7. KINH SOI GƯƠNG NHÂN CÁCH
***
THỈNH NGUYỆN SOI SÁNG
Tôi nghe như vầy, có một thuở nọ, ngài Mục-kiền-liên [1] đang sống với người thuộc dòng Bhagga trong vườn Lộc Uyển, rừng Bhe-sa-kăm. [2] Có một hôm nọ, ngài Mục-kiền-liên gọi các Tỳ-kheo và dạy như sau:
– Thưa các hiền giả, nếu có Tỳ-kheo muốn thỉnh nguyện rằng: “Mong các tôn giả góp ý cho tôi, mong rằng tôi được các vị chỉ giáo.” Nhưng nếu vị ấy là người khó nói, hoặc đủ tính cách trở nên khó nói, không có kham nhẫn, không chịu đón nhận với lòng trân trọng những điều được dạy thì những đồng tu sẽ suy nghĩ rằng vị Tỳ-kheo ấy không đáng nói đến, nói chi giáo huấn và đặt lòng tin”. O
ĐỪNG TRỞ THÀNH NGƯỜI KHÓ GÓP Ý
– Thưa các hiền giả, bất kỳ người nào bị sự chi phối của các tính cách ác dục, phẫn nộ, khen mình chê người, sẽ trở thành người rất là khó nói. Khi bị tâm lý phẫn nộ chi phối, các tính cách sau lần lượt xuất hiện: hiềm hận, cố chấp, thốt lời dễ ghét, chống đối, chỉ trích, chất vấn lại người đã góp ý mình; có tâm lẩn tránh, trả lời ngoài lề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn; không chịu giải trình hành động của mình cho người hiểu rõ; hư ngụy, não hại; tật đố, xan tham; dối gian, lường gạt; ngoan mê, quá mạn; dính mắc thế tục, cố chấp tư kiến, không chịu buông xả. Các tâm lý trên chính là tính cách làm cho một người trở nên khó nói. Nếu ai diệt trừ các tính cách ấy sẽ trở thành người có thể góp ý. O
SO SÁNH HỌC HỎI
– Thưa các hiền giả, để dứt trừ được các tánh cách xấu, hành giả cần phải tâm niệm chính mình bằng sự so sánh với những người khác: “Ta không thích người bị tâm ác dục chi phối, hoành hành. Nếu tâm ta bị ác dục chi phối, chắc chắn người khác sẽ không thích ta.” Khi biết như vậy hành giả cần phải nêu quyết tâm sau: “Ta sẽ không bị ác dục chi phối.”
– Tương tự như vậy, hành giả thực tập tâm niệm bản thân bằng sự so sánh với những người khác, biết rõ được rằng khi người khác có các tính cách xấu, ta không thích họ, thì khi ta có các tính xấu ấy, người khác cũng sẽ không quý mến ta. Nhờ vậy quyết tâm từ bỏ tánh xấu: “Ta sẽ không bị các tính cách xấu tác động chi phối như là phẫn nộ, khen mình chê người, hiềm hận, cố chấp, thốt lời dễ ghét, chống đối, chỉ trích, chất vấn lại người đã góp ý mình; có tâm lẩn tránh, trả lời ngoài lề, để lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn; không chịu giải trình hành động của mình cho người hiểu rõ; hư ngụy, não hại; tật đố, xan tham; dối gian, lường gạt; ngoan mê, quá mạn; dính mắc thế tục, cố chấp tư kiến, không chịu buông xả. O
SOI SÁNG BẢN THÂN
– Này các hiền giả, cần phải quán sát bản thân như sau: “Ta còn ác dục, bị các ác dục chi phối hay không?” Sau khi quán sát, biết rõ ràng rằng: “Ta còn ác dục, bị các ác dục tác động chi phối” thì hành giả đó hết lòng tinh tấn dứt trừ các ác và pháp bất thiện. Nếu khi quán sát biết rõ ràng rằng ta không còn dục, không bị ác dục dắt dẫn chi phối, thì hành giả đó khởi tâm hoan hỷ, ngày đêm tinh chuyên thực hành pháp lành. Tương tự như vậy, hành giả áp dụng quán sát tất cả tâm lý còn lại. O
Giống như trường hợp, có một thiếu nữ hay một thanh nam, đương tuổi thanh xuân, tánh ưa trang điểm, tự quán sát mặt trong một tấm kiếng sạch và trong suốt, hay một bát nước không có cáu bẩn. Khi thấy bụi bặm bám trên mặt mình, người ấy tinh tấn chùi sạch bụi bặm và vết nhơ bẩn. Nếu mặt không dơ, người ấy hoan hỷ và tâm niệm rằng: “Thật sự ta được những điều tốt đẹp; thật sự ta được gương mặt trong sạch”.
Khi nghe tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết giảng như vậy, tất cả Tỳ-kheo và người có mặt đều rất hoan hỷ, phát tâm thọ trì, truyền bá kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
1. Mahamoggallana.
2. Bhesakala, thuộc núi Sumsumaragira.
***