Lược khảo 152 bài kinh Trung bộ
Phẩm Sìhanàda (từ kinh số 11-20)
11. Tiểu kinh Sư tử hống (Cùlasìhanàda Sutta):
Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana, nhấn mạnh một số khác biệt giữa giáo pháp của ngài và chủ trương của các Sa môn và Bà la môn đương thời.
Mở đầu bài kinh, đức Phật khẳng định chỉ trong giáo pháp của ngài mới có đệ nhất Sa môn, đệ nhị Sa môn, đệ tam Sa môn, đệ tứ Sa môn, ngoại đạo không có bốn hạng Sa môn này. Lời khẳng định của đức Phật trong bài kinh này rất giống với tuyên bố của ngài được đề cập trong bài kinh Mahàparinibbàna, Trường bộ, trong đó ngài xác nhận với du sĩ Subhadda rằng trong giáo pháp nào có bát Thánh đạo thời trong giáo pháp ấy có đệ nhất Sa môn, đệ nhị Sa môn, đệ tam Sa môn, đệ tứ Sa môn. Giáo pháp của ngài chính là bát Thánh đạo và do đó giáo pháp của ngài sản sinh bốn hạng Sa môn nói trên. Bốn hạng Sa môn ở đây ngụ ý bốn thánh quả giải thoát hay bốn hạng hiền thánh, nghĩa là những người nhờ theo đuổi lời dạy của đức Phật nên diệt trừ được các kiết sử (samjoyanàni) và đạt được các cấp độ giải thoát thanh tịnh. Đệ nhất Sa môn chỉ cho hạng Dự lưu (Sotàpanna). Đệ nhị Sa môn ngụ ý hạng Nhất lai (Sakadàgàmì). Đệ tam Sa môn tiêu biểu cho hạng Bất lai (Anàgàmì). Đệ tứ Sa môn chỉ cho hạng A la hán (Arahanta). Theo quan điểm truyền thống bàn về các cấp độ giải thoát và thanh tịnh của bốn hạng thánh nhân này thì hạng Dự lưu diệt trừ ba kiết sử gồm thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), luân hồi trong cảnh trời người tối đa là bảy lần rồi chấm dứt sanh tử khổ đau. Hạng Nhất lai diệt trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ và làm muội lược tham (kàmacchanda), sân (patigha), si (avijjà); hạng người này còn tái sanh thêm một lần nữa thì được giải thoát khổ đau. Hạng Bất lai diệt trừ năm hạ phần kiết sử gồm thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân, tái sanh ở cõi Tịnh cư thiên (Suddhavàsa) và tại đó chứng nhập Niết bàn, không còn sanh tử nữa. Hạng A la hán diệt sạch mười kiết sử gồm thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái (rùparàga), vô sắc ái (arùparàga), mạn (màna), trạo cử (uddhacca), vô minh (avijjà), chấm dứt sanh tử ngay trong hiện tại. Do đặc điểm giải thoát các kiết sử trói buộc và thanh tịnh của họ, Tăng chi bộ kinh gọi hạng Dự lưu là Sa môn bất động, hạng Nhất lai là Sa môn sen xanh, hạng Bất lai là Sa môn sen trắng, hạng A la hán là Sa môn tối thắng.(1)
Đức Phật khuyên các tỷ kheo xác nhận như vậy về giáo pháp của mình và trong trường hợp bị các Sa môn hay Bà la môn khác chất vấn thì phải nêu rõ các chứng cứ để chứng minh. Các chứng cứ gồm thứ nhất, vì có lòng tin tưởng bậc Đạo sư, có lòng tin Pháp, có sự thành tựu viên mãn các giới luật và có các vị đồng phạm hạnh xuất gia cũng như tại gia đáng tôn trọng. Thứ hai, vì hiểu rõ cứu cánh là một, không phải đa diện(2); cứu cánh ấy dành cho người không tham, dành cho người không sân, dành cho người không si, dành cho người không có ái, dành cho người không chấp thủ, dành cho người có trí, dành cho người không chịu áp lực, không chịu chi phối, dành cho người không có hỷ chướng, không có lạc chướng. Tiếp theo đức Phật nói đến hai quan điểm, hữu kiến (bhavaditthi/sassatavàda) và phi hữu kiến (vibhavaditthi/ucchedavàda), và cho rằng những ai rơi vào quan điểm này sẽ không chấp nhận quan điểm kia và ngược lại. Họ chấp thủ quan điểm của mình bởi họ không thấy được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của quan điểm ấy. Những người này là những người có tham, có sân, có si, có ái, có chấp thủ, không có trí, chịu áp lực, chịu chi phối, có hỷ chướng, lạc chướng; những người như vậy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Tiếp đến đức Phật trình bày bốn loại chấp thủ gồm dục thủ (kàmupàdàna), kiến thủ (ditthupàdàna), giới cấm thủ (sìlabbatupàdàna), ngã luận thủ (attavàdupàdàna) và cho rằng các Sa môn và Bà la môn ngoại đạo tuyên bố hiểu rõ tất cả các chấp thủ này nhưng kỳ thực họ chỉ biết được từ một cho đến ba loại, loại cuối cùng, ngã luận thủ, họ không biết được. Theo đức Phật đấy là hệ quả của một pháp luật không khéo thuyết giảng, không khéo chỉ rõ, không hướng thượng, không dẫn đến tịch tịnh, không được một bậc Chánh đẳng giác tuyên thuyết. Trong một pháp luật như thế, theo ngài, nếu có sự tịnh tín đối với bậc Đạo sư, đối với giáo pháp, sự tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có sự thành tựu viên mãn các giới luật, sự thành tựu ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có sự tôn trọng dối với các đồng phạm hạnh, sự tôn trọng ấy được xem là không hoàn toàn. Rồi đức Phật xác nhận sự kiện ngài là bậc A la hán, Chánh đẳng giác, đã hiểu rõ tất cả các loại chấp thủ, pháp luật của ngài được khéo thuyết giảng, khéo chỉ rõ, hướng thượng, dẫn đến tịch tịnh, do đó nếu bất kỳ niềm tin hay nỗ lực nào được thực hiện ở trong pháp luật ấy thời niềm tin và nỗ lực ấy hoàn toàn có cơ sở.
Phần cuối bài kinh là sự giải thích của đức Phật về nguyên nhân dẫn đến bốn loại chấp thủ nói trên theo quan điểm duyên sinh của ngài. Bốn chấp thủ (upàdàna) lấy ái làm nhân duyên, ái (tanhà) lấy thọ làm nhân duyên, thọ (vedanà) lấy xúc làm nhân duyên, xúc (phassa) lấy sáu nhập làm nhân duyên, sáu nhập (salàyatana) lấy danh sắc làm nhân duyên, danh sắc (nàmarùpa) lấy thức làm nhân duyên, thức (vinnàna) lấy hành làm nhân duyên, hành (sankhàra) lấy vô minh (avijjà) làm nhân duyên. Từ quan điểm này, đức Phật đi đến kết luận rằng vị tỷ kheo nào đoạn trừ được vô minh thời bốn chấp thủ đi đến đoạn diệt. Do không chấp thủ nên không hoảng hốt dao động, do không hoảng hốt dao động nên tự thân chứng được Niết bàn.
12. Đại kinh Sư tử hống (Mahàsìhanàda Sutta):
Bài kinh là sự giảng giải của đức Phật cho Tôn giả Sàriputta về các năng lực và trí tuệ siêu phàm của ngài, nhân sự kiện tỷ kheo Sunakkhatta thuộc bộc Licchavì vừa từ bỏ đời sống xuất gia, quay trở về đời sống thế tục với lời tuyên bố: “Sa môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; Sa môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy được thuyết giảng cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, dẫn người thực hành diệt tận khổ đau.” Bài kinh có phần đầu tương tự như kinh Pàtika, Trường bộ, dùng sự kiện hoàn tục của Sunakkhatta làm nhân duyên cho những vấn đề được đề cập. Tuy nhiên nội dung mỗi bài kinh chuyển tải một số vấn đề khác nhau. Nếu như kinh Pàtika chủ yếu thiên về giải thích lý do Sanukkhatta từ bỏ đời sống xuất gia và mang tính đối thoại với các du sĩ ngoại đạo thì nội dung bài kinh Mahàsìhanàda nhấn mạnh thuần tuý về các năng lực và trí tuệ của Thế Tôn cùng với một số kinh nghiệm hành trì khổ hạnh của ngài.
Trước hết đức Phật cho rằng lời chỉ trích của Sunakkhatta về ngài đã vô tình tán thán giáo pháp của ngài khi nói rằng pháp ấy được thuyết giảng cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, dẫn người thực hành diệt tận khổ đau. Tiếp theo ngài xác nhận với Sàriputta rằng Sunakkhatta không hiểu được ngài có đầy đủ các khả năng siêu việt như sự hiện hóa thân mình thành nhiều thân khác nhau (thần túc thông), nghe các âm thanh gần xa của chư thiên và loài người (thiên nhĩ thông), hiểu được tâm tư của người khác (tha tâm thông). Rồi ngài tự nhận mình có đầy đủ mười Như Lai lực (Tathàgatassa dasabalàni): (1) biết rõ xứ là xứ, phi xứ là phi xứ; (2) biết rõ quả báo tuỳ thuộc nhân duyên các nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại; (3) biết rõ con đường đưa đến các cảnh giới; (4) biết rõ thế giới với nhiều cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều căn tánh khác nhau; (5) biết rõ chí hướng sai biệt của các chúng sanh; (6) biết rõ căn tánh cao thấp của con người và các loài hữu tình; (7) biết rõ sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh và sự xuất ly về thiền, giải thoát và định; (8) thành tựu túc mạng minh, nhớ đến nhiều kiếp quá khứ; (9) thành tựu thiên nhãn minh, thấy rõ quả báo tái sanh khác nhau của các chúng sanh tuỳ thuộc nghiệp lực; (10) thành tựu lậu tận minh, thấy rõ bốn Thánh đế và các lậu hoặc, hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến.
Tiếp đến đức Phật tự nhận mình có đầy đủ bốn vô sở úy (cattàri vesàrajjàni) nên ngài sống ở đời làm tất cả công việc của một bậc Đạo sư thuyết pháp độ sinh mà vẫn đạt được an ổn, không lo lắng: (1) Ngài đã chứng ngộ các pháp một cách hoàn toàn nên không lo lắng người khác chỉ trích về sự chứng ngộ của ngài. (2) Ngài đã đoạn trừ các lậu hoặc một cách triệt để nên không lo lắng kẻ khác chỉ trích ngài về phương diện đoạn trừ lậu hoặc. (3) Ngài đã biết rõ các pháp chướng ngại là thật sự chướng ngại (khi hành trì) nên không lo lắng người khác chỉ trích ngược lại. (4) Ngài hiểu rõ pháp do ngài thuyết giảng đưa đến mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng hượng, đưa người thực hành đến sự diệt tận khổ đau nên không lo người khác phê bình ngược lại. Phần tiếp theo là sự xác nhận của Thế Tôn về khả năng tiếp xúc một cách an nhiên tự tại của ngài với các hội chúng Sát đế lỵ, Sa môn, Bà la môn, gia chủ, Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, Phạm thiên, ác ma (màra) nhờ ngài có đầy đủ bốn vô sở uý. Con số hàng trăm các hội chúng Sát đế lỵ, Sa môn, Bà la môn... mà ngài từng tiếp xúc như được nêu trong bài kinh chứng tỏ đức Phật rất hoạt bác trong nghệ thuật giao tiếp và rất năng động công tác truyền giáo.
Các đoạn tiếp theo của bài kinh là sự giải thích mở rộng của Thế Tôn xoay quanh vấn đề mười Như Lai lực, chẳng hạn, ngài xác nhận ngài biết rõ bốn loại chúng sanh gồm noãn sanh (sanh ra từ trứng), thai sanh (sanh từ bào thai), thấp sanh (sanh từ môi trường dơ bẩn), hóa sanh (biến hóa nhanh chóng do nghiệp lực), ngài cũng biết rõ năm loại sanh thú, địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, loài người, chư thiên, con đường dẫn đến các sanh thú ấy và các cảm thọ mà chúng sanh phải cảm nhận trong các cảnh giới ấy. Ngài cũng biết rõ Niết bàn, con đường đưa đến Niết bàn, sự an lạc và giải thoát của sự thực nghiệm Niết bàn. Các phần cuối bản kinh nêu trỏ các kinh nghiệm tu tập khổ hạnh của đức Phật, sự xác nhận của ngài về các phương pháp khổ hạnh, bần uế, yểm ly, độc cư mà ngài đã hành trì, sự phê bình của ngài về các chủ trương giải thoát không có cơ sở của các Sa môn và Bà la môn đương thời. Các thông tin mô tả về các pháp tu khổ hạnh, bần uế, yểm ly, độc cư của Sa môn Gotama trong kinh này giúp cho chúng ta hình dung được những năm tháng gian nan học đạo của đức Phật và nội dung các pháp khổ hạnh mà ngài đã hành trì. Nếu kết hợp các thông tin khổ hạnh được mô tả trong kinh này với các thông tin mô tả trong bản kinh Đại kinh Saccaka (Mahà-Saccaka Sutta) và một số thông tin rút ra từ kinh Khiếp đảm và sợ hãi (Bhayabherava Sutta), chúng ta sẽ có được một bức tranh khá đầy đủ và sinh động về quãng thời gian gọi là “sáu năm khổ hạnh” của đức Phật. Ngoài ra, các phê bình của ngài đối với các quan điểm của các Sa môn và Bà la môn đương thời cho rằng sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn (àhàrasuddhi), nhờ luân hồi (samsàrasuddhi), nhờ sanh khởi (upapattisuddhi), nhờ an trú (àvàsasuddhi), nhờ tế tự (yannasuddhi) hay nhờ thờ lửa (aggiparicariyasuddhi) cung cấp thêm thông tin về các chủ trương giải thoát của các nhóm Sa môn và Bà la môn hiện diện ở Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Đoạn cuối bài kinh đức Phật khẳng định với Sàriputta rằng trí tuệ của ngài không thay đổi dù tuổi thọ của ngài đã đến tám mươi. Thông tin này xác nhận trí tuệ siêu phàm của Thế Tôn, mặt khác thông tin này cũng cho chúng ta biết bài kinh được thuyết giảng vào năm cuối cùng cuộc đời của bậc Đạo sư.
13. Đại kinh Khổ uẩn (Mahàdukkhakkhandha Sutta):
Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana, nhân sự kiện các du sĩ ngoại đạo chất vấn các tỷ kheo về sự đặc thù, sự sai khác giữa quan điểm của họ và của Sa môn Gotama đối với các dục (kàmà), sắc pháp (rùpa) và cảm thọ (vedanà). Nội dung bài kinh phản ánh một số quan điểm và kinh nghiệm của đức Phật về các dục (kàmà), về sắc pháp (rùpa) và cảm thọ (vedanà), nhấn mạnh vị ngọt (assàda), sự nguy hiểm (àdìnava) và sự xuất ly (nissarana) của chúng.
Các mô tả về sự nguy hiểm của các dục ở trong bài kinh khiến chúng ta liên tưởng đến lời tuyên bố rất xác đáng của bậc Đạo sư trong bài kinh Ratthapàla, do Tôn giả Ratthapàla nói lại: “Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho dục vọng (tanhà).”(3) Các mô tả về sự vô thường, biến đổi nhanh chóng của sắc pháp mà bài kinh gọi là sự nguy hiểm cũng gợi ý tưởng rằng đây là đề tài thiền quán thường được đức Phật giảng dạy cho các tỷ kheo hay tỷ kheo ni nặng về tham dục hay có tâm tư kiêu hãnh về sắc thân của mình. Để nhận rõ tính chất đầy phiền toái của sắc thân, các tỷ kheo thường được khuyên thẩm sát về 32 phần bất tịnh của thân thể, thậm chí họ còn được khuyên thăm viếng các nghĩa địa, nơi các thi thể bị quăng bỏ, để nhận chân “tánh già nằm trong tuổi trẻ, tánh bệnh nằm trong sức khỏe, tánh chết nằm trong sự sống.”(4) Các tuyển tập Udàna, Therìgàthà và Therìgàtha lưu giữ một vài câu chuyện trong đó Thế Tôn biểu hiện phương pháp giáo hóa rất ấn tượng của ngài đối với một số cá nhân có những tâm lý khá đặc biệt. Chẳng hạn, ở tuyển tập Udàna, chúng ta có câu chuyện Thế Tôn chuyển hóa người em trai Nanda nặng về tham dục bằng cách tạo ra một số cảnh tượng khác biệt về sắc đẹp giữa loài người và chư thiên để dẫn dắt Nanda vào chánh đạo. Câu chuyện Thế Tôn cảm hóa công tử Kimbila đẹp trai luôn tự hào về dòng dõi huyết thống của mình và mang nặng tâm tư tình ái được lưu trong tuyển tập Theragàthà có nội dung tương tự như những gì mô tả trong bài kinh về sự biến đổi nhanh chóng của sắc pháp. Ở đây Thế Tôn vận dụng thần thông khiến cho Kimbila thấy cảnh tượng một cô gái trẻ đẹp bỗng chốc biến thành một bà già xấu xí, lưng còm, tay chân run rẩy. Chuyện thuật rằng tâm tư Kimbila bị dao động mạnh khi mục kích cảnh tượng này. Vị công tử liền xuất gia, sống đời sống phạm hạnh và sau đó đắc quả A la hán. Tập Therìgàthà thuật câu chuyện hoàng hậu Khema, người vợ yêu quý của vua Bimbisàra, rất hãnh diện về sắc đẹp của mình. Một hôm, theo gợi ý của nhà vua, nàng thực hiện một cuộc viếng thăm đức Phật tại Trúc Lâm (Veluvana). Thế Tôn dùng thần lực biểu lộ cho nàng thấy cảnh tượng tấm thân tiều tụy của một cô gái kiều diễm lúc nàng về già. Ưu tư về thân phận của chính mình, Khema xin xuất gia được sự chấp thuận của vua Bimbisàra và chứng quả La hán. Tất cả các câu chuyện nêu trên được mô tả dưới một hình thức khá đặc biệt và được lồng vào một số tình tiết huyền bí, có lẽ do dụng ý của các nhà biên tập Kinh tạng về sau. Đối với các trường hợp trên có lẽ đức Phật đã áp dụng một hình thức giảng dạy theo lối phân tích về con người, được minh họa bằng các hình ảnh hãi hùng về cuộc đời một cô gái trẻ đẹp gắn liền, theo thời gian, với sự già chết kinh khiếp nhằm nêu rõ sự nguy hiểm của sắc pháp, giống như lối mô tả về sắc pháp được tìm thấy trong bài kinh này.
Mở đầu bài kinh đức Phật xác nhận rằng chỉ có Như Lai và các đệ tử ngài mới có thể giải đáp đầy đủ các vấn đề về dục, về sắc pháp, về cảm thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của chúng; các ngoại đạo không thể giải đáp đầy đủ bởi những vấn đề này không thuộc phạm vi hiểu biết của họ. Tiếp theo ngài nêu các định nghĩa và mô tả sau đây:
- Các dục, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly:
+ Các dục (Kàmà): Chỉ cho 5 dục trưởng dưỡng (kàmaguna) hay 5 yếu tố khiến tăng trưởng lòng ham muốn, gồm sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu.
+ Vị ngọt các dục (Kàmànam assàda): Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ với dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ với dục, hấp dẫn; các hương do mũi nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ với dục, hấp dẫn; các vị do lưỡi nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ với dục, hấp dẫn; các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ với dục, hấp dẫn. Y cứ vào 5 pháp này, hỷ lạc gì khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.
+ Sự nguy hiểm của các dục (Kàmànam àdìnava):
a/. Con người phải nuôi sống mình bằng sức lao động. Do kế sinh nhai, người ta phải chịu cực chịu khổ làm nhiều việc khác nhau, phải đương đầu với lạnh nóng, đói khác, bị áp ức bởi thời tiết, gió, sức nóng mặt trời, sự xúc chạm của ruồi muỗi, các loài bò sát... Như vậy gọi là sự nguy hiểm của các dục.
b/. Người ấy nỗ lực, tinh cần tinh tấn làm việc nhưng tài sản không đến tay mình nên sinh sầu muộn, than vản, buồn phiền, khóc than: “Ôi sự nỗ lực của ta thật vô ích, sự tinh cần tinh tấn của ta không có kết quả.” Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
c/. Người ấy nhờ nỗ lực làm việc nên thu hoạch được tài sản. Có tài sản rồi thì lo lắng gìn giữ: “Làm sao vua chúa, trộm cướp không cướp đoạt tài sản, lửa không thiêu cháy, nhước không cuốn trôi, con cái không tiêu xài hoang phí.” Dầu lo lắng như vậy, tài sản của người ấy có thể rơi vào các dịch nạn trên nên vị ấy sinh sầu muộn, than vản, buồn phiền,khóc than: “Những gì đã là của ta, nay không còn nhữa.” Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
d/. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, vua chúa tranh đoạt với vua chúa; các giai cấp tranh đoạt với nhau; con cái tranh chấp với cha mẹ, cha mẹ tranh chấp với con cái; anh chị em tranh chấp với nhau; bạn bè tranh chấp với bạn be, dẫn đến đấu tranh, luận tranh, tranh chấp, tranh đoạt, công kích nhau bằng lời, đánh đập nhau bằng gậy, đả thương nhau bằng gươm đao khiến đi đến tử vong hay đau khổ gần như tử vong. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
e/. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, con người dùng vũ khí, giàn trận đánh nhau, chém giết lẫn nhau bằng gươm đao khiến đi đến tử vong hay đau khổ gần như tử vong. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
f/. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, con người dùng vũ khí, công phá thành quách, chém giết lẫn nhau bằng gươm đao khiến đi đến chết hay đau khổ gần như chết. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
g/. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, con người rơi vào trộm cắp, cướp bóc, cướp giật đồ đạc, đột nhập cướp của, đi đến vợ người. Do nhân này, vị ấy có thể bị tù tội, bị đập đánh khảo tra khiến đi đến chết hay đau khổ gần như chết. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
h/. Lại nữa, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, con người làm các ác hạnh về thân (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục), về lời (nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm), về ý (tham, sân, tà kiến). Do nghiệp nhân này, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục.
+ Sự xuất ly các dục (Kàmànam nissarana): Sự điều phục dục tham, đoạn trừ lòng ham muốn các dục.
- Sắc pháp, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly:
+ Sắc pháp (Rùpa): Các pháp do mắt nhận thức.
+ Vị ngọt của sắc pháp (Rùpànam assàda): Sắc đẹp người thiếu nữ, y cứ sắc đẹp ấy hỷ và lạc gì khởi lên, như vậy gọi là vị ngọt của sắc pháp.
+ Sự nguy hiểm của sắc pháp (Rùpànam àdìnava): Sự vô thường, biến đổi của sắc pháp:
a/. Sự biến đổi của cô gái trẻ đẹp, 16, 17 tuổi sang một bà già 90, 100 tuổi, răng rụng, da nhăn, lưng còm, run rẩy – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (tuổi già) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
b/. Bà chị ấy bị bệnh tật, khổ đau trầm trọng, nằm đắm mình trong phân và nhước tiểu, phải nhờ người khác chăm sóc – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (bệnh hoạn) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
c/. Bà chị ấy qua đời, thi thể bị quăng bỏ ở nghĩa địa một, hai, ba ngày, trương phồng lên, xanh đen lại, thối nát ra – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
d/. Thi thể bà chị ấy bị các loài thú ăn và côn trùng đục khoét – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
e/. Thi thể bà chị ấy với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, được các đường gân cột lại – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
f/. Thi thể bà chị ấy với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, được các đường gân cột lại – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
g/. Thi thể bà chị ấy chỉ còn xương không dính với nhau, nằm rải rác chỗ này chỗ kia – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
h/. Thi thể bà chị ấy chỉ còn toàn xương trắng, màu vỏ ốc – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
i/. Thi thể bà chị ấy chỉ còn bộ xương lâu hơn một năm – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm (chết chóc) đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
j/. Thi thể bà chị ấy chỉ còn xương thối biến thành bột – “Sắc đẹp mỹ diệu xưa kia của nàng đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra.” Như vậy là sự nguy hiểm của sắc pháp.
+ Sự xuất ly sắc pháp (Rùpànam nissarana): Sự điều phục dục tham, diệt trừ ham muốn đối với sắc pháp.
- Cảm thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly:
+ Cảm thọ (Vedanà): Cảm thọ ở đây chỉ cho các trạng thái thiền định.
+ Vị ngọt của cảm thọ (Vedanànam assàda): Hỷ lạc do ly dục sanh thuộc sơ thiền, hỷ lạc do định sanh thuộc thiền thứ hai, lạc và nhất tâm thuộc tam thiền, trạng thái không khổ không lạc thuộc thiền thứ tư.
+ Sự nguy hiểm của cảm thọ (Vedanànam àdìnava): Tính chất vô thường, biến đổi thường xuyên của cảm thọ.
+ Sự xuất ly cảm thọ (Vedanànam nissarana): Sự điều phục tham ái đối với cảm thọ, diệt trừ tham ái ấy.
14. Tiểu kinh Khổ uẩn (Cùladukkhakkhandha Sutta):
Bài kinh do Thế Tôn thuyết giảng cho Mahànàma, một cư sĩ dòng họ Sàkya, tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Nội dung bài kinh đề cập một số kinh nghiệm của đức Phật về cách thức đối trị hay chế ngự tham dục (kàma) nhờ hành thiền, quan điểm của ngài về lối tu khổ hạnh của các du sĩ Kỳ na giáo.
Mahànàma đến thăm đức Phật đang trú tại ngôi vườn Nigrodha ở Kapilavatthu, trình bày với ngài cảm giác bị tham, sân, si chi phối, dù bản thân ông hiểu rất rõ lời dạy của ngài rằng tham, sân, si là các cấu uế của tâm. Đức Phật xác nhận sự kiện của Mahànàma và dạy rằng có một pháp chưa được đoạn trừ trong người cư sĩ như Mahànàma – sự hưởng thụ các dục – và do vậy tham, sân, si không ngừng chi phối tâm người ấy. Rồi đức Phật thuật cho Mahànàma nghe kinh nghiệm của ngài về cảm giác bị các dục chi phối và cách thức ngài đối trị các dục vọng. Khi còn là một vị Bồ tát, sống ở gia đình, mặc dù ý thức rất rõ ‘các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm của các dục càng nhiều hơn,’ đức Phật vẫn không thoát khỏi sự chi phối của các dục lạc (các đối tượng hấp dẫn do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nhận thức) bởi ngài chưa tìm thấy hỷ lạc do ly dục sanh (tức hỷ lạc của thiền thứ nhất) hay một mục tiêu nào cao thượng hơn. Nhưng khi ngài hành thiền, chứng được hỷ lạc do ly dục sanh hay một pháp nào đó cao thượng hơn, bấy giờ ngài thoát khỏi sự chi phối của các dục lạc. Bản kinh Ma Kiến Đề (Màgandiya Sutta), số 75, làm rõ thêm sự kiện bằng lời xác nhận của đức Phật rằng ngài từng hưởng thụ đầy đủ các dục lạc hàng tháng trời ở trong ba ngôi lâu đài dành riêng cho ngài, không thoát khỏi niềm đam mê trói buộc ấy. Nhưng sau đó, nhờ hành thiền, chứng được thiền lạc, ngài không còn bị chi phối bởi dục lạc nữa.
Kinh nghiệm này của đức Phật rất thực tế và tuyệt đối bổ ích cho những ai mong muốn tìm kiếm các mục tiêu tâm linh. Nó là câu trả lời xác đáng về hiệu năng thiết thực của thiền định, xứng đáng được đề xuất như một giải pháp cho việc khắc phục các khủng hoảng của con người và thế giới hiện nay cơ bản do lòng ham muốn thái quá của con người gây ra. Kinh nghiện này cũng giúp giải tỏa các thắc mắc liên quan đến thiền định Phật giáo bởi ta thấy muốn hành thiền hay theo đuổi các mục tiêu tâm linh trước hết hành giả phải ly dục và hành thiền sẽ có thiền lạc (tức hỷ lạc do ly dục sanh ở thiền thứ nhất, hỷ lạc do định sanh ở thiền thứ hai, lạc và nhất tâm ở thiền thứ ba và cảm giác xả niệm thanh tịnh ở thiền thứ tư), có khả năng đối trị hay thay thế dục lạc (tức các thú vui thuộc giác quan). Thông thường chúng ta khó tìm thấy một mục tiêu nào đó cao thượng hơn bởi chúng ta không muốn hy sinh mục tiêu hiện tại. Chúng ta thích cảm giác an toàn hơn là mạo hiểm. Tuy nhiên kinh nghiệm hành thiền của đức Phật bảo cho chúng ta rằng bỏ đi cái nhỏ sẽ được cái lớn hơn hay như người ta thường nói “phần lợi lớn lao so với phần mất mát.” Mọi nghi ngờ về hiệu năng của hành thiền do đó sẽ được diệt trừ bao lâu con người có quyết tâm và dám mạo hiểm. Trong kinh Điều ngự địa (Dantabhùmi Sutta), số 125, đức Phật ví người hành thiền tựa như người leo núi cao, có khả năng thưởng lãm vẻ đẹp toàn cảnh của một cảnh quan thiên nhiên kỳ bí, trong khi người không hành thiền, bị dục lạc chi phối, giống như người đứng dưới chân đồi, chẳng nhìn thấy gì khác ngoài vài mảnh vườn và mấy ngôi nhà tranh lúp xúp. Nhưng người hành thiền, leo núi cao, không thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người không hành thiền, đứng dưới chân đồi. Muốn có được kinh nghiệm ấy người kia phải hành thiền, phải leo lên đỉnh đồi. Xem ra hành thiền cũng cần tâm lý mạo hiểm như leo núi, nhưng chắc chắn không quá nguy hiểm như leo núi.
Phần tiếp theo của bài kinh nêu trỏ các định nghĩa về các dục và sự nguy hiểm của chúng (giống như phần định nghĩa và mô tả về các dục ở bản kinh Mahàdukkhakkhandha) nhằm nêu bật lý do tại sao đức Phật khuyên hành thiền để đối trị dục vọng.
Cuộc đối thoại của đức Phật và các vị tu sĩ Kỳ na giáo ở phần cuối bài kinh cung cấp một số thông tin về chủ trương của giáo chủ Kỳ na giáo Nigantha Nàthaputta và lối tu khổ hạnh của giáo phái này. Dùng khổ hạnh thiêu đốt các ác nghiệp quá khứ. Sự xác nhận của đức Phật về sự kiện ngài không di động thân thể, không nói một lời nào, sống cảm giác thuần tuý lạc thọ trong suốt thời gian bảy ngày ở đoạn cuối bài kinh cho thấy năng lực nội tâm thiền định của ngài đồng thời xác nhận khả năng hiện tại lạc trú (ditthadhammasukhavihàra) của pháp môn hành thiền.
15. Kinh Tư lượng (Anumàna Sutta):
Kinh này do Tôn giả Mahàmoggallàna (Đại Mục Kiền Liên) thuyết giảng cho các tỷ kheo tại vườn nai ở rừng Bhesakàla, thuộc dòng họ Bhagga. Bài kinh có nội dung tương tự như kinh Đoạn giảm, nêu một loạt các tâm lý và biểu hiện tiêu cực nhưng nhấn mạnh việc xem xét (anuminana) và thẩm sát (paccavekkhana) của cá nhân đối với các tâm lý và biểu hiện ấy đặt trong mối quan hệ với các vị đồng phạm hạnh. Mở đầu bài kinh, Tôn giả Mahàmoggallàna nói rằng một vị tỷ kheo sống giữa tăng chúng mong muốn được các bạn đồng phạm hạnh khuyên bảo hay giáo giới, vị ấy phải có các đức tính khiến trở thành người dễ nói hay dễ khuyên bảo. Nếu vị ấy có các nhược điểm khiến trở thành người khó nói hay khó khuyên bảo, vị ấy sẽ không nhận được sự giảng dạy, giáo huấn hay tin tưởng từ các vị đồng phạm hạnh. Có lẽ do nhấn mạnh đến giới đức và tầm quan trọng của giới đức trong nếp sống cộng đồng của các tỷ kheo mà Buddhaghosa bảo bài kinh từng được xem là giới luật của các tỷ kheo (Bhikkhuvinaya). Sau đây là các tâm lý và biểu hiện tiêu cực khiến một tỷ kheo trở thành kẻ khó nói hay khó khuyên bảo:
(1) Có ác dục và bị ác dục chi phối.
(2) Khen mình chê người.
(3) Phẫn nộ và bị phẫn nộ chi phối.
(4) Có uất hận.
(5) Cố chấp.
(6) Thốt ra những lời đầy phẫn nộ.
(7) Chống đối người khiển trách.
(8) Trở lại chỉ trích người khiển trách.
(9) Trở lại chất vấn người khiển trách.
(10) Tránh né vấn đề với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, để lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn khi bị khiển trách.
(11) Không giải thích hành động của mình cho người khiển trách.
(12) Hư ngụy và não hại.
(13) Tật đố và xam tham.
(14) Lừa đảo và lường gạt.
(15) Ngoan mê và quá mạn.
(16) Chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả.
Tiếp theo Tôn giả Mahàmoggallàna nêu rõ các đức tính đối lập với các tâm lý và biểu hiện tiêu cực trên cho thấy một tỷ kheo trở thành người dễ nói, dễ khuyên bảo và như vậy vị ấy có thể trông chờ sự giảng dạy, giáo huấn và tin tưởng từ các bạn đồng phạm hạnh.
Đoạn tiếp theo nhấn mạnh phương pháp tư lượng hay cân nhắc chính mình thông qua sự xem xét các tâm lý và biểu hiện tiêu cực ở người khác nhằm quyết tâm từ bỏ chúng. Cách thức tư lượng được thực hiện như sau: “Người này có ác dục, bị ác dục chi phối nên ta không ưa người ấy, không thích người ấy. Và nếu ta có ác dục, bị ác dục chi phối, các người sẽ không ưa ta, không thích ta. Vậy ta sẽ không có ác dục, sẽ không bị ác dục chi phối.” Vị tỷ kheo tiếp tục tư lượng theo cách ấy đối với các tâm lý và biểu hiện tiêu cực còn lại.
Phần cuối của bài kinh nêu phương pháp xem xét hay thẩm sát chính mình có hay không có các tâm lý và biểu hiện tiêu cực nói trên, nếu có thì vị tỷ kheo cần phải nỗ lực tinh tấn đoạn trừ, nếu không có thì sống với tâm hoan hỷ, ngày đêm tu học trong các thiện pháp. Cách thức thẩm sát được đề xuất như sau: “‘Không biết ta có ác dục, có bị ác dục chi phối không?’ Nếu vị ấy xem xét và biết rằng: ‘Ta có ác dục, ta bị ác dục chi phối.’ Bấy giờ vị ấy phải nỗ lực đoạn trừ ác dục ấy. Nếu vị ấy xem xét và biết rằng: ‘Ta không có ác dục, ta không bị ác dục chi phối.’ Bấy giờ vị ấy cần phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.” Vị tỷ kheo áp dụng cách thức xem xét như trên đối với các tâm lý và biểu hiện tiêu cực còn lại.
Tôn giả Mahàmoggallàna ví vị tỷ kheo vận dụng phương pháp xem xét hay thẩm sát này giống như một người trẻ tuổi ưa thích trang điểm, thường xuyên soi mình trong tấm gương, nếu thấy bụi bặm hay vết nhơ nào trên mặt mình, vị ấy sẽ lau sạch nó ngay, nếu không thấy bụi bặm hay vết nhơ nào trên mặt thời vị ấy sẽ được hoan hỷ với khuôn mặt trong sáng sạch sẽ của mình.
16. Kinh Tâm hoan vu (Cetokhila Sutta):
Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana, chú trọng giải quyết một số các tâm lý tiêu cực nảy sinh trong đời sống xuất gia của các tỷ kheo, nhấn mạnh cách thức khắc phục song song với việc đề xuất một vài pháp môn tu tập nhằm giúp cho các đệ tử ngài thành tựu mục tiêu cứu cánh của phạm hạnh. Nội dung bài kinh chuyển tải ba vấn đề sau đây:
- Sự đoạn trừ năm tâm hoang vu (panca cetokhilà) khiến tâm không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn:
(1) Nghi ngờ bậc Đạo sư, do dự, không quyết đoán, không hài lòng.
(2) Nghi ngờ Pháp (của bậc Đạo sư), do dự, không quyết đoán, không hài lòng.
(3) Nghi ngờ chúng Tăng, do dự, không quyết đoán, không hài lòng.
(4) Nghi ngờ học pháp (sikkhàya), do dự, không quyết đoán,không hài lòng.
(5) Phẫn nộ đối với các bạn đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cố chấp.
- Sự đoạn tận năm tâm triền phược (panca cetaso vinibandhà) khiến tâm không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn:
(1) Tham ái, dục cầu, ái luyến, khao khát, nhiệt não, khái ái đối với các dục vọng (kàmà).
(2) Tham ái, dục cầu, ái luyến, khao khát, nhiệt não, khát ái đối với tự thân (kàya).
(3) Tham ái, dục cầu, ái luyến, khao khát, nhiệt não, khát ái đối với các sắc pháp (rùpa).
(4) Sống thiên nặng về khoái lạc ăn uống, khoái lạc chỗ nằm, khoái lạc ngủ nghỉ, khoái lạc thụy miên.
(5) Sống phạm hạnh với ý nghĩ được sanh thiên giới.
- Tu tập dục định (chanda-samàdhi), tâm định (citta-samàdhi), tinh tấn định (viriya-samàdhi), tư duy định (vìmamsà-samàdhi) và tinh cần (ussolhi), hướng đến chánh giác (sambodhi), thành tựu vô thượng an ổn khỏi các ách phược (anuttara-yogakkhema).
Bài kinh kết thúc với lời động viên các tỷ kheo nỗ lực đoạn trừ năm tâm hoan vu, năm tâm triền phược và tu tập dục định, tâm định, tinh tấn định, tư duy định, tinh cần để được giác ngộ, đạt được vô thượng an ổn khỏi các ách phược. Bậc Đạo sư cho rằng sự nỗ lực tu tập đúng pháp của các tỷ kheo sẽ mang lại kết quả chắc chắn, giống như con gà ấp trứng, chỉ cần nỗ lực ấp trứng, không cần mong cầu, và đúng thời thì các con gà con của nó sẽ tự phá vỡ vỏ trứng mà ra.
17. Kinh Khu rừng (Vanapattha Sutta):
Bài kinh do bậc Đạo sư thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana, đề cập vấn đề cư trú hay nương tựa của người xuất gia, nhấn mạnh bốn tiêu chuẩn chọn lựa:
1. Nơi cư trú hay nương tựa thiếu thốn cả vật chất lẫn tâm linh.
2. Nơi cư trú hay nương tựa đầy đủ vật chất nhưng thiếu thốn tâm linh.
3. Nơi cư trú hay nương tựa dồi dào tâm linh nhưng khan hiếm vật chất.
4. Nơi cư trú hay nương tựa đầy đủ cả vật chất lẫn tâm linh.
- Nơi cư trú hay nương tựa thiếu thốn cả vật chất lẫn tâm linh: Vị tỷ kheo sống tại khu rừng nào, làng nào, thị trấn nào, đô thị nào, quốc gia nào hay sống nương tựa một người nào, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược (Niết bàn) chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho người xuất gia như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách khó khăn, vị tỷ kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này...các niệm chưa được an trú không được an trú...và các vật dụng cần thiết cho người xuất gia kiếm được quá khó khăn.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tỷ kheo ấy cần phải từ bỏ nơi cư trú hay nương tựa ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay ban đêm.
- Nơi cư trú hay nương tựa đầy đủ vật chất nhưng thiếu thốn tâm linh: Vị tỷ kheo sống tại khu rừng nào, làng nào, thị trấn nào, đô thị nào, quốc gia nào hay sống nương tựa một người nào, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa được chứng đạt không được chứng đạt, nhưng những vật dụng cần thiết cho người xuất gia như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách không khó khăn, vị tỷ kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này... các niệm chưa được an trú không được an trú... nhưng các vật dụng cần thiết cho người xuất gia kiếm được không khó khăn. Nhưng ta xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không phải vì y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tỷ kheo ấy cần phải từ bỏ chỗ cư trú hay nương tựa ấy, không được ở lại.
- Nơi cư trú hay nương tựa dồi dào tâm linh nhưng khan hiếm vật chất: Vị tỷ kheo sống tại khu rừng nào, làng nào, thị trấn nào, đô thị nào, quốc gia nào hay sống nương tựa một người nào, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt nhưng các vật dụng cần thiết cho người xuất gia như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách khó khăn, vị tỷ kheo ấy cần suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này... các niệm chưa được an trú được an trú...nhưng các vật dụng cần thiết cho người xuất gia kiếm được quá khó khăn. Nhưng ta xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không phải vì để được y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mà vì để niệm được an trú, tâm được định tĩnh, lậu hoặc được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược (Niết bàn) được chứng đạt.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tỷ kheo ấy cần phải bám giữ nơi cư trú hay nương tựa ấy, không được bỏ đi.
- Nơi cư trú hay nương tựa đầy đủ cả vật chất lẫn tâm linh: Vị tỷ kheo sống tại khu rừng nào, làng nào, thị trấn nào, đô thị nào, quốc gia nào hay sống nương tựa một người nào, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và các vật dụng cần thiết cho người xuất gia như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách không khó khăn, vị tỷ kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này...các niệm chưa được an trú được an trú...và các vật dụng cần thiết cho người xuất gia kiếm được không khó khăn.” Sau khi suy nghĩ như vậy, vị tỷ kheo ấy cần phải bám giữ nơi cư trú hay nương tựa ấy cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi.
18. Kinh Mật hoàn (Madhupindika Sutta):
Bài kinh gồm hai phần. Phần đầu là lời tuyên bố của Thế Tôn cho một người dòng họ Sakka về quan điểm chỉ thuyết pháp, không tranh luận với đời của ngài và sự dẫn giải ngắn gọn của ngài cho các tỷ kheo về việc không hoan hỷ, đón mừng, chấp thủ các hý luận vọng tưởng khiến tất cả các ác, bất thiện pháp được diệt trừ. Phần hai là sự giải thích chi tiết của Tôn giả Mahàkaccàna về lời tuyên bố ngắn gọn của Thế Tôn.
Bài kinh ra đời ở Kapilavatthu, tại vườn Nigrodha, nhân sự kiện một người thuộc dòng họ Thích Ca (Sakka) đến chỗ Thế Tôn và nêu câu hỏi:
“Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?”
“Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy”(5)
Chuyện thuật rằng vị Sakka chỉ nghe qua lời tuyên bố của Ngài thì liền lắc đầu bỏ đi. Sau đó Đức Phật đem câu chuyện kể lại cho các tỷ kheo. Một trong số họ thỉnh cầu Ngài giải thích ý nghĩa lời tuyên bố trên và Ngài dạy:
“Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.”(6)
Bài kinh thông báo cho chúng ta, sau khi nói lên những lời vắn tắt như vậy, bậc Đạo sư rời chỗ ngồi và đi vào tinh xá.
Trong Kinh tạng Pàli, thỉnh thoảng ta bắt gặp một số bài kinh có hình thức như thế này. Thế Tôn tuyên bố một vấn đề nào đó rất súc tích ngắn gọn rồi ngài đi vào hương phòng của mình hoặc rời đi chỗ khác, không nói thêm lời nào nữa. Trong những lúc như vậy, các đệ tử lớn của ngài có trách nhiệm giải thích cho tăng chúng hiểu rõ lời tuyên bố gắn ngọn của ngài. Đây là một hình thức giảng dạy hay phương pháp giáo dục của đức Phật được gọi là Tổng thuyết (uddesa). Thông thường bậc Đạo sư thuyết giảng rất chi tiết, nhưng có đôi khi ngài chỉ dạy rất khái quát. Thỉnh thoảng, ngài chỉ đề cập ngắn gọn một vấn đề nào đó rồi một trong số các đệ tử lớn của ngài có trách nhiệm khai triển vấn đề ấy. Sự tuyên bố ngắn gọn như vậy được gọi là uddesa (tổng thuyết) và sự giảng giải hay giải thích chi tiết về lời tuyên bố ngắn gọn ấy được gọi là vibhanga (biệt thuyết). Theo cách này, ta có các bài kinh tiêu biểu như A Nan nhứt dạ hiền giả (Ànandabhaddekara Sutta), Đại Ca Chiên Diên nhứt dạ hiền giả (Mahàkaccànabhaddekara Sutta), Tổng thuyết và biệt thuyết (Uddesavibhanga Sutta), tất cả đều thuộc tuyển tập Trung bộ.
Để thấy rõ phương pháp giáo dục này của Thế Tôn, ta thử xét trường hợp bài kinh Tổng thuyết và biệt thuyết (Uddesavibhanga Sutta), số 138, Trung bộ. Tương tự như bài kinh Mật hoàn, trong bài kinh Uddesavibhanga, Thế Tôn xuất hiện ở hồi đầu với lời tuyên bố gắn gọn về lợi ích của đời sống tâm linh và ở hồi cuối như một bậc Đạo sư xác nhận khả năng phân tích chính xác của người đệ tử đã giải thích đầy đủ và đúng đắn lời tuyên bố ngắn gọn của mình, trong khi đoạn giữa của bài kinh là phần giảng giải của Tôn giả Mahàkaccàna. Có vài lý do khiến bậc Đạo sư quyết định hướng giảng dạy theo cách này. Trước hết, sự giáo dục của ngài dành cho nhiều hạng đệ tử khác nhau. Kinh tạng Pàli chính thức phân biệt hai hạng tỷ kheo, hữu học (sekha) và vô học (asekha). Hạng thứ nhất ngụ ý các tỷ kheo chưa hoàn tất việc tu học, trong khi hạng thứ hai chỉ cho các tỷ kheo đã thành tựu mục tiêu tối hậu của lời Phật dạy. Trong số hai hạng tỷ kheo này, sự giảng dạy của ngài lễ dĩ nhiên chủ yếu dành cho hạng thứ nhất. Như vậy, sự khác biệt về khả năng hiểu biết chánh pháp giữa các tỷ kheo đã là lý do cho sự giảng dạy khác nhau của bậc Đạo sư. Đối với hạng tỷ kheo vô học (asekha), nghĩa là các tỷ kheo đã thành tựu quả vị A la hán, sự giảng dạy của Thế Tôn có thể được thực hiện rất ngắn gọn (uddesa), nhưng đối với các tỷ kheo hữu học (sekha), lời dạy của ngài đòi hỏi phải được giải thích chi tiết (vibhanga).
Lại nữa, người ta thấy có các cấp độ hiểu biết khác nhau trong số các tỷ kheo hữu học. Một số họ là tân học tỷ kheo hay sa di, số khác có thể đã là những vị Dự lưu (Sotàpanna), Nhất lai (Sakadàgàmì) hay Bất lai (Anàgàmì). Các bản kinh Pàli đôi khi đề cập trường hợp một số tỷ kheo, sau một thời gian sống tu học trong tăng chúng và nắm bắt đầy đủ các lời dạy căn bản của bậc Đạo sư, đã quyết định chọn nếp sống viễn ly thuận tiện cho việc tu tập và giải thoát cá nhân. Thông thường trước lúc ra đi, các vị này đến cầu xin sự chỉ giáo của Thế Tôn: “Thật may mắn cho con, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn giáo giới cho con với lời giáo giới vắn tắt, để con có thể, sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn, sống độc cư, nhàn tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.” Các bản kinh ghi nhận rằng những vị tỷ kheo này – có lẽ những vị Bất lai – sau khi nghe lời dạy vắn tắt của Thế Tôn, sau khi sống độc cư, nhàn tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu thành tựu mục tiêu rốt ráo của đời sống phạm hạnh. Như vây chúng ta có thể nói rằng các vị Bất lai là những người đã thuần thục trong Phật pháp và do đó sự giáo dục của bậc Đạo sư dành cho họ có thể ngắn gọn và đơn giản hơn so với những gì ngài dành cho các tỷ kheo Nhất lai, Dự lưu hay các tỷ kheo tân học. Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu phương pháp giảng dạy ngắn gọn này của Thế Tôn như là một sự chuẩn bị của bậc Đạo sư cho mục tiêu giáo dục lâu dài. Việc truyền bá chánh pháp vì hạnh phúc và an lạc cho chúng sinh là nhiệm vụ cao cả của các tăng sĩ Phật giáo. Bằng cách nêu trỏ một số điểm căn bản của vấn đề nào đó rồi để cho các đệ tử giải thích rộng ra, như vậy bậc Đạo sư đã tạo cơ hội cho các học trò mình thuyết giảng để họ có thể dần dần tự khẳng định mình trong lãnh vực thuyết pháp độ sanh hay giáo dục.
Trở lại bài kinh Madhupindika thì sau lời giải đáp cho Sakka về quan điểm và chủ trương thuyết pháp của ngài được xem như là lý do ra đời của bài kinh, lời tuyên bố vắn tắt của bậc Đạo sư ở đây là: “Này các tỷ kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng hoan hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận hữu ái tùy miên, sự đoạn tận vô minh, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không có dư tàn.”
Phần tiếp theo của bài kinh mô tả sư kiện hội chúng tỷ kheo suy nghĩ và bàn với nhau tìm xem ai là người có thể giải thích cho họ ý nghĩa lời dạy vắn tắt của Thế Tôn. Họ nghĩ đến Tôn giả Mahàkaccàna và quyết định đi đến chỗ Tôn giả để tìm kiếm câu trả lời.
Tôn giả Mahàkaccàna dẫn giải lời tuyên bố ngắn gọn của Thế Tôn theo quan điểm duyên sinh. Theo Mahàkaccàna, do con người thường xuyên tiếp xúc với ngoại giới, nghĩa là, do sáu căn nội thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần ngoại giới (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nên các cảm thọ (vedanà) sinh khởi; do cảm thọ sinh khởi nên tưởng (sannà) sinh khởi; do tưởng sinh khởi nên suy tầm (vitakka) sinh khởi; do suy tầm sinh khởi nên hý luận vọng tưởng (papancasannàsankhà) sinh khởi; do hý luận vọng tưởng (hay ngã tưởng)[7] sinh khởi, ám ảnh nên người ấy tùy hỷ, hoan nghênh, đắm trước (vọng tưởng ấy) từ đó các độc tố ngủ ngầm trong vị ấy như tham (ràga), sân (patigha), kiến (ditthi), nghi (vicikicchà), mạn (màna), hữu tham (bhavaràga), vô minh (avijjà) dấy khởi dẫn đến chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Cũng từ quan điểm duyên sinh, Mahàkaccàna nói tiếp rằng hiện tượng chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ sẽ chấm dứt, không hiện hữu, nếu các duyên hay điều kiện hổ trợ cho nó sinh khởi không có mặt hay bị loại trừ.
Bài kinh kết thúc với việc các tỷ kheo đi đến Thế Tôn, thuật lại với ngài toàn bộ câu chuyện và đức Phật xác chứng Tôn giả Mahàkaccàna là bậc hiền trí, bậc đại trí tuệ, có thể thay ngài giải thích chi tiết những lời dạy vắn tắt của ngài.
Chúng ta thấy rằng bài kinh phản ánh sâu sắc quan điểm và chủ trương hòa bình của đạo Phật thông qua hai lời tuyên bố ngắn gọn của đức Thế Tôn và sự giải thích của Tôn giả Mahàkaccàna. Lời tuyên bố thứ nhất khẳng định một người hòa bình là một người không còn bị trói buộc bởi dục vọng, không bị ám ảnh bởi các vọng tưởng, không có nghi ngờ do dự đối với điều gì, đã đoạn diệt mọi lo lắng dao động, không còn tham ái đối với hiện hữu và không hiện hữu, không tranh luận với một ai ở đời. Lời tuyên bố thứ hai phản ánh chủ trương hòa bình của Ngài, nêu rõ hý luận vọng tưởng (papancasannàsankhà) là nguyên nhân của mọi tranh chấp, chiến tranh và chỉ rõ cách thức loại bỏ chiến tranh, thiết lập hòa bình, là không tùy hỷ, đón mừng và chấp thủ các hý luận vọng tưởng sanh khởi. Lời giải thích này cũng gián tiếp cho thấy chiến tranh do duyên sanh, bắt nguồn trong tâm thức con người – sự dấy khởi và vận hành của tham, sân, kiến, nghi, mạn, hữu tham, vô minh do duyên hý luận vọng tưởng hay do bị ám ảnh bởi ngã tưởng “tôi là”.
Phần giải thích của Tôn giả Mahàkaccàna nói rõ giải pháp hòa bình của Phật giáo, nghĩa là chiến tranh do duyên sanh và do đó cũng do duyên diệt. Vấn đề là nhận ra sự thật duyên sanh của cảm thọ, tưởng, suy tầm, hý luận vọng tưởng để không hoan hỷ, đón mừng chấp thủ chúng và như vậy thì đấu tranh, luận tranh, chiến tranh tự chấm dứt.
19. Kinh Song tầm (Dvedhàvitakka Sutta):
Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana, vườn Anàthapindika, ở Sàvatthì.
Nội dung bài kinh đề cập kinh nghiệm hành thiền của đức Phật, bắt đầu bằng việc phân biệt hai loại (tầm dục tầm (kàmavitakka), sân tầm (byàpàdavitakka), hại tầm (vihimsàvittkka) và ly dục tầm (nekkhammavitakka), vô sân tầm (abyàpàdavitakka), bất hại tầm (avihimsàvitakka)), về kinh nghiệm đoạn trừ dục tầm, sân tầm, hại tầm của ngài nhờ nhận thức rõ về sự nguy hại của chúng và kinh nghiệm làm cho ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm sanh khởi nhờ sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Trong phần này, đức Phật dùng hai ảnh dụ “người chăn bò” để nói về cách thức đối trị dục tầm, sân tầm, hại tầm và cách nhận biết về ly dục tầm, sô sân tầm, bất hại tầm, gọi chung là thuật điều tâm, gợi cho ta ý tưởng về ảnh dụ “thập mục ngưu đồ” của thiền tông Trung Hoa về sau.
Theo lời ngài, nếu vị tỷ kheo suy tư, quan sát nhiều về vấn đề gì thời tâm thiên nặng về vấn đề ấy. Chẳng hạn, vị tỷ kheo suy tư nhiều về dục, sân, hại thời tâm vị ấy thiên về dục, sân, hại; bấy giờ vị ấy cần phải thức tỉnh và nỗ lực đoạn trừ. Vị tỷ kheo nỗ lực điều phục tâm mình, khiến cho nó không rơi vào sự nguy hại của dục, sân, hại, giống như vào đầu mùa hè, khi lúa đã trổ hạt, người mục đồng phải luôn luôn canh chừng các con bò của mình, phải cầm roi quất vào các con bò, chế ngự chúng, ngăn chận chúng xâm nhập vào ruộng đồng ăn lúa, nếu không sẽ dẫn đến bị trừng phạt. Trái lại, nếu vị tỷ kheo suy tư nhiều về ly dục, vô sân, bất hại thời tâm của vị ấy hướng về ly dục, vô sân, bất hại. Vị tỷ kheo nhận thức rõ lợi ích của ly dục tầm, sô sân tầm, bất hại tầm và thức tỉnh về chúng, giống như vào cuối mùa hè, khi ruộng lúa đã gặt xong, người mục đồng có thể để cho các con bò của mình tự do ăn cỏ, không cần phải chăn chúng mà chỉ cần nhận diện chúng.
Ở phần tiếp theo của bài kinh, đức Phật nói lại kinh nghiệm nhờ sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, ngài lần lượt chứng tứ thiền sắc giới, rồi từ thiền thứ tư ngài hướng tâm đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh và sau cùng chứng quả giải thoát giác ngộ.
Phần cuối bài kinh đức Phật dùng một ví dụ nêu rõ tấm lòng thương mến lo lắng cho sự giải thoát của các học trò mình để khuyên các tỷ kheo nỗ lực chuyên tâm hành thiền:
“Chư Tỷ-kheo, giống như trong khu rừng rậm rạp có một hồ nước lớn thâm sâu, và một đoàn nai lớn sống gần một bên. Có một người đến, không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn, khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, đưa đến hoan hỷ, người ấy sẽ chận đóng con đường này lại, sẽ mở con đường nguy hiểm, sẽ đặt con mồi đực, sẽ đặt con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, như vậy, sau một thời gian đoàn nai lớn ấy gặp ách nạn và hao mòn dần. Chư Tỷ-kheo, có một người đến, muốn đoàn nai ấy được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn, khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, người ấy sẽ mở con đường này, sẽ đóng con đường nguy hiểm lại, sẽ đem con mồi đực đi, sẽ hủy bỏ con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, như vậy đoàn nai lớn ấy sau một thời gian sẽ được tăng trưởng, hưng thịnh, thành mãn.
Chư Tỷ-kheo, Ta nói ví dụ ấy để giải thích ý nghĩa như sau: Chư Tỷ-kheo, hồ nước lớn, thâm sâu chỉ cho các dục. Chư Tỷ-kheo, đoàn nai lớn chỉ cho các loài hữu tình. Chư Tỷ-kheo, con người không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn, khỏi các ách nạn chỉ cho ác ma. Chư Tỷ-kheo, con đường nguy hiểm chỉ cho con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Chư Tỷ-kheo, con mồi đực chỉ cho hỷ và tham. Chư Tỷ-kheo, con mồi cái chỉ cho vô minh. Chư Tỷ-kheo, còn người muốn chúng được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ chỉ cho con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Chư Tỷ-kheo, như vậy Ta mở con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ, Ta đóng con đường nguy hiểm, Ta mang đi con mồi đực, Ta hủy bỏ con mồi cái. Chư Tỷ-kheo, những gì vị Đạo Sư cần phải làm cho các đệ tử vì lòng thương tưởng họ, những điều ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các Người. Chư Tỷ-kheo, đây là các gốc cây, đây là các chỗ trống. Hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đó là lời giáo huấn của Ta.”
20. Kinh An trú tầm (Vitakkasanthàna Sutta):
Thế Tôn thuyết giảng kinh này cho các tỷ kheo tại Jetavana, vườn Anàthapindika, ở Sàvatthì. Bài kinh trình bày phương pháp huấn luyện tâm gọi là tăng thượng tâm (adhicittam) hay hành thiền trên cơ sở thực hành suy tầm (vitakka) theo năm cách, nhờ đó các ác bất thiện tư duy liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được loại trừ , khiến nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Năm cách gồm:
1. Tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện: “Ở đây, Tỷ-kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác; chư Tỷ-kheo, cũng vậy, khi một Tỷ-kheo y cứ một tướng nào, tác ý một tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, khác với tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.”
2. Quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Nếu Tỷ-kheo ấy khi tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ đến thiện, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Đây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo.” Nhờ quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người đàn bà hay người đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức nếu một xác rắn, hay xác chó, hay xác người được quàng vào cổ, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy nhờ quán sát... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.”
3. Không ức niệm,không tác ý những tầm ấy: “Nếu Tỷ-kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi không ức niệm, không tác ý... được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.”
4. Tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy: “Nếu Tỷ-kheo ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục... được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đang đi mau, suy nghĩ: “Tại sao ta-lại đi mau? Ta hãy đi chậm lại.” Trong khi đi chậm, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta-lại đi chậm? Ta hãy dừng lại.” Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ: “Tại sao Ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống.” Trong khi ngồi, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta-lại ngồi? Ta hãy nằm xuống.” Chư Tỷ-kheo, như vậy người ấy bỏ dần các cử chỉ thô cứng nhất và làm theo các cử chỉ tế nhị nhất. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy tác ý đến... (như trên)... được an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.”
5. Nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng,lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm: “Nếu Tỷ-kheo ấy trong khi tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm, các ác, bất thiện tầm liên hệ... đến si vẫn khởi lên, thời chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục... liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong... được an trú, an tịnh nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục, và đánh bại. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi tác ý hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ trừ diệt chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.”
Kết thúc bài kinh, đức Phật xác nhận vị tỷ kheo nào thực hành tăng thượng tâm theo cách trên thì được gọi là đã an trú trong đạo tầm pháp môn. Vị ấy có thể tác ý đến tầm nào vị ấy muốn, có thể không tác ý đến tầm nào vị ấy không muốn; vị ấy đã đoạn trừ khát ái, đã giải thoát các kiết sử, khéo chinh phục kiêu mạn, đã chấm dứt khổ đau.
(1). F. L. Woodward, The Book of Gradual Sayings, tập II, tr. 98-99.
(2). Bản sớ giải kinh Trung bộ giải thích sự kiện rằng tất cả ngoại đạo đều tuyên bố mục đích của họ là chứng đắc A la hán quả, tuy nhiên mục đích cứu cánh của họ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, các Bà la môn tuyên bố mục đích của mình là thế giới Phạm thiên (Brahmaloka), các ẩn sĩ hướng vào Quang âm thiên, các du sĩ nhắm đến các thiên đường rực rỡ, các vị Àjìvika tuyên bố mục đích Vô tưởng.
(3). Kinh Ratthapàla, Trung bộ.
(4). F. L. Woodward, The Book of Kindred Sayings, tập V, tr. 192.
(5). Kinh Mật hoàn, Trung bộ.
(6). Kinh Mật hoàn, Trung bộ.
(7). Kinh Bó lúa, Tương ưng bộ.