Đức Phật đại từ bi nhập diệt, nhưng chánh pháp tuyệt diệu mà Ngài để lại trọn vẹn cho nhân loại vẫn còn trong sáng như thủy tinh. Mặc dù Đức giáo chủ không để lại những ghi chép về giáo lý của Ngài, các đệ tử ưu tú vẫn bảo trì những giáo lý ấy bằng ký ức, và truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Pháp có phải là triết lý không?
Hệ thống triết lý và đạo đức ôn hòa do đức Phật thuyết giảng không đòi hỏi lòng tin mù quáng của tín đồ, không truyền bá giáo điều độc đoán, không khuyến khích lễ nghi mê tín, mà chủ trương một đường lối trung dung cao quí tuyệt hảo, hướng dẫn môn đệ theo nếp sống thanh tịnh và tư tưởng thanh tịnh, được gọi là Pháp hay thông thường hơn, là Phật pháp.
Đức Phật đại từ bi nhập diệt, nhưng chánh pháp tuyệt diệu mà Ngài để lại trọn vẹn cho nhân loại vẫn còn trong sáng như thủy tinh. Mặc dù Đức giáo chủ không để lại những ghi chép về giáo lý của Ngài, các đệ tử ưu tú vẫn bảo trì những giáo lý ấy bằng ký ức, và truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay sau khi Ngài nhập diệt, 500 A La Hán ưu tú chuyên về Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) đã triệu tập một đại hội để nghe giáo lý nguyên thủy do chính Đức Phật dạy. Tôn giả A Nan[1], người may mắn đặc biệt được nghe tất cả những lời Phật dạy, đã đọc lại Pháp, còn Tôn giả Ưu Ba Li (Upali)[2]đọc lại Luật.
Tam Tạng (Tipitaka) do những vị A La Hán xưa kia sưu tập và xếp đặt theo thể loại, còn giữ được cho đến ngày nay.
Vào triều đại vua Sinhala Vattagamani Abaya, khoảng năm 83 trước kỷ nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam Tạng được ghi chép trên lá bối tại Tích Lan. Tam Tạng đồ sộ này chứa đựng tinh hoa giáo lý của Đức Phật, ước chừng 11 lần khối lượng Thánh kinh Cơ Đốc (Bible). Sự tương phản đáng chú ý giữa Tam Tạng và Thánh Kinh là Tam Tạng không phát triển tuần tự như Thánh Kinh.
Tam Tạng gồm có: Tạng Kinh (Sutta Pitaka), Tạng Luật (Vinaya Pitaka) và Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka).
Tạng Luật: Được coi như chỗ dựa chính của giới xuất gia độc cư (đó là Tăng-già) có tính lịch sử xưa nhất - phần chính chứa đựng những giới điều và kỷ luật mà Đức Phật đã tuyên bố, tùy theo sự việc xảy ra, để làm giới luật tương lai cho chúng Tỳ Kheo (Bhikkhus) và Tỳ Kheo ni (Bhikkhunis). Nó mô tả chi tiết sự phát triển tuần tự của sự truyền giáo, đời sống và việc làm của đức Phật cũng được ghi chép. Một cách gián tiếp, nó cũng tiết lộ một số tin tức quan trọng và hữu ích về lịch sử xa xưa, những tập tục, nghệ thuật, khoa học v.v... của Ấn Độ.
Tạng này bao gồm 5 bộ phận sau đây:
1. Ba la di (Pàràjika): Tội nặng
2. Ba dật đề (Pàcittiya): Tội nhẹ
3. Đại phẩm (Mahàvagga): Tiết lớn
4. Tiểu phẩm (Cullavagga): Tiết nhỏ
5. Toát yếu (Parivàra): Toát yếu luật
Kinh Tạng: Gồm những bài pháp chính yếu do đức Phật thuyết giảng, tùy theo những trường hợp khác nhau. Cũng có một vài bài pháp do một số đệ tử ưu tú của đức Phật như Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta)[3]A-nan (Ananda) Mục-kiền-liên (Moggallana)[4] v.v... thuyết giảng, được đưa vào đó. Kinh Tạng như một bộ sách hướng dẫn các phương thuốc, vì các bài thuyết giáo trong đó đức Phật trình bày tùy theo những hoàn cảnh khác nhau và những căn tính của những người khác nhau. Có thể có những lời nói bề ngoài như mâu thuẫn, nhưng chúng ta không nên hiểu lầm là Đức Phật đã phát biểu nhất thời để cho thích hợp với một mục tiêu đặc biệt:
Ví dụ, cùng một vấn đề, khi thì Ngài giữ im lặng (nếu người hỏi là kẻ vấn nạn ngu si) hoặc giải đáp tỉ mỉ khi Ngài biết rõ người hỏi là kẻ nhiệt thành tìm hiểu. Phần lớn những bài giảng nhằm mục đích làm lợi cho các Tỳ kheo, liên quan đến đời sống phạm hạnh và giải thích học thuyết.
Cũng có nhiều bài giảng khác liên quan đến sự tiến bộ tinh thần và vật chất của các tín đồ tại gia.
Tạng này được chia thành 5 bộ hay 5 tập:
1. Trường bộ kinh (Digha Nikàya): Tập hợïp những bài kinh dài.
2. Trung bộ kinh (Majjhima Nikàya): Tập hợïp những bài trung bình.
3. Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikàya): Tập hợïp những bài kinh cùng loại.
4. Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya): Tập hợïp những bài kinh được phân loại theo thứ tự.
5. Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikàya): Tập hợïp những kinh nhỏ.
Bộ thứ 5 được chia nữa thành 15 quyển:
1. Những bài Pháp ngắn (Khuddaka Pàtha).
2. Pháp cú (Dhammapada).
3. Phật thuyết như vậy (Iti Vuttaka).
4. Kinh tập (Sutta Nipàta).
5. Sự tích các cung trời (Vimàna Vatthu).
6. Sự tích ngạ quỷ (Peta Vatthu).
7. Kệ tụng của trưởng lão Tăng (Theragàthà).
8. Kệ tụng của trưởng lão Ni (Therigàthaø).
9. Sự tích Bản sinh (Jàtaka).
10. Giải thích (Niddesa).
11. Phân tích bằng trí tuệ (Patisambhidaø).
12. Đời sống của các A-la-hán (Apadàna).
13. Lịch sử của đức Phật (Buddhavamsa).
14. Những cách ứng xử (Cariyà Pitaka).
15. Phật tự thuyết (Udana).
Tạng A-tỳ-đàm (Abhidhamma Pitaka): Quan trọng hơn cả và ý nghĩa nhất trong ba Tạng, chứa đựng triết lý thâm trầm của giáo lý đức Phật, trái với những bài pháp sáng sủa và giản dị nhất trong Tạng Kinh.
Tạng Kinh trình bày giáo lý ước lệ (Vohàrade- sanà), còn Tạng Luận trình bày giáo lý cứu cánh (Paramattha desanà).
Đối với các bậc hiền triết, Tạng Luận là một chỉ nam tối cần thiết; đối với người có tinh thần tiến bộ, nó là một lạc thú tinh thần, và đối với những học giả khảo cứu, nó là món ăn cho tư tưởng. Những tư tưởng được phân tích và xếp loại phần lớn theo quan điểm đạo đức. Những trạng thái tâm lý được kể ra. Thành phần của mỗi loại ý thức được liệt kê với những chi tiết. Những tư tưởng khởi lên như thế nào đều được mô tả tỉ mỉ. Những vấn đề không quan trọng mà nhân loại chú ý, nhưng không liên quan đến sự thanh tịnh hóa của chúng ta, đều bị gạt bỏ.
Vật chất được phân tích tóm tắt, những đơn vị căn bản của vật chất, những đặc tính của vật chất, nguồn gốc của vật chất, mối tương quan giữa tâm và vật đều được giải thích.
Luận Tạng khảo sát tâm và vật - hai thành phần cấu tạo của cái gọi là hữu thể - để giúp chúng ta hiểu các sự vật như thật, và một triết học đã được phát triển theo chiều hướng ấy. Dựa vào nền tảng triết học đó, một hệ thống đạo đức được khai triển để thực hiện mục đích cứu cánh- Niết bàn.
Luận Tạng (Abhidhamma Pitaka) gồm có 7 bộ:
1. Pháp tập luận (Dhamma Sangani): Phân loại các pháp.
2. Phân biệt luận (Vibhanga): Sách phân loại.
3. Luận sự (Kathà Vatthu): Những điểm tranh luận.
4. Nhân thi thiết luận (Puggala Panõnõatti): Mô tả về cá nhân.
5. Giới thuyết luận (Dhàtu Kathà): Tranh luận liên quan đến giới.
6. Song luận (Yamaka): Những vấn đề xếp theo từng cặp.
7. Phát thú luận (Patthàna): Những nguyên nhân.
Trong Tam Tạng chúng ta tìm được sữa cho trẻ em và thức ăn cho người lớn, vì Đức Phật đã dạy giáo lý của Ngài thích hợp cho giới bình dân và cả giới trí thức. Chánh pháp vi diệu được bảo tồn trân trọng trong những bộ sách thiêng liêng này, liên quan đến các chân lý và các sự kiện, và không liên hệ đến những triết thuyết có thể được chấp nhận như những chân lý thâm trầm hôm nay nhưng ngày mai phải bỏ đi. Đức Phật không trình bày cho chúng ta những triết thuyết mới mẻ, làm ta kinh ngạc, Ngài cũng không phiêu lưu tạo ra bất cứ thứ khoa học vật chất mới mẻ nào. Ngài mô tả những vấn đề nội tâm và ngoại giới liên quan mật thiết đến sự giải thoát của chúng ta, và cuối cùng mở ra con đường giải thoát, đó là con đường duy nhất. Nhưng ngẫu nhiên Ngài đã đi trước nhiều nhà khoa học và triết học hiện đại.
Schopenhauer[5] trong tác phẩm “Thế giới như là Ý chí và Ý niệm” đã trình bày chân lý về sự đau khổ và nguyên nhân của nó theo cách thức Tây phương. Spinoza[6] dù không phủ nhận có một thực tại thường hằng, vẫn khẳng định rằng tất cả cuộc sống lâu dài cũng đều tạm bợ nhất thời.
Theo quan niệm của ông, đau khổ được đối trị “bằng cách tìm ra một đối tượng tri thức không biến đổi, không tạm bợ, mà bất dịch, vĩnh cửu và trường tồn”. Berkeley[7] chứng minh rằng cái gọi là nguyên tử bất phân chỉ là một giả thuyết siêu hình. Hume,[8] sau một chuỗi phân tích tỉ mỉ nội tâm, đã kết luận rằng ý thức bao gồm những trạng thái tâm lý chớp nhoáng. Bergson[9] chủ trương lý thuyết vô thường. Prof James[10] nhắc đến một dòng ý thức.
Đức Phật đã mô tả giáo lý Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha), và Vô ngã (Anatta) này từ 2500 năm trước, khi Ngài sống tại lưu vực sông Hằng (Ganges).
Chúng ta nên biết rằng đức Phật không dạy tất cả những gì mà Ngài đã giác ngộ. Có lần, khi đi ngang qua một khu rừng, đức Phật cầm lên nắm lá trong tay, và nói: “Này cáùc Tỳ Kheo, những gì ta đã nói cũng ví như những chiếc lá trong tay của ta, những gì ta không nói cũng ví như tất cả lá trong khu rừng.”
Ngài dạy những gì Ngài xem là thiết yếu tuyệt đối cho sự thanh tịnh hóa của chúng ta, Ngài không phân biệt giữa giáo lý công truyền (hiển giáo) và giáo lý mật truyền (Mật giáo). Ngài đặc biệt im lặng đối với những vấn đề không liên quan đến thiên chức cao cả của Ngài.
Phật giáo chắc chắn thích hợp với khoa học, nhưng chúng ta phải xem cả hai như những thuyết lý song hành. Vì khoa học chỉ nhắm vào những chân lý trong lãnh vực vật chất, còn Phật giáo tự giới hạn vào những chân lý trong lãnh vực đạo đức và tâm linh. Đề tài của mỗi bên đều khác nhau.
Pháp do Phật dạy không phải chỉ để bảo tồn trong kinh điển, cũng không phải là một đề tài để nghiên cứu theo quan điểm lịch sử và văn học. Trái lại, pháp cần phải được học hỏi và đem ra thực hành trong đời sống của chúng ta, vì không thực hành thì chúng ta không thể nào đánh giá được chân lý. Pháp phải được nghiên cứu, hơn nữa phải được thực hành, và trên tất cả là phải được chứng ngộ, chứng ngộ ngay hiện tại là mục đích cứu cánh của pháp. Pháp ví như một chiếc bè chỉ nhằm mục đích duy nhất là vượt qua biển sinh tử (Samsàra).
Do đó, không thể giới hạn Phật giáo vào triết học, vì Phật giáo không phải chỉ là “niềm ưa thích tìm tòi tri thức”. Phật giáo có thể tương tự với triết học, nhưng Phật giáo còn quán triệt hơn nhiều.
Triết học chỉ chuyên về tri thức, và không liên quan đến thực hành, còn Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh đến thực hành và chứng ngộ.
[1]. A Nan (Ananda): Em họ của Phật. Một trong mười đệ tử lớn của đức Phật, ông là vị đa văn đệ nhất, có công kết tập kinh tạng.
[2]. Ưu Ba Ly (Upàli): Một trong 10 đệ tử lớn của Phật, có công đầu trong việc kết tập Luật Tạng.
[3]. Xá Lợi Phất (Sàriputta): Một trong 10 đệ tử lớn của Phật, được xem là trí tuệ đệ nhất.
[4]. Mục Kiền Liên (Moggallàna): Một trong 10 đệ tử lớn của Phật, ông là bậc thần thông đệ nhất.
[5]. Schopenhauer (1788-1860): Triết gia người Đức danh tiếng, được xem như nhà sáng lập triết học yếm thế của Tây phương, vào tiền bán thế kỷ XIX.
[6]. Spinoza (1632-1677): Triết gia Hòa Lan rất nổi tiếng trong thế kỷ XVII, có công canh tân triết học và Tôn giáo lúc bấy giờ.
[7]. Berkeley (1685-1753): Nhà triết học và vật lý học.
[8]. Hume (1711-1776): Triết gia Tô Cách Lan, chủ trương thuyết hoài nghi, không tin Tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo.
[9]. Berggon (1859-1941): Triết gia Pháp, bác bỏ thuyết thực nghiệm (Positivism) đương thời, nhấn mạnh thuyết nhị nguyên (dualism) giữa năng lực động và vật chất tĩnh. Đoạt giải Nobel văn học năm 1927.
[10]. James (1818-1889): Nhà vật lý học người Anh, chuyên nghiên cứu về điện và từ.