Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 18-7-2010
Phiên tả: Nguyễn Anh Thư
***
Bài kinh thứ bảy thuộc kinh Bát Đại Nhân Giác có chủ đề thể hiện mối quan tâm hướng về người xuất gia, vốn là những người luôn hướng tới sự giải thoát. Do đó, để có sự giác ngộ, việc nghiên cứu phần thứ bảy của kinh Bát Đại Nhân Giác là yêu cầu không thể thiếu đối với những vị xuất gia chân chính.
Nguyên văn bài kinh như sau:
“Ngũ dục quá hoạn,
Tuy vi tục nhân
Bất nhiễm thế lạc,
Tâm niệm tam y
Ngõa bát pháp khí,
Chí nguyện xuất gia
Thủ đạo thanh bạch,
Phạm hạnh cao viễn
Từ bi nhất thiết.”
Dịch sát nghĩa là:
Năm dục tạo tội,
Người tu chốn hồng trần,
Không nhiễm vui phàm tục
Luôn nhớ ba y vàng,
Một bình bát và pháp khí.
Chí nguyện xuất gia cao thượng,
Giữ đạo hạnh thanh cao,
Giới đức sáng ngời
Từ bi tiếp đãi mọi người”.
Bài kinh như một bức tranh chân thực về đời sống tâm linh của những người nỗ lực siêu phàm thoát tục trước đời sống quá nhiều vô thường và những biến động khác.
♦ NĂM DỤC NGUY HẠI (NGŨ DỤC QUÁ HOẠN)
Khái niệm ngũ dục được Phật giáo đại thừa và truyền thống hiểu theo hai cách khác nhau dẫn đến sự khác nhau về cách thức ứng dụng giáo lý Phật, và giải quyết các vấn nạn có gốc rễ từ thế giới trần cảnh. Không thể nói khuynh hướng nào đúng và khuynh hướng nào không đúng, mà ta nên xem hai quan điểm khác biệt này là sự bổ sung cho nhau. Để tu tập vượt qua được thế giới trần cảnh thì ngũ dục của Pali và ngũ dục của kinh điển đại thừa cũng cần được quan tâm như nhau.
Trong Phật học đại thừa, ngũ dục gồm tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài không phải tài năng mà là tài sản vật chất, của báu, nói chung những gì thuộc sở hữu hợp pháp theo luật mà con người từ nỗ lực chân chính đều có thể hưởng thụ. Rất nhiều người vì muốn sở hữu nhiều mà không đầu tư hoặc đầu tư ít nên rơi vào con đường phạm pháp.
Sắc là sắc đẹp, sự thu hút giới tính. Làm bậy là tự đặt mình vào rắc rối, do đó, chủ nghĩa cư trần bất nhiễm được hình dung như hoa sen sống giữa bùn nhơ, nước đọng nhưng không vì thế mà hương sắc của hoa sen bị nhơ uế, tanh hôi. Ngược lại, hoa sen còn trở thành loài hoa có hương sắc rất đặc biệt. Lá, cọng, ngó, củ sen, hạt sen, nhụy sen đều sử dụng cho thực phẩm hay dược phẩm. Đó là một loài hoa đặc biệt nhất trong các loài hoa.
Hiện nay, Việt Nam đang thảo luận chọn quốc hoa. Đại đa số đề xuất hoa sen, nhưng một số ý kiến cực đoan cho rằng hoa sen gắn liền với Phật giáo, nếu chọn hoa sen sẽ tạo nên sự phân biệt đối xử về tôn giáo. Những giáo sư lỗi lạc hàng đầu Việt Nam đề nghị hoa mào gà, chỉ vì một lý do là tìm kiếm loài hoa chưa được quốc gia nào lựa chọn.
Mặc dù Ấn Độ đã chọn hoa sen làm quốc hoa nhưng Việt Nam vẫn có thể bình chọn trùng hợp, vì hoa sen là biểu tượng về văn hóa và triết lý gắn liền với đời sống người Việt Nam. Chẳng lẽ cái gì tốt đã được người khác sử dụng thì ta không có quyền sử dụng lại nó hay sao, trong khi ở hoa sen, ngoài những ý nghĩa văn hóa, đạo đức tâm linh của Phật giáo, còn gắn liền với văn hóa đất nước Việt Nam.
Từ năm 1975, hoa sen gắn liền với vị lãnh đạo đất nước đó là chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tường thành ở trụ sở Bộ Ngoại Giao và Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội có rất nhiều hoa sen cách điệu. Hãng hàng không Việt Nam Airlines lấy hoa sen làm biểu tượng, và còn nhiều ngành nghề khác trong xã hội cũng lấy biểu tượng hoa sen. Họ đâu nhất thiết liên hệ với Phật giáo, chỉ vì cái gì đẹp là chúng ta đều có thể chọn. Lấy hình ảnh biểu tượng này để ta thấy cư trần bất nhiễm tuy là lý thuyết nhưng lại có thật trên thực tế.
♦ TRONG ĐỜI, KHÔNG NHIỄM ĐỜI (TUY VI TỤC NHÂN, BẤT NHIỄM THẾ LẠC)
“Bất nhiễm” đối với người xuất gia thì như thế nào? Người tại gia có tu học, có ứng dụng lời Phật dạy, có tiêu hóa lời kinh thì ngoài những hoạt động thông thường như tụng kinh, bái sám, làm phước, tu đức, nghe giảng, không ăn chơi thì họ còn là những người thực tập chuyển hóa thân và tâm rất tốt. Đây là những mẫu đề “cư trần bất nhiễm” hiếm có. Ai đến chùa Ấn Quang vào lúc bốn giờ rưỡi sáng sẽ luôn thấy cảnh vài trăm người đứng ngoài sương chờ chùa mở cửa. Sau đó họ tụng thời kinh vào lúc năm giờ kém. Ngày nào cũng thế chứ không phải chỉ ba tháng an cư. Các Phật tử không ai bảo ai, có tình huống cả nhà bao gồm vợ chồng con cái cùng đi, và nó trở thành một nét đẹp văn hóa. Vì sao họ không quan trọng vấn đề hưởng thụ? Nhiều Phật tử gần như cả cuộc đời không xem ti vi, chỉ xem băng giảng pháp. Họ cho rằng xem phim mất thời gian. Ngoài ra các chương trình giải trí đôi lúc khiến tâm bị xao động. Cho nên, chọn thưởng thức Phật pháp, phim Phật giáo, nhạc Phật giáo, để tâm được tĩnh lặng. Đó là một cách cư trần bất nhiễm.
Đối với người xuất gia thì không nhiễm đời, không nhiễm những thú vui của đời là một yêu cầu không thể thiếu. Tự viện nào ít được thầy trụ trì hay người quản chúng quan tâm thì thỉnh thoảng cũng có một số tu sĩ “chưa thấm tương chao” thích nghe nhạc đời như thói quen tại gia mình từng có. Thời gian đầu vào chùa, không tiếp tục thưởng thức nhạc đời, cộng với việc say mê lời kinh tiếng kệ hoặc Phật pháp nhiệm màu, chúng ta có thể vượt qua được. Còn nếu không chuyển hóa tận gốc rễ thì sau này thọ giới tỳ kheo, trở thành đại đức hoặc sư cô, đôi lúc ta ít được người nhắc nhở, và như vậy ta càng dễ nhiễm lại thói đời mà trước đây khi còn tại gia mình đã từng bị vướng. Do đó, chúng ta phải nêu một quyết tâm và cả một tiến trình thực tập lâu dài thì mới có thể vượt qua.
Các thói đời ví như là cỏ. Những mùa nắng, cỏ không sống được nhưng không có nghĩa là cỏ chết. Các hạt giống cỏ vẫn còn ẩn náu dưới lòng đất. Chỉ cần một cơn mưa, cỏ lại bắt đầu tái sinh trở lại mà không cần bón phân, chăm sóc. Trong khi đó những hạt giống đạo đức, trí tuệ, tốt cho mình và cho cuộc đời thì có chăm sóc nhiều vẫn èo uột không sống nổi. Vì vậy, chúng ta phải nghĩ đến giá trị của những hạt giống tốt và phải chăm sóc chúng thường xuyên. Nếu dừng lại được hiểu là lạc hậu trên con đường tâm linh.
♦ BA Y MỘT BÁT (THƯỜNG NIỆM TAM Y, NGÕA BÁT PHÁP KHÍ)
Thanh bần lạc đạo được nêu ra đối với người xuất gia là “ba y một bát”. Có lẽ bản kinh này xuất hiện vào giai đoạn đầu sau khi đức Phật thành đạo cho nên chưa đề cập đến mười sáu nhu yếu phẩm khác mà các vị xuất gia thời đức Phật xem như bạn đồng hành. Chẳng hạn, mỗi người phải có một cây kim, một ống chỉ để tự may vá mà không phải nhờ Phật tử, vì nhờ Phật tử dẫn đến những hệ nhiễm. Một cái đãi lọc nước để cung cấp nước an toàn trong tiêu thụ hàng ngày; một tọa cụ đơn giản phục vụ cho việc thiền quán tu tập chuyển hóa chứ không nằm giường cao nệm ấm, v.v… Đó là một số vật dụng hữu ích mà đức Phật cho phép người xuất gia chân chính sử dụng để khỏi phải phiền lụy ai và giảm thiểu cơ hội tiếp xúc với người đời. Nhờ vậy, đời sống thanh cao dễ dàng được đảm bảo.
Ba y là yêu cầu tối thiểu nhất mà người xuất gia thời Phật sử dụng. Nói “ba y” nhưng thật ra chỉ một bộ, bao gồm: Hạ y, như chiếc xà rông hiện nay; trung y là áo ngắn; và thượng y mới chính là y cần thiết mà các vị thọ giới sử dụng. Như vậy, cùng một lúc, mỗi vị xuất gia đều mặc cả ba y. Thỉnh thoảng khi ở tăng xá, hay tịnh xá nói chung, thì y thượng, còn gọi là y tăng già lê có thể không sử dụng đến. Chỉ dùng hạ y và trung y đơn giản. Sau này, đức Phật mới cho phép thêm y tắm mưa. Hiện nay, ba y được hiểu tương đối rộng, nghĩa là ba bộ y hậu, ba cái áo tràng, và ba bộ cà sa. Có người sở hữu nhiều hơn thế.
Thời hiện đại, tu sĩ làm Phật sự nhiều hơn thời đức Phật. Họ phải lao động, dấn thân, phụng sự bối cảnh văn hóa khác xưa, thời đại cũng khác và xã hội cũng khác. Cho nên, chúng ta không thể giữ truyền thống tâm linh nguyên thủy như thời đức Phật vì nó không còn thích hợp. Sử dụng số lượng y vừa đủ là cần thiết nhưng đừng quá nhiều bởi vì nó làm chúng ta nhiễm đắm vào chủ nghĩa hưởng thụ. Thời đức Phật không có dụng cụ để ủi, ăn mặc xốc xếch, màu cũ rích. Tu sĩ dù nam hay nữ, đẹp trai hay đẹp gái, mà mặc chiếc y hoại sắc thời xưa thì nhìn không hấp dẫn chút nào, thế nhưng nó có độ an toàn trong tu tập. Còn ngày nay, một số tu sĩ mặc bộ áo trắng sáng bóng làm cho dung mạo người tu hiển lộ. Do vậy, Phật tử dễ quan tâm hơn nên khó tu hơn.
Bình bát là dụng cụ giúp chúng ta đo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hàng ngày. Đức Phật khuyên không nên ăn quá nhiều. Ăn làm sao miễn đừng kiệt sức, ăn vừa đủ để phục vụ cho việc tu hành chứ không đặt nặng về chủ nghĩa hưởng thụ. Khi ăn, đức Phật khuyên ăn theo thí tự, vật nào cúng sau thì ăn trước, cúng trước ăn sau. Bởi vì khi bỏ vào cái bát, vật cúng trước nằm bên dưới, vật cúng sau nằm bên trên. Chúng ta không nên đảo lộn vị trí để tìm cái ngon ăn trước, cái dở ăn sau. Cứ theo trình tự mà ăn chứ không phục vụ cho khẩu vị.
Ba tháng an cư, các chùa sử dụng lại truyền thống ăn bình bát, còn ngày thường thì ăn chén. Ăn bát phải ăn theo trình tự. Cứ bỏ thức ăn vào liền thấy nó giản đơn nên không còn sự chấp nhất về khẩu vị.
♦ CHÍ NGUYỆN THONG DONG (CHÍ NGUYỆN XUẤT GIA)
Một vị xuất gia rày đây mai đó với bình bát, đi thong dong trên mọi nẻo đường đời. Hình ảnh đó tượng trưng cho sự giải thoát rất cao. Việc mở mang mối đạo cũng thuận tiện.
Ngày nay chùa chiền được thiết lập, phần lớn có khuynh hướng ở trung tâm thành phố. Những nơi vành đai đất nước, những vùng thôn quê hẻo lánh, vùng sâu vùng xa thì hầu như số lượng chùa ngày càng ít. Miền Bắc còn giữ được truyền thống này, các làng xã đều có chùa. Nhiều làng xã có từ ba đến bốn ngôi chùa khác nhau. Ở miền Nam thì một số nơi có vài chục ngôi chùa trong một xã, có nơi hoàn toàn không có ngôi chùa nào. Việc phân bổ không đồng đều đó làm cho Phật tử bị thiệt thòi. Như vậy, định chế xã hội ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người xuất gia rất nhiều. Càng có chùa tập trung ở khu trung tâm nhiều chừng nào thì Phật tử vùng sâu vùng xa bị thiệt thòi chừng ấy. Việc mở mang mối đạo cũng giảm thiểu hoặc giới hạn. Ai ở thành thị lâu năm sẽ khó làm đạo ở vùng thôn quê, vì phương tiện vật chất thành thị tương đối đầy đủ, và Phật tử cúng dường cũng chu đáo hơn. Mặc dù mục đích của người tu không phải hưởng thụ những gì được cúng nhưng ở đâu thuận lợi thì người ta vẫn ưu tiên.
Ngoài ra, ở trung tâm thành phố còn được học các bậc thầy giỏi về Phật pháp, hơn rất nhiều lần so với học ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Đến khi tu tập có uy tín, có giới hạnh thì quần chúng đông. Sau này có nhu cầu cất chùa ở vùng quê của mình cũng dễ dàng hơn, làm Phật sự hanh thông hơn. Đó là lý do khách quan đưa các tu sĩ trong giai đoạn hiện tại tập trung vào thành thị, bỏ ngỏ rất lớn ở những vùng sâu vùng xa, vùng thôn quê hẻo lánh.
♦ THANH TỊNH GIỮ ĐẠO (THỦ ĐẠO THANH BẠCH)
Yếu tố giữ đạo được hiểu là trung thành với Phật pháp, bảo vệ Phật pháp, phát triển Phật pháp. Muốn như thế thì phải hiểu rõ năm đặc điểm của Phật pháp: Thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, đến để mà thấy, được người trí tán thán, giải phóng khổ đau và đưa đến sự giải thoát. Các tôn giáo thông qua kinh thánh của họ không thể có đủ năm đặc tính vừa nêu. Có một thì mất bốn, có hai thì mất ba, đôi lúc không được đặc điểm nào. Hiểu giá trị Phật pháp như thế thì ta không thể bỏ đạo, phản đạo hay đi ngược lại với lý tưởng của Phật pháp dưới nhiều hình thức khác nhau.
♦ GIỚI ĐỨC SÁNG NGỜI (PHẠM HẠNH CAO VIỄN)
Giữ giới hạnh thanh cao đây được hiểu là oai nghi, phẩm hạnh, đạo đức thông qua đi, đứng, nằm, ngồi, co duỗi, nói nín, động tịnh, thức ngủ, ta đều làm chủ được các giác quan như trong bài kinh Trung Bộ đề cập khá nhiều. Ở đây, chúng tôi xin đưa ra hai kinh nghiệm của hai trường phái thiền: Một là thiền sư Thanh Từ, hai là thiền sư Nhất Hạnh, để chúng ta tham khảo:
Sau khi nghiên cứu nhiều thiền viện khắp nơi, thiền sư Thanh Từ đã có một sáng kiến độc đáo. Đó là xây cất thiền viện gồm hai khu: Nội viện và ngoại viện. Ngoại viện bắt đầu từ chánh điện đến cổng chùa. Còn nội viện từ chánh điện đến hết khu vực của tăng xá hoặc ni xá. Phật tử vãng lai, thậm chí Phật tử làm công quả chỉ được đến tối đa khu vực chánh điện. Khu tăng xá kín cổng cao tường dành cho người xuất gia. Cho nên tương tác xã hội trong Phật sự hay làm phước cúng dường của Phật tử tại gia không động loạn gì đến việc tu học nội viện của các vị xuất gia bên trong. Nhờ thế, mức độ an toàn cho việc tu rất cao.
Chùa càng nổi tiếng chừng nào thì quần chúng đông chừng ấy. Nếu không khéo thì việc tu hành sẽ bị rớt lại tỷ lệ thuận. Chủ trương của thiền sư Thanh Từ là chuyên tu. Làm Phật sự có chừng mức và theo thuận duyên hoàn cảnh không gian thích hợp, chứ không phải lúc nào cũng làm. Cho nên cấu trúc tự viện đặc biệt khác hơn những ngôi chùa khác. Phần lớn các ngôi chùa cất theo hình chữ U, bọc chánh điện nằm chính giữa. Phòng ở các tăng xá dù vị trí nào đến chánh điện cũng gần, tiện lợi di chuyển tổ chức các sự kiện, nhưng về vấn đề quản lý tăng sự, về tâm linh và đạo đức thì khó đảm bảo như cách phân chia nội viện và ngoại viện. Đó là bài học mà ta có thể tham khảo.
Chủ trương thứ hai của thiền sư Thanh Từ, dù ở trong nội viện đó không có việc gì làm nhưng cứ hai hoặc ba tháng thì bố trí của nội viện phải thay đổi. Tu sĩ được phân công, ai học Phật pháp buổi sáng bốn tiếng, thì chiều phải lao động chấp tác bốn tiếng, và ngược lại. Quý vị đến thiền viện của thiền sư Thanh Từ sẽ thấy quanh năm suốt tháng, lúc nào các tăng sĩ cũng lao động chấp tác. Cảnh vật rất đẹp, mọi thứ đều được an bày ấn tượng nhưng thay đổi liên tục. Sau vài ba tháng đến Thường Chiếu lại thấy mới, vài ba tháng tiếp theo lại cũng thấy mới. Tạo công việc làm cho tăng sĩ để tâm tưởng không còn cơ hội nghĩ đến những chuyện đời, thoát khỏi thú vui thế gian có thể gây đắm nhiễm.
Tôi đến Thường Chiếu nhiều lần, có những lần đến vào mùa mưa thấy Hòa thượng trụ trì khoác áo mưa, đội nón lá cùng làm việc với chúng tăng trong chùa, mặc cho mưa tầm tã. Chủ trương của Hòa thượng Thanh Từ và Hòa thượng Nhật Quang là công trình nào đó dù lớn đến đâu cũng chỉ làm trong vòng một năm. Cất thiền viện to mấy ngàn người ở cũng chỉ trong một năm hoàn tất. Muốn được như thế, phải làm ngày làm đêm, bất chấp nắng mưa. Mục đích không lợi dụng sức lao động của các vị xuất gia, mà làm cho người xuất gia luôn bận rộn ngoài thời khóa bốn giờ thiền, bốn giờ học Phật pháp. Thời gian còn lại hầu như làm các Phật sự trong chùa. Cho nên, người xuất gia cảm thấy vui, tâm luôn hoan hỷ với những việc làm và làm chủ oai nghi tế hạnh trong việc làm. Đó là thiền ứng dụng, giúp không còn cơ hội nghĩ tưởng đến việc hưởng thụ đời. Một kinh nghiệm rất hay.
Còn phương pháp thiền của Thiền sư Nhất Hạnh ở làng Mai, Lộc Uyển và nhiều thiền đường nổi tiếng của thiền sư trên các quốc gia khác nhau. Khu vực tăng xá và ni xá cách xa nhau để tạo độ an toàn. Chánh điện nằm chính giữa hai khu. Mỗi buổi sáng, tăng và ni gặp nhau trên chánh điện, ngồi trái và phải, không hướng về Phật, mà ngồi đối diện nhau. Mặc dù chưa nghe thiền sư giảng nhưng chúng tôi suy luận, đây là một phương pháp tâm lý. Khuynh hướng vừa nêu rất khác truyền thống nhưng lại có thành tựu giữ được tăng chúng trong mấy chục năm qua. Tách biệt giới tính trọn vẹn thì cơ hội chuyển hóa năng lượng tính dục dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ đạt mức độ cao nhất. Nhưng nếu ai không làm được sẽ giống như một con hổ đói. Ức chế đè nén này khiến người ta dễ dàng sa đà.
Trong khi đó, thiền sư Nhất Hạnh chủ trương tăng ni cùng làm Phật sự chung, sinh hoạt tu học chung nhưng vẫn có khoảng cách an toàn. Cùng đi tập thể đến chánh điện, ni đi hàng đôi bên này và tăng đi hàng đôi bên kia. Sau khi tụng kinh cũng đi hàng đôi hoặc hàng chiếc, về lại nơi mình ở. Văn phòng làm việc bao giờ cũng có nhiều người, người này giám sát người kia, người kia hỗ trợ người nọ. Khi về thăm gia đình, như thời xưa của đức Phật, đều phải có một đồng tu đi theo. Không bao giờ được phép đi một mình. Một vị tăng có công tác Phật sự đi qua khu ni xá cũng phải đi hai người, và ngược lại.
Ít nhất phần thị dục, nghĩa là vướng bận bằng mắt vẫn có thể chấp nhận ở mức độ tương đối, còn tâm dục, khẩu dục và thân dục là không có. Cho nên, giải quyết được vấn đề tâm lý, không gây bức xúc trong chuyển hóa dẫn đến không có áp lực trong vấn đề chuyển hóa. Thỉnh thoảng, thiền sư cũng cho tăng, ni cùng đi biển chung, dĩ nhiên không mặc quần áo bơi.
Làm cùng Phật sự, cùng sinh hoạt chung sẽ có cơ hội biết hết sở trường, sở đoản của nhau. Biết nhiều sở đoản của người khác phái thì làm sao thương được. Còn không có cơ hội tiếp xúc sẽ thấy cái gì ở họ cũng lý tưởng, cũng đẹp dẫn đến vướng dính. Không bị bức ép về phương diện tâm lý nên việc nhiễm đắm đó có thể vượt qua.
Mỗi tuần làm Phật sự sáu ngày, nghỉ một ngày, thiền sư gọi là “ngày làm biếng”. Một ngày thong dong bách bộ ngắm trăng, thưởng thức trời xanh, gió thoảng, mây bay, không phải làm việc gì; đến giờ ăn thì trở về ăn chung, sau đó mỗi người lại tự đi thư giãn. Qua một ngày thư giãn, đến ngày kế tiếp thì các Phật sự sẽ được tốt hơn; khi tụng kinh cũng sẽ không có cảm giác mình đã biết rồi, thuộc rồi, và không rơi vào trạng thái bão hòa. Đó là ứng dụng tâm lý trong tu tập. Hai mươi mấy năm thành lập làng Mai, theo thống kê cho thấy việc tu bị rơi rớt chỉ khoảng từ tám đến mười ba phần trăm. Trong khi đó, ở các tu viện Việt Nam cũng như các nước khác, mức độ tu rớt từ ba mươi đến sáu mươi phần trăm, ngoài tỉ lệ rơi rớt trong thiền viện của Thiền sư Thanh Từ, chưa đến tám phần trăm vì có độ an toàn của nội viện và ngoại viện.
Dù ai cũng có lý tưởng mong được giải thoát vượt qua khỏi những trở ngại nhưng phương tiện thuận lợi cho việc tu phải có nhiều thì niềm đam mê, niềm hạnh phúc vào Phật pháp mới làm cho người ta tu một cách bền vững. Chủ trương của chúng tôi là làm nhiều Phật sự. Đừng để mình rảnh rỗi. Thời gian rảnh phải làm, không làm thì học, không học thì nghiên cứu, không nghiên cứu thì chế tác, dịch thuật. Tìm kiếm một cái gì đó để làm thì người xuất gia sẽ thấy mình hữu dụng, có lợi ích cho cuộc đời, cho xã hội, cho tha nhân. Không lý do gì mà mình trở về đời sống tại gia. Chúng ta an vui hạnh phúc rồi thì đâu màng tới hạnh phúc trần đời nữa. Nơi chỉ chuyên tu, không làm gì cả, trong môi trường như thế, ai thăng tiến được sẽ tiến bộ rất nhanh, nhưng ai không tiến được cũng sẽ ra đời rất nhanh. Vì khi nghĩ lại bản thân mình tu không tới đâu, cũng không giúp ích gì cho ai, dẫn đến chán nản. Khi chán rồi, chỉ cần một tác động nhỏ, hoặc có một sợi dây luyến ái nào đó, người tu sẽ dễ dàng dính mắc và ra đời.
Người Phật tử nên hiểu những vấn đề nêu trên để hỗ trợ người tu tu tốt. Phát tâm cúng thì cúng cho chùa, cúng chung chứ không cúng riêng. Khi thấy chùa nào chủ trương làm nhiều Phật sự thì cũng đừng phê phán tiêu cực rằng chùa đó không tu gì. Thực ra, làm việc cũng là một cách tu. Tu cốt để rèn tâm luyện tánh, làm chủ các giác quan, làm chủ cảm xúc, nhận thức về hành động; còn rảnh rỗi suốt ngày thì khó làm chủ được mình. Dân gian có câu “Nhàn cư vi bất thiện”, rảnh rỗi nhiều đôi lúc làm chuyện tào lao, hoặc chuyện không ra gì, còn bận rộn làm chuyện tốt thì sẽ không có cơ hội làm chuyện xấu.
Chúng ta có thể phối hợp cả hai truyền thống thiền của Thiền sư Thanh Từ và Thiền sư Nhất Hạnh, mỗi cách đều có cái hay riêng. Về mức độ an toàn trong thiết kế tự viện và quản trị tự viện, thì mô hình nội viện và ngoại viện của Thiền sư Thanh Từ là rất chuẩn mực. Còn về mô hình làm Phật sự thì phương pháp của thiền sư Nhất Hạnh là thuận lợi, không đè nén cho cả tăng lẫn ni. Tất cả cùng làm Phật sự, đóng góp nhiều mà độ an toàn khá cao theo tinh thần Phật dạy ngày xưa.
♦ TỪ BI HÓA ĐỘ (TỪ BI NHẤT THIẾT)
Hóa độ đòi hỏi lòng từ bi và trí tuệ. Lúc mới phát tâm dấn thân làm Phật sự thì từ bi được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì phải lấy trí tuệ đi đầu, sau đó mới từ bi. Lúc mới tu đừng làm nhiều Phật sự, đừng dấn thân nhiều, đừng tiếp xúc nhiều, vì tiếp xúc nhiều sẽ dễ ngộ nhận giữa mủi lòng tình cảm và từ bi. Sự khác biệt chỉ trong gang tấc, thiếu kiểm soát thì tình cảm được hiểu là từ bi và từ bi là tình cảm, do đó dẫn đến sự gãy đổ rất lớn trên đường tu. Còn đi bằng trí tuệ, ta sẽ hiểu rõ động cơ, mục đích dấn thân, đối tượng giáo hóa, việc gì nên làm trong giai đoạn này thì làm, còn việc gì chưa nên làm thì sẽ làm trong tương lai, nhờ thế mà độ an toàn được đảm bảo khá cao. Khi đã có trí tuệ, chắc chắn từ bi sẽ đồng hành, vì trí tuệ không bao giờ là trí tuệ suông. Trí tuệ bao giờ cũng gắn liền với sự ứng dụng mang lợi lạc cho tha nhân. Cho nên, tự động từ bi có mặt khi trí tuệ hiện hữu. Còn đang thực tập từ bi, vươn tới từ bi mà không phát triển trí tuệ hay nhận thức chân chính về Phật pháp thì từ bi đó chưa phải là từ bi, và dễ dàng gãy đổ. Đó là điều chúng ta không thể không biết đến.
Để hóa độ thành công, chúng tôi xin trích dẫn tóm tắt nội dung bài kinh “Đoạn trừ phiền giận” thuộc về kinh Trường A Hàm, cũng có bản tương tự trong Tăng Chi, tập ba. Bài kinh này do tôn giả Xá Lợi Phất chia sẻ với các vị đồng tu, các vị xuất gia trẻ.
Sáng sớm, sau khi thiền quán, tôn giả tập hợp chúng và nói: “Hôm nay tôi hân hoan xin chia sẻ với các huynh đệ đồng tu về nội dung của những điều tôi quan tâm, gồm năm phương diện. Thực tập được năm phương diện này, chúng ta mới có thể hóa độ cuộc đời và không rơi vào trạng thái phiền hay giận. Bởi vì phiền giận là phiền não nên càng phải tránh xa”.
- Tình huống thứ nhất: Người có hành động thân khó ưa nhưng lời nói lại dễ thương, hướng về cái thiện. Có thể kiến thức họ chưa đến, phương pháp họ chưa rành, đụng đâu hư đó, làm đâu trở ngại đó và tham gia vào chỗ nào thì gây rắc rối chỗ đó; nhưng lời nói của họ chia sẻ cho thấy họ có tấm lòng thật sự thì không vì những trục trặc của hành động mà ta trở nên phiền giận họ, hoặc bỏ đi cơ hội giúp đỡ họ. Từ bi nên được thể hiện một cách trọn vẹn.
Tôn giả đưa ra một ẩn dụ rất sâu sắc. Cũng giống như đống rác có nhiều vật nhơ uế, phân, nước tiểu, đàm dãi, giòi bọ; những phản ứng hóa chất bốc mùi tanh hôi khó chịu. Ta hãy thử bới móc trong đống rác, chắc hẳn sẽ nhặt được những vật còn lành lặn bị vứt bỏ bởi những người giàu không có nhu cầu sử dụng nữa. Hãy nhặt lại, mang về giặt rửa và phục vụ cho những mục đích khác.
Mỗi người đều có tật xấu của hành động tay chân, nhưng nếu họ có cái đẹp về lời nói thì ta chỉ cần hỗ trợ họ đừng làm dở về hành động thân nữa. Dần dà, họ sẽ trở thành một người tốt. Cho nên từ bi có cơ hội được sống.
- Tình huống thứ hai: Người có lời nói khó ưa, dễ ghét, vô duyên nhưng hành động của họ tốt đẹp bởi họ không có cơ hội được truyền trao hay tiếp nhận kinh nghiệm của những người lịch thiệp trong cuộc đời. Có tấm lòng nhưng hễ nói ra cứ sang sảng, không trước sau, không quan tâm những điều mình nói sẽ làm thương tổn người khác. Những người như thế, thay vì chúng ta ghét bỏ họ thì hãy khởi lòng từ bi giúp đỡ họ.
Ngài Xá Lợi Phất đưa ra một ẩn dụ cái ao nước. Một người vừa mệt lả, vừa nóng nực, vừa khát. Nhìn thấy ao nước, anh ta sẽ rất mừng, cởi áo đặt trên bờ ao. Mặc dù mặt hồ nước có rất nhiều bèo, lục bình,… nhưng anh không màng. Anh cứ bước xuống dạt bèo và lục bình ra. Anh ta đi ra giữa hồ nơi nước ở độ sâu nhất và sạch nhất, rồi múc nước mang vào bờ sử dụng.
- Tình huống thứ ba: Người có hành động thân dễ ghét, lời nói cũng khó ưa nhưng có tấm lòng tốt. Rất nhiều người rơi vào tình huống như thế. Người ta không biết cách thể hiện nên thường làm cho người khác khó chịu. Chúng ta không vì thế mà cô lập, ghét bỏ, đì đọt họ. Hãy tạo điều kiện giúp họ khắc phục hai sở đoản để dễ dàng thành công trong tương lai.
Ngài Xá Lợi Phất đưa ra một ví dụ. Một người đói khát và mệt lả đi tìm thực phẩm nhiều ngày không có, dẫn đến trạng thái tiêu phẫn thậm chí muốn kết liễu đời sống của mình. May mắn, anh ta phát hiện những dấu chân trâu. Sau cơn mưa, nước đọng lại trong những lỗ dấu chân trâu này. Ngài Xá Lợi Phất khuyên rằng, đừng tự ái mà bỏ mất cơ hội tiếp tục được sống, biết đâu sự sống của ta làm được nhiều việc thiện cho mình và cho người. Ngài khuyên trong tình huống ấy, hãy dùng lá tạo thành phễu để múc nước uống. Hoặc nằm sát xuống mặt đất, dùng tư thế hai tay chống và dùng miệng mình húp lấy nước ở vũng dấu chân trâu nhằm thoát khỏi cơn khát. Đừng để mình chết lãng xẹt, không đem lại lợi ích cho ai.
- Tình huống thứ tư: Hành động xấu, lời nói vô duyên, tâm thì ác độc. Ngài Xá Lợi Phất nói, cũng không vì thế mà ghét bỏ họ. Hãy xem ta là người đang thực tập hạnh Bồ tát, có mặt trên cuộc đời để làm những việc khó làm. Thay vì ghét bỏ họ, chối bỏ họ thì hãy tạo cơ hội giúp đỡ họ trở thành người hiền lương; xã hội sẽ bớt đi nỗi khổ niềm đau do sự lây lan bởi những hành động tiêu cực này.
Ngài đưa ra một ẩn dụ, một người bị bệnh hiểm nghèo không có khả năng tự chữa trị. Các dịch vụ y tế chối bỏ. Anh ta lê lết ngoài đường và muốn chết. Một người khác có lương tâm đi ngang thấy vậy, liền gác lại công ăn việc làm của mình để đưa người bệnh này đến bệnh xá. Sau đó, mời lương y đến điều trị thậm chí bỏ tiền túi giúp anh ta qua cơn hiểm nghèo. Động cơ này hoàn toàn vì tha nhân, vì lòng từ bi để người bệnh có cơ hội tái sinh lại lần thứ hai. Cho nên, muốn từ bi độ nhất thiết, chúng ta phải phát xuất từ cái tâm giống như ví dụ vừa nêu. Không ai là thứ bỏ đi. Hay nói cách khác, theo bài kinh này, ai cũng có cái dễ thương để chúng ta giúp đỡ vượt qua khó khăn trước mắt.
- Tình huống thứ năm: Hành động tay chân rất lợi lạc cho mọi người, lời nói có văn hóa rất lợi ích, thiết lập hòa bình, có ý nghĩa, có giá trị. Ý thức và tâm bao giờ cũng nghĩ đến cái tốt, cái tích cực, cái đạo đức văn hóa và tâm linh, luôn thương người và muốn giúp đỡ. Đó là người quá tuyệt hảo. Ngài Xá Lợi Phất nói, đừng vì thế mà ỷ lại. Người đó sẽ trở thành đối tượng bị ghét bỏ của thế giới đen, của xã hội ngầm, của bóng đêm, những kẻ bất lương, hay những người xấu. Họ bị ghét và hãm hại còn nhiều hơn những người xấu nữa. Người xấu có luật pháp trừng phạt, một số giang hồ trừng phạt. Còn lại, có ai đi ghét bỏ và xử lý những người như thế. Trong khi đó, người tốt và không được bảo hộ sẽ bị kẻ xấu tấn công dưới nhiều góc độ khác nhau. Ngài Xá Lợi Phất khuyên hãy bảo hộ những người như thế. Đừng lo cho bản thân, đừng sợ liên lụy, rồi cầu an, an phận thủ thường mà những mầm mống tốt, những hạt giống, những hành động tốt, những con người tốt không có cơ hội gieo rắc điều tốt trong cuộc đời.
Một lời khuyên khác, hãy nên thân cận gần gũi để học những đức tính vô úy của người có bản lĩnh tốt như vừa nêu. Tán dương công đức của họ, để cái tốt được nhân rộng.
Đó là năm tình huống, thông qua đó ta thấy việc tìm kiếm những giá trị tích cực ở một con người không phải là chuyện quá khó như “thắp đuốc ban đêm đi tìm vàng”, hay “mò kim đáy biển”. Áp dụng công thức này, chúng ta hãy thử liệt kê những điểm tích cực, những cái hay, cái tốt của người mà mình cho là khó ưa, khó thương và dễ ghét nhất. Ta sẽ thấy ưu điểm rất nhiều, không có gì đáng bỏ, không có người nào là vô dụng. Nếu ta biết khai thác, khích lệ, tạo điều kiện cho người đó làm mới hoặc đôi lúc ta phớt lờ khuyết điểm không đáng, không hại gì đến ai, thì những ưu điểm sẽ được hiển bày.
Áp dụng lời dạy vừa nêu, người tại gia cũng có thể độ được người thân của mình, vợ độ chồng, chồng độ vợ, cha mẹ độ con cái, con cái giúp đỡ cha mẹ, anh chị em giúp đỡ lẫn nhau, người thân quyến giúp đỡ họ hàng, thân hữu, các thành phần trong xã hội giúp đỡ và cùng nhau vượt qua những khó khăn. Phát xuất từ cái nhìn sâu sắc đó, ta mới dễ dàng nuôi hạt giống từ bi, thể hiện hành động từ bi và làm từ bi một cách trọn vẹn. Còn không, ta dễ chán nản bỏ cuộc nửa chừng, đặc biệt khi giúp ai đó nhưng họ cứ khư khư, cố chấp, bảo thủ, không chịu thay đổi; hoặc khi giúp đỡ lại bị họ phê bình, chỉ trích, bị nói ra nói vào. Có trí tuệ đi kèm với từ bi, nhưng độ nhất thiết tất cả mọi người trong cuộc đời hay những người thân thương của chúng ta không phải là chuyện quá khó. Cứ liệt kê những điểm tích cực ở họ, đôi lúc ta thấy nổi trội hơn những điều tiêu cực nữa.
Tóm lại, “sống đời thanh cao” mặc dù nội dung dành cho người xuất gia nhưng người tại gia có thể học, và việc áp dụng sẽ làm cho ta trở thành những chân nhân trong cuộc đời. Đối với người tại gia, quán về tội lỗi và hoạn nạn do hưởng thụ quá mức ngũ dục sẽ giúp họ sống không tiêu xài hoang phí, không thấy khoái lạc giác quan trở thành cứu cánh của cuộc sống. Cho nên, bên cạnh những gì họ có, họ có thể chia sẻ cho người khác.
Ba y một bát, ăn mặc giản đơn, tiêu thụ ít thì người tại gia cũng có thể học dưới hình thức biết đủ và dừng đúng để ta kiệm phước, bồi phước, ngày càng tăng trưởng phước.
Về vấn đề thanh cao, giữ đạo đức, giữ phạm hạnh thì người tại gia có thể chung thủy một vợ một chồng. Dù bị tấn công, mua chuộc, ép buộc, năn nỉ, thậm chí dùng chiêu thuật nước mắt, ta cũng có thể vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Đối với từ bi, người tại gia biết nâng tình thương trở thành mức từ bi giúp người thân, độ người thân. Áp dụng được như thế thì cả đời lẫn đạo đều có giá trị.
***