Trong kho tàng văn học Phật giáo bao gồm các bản gốc và các bản dịch được tìm thấy phần lớn trong các ngôn ngữ Sanskrit, Pàli, Tây Tạng và Trung Hoa, văn học Pàli xuất hiện rất sớm và chiếm một số lượng lớn. Do xuất hiện sớm và được bảo lưu khá tốt, văn học Pàli lưu giữ nhiều thông tin và tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp truyền giáo của đức Phật, các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, hoạt động của các trường phái tư tưởng và tôn giáo khác nhau hiện diện trong thời đại của ngài, song song với các quan điểm tư tưởng và thực hành tôn giáo mà ngài đã đề ra cho các đệ tử. Như vậy văn học Pàli đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo bởi trước hết nó chứa đựng các tài liệu liên quan đến bậc Đạo sư và những lời dạy của ngài.
Sự nghiệp 45 năm thuyết pháp độ sinh của đức Phật để lại nhiều ấn tượng lớn và lưu lại nhiều thành quả văn hóa tâm linh sâu sắc không ngừng đánh thức và khuyến khích thiện tâm trong lòng mọi người ở trong mọi thời đại. Đức Phật đại diện cho sự thật giác ngộ ở đời và là tấm gương lớn của sự nghiệp rộng mở con đường giác ngộ. Phát biểu về ngài, người ta dùng các lời lẽ trang trọng như thế này: “Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ. Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết-bàn”(1). Hoặc họ biểu cảm: “Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày.”(2)
Đức Phật không chỉ giảng dạy và huấn luyện các đệ tử mình đạt đến giác ngộ, ngài còn khuyến khích các học trò nỗ lực truyền bá chánh pháp, chia sẻ với mọi người sự hiểu biết về pháp giác ngộ. Ngài khuyên nhủ:
“Này các Tỷ-kheo, Ta đã giải thoát khỏi tất cả trói buộc của nhân thiên. Này các Tỷ-kheo, các ngươi cũng đã giải thoát khỏi tất cả trói buộc của nhân thiên. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh.”(3)
Chúng ta có thể nói rằng đây chính là động lực sâu xa nhất của những gì ta gọi là thành quả đóng góp của Phật giáo cho cuộc đời, trong đó có sự nở hoa của vườn văn học Pàli.
I. Cơ sở hình thành:
Như ta thấy ngày nay, văn tạng Pàli (canonical Pàli literature) bao gồm nhiều pháp thoại (sutta) do đức Phật thuyết giảng chỗ này chỗ kia cho nhiều đối tượng khác nhau bên cạnh một số bài pháp do các đệ tử ưu tú của ngài trình bày. Mỗi pháp thoại như vậy được mở đầu bằng câu “Evam me sutam”, ngụ ý sự ghi nhớ nội dung bài pháp bởi một hay nhiều tỷ kheo trực tiếp lắng nghe bậc Đạo sư thuyết giảng hoặc nghe lại từ người khác và chính họ nói lại bài pháp ấy trong những lúc thuyết giảng hoặc trong trường hợp giáo pháp của bậc Đạo sư được tụng đọc tại các kỳ kiết tập. Sự phong phú về thể loại và ổn định về mặt nội dung của rất nhiều pháp thoại được tìm thấy trong văn tạng Pàli ngày nay chắc chắn là nỗ lực của nhiều thế hệ tỷ kheo trong việc sưu tập và sắp xếp những lời dạy của bậc Đạo sư để lưu vào ký ức và đặc biệt thông qua hoạt động của các kỳ hội nghị kiết tập. Sự nghiệp thuyết pháp độ sanh hay hoạt động truyền giáo của đức Phật diễn ra trong bối cảnh một xã hội Ấn Độ rộng lớn và đối tượng giáo hoá của ngài cũng rất đa dạng. Toàn bộ công tác giảng dạy của ngài được thực hiện bởi phương thức khẩu truyền và dưới nhiều hình thức thuyết giảng, đối thoại hay đàm luận. Sách vở, chữ viết chưa được dùng và bậc Đạo sư cũng không chú ý lưu lại các cuộc nói chuyện của mình. Như vậy việc những lời dạy của đức Phật được sưu tập và sắp xếp thành những bài kinh hay pháp thoại ổn định cả về mặt nội dung lẫn hình thức chứng tỏ sự nỗ lực lớn của các thế hệ tỷ kheo học trò ngài. Đa số các học giả ngày nay đều ghi nhận rằng văn học Pàli là kết quả của sự nỗ lực lâu dài của các thế hệ Phật tử.
Nghiên cứu về văn học Pàli, hầu hết các học giả(4) đều cho rằng không phải tất cả những gì chứa đựng trong văn tạng Pàli ngày nay đều bắt nguồn từ đức Phật. Tuy nhiên đa số họ đều tin rằng một số lượng lớn những lời dạy, những bài pháp và các giáo lý của bậc Đạo sư có thể được tìm thấy trong văn tạng Pàli nhờ công lao ghi nhớ và gìn giữ khá tốt bởi các đệ tử của ngài. H. Oldenberg nói rằng mặc dầu các truyền thuyết và các tư biện của những giai đoạn về sau được đưa vào văn học Pàli, các bản kinh Pàli (Pàli suttantà) vẫn được giữ nguyên không bị ảnh hưởng bởi chúng.(5) Nhận xét này tỏ cho thấy Oldenberg rất tin tưởng nguồn tài liệu Kinh tạng Pàli (Pàli Suttapitaka) và do đó, theo ông, ‘Pàli là nguồn tài liệu đáng chú ý xem xét và coi trọng hơn bất kỳ nguồn tài liệu nào khác, nếu chúng ta muốn có được bất kỳ thông tin nào về đức Phật và cuộc đời của ngài.’(6) André Bareau nêu nhận xét tương tự, cho rằng văn học Pàli Thượng tọa bộ còn giữ được đến nay rất nhiều và được nghiên cứu rộng rãi ở phương Tây. Điều đáng mừng là trong số các văn liệu này, chúng ta còn có được các biên niên ghi lại lịch sử của học phái Tích Lan từ thời vua A Dục. Hẳn hiên là không thể chấp nhận tuyệt đối mọi dữ kiện ghi trong các biên niên sử ấy, nhưng bằng sự phân tích trong sáng giúp gạn lọc những truyện tích truyền kỳ được chép lẫn khá nhiều, như thường thấy trong trường hợp ở Ấn Độ, chúng ta cũng có thể vẽ lại với ít nhiều chắc chắn các nét chính của lịch sử này.(7)
II. Các kỳ kiết tập:
Theo các tài liệu Cullavagga, Dìpavamsa, Mahàvamsa và Samantapàsàdikà thì chỉ mấy tháng sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn, các đệ tử lớn của ngài đã nhóm họp tại Vương Xá (Ràjagaha) để tụng đọc lại những lời dạy của ngài mà phần lớn họ đều ghi nhớ nằm lòng. Sự nhóm họp tụng đọc như vậy được gọi là hội nghị kiết tập kinh điển (sangìti) mà mục đích là để làm sống lại lời dạy của bậc Đạo sư bên cạnh sự phân tích bổ sung hay gạn lọc một số giáo lý được ghi nhớ thiếu sót hoặc nhầm lẫn giữa các tỷ kheo. Hội nghị quy tụ một số đông các tỷ kheo giỏi về kinh, luật và được chủ trì bởi những vị trưởng lão có uy tín và uyên thâm về Phật học. Người ta bảo Mahà Kassapa, vị tôn giả cao niên có uy tín nhất của Tăng già đương thời, nhận trách nhiệm chủ trì cuộc hội nghị kiết tập lần thứ nhất tổ chức ở Ràjagaha, bên cạnh hai vị đệ tử thân tín khác của đức Phật là Ànanda và Upàli, có trách nhiệm tuyên đọc Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Ít nhất có ba cuộc hội nghị kiết tập như vậy đã diễn ra tại Ấn Độ trước khi giáo lý của đức Phật được giới thiệu sang Tích Lan do công của Trưởng lão Mahinda.(8) Trong hai kỳ kiết tập đầu, hội nghị tập trung chủ yếu vào việc tụng đọc Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Đến kỳ kiết tập lần thứ ba được tổ chức ở Pàtaliputta dưới thời vua Asoka, các bản luận hay Abhidhamma cũng được đưa vào nội dung kiết tập. Tập Kathàvatthu thuộc Luận tạng được xem là do Trưởng lão Moggaliputta Tissa, chủ tịch hội nghị, biên soạn trong khoảng thời gian chín tháng của cuộc hội nghị.
Mahinda sang Tích Lan, mang theo mình toàn bộ giáo lý được đúc kết tại hội nghị kiết tập lần thứ ba tổ chức dưới triều đại Asoka và truyền bá rộng rãi cho dân chúng ở đây. Một vài lần tụng đọc được tiếp tục thực hiện ở Tích Lan cho đến khi toàn bộ giáo lý của đức Phật được chép thành văn bản dưới triều vua Tích Lan Vattagàmini Abhaya, khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch (29-17 B.C). Không có nhiều bằng chứng về việc biên tập những lời Phật dạy bằng chữ viết tại ba kỳ kiết tập đầu tổ chức ở Ấn Độ.(9) Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, cho đến hội nghị kiết tập lần thứ tư tổ chức ở Tích Lan khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, toàn bộ giáo lý của bậc Đạo sư đã được học thuộc lòng và được truyền khẩu bởi chư tăng nhiều thế hệ. Các Phật tử Tích Lan tin rằng chính trưởng lão Mahinda đã đưa Phật giáo vào Tích Lan và mang theo mình các bản kinh được kiết tập trong thời gian hội nghị kiết tập lần thứ ba tổ chức dưới thời đại đế Asoka. Những bản kinh này đầu tiên được truyền khẩu từ đời này sang đời khác cho đến dưới thời vua Abhaya Vattagàmani chúng mới được viết ra thành văn bản. Họ cũng tin rằng chính tạng kinh được sưu tập trong thời kỳ kiết tập lần thứ ba do Mahinda mang đến Tích Lan và được ghi chép dưới thời vua Vattagàmani là khớp với Tam tạng Pàli mà hiện chúng ta đang có.(10) R. F. Gombrich nêu nhận xét tương tự, bảo rằng tạng Pàli mà ít nhiều chúng ta có ngày nay hẳn đã có mặt trong thời Asoka và do Mahinda mang sang Tích Lan. Giống như M. Winternitz(11) và W. Geiger,(12) Gombrich rút ra kết luận này trên cơ sở các bản kinh giống nhau được tìm thấy giữa tạng Pàli hiện có và các bia ký Asoka.(13)
Kể từ khi được giới thiệu sang Tích Lan và được chép thành văn bản vào cuối thể kỷ thứ nhất trước Tây lịch, tạng thư Pàli dần dần được phát triển và mở rộng bởi sự xuất hiện lần lượt các luận sư, các nhà sớ giải Pàli và bởi sự mở rộng của Phật giáo Thượng tọa bộ sang các nước Đông Nam châu Á. Công tác nghiên cứu, dịch thuật và chú giải các vấn đề Phật học được lưu giữ trong Tam tạng Pàli, việc ghi chép các nguồn sử liệu liên quan đến sự hình thành Tam tạng và sự xuất hiện của đạo Phật ở Tích Lan, các sáng tác mới lấy cảm hứng từ suối nguồn Phật giáo, song song với các công trình ngữ pháp làm sáng tỏ ngôn ngữ Pàli... đã làm phong phú thêm kho tàng văn học Pàli.
Ta cũng nên ghi nhận một chuyển biến căn bản của đạo Phật Tích Lan nảy sinh do hoàn cảnh lịch sử ở đảo quốc này đã tạo tiền đề cho sự phát triển văn học Pàli ở đây. Yêu cầu bảo tồn chánh pháp trước họa xâm lăng và xã hội hóa các hoạt động của Tăng già Tích Lan vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Truyền thống học thuộc lòng và truyền khẩu các bản kinh Phật do Mahinda thiết lập ở Tích Lan bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên kéo dài một thời gian cho đến cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Khoảng cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Tích Lan rơi vào họa xâm lăng bởi người Tamil và liên tiếp chịu nhiều thiên tai đói kém. Trước tình hình quốc gia nguy kịch ấy, các sinh hoạt truyền thống của Phật giáo cũng bị đe dọa. Người ta nói rằng chính trong hoàn cảnh nguy khó ấy, Tam tạng Kinh, Luật, Luận Phật giáo đã được quyết định chép ra thành văn bản “nhằm duy trì lâu dài chánh pháp của bậc Đạo sư” (ciratthitattham dhammassa).(14) Sự kiện giáo lý của đức Phật được chép thành văn bản đánh dấu một bước phát triển mới của Tăng già Tích Lan và mở đường cho các hoạt động văn học ở đây.
Theo Walpola Ràhula thì kể từ sau những thảm cảnh tai ương ấy, thái độ của các tu sĩ Tích Lan thay đổi rất rõ. Họ bắt đầu cân nhắc các biện pháp nhằm duy trì và phổ biến chánh pháp (Sàsana). Ràhula nêu ra một loạt các hoạt động cho thấy Tăng già Tích Lan đã có những chuyển biến khác biệt so với hoạt động của Tăng già Ấn Độ như được mô tả trong các bản kinh nguyên thủy. Họ mở rộng phạm vi sinh hoạt và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Riêng về truyền thống tu học, việc học (pariyatti) được nhấn mạnh và đề cao hơn việc thực hành (patipatti), một thái độ mà Ràhula cho là chưa từng xảy ra trước đó. Học thuật được khuyến khích và được đánh giá cao bởi nó đáp ứng các nhu cầu xã hội trước mắt. Trong các tác phẩm sớ giải, người ta nhấn mạnh và đề cao việc học hơn cả thực hành. Phần lớn tu sĩ chuộng con đường học thức hơn con đường hành trì. Các tu sĩ học thức được gọi là gantha-dhura và được đánh giá cao, trong khi các tu sĩ chuyên về hành thiền được gọi là vipassanà-dhura và ít được coi trọng. Ngay trong việc học tập Tam tạng, người ta cũng chú trọng và đề cao Luận tạng (Abhidhamma-pitaka) hơn Luật tạng (Vinaya-pitaka) (nghĩa là họ đề cao một môn học đòi hỏi việc vận dụng kiến thức nhiều hơn so với Luật tạng thiên về thực hành). Các tỷ kheo đi sâu vào con đường học vấn phải biết nhiều thứ mới có khả năng đóng góp cho xã hội. Ngoài việc nắm bắt Phật học, họ cần phải thông thạo ngôn ngữ, lịch sử, nghệ thuật, ngữ pháp, logic, y học và nhiều kiến thức khác. Do đó vào thời kỳ này các tu viện Phật giáo Tích Lan trở thành các trung tâm văn hóa và học thuật, còn các tỷ kheo thì trở thành những người truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cho quần chúng.(15)
Mahàvihàra (Đại tinh xá) ở kinh đô Anuràdhapura do hoàng đế Devanampiya Tissa cho xây dựng ngay sau ngày Mahinda giới thiệu đạo Phật vào Tích Lan đã trở thành trung tâm văn hóa và học thuật lớn nhất đảo quốc này. Mahàvihàra từng là nơi tập hợp và xuất thân của nhiều luận sư Pàli nổi tiếng và là địa danh ngưỡng vọng của tỷ kheo Thượng tọa bộ các nước.(16) Từ trung tâm này, nhiều thế hệ tỷ kheo xuất chúng đã ra đời đóng góp rất lớn cho kho tàng văn học Pàli. Các luận sư Pàli danh tiếng như Buddhaghosa, Buddhadatta và Dhammapàla đã từng lưu học và giảng dạy tại Mahàvihàra. Đầu thế kỷ thứ năm, Pháp Hiển (Fa-hsien) viếng thăm Tích Lan và cho biết có 3000 tăng sĩ đang sống tu học tại đây.(17) Trong suốt một thời gian dài, từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ mười Tây lịch, mặc dù trải qua nhiều biến động, Mahàvihàra đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển Phật giáo Thượng tọa bộ ở Tích Lan.(18)
III. Nguồn gốc và sự phát triển:
Cứ theo những gì đã nói thì cơ sở khiến văn học Pàli được hình thành và phát triển bắt nguồn từ sự xuất hiện đặc biệt của một nhân vật lịch sử và những hoạt động đầy trí tuệ và từ bi của người ấy đối với cuộc đời, đức Phật Gotama. Chính cuộc đời và sự nghiệp giáo dục rất người và rất cao cả của ngài đã là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ Phật tử trong việc tạo ra các bộ luận nổi tiếng, biên soạn các công trình nghiên cứu và chú giải giá trị, sáng tác nên những áng văn chương hay, bên cạnh sự trân trọng gìn giữ những lời dạy được ghi nhớ bằng ký ức hay được ghi chép cẩn thận và lưu truyền nhiều đời của ngài. M. Winternitz cho rằng niên đại của đức Phật đã được xác định và như vậy chúng ta có thể ước lượng khởi nguyên của một nền văn học Phật giáo.(19) Theo khảo cứu của phần lớn các học giả thì đức Phật ra đời ở Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên và như vậy Winternitz muốn đặt khởi nguyên của văn học Pàli trong khoảng thời gian đó. Giả thiết rằng một nền văn học Phật giáo bắt nguồn từ đức Phật không phải không có cơ sở nhưng nó cần được chứng minh và làm sáng tỏ bởi sự kiện rằng ‘không có một văn bản gốc nào của thời kỳ Phật giáo đầu tiên ấy được truyền lại cho chúng ta.’(20) Tất cả những gì chúng ta có được ngày nay liên quan đến đức Phật và giáo pháp của ngài chỉ là những nỗ lực về sau, do công lao ghi nhớ, sưu tập và biên soạn của nhiều thế hệ tỷ kheo đệ tử ngài. Thạm chí không ai biết chắc loại ngôn ngữ nào ngài đã dùng trong công tác giảng dạy và truyền bá chánh pháp. Các nhà Thượng tọa bộ cố bảo lưu quan điểm rằng kinh điển Pàli của họ được lưu truyền bằng ngôn ngữ mà chính đức Phật đã dùng, tức tiếng Màgadhì và họ đồng hóa nó với Pàli. Tuy nhiên công cuộc nghiên cứu Pàli về phương diện ngữ học được tiến hành ở châu Âu cuối thế kỷ 19 cho thấy Kinh tạng Pàli thuộc Thượng tọa bộ trễ hơn nhiều so với thời đức Phật và Pàli không phải là ngôn ngữ nói ở Magadha hay bất cứ nơi nào khác.(21) Nhưng dù không có một tác phẩm Phật giáo nào được xem có nguồn gốc từ thời đức Phật, một số bản kinh nằm trong Kinh tạng Pàli có thể được xem là lời dạy của ngài. Ngay cả một số pháp thoại do các đệ tử lớn của ngài thuyết giảng cũng có thể nằm trong số các bản kinh chúng ta hiện có. Chúng ta đi đến nhận xét như vậy bởi các luận cứ sau đây:
1. Truyền thống đọc tụng và học thuộc lòng:
Thứ nhất, mặc dù đức Phật không chú ý lưu lại những gì liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp truyền giáo của mình, các học trò của ngài rất chú tâm học thuộc lòng và ghi nhớ kỹ những lời ngài dạy. Một số các tính ngữ được dùng trong Kinh tạng và Luật tạng Pàli, trong các văn bản phát hiện ở Bàrhut và Sanchì thế kỷ thứ ba và thứ hai trước Công nguyên và trong các sớ giải để chỉ đặc điểm chuyên môn của các tỷ kheo như dhammakathika (người chuyên về pháp), suttantitka (người ghi nhớ hay học thuộc lòng một bài kinh), suttantakinì (nữ nhân học thuộc lòng một bản kinh), dhammadhara (người ghi nhớ pháp), vinayadhara (người trì luật), bhànaka (nhà tụng đọc), petaki (người ghi nhớ một trong Tam tạng Kinh, Luật, Luận), pancanekàyika (người khéo nắm bắt năm bộ nikàya) chứng tỏ các đệ tử của đức Phật rất quan tâm ghi nhớ và học thuộc lòng giáo pháp của ngài.
Tuyển tập Trưởng lão tăng kệ (Theragàthà) ghi nhận một số tỷ kheo chuyên tâm học thuộc lòng những lời dạy của bậc Đạo sư, đặc biệt có trường hợp tỷ kheo Ukkhepakàta Vaccha học thuộc lòng cả Tam tạng trước khi chúng được kiết tập. Tập Udàna nêu trường hợp tôn giả Sona Kotikanna học thuộc lòng 16 phần Phẩm tám,(22) được Thế Tôn tán thán là khéo ghi nhớ và bảo đọc tụng cho chúng tỷ kheo nghe. Câu chuyện cuộc đời Tôn giả Ànanda(23) chép trong tuyển tập Theragàthà nói rõ dụng ý của Tôn giả trong việc nắm bắt toàn bộ giáo lý của bậc Đạo sư. Chuyện thuật rằng trước khi nhận trách nhiệm hầu cận đức Thế Tôn, Tôn giả khẩn cầu Thế Tôn từ chối ngài bốn việc và chấp nhận cho ngài bốn việc. Bốn việc từ chối là Thế Tôn không cho Tôn giả y áo, thức ăn, một phòng riêng và mời đi ăn. Bốn việc chấp nhận là nếu Tôn giả được mời ăn thời Thế Tôn bằng lòng cùng đi dự, Thế Tôn bằng lòng gặp những người từ xa đến do Tôn giả giới thiệu, Thế Tôn chấp nhận cho Tôn giả yết kiến nếu Tôn giả có điều phân vân khó xử, Thế Tôn sẽ giảng lại những giáo lý ngài dạy khi Tôn giả vắng mặt. Điều thứ ba và thứ tư trong bốn điều mà Ànanda khẩn cầu Thế Tôn chấp nhận cho ngài chứng tỏ Tôn giả muốn lưu lại đầy đủ những lời dạy của bậc Đạo sư. Như là kết quả, Ànanda tự nhận trong một bài kệ rằng trong số 84.000 pháp mà Tôn giả đã nắm bắt và truyền bá, 82.000 pháp nhận được từ đức Phật và 2.000 pháp khác từ các tỷ kheo.(24) Tôn giả cũng được Thế Tôn xác nhận là người nghe nhiều (bahusutavantu), ghi nhớ nhiều (bahusatimantu),(25) và tại kỳ kiết tập lần thứ nhất tổ chức ở Vương Xá, chính Tôn giả là người được chỉ định tuyên đọc Pháp (Dhamma) hay những bài kinh của bậc Đạo sư. Bản Đại kinh Người chăn bò (Mahàgopalaka Sutta), Trung bộ, nói đến việc các tỷ kheo thỉnh thoảng cần phải đến gặp những vị tỷ kheo đa văn là những người nắm giữ truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì matika để học hỏi ý nghĩa Phật pháp. Các bản kinh Pàli cũng đề cập sự kiện có một số tỷ kheo là những người trì Pháp (Dhammadharà), trì Luật (Vinayadharà) hay trì Toát yếu (Màtikadharà). Luật tạng Pàli thuật chuyện tỷ kheo Dabba Mallaputta nhận trách nhiệm phân phối chỗ nghỉ cho chư tăng từ xa đến; vị này sắp đặt chỗ ở riêng biệt cho từng nhóm người chuyên đọc tụng kinh điển (Suttantikà), chuyên về pháp (Dhammakathikà) hay chuyên về luật (Vinayadharà) với ý nghĩ họ sẽ cùng nhau đọc tụng hay thảo luận những vấn đề mà họ cùng quan tâm.(26) Tăng Chi Bộ Kinh lưu câu chuyện tranh chấp giữa các tỷ kheo chuyên tâm về pháp (dhammayogà-bhikkhù) và các tỷ kheo chuyên tu thiền (jhàyì-bhikkhù).(27)
Tất cả thông tin này cho thấy một số tỷ kheo đệ tử đức Phật chuyên tâm về một lãnh vực nào đó trong đời sống tu học và họ trở thành những người thông thạo trong lãnh vực ấy, điều mà N. Dutt và Khantipàlo gọi là sự chuyên môn hóa trong đạo Phật.(28) Họ được gọi là những nhà đọc tụng kinh điển (Suttantikà), những người chuyên tâm về pháp (Dhammakathikà), những người chuyên về luật (Vinayadharà) hay những người chuyên tu thiền (jhàyì-bhikkhù). Những người này đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết vào lãnh vực riêng của mình và do đó họ trở thành những nhà chuyên môn. Các nhà đọc tụng kinh điển phải nỗ lực ngày đêm để học thuộc lòng và tụng đọc các bài pháp mà họ đã được học. Những người chuyên về pháp thì thường xuyên lắng nghe lời Phật dạy và thảo luận chánh pháp với các vị đồng phạm hạnh. Những vị chuyên về luật thì chú tâm nghiên cứu và thực hành sâu về giới luật. Những vị chuyên tu thiền thì dành trọn thì giờ cho việc phát triển định tâm (samatha) và đi sâu vào các đề tài thiền quán (vipassanà). Bản kinh Culagosinga Trung bộ mô tả các tỷ kheo Anuruddha, Nandiya và Kimbila cùng sống với nhau trong một trú xứ và mỗi tuần vào ngày thứ năm chư vị dành trọn đêm để đàm luận chánh pháp. Một vài cư sĩ đệ tử đức Phật hình như cũng học theo hạnh này, như trường hợp Isidatta và Purana được nói đến trong bản kinh Dhammacetiya, Trung bộ. Tài liệu Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli ghi nhận lễ Tự tứ (Pavàranà) đôi khi phải thực hiện với thủ tục ngắn gọn bởi các tỷ kheo dậy muộn do dành gần như trọn đêm cho việc giảng kinh (Suttanta), thảo luận luật (Vinaya) và thuyết pháp (Dhamma).(29) Bản kinh “Sống theo pháp” thuộc Tăng chi bộ đề cập trường hợp một số tỷ kheo dành trọn cả ngày đêm cho việc tụng đọc và học thuộc lòng các bản kinh Phật, bỏ quên cả việc hành thiền. Có lẽ do phải nỗ lực ngày đêm tụng đọc lớn tiếng những bài pháp khiến ảnh hưởng đến bầu không khí yên tĩnh của các tỷ kheo tu thiền nên đã dẫn đến sự kiện tranh chấp giữa những vị tỷ kheo chuyên tụng đọc và các tỷ kheo hành thiền, trong đó các tỷ kheo tụng đọc bị các vị tu thiền chỉ trích là “lắm mồm, lắm miệng” (Mukharà-vikinnavàcà).(30)
Như vậy, sự xuất hiện những vị tỷ kheo chuyên về Pháp hay chuyên về Luật trong tổ chức Tăng già chứng tỏ giáo lý của đức Phật được chú ý nắm bắt và lưu giữ kỹ bởi một số các tỷ kheo chuyên môn và như vậy có thể bảo đảm tính xác thực của nó trong quá trình truyền thừa. Ànanda và Upàli là các điển hình cho trường hợp học thuộc lòng kinh và luật của đức Phật và hai tôn giả là những người có trách nhiệm truyền tụng lại Pháp và Luật tại hội nghị kiết tập lần thứ nhất tổ chức ở Ràjagaha.
Trong vài trường hợp, các Phật tử cư sĩ cũng được ghi nhận rất quan tâm nắm bắt và học thuộc lòng các bản kinh Phật. Tương Ưng Bộ, Phẩm Tâm, cho thấy gia chủ Citta rất giỏi Phật pháp, nắm vững những lời dạy của bậc Đạo sư, thường xuyên thảo luận chánh pháp với các tỷ kheo đa văn biện tài, rất xứng với lời khen đệ nhất thuyết pháp của đức Thế Tôn. Tài liệu Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli đề cập sự kiện một nam cư sĩ mỗi ngày đến nghe vị tỷ kheo tụng đọc giáo lý để giữ cho các giáo pháp đã được nghe luôn sống trong ký ức.(31) Tập sớ giải của Dhammapàla ghi câu chuyện nữ cư sĩ Khujjuttarà thường đi nghe Thế Tôn thuyết pháp cho chúng tỷ kheo, trở thành một bậc đa văn, rất giỏi chánh pháp. Trong Tăng Chi Bộ, nàng được Thế Tôn khen ngợi là đệ nhất đa văn. Tương truyền tập Itivuttaka thuộc Tiểu Bộ là do nàng đã nghe được từ Thế Tôn và truyền tụng lại. Tập sớ có ghi rằng chúng tỷ kheo cũng học thuộc lòng tập kinh này, và chính tôn giả Ànanda đã đọc lại tập kinh này trong kỳ kiết tập thứ nhất ở Ràjagaha.(32)
Ta cũng hiểu rằng học thuộc lòng là một truyền thống xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ. Đây là cách gìn giữ một phần các giá trị văn hóa tinh thần của người Ấn trong các điều kiện xã hội cổ xưa. Người ta học thuộc lòng hay lưu vào ký ức các thơ ca, sử thi hay kinh văn tôn giáo và truyền tụng từ đời này sang đời khác. Rất nhiều bản kinh trong Kinh tạng Pàli đề cập sự kiện một số vị Bà la môn được xem là thông minh vượt trội hơn người khác nhờ tinh thông ba tập kinh Vệ đà, ghi nhớ các truyện tích và nắm vững các khoa nghi tôn giáo.(33) Học thuộc lòng cũng được khuyến khích và nhấn mạnh trong đạo Phật nguyên thủy. Một trong những lời giáo huấn cuối cùng của đức Phật dành cho các môn đệ là việc ngài khuyên các tỷ kheo cần phải khéo học tập (sugganhàti), thực hành và truyền bá rộng rãi giáo pháp của ngài để giáo pháp ấy được trường tồn, vì hạnh phúc và an lạc cho số đông.(34) Khéo học tập (sugganhana) ở đây đồng nghĩa với việc học thuộc lòng (dhàritam) các bài pháp của đức Phật. Các bản kinh Pàli thường dùng danh từ “vị đa văn thánh đệ tử” (sutavà ariyasàvako) với các đặc điểm hiểu rõ các bậc thánh (ariyànam dssàvì), thuần thục pháp các bậc thánh (ariyadhammassa kovido), tu tập pháp các bậc thánh (ariyadhamme suvinìto) để chỉ một người Phật tử khéo tu học nắm bắt Phật pháp, khác với “kẻ vô văn phàm phu” (assutavà putthujjano) với các đặc điểm đối lập. Trong số các đức tính của một tỷ kheo hữu học (sekha-bhikkhu) được nói đến trong đạo Phật nguyên thủy, học thuộc lòng (dhàritam) được xem như một đức tính, ngoài các đức tính khác như nghe nhiều (bahussutam), nhớ nghĩ những điều đã nghe (sutadharam), tích tụ những điều đã nghe (sutasannicayam), đọc tụng bằng lời (vacasà), chú tâm suy tư tìm hiểu ý nghĩa (sumanasikatam), nỗ lực thọ trì (sùpadhàritam) và thực hành (supatipannam) giáo pháp.(35) Tăng Chi Bộ Kinh ghi lời đức Phật nói về năm lý do khiến giáo pháp của ngài được an trú lâu dài, không bị hỗn loạn và biến mất. Trong năm lý do được đề cập, học thuộc lòng (dhàritam) được xem là lý do thứ hai bên cạnh bốn lý do khác là khéo nghe (sussutam), khéo thọ trì (sùpadhàritam), khéo quan sát ý nghĩa (sumanasikatam) và khéo thực hành (supatipannam) lời Phật dạy.(36)
Dấu tích của việc học thuộc lòng các bản kinh cũng có thể được thấy qua các văn bản còn lưu lại cho chúng ta ngày nay bởi sự trùng lặp của những đoạn văn giống hệt nhau được tìm thấy ở nhiều văn bản khác nhau và bởi lối diễn đạt lập đi lập lại nhiều lần các câu và các đoạn trong cùng một bản văn. Phương pháp học thuộc lòng của các tỷ kheo được mô tả khá chi tiết trong tác phẩm Vibhanga thuộc Luật tạng Pàli. Theo tài liệu này thì vị thầy tập cho người học trò học thuộc từng đoạn văn bằng cách đọc từng chữ ngắn rồi để cho học trò lập lại; cứ lập đi lập lại nhiều lần từng chữ rồi từng câu cho đến khi thuộc lòng cả đoạn văn. Các chứng cứ này gợi cho ta ý tưởng về một thời kỳ mà các kinh văn tôn giáo được học thuộc lòng và truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Chúng có thể gây cảm giác nhàm chán cho các độc giả ngày nay, nhưng chắn chắn lối diễn đạt mang tính trùng lặp được tìm thấy trong các bản văn Pàli đã là nỗ lực có dụng ý của các nhà tụng đọc và biên tập Kinh tạng muốn lưu lại một cách đầy đủ và chính xác những lời dạy của bậc Đạo sư trong điều kiện giáo lý được gìn giữ và lưu truyền bằng ký ức.
2. Các sở đắc ưu việt hay sự chuyên biệt về từng lãnh vực giáo pháp:
Thứ hai, Kinh tạng và Luật tạng Pàli lưu các thông tin nói về một số tỷ kheo đệ tử đức Phật chứng đắc các thánh quả nhờ chuyên tâm về một lãnh vực nào đó trong giáo pháp của ngài và họ được bậc Đạo sư xác chứng là thông thạo về lãnh vực ấy.(37) Chẳng hạn, Kinh Tăng chi bộ, Phẩm Người tối thắng cho biết trong số các đệ tử hàng đầu của Thế Tôn, Sàriputta là đệ nhất về trí tuệ, Mahàmoggallàna đệ nhất về thần thông, Mahàkassapa đệ nhất về hạnh đầu đà, Anuruddha đệ nhất về thiên nhãn, Punna Mantàniputta đệ nhất về thuyết pháp, Upàli đệ nhất về giới luật, Ànanda đệ nhất về nghe nhiều… Một số tỷ kheo ni cũng được xác nhận có các phẩm chất tương tự. Thông tin bản kinh Ànàpanàsati, Trung bộ, cho biết các tỷ kheo có các sở đắc và nhiều kinh nghiệm tu tập như vậy rất quan tâm huấn luyện các tỷ kheo trẻ, mỗi vị có khoảng từ 10 cho đến 40 học trò.(38) Bản kinh Nghiệp, Tương ưng bộ, cũng cho biết các tỷ kheo trẻ thường tụ tập chung quanh một số đệ tử lớn của đức Phật để học tập và họ được xem là có các phẩm hạnh tương tự như những vị thầy. Bài kinh Y áo, Tương ưng bộ, đề cập sự kiện Tôn giả Mahàkassapa quở trách Tôn giả Ànanda vì không lo huấn luyện các học trò mình tu tập – có lẽ do họ chỉ được học nhiều về giáo pháp đúng như sở trường của thầy họ là Ànanda, một dấu hiệu mà Mahàkassapa cho là ‘đồ chúng niên thiếu của Ànanda đang tan rã và sụp đổ.’ Tất cả các thông tin này nói rõ sự chuyên biệt trong từng nhóm tỷ kheo được giáo dục thông qua sở đắc và kinh nghiệm của một số đệ tử lớn của đức Phật. Học giả N. Dutt xem đây là một trong số các lý do dẫn đến sự xuất hiện các học phái Phật giáo về sau.(39) Tuy nhiên, các cứ liệu này thêm một bằng chứng cho thấy giáo pháp của bậc Đạo sư được chú ý nắm bắt và truyền thừa đầy đủ bởi sự xuất hiện các nhóm tỷ kheo chuyên môn.
Bản sớ giải kinh Trường bộ (Sumangalavilàsinì) của Buddhaghosa nói rằng ngay sau khi đức Phật nhập Niết bàn và sau hội nghị kiết tập lần thứ nhất, công tác lưu truyền từng bộ kinh Nikàya được giao phó cho cá nhân mỗi trưởng lão (thera) và các học trò của vị ấy, theo đó các trường phái đọc tụng (bhànaka) ra đời.(40) Tác phẩm Milinda-panha củng cố nhận xét này của Buddhaghosa bởi các thông tin nói về các nhà tụng đọc Bổn sanh (Jàtakabhànakà), các nhà tụng đọc Trường bộ (Dìghabhànakà), các nhà tụng đọc Trung bộ (Majjhimabhànakà), các nhà đọc tụng Tương ưng bộ (Samyuttabhànakà), các nhà đọc tụng Tăng chi bộ (Anguttarabhànakà), các nhà tụng đọc Tiểu bộ (Khuddakabhànakà). Mahàbodhivamsa làm rõ thêm danh tánh những người chịu trách nhiệm lưu giữ từng phần các bản kinh và luật. Theo thông tin này thì Upàli chịu trách nhiệm lưu truyền tạng Luật (Vinaya), Ànanda nhận trách nhiệm lưu truyền kinh Pháp cú (Dhammapada) và Trường bộ (Dìgha Nikàya), các học trò của Sàriputta chịu trách nhiệm lưu truyền Trung bộ (Majjhima Nikàya), Kassapa có trách nhiệm lưu truyền Tương ưng bộ (Samyutta Nikàya), Anuruddha chịu trách nhiệm lưu truyền Tăng chi bộ (Anguttara Nikàya).
Nguồn thông tin Cullavagga(41) thuộc Luật tạng Pàli đề cập nguyên nhân dẫn đến hội nghị kiết tập lần thứ hai ở Vesàli và ghi nhận các trưởng lão Yasa, Revata, Sabbakàmì, những người khởi xướng và chủ trì hội nghị kiết tập, là những người học thuộc lòng Pháp (Dhamma), Luật (Vinaya) và Toát yếu (Màtikà). Cả Dìpavamsa lẫn Samantapàsàdikà đều xác nhận trường hợp trưởng lão Moggaliputta Tissa, chủ tịch hội nghị kiết tập lần thứ ba tổ chức ở Pàtaliputta, từng học tập đầy đủ Tam tạng dưới sự chỉ dạy của hai đạo sư Siggava và Candavajjì. Hai tác phẩm này cũng đề cập sự kiện trưởng lão Moggaliputta Tissa, thầy của Mahinda, đã giảng dạy cho Mahinda Tam tạng Kinh, Luật, Luận. Các cứ liệu này ngụ ý rằng Moggaliputta đã học thuộc lòng và nắm bắt trọn vẹn Tam tạng kinh điển. Tất cả tài liệu Tích Lan đều ghi nhận sự kiện Kinh, Luật, Luận Phật giáo được Mahinda đưa vào Tích Lan và được lưu truyền nhiều đời cho đến dưới thời vua Vattagàmini chúng mới được chép ra thành văn bản. Thông tin này gián tiếp cho thấy Mahinda đã học thuộc lòng Tam tạng và truyền bá chúng ở Tích Lan. Tác phẩm Milinda-panha cũng nói đến trường hợp tỷ kheo Nàgasena học thuộc lòng Tam tạng, Kinh, Luật, Luận và các sớ giải, trở thành nhà nghị luận biện tài trong các cuộc đàm luận Phật pháp với Menander, vị vua Hy Lạp thông minh rất mến mộ đạo Phật.
Trong phần bình luận về Vasumitra, sử gia Tây Tạng Paramàrtha cho biết rằng Kê dận bộ (Kukkulavàda) chuyên môn về Luận, Kinh lượng bộ (Sautrànkia) chuyên về Kinh, Hữu bộ (Sarvàstivàda) chuyên về Luận, Tuyết sơn trú bộ (Haimavata) chuyên về Kinh, Chính lượng bộ (Sammatìya) chuyên về Luật.(42) Cả Demiéville và Bareau đều dử dụng thông tin này trong các chuyên khảo của hai ông về nguyên nhân của sự phân phái Phật giáo. Tuy nhiên, mặt khác, thông tin này của Paramàrtha giúp củng cố thêm luận chứng rằng sự chuyên môn hóa đã xuất hiện không những ngay từ thời đức Phật mà còn tiếp tục duy trì về sau trong số các học phái Phật giáo, và sự chuyên biệt của mỗi học phái có lẽ đã bắt nguồn từ sự chuyên biệt của từng nhóm tỷ kheo trong việc học tập và duy trì giáo lý của bậc Đạo sư. Sự chuyên biệt mang tính nhóm phái này cũng được tìm thấy trong truyền thống sinh hoạt của Tăng già Tích Lan mà Buddhaghosa đã có nhắc đến.(43)
Truyền thống học thuộc lòng và tụng đọc như vậy tiếp tục được tuân thủ bởi các tỷ kheo Tích Lan về sau. Nguồn tài liệu Tích Lan ghi nhận rằng trước triều đại Vattagàmani, nghĩa là trước khi Tam tạng được chép thành văn bản, các bản kinh Phật được lưu truyền từ đạo sư này sang đạo sư khác (àcariya-paramparàya) bằng phương thức khẩu truyền (mukhapàthavasena). Truyền thống này một lần nữa lại được nhấn mạnh và đề cao ở Tích Lan, sau khi quốc gia này trải qua nhiều biến cố chiến tranh với người Tamil và thiên tai đói kém kéo dài cho đến cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Nhiều chứng cứ và tài liệu thời kỳ này cho thấy học vấn được khuyến khích và đánh giá cao và phần lớn các tỷ kheo Tích Lan chuộng con đường học vấn (pariyatti) hơn thực hành (patipatti).(44)
Pháp hiệu một số đạo sư Tích Lan còn lưu truyền đến ngày nay như Tipitaka-Cùlàbhaya, Tipitaka-Cullasumma, Tipitaka-Cullanaga, Catunikàyika-Tissa, Dìghabhànaka-Abhaya, Majjhimabhànaka-Deva, Jàtakabhànaka-Mahàpaduma chứng tỏ truyền thống học thuộc lòng và tụng đọc các bản kinh Phật tiếp tục được thực hiện lâu dài bởi các tỷ kheo Tích Lan. Danh hiệu “Tam tạng pháp sư” (Tipitaka-àcariya) được dùng gắn liền với tên tuổi một dịch sư nào đó trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa có lẽ cũng bắt nguồn từ truyền thống học thuộc lòng này. Bộ luận Visuddhimagga của Buddhaghosa lưu chứng cứ nói về trường hợp những người thông hiểu ba tạng hoặc hai tạng hoặc một tạng hoặc một trong số năm bộ Nikàya.(45)
Tài liệu này cũng ghi nhận khả năng học thuộc lòng và ghi nhớ đặc biệt của một số tỷ kheo hữu danh ở đảo quốc Chánh pháp này. Chẳng hạn, trường hợp Trưởng lão Revata chuyên tụng đọc Trung bộ (Majjhimabhànaka), sau 19 năm hành thiền không nhìn lại kinh điển, đã tụng đọc từ đầu đến cuối các bản kinh Trung bộ không bị vấp một âm nào. Trưởng lão Mahà-Nàga ở Karuliyagiri cũng vậy, để kinh qua một bên 18 năm trời, sau đó ông tụng Dhàtukathà cho các tỷ kheo nghe không sai một chữ. Trưởng lão Mahà-Dhammarakkhita ở Tulàdhàra-pabbata xứ Rohana rời kinh điển 30 năm nhưng đã không ngại giảng dạy cho Abhaya toàn bộ Tam tạng. Buddhaghosa cũng đề cập trường hợp các tỷ kheo Tích Lan thường tập hợp chung quanh các vị đạo sư am tường Phật pháp để học Kinh tạng hay Luận tạng và họ được gọi là nhóm tỷ kheo chuyên môn về Kinh tạng (Suttantika-gana) hay nhóm tỷ kheo chuyên môn về Luận tạng (Abhidhammika-gana).(46) Tài liệu do Huyền Trang cung cấp cũng cho thấy hơn cả ngàn năm sau truyền thống chuyên môn về từng môn học như vậy vẫn được duy trì ở Ấn Độ. Theo Huyền Trang thì những vị chuyên về Thắng pháp hay Luận tạng tôn thờ Tôn giả Sàriputra, những vị chuyên về Luật tạng tôn thờ Upàli, những vị chuyên về Kinh tạng tôn thờ Pùrna Maitràyanìputra, những vị chuyên Thiền định tôn thờ ngài Mahàmoggallàna…(47)
Như vậy, từ các sự kiện đã nêu, ta có đủ lý do để tin rằng giáo lý của đức Phật đã được học tập và gìn giữ rất kỹ bởi các thế hệ tỷ kheo đệ tử ngài và do đó việc truyền thừa bảo đảm được tính xác thực. Các chứng cứ này cũng cho thấy dấu hiệu của một nền văn học truyền khẩu bắt nguồn từ thời đức Phật, đúng như học giả M. Winternitz đã nhận định.
3. Sự phân chia những lời dạy của đức Phật thành các thể loại:
Thứ ba, sự phân chia những lời dạy của đức Phật thành các thể loại văn chương khác nhau như Kinh (Suttam), Ứng tụng (Geyyam), Ký thuyết (Veyyàkaranam), Kệ tụng (Gàtham), Cảm hứng ngữ (Udànam), Như thị thuyết (Itivuttakam), Bổn sanh (Jàtakam), Vị tằng hữu (Abbhutadhammam), Phương quảng (Vedallam) được tìm thấy trong một số bản kinh Pàli(48) chứng tỏ giáo lý của đức Phật đã được chú ý sưu tập và phân tích trước khi nó được kiết tập tại các cuộc hội nghị kiết tập. S. G. P. Misra nói rằng thật hết sức tự nhiên, trong quá trình khẩu truyền giáo pháp, một số các bản kinh, các bài kệ, các truyện tích, các cách ngôn… được xem do đức Phật thuyết giảng hẳn đã trở thành chương trình học tập của các Tỷ-kheo, những người vì lý do thuận tiện đã phân loại chúng thành các tác phẩm khác nhau tùy theo hình thức, nội dung, ngôn ngữ và văn phong của chúng.(49) Thông tin này cũng nói rõ sự hiện diện của một nền văn học Phật giáo và bước đầu sự phát triển của nó trước khi những lời dạy của đức Phật được kiết tập tại các kỳ hội nghị.
4. Sự phân loại lời Phật dạy theo pháp số:
Thứ tư, sự hiện diện hai bài kinh Sangìti và Dasuttara ở Trường bộ được xem do Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) tuyên thuyết không lâu trước ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn với chủ đích nhắc lại các giáo lý căn bản của ngài theo hình thức liệt kê và phân tích chứng tỏ các đệ tử của đức Phật đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ giáo lý bậc Đạo sư bằng cách hệ thống hoá giáo lý của ngài dưới hình thức phân loại theo pháp số để tiện cho việc ghi nhớ và tụng đọc. Tiêu đề bài kinh thứ nhất, Sangìti, và nội dung hai bài kinh gợi cho chúng ta ý tưởng rằng việc kiết tập giáo pháp của bậc Đạo sư đã được thực hiện trong lúc đức Phật còn tại thế. Hai bài kinh cũng có thể được xem là mở đường cho hình thức các bộ luận (Abhidhamma) và công tác kiết tập (sangìti) được thực hiện nhiều lần sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn.
5. Các hội nghị kiết tập:
Thứ năm, lý do, nội dung và thủ tục kiết tập được áp dụng tại các kỳ hội nghị kiết tập như được ghi nhận bởi các tài liệu Cullavagga, Dìpavamsa, Mahàvamsa, Samantapàsàdikà cũng cho thấy giáo pháp của đức Phật đã được quan tâm lưu giữ rất kỹ bởi chư Tăng nhiều thế hệ. Theo các tài liệu nói trên thì tất cả các kỳ kiết tập được triệu tập bởi lý do có sự hiểu biết hay hành trì sai lạc vượt quá giáo pháp và giới luật của đức Phật và đều nhằm mục đích gìn giữ sự chính xác và trong sáng của giáo pháp bậc Đạo sư. Lời tuyên bố thiếu suy nghĩ của Subhadda ngay sau khi hay tin đức Phật nhập Niết bàn khiến Tôn giả Mahà Kassapa phải đi đến quyết định triệu tập cuộc hội nghị lần thứ nhất ở Ràjagaha. Việc các tỷ kheo Vajjì chấp trì mười vấn đề vượt quá giới luật sa môn (dasavatthùni) đã dẫn đến hội nghị kiết tập lần thứ hai tổ chức ở Vesàlì. Sự kiện các tu sĩ ngoại đạo xâm nhập Tăng già, hành trì và dẫn giải sai lạc giáo pháp của bậc Đạo sư khiến hội nghị kiết tập lần thứ ba được tổ chức ở Pàtaliputta. Nội dung các kỳ kiết tập cũng cho thấy Tăng già đã được triệp tập đầy đủ và các tỷ kheo uyên thâm về giáo pháp và giới luật được tuyển chọn để tụng đọc và thẩm định về Pháp và Luật đúng như họ đã trực tiếp nghe từ bậc Đạo sư hoặc học thuộc lòng và ghi nhớ đúng. Số lượng rất đông các tỷ kheo học thức được mời tham gia các cuộc hội nghị để tụng đọc và thẩm định về Pháp và Luật chứng tỏ truyền thống học thuộc lòng kinh và luật được tuân thủ triệt để và duy trì lâu dài bởi phần lớn các tỷ kheo. Các thủ tục tụng đọc và thẩm định giáo pháp được áp dụng tại các kỳ kiết tập cũng cho thấy các bài pháp của đức Phật khó có thể ghi nhớ nhầm lẫn hoặc hiểu sai một khi chúng được tụng đọc đầy đủ từng câu từng chữ một rồi đưa ra biểu quyết trước đông đảo thính chúng gồm hàng trăm tỷ kheo thông thạo Pháp và Luật. Thông tin về hai kỳ kiết tập đầu do Luật tạng Pàli cung cấp cho ta biết về các thủ tục tụng đọc và thẩm định khá chu đáo được áp dụng tại các hội nghị. Theo tài liệu này thì tại lần kiết tập thứ nhất, trước sự hiện diện của 498 Tỷ kheo A la hán khác, Tôn giả Mahà Kassapa đã lần lượt hỏi Tôn giả Upàli từng giới điều thuộc giới bổn Pàtimokkha với đầy đủ chi tiết liên quan đến giới điều ấy, tiếp đến ngài hỏi Tôn giả Ànanda từng bài kinh thuộc năm bộ Nikàya cũng với phương pháp tương tự. Tài liệu Vinaya-ksudraka do Bu-ston dẫn dịch trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng của ông mô tả khá chi tiết về phương pháp kiết tập lần thứ nhất ở Ràjagaha.(50) Theo tài liệu này thì khi Tôn giả Ànanda vừa tụng đọc xong một đoạn kinh, chư vị A la hán tham dự hội nghị đồng thanh hỏi Tôn giả:
“Tôn giả có thừa nhận đây là lời dạy của đức Phật?”
“Tôi thừa nhận đây là lời dạy của đức Phật” – Ànanda trả lời. Rồi ngài hỏi lại chư vị A la hán:
“Chư Tôn giả có thừa nhận những điều tôi vừa tụng đọc là lời dạy của đức Phật?”
“Đúng như vậy” – Các vị A la hán xác nhận.
Bấy giờ Tôn giả Kassapa suy nghĩ: “Việc nhắc lại đoạn kinh thứ nhất đã không gặp phải điều gì trở ngại và do vậy đây hẳn là giáo lý chân thật.” Và rồi ngài yêu cầu tôn giả Ànanda đọc tiếp đoạn kinh thứ hai.
Cứ theo các thông tin được mô tả thì những kỳ hội nghị kiết tập chính là những dịp giáo pháp của đức Phật được nhắc lại đầy đủ và được thẩm định kỹ càng bởi các tỷ kheo thông thái. Đây cũng là những dịp sưu tập lớn về giáo pháp thông qua sự ghi nhớ đa dạng của một số lượng lớn các tỷ kheo tiêu biểu tham dự hội nghị. Chắc chắn không phải một mình Tôn giả Ànanda có thể nhớ hết các bài pháp của đức Phật mà cần phải có sự hỗ trợ bổ túc của nhiều tỷ kheo khác trong việc ghi nhớ và tụng đọc. Sự bổ sung như vậy là cần thiết trong điều kiện giáo pháp được lưu giữ bằng ký ức và hẳn đã được chấp nhận nhờ phương pháp thẩm định kỹ lưỡng được áp dụng trong các kỳ kiết tập. Dấu hiệu chấp nhận thêm vào các bản kinh như vậy có thể được thấy rõ qua các thông tin nói về cuộc hội nghị kiết tập lần thứ ba, trong đó các bộ luận được đưa vào nội dung kiết tập và chính thức được thừa nhận. Tóm lại, tất cả các cứ liệu kiết tập giúp thêm bằng chứng về truyền thống tụng đọc và học thuộc lòng các kinh văn tôn giáo và về lịch sử truyền thừa ổn định của văn học Pàli trước khi nó chính thức được chép thành văn bản.
Như vậy, văn học Pàli bắt nguồn từ những lời dạy giản dị của đức Phật được ghi nhớ và học thuộc lòng bởi các tỷ kheo, được phân chia thành chín thể loại, được hệ thống hóa bởi ngài Xá Lợi Phất và được tụng đọc tại các kỳ kiết tập như được nêu trên đã cho thấy sự phát triển lần lượt của nó theo cùng với sự phát triển của đạo Phật tại lục địa Ấn Độ. Tính chất mới mẻ, trong sáng và giản dị của giáo lý bậc Đạo sư đi đôi với sự nỗ lực và khuyến khích truyền bá Chánh pháp của ngài đã là lý do khiến đạo Phật nhanh chóng được phát triển và mở rộng. Người ta ước tính bậc Đạo sư từng lưu dấu chân hóa độ của ngài tại mười hai trong số mười sáu vương quốc (mahàjanadapa) thuộc Ấn Độ lúc bấy giờ. Luật tạng Pàli cũng ghi nhận sự kiện đức Phật cho phép các học trò của mình sử dụng tiếng mẹ đẻ (sakàya nirutti: ngôn ngữ của chính mình) trong việc học tập và giảng giải lời dạy của ngài để cho việc truyền bá Chánh pháp được thực hiện dễ dàng. Sự phát triển và mở rộng của đạo Phật cũng đồng nghĩa với sự phát triển và mở rộng nội dung các giáo lý căn bản của ngài và phạm vi ảnh hưởng của nó. Khảo sát tình hình văn học Phật giáo tính từ thời đức Phật cho đến triều đại Asoka, Rhys Davids(51) đưa ra danh mục một số các vấn đề và tác phẩm Phật học tiêu biểu:
1. Những Phật ngôn giản dị mang tính trùng lặp được tìm thấy ngày nay ở các đoạn kinh hay ở những bài kệ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bản kinh.
2. Những tình tiết trùng hợp được tìm thấy trong hai hoặc nhiều bản kinh.
3. Các học giới (Sìla), pàràyana, các Phẩm Tám, Giới luật Ba la đề mộc xoa (Pàtimokkha).
4. Trường bộ kinh (Dìgha Nikàya), Trung bộ kinh (Majjhima Nikàya), Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya), Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikàya).
5. Kinh tập (Sutta Nipàta), Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà), Trưởng lão Ni kệ (Therìgàthà), Phật tự thuyết (Udàna), Tiểu tụng (Khuddakapàtha).
6. Phân biệt kinh (Sutta Vibhanga), Các nhóm học pháp (Khandakà).
7. Bổn sanh (Jàtaka), Pháp cú (Dhammapada).
8. Nghĩa thích (Niddesa), Phật thuyết như vậy (Itivuttaka), Vô ngại giải (Patisambhidà).
9. Ngả quỷ sự (Petavatthu), Thiên cung sự (Vimànavatthu), Truyện tích (Apadàna), Sở hành tạng (Cariyàpitaka), Phật sử (Buddhavamsa).
10. Các tập Luận; sớm nhất có lẽ là tập Puggalapannatti và muộn nhất là tập Kathàvatthu.
Học giả B. C. Law xem ra cũng đồng tình với tất cả vấn đề và tác phẩm Kinh, Luật, Luận do Rhys Davids đưa ra nhưng danh mục phân loại của ông hợp lý và thuyết phục hơn do công phu nghiên cứu phân tích rất chi tiết và xác đáng về niên đại các tác phẩm. Bảng phân loại của ông thiếu tập Dhammasangani và có thứ tự như sau:(52)
1. Mục này giống như mục 1 của bảng phân loại của Rhys Davids.
2. Giống như mục 2 của Rhys Davids.
3. Các học giới (Sìlas), nhóm pàràyana gồm 16 bài kệ không có phần mở đầu, nhóm Phẩm Tám (Atthaka) gồm bốn hay 16 bài kệ, các giới điều (Sikkhàpadas).
4. Trường bộ kinh (Dìgha) tập I, Trung bộ kinh (Majjhima), Tương ưng bộ kinh (Samyutta), Tăng chi bộ kinh (Anguttara), bộ Luật Pàtimokkha sơ khởi gồm 152 giới điều.
5. Trường bộ kinh (Dìgha) tập II và III, Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà), Trưởng lão Ni kệ (Therìgàthà), tuyển tập 500 chuyện Bổn sanh (Jàtakas), Giải thích kinh (Suttavibhanga), Vô ngại giải đạo (Patisambhidàmagga), Puggalapannatti, Vibhanga.
6. Mahàvagga và Cullavagga, bộ luật Pàtimokkha đầy đủ 227 giới điều, Thiên cung sự (Vimànavatthu) và Ngạ quỷ sự (Petavatthu), Pháp cú (Dhammapada), Kathàvatthu.
7. Tiểu nghĩa thích (Cullaniddesa) và Đại nghĩa thích (Mahàniddesa), Phật tự thuyết (Udàna), Phật thuyết như vậy (Itivuttaka), Kinh tập (Sutanipàta), Dhàtukathà, Yamaka, Patthàna.
8. Phật sử (Buddhavamsa), Sở hành tạng (Cariyàpitaka), Truyện tích (Apadàna).
9. Parivàrapàtha.
10. Tiểu tụng (Khuddakapàtha).
Như vậy con số những vấn đề và tác phẩm Kinh, Luật, Luận tiêu biểu do Rhys Davids và B. C. Law nêu ra trên đây đã phần nào cho thấy sự phát triển của văn học Phật giáo trong khoảng ba thế kỷ đầu của nó ở Ấn Độ. Ngoài ra, nội dung những cuộc kiết tập được đề cập trong một số tác phẩm như Cullavagga, Dìpavamsa, Mahàvamsa, Samantapàsàdikà cũng nói rõ quá trình phát triển của nền văn học này theo trình tự thời gian. Theo các tài liệu này thì tại cuộc hội nghị kiết tập thứ nhất xảy ra chỉ mấy tháng sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn, các tỷ kheo chỉ tập trung đọc tụng Pháp (Dhamma) hay Kinh tạng (Suttapitaka) và Luật (Vinaya) hay Luật tạng (Vinayapitaka). Khoảng một trăm năm sau đó, hội nghị lần thứ hai được tiến hành tại Vesàli và theo Buddhaghosa thì ngoài việc đọc tụng Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya), hội nghị cũng tập trung thảo luận những vấn đề xoay quanh các Pitaka, Nikàya, Anga và Dhammakkhandha. Truyền thống Phật giáo Nam truyền ghi nhận toàn bộ Tam tạng (Tipitaka) Kinh (Suttapitaka), Luật (Viyanapitaka), Luận (Abhidhammapitaka) Phật giáo được hình thành đầy đủ tại cuộc hội nghị kiết tập lần thứ ba tổ chức dưới triều đại Asoka, khoảng 236 năm sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn. Như vậy, sự mở rộng nội dung hoạt động của các kỳ kiết tập đã cho thấy tình hình phát triển của văn học Phật giáo trong khoảng thời gian ba thế kỷ đầu ở Ấn Độ, từ thời đức Phật đến thời đại Asoka.
IV. Công tác nghiên cứu và chú giải Tam tạng ở Tích Lan:
Công cuộc truyền bá đạo Phật do Mahinda thực hiện ở Tích Lan đánh dấu bước phát triển mới mẻ và lâu dài của nền văn học Pàli tại xứ sở đảo Sư tử và sau đó tại một vài quốc gia Đông Nam châu Á. Cả truyền thống Ấn Độ và các tài liệu Tích Lan đều nói đến sự kiện Mahinda đưa sang Tích Lan toàn bộ giáo lý Kinh, Luật, Luận Phật giáo được kiết tập dưới thời Asoka. Thậm chí còn có cả một bản sớ giải (atthakathà) về Kinh, Luật, Luận nữa. Tuy nhiên theo nhiều học giả thì thông tin thứ hai không mấy xác tín. Công tác nghiên cứu và chú giải Tam tạng được thực hiện dưới dạng các atthakathà (sớ giải) được xem là nỗ lực của các luận sư Buddhaghosa, Buddhadatta, Dhammapàla và phần lớn các tỷ kheo ở Tích Lan và chỉ xuất hiện một thời gian rất lâu sau khi Phật giáo được truyền đến xứ này. Theo nguồn tin ở các tác phẩm Vinayavinicchaya và Buddhaghosasuppatti thì rất có thể đã xuất hiện một số sớ giải viết bằng tiếng Tích Lan (Sinhalese) mà Buddhaghosa từng nghiên cứu và chuyển dịch sang Pàli khi ông đến xứ sở này vào thế kỷ thứ năm. Tuy nhiên, ngoài các tác phẩm Suttasamgaha, Nettippakarana, Petakopadesa và Milindapanha được xem là ngoại Kinh tạng (para-canonical) và niên đại của chúng được đặt vào khoảng thời gian không lâu trước và sau Công nguyên và tác phẩm Dìpavamsa được xem là xuất hiện khoảng thế kỷ thứ tư, toàn bộ văn học Pàli không thuộc Kinh tạng (non-canonical Pàli literature) bao gồm các sớ giải (atthakathà), tiểu sớ giải (tìkà/dìpanì), các biên niên sử (mahàvamsa, cùlavamsa), các sách chỉ nam hay hợp tuyển (sangaha)... đều không xuất hiện trước thế kỷ thứ năm Tây lịch. Theo học giả B. C. Law thì khoảng thời gian giữa thời điểm hoàn tất văn tạng Pàli và thời kỳ các luận sớ Pàli của Buddhaghosa Buddhadatta và Dhammapàla ra đời, văn học Pàli trải qua một giai đoạn không sáng sủa,(53) bởi hầu như không có nhiều tác phẩm Pàli ra đời trong khoảng thời gian từ đầu kỷ nguyên Tây lịch cho đến cuối thế kỷ thứ tư. Có lẽ do nhiều biến cố loạn lạc liên tiếp xảy ra trên đảo Tích Lan và trong nội bộ Tăng già nên tình hình nghiên cứu và sáng tác văn học Pàli ở đảo quốc này đã bị chửng lại trong một thời gian khá dài.
Thế kỷ thứ năm và thứ sáu là giai đoạn đánh dấu sự phát triển rực rỡ nhất của văn học Pàli ở Tích Lan bởi sự xuất hiện lần lượt các luận sư danh tiếng mà những tác phẩm của họ được xem là những cống hiến vĩ đại trong kho tàng văn học Pàli. Trong số các luận sư nổi danh của nền văn học này, Buddhaghosa, Buddhadatta và Dhammapàla được đánh giá cao nhất bởi sự nghiệp văn chương của họ. B. C. Law cho rằng những tác phẩm của Buddhashosa, Buddhadatta và Dhammapàla đích thực là các sớ giải Pàli quan trọng nhất. Chúng giàu có và phong phú về mặt tài liệu, rất cần cho việc tái tạo lại lịch sử xã hội và tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Các tác phẩm của họ cũng soi sáng các khía cạnh triết học, tâm lý học và siêu hình học của những thời kỳ mà chúng đề cập.(54)
Buddhaghosa nổi tiếng trước hết bởi tác phẩm Visuddhimagga, trình bày giáo lý đức Phật hay “Con đường thanh tịnh” theo ba đề mục lớn là Giới (Sìla), Định (Samàdhi), Tuệ (Pannà), được xem là bộ bách khoa đầu tiên của Phật giáo. Thêm vào đó, Buddhaghosa còn đóng góp rất lớn cho kho tàng văn học Pàli bởi các tác phẩm Samantapàsàdikà, chú giải về Luật tạng (Vinayapitaka), Kankhàvitaranì, chú giải về Pàtimokkha, và nhiều tác phẩm chú giải về Kinh tạng (Suttapitaka) như Samangalavilàsinì, chú giải về Trường bộ, Papancasùdanì, chú giải về Trung bộ, Sàratthapakàsinì, chú giải về Tương ưng bộ, Manorathapùranì, chú giải về Tăng chi bộ. Về Tiểu bộ, Buddhaghosa đóng góp ba bản sớ giải, Paramatthajotikà, chú giải về tập Khuddakapàtha (Tiểu tụng), Dhammapadatthakathà, chú giải về tập Dhammapada (Pháp cú) và Paramatthajotikà, chú giải về tập Suttanipàta (Kinh tập). Tác giả tập Jàtakatthakathà, chú giải về Jàtaka (Bổn sanh), đôi khi cũng được gán cho Buddhaghosa, tuy nhiên quan điểm này chưa được thống nhất giữa các học giả.(55) Ngoài ra, Buddhaghosa cũng được xem là tác giả của các sớ giải về bảy bộ luận thuộc Luận tạng (Abhidhammapitaka) như Atthasàlinì, chú giải về tập luận Dhammasanganì, Sammohavinodanì, chú giải tập Vibhanga, Dhàtukathàpakarana-atthakathà, chú giải tập Dhàtukathà, Puggalapannatti-atthakathà, chú giải tập Puggalapannatti, Yamakapakarana-atthakathà, chú giải tập Yamaka, Patthànapakarana-atthakathà, chú giải tập Patthàna, Kathàvatthu-atthakathà, chú giải tập Kathàvatthu.
Buddhadatta làm phong phú thêm kho tàng văn học Pàli bởi các công trình chú giải về Tam tạng. Vinayavinicchaya và Uttaravinicchaya là các chú giải về Luật tạng. Abhidhammàvatàra và Rùparùpavibhàga, chú giải về Luận tạng. Ông cũng được xem là tác giả tập Madhuratthavilàsinì, chú giải về tác phẩm Buddhavamsa thuộc Kinh tạng. Tác phẩm Gandhavamsa đề cập Buddhadatta là tác giả ba tập sớ giải, Abhidhammàvatàra, Vinayavinicchaya và Uttaravinicchaya, không đưa tập Rùparùpavibhàga vào danh mục các công trình của ngài. Thay vào đó tác phẩm này xem ngài là tác giả tập Jinàlankàra. Tài liệu Sàsanavamsa xem ngài là tác giả các tập Abhidhammàvatàra, Vinayavinicchaya, Rùparùpa- vibhàga và Madhuratthavilàsinì, nhưng không nói đến tác phẩm Uttaravinicchaya. Tài liệu Buddhghosasuppatti thuật câu chuyện rằng trong lúc Buddhghosa khởi hành đi Tích Lan thì gặp Buddhadatta giữa biển khơi, đang trên đường quay về Ấn Độ. Khi biết được ý định của Buddhaghosa sang Tích Lan để chuyển dịch các sớ giải sang tiếng Pàli, Buddhadatta nói rằng ngài cũng từng đến đó với mục đích tương tự nhưng đã không thể thực hiện được ý nguyện. Ngài chỉ biên soạn các tác phẩm Jinàlankàra, Dantavamsa, Dhàtuvamsa và Bodhivamsa. Cứ theo thông tin này thì Buddhadatta là tác giả của các tác phẩm Jinàlankàra, Dantavamsa, Dhàtuvamsa và Bodhivamsa. Tuy nhiên học giả Lakshmi R. Goonasekera tỏ ra nghi ngờ về điều này.(56)
Dhammapàla đóng góp thêm cho kho tàng văn học Pàli bởi một số tác phẩm chú giải về Tiểu bộ (Khuddaka Nikàya). Vimànavatthu-atthakathà, chú giải về tập Vimànavatthu (Thiên cung sự), Petavatthu-atthakathà, chú giải tập Petavatthu (Ngạ quỷ sự), Theragàthà-atthakathà, chú giải tập Theragàthà (Trưởng lão Tăng kệ), Therìgàthà-atthakathà, chú giải tập Therìgàthà (Trưởng lão Ni kệ), Cariyàpitaka-atthakathà, chú giải tập Cariyàpitaka (Sở hành tạng), Udàna-atthakathà, chú giải tập Udàna (Phật tự thuyết), Itivuttaka-atthakathà, chú giải tập Itivuttaka (Phật thuyết như vậy). Tất cả tác phẩm chú giải trên của Dhammapàla bao hàm trong tác phẩm Paramatthadìpanì của ông.(57) Ngoài ra, theo sử liệu Gandhavamsa, Dhammapàla còn là tác giả của một số tiểu sớ giải hay phụ chú về các công trình chú giải phần lớn do Budhghosa thực hiện. Tập Paramathamanjùsà, chú giải về tác phẩm Visuddhimagga, Lìnattha-pakàsinì, phụ chú về bốn sớ giải Kinh tạng hay Nikàya, Lìnatthavannanà, phụ chú về các sớ giải Luận tạng, Lìnattha-pakàsinì, phụ chú về sớ giải Jàtaka, Lìnatthavannanà, phụ chú về sớ giải tập Nettippakarana.
Ngoài các công trình chú giải Tam tạng đồ sộ của ba luận sư lớn mà chúng ta đã điểm qua, văn học Pàli tiếp tục phát triển một thời gian dài ở Tích Lan do nỗ lực và lòng mộ đạo của các thế hệ Phật tử Tích Lan trong sứ mạng gìn giữ và phổ biến chánh pháp. Các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa ra đời tạo cơ sở cho một số tác phẩm sử học xuất hiện về sau như Cùlavamsa, Mahàbodhivamsa, Thùpavamsa cho thấy Phật tử Tích Lan muốn lưu dấu ấn đặc biệt của đạo Phật trên đất nước mình bởi việc phóng tác một số truyền kỳ gắn với lịch sử xuất hiện và phát triển của đạo Phật tại xứ sở của họ. Nỗ lực này của họ cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn liệu Pàli.
Sự phát triển của văn học Pàli ở Tích Lan cũng được đánh dấu bởi sự nghiệp nghiên cứu và trước tác ngày càng sâu rộng trong lãnh vực văn học Phật giáo. Công tác chú giải Tam tạng cơ bản được thực hiện bởi Buddhaghosa, Duddhadatta, Dhammapàla dưới dạng các sớ giải (atthakathà) tiếp theo được đánh dấu bởi một loạt các công trình nghiên cứu và chú giải các atthakathà dưới hình thức các tiểu sớ giải hay phụ chú (tìkà). Ànanda, Dhammapàla, Vajirabuddhi, Sàriputta, Buddhanàga là những tên tuổi gắn liền với công tác phụ chú này. Các công trình của họ đóng góp rất lớn vào lãnh vực nghiên cứu Phật học và làm giàu thêm kho tàng văn học Pàli. Ànanda đóng góp ba bản tiểu sớ, Atthasàlinìmùlatìkà, Vibhangamùlatìkà và Pancappakaranamùlatìkà. Dhammapàla góp phần vào kho tàng văn học Pàli bởi một loạt tiểu sớ giải hay phụ chú về các tác phẩm Sumanagalavilàsinì, Papaãcasùdanì, Manorathapùranì, Sàratthappakàsinì, Jàtaka-atthakathà, các phụ chú về Luận tạng (Lìnatthavannanà) và bản phụ chú về sớ giải tập Nettippakarana. Vajirabuddhi viết công trình Vinayaganthipada, Sàriputta phụ chú các tác phẩm Samantapàsàdikà và Manorathapùranì, học trò ông, Buddhanàga, bổ sung thêm các tác phẩm Kankhàvitaranìporànatìkà và Vinayatthamanjùsà, phụ chú về các công trình chú giải Luật tạng.
Ngoài ra, một số công trình giới thiệu và chỉ dẫn về Tam tạng, về các vấn đề Phật học, triết học, tâm lý học Phật giáo... được thực hiện dưới dạng các sách chỉ nam hay hợp tuyển (sangaha) cũng góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Pàli, đồng thời cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình phát triển Phật học ở Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan.
Đáng chú ý rằng Phật giáo Thượng tọa bộ được thiết lập vững chắc ở Tích Lan và nền học thuật rộng lớn phong phú của nó đã mở đường và cung cấp nền tảng cho sự xuất hiện và phát triển của văn học Pàli Thượng tọa bộ tại một số quốc gia Đông Nam Á như Miến Điện và Thái Lan. Mối quan hệ gắn bó giữa Tích Lan và Miến Điện cũng như giữa Tích Lan và Thái Lan chủ yếu thông qua con đường trao đổi Phật giáo đã mở đường cho văn học Pàli tiếp tục phát triển tại hai quốc gia này.
Truyền thống Miến Điện và một số học giả xem Buddhaghosa là người từng đến Miến Điện và tạo được không khí học thuật ở đây. Các Phật tử Miến Điện mô tả Buddhaghosa từ Tích Lan đến Miến Điện sau khi ông hoàn tất công trình dịch thuật các sớ giải từ tiếng Tích Lan sang tiếng Pàli. Người ta nói vị đại luận sư này đã mang theo mình bản ngữ pháp Pàli của Kaccayàna và dịch sang tiếng Miến Điện. Ngài cũng được xem là đã viết một tập các ẩn dụ bằng tiếng Miến.(58) Mặc dù các thông tin trên không được tán trợ bởi các cứ liệu lịch sử, danh tiếng và các công trình chú giải vĩ đại do Buddhaghosa thực hiện ở Tích Lan vào thế kỷ thứ năm có lẽ đã gây ấn tượng lớn đối giới học thuật Miến Điện. Một số bi ký viết bằng tiếng Pàli phát hiện ở Hmawza chứng tỏ Phật giáo Thượng tọa bộ rất thịnh hành ở Hạ Miến vào thế kỷ thứ sáu.(59)
Quan hệ gắn bó giữa Phật giáo Tích Lan và Phật giáo Miến Điện trong lịch sử chính là điều kiện thuận lợi cho nền học thuật Pàli phát triển ở Miến Điện. Triều đại Narapatisithu thế kỷ thứ 12 được xem là thời kỳ phát triển Phật học ở Miến nhờ sự quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa sự nhiệt tâm của các tăng sĩ Tích Lan và lòng mến mộ Phật pháp của nhà vua Narapatisithu Miến Điện. Tăng già Tích Lan được thiết lập ở Dala quy tụ nhiều tăng sĩ Tích Lan danh tiếng đến sinh hoạt ở Miến Điện. Vua Narapatisithu hết lòng ủng hộ Phật pháp, trọng dụng các danh tăng thông thạo Pàli và mời họ đến Pagan giảng dạy và trước tác. Chính từ đây nhiều học giả Pàli danh tiếng như Chapata, Saddhammasiri, Aggapandita, Subhùticandana, Nànasàgara, Uttama, Vimalabuddhi, Uttara, Dhammadassi, Abhaya… đã xuất hiện, đóng góp rất lớn vào việc phát triển ngành học thuật Pàli ở Miến Điện. Chapata đóng góp vào kho tàng văn học Pàli một số công trình Phật học và ngữ pháp, như Suttaniddesa, Samkhepavannanà, Vinayagulatthadìpanì, Simàlamhàra. Saddhammasiri viết tác phẩm ngữ pháp Saddatthabhedacintà. Aggapandita là tác giả tập Lokuppatti. Subhuticandana sáng tác tập Lingatthavivarana. Nànasàgara và Uttara là tác giả của các tác phẩm Lingatthavivaranappakàsaka và Lingatthavivaranatìka. Vimalabuddhi viết tập Nyàsa luận giải về tập ngữ pháp của Kaccàyana. Dhammadassi biên soạn tập văn phạm gọi là Vaccavàcaka. Abhaya viết các sớ giải về tập Saddatthabhedacintà của Saddhammasiri và tác phẩm Sambandhacintà của Tỷ kheo Sangharakkhita người Tích Lan.(60)
Trước khi người Thái thiết lập vương triều của mình ở Sukhodaya và tiếp xúc với Tích Lan thì Phật giáo Thượng tọa bộ đã thịnh hành ở Hạ thung lũng Menam nhờ tấm lòng mộ đạo của các vị vua vương quốc Dvàravatì. Một số bi ký viết bằng tiếng Mon pha lẫn tiếng Pàli phát hiện được ở Haripunjaya cũng cho thấy Phật giáo Thượng tọa bộ đã thịnh hành ở Thượng thung lũng Menam dưới sự bảo trợ của các quốc vương người Mon. Công cuộc tiếp xúc trao đổi thường xuyên của người Thái với người Tích Lan bắt đầu từ hạ bán thế kỷ thứ 13, đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Thượng tọa bộ tại các xứ sở Thái Lan với Sukhodaya là trung tâm Phật học hưng thịnh và tiếp sau đó là trung tâm Phật học Ayudhya. Thế kỷ thứ 15 đánh dấu một sự kiện học thuật quan trọng ở Thái Lan, đó là hội nghị kiết tập lần thứ tám được tổ chức ở Nabhbisipura quy tụ nhiều tu sĩ học thức Thái Lan tham dự. Tác phẩm Sangìtivamsa hay Sangìtiyavamsa do Vimaladhamma, một giáo thọ sư hoàng gia Thái, biên soạn năm 1789 dưới triều vua Ràma I đề cập về chín cuộc hội nghị kiết tập kinh điển. Tác giả tập sách này nói rằng trong số chín kỳ kiết tập, ba kỳ đầu được tổ chức ở Ấn Độ, kỳ thứ tư, năm, sáu, bảy ở Tích Lan và kỳ thứ tám, thứ chín ở Thái Lan. Vị hoàng đế Tilakapanattu trị vì vương quốc Thái Lan thế kỷ thứ 16 được xem là người bảo trợ lớn và khuyến khích nền học thuật Pàli phát triển mạnh. Nhà vua ủng hộ các tu sĩ học thức và cho xây dựng nhiều trung tâm và cơ sở giáo dục Phật học khắp đất nước với kết quả nhiều tăng sĩ học giả Thái Lan xuất hiện vào thời kỳ này, góp phần rất lớn vào quá trình phổ biến Phật pháp và nền học thuật Pàli.
V. Ý nghĩa và tầm quan trọng:
Văn học Pàli bao gồm nhiều thể loại, thi ca (kệ) (gàtha), kinh văn (sutta), luật (vinaya), luận (abhidhamma), biên niên sử (dìpavamsa, mahàvamsa, cùlavamsa), sớ giải (atthakathà), tiểu sớ (tìkà/pakàsinì/vannanà/dìpanì/vibhàvanì/manjùsà/), sách chỉ nam hay hợp tuyển (sangaha)... phát xuất từ nền tảng giáo lý đức Phật được tụng đọc tại các cuộc hội nghị kiết tập và được mở rộng dần theo hướng phát triển của đạo Phật ở một số nước phương Nam như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia. Như vậy văn học Pàli đóng vai trò quan trọng không những đối với công tác nghiên cứu giáo nghĩa, tư tưởng, lịch sử Phật giáo Ấn Độ vốn bắt nguồn từ sự xuất hiện và truyền giáo của đức Phật mà còn đối với công cuộc tái tạo lịch sử Ấn Độ và Tích Lan cổ đại về nhiều phương diện.
Trong công trình nghiên cứu Lịch sử Văn học Ấn Độ dày ba tập, M. Winternitz nêu nhận xét rằng văn học Vệ đà dẫn chúng ta vào các thời đại cổ xưa thời tiền sử. Chỉ với văn học Phật giáo chúng ta mới thực sự đặt chân vào thời đại sáng sủa của lịch sử và chúng ta thấy rằng trong chừng mực nào đó màn đêm của các tài liệu Vệ đà và sử thi Ấn Độ bị đẩy lùi nhờ ánh sáng này.(61) Theo giáo sư Jacobi thì các tài liệu Phật giáo và Kỳ na giáo nói về các tư tưởng triết học thịnh hành vào thời đức Phật và Mahàvìra là hết sức quan trọng đối với sử gia muốn hiểu rõ về thời kỳ ấy.(62) B. C. Law cho rằng nguồn tài liệu văn học Pàli rất giàu có và phong phú có thể giúp ích rất lớn cho công tác nghiên cứu có hệ thống về lịch sử Ấn Độ cổ đại. Theo ông, có rất nhiều tác phẩm Pàli ở dạng bản thảo viết tay mà nay ta không dễ gì kiếm được. Tuy nhiên, các sớ giải Pàli cung cấp cho chúng ta một kho tàng đồ sộ về các thông tin giá trị liên quan đến lịch sử văn học, ngôn ngữ học, xã hội, kinh tế, chính trị, kiến trúc và tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Sự phân tích tâm lý về các pháp hay hiện tượng, việc phân loại các dạng tâm thức khác biệt, các quá trình tâm lý, các tương quan nhân quả... được nói đến trong văn học Pàli góp phần đáng kể cho trí tuệ Ấn Độ.(63) Cũng theo B. C. Law thì văn học Pàli là một kho tàng thông tin rất lớn và đáng tin cậy về lịch sử và địa lý Ấn Độ cổ đại. Theo ông, nhiều sự kiện lịch sử và bản đồ địa lý Ấn Độ cổ đại có thể được tìm thấy trong các tác phẩm Luật tạng Pàli, trong các tuyển tập Dìgha, Majjhima, Anguttara, Jàtaka thuộc Kinh tạng và thậm chí trong các sử liệu Tích Lan Dìpavamsa và Mahàvamsa.(64) K. L. Hazra nhấn mạnh thêm: “Các luận sớ Pàli là hết sức quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử và địa lý Ấn Độ cổ đại. Chúng không chỉ soi sáng về phương diện lịch sử xã hội, triết học và tôn giáo mà còn cung cấp nhiều thông tin về địa lý và lịch sử chính trị của Ấn Độ và Tích Lan cổ đại. Các sớ giải cũng cung cấp thông tin về Phật giáo Tích Lan, sự phát triển tu viện, các sinh hoạt tôn giáo và lịch sử Tăng già ở đây.”(65)
Các nhận xét và đánh giá trên cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của văn học Pàli đối với công tác nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại nói chung và lịch sử Phật giáo Ấn Độ nói riêng, trong các thời kỳ rực rỡ của nó. Ngoài ra, do phạm vi ảnh hưởng và sáng tạo rộng rãi của nó, việc nghiên cứu văn học Pàli cũng góp phần làm sáng tỏ tình hình Phật giáo và văn học Phật giáo tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, đặc biệt là Tích Lan và Miến Điện.
(1). Tiểu kinh Saccaka, Trung bộ.
(2). Được tìm thấy ở rất nhiều kinh Pàli.
(3). T. W. Rhys Davids & H. Oldenberg, Vinaya Texts, Part I, tr. 112-113.
[4]. M. Winternitz, History of Indian Literature, tập II, tr. 5; Wilhelm Geiger, Pàli Literature and Language, tr. 12; T. W. Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, part I, tr. x-xvii.
(5). H. Oldenberg, Buddha: His Life, His Doctrine, His Order, tr. 74.
(6). H. Oldenberg, Buddha: His life, His doctrine, His order, tr. 74.
(7). André Bareau, Các Bộ phái Phật giáo Tiểu thừa, tr. 394.
(8). Theo các thông tin lưu giữ trong các tác phẩm Cullavagga, Dìpavamsa, Mahàvamsa và Samantapàsàdikà, Hội nghị Kiết tập lần thứ nhất được tổ chức tại Ràjagaha (Vương Xá) chỉ mấy tháng sau khi bậc Đạo sư nhập Niết Bàn. Cuộc Kiết tập lần này với số lượng thành viên gồm 500 tỷ kheo do Mahà Kassapa làm chủ tọa và do Ajàtasattu bảo trợ, chủ yếu đọc tụng lại những lời dạy của bậc Đạo sư về Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Hội nghị Kiết tập lần thứ hai được tổ chức tại Vesàli (Tỳ Xá Ly), khoảng một trăm năm sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết Bàn, dưới triều vua Kàlasoka, hậu duệ của vua Ajàtasattu. Theo Cullavagga, việc các tỷ kheo Vajji chủ trương 10 điểm (dasavatthùni) thực hành sai khác về luật là lý do dẫn đến cuộc Kiết tập lần này. Mahàvamsa cho biết cuộc Kiết tập có số thành viên gồm 700 tỷ kheo do Sabbakàmì làm chủ tọa, tập trung đọc tụng Pháp (Dhamma), nhưng theo Buddhaghosa, Hội nghị tập trung tụng đọc Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) và bước đầu biên tập về Pitaka, về các Nikàya, Anga và Dhammakkhandha. Hội nghị Kiết tập lần thứ ba được tổ chức tại Pàtaliputta, dưới triều đại đế Asoka, khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Hội nghị quy tụ 1.000 tỷ kheo đặt dưới sự chủ trì của Tỷ kheo Tissa Moggaliputta, tập trung thảo luận về Tam tạng (tipitaka). Hội nghị tiến hành trong 9 tháng, trong thời gian đó Tissa Moggaliputta cho ra đời tập Kathàvatthu (Biện thuyết) đánh bật mọi quan điểm sai lầm về Phật giáo. Theo quan điểm Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravàda), cuộc Kiết tập được tổ chức cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, dưới triều vua Abhaya Vattagàmani, Tích Lan , trong đó Tam tạng lần đầu tiên được viết thành văn bản, được xem là cuộc Kiết tập lần thứ tư, sau ba kỳ Kiết tập đầu tổ chức ở Ấn Độ. Tuy nhiên theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, cuộc Kiết tập thứ tư là cuộc Kiết tập được tổ chức khoảng 100 Tây lịch, dưới triều vua Kaniska.
(9). T. W. Rhys Davids, Buddhist India, tr. 188.
(10). M. Winternitz, History of Indian Literature, tập II, tr. 10.
(12). Xem W. Geiger, Pàli Literature and Language, tr. 10-11.
(13). R. F. Gombrich, Buddhist Precept and Practice, tr. 49-50. Theo bia ký Bhabrù hay Bairat, vua Asoka đã chọn ra 7 trong số những bài kinh Phật, cho khắc tên lên bia đá và khuyên toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử nên dốc tâm học hỏi và thực hành. 7 bài kinh này nay được thấy phù hợp với 7 bài kinh nằm rải rác trong các tập Nikàya. (Xem R. Mookerji, Asoka, tr. 118-19.)
(14). Walpola Rahula, History of Buddhism in Ceylon, tr. 158.
(15). W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, tr. 158-162.
(16). K. L. Hazrz dẫn nguồn tin từ Cùlavamsa nó rằng đầu thế kỷ thứ năm nhà đại sớ giải Buddhghosa nghe danh các hoạt động học thuật của các tỷ kheo Mahàvihàra, đã từ Ấn Độ sang Anuràdhapura, trú tại Đại tinh xá Mahàvihàra và chuyển dịch các sớ giải Tam tạng bằng tiếng Tích Lan sang tiếng Pàli. (Xem K. L. Hazra, History of Theravàda Budhism in South-East Asia, tr. 52.)
(17). James Legge, A Record of Buddhistic Kingdoms, tr. 107; W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, tr. 139; K. L. Hazra, History of Theravàda Buddhism in South-East Asia, tr. 52.
(18). K. L. Hazra, History of Theravàda Buddhism in South-East Asia, tr. 50-57.
(19). M. Winternitz, History of Indian Literatue, tập II, tr. 3-4.
(20). O. V. Hinuber, A Handbook of Pàli Literature, tr. 4-5.
(21). O. V. Hinuber, A Handbook of Pàli Literature, tr. 5.
(22). Chỉ cho chương IV của Suttanipàta (Kinh Tập), bắt đầu từ kinh Kàma (dục) gồm có 209 bài kệ.
(23). Kinh Tiểu bộ, tập III, tr. 455-457.
(25). Tăng chi bộ kinh, Chương Một pháp, Phẩm Người tối thắng, kinh số 4.
(26). T. W. Rhys Davids and H. Oldenberg, Vinaya Texts, part III, tr. 6-7.
(27). Kinh MahàCunda, Phẩm Dhammika, Tăng Chi Bộ.
(28). N. Dutt, Buddhist Sects in India, tr. 41; Bhikkhu Khantipalo, Banner of the Arahants, tr. 50-51.
(29). Rhys Davids, Vinaya Texts, part I, tr. 339.
(30). Xem Kinh MahàCunda, Phẩm Dhammika, Tăng chi bộ.
(31). G. S. P. Misra, The Age of Vinaya, tr. 149-150.
(32). Thích Minh Châu, Phật thuyết như vậy, lời giới thiệu.
(33). Xem kinh Ambattha, kinh Sonadanda, Trường bộ; kinh Phạm Ma, kinh Thương Già, Trung bộ.
(34). Kinh Mahàparinibbàna, Trường Bộ.
(35). Kinh Hữu học, Trung bộ.
(36). Kinh Diệu pháp hỗn loạn, Chương Năm pháp, Tăng Chi Bộ.
(37). Xem kinh Mahàsingalasutta, Trung bộ.
(38). Kinh Nhập tức xuất tức niệm, Trung bộ.
(39). N. Dutt, Buddhist Sects in India, tr. 43-44.
(40). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. I, tr. 27.
(41). H. Oldenberg & Rhys Davids, Vinaya Texts, Part III, tr. 396-414.
(42). André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa, Pháp Hiền dịch, tr. 94.
(43). W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, tr. 294.
(44). W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, tr. 152-163.
(45). Thích Nữ Trí Hải dịch, Thanh Tịnh Đạo, tr. 98.
(46). W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, tr. 294.
(47). T. Watters, Yuan Chwang, I, tr. 302.
(48). Kinh Xà dụ, Trung Bộ; Kinh Học hỏi ít, Kinh Mây mưa, Chương bốn pháp, Kinh Sống theo pháp, Kinh Diệu pháp hỗ loạn, Chương năm pháp, Kinh Pháp trí, Chương bảy pháp, Tăng Chi Bộ.
(49). S. G.P. Misra, The Age of Vinaya, tr. 144.
(50). Buston, The History of Buddhism in India and Tibet, tr. 83.
(51). T. W. Rhys Davids, Buddhist India, tr. 188.
(52). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. 42.
(53). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. v.
(54). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 396.
(55). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 472.
(56). Encyclopaedia of Buddhism, Vol. III, tr. 395-396.
(57). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 516; K. L. Hazra, Studies on Pàli Commnetaries, tr. 243.
(58). K. L. Hazra, History of Theravàda Buddhism in South-East Asia, tr. 65.
(60). K. L. Hazra, History of Theravàda Buddhism in South-East Asia, tr. 98-99.
(61). M. Winternitz, History of Indian Literature, Vol. II, tr. 3.
(62). Rhys Davids, Buddhist India, tr. 163.
(63). B. C. Law, A History od Pàli Literature, tr. xxvi.
(64). B. C. Law, Geography of Early Buddhism, tr. xiii-xiv.
(65). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 283.