54. KINH TỪ BI VÀ HỒI HƯỚNG
***
SIÊNG TU TỪ BI
Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, tại chùa Kỳ-viên thuộc thành Xá-vệ do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng, đức Phật thuyết pháp cho người hữu duyên. Trong pháp hội đó, Bồ-tát Minh Thiên cung kính đứng dậy, trịch vai bên phải, quỳ gối chắp tay, bạch Phật như sau: “Kính bạch Thế Tôn, phải làm thế nào gieo chút pháp lành mà được phước lớn?” O
Đức Phật dạy rằng: “Lành thay, lành thay! Ông đã gieo trồng vô lượng công đức ở vô số Phật. Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ”.
Này các đệ tử, đối với các Phật quá khứ, hiện tại và Phật vị lai, mọi người nên tu từ bi của miệng, từ bi của thân, chuyên niệm công đức của Phật từng làm. Người phát tâm thiện nên đi đến Chùa, lễ bái Tam bảo, dâng hoa, cúng trái, trỗi nhạc cúng dường, dùng lời tán dương công đức của Phật, tùy hỷ khích lệ, ca ngợi người thiện và các việc thiện. O
TỪ BI CỦA PHẬT
Này các đệ tử, mọi người nên biết: “Như Lai là bậc Vô thượng Chánh giác, Tối tôn, Tối thắng, là Vua Sư tử, hùng dũng không sợ; tự giác ngộ mình, cứu độ mọi loài; tự hưởng an lạc, đem nguồn an lạc đến với mọi người; tự dứt phiền não, giúp cho mọi người chấm dứt khổ đau. Như Lai ban pháp, chân lý tuyệt đối, giáo hóa mọi người, giới đức thanh tịnh, biện tài vô ngại, không còn sợ hãi, dứt trừ vĩnh viễn các thói quen xấu gây nhiều chướng ngại. Như Lai tự tại trước mọi hoàn cảnh, trên cõi đời này, không ai sánh bằng. Học hạnh đức Phật từ bi vô ngại, thương xót mọi loài, dùng thân thể này làm nhiều việc thiện. Đó chính là hạnh từ bi của Phật. O
TỪ BI QUA MIỆNG
Này các đệ tử, dùng lời từ bi diễn nói chánh pháp, phổ biến chân lý, truyền trao đạo đức, giúp cho mọi người được hạnh phúc lớn; dùng lời chân chính tán dương chánh pháp, giúp cho mọi người thâm nhập kinh tạng; dùng lời chân thật tán dương công đức của đức Như Lai… thì đây chính là từ bi bằng miệng.
Này các đệ tử, từ bi của miệng gồm có bốn loại: Một, không nói dối. Hai, không hai lưỡi. Ba, không lời độc. Bốn, không tán gẫu.
Không được nói dối, tức là phát ngôn luôn luôn chân thật; chuyện không nói không, chuyện có nói có; trước mặt mọi người luôn nói chân thật; đối chất trước tòa không hề điêu ngoa; đối với luật pháp luôn khai sự thật. Cho dù phải chết cũng nói chân thật, không hề dối trá; lòng sao nói vậy, không được thêu dệt, không nói sai khác, không nói thêm bớt.
Không nói hai lưỡi, không đem chuyện người nói với người khác; không gây xích mích, nghi ngờ hai bên; mong cho mọi người luôn hòa hợp nhau.
Không nói cay độc, không chửi rủa ác, lấy lời ôn hòa, tỏ bày nhỏ nhẹ, dẫn dắt mọi người, niềm nở chào hỏi, làm mọi người vui.
Không nói tán gẫu, tức không phát ngôn những gì không ích, không có giá trị, không lợi lạc ai, làm mất thời gian; chỉ nói những gì thực sự đáng nói, mang lại lợi ích, hạnh phúc cho người. O
TỪ BI QUA THÂN
Này các đệ tử, đối với chúng sinh quá khứ, hiện tại hay là vị lai nên tu từ bi qua thân, khẩu, ý, thể hiện bình đẳng với các chúng sinh. Trong ba thời gian, người tu thiện nghiệp không giết mạng sống, không phạm trộm cướp, không làm tà dâm, không nói lừa dối, không nói chia rẽ, không nói lời độc, không nói tán gẫu, không tham, không sân và không tà kiến.
Này các đệ tử, từ bi của thân gồm có ba loại: Một, không giết người. Hai, không trộm cướp. Ba, không tà dâm.
Không gieo nghiệp sát chính là từ bi, thương xót chúng sinh, sanh lòng hổ thẹn trước việc giết hại, từ bỏ vũ khí, đâm chém, bắn giết, dao gậy, đánh đập; bảo hộ sự sống, yêu chuộng hòa bình.
Không phạm trộm cướp tức không cướp giựt, không lừa đảo ai, không lấy của người, không nhặt của rơi, những gì không cho thì không được lấy; tôn trọng sở hữu của những người khác, khi có điều kiện, gắng làm từ thiện.
Không được tà dâm tức là chung thủy một vợ, một chồng, không hề ngoại tình với người độc thân hay có gia đình. Khi giao tiếp với người khác giới phái không mong dục tình, giữ tâm đoan trang. O
TỪ BI QUA Ý
Này các đệ tử, từ bi của ý gồm có ba loại: Một, không tham lam. Hai, không giận dữ. Ba, không tà kiến.
Không tham lam là đối với tài vật của những người khác không khởi tham muốn, không chiếm đoạt về, không mê hưởng thụ, không nhiễm sáu trần. Khi người đến xin, tâm không lẫn tiếc, giúp nghèo, cứu ngặt, giúp cho mọi người vượt qua khổ đau.
Không giận dữ là đối với chúng sinh không hề bực tức, khởi tâm từ bi, thương xót chúng sinh; không hận thù ai, khéo léo tùy thuận, làm mọi người vui.
Không tà kiến là nhận thức chân chánh, không tin thượng đế, không tin thần linh, không tin số phận; tin có đời sau, tin vào nhân quả, tin có khổ vui, tin có cha mẹ, tin vào giáo dục, thích làm bố thí, giúp đỡ mọi người, tin bậc đạo đức giải thoát sinh tử. O
LỢI ÍCH DO TU TỪ BI
Này các đệ tử, khi tu từ bi của thân, khẩu, ý đối với chư Phật quá khứ, hiện tại cũng như vị lai ở mức độ nào và như thế nào thì với chúng sinh cũng tu như thế, không hơn, không kém. Tu tập từ bi có nhiều công đức, hiện tại hạnh phúc, bình an vô sự, tương lai hạnh phúc, thoát khỏi sợ hãi ân oán, hận thù. Bao nhiêu công đức do tu từ bi đạt được đời này, xin đem hồi hướng cho các chúng sinh. Nguyện cầu chúng sinh nhờ năng lực này hướng về quả vị Chánh đẳng Chánh giác. O
HỒI HƯỚNG VIỆC THIỆN
Này các đệ tử, để việc làm thiện và hồi hướng thiện đạt ba-la-mật, các vị hành giả nên quán thời gian theo công thức sau: “Quá khứ không thực, tương lai không thực, hiện tại trôi chảy”. Đồng thời quán chiếu: “Không người hồi hướng, không pháp hồi hướng, không chỗ hồi hướng”. Thực tập như trên, hạnh nguyện hồi hướng trở nên thanh tịnh. Tiếp đến, nên đem công đức thanh tịnh vừa mới đạt được, hồi hướng chúng sinh đều đạt quả vị Vô thượng Chánh giác.
Trong hồi hướng này, bằng chánh tri kiến, nên thấy rõ rằng không có phàm phu, không pháp phàm phu, không có tín hành, không có pháp hành, không có an nhẫn, không hướng quả vị của A-la-hán hay là Độc giác, cũng không hướng Phật, không hướng quả Phật. Giữ tâm thanh tịnh, an lạc tuyệt đối. Sỡ dĩ như thế là do pháp tánh không bị vướng mắc, không sinh, không diệt, không trụ vướng gì. O
Này các đệ tử, sau khi tu tập hồi hướng cao thượng như vừa nêu trên, hành giả lại nguyện: “Chỗ nào tôi sanh đều gặp được Phật, được nghe chánh Pháp, được gặp chân sư, đạt được dược pháp trị liệu thân tâm, chánh định thậm thâm, đạt được hiểu biết, tăng trưởng trí tuệ, không bỏ hạnh nguyện cứu độ chúng sinh”.
Này các đệ tử, bất cứ người nào, dù nam hay nữ, dù lớn hay nhỏ, tu tập hồi hướng như vừa nêu trên thì nên biết rằng người ấy chắc chắn sẽ chứng đạt được “vô sanh pháp nhẫn”, có thể hóa độ rất nhiều chúng sanh, mang lại an lạc cho rất nhiều người.
Tại pháp hội này, nghe đức Phật giảng, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá Kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O