Theo tâm lí thông thường, người nào khi nói về mình hay những gì liên quan đến mình thường bị người khác cho là chủ quan, tự đề cao và thiên vị. Vì vậy mà ít thuyết phục đối với những người ngoại cuộc. Để tránh mối nghi ngờ về tính chất thiên vị, người viết xin trích dẫn một số ý kiến của các nhà trí thức tên tuổi, giàu công tâm – nhưng không phải là Phật tử– nhận định về Phật giáo, bao gồm trong mấy điểm kể sau, để giúp quí độc giả (đặc biệt là các bạn đọc ngoài Phật giáo) tham khảo.
1. ĐỨC PHẬT, MỘT BẬC VĨ NHÂN
“Đức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại, một bậc kỳ tài mà chúng ta từng thấy trên hoàn vũ nầy. Ngài trình bày những chân lý có giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ riêng cho Ấn Độ mà cho tất cả nhân loại”. Đó là lời phát biểu của Albert Schweitzer, một triết gia Tây phương.(1)
“Các bạn thấy rõ Ngài là một con người đơn giản, chân thành, lẻ loi, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng; một nhân vật sống thật chứ không phải là huyền thoại. Trong số các nhân vật siêu phàm, tôi chỉ thấy có một người, đó là đức Phật.” [H.G. Wells](2)
Trên đây là một số ý kiến suy tôn Đức Phật, và sau đây là những nhận định về giá trị của đạo Phật.
2. ĐẠO PHẬT, MỘT TÔN GIÁO CAO SIÊU
Học giả Trần Trọng Kim (1882-1953) đã phát biểu về giá trị đạo Phật: “Đạo Phật trước hết chỉ là đạo triết lý và luân lý mà thôi. Cái triết lý Phật giáo là cái triết lý cao minh, lấy nhân quả mà suy luận, tìm thấy nhân duyên của tạo hóá, phá tan cái màn mờ tối che lấp sự sáng tỏ, cắt đứt cái lưới mộng ảo nó trói buộc người ta vào sinh tử khổ não mà đem người ta vào chỗ thanh tịnh an vui.
“Cái luân lý của Phật giáo là luân lý chân chính phổ biến khắp nhân chúng trong thiên hạ, lấy vô lượng từ bi mà yêu người thương vật, lấy lòng bác ái mà tế độ chúng sinh, không phân biệt người với ta, không có giai cấp sang hèn. Đối với thân mình thì trừ bỏ hết những điều điên đảo giả dối, gian tà bạo ngược, lúc nào cũng lấy sự chân thật nhân hậu mà đối với mình và đối với người. Nếu người đời biết theo cái luân lý ấy thì làm gì có những cuộc chiến tranh và những cảnh tàn khốc, làm cho người đời đã khổ lại khổ thêm.”(3)
Cũng nhằm đề cao Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu (1873-1929) nói: “… Đương thời, ngoài Nho giáo ra, còn có một luồng ánh sáng muôn trượng làm sáng rỡ lịch sử Trung Quốc, đó là Phật giáo. Từ Lục triều đến Tuỳ Đường, trong một khoảng thời gian mấy trăm năm, những kẻ sĩ chí cao, hạnh khiết, học vấn uyên thâm, tư tưởng xuất chúng đều đem nhau đi vào trong phạm vi của Phật giáo.”(4)
Tương tự hai học giả trên, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) cũng nhìn nhận đạo Phật là cao cả: “Giáo lý Phật chuộng sự thanh đạm, thoảng không mọi nỗi, siêu việt thế tục, lắng hết căn trần, không để ngoại vật ràng buộc được bản thân. Đó cũng là cách độc thiện kỳ thân của bậc cao minh. Những lời đàm luận sâu xa về đạo đức, rộng rãi về hình thần đều hàm chứa ý nghĩa thâm sâu huyền diệu. Bọn Nho sĩ chúng ta nếu cứ giữ thành kiến kỳ thị đạo nọ đạo kia, mà điều gì cũng biện bác chê bai, thì sao cho phải?
“Kinh Lăng Nghiêm là một cuốn kinh mà ý nghĩa rất huyền bí. Không những nghĩa lý của cuốn kinh Phật giáo này sâu rộng mà văn pháp của kinh cũng rất cao diệu. Cách thí dụ và bàn cãi thật là rành rõ như kẽ tóc chân tơ; lời le có khí thế hùng tráng như sông nghiêng núi đổ. Sách nói đức Pháp vương là tay đại hùng biện, quả đúng như vậy.”(5)
Những điều cao siêu vừa nêu do chính đức Phật phát minh. Hơn nữa, Ngài còn là một vị lương y, và giáo pháp của Ngài chính là phương thuốc chữa bệnh cho chúng sinh vô cùng hữu hiệu.
3. ĐỨC PHẬT, BẬC LƯƠNG Y; PHẬT PHÁP, PHƯƠNG THẦN DƯỢC
Tiến sĩ Edward Conze phát biểu: “Đức Phật giống như một lương y. Một bác sĩ phải biết chẩn đoán các loại bệnh tật, nguyên nhân căn bệnh, thuốc giải độc và phương pháp chữa trị, và phải biết áp dụng phương pháp cho thích hợp, cho nên đức Phật đã dạy Tứ diệu đế (Bốn sự thật): chỉ rõ sự hiện hữu của đau khổ (Khổ đế), nguyên nhân của đau khổ (Tập đế), sự diệt khổ (Diệt đế) và phương pháp diệt khổ (Đạo đế).(6)
Edward Conze cho rằng đức Phật là một vị lương y biết bệnh cho thuốc, thế thì phương thuốc của Ngài có công dụng như thế nào? Dudley Wright nhận xét: “Ngày nay, chúng ta nghe nói rất nhiều về sức mạnh tinh thần, thiết nghĩ Phật pháp là một hệ thống huấn luyện tinh thần hữu hiệu và hoàn hảo nhất đã được trình bày trước thế giới từ trước đến nay.”(7)
Hơn nữa, chính vào những giai đoạn đất nước chuyển mình thay đổi, thì Phật giáo càng tỏ ra là một phương thuốc cứu đời hữu hiệu: “Đạo ấy (đạo Phật) vốn không bao giờ can thiệp đến việc chính trị trong nước, thế mà về đường tinh thần lại có ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình và phong tục của người trong nước. Bởi vậy cho nên muốn tìm cách duy trì đạo ấy, nhất là trong lúc giao thời, mới cũ xung đột, chưa biết lấy gì làm chuẩn đích cho sự sinh tồn, thì đạo ấy chính là món thuốc cứu đời rất hay.”(8)
Cùng có ý kiến như ông Nguyễn Năng Quốc trên đây là cách nhìn Phật giáo của nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng: “Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia chớ ở xứ khai thông chậm trễ, dân trí mù mờ như xứ ta, tôn giáo còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống cái thuyết từ bi cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực hành theo có bổ ích cho chúng sanh không phải là ít, chưa nói đến Niết bàn là chỗ Thượng thừa cao xa.”(9)
Những phương thức vừa kể trên đây có thể chữa bệnh cho chúng sinh một cách cụ thể bằng hành động từ bi cứu khổ.
4. PHẬT GIÁO, ĐẠO TỪ BI, CỨU KHỔ
Khi đề cập đến Phật giáo, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) nhận xét: “Đạo Phật vốn là một triết lý hơn là một tôn giáo. Đức Thích Ca không bắt ai tụng kinh, gõ mõ, lễ chùa, cúng Phật. Ông cũng không nói đến Trời, đến Thần.
“Sau đạo càng ngày càng truyền đi càng sai lạc, thành một tôn giáo: người ta lập chùa, đúc tượng, tô chuông, đặt ra các chức Hoà thượng, Yết ma!
“Tuy nhiên, dù sai lạc tới bực nào, đạo Phật vẫn là đạo từ bi, không ganh đua với đạo khác. Hoà thượng cũng có thời bị vua chúa hành hạ, mà không bao giờ ta thấy đạo Phật gây chiến với ai cả. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho ta phục đạo Phật là cao thượng rồi.”(10)
Đạo Phật có tinh thần từ bi cũng chính là lời tuyên bố rất nổi tiếng mà học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) đã nhận định trong quyển Lý Thường Kiệt – một tác phẩm rất có giá trị: “Nói tóm lại, sau các đời vua hung hãn họ Đinh, họ Lê, ta thấy xuất hiện những kẻ cầm quyền có độ lượng khoan hồng, những người giúp việc ít tham lam phản loạn. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng đạo Phật.
“Mà thực vậy, mỗi lúc ta thấy có Nho gia bài xích Phật giáo, thì ta biết rằng trong nước sẽ có cuộc tranh quyền lợi mà giết lẫn nhau. Sau khi Đàm Dĩ Mông sa thải Tăng già thì có Trần Thủ Độ liền sau tàn sát họ Lý. Cuối đời Trần, Nho học nên thịnh, có Trương Hán Siêu, Lê Quát chỉ trích đạo Phật thì sau lại có Hồ Quý Ly sát hại họ Trần, Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly làm những việc kia, ấy cũng vì muốn thi hành chính trị vị danh, xa hẳn lòng bác ái từ bi của Phật.”(11)
Gần đây hơn, khi phát biểu về Phật giáo, giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét: “... Ta cần đối xử với Phật giáo như là một tôn giáo, một tôn giáo mà quá khứ cộng đồng gắn liền với quá khứ dân tộc ở nhiều giai đoạn quan trọng. Nó có hàng triệu tín đồ. Người lễ chùa đông, người tu tại gia càng đông. Chắc còn lâu lắm, Phật giáo vẫn là một tôn giáo, tuy cách hành đạo sau nầy có thể canh tân hơn bây giờ, mà ý thức cứu khổ cứu nạn vẫn còn là một động cơ của sự hành đạo.”(12)
Bao quát rộng hơn đức từ bi cứu khổ– một đặc sắc của Phật giáo– chính là tinh thần nhân bản.
5. TINH THẦN NHÂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO
Phật giáo được người mình tin theo đông đảo là vì nó phù hợp với lòng người, như học giả Trần Trọng Kim lý giải: “Đạo Phật là một tông giáo của người mình xưa nay vốn tin theo rất nhiều, là bởi đạo ấy có cái hình thức dễ khiến cho người ta tin được. Còn về đạo lý của nhà Phật, thì có nhiều ý nghĩa sâu xa, hiện những nhà học thức trong thiên hạ cũng đã kê cứu tường tận, đều nhận là một đạo rất hay. Vậy, một tông giáo có phần rất cao thâm, rất phổ thông mà lại thấm thía vào tủy não người mình đã bao nhiêu đời nay, người trong nước hầu khắp từ Nam chí Bắc ai cũng tín ngưỡng sùng bái thì tất là có ảnh hưởng đến sự làm ăn hằng ngày của ta. Một cái đạo có thế lực về đường tinh thần sâu xa như thế thì sao ta không cố gắng làm cho nó sáng rõ ra, khiến những tín đồ biết rõ cái đạo của mình tin và biết cách ăn ở cho phải đạo, để bớt được những khổ não trong đời.”(13)
Phật giáo không những dạy cho người ta biết ăn ở cho phải đạo mà còn khuyên người ta tôn trọng sự sống của mình và của muôn loài, theo cách nhìn của giáo sư Trần Quốc Vượng: “Nhiều người không thích Phật giáo, vì Phật giáo coi sinh là khổ. Tôi thích sự sống, dù sự sống còn nhiều nhọc nhằn, vì sự sống là vô biên (life is immense) như Rabin Dranah Tagore đã nói. Vượt qua mâu thuẫn luận lý, tôi lại thấy đạo Phật không chủ trương diệt sinh mà trái lại, rất trọng sinh. Tôi quý trọng tín đồ Phật giáo khi họ nhìn thấy nơi mỗi nhành cây, ngọn cỏ… đều có tính Phật. Đấy là một cái nhìn táo bạo, rộng rãi phóng khoáng, cũng có thể gọi là cái nhìn sinh thái, vì “tính Phật” ở đây có thể được hiểu với cái nghĩa cởi mở nhất là “sinh tính”, tính sống.
Tôi quí trọng tinh thần bình đẳng, bác ái của Đấng Giác Ngộ (Buddha) khi Người nói: “Ta là Phật đã thành, còn tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành.”(14)
“Đức Phật từng dùng một ngôn ngữ khác ngôn ngữ của chúng ta năm năm trước Chúa Christ, để dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng, Ngài rất gần gũi với chúng ta và nói lên những nhu cầu của chúng ta. Đức Phật cũng trình bày rõ ràng hơn Chúa Christ về tầm quan trọng của con người trong vấn đề phục vụ và ít mơ hồ hơn về vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh.” (H.G. Wells)(15)
“... Phật giáo đã phục vụ cho sự tiến bộ của nền văn minh thế giới và văn hóa chân chính nhiều hơn bất cứ ảnh hưởng nào khác trong lịch sử nhân loại.” (H.G. Wells)(16)
Cũng nhằm khai triển ý nghĩa Phật giáo vị nhân sinh, nhà bác học Lê Quí Đôn lại nhận định: “Tôi thiết nghĩ đây là đại khái của tông chỉ đạo Phật: “Vạn vật thế gian là hư ảo, con người phải tu tập để đạt được giác ngộ chân chính mà thoát ra khỏi lục trần.” Một khi đã thành được diệu đạo tột bực thì trở lại thương xót chúng sinh, thi hành nhiều phương tiện để cứu giúp: ai muốn học đạo chính giác thì giúp họ viên thông, ai muốn tu tỉnh theo đạo làm người thì cũng giúp cho họ được thành người. Đâu phải chối bỏ tình anh em họ hàng và dứt tuyệt luân lý cương thường.”(17)
Nhân bản là đặc trường của Phật giáo, nhưng có một yếu tố khác khá nổi bật đó chính là tính chất hòa bình của đạo Phật.
6. PHẬT PHÁP LÀ THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH
“Chưa có một trang sử nào của Phật giáo bị bôi đen bởi sự kỳ thị dị giáo, hay bị nhuộm đỏ với máu của nạn nhân vô tội vì hận thù tôn giáo. Phật giáo chỉ dùng một thanh gươm, đó là gươm trí tuệ và chỉ thừa nhận một kẻ thù, đó là kẻ thù vô minh. Đây là những chứng tích lịch sử không thể chối cãi được.” (Giáo sư Bapat., 2500 năm của Phật giáo)(18)
Phật giáo vốn yêu chuộng hòa bình như lời nhận xét trên đây của giáo sư Bapat, đồng thời ta cũng thấy một người khác cùng chung quan điểm ấy, đó là giáo sư Rhys Davids: “Theo tôi, trong suốt lịch sử dài đằng đẵng của Phật giáo trải qua nhiều thế kỷ, tôi không thấy có sự ngược đãi nào của người Phật tử đối với những người có niềm tin khác.”(19)
Nhưng sự khẳng định mạnh mẽ nhất và cũng nổi tiếng nhất về tính chất hòa bình của đạo Phật chính là lời tuyên bố của thủ tướng Nehru (1883-1964): “Đức Phật vĩ đại hơn các lý thuyết gia khác, và thông điệp bất diệt của Ngài đã làm rung động nhân loại qua nhiều thời đại. Có lẽ không một thời điểm nào trong lịch sử quá khứ mà thông điệp hòa bình của Ngài lại cần thiết cho nhân loại đang đau khổ và cuồng loạn hơn hiện nay.”(20)
“... Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp hòa bình của đức Phật chói lọi như vầng thái dương. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sinh khí và chân lý của thông điệp nầy. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt nầy và hãy cố gắng chuyển hướng tư tưởng và hành động của chúng ta theo ánh sáng giáo lý của Ngài.”(21)
Giáo lý của đức Phật không những đậm đà tính chất hòa bình như các trí thức trên đã minh định, mà còn rất phù hợp với tinh thần khoa học.
7. PHẬT GIÁO PHÙ HỢP VỚI TINH THẦN KHOA HỌC
Trong quyển Đức Phật của chúng ta, tác giả Moni Bagghee nói: “Phật giáo là một tôn giáo vĩ đại nhất trên thế giới, có ý thức và chân thực. Nó phân tích những vấn đề của đời sống một cách có hệ thống và tìm cách giải quyết những vấn đề ấy.”(22)
Thế còn Sir Edwin Atnold thì lại tuyên bố một cách chắc nịch như đinh đóng: “Tôi đã thường nói, và tôi sẽ nói nữa, nói mãi rằng: giữa Phật giáo và khoa học hiện đại có một mối quan hệ tinh thần khắng khít.”(23)
Trong số các nhà khoa học, thì nhà bác học Albert Einstein (1879 -1955) được thế giới biết đến nhiều nhất và lời xác tín của ông về Phật giáo cũng được xem là có giá trị nhất. Ông nói:
“Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu với nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó là Phật giáo.”(24)
Qua những lời tuyên bố của các nhà khoa học danh tiếng, chúng ta có thể yên tâm khỏi phải lo Phật giáo lạc hậu với khoa học. Thế nhưng, Phật giáo mang đậm nét văn hóa, giáo dục thì chắc chắn không mấy ai nghi ngờ gì nữa.
8. TÍNH CHẤT VĂN HÓA, GIÁO DỤC CỦA ĐẠO PHẬT
Khi bàn về nét văn hóa đặc trưng của đời Trần, giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói: Trước cơn khủng hoảng tinh thần trầm trệ, đạo Nho mất vị trí là cái ánh sáng duy nhất đối với tầng lớp trí thức. Đúng hơn, trong lý trí chính thống của xã hội, nhà Nho vẫn suy nghĩ theo Khổng Mạnh, nhưng trong đời sống tình cảm, người ta lại đi tìm một sự cởi mở, một sự giải thoát bởi những lý thuyết khác hẳn đạo Nho. Hơn lúc nào hết, đạo Phật bộc lộ tất cả khả năng hấp dẫn của nó. Kinh kệ, giáo lý nhà Phật bấy lâu nay vẫn lưu hành lặng lẽ trong nhà chùa, bỗng một lúc nào đấy đã vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của nhà chùa. Và tầng lớp sĩ phu tìm vào đấy như một nhu cầu an ủi, cũng ngạc nhiên nhận ra: bao nhiêu giá trị văn hóa của các thời đại trước mà mình chưa hề biết, chủ yếu là giá trị văn hóa Lý Trần, đã nằm lẫn lộn bên trong các thứ giáo lý sắc không kia từ lâu lắm.”(25)
Như vậy, theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì nét văn hóa nổi bật của thời đại Lý Trần chính là văn hóa Phật giáo. Thế còn Phật giáo đối với giáo dục thì sao? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) sau đây: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học.”(26)
Lâu nay có nhiều người cho rằng Phật giáo trình bày các cảnh giới địa ngục là có tính chất đe dọa con người và mang đầy vẻ hoang đường, nhưng theo giáo sư Hoàng Như Mai thì hình ảnh địa ngục chứa đựng một ý nghĩa giáo dục rất lớn: “Theo quan niệm của nhân dân Việt Nam, những lẽ thiện ác, cát tường, phúc họa trong đạo Phật rất công minh. Đạo Phật có thưởng và có phạt chứ không phải chỉ có một chiều. Địa ngục là để trừng trị kẻ ác. Âm ty, âm phủ, thập điện Diêm Vương, các cửa ngục, các hình phạt rút lưỡi, cưa người bỏ vạc dầu... kể ra là mê tín dị đoan, nhưng trong tư duy hồn nhiên của nhân dân, cũng có những tác dụng là những tấm chắn giữ con người phạm những tội ác, làm những điều bất nhân thất đức. Nó có chức năng của phương tiện giáo dục.
Ngôi chùa thành địa chỉ của phúc đức, của yên lành, của thiện chí, của hy vọng là như vậy.(27)
Văn hóa và giáo dục là tính chất phổ biến của đạo Phật, ngoài ra, còn có mấy điểm đáng ghi nhận khác nữa sau đây:
9. CHÁNH TÍN, PHÁ CHẤP VÀ DÂN CHỦ
Trong quyển Tinh hoa của Phật giáo, giáo sư Lakshmi Nasaru nhận xét: “Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự thay đổi nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình.”(28)
Như vậy, giáo sư Lakshmi Nasaru cho rằng Phật giáo không có cuồng tín, còn học giả Trần Trọng Kim (1882-1953) thì khẳng định rằng Phật giáo không có sự mê tín: Cái tông giáo ấy tuy nói có nhiều Phật và nhiều Bồ Tát, song Phật và Bồ tát chỉ là bậc tối cao trong lý tưởng để tế độ chúng sinh mà thôi, chứ không phải là giữ quyền chủ tể. Vì vậy ai theo tông giáo ấy thì không có sự mê tín, cứ tự mình học tập tu luyện để hiểu rõ căn nguyên của vạn tượng trong thế gian và trông thấy rõ chân lý.
“Ai đem sự mê tín mà theo đạo Phật là người làm điều trái hẳn với đạo Phật... Chúng tôi mong rằng ai đã tin theo đạo Phật là người có cái tâm rất sáng suốt, có cái tự do về đường tư tưởng và có cái sức tự cường tự lập mà xử kỷ tiếp vật. Nếu người mình mà hiểu được như thế và làm được như thế, thì sự tín ngưỡng đạo Phật... rất có lợi cho sự tiến hóa của nhân quần xã hội về đường đạo lý và đường tri thức.”(29)
Phật giáo không mê tín đã đành mà còn đặc biệt hơn nữa là tôn giáo ấy chủ trương phá chấp, như nhà nho Bùi Kỷ (1887-1960) luận giải: “Đời vốn chuộng học thuật, mà học thuật lại hóa ra diễn đàn của trò quỷ quyệt, lợi khí của mối phân tranh, có phải đó là cái lưu tệ ghê gớm của ngã chấp và pháp chấp không? Xưa nay đã có biết bao nhiêu nhà hiền triết, từng tổn bao nhiêu gan óc, từng phí phạm bao nhiêu mồ hôi nước mắt về đời người mà hết lòng vun đắp, ra công dạy dỗ... song dù giáo dục hoàn bị thế nào thì cũng chỉ là những phương pháp tạm thôi, như gió chiều nào che chiều ấy, chứ vẫn chưa có cách nào giải quyết rõ ràng được những lý do của đời người mà tìm phương bổ cứu cho được lâu dài. Ai là người đã có lòng sốt sắng, con mắt cao xa, mà lại chẳng muốn lo tính cho đời? Song cứu đời ở trong ngã chấp và pháp chấp khác nào như gọi người ở trong hòm kín mà nắp hòm vẫn đóng, thì người vẫn không có lối ra. Phật Tổ biết rõ bệnh căn của đời là ở hai chỗ ấy, cho nên mới đem thuyết nhị không để phá tan hai cái chấp, tức là mở nắp hòm cho người có lối thoát ra vậy.”(30)
Ngoài đặc trưng phá ngã chấp và pháp chấp còn một nét đặc sắc khác nữa là: “Phật giáo là một tiến trình hoạt động dân chủ, Phật giáo gìn giữ dân chủ trong tôn giáo, dân chủ trong xã hội và dân chủ trong chính trị”, như lời phát biểu của Tiến sĩ Ambedkar (1891-1956).(31)
10. PHẬT GIÁO LÀM CHO DÂN TỘC HÙNG CƯỜNG
Điều làm cho chúng ta thích thú là một nhà Nho tiến bộ tự nhận mình không theo một tôn giáo nào hết mà đánh giá Phật giáo rất sáng suốt. Đó là nhà Nho Phan Khôi (1887-1960). Ông nói: Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật giáo thịnh thì Việt Nam sẽ trở nên lười... Chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành, cũng chẳng có cái hiệu quả như thế. Vì chúng tôi lấy lịch sử để làm chứng... Phật giáo sang Tàu từ thời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất cường thịnh; đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bấy giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại vững vàng, tứ Di đều thần phục. Xưa nay bên Tàu, quốc thế có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương Bắc vào đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh, thì là cái kết quả của cuộc vận động Lý học. Còn Phật giáo theo lịch sử chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả.
“Ở nước ta cũng vậy: Vào thời nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cái thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm; mấy phen giặc Tàu sang, chúng ta đuổi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm. Không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo không phải là thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người.”(32)
Tương tự như quan điểm của nhà Nho Phan Khôi, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh (1872-1926) cũng lên tiếng biện minh cho Phật giáo khi nó bị kẻ xấu xuyên tạc: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo. Không có tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?(33)
Ngoài việc Phật giáo làm cho dân tộc hùng cường còn một điểm nữa mà các nhà trí thức yêu nước rất tâm đắc. Đó chính là:
11. PHẬT GIÁO GẮN BÓ VỚI ĐẤT NƯỚC, DÂN TỘC
Trong quyển Nhớ nghĩ chiều hôm học giả Đào Duy Anh (1904-1988) viết:“Trần Thái Tông là vua sáng nghiệp nhà Trần, lại là tác giả sách Khóa Hư Lục, một tác phẩm tiêu biểu của Thiền Tôn ở đời Trần; và Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng của nhà Trần mà lại là Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm, trong Thiền Tông Việt Nam, cả hai người đều kết hợp một cách tốt đẹp hoạt động tu hành và hoạt động kinh bang tế thế.”(34)
Như vậy, chứng tỏ: “Phật giáo đóng một vai trò lịch sử không thể chối cãi ở Việt Nam. Vai trò lịch sử đó chủ yếu biểu hiện ở chỗ Phật giáo gắn chặt với nỗi thăng trầm của dân tộc Việt Nam... Đạo Phật Việt Nam duy trì sức mạnh tinh thần của mình qua nhiều lớp thời gian chính vì đạo Phật gắn bó cuộc sống, lao vào cuộc sống, chịu trách nhiệm với cuộc sống ...” Đây là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng.(35)
Cuối cùng, người viết xin đề cập đến cách đánh giá đạo Phật của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913-1997): “Tôi không phải là Phật tử. Nhưng tôi rất kính mến những người chân tu, nhận thấy cuộc sống của họ có những điều cao đẹp. Đạo Phật đối với tôi rất gần gũi. Một ngôi chùa giữa xóm làng là một hình ảnh thân thuộc hầu như không thể không có trong quang cảnh quê hương.
“Giáo lý Phật có nhiều điểm tôi rất dễ đồng tình, từ cách tiếp cận phân tích tâm tư con người đến những khái niệm như vô ngã, hay những phương pháp tu luyện của Thiền. Mặc dù không nghĩ rằng có thể khôi phục Phật giáo thành Quốc đạo, tôi vẫn nhớ đến vai trò của Phật giáo trong lịch sử dân tộc. Tôi nhớ đến những anh chị em Phật tử hy sinh cho độc lập. Tôi chắc rằng trong công cuộc xây dựng hiện nay, vai trò của anh chị em Phật tử rất quan trọng...”(36)
Tóm lại, trên đây là ý kiến của một số nhà khoa học, triết học, học giả, giáo sư, nhà Nho, chí sĩ, chánh khách... đại diện đủ mọi thành phần trí thức. Họ là những nhân vật nổi tiếng, có học thức uyên thâm, đặc biệt họ không phải là Phật tử hay những nhà Phật học chuyên môn, thế mà khi bàn về Phật giáo họ đã minh họa khá rõ nét chân tướng của đạo Phật bằng một thái độ khách quan, vô tư và hết sức nghiêm túc.
Thiết nghĩ, những ý kiến của họ vừa có trọng lượng, vừa mang tính thuyết phục, có thể dùng để kiểu chính một số nhận thức của một vài người hoặc do học thức thô thiển, hoặc do những thành kiến không tốt đối với Phật giáo mà đánh giá đạo Phật một cách sai lầm. Và chính sự đánh giá lệch lạc ấy đã gây ra ít nhiều ngộ nhận đối với giới trẻ có tinh thần cầu thị, muốn tìm hiểu chân lý của đạo Phật.
***
(1). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.99.
(2). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.29.
(3). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.184.
(4). Cao Xuân Huy (1900-1983), Tư tưởng phương Đông, Nxb Văn học, H.1995, tr.573.
(5). Lê Quí Đôn toàn tập, Tập II, Kiến Văn Tiểu Lục, Nxb KHXH, H.1997, tr.369.
(6). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.41.
(7). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.69.
(8). Diễn Văn của Ông Nguyễn Năng Quốc đọc trong buổi lễ suy tôn Tổ Vĩnh Nghiêm làm Thiền gia Pháp chủ ngày 12-1-1936.
(9). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.26.
(10). Nguyễn Hiến Lê - Thiên Giang, Lịch Sử Thế Giới Tâp I, Nxb Văn hóa, tái bản 1997, tr.126.
(11). Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, tái bản lần thứ nhất 1996, tr. 429.
(12). Tập Văn Phật Đản, số 2, 1985, tr.22.
(13). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.182.
(14). Tập Văn kỷ niệm Phật thành đạo, số 7, 1987, tr.31; (27): tr.38.
(15). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.31.
(16). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.99.
(17). Lê Quí Đôn toàn tập, Tập II, Kiến Văn Tiểu Lục, Nxb KHXH, H.1997, tr.363.
(18). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.101.
(19). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.105.
(20). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.35.
(21). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.45.
(22). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.91.
(23). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.115.
(24). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.115.
(25). Thơ Văn Lý Trần, tập I, Nxb KHXH, H.1977, tr.106-7.
(26). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.40.
(27). Tập Văn kỷ niệm Phật thành đạo, số 7, 1987, tr.38.
(28). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.73.
(29). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.185.
(30). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.187.
(31). Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, Thích Tâm Quang dịch, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản 1996, tr.99.
(32). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.25.
(33). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb Văn học, H.1994, tr.9.
(34). Đào Duy Anh, Nhớ Nghĩ Chiều Hôm, Nxb trẻ, 1989, tr.192.
(35). Tập Văn kỷ niệm Phật thành đạo, số 4, 1986, tr.23.
(36). Tập Văn kỷ niệm Phật thành đạo, số 1, 1984, tr.14.