13. KINH THIỆN SINH
***
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật tại núi Linh Thứu cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo vào thành khất thực. Thấy ông Thiện Sinh, con của trưởng giả, tắm gội sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, lễ bái sáu phương, đức Phật dạy rằng: “Con nên hiểu biết ý nghĩa sáu phương thì việc lễ bái có lợi ích lớn.”
Thiện Sinh ân cần cầu Phật chỉ dạy. Đức Phật nhân đó giảng dạy như sau: O
I. BỔN PHẬN CỦA CHỒNG
Hỡi này Thiện Sinh, phương Tây tượng trưng đạo của vợ chồng. Người chồng lý tưởng phải tôn trọng vợ với năm bổn phận. Một là lấy lễ đối đãi với vợ. Hai là chuẩn mực nhưng không hà khắc. Ba là tùy thời cung cấp y, thực. Bốn là tùy thời tặng trang sức đẹp. Năm là cùng vợ làm tốt việc nhà. O
II. BỔN PHẬN CỦA VỢ
Người vợ mẫu mực phải đối đãi chồng với năm bổn phận: Một là siêng năng, thức dậy trước chồng. Hai là nể chồng, trước, sau, trong, ngoài. Ba là dùng lời hòa nhã, xây dựng. Bốn là nhún nhường, ủng hộ điều hay. Năm là hiểu chồng, cảm thông, chia sẻ. O
III. BỔN PHẬN LÀM CON
Hỡi này Thiện Sinh, phương Đông tượng trưng các bậc cha mẹ. Người con hiếu thảo phải kính cha mẹ với năm đạo đức, nhờ đó an ổn, không lo sợ gì:
Một là phụng dưỡng, không để thiếu thốn. Hai là trình báo và xin lời khuyên. Ba là không chống điều cha mẹ dạy. Bốn là không trái điều cha mẹ làm. Năm là không cản tất cả chánh nghiệp của cha mẹ làm. O
IV. BỔN PHẬN CHA MẸ
Các bậc cha mẹ chăm sóc con cái với năm bổn phận: Một là ngăn chặn con làm việc ác. Hai là chỉ dạy con làm việc lành. Ba là thương con đến tận xương tủy. Bốn là sắp xếp hôn phối tốt đẹp. Năm là chu cấp những thứ cần dùng. O
V. BỔN PHẬN HỌC TRÒ
Hỡi này Thiện Sinh, phương Nam tượng trưng các thầy cô giáo. Học trò chuẩn mực cung phụng nhà giáo với năm bổn phận, nhờ đó an ổn, không còn lo sợ: Một là hầu thầy, giúp những thứ cần. Hai là cung kính, cúng dường, đảnh lễ. Ba là khát ngưỡng, cầu học không chán. Bốn là kính thuận những điều thầy dạy. Năm là nhớ làm những điều đã học. O
VI. BỔN PHẬN NHÀ GIÁO
Nhà giáo mẫu mực săn sóc học trò với năm bổn phận: Một là huấn luyện đúng với chánh pháp. Hai là dạy trò những điều chưa biết. Ba là giải rõ những điều thắc mắc. Bốn là truyền trao, không hề giấu nghề. Năm là giúp trò trưởng thành, hạnh phúc. O
VII. BỔN PHẬN NGƯỜI THÂN
Hỡi này Thiện Sinh, phương Bắc tượng trưng bà con thân hữu. Nhờ sống thân kính nên được yên ổn, không còn lo sợ. Phật tử lý tưởng tỏ lòng kính trọng với năm bổn phận: Một là giúp đỡ những khi khó khăn. Hai là nói lời hòa nhã, hiền lành. Ba là hỗ trợ, giúp người tiến bộ. Bốn là mang lại lợi lạc cho nhau. Năm là chân thật, không hề dối gạt. O
VIII. BỔN PHẬN BÀ CON
Là người bà con, ta phải ứng xử với năm bổn phận đối với người thân: Một là bảo hộ, không cho buông lung. Hai là hỗ trợ không để hao tổn. Ba là che chở, thoát khỏi sợ hãi. Bốn là khuyên ngăn ở chỗ vắng người. Năm là khen ngợi điều tốt của nhau. O
IX. BỔN PHẬN CỦA CHỦ
Hỡi này Thiện Sinh, phương trên tượng trưng những người làm chủ với năm bổn phận, nhờ sống bảo hộ, nên được an ổn, không còn lo sợ. Một là giao việc hợp với khả năng. Hai là lo ăn thích hợp thời khắc. Ba là khen thưởng hợp với công lao. Bốn là lo thuốc khi bị bệnh hoạn. Năm là cho phép nghỉ ngơi thích hợp. O
X. BỔN PHẬN CỦA THỢ
Thợ có lương tâm cần đối đãi chủ với năm bổn phận: Một là siêng năng, dậy sớm làm việc. Hai là chu đáo trong việc được giao. Ba là chân thật, không hề trộm cắp. Bốn là làm việc lớp lang, phương pháp. Năm là bảo vệ danh giá của chủ. O
XI. BỔN PHẬN ĐỆ TỬ
Đệ tử mẫu mực tôn kính Tăng bảo với năm bổn phận, nhờ đó an ổn, không còn lo sợ: Một là làm lành với hành động thân. Hai là làm lành với hành động lời. Ba là làm lành với hành động ý. Bốn là phát tâm cúng dường, ủng hộ. Năm là nghênh tiếp, học hỏi, hành trì. O
XII. BỔN PHẬN ĐẠO SƯ
Các bậc đạo sư giúp đỡ đệ tử với sáu bổn phận: Một là khuyên ngăn, không để làm ác. Hai là hướng dẫn nghệ thuật làm lành. Ba là dạy dỗ vì thiện chí lớn. Bốn là mở mang những điều chưa biết. Năm là giúp hiểu pháp sâu sắc hơn. Sáu là chỉ dạy con đường sinh thiên. O
Bấy giờ Thế Tôn ân cần khuyên dạy những điều tinh yếu qua bài kệ sau:
Cha mẹ là phương Đông,
Sư trưởng là phương Nam,
Vợ chồng là phương Tây,
Thân tộc là phương Bắc,
Tôi tớ là phương dưới,
Sa-môn là phương trên.
Người Phật tử mẫu mực
Kính lễ các phương ấy,
Luôn sống trong kính thuận,
Khi chết được sanh thiên. O
Nói hòa nhã, thương yêu
Trí tuệ soi cùng khắp
Giúp đời được an vui
Người người đạt mục đích.
Bình đẳng về lợi lộc
Hưởng chung và chia sẻ
Những việc ấy như xe
Chở đồ về đến đích.
Đời thiếu các thiện trên
Sẽ không có an vui
Người trí luôn lựa chọn
Sống với điều thiện ích
Kết quả trổ đời này
Danh thơm, phước cùng trổ O
Không bỏ người thân cũ;
Chỉ dạy việc lợi lạc
Sống kính trên nhường dưới
Danh dự ngày càng tăng.
Học tập nghề đúng mức
Lợi lạc theo tài năng
Giữ gìn của đã tạo
Không xa xỉ, hoang tàn O
Như ong hút nhụy hoa.
Tích tụ từng giờ khắc
Không hao tổn cánh hoa
Nên sống trong biết đủ
Siêng năng trong công việc
Để dành, phòng thiếu hụt
Siêng nông nghiệp, buôn bán
Cày cấy và chăn nuôi
Xây dựng chùa tháp Phật
Góp phần làm tăng xá …
Những việc thiện nêu trên
Siêng năng, không gián đoạn
Tài sản ngày càng tăng
Phước lộc ngày càng lớn
Như trăm sông về biển. O
Phật vừa dứt lời, cư sĩ Thiện Sinh cung kính bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, những điều ngài dạy vượt quá mong ước của con bấy nay. Giáo pháp của Ngài như lật ngửa lên những gì bị úp; như mở toang ra những gì đóng kín; như trong đêm tối gặp được ánh sáng. Bằng nhiều phương tiện, Thế Tôn khai sáng cho chúng con ngộ, thoát khỏi u mê, sống trong hạnh phúc. Cúi xin Thế Tôn từ bi lân mẫn, tiếp nhận con đây được làm đệ tử, trọn đời quy ngưỡng ba ngôi tâm linh Phật, Pháp, chư Tăng; giữ năm đạo đức: không được giết hại, tôn trọng hòa bình; không được trộm cắp, chia sẻ giúp người; không sống ngoại tình, chung thủy đơn hôn; không lời dối trá, tôn trọng sự thật; không rượu, độc tố; bảo vệ sức khỏe”. Được Phật tiếp nhận, cư sĩ Thiện Sinh vô cùng hoan hỷ vâng lời Phật dạy. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***