Một ví dụ khá lý thú mà chúng ta thường gặp khi đọc kinh là “Chiếc bè dùng để qua sông”. Ví dụ nầy được tìm thấy trong các kinh điển sau đây:
1. Trong kinh Ví dụ con Rắn thuộc Trung Bộ I, có đoạn viết: “Này các Tỳ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để giữ lấy. Chư Tỳ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ chiếc bè, Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.”(1)
2. Kinh A-lê-tra số 200, thuộc Trung A-hàm viết: “Ta thường nói cho các Thầy về ví dụ chiếc bè là để cho các Thầy xả bỏ, chứ không phải để nắm giữ. Nếu các Thầy biết Ta thường nói ví dụ chiếc bè, thì Chánh pháp còn phải xả bỏ, huống chi là phi pháp”.(2)
3. Kinh Kim Cương viết: “Vì thế, không nên bám vào pháp, không nên bám vào phi pháp. Do ý nghĩ nầy, Như Lai thường bảo các Tỳ-kheo, các Ông phải biết pháp Ta thuyết giảng ví như chiếc bè, Chánh pháp còn phải xả bỏ, huống chi là phi pháp”.(3)
4. Kinh Lăng Già hơi khác một ít, nhưng ý chính là: “Các pháp vốn không có thật tướng, do đó, Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống chi là phi pháp”.(4)
Trước hết, trong kinh Ví Dụ Con Rắn, nhân Tỳ- kheo A-lê-tra (Aritha) khởi lên ác kiến: “Theo như Tôi hiểu pháp do Thế Tôn thuyết giảng thì khi thọ dụng những pháp mà Thế Tôn cho là chướng ngại, thực sự không có gì chướng ngại”. Thế Tôn biết được sự kiện ấy, liền cho gọi Tỳ- kheo A-lê-tra đến khiển trách về nhận thức sai lầm của Thầy, rồi Thế Tôn trình bày cho các Tỳ - kheo về hai hạng người nghe pháp: “Hạng thứ nhất – được gọi là những người kém trí- khi nghe Phật giảng các kinh như Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sinh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng, họ không dùng trí tuệ quán sát ý nghĩa của kinh, mà chỉ nhằm mục đích chỉ trích người khác, và ưa thích biện luận, nên không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Họ cũng như những người bắt rắn không rành nghề, nắm rắn ở đằng đuôi, nên nó quay lại cắn vào tay, đến nỗi bị hại. Trái lại, hạng thứ hai - được gọi là những người trí – khi nghe Phật thuyết giảng các kinh như trên, họ dùng trí tuệ quán sát ý nghĩa của kinh, do đó, hiểu rõ nghĩa lý và đạt được mục đích mà sự học pháp nhắm đến. Những người nầy như những kẻ bắt rắn thiện nghệ, biết dùng cái nạng kẹp vào cổ rắn, nên bắt được rắn một cách an toàn”.
Để minh họa ý nghĩa của đoạn kinh vừa thuyết giảng, đức Phật nêu ví dụ: Ví dụ như có người đang đi trên đường, đến một dòng sông, bên nầy bờ đầy những hiểm nguy, bên kia bờ hoàn toàn an ổn. Người ấy liền thu góp các cành cây, kết thành chiếc bè, nỗ lực chèo chống, qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ rồi, cách xử lý khôn ngoan nhất mà người ấy áp dụng là neo lại chiếc bè bên sông, rồi đi đến chỗ nào mà mình cần đến. Cuối cùng, đức Phật kết luận: “Giáo pháp mà Ngài thuyết giảng cũng ví như chiếc bè, dùng để qua sông, chứ không phải để nắm giữ. Thế nên, Chánh pháp còn phải bỏ đi huống chi là phi pháp.”
Nhằm làm sáng tỏ vấn đề nêu trên, đức Phật phân tích cho chúng ta thấy, con người là do năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo thành,mà năm uẩn vốn là vô thường, khổ, phải chịu sự biến hoại, nếu người nào xem năm uẩn nầy thuộc về tôi, là tôi, là tự ngã của tôi, thì khi chúng thay đổi, hoại diệt, người ấy sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Hơn nữa, không những bản thân chúng ta không có một tự thể đích thực, mà tất cả muôn pháp, kể cả những khái niệm mà chúng ta thiết lập cũng đều không có cái thực thể vĩnh hằng. Do đó, những người trí hay các bậc Thánh giả nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức, do nhàm chán nên xa lìa tham ái; do xa lìa tham ái nên được giải thoát. Khi đã giải thoát, vị ấy biết rằng:“Sinh tử đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành tựu, những việc phải làm đã làm, không còn tái sinh nữa”. Đoạn, đức Phật nêu lên những ảnh dụ rất thi vị về tình trạng của vị ấy: Vị ấy được xem là người đã vứt bỏ các vật chướng ngại, đã lấp đầy các thông hào, đã nhổ lên cột trụ, đã mở tung các ổ khóa, là bậc Thánh đã hạ cây cờ và đặt gánh nặng xuống, không còn gì hệ lụy nữa. Các ảnh dụ nầy lại được giải thích: Vứt bỏ các chướng ngại có nghĩa là đoạn trừ hết vô minh; lấp đầy các thông hào có nghĩa đã đoạn tận sanh tử; nhổ lên các cột trụ có nghĩa là đã diệt sạch khát ái; mở tung các ổ khóa có nghĩa là đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử; hạ cây cờ và đặt gánh nặng xuống có nghĩa là đã đoạn trừ hết ngã mạn.
Các bậc Thánh giả nầy khi được giải thoát như vậy thì chư Thiên Đế Thích, Phạm thiên, không ai có thể tìm ra dấu vết. Còn những vị đã chứng đạt Vô thượng Chánh giác thì được gọi là Như Lai, mà Như Lai thì không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu; do đó không ai có thể tìm ra tung tích của các Ngài. Khi nghe Phật thuyết giảng đến đó, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nông nổi, hồ đồ, đã vội vã chỉ trích: “Sa-môn Gotama chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt, chủ trương tiêu diệt các loài hữu tình.” Nhưng đức Phật đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc ấy và vạch rõ: “Xưa cũng như nay, Như Lai chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Do đó, nếu có người nào xúc phạm, hủy báng Như Lai, Như Lai cũng không tức giận. Vì Như Lai biết rằng đó là do những hậu quả của những nghiệp đã tạo từ quá khứ. Trái lại, nếu có người tôn kính, tán thán Như Lai, Như Lai cũng không hoan hỷ. Vì Như Lai biết rằng nhờ tích lũy những công đức và trí tuệ mà hiện tại được kết quả như thế. Đó là điều xưa kia đã từng biết rõ, và giờ đây là những trách nhiệm mà Ta phải làm.”
Tiếp đến, đức Phật ân cần nhắc nhở các Tỳ-kheo: “Nếu có ai hủy báng các Thầy, các Thầy chớ nên giận dữ. Trái lại, nếu có ai ca ngợi các Thầy, các Thầy cũng chớ nên thích thú. Các Thầy nên biết rằng cái gì không phải của các Thầy, các Thầy hãy từ bỏ. Chư Tỳ-kheo, cái gì không phải của các Thầy? Sắc không phải của các Thầy; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Các Thầy từ bỏ chúng, sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho các Thầy. Các Thầy hãy xử sự như những lá cây trong rừng, nếu có ai gom chúng lại rồi đem đốt đi, các lá cây ấy sẽ không nghĩ rằng những người kia đang đốt chúng ta. Vì sao? Vì chúng không có tự ngã, hay sở thuộc tự ngã.”
Đó là tóm lược nội dung của kinh Ví Dụ Con Rắn. Nội dung kinh nầy với kinh A-lê-tra gần như hoàn toàn giống nhau. Có điều kinh A-lê-tra trình bày cô đọng hơn, do đó có đôi chỗ làm cho người đọc phải vất vả mới lãnh hội được. Còn kinh Ví Dụ Con Rắn thì quảng diễn tỉ mỉ rõ ràng nên tương đối dễ hiểu. Hai kinh nầy phù hợp với mọi trình độ thượng căn và hạ trí, ai cũng có thể tiếp thu được. Trái lại, hai kinh Kim Cương và Lăng Già có thể thích hợp với hạng căn trí bén nhạy nhiều hơn.
Bốn kinh nói trên đều triển khai ý nghĩa “Các pháp như chiếc bè để qua sông” và phân tích tính chất nhân vô ngã và pháp vô ngã, để giúp chúng ta biết cách phá ngã chấp và pháp chấp, nhưng hai kinh Trung Bộ và kinh Trung A-hàm phân tích phương diện nhân vô ngã nhiều hơn là pháp vô ngã. Riêng kinh Kim Cương đã cô đọng ý nghĩa phá ngã chấp và pháp chấp, thành câu châm ngôn được truyền tụng khá phổ biến trong cửa Thiền từ xưa đến nay: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm; bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.(5) (Không nên để cái tâm bám víu vào sắc, không nên bám víu vào thanh, hương, vị, xúc, pháp; nên giữ cái tâm không bám víu vào đâu cả). Hoặc nói gọn “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Chính Lục Tổ Huệ Năng cũng như Trần Thái Tông đã ngộ đạo nhờ câu kinh nầy. Ngoài ra cũng còn có mấy điểm khác đáng chú ý mà chúng ta cần phải ghi nhận.
Nhằm ảnh dụ tính chất không thật của các pháp, kinh Kim Cương đã minh họa bằng bài kệ:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.”(6)
(Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt bóng
Như sương mai ánh chớp
Nên thấy rõ như vậy.)
Còn kinh Lăng Già thì bảo tất cả vạn pháp đều không thực, giống như sừng thỏ, lông rùa, như những thứ trông thấy trong mộng, như các đồ vật do nhà ảo thuật tạo ra, như đứa con của người đàn bà vô sinh, như ảnh của mình phản chiếu trong gương, như ánh trăng dưới đáy nước, như tiếng dội lại từ trong thung lũng, như người bệnh mắt trông thấy hoa đốm giữa hư không v.v… Bởi mắt có bệnh mới sinh ra hoa đốm. Cũng như khi vọng tưởng che mờ tự tâm thì tình thức đóng bít cửa trí, nhưng khi bệnh hết thì con mắt vẫn còn, hoa đốm sạch thì hư không lại hiện. Vọng sạch thì tâm thanh tịnh, tình mất thì trí sáng suốt. Người thấy rõ ngoại cảnh vốn không thực thì biển tâm tự nhiên vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ. Ví như khi lặng gió thì biển cả hiện rõ mặt trời mặt trăng và muôn vật.
Thế rồi, để mô tả thế giới hư vọng, kinh nầy đã khái quát bằng câu kệ:
“Thế gian ly sinh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm.”(7)
(Thế gian lìa sinh diệt
Như hoa đóm không trung
Trí chẳng thấy có không
Mà khởi tâm đại bi.)
Trái lại, các ảnh dụ trong hai kinh Trung bộ và Trung A-hàm thì lại so sánh về sự tu chứng, như đã đề cập ở trên. Nhân đây, chúng ta có thể liên tưởng đến lối phô diễn về sự chứng ngộ của Thiền tông mà Thiền sử thường ghi lại: Hoặc gọi là đốn ngộ, hoát nhiên đại ngộ, cái thùng sơn lủng đáy; con dã can bỗng hóa ra sư tử lông vàng; thấy được bộ mặt thật xưa nay của chính mình (bản lai diện mục); một lần chết lớn (nhất phiên đại tử); hay chết rồi sống lại (tuyệt hậu tái tô) v.v…
Về danh hiệu của đức Như Lai cả bốn kinh đều trình bày tương đối giống nhau, nhưng kinh Kim Cương đã tóm tắt bằng định nghĩa khá rõ: “Nhược hữu nhân ngôn, Như Lai nhược lai nhược khứ, nhược tọa nhược ngọa, thị nhân bất giải Ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.”(8) (Nếu có người bảo, Như Lai có đi có lại, có ngồi có nằm, thì người ấy không hiểu ý nghĩa Ta nói. Vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai). Hoặc chỉ nói gọn “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” Lại còn một định nghĩa khác “Thừa như thật đạo, lai thành Chánh giác.” (Nương vào đạo như thật mà thành Chánh giác)
Ở đây, chúng tôi chỉ đơn cử đôi điều tương đồng giữa các kinh có liên quan đến chủ đề đang trình bày mà thôi, chứ không có tham vọng trình bày hết mọi nội dung sâu xa khác. Nhưng có một điểm đặc biệt khiến chúng ta phải lưu ý: Tương truyền Tổ Đạt Ma đã trao cho Tổ Huệ Khả bốn quyển kinh Lăng-già để làm tâm ấn cho tông môn, và được truyền dần xuống đến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Tuy thế, đến đời Lục Tổ Huệ Năng, ngài giác ngộ nhờ một câu trong kinh Kim Cương, nên từ đó trở đi, Thiền tông lấy kinh Kim Cương thay cho kinh Lăng-già. Như thế đủ thấy hai bộ kinh nầy giữ một vị trí quan trọng như thế nào đối với Thiền tông.
Xưa nay, các bậc đã thâm ngộ ý nghĩa “chiếc bè” của kinh giáo và thấu triệt lý vô ngã, vô pháp, thường ung dung hành động, trong thuận duyên cũng như trong nghịch cảnh, mà không lúc nào xao lãng bản hoài phụng sự đạo pháp và lợi ích cho xã hội nhân quần. Có lẽ Trần Thái Tông là một trong những người đã viên dung cả hai mặt đạo lẫn đời. Chính ông từng nói: “Ta xem ngai vàng như đôi dép bỏ”. Bằng thái độ ấy, ông đã ứng dụng đạo Phật vào trong cuộc đời vô cùng sinh động. Gần đây hơn, trong lúc đạo Pháp gặp bước lâm nguy, Bồ-tát Quảng Đức đã thể hiện tinh thần vô ngại, dũng cảm đem thân mình làm đuốc để soi đường cho nhân thế, và thức tỉnh những người còn đang mê muội, hành vi ấy thực là “một thiên thu tuyệt tác”. Phải chăng các ngài đã thấm nhuần sâu sắc bài học Chiếc bè, và đã thản nhiên vận dụng vô cùng kỳ diệu?
***
(1). Kinh Ví Dụ Con Rắn, số 22, Trung Bộ I, Đại Tạng kinh Việt Nam.
(2). Kinh A-lê-tra, số 200, Trung A-hàm 4. Nguyên văn: “Như thị ngã vị nhữ đẳng trường dạ thuyết phiệt dụ pháp, dục linh khí xả, bất dục linh thọ. Nhược nhữ đẳng tri Ngã trường dạ thuyết, phiệt dụ pháp giả, đương dĩ xả thị pháp, huống phi pháp da?” (Đ.I, tr. 764c)
(3). Nguyên văn: “Thị cố bất ưng thủ pháp, bất ưng thủ phi pháp. Dĩ thị nghĩa cố, Như Lai thường thuyết, nhữ đẳng Tỳ-kheo, tri Ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp?” (Kinh Kim Cương, Đ.8, tr. 749b).
(4). Kinh Lăng Già, Đ. 16, tr. 590.
(5). Kinh Kim Cương, Đ.8, tr. 749c
(6). Kinh Kim Cương, Đ.8, tr. 752b
(7). Kinh Lăng Già, Đ. 16, tr. 590.
(8). Kinh Kim Cương, Đ.8, tr. 752b