“THÀNH KÍNH DÂNG LÊN GIÁC LINH HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỔNG MINH”
Trưởng ban Pháp tạng Phật giáo Việt Nam
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Chương 1: Đức Phật
Chương 2: Quan điểm đạo Phật
Chương 3: Thánh đế thứ nhất
Chương 4: Thánh đế thứ nhì
Chương 5: Thánh đế thứ ba
Chương 6: Ba nhóm của bát thánh đạo
Chương 7: Thánh đế thứ tư
Chương 8: Suy nghĩ chân chánh
Chương 9: Lời nói chân chánh
Chương 10: Hành động chân chánh
Chương 11: Đời sống chân chánh
Chương 12: Nỗ lực chân chánh
Chương 13: Nhớ nghĩ chân chánh
Chương 14: Định chân chánh
Kết luận
LỜI GIỚI THIỆU
“Theo dấu chân Bụt” của HT. Piyaddassi do sư cô Diệu Nghiêm dịch là tác phẩm chuyên sâu về con đường chuyển hoá khổ đau, được đức Phật công bố tại vườn Nai, Varanasi, Ấn Độ, khoảng 2 tháng sau khi ngài trở thành bậc Toàn giác. Như tựa đề của tác phẩm, Theo dấu chân Bụt khắc hoạ tấm bản đồ hoằng hoá của ngài, bắt đầu bằng sự giới thiệu về cuộc đời của đức Phật cũng như nền tảng minh triết được ngài truyền bá. Sự mô tả khái quát này rất cần thiết cho người muốn tìm hiểu triết lý của Phật.
Sự đóng góp của tác phẩm này cho thấy đức Phật là nhân cách lịch sử, bậc vĩ nhân trên các bậc vĩ nhân, nhà minh triết xứng đáng ngồi riêng một chiếu, mặt khác khẳng định rằng lời giảng dạy của ngài trong suốt 45 năm (49 năm theo Bắc tông), sau gần 26 thế kỷ tồn tại vẫn tiếp tục chứa đựng các đặc điểm: Đến để mà thấy, thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, được người trí tán dương và có khả năng giải quyết khổ đau, đưa đến hạnh phúc.
Toàn bộ các dấu chân tâm linh được đức Phật đi qua trên đất nước Ấn Độ thời cổ đều chứa đựng trên nền tảng của bài kinh Bốn chân lý thánh (Tứ Diệu Đế). Bài kinh đầu tiên mang tính lịch sử này là một khám phá mới về con đường giác ngộ mà hơn 3000 năm có trước, chủ nghĩa thần bí Bà-la-môn giáo chưa hề biết đến, do giam nhốt mình trong ách nô lệ thượng đế và các thần linh.
Động cơ dẫn đến sự ra đi lớn (xuất gia), khước từ việc kế ngôi vua, trở thành nhà tâm linh vĩ đại của đức Phật chính là do ngài nhận ra và trở nên bất lực trước cảnh sanh, già, bệnh, chết. Chủ nghĩa thần bí Bà-la-môn giáo và các tôn giáo nhất thần hay đa thần nói chung, xưa cũng như nay, đều quy kết vào quyền uy thưởng phạt đã được an bài của Thượng đế, vốn không có thực. Nhận thấy được sự vô lý trong việc truy nguyên nguồn gốc khổ đau của kiếp người và các loài chúng sinh, đức Phật đã thực hiện con đường tâm linh toàn mãn bằng thiền quán, chuyển hoá tham sân si - ba gốc rễ của bất hạnh - thành tựu trí tuệ, giải thoát khỏi sự trói buộc của ba cõi và sáu đường. Thay vì đổ lỗi cho thượng đế và các thần về khổ đau của chính mình, đức Phật chỉ ra các nguyên nhân sâu xa và những tác động tiêu cực.
Theo đức Phật, nguồn gốc của khổ đau là do con người đắm nhiễm vào tham ái, chấp dính vào ý niệm cái tôi và cái tôi sỡ hữu và sự thiếu sáng suốt về bản chất thế giới, nhân sinh và mọi hiện hữu. Sự chấm dứt khổ đau, do đó, theo đức Phật không gì khác hơn là các mắc xích nguyên nhân khổ đau vừa nêu. Khi tham ái, chấp ngã và vô minh và những dây mơ rễ má của chúng được chuyển hóa đến tận gốc rễ, một người phàm sẽ trở thành bậc giác ngộ. Công thức tuyên bố về sự kết thúc khổ đau được chứa đựng trong đoạn văn sau đâu: “Tái sanh đã hết, hạnh thánh đã tròn, việc nên đã làm, không còn sanh tử”.
Hoá ra, con đường giác ngộ không có gì là thần bí đến độ không thể thực hiện được. Giác ngộ là sự giải phóng tham, sân, si và mọi khổ đau, chứ không phải là cảnh giới thiên đường tồn tại sau khi chết. Bậc giác ngộ vẫn tiếp tục hành trình cuộc sống, nhưng khác với người thường ở chỗ mỗi động tác đi đứng nằm ngồi, co duỗi, nói nín, động tĩnh và thức ngủ đều an trú trong dòng chảy chánh niệm và tỉnh thức. Sở dĩ như thế là vì bậc giác ngộ đã làm chủ được các phản ứng giác quan, cảm xúc, thái độ và hành vi. Lời nói, việc làm và ứng xử của bậc giác ngộ có khả năng giải phóng khổ đau, mang lại niềm vui, hướng đến Niết bàn. Để đạt được các giá trị tâm linh này, hành giả cần tinh chuyên thực tập con đường thánh gồm tám yếu tố: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Mọi yếu tố trong con đường tám yếu tố vừa nêu được tác giả dành cho mỗi chương độc lập. Bên cạnh việc phân tích chi tiết sự ứng dụng của con đường, tác giả đã trích dẫn kinh điển Pàli để người đọc có thể dễ dàng đối chiếu và nghiên cứu chuyên sâu. Trong các tác phẩm viết cùng đề tài, có thể nói tác phẩm này là đầy đủ nhất và có giá trị ứng dụng nhất.
Giá trị của con đường có khả năng dẫn ta đến sự chứng nghiệm an vui, giác ngộ và giải thoát. Con đường giác ngộ đã có sẵn trước khi đức Phật ra đời. Con đường được tái xác định kể từ khi đức Phật lịch sử khám phá nó. Con đường tiếp tục có giá trị cho những ai biết trân quý hạnh phúc của mình đi trên nó. Con đường là của các bạn và tất cả chúng ta. Để thực hiện con đường, quyển Theo dấu chân Bụt được xem là người đồng hành khả tín và đáng trân trọng, giúp mình tự khám phá nền minh triết sâu sắc của đức Phật, có khả năng mang lại hạnh phúc. Con đường đang chào đón các bạn. Giờ đây, kính mời quý độc giả hãy cùng nhau lên đường.
Giác Ngộ, ngày 25-08-2010
Thích Nhật Từ
Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
LỜI NÓI ĐẦU
Hai ngàn năm trăm năm trước tại vườn Lộc Uyển ở Sar-nath, Ấn Độ, gần thành phố cổ Ba La Nại, bức thông điệp của Đức Phật đã vang lên, tạo nên một cuộc cách mạng tư tưởng và đời sống cho loài người. Dù trong lần tuyên thuyết đầu tiên chỉ có năm đạo sĩ được nghe Thánh giáo này, nhưng cho đến nay thông điệp này đã thẩm sâu trong an lạc đến tận những góc trời xa lạ nhất của thế giới, và nhân loại rất cần được hiểu rõ hơn và sâu sắc hơn về ý nghĩa của nó.
Trong những năm gần đây nhiều bài chú giải giáo lý của Đức Phật được viết bằng Anh ngữ đã xuất hiện, nhưng đa phần thiếu chính xác và không nói lên được một cách đúng đắn lời Phật dạy. Dù khả năng hạn chế, song tôi nguyện cố gắng đảm đương công việc sắp xếp lại giáo lý Đức Phật cho chính xác như đã có trong tạng kinh Pali, tripitaka, của phái Nguyên Thủy, một hệ phái đã duy trì được truyền thống đạo Phật lâu đời nhất và trung thành nhất. Do đó, cuốn sách này tường thuật toàn diện khái niệm trọng tâm của đạo Phật, Tứ Diệu Đế, đặc biệt nhấn mạnh về Bát chánh đạo là Đạo Phật ứng dụng thực tế (Pháp hành) để đưa con người đến chỗ giải thoát. Tôi xin đặt tên cho cuốn sách này là “Ancient Path” (tức Đường Xưa), đúng theo những từ mà Đức Phật đã dùng khi Ngài đề cập đến Bát Chánh Đạo.
Chương đầu, với tính cách một lời dẫn nhập nói về đời sống Đức Phật, và chương hai đưa ra quan điểm chính xác của đạo Phật. Tứ Diệu Đế và Bát chánh đạo được thảo luận đầy đủ chi tiết trong những chương kế tiếp và dành nhiều chỗ để nói về thiền định Phật giáo nơi chương 12, 13 và 14 như đã tìm thấy trong những bản luận hay những bài pháp của Đức Phật.
Giờ đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn trước tiên đến Thượng toạ Nyanaponika, người đã gợi ý và khích lệ tôi viết cuốn sách này trong khi tôi đang ở tại Viện (Rừng) Senanayaka, Kandy, Tích Lan, để cùng ngài có nhiều cuộc thảo luận rất lý thú về đề tài này và tìm hiểu thêm những điểm đặc biệt. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài Francis Story, Khất Sĩ Sugatananda, đã hoan hỷ đọc hết bản thảo đánh máy, và đã cho nhiều đề nghị lợi ích và giá trị. Tôi cũng tri ân Tỳ kheo Jinaputta, các Ngài V. F. Gunaratna, Ủy nhiệm viên công cộng của Tích Lan, R. Abeysekara và D. Munidasa đã giúp đỡ và khuyến khích tôi rất nhiều. Tôi cũng xin ghi lại nơi đây lòng tri ân sâu xa của tôi đối với bốn thành viên nổi bật của Giáo hội, các Ngài Thượng toạ: Metteyya, Soma, Kassapa và Nana-moli là những vị tôi đã hợp tác trong hơn một thập niên. Nhiều cuộc thảo luận sống động mà tôi đã cùng tham dự với các ngài về giáo pháp đã gợi nên nguồn cảm hứng cho tôi. Nay các ngài không còn nữa! Những cuộc hội ngộ đều kết thúc trong sự chia ly! (samyogã viyogantã) Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi xin tri ân ông K.G. Abbeysingha đã làm việc không hề mệt mỏi, đánh máy toàn bộ bản văn này
PIYADASSI
Vajiràràma
Colombo 5, Ceylon