Cẩm nang thực tập chánh niệm và khuyến tu là tuyển tập các sáng tác giàu chất tâm linh của các bậc tổ sư Trung Quốc, Việt Nam và Tây Tạng. Như tên gọi, tác phẩm này giới thiệu các phương diện thực tập chánh niệm mà người xuất gia cần trải nghiệm hằng ngày, để tăng trưởng đạo tâm, nuôi lớn đại nguyện, dấn thân phụng sự tha nhân.
MỤC LỤC
Lời tựa
Phần I: Thực tập luật nghi hằng ngày
1. Thực tập hạnh phúc buổi sáng
2. Thực tập chuyển hóa bất tịnh
3. Lễ bái trên điện Phật
4. Chánh niệm trong ăn uống
5. Chánh niệm trong sinh hoạt
6. Chánh niệm trong đời sống
Phần II: Nghi thức ăn cơm trong chính niệm
Phần III: Lời khuyến tu của Tổ Quy Sơn Linh Hựu
1. Nhận thức vô thường
2. Làm người thong dong
3. Vượt thói phàm tục
4. Không hoang phí cuộc đời
5. Gương hạnh thoát tục
6. Căn bản thiền tập
7. Tâm nguyện người tu
8. Giúp nhau thoát khỏi sinh tử
9. Bài minh tóm tắt
Phần IV: Cư trần lạc đạo phú
1. Hội thứ nhất
2. Hội thứ hai
3. Hội thứ ba
4. Hội thứ tư
5. Hội thứ năm
6. Hội thứ sáu
7. Hội thứ bảy
8. Hội thứ tám
9. Hội thứ chín
10. Hội thứ mười
11. Kệ kết thúc
Phần V: Ba tốt tủy của Bát chánh đạo
1. Tâm yểm ly
2. Tâm Bồ-đề
3. Tánh không
Phần VI: 50 danh ngôn của đức Dalai Lama 14
1. Triết lý sống bình dị
2. Lời vàng
3. Hãy tận hưởng hạnh phúc
4. Vì một thế giới an bình
5. Tôn giáo và thế giới của tôi
Phần VII: 66 câu thiền ngữ làm thay đổi cuộc đời
1. Chấp dính là gốc khổ đau
2. Thay vì hận người, hãy tự cứu mình
3. Buông chấp ngã là hạnh phúc đích thực
4. Hãy để thời gian cuốn trôi khổ đau đi
5. Biết thương chính mình
6. Làm chủ tâm, làm chủ hạnh phúc
Phần VIII: Bài ca Tỉnh thức cuộc đời của Thiền sư Chí Công
Phần IX: Thi kệ “Từng bước thảnh thơi”
Phụ lục 1: Nguyên văn “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu ”
Phụ lục 2: Nguyên văn “Quy Sơn Đại Viên Thiền sư Cảnh Sách”
Phụ lục 3: Nguyên tác chữ Nôm “Cư trần lạc đạo phú ”
Phụ lục 4: The Three Principal Aspects of the Path
Phụ lục 5: Nguyên văn “Lục thập lục điều kinh điển thiền ngữ”
Phụ lục 6: Nguyên văn “Chí Công Thiền sư Tỉnh thế ca ”
LỜI TỰA
Cẩm nang thực tập chánh niệm và khuyến tu là tuyển tập các sáng tác giàu chất tâm linh của các bậc tổ sư Trung Quốc, Việt Nam và Tây Tạng. Như tên gọi, tác phẩm này giới thiệu các phương diện thực tập chánh niệm mà người xuất gia cần trải nghiệm hằng ngày, để tăng trưởng đạo tâm, nuôi lớn đại nguyện, dấn thân phụng sự tha nhân.
Cẩm nang gồm có 9 phần và 6 phụ lục nguyên tác. Phần 1 là Tỳ Ni Nhật Dụng bao gồm các thực tập luật nghi hằng ngày, giúp hành giả thể đạt chánh niệm trong từng oai nghi, cử chỉ và các động tác đi, đứng, nằm, ngồi. Hơn 300 năm qua, tác phẩm này đã trở thành bạn đồng hành của các hành giả xuất gia, theo truyền thống Đại thừa tại Trung Quốc và Việt Nam.
Phần 2 là Nghi thức Cúng quá Đường hay còn gọi là Nghi thức Ăn cơm trong chánh niệm. Với nghi thức này, người thực tập trải nghiệm chánh niệm trong lúc ăn cơm, nêu quyết tâm đền đáp công ơn thí chủ bằng sự dấn thân, phục vụ đồng loại. Ngày nay, nghi thức này trở nên phổ thông, ngay cả đối với các khóa tu dành cho người tại gia, bao gồm khóa tu Bát quan trai, khóa tu Một ngày an lạc, khóa tu Tập sự xuất gia và khóa tu Tuổi trẻ. Ăn cơm trong chánh niệm góp phần bảo vệ sức khỏe và thể đạt các giá trị tâm linh.
Phần 3 là Lời khuyến tu của tổ Quy Sơn Linh Hựu, Trung Quốc. Đây là tác phẩm khuyến tu đặc sắc, có ảnh hưởng sâu rộng đối với các hành giả theo Phật giáo Đại thừa. Bằng lối văn biền ngẫu, niêm luật chặt chẽ, văn từ tao nhã, ý tưởng thâm sâu, tác giả đã truyền tinh thần tu học đến người đọc, giúp họ nhận thức vô thường, không hoang phí cuộc đời, vượt thói phàm tục, làm người thong dong, nỗ lực vượt thoát sanh tử.
Phần 4, Cư trần lạc đạo phú của Phật hoàng Trần Nhân Tông là sáng tác tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam về chủ nghĩa nhập thế: “Ở đời vui đạo”. Với 10 hội, mỗi hội vài chục câu biền ngẫu đối nhau chắc nịch, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sử dụng nhiều điển tích Thiền, phác họa bức tranh trải nghiệm hạnh phúc hiện tiền, bây giờ và tại đây. Cốt lõi của thực tập thiền theo Ngài là dứt trừ nhân ngã, đối cảnh vô tâm, chánh niệm hiện tiền, thể nghiệm tính sáng soi của tâm, theo đó, “Tịnh Độ là lòng trong sạch” và “Di Đà là tính sáng soi”. Tinh thần nhập thế này một mặt giúp hành giả làm chủ thân tâm, giải quyết sanh tử, mặt khác, phát khởi nguyện lớn, phụng sự nhân sinh, góp phần xây dựng Tịnh Độ hiện tiền.
Phần 5 là Ba cốt tủy của chánh Đạo do ngài Tống Khách Ba sáng tác vào thế kỷ XIV là áng văn bất hủ của phái Mũ Vàng, Phật giáo Tây Tạng. Hơn sáu thế kỷ, tác phẩm này được các đức Dalai Lama và các bậc đạo sư lỗi lạc trong truyền thống Tây Tạng sử dụng làm bản văn chính trong các khóa tu và pháp hội. Bản văn đề cập đến tâm yểm ly khỏi đời sống thế tục, chán lìa sanh tử và tham ái, từ đó, kiêu gọi mọi người phát khởi tâm bồ-đề, nỗ lực chặt đứt xích xiềng vô minh, lưới sắt nhân ngã. Nhận thức tánh Không đối với các pháp nhân duyên, vốn không thực thể, là chân lý giúp ta vượt qua các chấp thủ về ngã, ngã sở và thế giới thực tại. Theo ngài Tống Khách Ba, tâm yểm ly, tâm bồ-đề và nhận thức tánh Không là cốt tủy của đạo giải thoát.
Phần 6 là tuyển tập 50 danh ngôn của đức Dalai Lama 14, vị lãnh đạo Phật giáo thế giới đại tài của thế kỷ XX-XXI. Sưu tầm từ Wikiquotes, tôi đã phân loại 50 danh ngôn từ các tác phẩm nổi tiếng của đức Dalai Lama, rồi chia làm 5 tiêu đề,
mỗi tiêu đề gồm 10 câu. Ngoài các triết lý ứng dụng từ lời Phật dạy, các danh ngôn này không chỉ là túi khôn “bỏ túi” mà còn là sự soi sáng cho các vấn đề ứng nhân, xử thế đối với xã hội loài người và hành tinh mà chúng ta đang sống.
Phần 7 là 66 Câu thiền ngữ làm thay đổi cuộc đời, một sưu tầm nổi tiếng về triết lý sống Thiền trong cộng đồng Hoa ngữ từ những năm 2004. Phân chia thành 6 đề mục, mỗi đề mục 11 câu, tôi muốn thông qua các Thiền ngữ này, trao gửi đến quý độc giả những triết lý sống bình dị của Phật giáo, có khả năng chữa lành các nổi khổ niềm đau. Từ nhận thức chấp thủ là gốc khổ đau, người tu học Phật không hận
người, không hận đời, nỗ lực chuyển hóa bản thân, làm chủ vận mệnh, hướng đến an vui. Đây là cách biết thương chính mình, cũng là cách góp phần mạng lại hạnh phúc đích thực cho tha nhân.
Phần 8 là Bài ca tỉnh thức cuộc đời của Thiền sư Chí Công, Trung Quốc. Chỉ trong một trang cô đọng, tác giả đã khái quát hóa về tính vô thường và không thực thể của cuộc đời. Theo đó, kêu gọi mọi người buông xả mọi chấp trước, làm việc nghĩa lợi, trau dồi đạo đức, thực tập tâm linh, để trải nghiệm hạnh phúc bây giờ và tại đây.
Phần 9 là các bài thơ “Từng bước thảnh thơi” do tôi sáng tác vào năm 2003 nhân dịp giảng dạy Tỳ-ni nhật dụng cho các Tăng Ni mới xuất gia. Với thể ngũ ngôn, các bài thơ này là các trải nghiệm chánh niệm trong mọi tình huống từ lúc mới thức dậy cho đến lúc lên giường ngủ. Trải nghiệm chánh niệm là phép màu của tỉnh thức, một mặt giúp hành giả đạt được sự thư thái và thảnh thơi, mặt khác, nhờ chánh niệm, hành giả trở nên sáng tạo và năng động trong các Phật sự.
Sáu phụ lục nguyên tác bằng chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Anh giúp độc giả đối chiếu mỗi khi cần đào sâu ngữ nghĩa gốc. Dù đã cố gắng trung thành với nguyên tác, các bản dịch trong Cẩm nang này không thể lột tả hết các lớp ý nghĩa ẩn sâu trong mạch văn, một phần do nguyên tác chữ Hán quá xúc tích và phần khác do dịch theo thể thơ, vài ý nhỏ trong văn mạch có thể bị mất đi, hoặc ích nhiều bị biên tập.
Tôi tin tưởng rằng, Cẩm nang thực tập chánh niệm và khuyến tu này là nguồn tài liệu bổ ích không chỉ đối với người xuất gia. Bất kỳ ai muốn trải nghiệm hạnh phúc hiện tiền cần đọc, nghiền ngẫm và thực tập những lời dạy cao quý của các bậc cao Tăng Phật giáo trong Cẩm nang này.
Sài Gòn, mùa Phật đản lần thứ 2637 (2013)
Sa-môn Thích Nhật Từ