Một thời, đức Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu).(1)
Lúc bấy giờ, Tôn giả Dhammika trú tại chỗ sanh trưởng của mình, Tôn giả sinh tâm bất thiện mắng chửi, quở trách, não hại, châm biếm các Tỷ-kheo, khiến họ tức giận, buồn phiền nên rời khỏi trú xứ ấy. Các cư sĩ thấy chư Tỷ-kheo rời khỏi trú xứ của mình bèn suy nghĩ: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y phục, thức ăn, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng họ lại bỏ đi, không chịu cư trú nơi đây do duyên gì mà họ hành động như vậy?”
Thế rồi, sau khi tìm hiểu, các cư sĩ biết rằng các Tỷ-kheo bỏ đi là vì tôn giả Dhammika hủy nhục họ. Do vậy, họ quyết định mời Dhammika rời khỏi trú xứ của mình; bàn tính xong, họ liền dẫn nhau đến chỗ Tôn giả, nói như sau: “Thưa Tôn giả Dhammika, Tôn giả hãy rời khỏi trú xứ này. Tôn giả trú ở đây như vậy là vừa đủ rồi.”
Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một trú xứ khác. Nhưng tại đấy, Tôn giả lại mắng chửi, quở trách, não hại, châm biếm các Tỷ-kheo như trước, khiến họ buồn phiền phải ra đi tìm một chỗ ở mới.
Cứ tái đi tái lại như vậy đến bảy lần vì xúc phạm các Tỷ-kheo mà các cư sĩ xua đuổi Dhammika rời khỏi quê hương bản quán của mình. Cuối cùng, ông suy nghĩ: “Ta đã bị các cư sĩ xua đuổi khỏi bảy trú xứ sinh quán của mình, vậy bây giờ ta biết đi đâu ? Hay là Ta đi đến chỗ Thế Tôn!”. Rồi Tôn giả Dhammika cầm y bát, ra đi, hướng đến Ràjagaha (Vương Xá). Sau khi đến nơi, ông đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Thế Tôn hỏi Tôn giả Dhammika:
- Này Bà-la-môn Dhammika, Ông từ đâu đến đây?
- Bạch Thế Tôn, con bị các cư sĩ xua đuổi khỏi bảy trú xứ nơi sanh trưởng của mình, cuối cùng con mới đến đây.
- Thôi vừa rồi, này Bà-la-môn Dhammika! Chuyện ông rời bỏ trú xứ nào Ta không cần biết, có điều hiện giờ ông đang đến với Ta. Vậy ông hãy nghe Ta kể mấy câu chuyện sau đây:
- Này Bà-la-môn Dhammika, các nhà buôn đường biển thường đem theo một con chim để tìm bờ lúc họ trương buồm ra khơi. Khi chiếc tàu ra giữa đại dương bao la không còn thấy bờ, họ liền thả con chim đi tìm bờ. Con chim ấy bèn bay về hướng Đông, bay về hướng Tây, bay về hướng Nam, bay về hướng Bắc. Nếu nó thấy bờ xung quanh, nó liền bay đi luôn. Nếu không thấy bờ xung quanh, nó sẽ bay về tàu trở lại. Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, dầu họ có mời ông rời bỏ chỗ nào, thì chung cục, ông cũng đã đến với Ta.
Lại nữa, này Bà-la-môn Dhammika, thuở xưa, vua Koravya có một cây bàng chúa tên là Suppatittha, cây này có năm cành, có bóng mát êm dịu, rất là khả ái. Cành nó tỏa rộng ra đến mười hai do tuần, các rễ mọc lan rộng đến năm do tuần. Trái của nó to lớn như những cái nồi đất, trong sáng và ngọt lịm như mật ong. Này Bà-la-môn, nhà vua với các cung nữ hưởng thụ một cành ; quân đội hưởng thụ một cành; các Sa- môn, Bà-la-môn hưởng thụ một cành; các loài thú, loài chim hưởng thụ một cành. Này Bà-la- môn, không có ai bảo vệ các trái cây bàng, và cũng không có ai tranh nhau vì những trái cây ấy. Thế rồi, một ngày kia, có một người, sau khi ăn những trái bàng cho đến thỏa thích, liền bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. Thấy thế, vị Thiên thần cư trú trên cây bàng chúa ấy suy nghĩ: “Thật là kỳ hoặc! Thật là quái gở! Con người sao lại ác độc đến như vậy! Sau khi ăn trái cây cho đến thỏa thích lại bẻ gãy cành rồi bỏ đi! Vậy cây bàng chúa Suppatittha từ nay trở đi đừng ra trái nữa.” Không ngờ lời nguyền ấy có hiệu lực, cho nên cây bàng chúa Suppatittha từ đó trở đi không ra trái nữa. Bấy giờ, vua Koravya bèn đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, thưa với Thiên chủ: “Tôn giả có biết không? Cây bàng chúa Suppatittha không ra trái nữa!”
Nghe thế, Thiên chủ Sakka liền thi thố phép thần thông, khiến cho mưa to gió lớn nổi lên, làm cho cây bàng ấy ngã xuống và bật cả gốc rễ. Thấy vậy, vị Thiên thần trú ở cây bàng chúa khổ đau, sầu bi, khóc lóc, nước mắt đầm đìa. Bấy giờ Thiên chủ hỏi ông:
- Vì sao mà ông đau khổ, sầu bi, khóc lóc, nước mắt đầm đìa như vậy?
- Thưa Tôn giả, vừa rồi có cơn mưa to gió lớn khởi lên, làm cho chỗ ở của con bị ngã xuống và bật cả gốc rễ lên.
- Này vị Thiên thần kia, có phải Ông đang giữ gìn cây pháp, rồi một cơn mưa to lớn nổi lên làm cho cây ngã đổ?
- Đúng như vậy, thưa Tôn giả, nhưng thế nào là giữ gìn một cây như một cây pháp?
- Ở đây, này Thiên thần, những người nào cần rễ thì đến lấy rễ; những người nào cần vỏ thì đến lấy vỏ; những người nào cần lá thì đến lấy lá; những người nào cần hoa thì đến lấy hoa; những người nào cần trái thì đến lấy trái. Như vậy, không có gì khiến cho một vị Thiên thần phải âu lo, không hoan hỷ, không vui vẻ. Như vậy, là một cây được giữ gìn như một cây pháp.
- Thưa Tôn giả, con đã không giữ gìn một cây pháp đúng nghĩa, nên khi cơn mưa to gió lớn nổi lên, làm cho chỗ ở của con ngã xuống và bật cả gốc rễ!
- Này Thiên thần, nếu ông khéo giữ gìn cây pháp, thì trú xứ của ông sẽ trở lại như xưa.
Thế rồi, Thiên chủ Sakka thi thố phép thần thông khiến cho mưa to gió lớn nổi lên dựng đứng lại cây bàng chúa và chữa lành những rễ cây.
Kể chuyện đến đây, Thế Tôn bèn hỏi Dhammika:
- Này Bà-la-môn, ông có gìn giữ phép tắc Sa-môn, khi các người cư sĩ mời Ông đi khỏi bảy trú xứ tại nơi sanh trưởng của mình không?
- Bạch Thế Tôn, như thế nào là một Sa-môn gìn giữ phép tắc của Sa-môn?
- Như thế này, này Bà-la-môn Dhammika, ở đây, một Sa-môn không được mắng chửi lại người đã mắng chửi mình; không được tức giận người đã tức giận mình; không được quở trách người đã quở trách mình. Như vậy, này Bà-la- môn Dhammika, là vị Sa-môn giữ gìn phép tắc của Sa-môn.
- Bạch Thế Tôn, con đã không giữ gìn đúng phép tắc của Sa-môn khi những người cư sĩ mời con đi khỏi hoàn toàn bảy trú xứ nguyên quán của mình.
- Lại nữa, này Bà-la-môn Dhammika, thuở xưa có một ngoại đạo sư tên là Sunetto (Diệu Nhãn), đã viễn ly các dục, ông thuyết pháp cho hàng trăm đệ tử của mình về sự cộng trú với cõi trời Phạm thiên. Những ai nghe pháp mà tâm không hoan hỷ, thì sau khi thân hoại, mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những ai nghe pháp mà tâm hoan hỷ, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn Dhammika? Nếu kẻ nào dùng tâm tật đố mắng chửi, quở trách vị ngoại Đạo sư đã viễn ly các dục ấy và các đệ tử của ông ta thì có tổn thương phước đức hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Đúng vậy, này Bà-la-môn, nếu ai dùng tâm tật đố mắng chửi, quở trách vị ngoại đạo sư đã viễn ly các dục ấy, hay chúng đệ tử của ông ta thì chắc chắn sẽ tổn thương nhiều phước đức. Thế còn những ai dùng tâm tật đố mắng chửi, quở trách những vị đầy đủ chánh kiến, sống đời phạm hạnh thì sẽ bị tổn phước nhiều hơn thế nữa. Do vậy, này Bà-la-môn, cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ không được dùng tâm tật đố đối xử với các vị đồng Phạm hạnh.” Này Bà-la-môn Dhammika, ông cần phải học tập như vậy.
***
(1). Kinh Tăng Chi Bộ, tập III, chương 6 pháp, tr.143, xb. 1996.