45. KINH QUÁN NIỆM HƠI THỞ
***
THỰC TẬP CHỨNG QUẢ
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở chùa Kỳ Viên, thuộc thành Xá-vệ. Pháp hội bấy giờ có các Thanh Văn thượng thủ, nổi tiếng: Ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên, ngài Ca-chiên-diên, ngài Câu-thi-la, A-nậu-lâu-đà, ngài Ưu-bà-đa và A-nan-đa. Có vị hướng dẫn mười người, hai mươi, ba mươi, bốn mươi... các vị mới tu, giúp cho tiến bộ. Vào rằm tháng tư, đang lúc Tăng đoàn ngồi yên ngoài trời, im lặng trang nghiêm, Phật dạy như sau: O
Này các đệ tử, Tăng đoàn của ta tu học thanh tịnh, không thích phù phiếm, đáng được cúng dường, xứng là ruộng phước, được đời kính trọng. Có nhiều tu sĩ chứng A-la-hán, phiền não không còn, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm, đặt gánh nặng xuống, đạt được mục đích, giải thoát cao quý nhờ vào trí tuệ.
Có các tu sĩ đã cắt đứt được năm trói buộc đầu, chứng quả Bất Hoàn, không còn luân hồi. Có vị dứt được ba trói buộc đầu, gồm tham, sân, si, chứng quả Nhất Hoàn, trở lại lần nữa ở cõi đời này. Có vị dứt được ba trói buộc đầu, chứng quả Dự Lưu, đang đi trên đường hướng về giác ngộ. Có người thực tập bốn pháp quán niệm. Có vị thực tập bốn điều tinh tấn, bốn như ý túc, năm năng lực lớn, bảy điều giác ngộ, thánh đạo tám nhánh. Có vị thực tập từ, bi, hỷ, xả. Có vị thực tập chín điều quán tưởng về thi thể người. Cũng có các vị thực tập quán niệm hơi thở ra vào.
Này các đệ tử, người siêng thực tập quán niệm hơi thở sẽ được an lạc, đạt bốn quán niệm. Tiếp tục như thế, hành giả đạt được bảy điều giác ngộ, trí tuệ, giải thoát. Hãy lắng lòng nghe, Thầy sẽ giảng dạy về quán hơi thở. O
MƯỜI SÁU HƠI THỞ
Này các đệ tử, hành giả vào rừng, ngồi dưới gốc cây, hay nơi thanh vắng, ngồi thế hoa sen, giữ lưng ngay thẳng, đặt niệm trước mặt, tỉnh thức rõ ràng hơi thở ra vào. Khi đang thở vào, biết mình thở vào. Khi đang thở ra, biết mình thở ra. Phép quán hơi thở gồm mười sáu bước.
1. Thở vào hơi dài, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở vào một hơi thở dài”. Thở ra hơi dài, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở ra một hơi thở dài”.
2. Thở vào hơi ngắn, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở vào một hơi thở ngắn”. Thở ra hơi ngắn, ý thức rõ ràng: “tôi đang thở ra một hơi thở ngắn”.
3. Khi thở hơi vào, ý thức toàn thân. Khi thở hơi ra, ý thức toàn thân.
4. Tôi đang thở vào, an tịnh toàn thân. Tôi đang thở ra, an tịnh toàn thân.
5. Tôi đang thở vào, cảm nhận mừng vui. Tôi đang thở ra, cảm nhận mừng vui.
6. Tôi đang thở vào, cảm thấy an lạc. Tôi đang thở ra, cảm thấy an lạc.
7. Tôi đang thở vào, ý thức rõ ràng hoạt động tâm ý. Tôi đang thở ra, ý thức rõ ràng hoạt động tâm ý.
8. Tôi đang thở vào, hoạt động tâm ý đang được an tịnh. Tôi đang thở ra, hoạt động tâm ý đang được an tịnh.
9. Tôi đang thở vào, cảm giác về tâm. Tôi đang thở ra, cảm giác về tâm.
10. Tôi đang thở vào với tâm hân hoan. Tôi đang thở ra với tâm hân hoan.
11. Tôi đang thở vào với tâm thiền định. Tôi đang thở ra với tâm thiền định.
12. Tôi đang thở vào với tâm giải thoát. Tôi đang thở ra với tâm giải thoát.
13. Tôi đang thở vào, quán tưởng vô thường. Tôi đang thở ra, quán tưởng vô thường.
14. Tôi đang thở vào, quán tưởng lìa tham. Tôi đang thở ra, quán tưởng lìa tham.
15. Tôi đang thở vào, quán tưởng hoại diệt. Tôi đang thở ra, quán tưởng hoại diệt.
16. Tôi đang thở vào, quán tưởng buông bỏ. Tôi đang thở ra, quán tưởng buông bỏ.
Phép quán hơi thở, như chỉ dẫn trên, nếu siêng tu tập một cách miên mật sẽ giúp đạt được các thành quả lớn, an lạc, giải thoát. O
HƠI THỞ VÀ BỐN ĐIỀU QUÁN NIỆM
Này các đệ tử, khi một hành giả quán niệm hơi thở dài, ngắn, ra, vào mà có ý thức về hơi thở ấy và toàn thân mình, làm cho toàn thân trở nên an tịnh, thì hành giả ấy đang thực tập tốt “quán thân như thân,” tinh tấn, tỉnh thức, không còn tham đắm hay là chán ghét đối với cuộc sống. Đây là chánh niệm đối với thân thể. O
Này các đệ tử, khi thở ra vào mà có ý thức về sự vui mừng, về sự an lạc, hoạt động tâm ý, an tịnh tâm ý, thì hành giả ấy đang thực tập tốt “quán các cảm giác như các cảm giác”, tinh tấn, tỉnh thức, không còn tham đắm hay là chán ghét đối với cuộc sống. Đây là chánh niệm đối với cảm giác.
Này các đệ tử, khi thở ra vào, cảm nhận về tâm, với tâm hân hoan, với tâm thiền định, với tâm giải thoát, thì hành giả ấy đang thực tập tốt “quán tâm như tâm”, tinh tấn, tỉnh thức, không còn tham đắm hay là chán ghét đối với cuộc sống. Đây là chánh niệm đối với tâm ý.
Này các đệ tử, khi thở ra vào, quán tưởng vô thường, quán tưởng lìa tham, quán tưởng hoại diệt, quán tưởng buông bỏ, thì hành giả ấy đang thực tập tốt “quán pháp như pháp”, tinh tấn, tỉnh thức, không còn tham đắm hay là chán ghét đối với cuộc sống. Đây là chánh niệm đối với vạn pháp. O
HƠI THỞ VÀ BẢY ĐIỀU GIÁC NGỘ
Phép quán hơi thở, nếu siêng tu tập một cách miên mật sẽ giúp đạt được bốn pháp quán niệm, như vừa nêu trên. Khi thực tập được bốn phép quán niệm, hành giả đạt được bảy điều giác ngộ một cách trọn vẹn. Khi các hành giả thực tập đúng cách quán thân như thân, quán thọ như thọ, quán tâm như tâm, quán pháp như pháp, tinh tấn, tỉnh thức, không còn tham đắm hay là chán ghét đối với cuộc sống, thì đúng lúc ấy, hành giả đạt được chánh niệm vững vàng. Đây là yếu tố giác ngộ thứ nhất: Chánh niệm, tỉnh giác. An trú chánh niệm, hành giả quyết trạch về mọi sự vật, đối tượng tâm ý. Đây là trạch pháp: Giác ngộ thứ hai. Giữ vững chánh niệm, quyết trạch vạn pháp, hành giả đạt được siêng năng, bền bỉ. Đây là tinh tấn: Giác ngộ thứ ba. Khi đã an trú trong sự tinh tấn, hành giả đạt được hỷ lạc siêu việt. Đây là hỷ lạc: Giác ngộ thứ tư. An trú hỷ lạc, hành giả cảm thấy thân và tâm mình nhẹ nhàng, an tịnh. Đây là khinh an: Giác ngộ thứ năm. Khi thân và tâm an trụ trạng thái nhẹ nhàng, an tịnh, hành giả đạt được thiền định chân chính. Đây là chánh định: Giác ngộ thứ sáu. An trụ trong định, không còn phân biệt, hành giả đạt được trạng thái buông bỏ. Đây là hành xả: Giác ngộ thứ bảy.
Này các đệ tử, khi thực tập được bảy điều giác ngộ, hành giả đạt được giải thoát trọn vẹn nhờ vào trí tuệ. Đang khi thực tập bảy điều giác ngộ, một mình an tịnh, quán chiếu rõ ràng vô thường, lìa tham, hoại diệt, buông xả, hành giả thành tựu trí tuệ giải thoát.
Nghe Phật giảng dạy về cách quán niệm hơi thở ra vào, mọi người có mặt vô cùng mừng rỡ, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***