(Chánh Mạng: Sammà-Àjìvà)
Yếu tố thứ ba và cũng là cuối cùng trong nhóm Giới là Chánh Mạng, nó có liên quan đến việc cấm không được mua bán vũ khí và những khí giới giết người, mua bán thú vật để giết thịt, mua bán người, những thức uống làm say sưa và thuốc độc. Mặc dù Đức Phật chỉ đề cập năm loại, nhưng như chúng ta biết là còn có nhiều cách kiếm tiền sai trái khác nữa. Chúng ta phải nhớ rằng Đức Phật lúc đó đang giáo hoá xã hội Ấn Độ trong thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, cũng như ngày nay gồm hầu hết là nông dân, người chăn gia súc và thương buôn. Chúng ta để ý thấy một điều lý thú là trong kinh điển Phật giáo có những đoạn mô tả một cách sinh động đời sống của nông dân và người chăn gia súc. Bài pháp thứ hai và thứ tư của Tập Bộ Kinh (Sutta-nipàta) đưa ra bằng chứng rộng rãi về sự kiện này. Ấn Độ là một xứ nông nghiệp và chính phủ không theo thể chế “dân chủ.” Hầu hết các quốc gia đều là phong kiến dưới quyền cai trị của một vị vua chúa, như trong trường hợp bộ tộc của Đức Phật là dòng Thích Ca, nhưng cũng có những nước cộng hoà như Licchàvis do một nghị viện các Trưởng lão và những người đứng đầu cai trị. Trong các vương quốc, vị vua (Ràjà) là người trị vì mà mọi người đều phải thần phục và trung thành. Vì việc kiếm sống hạn chế nên Đức Phật chỉ cảnh giác năm hạng người trong số họ.
Chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Phật chỉ dạy cho công chúng về những hậu quả xấu ác đã gây ra và những lợi lạc của đời sống chánh đáng. Trong Bộ Kinh (Nikàyas), đáng kể là trong Trường Bộ Kinh (Dighà Nikàya) và Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya), chúng ta tìm thấy những bài thuyết pháp về đời sống mà nhà cai trị phải theo để lãnh đạo đất nước. Trong đó có quy định tuyệt đối nhà vua nên cai trị theo chánh pháp (Dhammena) và không nên tà vạy, phi pháp (A-dhammena). Các nhà cai trị, ngoài việc giữ gìn cùng những giới cấm như các thần dân của họ, còn phải có tất cả những phẩm chất thiện lành để làm gương tốt cho cả nước noi theo. Kinh sách Phật giáo đưa ra “Thập Vương Pháp” (Dasa- Ràja-Dhamma) mười bổn phận hay mười nguyên tắc cai trị theo Chánh pháp (dhammena) của một vị vua: bố thí, ban phát khoan dung; trì giới, sống đạo đức; hy sinh, không vị kỷ, công bằng lương thiện, mềm mỏng nhu hoà, không sống đời xa hoa và tự tiết chế, không sân, không bạo ngược, kiên nhẫn và có tính cách dễ chịu (Dàna, sìla, paiccàga, ajjava, maddava, tapa, akkodha, avihimà, khanti, avirodha). Như Đức Phật đã chỉ rõ, chính người cai trị trước tiên nên an trú trong Giáo pháp, mộ đạo, hiếu thảo và chân chánh, tránh các tội lỗi và cứ như thế mà lãnh đạo thần dân. Ngài dạy: “Nếu một người, được coi như số một trong dân chúng mà sống không chân chính, thì những người khác còn có đáng nói đến nữa không? Họ sẽ theo cái gương đó. Nếu vị lãnh đạo không chân chính thì toàn thể vương quốc họ sống trong thống khổ... Nếu họ sống chánh đáng thì những người khác sẽ đua nhau sống tốt, và toàn thể vương quốc sống trong hạnh phúc.” (Tăng Chi Bộ Kinh. ii.74)
Không bao giờ được thoả mãn với vinh dự đã đạt được, nhà vua hay người trị vì tử tế và đầy đủ bổn phận đối với thần dân, họ phải “giống như một người cha nhân từ đối với đàn con.” (Tăng Chi Bộ Kinh. ii.74) Nhà vua mà hay đam mê lạc thú và say sưa với tư tưởng quyền lực thì không được ca ngợi và sẽ bị khinh rẽ (Tương Ưng Bộ Kinh. i.100). Để được chánh đáng, lương thiện và ngay thẳng đối với mọi người, không thiên vị hay biệt đãi ai, vua còn phải tránh được bốn lối cư xử sai trái đối với người dân vì lòng riêng tư theo bốn bất thiện pháp, đó là tham (Chanda), sân (dosa), si (bhaya) và sợ hãi (moha).
Về mặt này, Đại đế A-dục vương của Ấn Độ do cuộc sống gương mẫu của ông về sau trở nên nổi tiếng là Dhammasoka, tức là A-dục- Pháp vương, có thể được xem là một trong những nhà cai trị chân chánh, khôn ngoan và nhân từ của mọi thời. Điều này đã được thể hiện trong các sắc dụ của ông:
“Mọi người đều là con cái tôi.”
“Cũng giống như việc tôi muốn cho con cái tôi hưởng được mọi trù phú và hạnh phúc trong đời này đời sau, tôi cũng muốn cho mọi người đều được như vậy.”
“Tôi nên làm cho thế giới này được an lạc. Từ nơi tôi thế giới này phải nhận được hạnh phúc chứ không phải đau khổ.”
“Không có bổn phận nào cao cả hơn việc làm tăng thêm hạnh phúc cho toàn thế giới.”
“Tôi phải làm việc vì lợi ích của cả thế gian.”
Người ta có thể nói mà không chút hoài nghi rằng vua A-dục, người đã đi theo lời khuyên của Đức Phật trong việc cai trị quốc gia một cách chân chánh, đó là một nhà cai trị mẫu mực, như H.G. Wells đã viết: “Trong số hàng chục ngàn nhà độc tài... chứa đầy những cột lịch sử, tên tuổi của vua A-dục hầu như duy nhất đã chói sáng và chói sáng như một vì sao.”
Đã hai mươi ba thế kỷ trôi qua, từ lúc đó mọi vật dường như đã thay đổi xấu đi và dường như con người càng ngày càng ít quan tâm đến sự an lạc của đồng loại. Họ không ngần ngại dùng mọi phương cách để chiếm đoạt mọi vật mà họ ham muốn, ngay cả việc bành trướng sự tước đoạt mạng sống của người khác.
“Trong thế giới tân tiến hiện nay, Chánh mạng có thể là một trong những giới luật khó tuân thủ nhất. Rất nhiều loại công việc có hại cho xã hội và không xứng cho một người Phật tử chân chính. Có những công nghệ sản xuất vũ khí và chiến tranh hạt nhân, buôn bán rượu, và chất gây nghiện, những nghề dính líu đến việc sát hại hay mổ xẻ thú vật,... Đạo Phật không phải là một tôn giáo có đầu óc hạn hẹp, mà nhìn nhược điểm của con người với sự hiểu biết và thông cảm. Thế nhưng người Phật tử chân thật không thể nào dạy cho người ta nguyên tắc đạo đức mà lại đi nuôi sống mình bằng một nghề có đạo đức thấp kém.” (Mind Unshaken, John walters - 1961)
Giới luật về Chánh mạng được đề ra để mang lại hạnh phúc thật sự cho cá nhân và xã hội, và làm tăng sự đoàn kết cùng những mối quan hệ thích đáng giữa người với người. Một cách sống sai lầm và không đúng đắn mang trong nó hậu quả của đau khổ, bất hoà và rối ren cho toàn xã hội. Khi một người hay một cộng đồng không chống chọi nổi với cái thói ác bóc lột của người khác thì cái xấu ác đó sẽ ngăn trở sự an lạc và hoà hợp xã hội. Chính sự quá ích kỷ và tham lam đã thúc đẩy một người chấp nhận những cách sống sai trái và bất hợp pháp. Loại người như thế hoàn toàn không biết đến sự mất mát và đau khổ gây ra cho người lân cận và cho xã hội. Cho nên Đức Phật dạy: “Đừng vì chính mình hay vì người khác mà làm bất kỳ một điều xấu ác nào. Đừng vì thèm muốn một đứa con trai, sự giàu có hay một vương quốc, hay mong muốn đạt đến thành công bằng những phương tiện bất chính. Một người như thế đúng là đạo đức, trí tuệ và chân chính.” (Pháp Cú.84)
Đức Phật không phải là không biết những gánh nặng mà người cư sĩ tại gia phải mang vì vợ con họ, cho nên Ngài không mong người tại gia giữ cùng các giới luật như Ngài trông đợi ở các tu sĩ. Nhưng Ngài nhấn mạnh là người cư sĩ nên cố gắng nhiều để tuân thủ ít nhất là năm giới tu tập, sự bắt buộc đạo đức tối thiểu của một con người bình thường, và họ nên cố gắng nuôi sống bằng phương tiện chân chính, bằng lối cư xử chân chánh để hỗ trợ cho vợ con. Cách kiếm sống bằng phương tiện bất chính và không đúng chánh pháp – bằng cách sát sinh, trộm cắp, lường gạt, bằng sự không lương thiện và bằng mánh khoé gian trá, không thể được coi là sống đời chân chánh. Về phương diện đạo đức đó là lối sống không chân chính, phi pháp (A-Dhamma-Cariya) một cuộc đời không ngay thẳng, một cuộc sống bất chánh (Víamma cariyà).
Đức Phật không coi thường hàng cư sĩ tại gia, Ngài cảm thông với những nhược điểm và thiếu sót của họ. Trước hết, xã hội bao gồm không những các tu sĩ khổ hạnh và những người sống ẩn dật đã từ bỏ nhà cửa trở thành kẻ không nhà, mà còn gồm cả những nam nữ cư sĩ tại gia, họ chiếm một số lớn trong xã hội, mà sau cùng họ chính là một tập hợp của “các đơn vị xã hội,” sự an sinh hay khổ sở của xã hội tuỳ thuộc vào những cá nhân đó. Nếu cá nhân tốt và có đời sống tử tế thì tự nhiên xã hội không thể bị xấu đi được.
Một số bài pháp như Kinh Ưu-bà-tắc Sigàla (Trường Bộ Kinh, ii. 31), được gọi một cách chính xác là Giới luật của người cư sĩ tại gia, Kinh Những Điều Kiện Cho Hạnh Phúc (Vyagghapajja-sutta), v.v... được Đức Phật đặc biệt dạy cho người thế tục, tỏ rõ mối quan tâm của bậc Đạo Sư về cả sự an lạc vật chất lẫn sự phát triển tinh thần của hàng đệ tử cư sĩ. Trong bài pháp cho Sigàla trẻ tuổi, bậc Đạo Sư giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản những bổn phận đầy đủ của một nam cư sĩ đối với mọi người có liên quan: những bổn phận hỗ tương giữa cha mẹ với con cái, thầy giáo với học trò, chồng với vợ, bạn bè, họ hàng, chủ với tớ; và bổn phận đối với những người đại diện tôn giáo, tức là các tu sĩ và bậc phạm hạnh. Bằng cách này Đức Phật khuyến khích người cư sĩ sống đời chân chánh, làm tròn bổn phận hết khả năng của mình và không để sót điều gì.
Chú giải về Kinh Sigàla, bà C. A. F. Rhys Davids nói:
“Giáo lý của Đức Phật về tình yêu thương và lòng tốt giữa người với người ở đây khởi đi trong một đạo đức gia đình và xã hội với nhiều chi tiết bao hàm hơn bất kỳ ở đâu... Và thật vậy ngay lúc này chúng ta có thể nói về giới luật hoặc nguyên tắc giới luật là có liên hệ đến quyền lợi rất là căn bản của con người; cái trí tuệ đã hình dung ra chúng thật là lành mạnh và rộng lớn, và những lời nói thốt ra thật mới mẻ và thực tiễn gắn liền với bây giờ và tại đây giống như chúng đã từng gắn liền như thế ở thành Vương-xá. Thật diễm phúc thay cái ngôi làng hay bộ tộc ở bên bờ sông Hằng, nơi người ta có đầy tinh thần từ ái của sự cảm thông lẫn nhau! Thật diễm phúc thay cái tinh thần bình đẳng cao cả đã phả hơi thở qua những câu nói đơn sơ và chất phác!”
Như chúng ta biết rõ, sau khi đạt được giác ngộ viên mãn, không phải lúc nào Đức Phật cũng giam mình nơi thất vắng mà Ngài đã đi lang thang từ làng mạc, thị trấn này qua làng mạc, thị trấn kia, qua những con đường lớn, những đường mòn ở Ấn Độ. Ngài đi với tính cách một con người bình dân hơn là một nhà quý tộc. Vua chúa và các ông hoàng đến với Ngài để được hướng dẫn và giáo huấn, nhưng bậc Đạo Sư thì đến với lớp người nghèo khổ, người thấp kém và kẻ mất mát để giúp đỡ họ. Ngài biết nhân dân từ tầng lớp thấp nhất trong đời sống cho đến tầng lớp cao nhất và biết rõ những điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế của Ấn Độ đương thời. Như thế Ngài không giới hạn những bài giảng pháp và những cuộc thảo luận vào những vấn đề triết học cao cả và tâm lý học cao cấp. Với tư cách là một người thầy thực tế có lòng từ bi và sự hiểu biết vô hạn, Ngài lo lắng tới sự an lạc hạnh phúc về xã hội và kinh tế của quần chúng và bằng lời khuyên Ngài luôn luôn mong muốn giảm bớt sự khốn khổ của người dân, mong muốn thấy rằng mọi người sống không quá khổ sở. Đúng là hạnh phúc chân thật xuất phát từ một cuộc sống trong sạch và an lạc; và cũng rõ ràng là không có một mức độ an toàn về vật chất và kinh tế thì không thể đạt được một tiến bộ về đạo đức và tinh thần.
Đối với một tu sĩ có bốn nhu yếu (catupaccaya) giúp cho họ sự tiến lên trên con đường tịnh hoá và giải thoát. Đó là ăn, mặc, ở và thuốc men. Đây là những nhu cầu tối thiểu nếu không có nó không người nào có thể sống còn. Về căn bản đó cũng là những nhu cầu nền tảng của một cư sĩ tại gia.
Thông thường Đức Phật hay hỏi các Tỳ-kheo khi gặp họ: “Các ông thế nào, các ông có khỏe không? Tôi tin các ông khoẻ và các ông không thiếu thức ăn.” (Trung Bộ Kinh. 31; Tăng Chi Bộ Kinh. i.70) Có câu chuyện cảm động của một người chăn gia súc đang khi tìm kiếm con bò đi lạc, đã mất bữa ăn trưa của mình. Trên đường về mệt mỏi và đói, ông ta đến chỗ Đức Phật để nghe Ngài thuyết pháp. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn biết rằng người này trọn ngày đã không ăn gì, nên Ngài hỏi xem trước tiên có thể cho ông ta ăn gì không. Đức Phật biết rằng chẳng có lợi ích gì khi thuyết pháp cho một người mà trước đó không giúp cho họ hết cơn đói. Chính vào dịp đó bậc Đạo Sư đã dạy:
“Đói bụng, bệnh tối trọng.”
Thân xác khổ vô vàn.
Hiểu đúng sự thật ấy
Đạt vô thượng Niết-bàn”. (Pháp Cú. 203)
Mặc dù Đức Phật không cho rằng sự tiến bộ vật chất hoặc sự an lạc của thế giới là quá quan trọng trong ý nghĩa hiện nay, nhưng Ngài cũng không hoàn toàn lơ là điều đó, vì nó là căn bản cho sự tiến bộ tâm linh và tinh thần của mọi người như đã nói ở trên. Như vậy Đức Phật nói rất thật về vài khía cạnh của những điều kiện vật chất và hạnh phúc xã hội.
Phải công nhận một sự thật là sự nghèo đói là nguyên nhân chính của tội lỗi. Nếu người ta bị tước đoạt bốn thứ cần thiết nói trên, những nhu cầu tối thiểu, hay nếu những nhu cầu này hiếm hoi, nhất là thức ăn, thì tâm người ta không an lạc. Họ không thể và không nghĩ đến hành vi đạo đức hay nghĩ đến cuộc sống chân chánh. Nhu cầu không có luật lệ và họ chiếu cố đến những phương cách bất chánh, không ngay thật để đoạt lấy một kế sinh nhai. Vì thiếu bảo đảm kinh tế và tiền bạc nên người dân bị dẫn dắt đến chỗ phạm tội trộm cắp và những tội lỗi khác. Kinh Răng Bò (hay “Cứu-la-đàn-đầu”, Kùtadanta-sutta) (Trường Bộ Kinh. 42) cho biết cách để nâng cao những điều kiện xã hội và kinh tế của quốc gia; nông dân và thương buôn phải được những phương tiện dễ dãi cần thiết để thực hiện việc canh tác kinh doanh, và Kinh nói rằng người dân phải được trả lương thích đáng. Như vậy khi họ có đủ vật chất và được bảo đảm về kinh tế, tội phạm được giảm bớt và hoà bình hoà hợp tăng lên.
Trong một bài pháp khác Đức Phật giải thích cho ông Cấp-cô-độc, người đã thành lập cho Ngài tịnh xá Kỳ viên, về bốn loại hạnh phúc mà một người cư sĩ phải thọ hưởng. Hạnh phúc đầu tiên là sự sở hữu, tức sự bảo đảm về kinh tế để họ có đầy đủ phương tiện bằng sự cố gắng của mình được luật pháp chấp nhận, không cần đến năm nghề đã nói chi tiết ở trên; hạnh phúc thứ hai là niềm vui được của cải, tức là hạnh phúc có được do sự tiêu xài theo luật định những của cải hợp pháp; thứ ba là hạnh phúc không bị mắc nợ, niềm vui và sự hài lòng đến với ý nghĩ: “Tôi không mắc nợ ai cả”; thứ tư là hạnh phúc không bị quở trách, đó là sự hài lòng có từ ý nghĩ: “Ta được cái phước không có những hành động đáng trách về thân, khẩu, ý.” (Tăng Chi Bộ Kinh.ii.69)
Tất cả những bài thảo luận và những bài pháp trong Đạo Phật đều cho thấy rằng người cư sĩ với tư cách là một thành viên xã hội phải làm việc chăm chỉ để nuôi sống và làm lớn mạnh cái vị trí kinh tế xã hội của họ để khỏi trở thành một gánh nặng cho chính mình và cho người khác, nhưng đồng thời họ cũng phải tránh những lối sống sai lầm, bất chánh và không đi chệch khỏi con đường của bổn phận và tính ngay thẳng.
Sự giáo hoá và lời khuyến cáo của Đức Phật về Đời Sống Chân Chánh được nhắm đến cho cả người cư sĩ lẫn các thành viên của tăng đoàn. Ngài giải thích rõ ràng cho hàng đệ tử rằng lối sống của thầy Tỳ-kheo nên tuyệt đối trong sạch và không gian lận. Bậc Đạo Sư thật sự rất nhấn mạnh về vấn đề này, Ngài dạy:
“Này các thầy Tỳ-kheo, bất cứ Tỳ-kheo nào lường gạt, ngu xuẩn, nói phù phiếm, xảo quyệt, sân hận, kiêu mạn, không trầm tĩnh – những Tỳ-kheo như thế không phải là môn đồ của Như Lai. Họ đã rớt ra khỏi Giáo pháp-Giới luật, cũng không lớn lên được, không tăng trưởng được và thịnh vượng chánh đáng ở trong Giáo pháp-Giới luật.” Bậc Đạo Sư còn dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, đời sống thánh triết là sống không lường gạt nhân dân, cũng không âm mưu, không cầu lợi lộc và đặc ân, cũng không vì danh dự, nó không phải để chuyện phiếm và nói vớ vẩn như trẻ con, cũng không có ý đồ: “Hãy để cho người ta biết mình là như thế này thế nọ.” Nhưng này các thầy Tỳ-kheo, đời sống thánh triết cốt vì sự tiết chế, vì sự buông xả, vì sự không tạo nghiệp, vì sự đoạn diệt.” (Tăng Chi Bộ Kinh .ii.26)
Như trong bài pháp “Xuất gia” đã chỉ rõ chính Đức Phật hướng dẫn và làm gương cho hàng đệ tử khi Ngài dạy:
“Bỏ gia đình, xuất gia
Bỏ mọi lời ác khẩu
Bỏ các hành bất thiện
Đời sống ta thanh tịnh.”
Vấn đề tránh phạm vào năm loại buôn bán sai trái không đề ra trong trường hợp của tu sĩ vì họ không được kinh doanh, và họ không có bổn phận chăm sóc đời sống gia đình. Họ đã từ giã gia đình và sống đơn giản với ít nhu cầu. Đức Phật đã dạy, bổn phận của người cư sĩ thành tâm là cúng dường cho tu sĩ bốn nhu yếu: y áo, đồ ăn thức uống, chỗ ở và thuốc men. Tu sĩ là người đã đi trọn vào đời sống thánh triết, họ nên tránh sống bằng những phương tiện sai trái vì nếu họ không trong sạch và thanh tịnh trong đời sống thì họ không thể theo con đường tịnh hoá với bất kỳ mức độ tin tưởng quả quyết và hài lòng nào. Cho nên Đức Phật dạy:
“Quả vậy đó là con đường dẫn đến thế lợi, còn con đường dẫn đến Niết-bàn là khác hẳn hoàn toàn. Các thầy Tỳ-kheo, hàng đệ tử Phật hãy hiểu được như thế, không đắm say những đặc quyền đặc lợi và sự tôn vinh của thế tục, mà phải tu tập hạnh xả ly”. (Pháp Cú.75)
Với chương này chúng ta kết thúc bài thảo luận về Nhóm Giới thuộc Tám Con Đường Chân Chánh. Trong hai chương vừa qua chúng ta đề cập đến Lời Nói Chân Chánh, Hành Động Chân Chánh, hai yếu tố này cùng với Đời Sống Chân Chánh đã tạo thành giới luật Phật giáo hay Đạo đức học Phật giáo. Một lần nữa sự kiện này được làm sáng tỏ trong câu nói cô đọng của Đức Phật trong bài kinh số 78 thuộc Trung Bộ Kinh:
“Này các gia chủ, những thói quen đạo đức thiện lành là gì (thiện giới: kusasilam)? Đó là những hành động thiện của thân, việc tốt của khẩu, và ta tuyên bố rằng trong những thiện giới, đó là sự thanh tịnh hoàn toàn của đời sống. Những điều này được gọi là những bài học đạo đức hiền thiện. Và đâu là nguồn gốc của những bài học này?... Đó là Tâm ý... Tâm ý nào? Có nhiều tâm ý khác nhau. Tâm ý đó thoát khỏi tham, sân và si. Từ đó có những bài thiện giới...”
Lời nói và hành động là sự biểu lộ của tư tưởng. Trong Phật giáo cả động cơ và kết quả đều nên được quán sát. Tuy nhiên dù động cơ tốt đến đâu nếu kết quả không đi đến chỗ lành mạnh thì chúng ta cũng nên tiết chế những lời nói và hành động sai lầm đó.