt của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Chương 7 và chương 8 có nội dung như phần phụ lục, tường thuật các chuyến chiêm bái và thuyết pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Úc do dịch giả làm trưởng đoàn, và khái quát về tu viện Quảng Đức trên đất Úc, nơi tác giả đang tu học và hành đạo.
Theo đức Đạt Lai Lạt Ma, từ bi vượt lên trên sự đồng cảm hay thương hại, vì nó hướng đến mục tiêu thực hiện một hành động cụ thể để giúp người vượt qua nỗi khổ niềm đau. Từ bi là hành động cứu khổ ban vui khi thấy rõ tha nhân và chúng sinh là một phần của chính mình, do đó, hành động từ bi có khả năng vượt thoát mọi rào cản tôn giáo, vị thế xã hội, sắc tộc, màu da, giới tính và tuổi tác.
Óc phân biệt, theo đức Đạt Lai Lạt Ma, là một sự nguy hiểm “rắc rối và đáng sợ”, có khả năng phá huỷ mọi giá trị. Ngài kêu gọi ý thức bảo vệ sự sống, khát vọng hòa bình, cam kết bảo vệ môi sinh, xây dựng tình thân thương để các hình thức cực đoan chính trị và tôn giáo không còn cơ hội tồn tại. Đây là một mô hình “xã hội toàn cầu”, theo đức Đạt Lai Lạt Ma, có mặt “ở bên trong tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc hay địa vị xã hội”.
Về phương diện tâm linh, đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định các giá trị nhân văn và xã hội là thứ các tôn giáo chân chính có thể mang lại cho con người. Muốn thế, theo ngài, “giáo lý tôn giáo phải là một phần gắn liền với đời sống”. Sự tương tác giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo và khoa học kỹ thuật đã làm cho “thế giới trở nên gần gũi hơn, tùy thuộc vào nhau nhiều hơn”. Trên nền tảng học thuyết duyên khởi, đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi sự xóa bỏ các hình thức cực đoan chính trị và cực đoan tôn giáo, đồng thời đề cao sự rộng lượng và viên dung tôn giáo.
Xác định từ bi như là “tôn giáo toàn cầu”, đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng thân, khẩu, ý song hành với Từ bi có khả năng giải phóng mọi hận thù, chiến tranh và loại trừ. Nếu xung đột bắt nguồn từ mâu thuẫn ý thức hệ, thì từ bi là giải pháp hữu hiệu để vượt qua. Theo đó, Ngài đề cập đến một “trật tự thế giới mới” phải là một thế giới “phi quân sự hóa”, được vậy chiến tranh sẽ kết thúc, thế giới sẽ hoà bình, mọi người được cơm no áo ấm và bình an.
Ngoài ra tác phẩm còn đề cập đến nghệ thuật “tỉnh giác về cái chết”. Chết là một phần của đời sống, thay vì sợ hãi, mọi người hãy “làm cho cuộc đời có ý nghĩa, vui vẻ chấp nhận tuổi già và cái chết như là một phần của cuộc đời.” Sợ hãi và thiếu ý thức về sự chết sẽ dẫn đến nhiều bất lợi và khủng hoảng. Nhận thức quy luật vô thường diễn ra theo công thức “một thời khắc nữa đã trôi qua”, có khả năng giúp cho chúng ta “không lơ đễnh với những mục tiêu lâu dài”. Do đó, người tỉnh thức thấy rõ nhu cầu rèn tâm luyện trí là cần thiết, không lãng phí thời gian vào thế giới hưởng thụ. Ai sống bình an sẽ có cái chết nhẹ nhàng; ai sống với đạo đức và các việc lành sẽ có cái chết có ý nghĩa.
Nhìn chung, qua các bài thuyết trình và phỏng vấn, đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định giá trị Từ bi trong đạo Phật có khả năng giúp người “có thêm sức mạnh và can đảm” để sống nhẹ nhàng và hạnh phúc. Ngài khuyên rằng, chỉ cần ý thức về: “Sự thống khổ của vô số chúng sinh, thì sự đau khổ của bản thân có vẻ quá bé nhỏ”. Thấy được như thế, việc trải nghiệm lòng từ bi đối với con người, các loài động vật và môi trường không còn là chuyện quá khó khăn nữa. Tất cả nằm trong tầm nhìn và sự ứng xử có trí tuệ của chúng ta.
Giác Ngộ, ngày 18-07-2010
Thích Nhật Từ
Phó viện trưởng HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh
Lời Ngỏ
Từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Úc Châu, đây là chuyến thăm Úc lần thứ năm của Ngài để giảng dạy Phật Pháp. Mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của ngài. Bốn lần viếng thăm Úc trước đây đã diễn ra vào các năm 1982, 1992, 1996, 2002, đặc biệt trong lần viếng thăm và hoằng pháp lần thứ tư năm 2002, đã có trên 110.000 người trên khắp các thủ phủ như Melbourne, Geelong, Sydney, và Canberra đến lắng nghe ngài thuyết giảng để thay đổi và thăng hoa đời sống tâm linh của mình. Có thể nói Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà hoằng pháp vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại, và được xem là người có nhiều tác phẩm Phật học được người Tây Phương tiếp nhận và tìm đọc nhất. Tập sách nhỏ này được ấn hành trong mùa Phật Đản năm nay, là một món quà khiêm tốn dâng tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân chuyến viếng thăm Úc năm nay và cũng để chia sẻ bức thông điệp từ bi của ngài đến với mọi người trong biển đời phiền lụy và khổ đau này.
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Australia
Phật Đản lần thứ 2551- Đinh Hợi - 2007.
Thích Nguyên Tạng