26. KINH HIỀN NHÂN
***
TRỌNG ĐẠO KHINH TÀI
Tôi nghe như vầy. Có một thuở nọ, đức Phật ở tại nước Xá-vệ với gần một ngàn ba trăm vị Tỳ-kheo. Cư sĩ Tu-đạt phụng sự Phật pháp, giữ năm đạo đức: không được sát hại, không được trộm cắp, không sống tà dâm, không hề nói dối, không rượu, ma túy. Là người hiểu đạo, ông thích bố thí, cứu giúp kẻ bần vượt qua khổ đau. Người ta tặng ông hiệu Cấp Cô Độc, nghĩa là cứu giúp những kẻ cô đơn, khốn cùng, bất hạnh. O
Từ khi gặp Phật, cư sĩ Tu-đạt muốn xây tu viện cúng Phật và Tăng. Tìm khắp Xá-vệ, ông chỉ ưng ý khu vườn đẹp của Thái tử Kỳ-đà, hơn 80 khoảnh, cách thành không xa, cảnh trí đặc sắc. Vườn nhiều cây xanh, hoa trái xum xuê, ao tắm tiện lợi, giếng nước sạch sẽ, không có kiến bọ, muỗi ruồi độc hại. Cư sĩ Tu-đạt đến gặp Kỳ-đà, thuyết phục mua lại. Thái tử cười đáp:
- Thưa ông Trưởng giả, nếu ông lót vàng phủ kín vườn tôi, tôi sẽ bán ông với giá vàng đó.
Cư sĩ Tu-đạt vui mừng đồng ý, liền sai gia nhân, đem xe chở vàng, cùng nhau lót vàng, trong vòng vài giờ, hơn phân nửa đất. Động lòng thán phục, thái tử Kỳ-đà lặng nhìn ngẫm nghĩ: “Chắc Phật Thích-ca đạo đức siêu tuyệt, triết lý thâm sâu, nhân cách vĩ đạo, trí tuệ tuyệt vời, mới khiến ông này trọng đạo khinh tài, đời chưa từng có”.
Vô cùng cảm động, Thái tử chia sẻ: “Thôi thôi, đủ rồi! Đừng lót vàng nữa. Tôi xin đề nghị, chia phần công đức, vườn đất ông cúng, lập Tu viện lớn; cây trái tôi dâng cúng Phật và Tăng”. Vô cùng mừng rỡ, Tu-đạt đồng lòng. Hai người từ đó thành bạn tâm giao, cùng xây tu viện Kỳ Viên trang nghiêm, hiến cúng cho Phật. Đức Phật tiếp nhận, lập đạo tràng lớn, đào tạo Tăng đoàn cả hàng ngàn người, giáo hóa chúng sanh không hề mệt mỏi. Từ đó tu viện có tên gọi là Tinh xá Kỳ Viên, gọi đủ: “Kỳ thọ, Cấp Cô Độc viên”. O
KHI PHẬT BỊ VU CÁO
Vào lúc bấy giờ, đức vua trị vì là Tỳ-tiên-nặc, sùng kính Phật pháp, thương dân trị nước theo lời Phật dạy, nhờ công đức này, mùa màng bội thu, nhân dân lạc nghiệp, đạo Phật phát triển sâu trong quần chúng. Việc đó làm cho ngoại đạo, tà giáo ganh ghét đức Phật. Họ vu khống Phật bằng cách giết chết nàng Tôn-đà-ly, lén chôn xác trong Tinh xá Kỳ Viên, rồi phao tin rằng Tăng đoàn của Phật giết người vô tội, hòng phá Phật pháp.
Khi biết âm mưu của ngoại đạo xấu, vua với quần thần đến chùa lễ Phật. Ông Cấp Cô Độc và nhiều quan, dân đến viếng đức Phật, cung kính đảnh lễ, ngồi xuống một bên. Nhà vua đứng dậy, chắp tay thưa Phật: O
- Bạch đức Thế Tôn, khi nghe lời khống, chúng con ngạc nhiên. Thế Tôn là bậc hoàn toàn, thanh tịnh. Song vì duyên gì có sự vu khống?
Đức Phật ôn tồn, thưa với nhà Vua:
- Kính thưa Đại vương! Người có vu khống là do lòng tham, ganh ghét, tật đố, cộng với si mê. Không chỉ kiếp này, Thế Tôn mới bị người đời vu khống. Trong một kiếp trước cũng đã từng có sự việc tương tự. Đừng quá bận tâm, những điều vu khống đến lúc trổ quả, sẽ xử kẻ ác. O
TẤM GƯƠNG HIỀN NHÂN
Nhà Vua cúi đầu: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn nghe việc của kiếp đó”.
Nhân lời thỉnh cầu, Đức Phật giảng dạy: “Kính thưa Đại vương! Ta từng trải qua nhiều kiếp tu hành, tu đạo Bồ-tát, đem lòng từ bi độ thoát nhiều người.
- Vào thời xa xưa, có đất nước tên là Bồ-lân-nại, nhân dân đông đúc, sinh hoạt phồn thịnh trong cảnh thái bình. Có một Phạm-chí tên là Cù-đàm, tài trí thông minh, đức hạnh hơn người. Ông có ba con, con út vượt trội, thân hình tuấn tú, tài đức vẹn toàn, tên là Hiền Nhân.
Thuở nhỏ, Hiền Nhân siêng năng học hành, vâng lời cha mẹ. Đến khi khôn lớn, tài, nghệ hơn người, làu thông kinh sử, đức độ cao sáng, tánh tình nhân từ, hiểu rõ nhân quả, những điều họa phúc, rất giỏi đông y, cái gì cũng biết.
Khi mãn tuổi thọ, Cù-đàm qua đời. Hai người anh em của Hiền Nhân đó trở nên tham lam, ích kỷ, ganh tỵ. Hiền Nhân xin mẹ xuất gia, học đạo, tầm cầu tâm linh. Hiền Nhân chẳng màng năm lạc giác quan. Mắt không nhiễm sắc. Tai không mê tiếng. Mũi không đắm mùi. Lưỡi không đắm vị. Thân không ưa thích cảm giác êm dịu, lụa là, gấm vóc. O
Hiền Nhân có đủ trí huệ phương tiện, khéo độ mọi người, làm mười điều lành, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính sư trưởng, truyền bá đạo đức, xóa trừ nghi hoặc. Hiền Nhân dạy họ: Có sanh ắt tử, làm lành gặp lành, làm dữ đau khổ, tu đạo đắc đạo, quy luật nhân quả vô cùng chính xác. Thấy người nguy ách, ngài độ thoát khỏi. Ban tặng thuốc hay cứu người bệnh tật. Hiến tặng tài vật cho người đói khổ. Ở chỗ thiên tai, giúp người bình an, tái dựng cơ nghiệp. Tình trạng lũ lụt, cháy nhà, nắng hạn, nguy hiểm, khi có Hiền Nhân mọi người yên tâm, bao nhiêu độc hại đều bị tiêu diệt.
Đồng thời lúc ấy, có một nước lớn, nhân dân giàu có, đời sống phát triển. Vua của nước ấy tên là Lâm Đạt, thường giao triều chính cho bốn cận thần. Bốn quan cận thần chuyên làm tà siểm, hưởng thụ, gian dối, bóc lột dân chúng. Dân chúng bị hại, khổ đau, ta thán, vua không hề biết. Hiền Nhân biết việc, lấy làm thương xót, ra ngoài thành ở, trọ tại nhà của đạo nhân Sa-đà trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ tám, Hiền Nhân vào thành tuần tự khất thực. O
TRỌNG BẬC HIỀN TÀI
Từ trong vương thành, Vua thấy Hiền Nhân trẻ trung, phong cách ung dung, đoan chánh, cốt cách phi thường, sanh lòng quý mến. Vua liền bước xuống, đến thưa thỉnh rằng:
- Xin ngài đạo nhân lưu trú thành này. Tôi có tu viện ngay ngoài thành này, đạo nhân hoan hỷ ở lại nơi này, tôi xin cúng dường các nhu yếu phẩm, để ngài tu tập, làm đạo giúp đời.
Hiền Nhân nhận lời. Nhà vua từ giã, trở về hoàng cung, bảo phu nhân rằng: “Hiền Nhân trẫm gặp và mời về ở cốt cách phi thường. Vào sáng ngày mai, trẫm và ái khanh sẽ gặp được ngài.”
Phu nhân mừng vui như chưa từng có. Con chó của vua nằm dưới gầm giường ngoắc đuôi mừng rỡ. Sáng ngày hôm sau, Hiền Nhân vào cung, vua và phu nhân nghênh tiếp đảnh lễ, cúng dường trai tăng. Ăn cơm vừa xong, vua mời Hiền Nhân trở về Tinh xá. Hiền Nhân chia sẻ trị nước, an dân. Nhà vua thỉnh Ngài chung sức, chung lòng, cùng bốn đại thần phát triển đất nước. Hiền Nhân hoan hỷ, nhận lời với vua.
NỊNH THẦN PHẢI THUA TÀI ĐỨC
Bốn quan cận thần ỷ thế vào vua, chỉ quen hưởng thụ, tham ô, bóc lột, không có tấm lòng cho việc quốc gia được vua giao phó. Họ theo tà kiến, chủ trương sai lầm. Quan thứ nhất nói: “Sau khi người chết, tâm thức chết theo, không tái sinh nữa”. Còn quan thứ hai lại chủ trương rằng: “Giàu, nghèo, vui, khổ, mọi thứ trên đời đều do trời định”. Theo quan thứ ba: “Làm lành không phúc, làm xấu không họa, mọi thứ như nhau, đều là ngẫu nhiên”. Quan thứ tư thì dựa vào địa lý, thiên văn, bói toán, không lo triều chính. Ông nào cũng tham, thích lời siểm nịnh.
Từ khi Hiền Nhân vào triều giúp vua, làm nhiều việc nước, lợi ích bá tánh. Hiền Nhân thông minh, tài cao, đức lớn, nhân hậu, trung nghĩa, khiêm tốn, hài hòa. Mỗi khi nói chuyện luôn nở nụ cười. Khi tiếp đãi người, không làm phật ý. O
Cuộc đời Hiền Nhân thật là trong sạch, ít muốn, biết đủ, không màng danh lợi, không đắm nhiễm đời, chân thật, giản dị. Phép trị nước thì không làm phiền dân. Nhờ tầm nhìn xa, ngài biết tương lai, những việc tiềm ẩn, cứu người khỏi nạn, thương dân như con. Ngài lấy đạo đức dạy dân sống tốt. Ngài khuyên mọi người từ bỏ rượu, thịt, không nên săn bắn, bắt cá, giết chim; không nên sát sinh, trộm cắp, dâm ô, dối trá, văng tục, gièm siểm, đánh lộn, gian nịnh, ganh ghét, gây sự, giận dữ, yêu nghiệt, nghi ngờ. Nhờ có Hiền Nhân, nhân dân trong nước trở nên hiền lương, đất nước thanh bình, xã hội phát triển. O
HẠI NHAU BẰNG VU KHỐNG
Từ khi Hiền Nhân phò vua giúp nước, các việc triều chính đều rất yên ổn, đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân hạnh phúc; các quan trên dưới không dám lộng hành, phạm luật, hại dân như trước đây nữa.
Cũng vì việc này, bốn quan cận thần mất dần chỗ đứng, đem lòng đố kỵ, mưu hại Hiền Nhân. Họ hùn vàng bạc mua lòng hoàng hậu, bày cho hoàng hậu đặt điều vu khống, tâu với vua rằng Hiền Nhân có ý tư thông với bà, âm mưu hại vua để soán ngôi vua. Tin lời hoàng hậu, không chịu kiểm chứng, cộng với sợ hãi, vua và hoàng hậu lập kế xua đuổi Hiền Nhân khỏi triều, bằng thái độ sống khinh miệt ra mặt.
Sáng ngày hôm sau, Hiền Nhân vào cung, con chó của vua gầm gừ sủa lớn. Hoàng hậu giả vờ, chỉ chào qua loa. Mọi cách bày biện khác hơn mọi ngày. Cách thức ứng xử không còn như trước. Hiểu ra vấn đề, Hiền Nhân suy nghĩ: “Ta không hại ai, người muốn hại ta. Chi bằng lánh mặt, vào núi tu hành. Để người oán mình, tất sinh thù lớn, không nên khinh thường.” O
THỊNH SUY LÀ QUY LUẬT
Nghĩ xong, Hiền Nhân nói lời cảm hứng:
- Quy luật ở đời có thịnh có suy, có hợp có lìa, vô thường đổi thay, lành dữ, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn không tốt thì không nên thân. Thân không chừng mực, sẽ sanh khinh lờn. Như múc nước giếng, múc sâu vướng cặn. Gần các người hiền tăng trưởng trí huệ; sống với kẻ dốt càng thêm vô minh. Gặp nhau thường xuyên thì sinh khinh lờn, xa nhau quá lâu trở nên thờ ơ. Giao tiếp với người cần có chừng mực, trước sau cung kính, tình thân có hậu. Với kẻ bất lương, lối sống không thực, lời ngon tiếng ngọt là để lợi dụng, dù có kết hợp, cũng không nên tin. Vua lấy lễ nghĩa tiếp đãi trọng hậu, tôi kính đáp lại với lòng chân thành, phụng sự hết mực. Nay vua không cần, khinh dễ, miệt thị thì nên lánh xa. Thói đời thông thường, thương thì nhờ cậy, ghét chẳng muốn gần, không trách làm gì. Lấy sự tương kính để làm thân nhau. Dùng lời khuyên tốt giúp người xa ác. Ai không phân biệt cái nào là ác, cái nào là thiện, vốn chẳng phải là đạo để an thân. Người không có lỗi thì không bày chuyện vu oan cho họ. Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Tình thân đã lìa thì đừng tiếc nuối, mạnh dạn quên đi. O
KHÔNG TIẾC CÁI ĐÃ MẤT
Hiền Nhân suy nghĩ: “Con chim lỡ đậu nhánh bị gãy đi, còn biết đi tìm nhánh vững để đậu. Làm người qua lại phải có tương quan, hà tất phải chấp, giận nhau làm gì. Người khôn không bám cành cây đã mục. Người bị loạn ý, chẳng nên gần họ. Người muốn gieo xấu, thấy nhau không vui. Ta xướng một mình, người không phụ họa, đó là tình bạc. Muốn đem việc lành giúp đỡ cho nhau, dù chậm vẫn đi. Ai nhắc nhở nhau bằng lời trung nghĩa là người có hậu.
Cũng có hạng người không gần người hiền, chẳng lánh kẻ ác, trước kính sau khinh, không phân biệt được kẻ ngu người trí. Trong hoàn cảnh đó, nếu ta không đi, đợi đến bao giờ! Lúc đầu, hoàng hậu cung kính đảnh lễ, nay chỉ vòng tay, nếu ta không đi, đợi bị mắng đuổi rồi mới đi sao? Ban đầu giường vàng, nay còn giường tre, lúc trước tiếp nhau đũa ngà chén ngọc, nay còn sành tre, ban đầu cơm ngon, nay cơm hẩm tấm. Không quyết tâm đi, đợi đến cơm đổ, mới đi hay sao? Bạn trí gặp nhau như chủ đãi khách, đêm đầu quý trọng bạn hiền như vàng, đêm nhì làm lơ, xem bạn như bạc, đêm ba nhạt nhẽo, lạnh ngắt như đồng. Chứng cớ rõ ràng, nếu ta không đi, đợi đến bao giờ? O
BỐN ĐIỀU TỰ HOẠI
Sau khi nghe biết những lời tự sự của ngài Hiền Nhân, vua thấy hổ thẹn, cảm động thưa rằng:
- Nước trẫm thái bình, nhân dân thịnh vượng là nhờ có Ngài. Nếu Ngài bỏ đi, nước nhà nguy khốn, thật là bất hạnh.
Hiền Nhân từ tốn đáp lại lời vua:
- Kính thưa Đại vương, ở trong thiên hạ có bốn tự hoại: Một là cây nào có hoa trái nặng dễ bị gãy nhánh. Hai là loại rắn tự ngậm nọc độc, nọc độc hại nó. Ba là làm tôi mà không hiền đức sẽ hại nước nhà. Bốn là người ác, vi phạm luật pháp, làm việc bất thiện... chết sa địa ngục. Trong kinh Phật dạy: “Các sự độc ác do tâm sinh ra, trở lại hại tâm, cũng như cây sắt sinh ra chất sét, chất sét trở lại làm hủy hoại sắt”. O
BỐN LOẠI BẠN
Hiền Nhân dạy tiếp. Bạn có bốn thứ. Một, bạn như hoa. Hai bạn như cân. Ba bạn như núi. Bốn bạn như đất.
Thế nào gọi là kết bạn như hoa? Khi hoa tươi tốt thì giắt trên đầu, đến lúc khô héo thì liền bỏ đi. Bạn này cũng thế, hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, đến khi nghèo nàn thì lại làm lơ như chưa từng biết.
Thế nào gọi là kết bạn như cân? Trên một cán cân, để vật nặng thì đầu cân gục xuống, để vật nhẹ thì đầu cân vổng lên. Có qua lại thì cung kính nhau, không có qua lại thì khinh thường nhau.
Thế nào gọi là kết bạn như núi? Ở hòn núi vàng, chim thú tụ về, lông cánh của chúng cũng nhờ vào đó chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế, khi sang cùng sang, khi vui đồng vui.
Thế nào gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều nương dựa vào đất mà được sinh trưởng. Làm bạn chân thành là để nuôi dưỡng, ủng hộ, giúp đỡ, không hề quên nhau. O
BỐN HẠNG NGƯỜI KHÔNG NÊN TIN
Nhà vua thưa rằng: “Nay trẫm nhận ra, do trí hạn hẹp, tin lời gièm siểm, khiến Ngài ra đi... Mong ngài quay lại”.
Hiền Nhân đáp rằng: “Người có trí tuệ không tin bốn điều: Một, bạn tà ngụy. Hai, bề tôi nịnh siểm. Ba, vợ yêu nghiệt. Bốn, con bất hiếu”.
Vì thế, kinh dạy: “Bạn tà hại người; tôi nịnh hại triều; người vợ yêu nghiệt phá nhà, hại chồng; và con bất hiếu hại cả cha mẹ”. O
MƯỜI CỬ CHỈ SỐNG CÓ HẬU
Về các cử chỉ của người có hậu, Hiền Nhân dạy rằng:
- Có mười cử chỉ được cho là có yêu quý, hậu trọng: Một là xa nhau lâu nhưng không quên. Hai là thấy nhau thì lòng vui mừng. Ba là nhớ nhau, chia sẻ món ngon. Bốn là lỡ lời thì đừng chấp trách. Năm là nghe biết việc lành thì vui. Sáu là can gián người làm việc xấu. Bảy là làm được những việc khó làm. Tám là không đem chuyện riêng nói người. Chín là khi gặp bối rối, khó khăn thì gắng giúp đỡ. Mười là nghèo khổ thì không bỏ nhau.
Nên trong kinh dạy: “Bỏ dữ làm lành, tu tập chánh Pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ lẫn nhau, lối sống nghĩa hiệp, trọng đạo, mến đức”. O
TÁM ĐIỀU KHÔNG ƯA NHAU
Có tám việc biết là không ưa nhau: Một là thấy nhau sắc mặt thay đổi. Hai là liếc ngó, không chịu thẳng thắn. Ba là lời nói không có ôn hòa. Bốn là việc phải thì cho là quấy. Năm là việc xấu thì lòng vui thích. Sáu là việc tốt thì tâm không vui. Bảy là chê bai việc tốt của người. Tám là tán thành những điều phạm pháp.
Nên kinh dạy rằng: “Lỡ đánh chết người, tội còn dung thứ; người dùng tâm độc âm mưu hại người, thì không nên gần”. O
MƯỜI DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI TRÍ
- Kính thưa Đại vương, có mười sự việc chứng tỏ người trí: Một là nhận biết kẻ hiền, người ngu. Hai là biết rõ kẻ sang, người hèn. Ba là biết rõ kẻ giàu, người nghèo. Bốn là biết rõ việc khó, việc dễ. Năm là biết rõ việc nào đáng bỏ, việc nào nên làm. Sáu là trách nhiệm với việc được giao. Bảy là hiểu rõ phong tục, tập quán ở nơi mình đến. Tám là biết rõ cội nguồn trở về. Chín là kiến thức học rộng, hiểu nhiều. Mười là biết được kiếp sống quá khứ.
Nên Kinh dạy rằng: “Khi gặp tai nạn mới biết được lòng bạn. Có đánh lộn nhau mới biết mạnh yếu. Có luận nghị nhau mới biết trí ngu. Những lúc cơm thua, gạo kém mới biết người có lòng nhân”. O
TÁM ĐIỀU AN ỔN
- Kính thưa Đại vương, có tám điều kiện để được an ổn: Một là thừa kế gia tài cha mẹ. Hai là có nghề, có thể tự lập. Ba là học thức, nhìn xa, trông rộng. Bốn là giao du với bạn hiền tài. Năm là kết hôn với người chung thủy. Sáu là có được các con hiếu thảo. Bảy là tôi tớ chân thật, hòa thuận. Tám là lìa xa các việc xấu ác. O
TÁM ĐIỀU ƯA THÍCH
- Kính thưa Đại vương, có tám điều thích. Một là được làm việc với người hiền. Hai là được học với bậc thánh nhân. Ba là tánh tình từ hòa, nhân hậu. Bốn là sự nghiệp ngày càng hưng thịnh. Năm là vượt qua thói quen giận dữ. Sáu là biết cách phòng ngừa tai nạn. Bảy là biết nương Phật, Pháp và Tăng. Tám là bạn bè không dối gạt nhau. O
MƯỜI TRƯỜNG HỢP KHÓ KHUYÊN
- Kính thưa Đại vương, có mười trường hợp khó thể khuyên can: Một là tham lam che mất lương tâm. Hai là tham đắm sắc đẹp, ngoại hình. Ba là tham danh, chạy theo địa vị. Bốn là ngang tàng, ứng xử bạo ngược. Năm là nhút nhát, không dám cả quyết. Sáu là khờ khạo, lừ đừ, chậm chạp. Bảy là kiêu ngạo, buông lung vô độ. Tám là đấu tranh, không tương nhượng ai. Chín là chấp chặt tập tục mê tín. Mười là tiểu nhân, hãm hại người tốt.
Nên Kinh dạy rằng: “Trình bày chánh pháp cho người ngu nghe như nói kẻ điếc. Người không lắng nghe thì khó khuyên can”. O
MƯỜI TÌNH HUỐNG KHÔNG NÊN NÓI
- Kính thưa Đại vương, có mười hạng người mà mình không nên chia sẻ, giải bày: Một, kẻ ngạo mạn. Hai, kẻ ngu độn. Ba, kẻ lo sợ. Bốn, kẻ ham vui. Năm, kẻ e lệ. Sáu, kẻ câm ngọng. Bảy, kẻ cừu hận. Tám, kẻ đói lạnh. Chín, kẻ bận việc. Mười là những người đang tu thiền định. O
Trong kinh có câu: “Những gì làm được thì hãy nên nói. Điều làm không được thì đừng nói suông. Một lời hư ngụy, không thành tín thì các bậc minh triết không thèm đoái hoài”. O
MƯỜI DẤU HIỆU KHÔNG ĐOAN CHÍNH
- Kính thưa Đại vương, có mười dấu hiệu cho chúng ta thấy người không đoan chính: Một là đầu tóc rối bời một bên. Hai là sắc mặt thường hay thay đổi. Ba là lớn tiếng, nói cười huyên thuyên. Bốn là liếc ngó, đang khi giao tiếp. Năm là trang sức lộng lẫy, quá mức. Sáu là nhìn trộm qua kẽ vách, nhà. Bảy là đứng ngồi không một chút yên. Tám là dạo chơi đầu đường, ngõ phố. Chín là thích dạo ở nơi vắng vẻ. Mười là giao thiệp với hạng bán thân. O
NĂM ĐIỀU ĐÁNG GHÉT VÀ ĐÁNG KÍNH
- Kính thưa Đại vương, có năm đáng ghét: Một là ác khẩu, phun máu hại người. Hai là gièm pha, thúc giục sự đấu tranh. Ba là rầy rà, không sống hài hòa. Bốn là ganh ghét, trù rủa, chỉ trích. Năm là nói lời hai lưỡi, hại người. O
- Kính thưa Đại vương, có năm tính tốt thì được cung kính: Một là nhu hòa, nhẫn nhục tích cực. Hai là cung kính, tín tâm, chính trực. Ba là mau mắn, ít nói, làm nhiều. Bốn là lời nói đi đôi hành động. Năm là với bạn càng lâu càng hậu.
Trong kinh dạy rằng: “Nếu biết thương mình phải biết giữ mình. Các bậc hiền tài có chí hướng thượng, sở học thấu đáo, nên không lầm lạc”. O
HẠNG NGƯỜI KHÔNG NÊN THÂN
- Kính thưa Đại vương, có mười loại người không mời về nhà: Một là thầy tà. Hai là bạn xấu. Ba là những kẻ khinh thường thánh nhân. Bốn là những kẻ ăn nói tráo trở. Năm là kẻ dâm. Sáu là những kẻ nghiện rượu, ma túy. Bảy là những kẻ có tánh xấu ác. Tám là những người không biết ân nghĩa. Chín là người nữ mất nết, hư dối. Mười là kẻ hầu ưa thích trang sức. O
TÁM ĐIỀU AN VUI
- Kính thưa Đại vương, có tám điều kiện để được an vui: Một là kính thờ các bậc sư trưởng. Hai là hướng dẫn hiếu thuận cho dân. Ba là khiêm cung, kính trên, nhường dưới. Bốn là tánh cách nhân hậu, ôn hòa. Năm là cứu người trong cơn nguy khốn. Sáu là quên mình vì các việc nghĩa. Bảy là tiết kiệm, sống có chừng mực. Tám là biết bỏ các hận thù xưa.
Trong kinh có câu: “Người tu công đức, nghĩ trước làm sau, giúp người bần khổ, không chút từ nan thì trọn đời này sống trong an vui.” O
MƯỜI HAI ĐIỀU KHÔNG NÊN QUÊN
- Kính thưa Đại vương, bậc trí thường nhớ mười hai điều sau: Một là sáng sớm nghĩ tới tội lỗi, nên siêng làm phước. Hai là hiếu kính, đền ơn cha mẹ. Ba là việc gì cũng trù bị trước. Bốn là lánh xa các điều nguy hại. Năm là trước khi làm gì, suy nghĩ thật kỹ. Sáu là khuyên ngăn những kẻ lầm lạc. Bảy là giúp đỡ những kẻ bần cùng. Tám là bố thí, giúp người bất hạnh. Chín là ăn uống luôn có chừng mực. Mười là phân xử có tính công bình. Mười một ban rải ân đức cho đời. Mười hai làm quan biết huấn luyện lính.
Trong kinh dạy rằng: “Phàm làm việc gì phải lo liệu trước. Người biết chu toàn, sự nghiệp phát triển, không bị thất bại”. O
MƯỜI HẠNH TỐT CỦA BẬC HIỀN
- Kính thưa Đại vương, người hiền thật sự có mười hạnh tốt: Một là kiến thức học rộng, hiểu nhiều. Hai là không phạm pháp luật, đạo đức. Ba là kính thờ Phật, Pháp và Tăng. Bốn là học pháp, nhớ nghĩ, thực hành. Năm là khắc phục được tham sân si. Sáu là tu tập bốn tâm bình đẳng. Bảy là ưa làm các việc ân đức. Tám là không hại tất cả chúng sinh. Chín là hóa độ được người bất nghĩa. Mười là không lẫn các việc lành ác. O
MƯỜI LĂM TỘI ÁC
- Kính thưa Đại vương, những kẻ tội ác thường hay biểu hiện mười lăm tội nặng: Một là sát sanh. Hai là trộm cắp. Ba là dâm ô. Bốn là dối trá. Năm là nịnh hót. Sáu là chuốt ngót. Bảy là gièm pha. Tám là khinh thường các bậc hiền sĩ. Chín là ô trược. Mười là buông lung. Mười một say sưa. Mười hai ganh ghét. Mười ba thường hay hủy báng đạo đức. Mười bốn là người phá hại thánh nhân. Mười lăm là không biết sợ tội lỗi. O
MƯỜI ĐIỀU HỔ THẸN
- Kính thưa Đại vương, có mười hổ thẹn: Một là làm vua không hiểu chánh trị. Hai là tôi thần không lo việc nước. Ba là mang ân mà không báo đáp. Bốn là có tội không chịu sám hối. Năm là đa thê, hay là đa phu. Sáu là chưa cưới mà đã có thai. Bảy là tập hợp mà không thành tựu. Tám là có binh mà không thể đấu. Chín là bỏn sẻn không chịu bố thí. Mười là tôi tớ mà không sai được. O
MƯỜI HAI ĐIỀU KHÓ
- Kính thưa Đại vương, mười hai điều sau được gọi là khó: Một là làm việc với những người ngu. Hai là yếu đuối, đầu hàng, bỏ cuộc. Ba là thù nhau mà thường gặp mặt. Bốn là học ít mà thích tranh luận. Năm là nghèo hèn mà trả được nợ. Sáu là ra trận không có tướng sĩ. Bảy là trung thành với một chính thể. Tám là học đạo mà mất tín tâm. Chín là làm ác mà muốn hạnh phúc. Mười là sinh ra được gặp Phật tổ. Mười một được nghe chánh pháp của Phật. Mười hai hiểu rõ, thực tập chánh pháp. O
BỐN MƯƠI BỐN DẤU HIỆU CỦA BẬC TRÍ
- Kính thưa Đại vương, người có trí huệ biết rõ tường tận bốn mươi lăm việc: Một là biết cách sửa sang nhà cửa. Hai là tạo dựng không khí hòa hợp. Ba là giao thân với người xung quanh. Bốn là tin tưởng vào bạn bè tốt. Năm là theo học với bậc minh sư. Sáu là quyết tâm thành tựu mọi việc. Bảy là tài trí cao viễn hơn người. Tám là tâm ý, thực hành hướng thượng. Chín là giàu sang thì làm việc đức. Mười là thận trọng sửa sang, tạo tác.
Mười một, có của phải mở sự nghiệp. Mười hai, không giao thừa kế cho con tất cả sở hữu. Mười ba, thường hay kết bạn người hiền. Mười bốn, không tin người mới quen biết. Mười lăm, đừng để tiền ở quan huyện. Mười sáu, mua bán thật thà, uy tín. Mười bảy, dời chỗ phải nghiên cứu kỹ. Mười tám, đến đâu biết rõ giàu nghèo, cũng như quý tiện. Mười chín giao thiệp chỉ với người lành. Hai mươi, nương tựa vào thế lực đúng.
Hai mốt, không tranh với kẻ cường bạo. Hai hai, tin tưởng phục hồi cơ nghiệp. Hai ba, bần khổ không mong to tát. Hai bốn, có của không keo với người. Hai lăm, bí mật đừng nói vợ nghe. Hai sáu, làm vua trọng người hiền đức. Hai bảy, ăn ở phải thật có hậu với người trung chính. Hai tám, thanh liêm, trị nước, yên dân. Hai chín, năng nổ, gắng lo lập công. Ba mươi, hiếu thuận là đạo làm người.
Ba mốt, quý trọng đối xử ôn hòa, được mọi người mến. Ba hai, phải dạy học trò trung nghĩa. Ba ba, làm thuốc phải thật rành nghề, không khinh mạng sống. Ba bốn, đau ốm phải nghe thầy thuốc. Ba lăm, ăn uống phải có độ lượng. Ba sáu, của ngon chia sẻ cho nhau, không chút luyến tiếc. Ba bảy, tài sản cho mượn, ban tặng, hãy tự tay làm. Ba tám, không nên vu oan cho kẻ vô tội. Ba chín, hòa giải, giúp người hòa hợp. Bốn mươi, kiên trì xa lánh việc ác. Bốn mốt, với người, không phân giàu nghèo. Bốn hai, ứng xử, hòa thuận làm quý. Bốn ba, tự nguyện giữ các đạo đức. Bốn bốn, thanh tâm cao quý hơn hết. O
BẢN CHẤT CỦA NIẾT-BÀN
Kính thưa Đại vương, trong cõi đời này, chỉ có Niết-bàn là cao quý nhất. Vì Niết-bàn là không có sinh, già, bệnh, chết, đói lạnh, không họa nước lửa, không có oan gia, không trộm, không dục, không còn buồn khổ, không có hoạn nạn, an lạc tuyệt đối, tự tại, giải thoát.
Bản chất niết-bàn, hoàn toàn an vui, thanh tịnh vô biên, không bị vô thường, không tính điều kiện, không bị mất đi. Phải chứng niết-bàn trên cuộc đời này, ngay khi còn sống. Phải dựng niết-bàn trên cuộc sống này, cho bản thân mình và các chúng sinh. Bệ hạ tự lo, tự tu, tự tỉnh; không làm thay được. Bệ hạ tự thương, bệ hạ tự cứu. O
ỨNG XỬ CỦA BẬC TRÍ
- Kính thưa Đại vương, chỗ đất bị lở bởi nước xoáy mạnh, dù trăm năm sau, cũng không nên dựng cái gì trên ấy, vì không bền vững, mà chỉ vô ích. Vì dòng nước xoáy cuốn trôi tất cả. Người có ác tâm như một cá tính, mà sống giả nghĩa, kêu mình làm lành, thì không tin vội. Tâm ác chưa diệt, kẻ sống giả nghĩa sẽ làm ác tiếp, ta nên cẩn trọng. Phàm làm việc gì phải đi từng bước, như người đào giếng, đào sâu có nước; không thể vội vã sẽ hư việc lớn. Các bậc tài trí thấy sự bất bình giữa đời loạn lạc nên ra tay giúp, cũng như người bơi vượt dòng nước mạnh. O
- Về cách vấn đáp, người trí khác thường. Lời nói của họ luôn hướng việc lành. Bậc thầy trí tuệ luôn là chính đáng. Bậc trí mềm mỏng, nhân từ, cẩn trọng, ôn hòa, nhã nhặn, ăn nói hoạt bát, khởi xướng việc lành. Nghe lời, thấy việc của các bậc trí, tâm, miệng giống nhau. Xem cách cư xử, thái độ giao tiếp, cách thức đi, đứng của các bậc trí là không giả dối. O
TRÍ TUỆ CỦA BẬC TRÍ
- Kính thưa Đại vương, đối với bậc trí, thể hiện trọng kính, chớ đừng khinh thường, nghe lời phải đạo cố gắng làm theo. Người trí hiểu đúng, thể theo chánh đạo, tâm không tham cầu, thấu việc quá khứ, hiện tại, tương lai. Tầm mắt bậc trí nhìn xa, thấy rộng, thấy rõ muôn vật trong không-thời gian chỉ là biến hiện, muôn pháp về một, vắng lặng xưa nay. O
Kẻ trí thấy rõ đời là vô thường, thay đổi không dừng. Trẻ rồi già nua; mạnh rồi bệnh tật; sống rồi sẽ chết; giàu như mây nổi, tất cả vô thường. Đang thời an ổn, nghĩ đến nguy khó. Lúc được hưng thịnh, nghĩ đến vô thường. Kính mến người lành, lánh xa người ác. Khi giận hờn ai nên sớm bỏ qua, không nên gây ác, làm não hại người. Thể hiện nhu hòa nhưng khó xâm phạm, bề ngoài yếu đuối mà khó thắng được. O
Người trí luôn theo pháp của thánh hiền, làm việc nhân từ, giáo hóa kẻ ngu, giúp cho sáng suốt. Người biết trị nước nên ban ân huệ cho người làm lành. Các bậc tu hành dẫn dắt quần chúng trở về chánh đạo. Đất nước lâm nguy, mọi người góp sức, tìm ra giải pháp. Tới lui biết thời khỏi bị nghi ngờ. Tuy có ơn đức đối với người khác, không cầu báo đáp. Tôn thờ, giúp đỡ các bậc hiền trí sẽ được phước báu, không gặp tai nạn. Bệ hạ chớ nghi. Con đường chánh trị không nên trái đạo. Dạy dân làm lành, đất nước phát triển, xã hội bình yên. O
MỖI NGƯỜI CÓ NGHIỆP RIÊNG
- Kính thưa Đại vương, Hiền Nhân tôi đây như con chim bay, không đậu cành nào. Đạo của Hiền Nhân không thể lẫn lộn với đời phàm tục. Lửa cháy ngoài đồng, những cây gần bên sẽ bị cháy sém. Chỗ nào nước xoáy thì thuyền bị quay. Hễ là độc trùng thì tất hại người. Hiền Nhân tùng sự với người trí tuệ, để khỏi phải bị kẻ hèn quấy nhiễu.
Về loài thảo mộc, mỗi loài mỗi khác. Chim có nhiều loại, bạch hạc lông trắng, chim quạ lông đen. Nhân cách con người có phần khác biệt. Mặc áo gấm lụa cho người quê mùa thực là vô ích, vì người nhà quê chỉ quen bùn đất, không biết giá trị, và dù có mặc cũng chỉ làm hư. O
NHƯ CÂY PHẢN LỆ
Kính thưa Đại vương, ở trong nhân gian, có cây Phản Lệ. Chủ trồng cây này không ăn trái được, kẻ muốn hái trộm, trái lại sinh ra. Vua không sáng suốt thường bị sàm tấu. Bậc trung giúp nước cho được an ổn thì bị đuổi xô; kẻ nịnh thần gian, phá hư triều chánh lại ăn bổng lộc. Khách ở nhà lâu, chủ sinh nhàm chán.
Nhà vua cẩn thưa: “Mạng người quý trọng, xin Ngài mở lòng, thương nghĩ đến trẫm. Trẫm đem thân mạng thờ Ngài hơn xưa”. O
GẶP NHAU LÀ NHÂN DUYÊN
Hiền Nhân trình thưa: “Bệ hạ muốn thế, chưa chắc làm được. Hoàng hậu khác biệt, dễ gì chấp nhận. Hiền Nhân chỉ là một vị Sa-môn, cầm bát khất thực, tự vui chánh đạo, dứt trừ tham vọng, giữ giới thanh cao, xa lìa tội lỗi, giúp đời an vui. Đây là con đường, Hiền Nhân thực tập. Các khuynh hướng khác sẽ không thích hợp”.
Nếu như Bệ hạ và Hiền Nhân này luôn được mạnh giỏi, ắt sẽ gặp nhau. Hiền Nhân vào núi tu dưỡng tâm linh, rèn luyện trí tuệ. Gần nhau mà chỉ gặp toàn chuyện ác, chi bằng xa nhau mà lại nhớ nhau trong tâm niệm tốt. O
VIỆC ĐẠO, VIỆC ĐỜI
Kính thưa Đại vương, người trí khi nghe thí dụ đã rõ. “Như người lấy mật xoa vào lưỡi dao, đưa cho chó liếm, vì tham chút ngọt, chó bị đứt lưỡi, đau đớn vô cùng”. Nay bốn cận thần, miệng nói ngon ngọt, tâm dường dao bén. Bệ hạ cẩn trọng, đề phòng chánh niệm, để tránh bất trắc xảy ra không hay. Gặp điều sợ hãi, bệ hạ nghĩ nhớ đến lời Phật dạy, sợ sẽ tiêu tan.
Chim cú, chim mèo ưa thích bụi rậm. Các con chuột bọ núp dưới rơm, rác. Loài chim đậu cành, hạc ưa ao đục. Mỗi chủng loại vật có nghiệp riêng khác, khuynh hướng bất đồng. Hiền Nhân mến đạo, Bệ hạ bận rộn với việc trị dân, đó là sai khác.
Những vật thô xấu cũng có chỗ dùng, không nên phí bỏ. Hạng người ngu bần, không nên hắt hủi, đều có chỗ dùng. Nghệ thuật dùng người cũng như dùng cây, không gì vô ích. Ta nên biết người, biết suy nghĩ họ, biết lời nói họ, biết hành động họ, không nên hời hợt.
Có những dấu hiệu dự báo tương lai. Con chim ban đầu đậu ở cành thấp, sau nhảy nhánh cao. Chó của chủ nhà sủa người khách quen, biết là có chuyện, lòng sanh chán ngán. Nói xong Hiền Nhân đứng dậy mang bát, bước ra khỏi thành. Vua và thần dân, vọng bái, tiễn đưa. O
ĐẤT NƯỚC BẤT ỔN
Khi Hiền Nhân đi, kẻ trung giảm dần, loạn thần được dịp tung hoành gian nịnh. Bốn quan cận thần cậy thế ép dân, người của hoàng gia dùng thói yêu nghiệt, làm vua mê hoặc, không nghĩ việc nước, ngày đêm vùi thân trong niềm hoan lạc. Chính quyền quan liêu, bóp nghẹt tự do, thâu thuế quá đáng, không chút nhân từ với người bất hạnh. Kẻ mạnh hiếp yếu, bóc lột lẫn nhau, không màng pháp luật. Xã hội rối ren.
Có nhiều phụ nữ bị cưỡng bức dục, trở thành nô lệ. Có nhiều gia đình thân thuộc ly tán, mỗi người mỗi nơi, tai họa ập đến, vua nào hay biết. Mưa gió trái thời, nông nghiệp mất mùa, nước loạn dân nghèo, đói khát phát sinh, oán than khắp chốn. Nhân dân sầu khổ, lo sợ bệnh chết, kẻ thì than khóc, người thì kêu ca, ai cũng mong rằng có bậc tài đức ra tay cứu giúp. O
DÁM NHÌN NHẬN SỰ THẬT
Trong tình hình đó, có vị Đạo Nhân, cháu của Hiền Nhân, thấy nước loạn lạc, xóm làng nghèo khó, nhân dân khốn cùng, mạnh dạn vào cung, tâu với nhà vua: “Kính tâu Đại vương, các quan đại thần làm việc phi pháp, tham ô, lũng đoạn, bắt kẻ vô tội, cưỡng bức người hiền, tàn hại nhân gian, thật vô nhân đạo. Muôn dân than khóc, quỷ thần giận dữ với nhiều tai họa. Cảnh khổ lan tràn, bệ hạ không hay. Nếu không sớm trừ các bọn gian thần, đất nước chúng ta không còn lương dân.
Nghe qua sự tình, nhà vua kinh hãi, đánh giá sự việc: Trẫm đã lỡ dùng bốn tên loạn thần, phá nước hại dân, có khác gì cảnh “thả chó sói dữ trong bầy cừu non, thật là tội nghiệp”. Dân chúng khốn ách, đất nước lâm nguy. Trẫm đã buông cương, mặc cho ngựa điên kéo xe trị quốc, lọt xuống hố sâu. Thật là tai hại. Nay ngài đến đây, giúp trẫm thức tỉnh. Ngài có phương cách giải quyết mối nguy, trị an xã tắc?”
Đạo Nhân thưa rằng: “Từ khi Hiền Nhân bỏ nước ra đi, nước bị rối loạn, do bọn gian thần. Bệ hạ cần phải phục hưng tổ quốc, giúp đỡ người dân, sống trong hạnh phúc. Bệ hạ cùng thần du hành một phen, để tận mắt mình thấy điều khổ sở, nghe điều bất công, đúng như sự thật đã từng diễn ra. O
PHỤ NỮ RÁCH RƯỚI
Nghe theo lời khuyên, nhà vua cải trang, cùng với Đạo Nhân đi khắp dân gian, thị sát tình hình. Vừa ra khỏi thành, vua đã nhìn thấy một nhóm, áo quần rách rưới, vừa đi vừa khóc. Đạo Nhân liền hỏi: “Vì sao các chị khổ sở rách rưới? Sao không làm ăn, hoặc đi lấy chồng, để thoát cơ cực?”
Một cô trả lời: “Sở dĩ chúng tôi ra nông nỗi này đều do nhà vua, chẳng lo quốc sự, bỏ mặc người dân sống trong đau khổ. Giá mà nhà vua nghèo đói, rách rưới thì mới bõ ghét”.
Đạo Nhân khuyên bảo: “Các chị trách thế là không phải lẽ. Vua lo việc nước, lớn lao hơn nhiều, đâu có thời gian lo cho chị được. Các chị phải làm để tự sinh sống”.
Một chị không vui, liền lên tiếng nói: “Không phải thế đâu. Do vua trị nước có điều bất minh, nên dân đói rách, chịu cảnh khốn cùng. Ngày thì khốn với các bọn quan tham, đêm thì khốn đốn với giặc trộm cướp; cơm không đủ no, áo không đủ mặc, như thế thì còn, có ai lại muốn, cưới gả chúng tôi”. O
BÀ LÃO MÙ LÒA
Đi một quãng nữa, vua gặp bà già, áo quần rách rưới, hình hài gầy yếu, mắt mờ lạng quạng, vừa đi vừa khóc.
Đạo Nhân liền hỏi: “Bà lo việc gì mà khóc khổ vậy?”
Bà già ngẩng đáp: “Vì nhà vua cả. Giá mà nhà vua mù như lão đây thì mới đáng kiếp, lão sung sướng lắm”.
Đạo Nhân phân trần: “Bà nói như thế không có chỗ đúng. Người già mắt mờ, nhà vua lỗi chi mà bị chỉ trích?”
Bà lão giải thích: “Đêm bị giặc cướp, không chút an tâm, ngày bị quan tham hiếp bức, bóc lột, chịu cảnh nghèo đói, nên lão tôi đây mới phải hái rau, lượm củi đổi gạo, để nuôi sống mình, đạp phải độc trùng, vương phải độc khí, nên mới mù què, đau khổ như thế. Nếu không phải lỗi của nhà vua kia thì lỗi tại ai?” O
BÀ LÃO BỊ BÒ ĐÁ
Đến một quãng đường, vua thấy một bà, nghèo rách vắt sữa. Con bò đá bà, bà ngã xuống đất, lòm còm bò dậy, mắng chửi lia lịa: “Phải chi mày đá Hoàng hậu một cái, đau cho bỏ ghét. Mày lại đá tao làm cái gì chớ!”
Đạo Nhân chia sẻ: “Bò dữ đá bà, đâu phải Hoàng hậu mà bà quy lỗi?”
Bà lão trách móc: “Nhà vua không biết chỉ dùng nịnh thần, hoàng hậu xúc siểm, nước nhà mới loạn, quan không ngăn cướp, không giữ an ninh, nên có sự tình người bị bò đá, đau điếng cả người. Tất cả tại Vua”.
Đạo Nhân chỉ bảo: “Tại bà không biết cách vắt sữa bò nên bị bò đá, là chuyện thường tình”.
Bà lão đáp lại: “Không phải thế đâu! Nếu nhà vua khéo, sử dụng hiền tài, Hiền Nhân ở lại, giúp vua trị nước, nước nhà thái bình, không bị loạn lạc. O
CON CHIM MỔ ẾCH
Đi một đoạn nữa, đến bên đồng ruộng, vua thấy con chim đang mổ con ếch. Con ếch đau đớn, lún núp vào bùn, buông lời mắng trách: “Phải chi mày mổ vua một cái đau thì tao mới thích. Mầy đừng mổ tao”.
Đạo Nhân bảo ếch: “Ngươi bị chim mổ, lỗi không do vua, ngươi phải tự vệ, không trách ai được.”
Con ếch đáp lời: “Tôi không hề mong vua bảo hộ tôi. Vua không trị nước, bỏ bê triều chính, pháp luật không minh, không chịu chỉ đạo dẫn thủy nhập điền, nên trời hạn hán, nước khô như vậy, thân tôi bày ra, nên chim mới mổ”.
Con ếch lại than: “Nếu vua biết cách giữ đạo quyền chính, loại một người ác, lợi cho một nhà; bỏ một nhà ác, lợi cho một làng, bỏ một làng ác, lợi cho quốc gia. Vua không chấp chính nên dân khổ sở, thiên hạ kêu ca”.
Đạo Nhân tâu vua: “Đại vương xét kỹ, trăm họ vô tội, khốn đốn khóc than, động đến trời đất, đến nỗi con ếch còn thốt lời than. Đại vương đã thấy. Kính mong Đại vương, sớm đuổi kẻ ác, tái thiết quốc gia trên con đường chánh, giúp cho nhân dân sống cảnh thái bình. Kính thưa Đại vương, bây giờ gieo giống, mưa thuận gió hòa, mùa màng sẽ trúng, cuộc sống bình an. O
Nhà Vua liền hỏi: “Vậy theo ý Ngài, ta nên giao phó trách nhiệm cho ai?”
- Kính thưa bệ hạ, hãy mau thỉnh mời Hiền Nhân trở về. Ngài biết thời cơ, nếu trở về nước, đất nước bình an.
Nghe lời tư vấn, nhà vua đi đến chỗ Hiền Nhân ở, đảnh lễ, thỉnh cầu Hiền Nhân trở về. Sau khi thăm hỏi, vua ngồi một bên, chấp tay tạ tội, thưa với Hiền Nhân:
- “Trẫm vì sơ sót, suy nghĩ nông cạn, lỡ hại trăm dân, nên họ oán trách. Nay trẫm một lòng sám-hối nghiệp trước, xin ngài bỏ qua, trở về giúp nước”. O
KHÔNG TIN NHÂN QUẢ LÀ TỰ MÊ HOẶC
Hiền Nhân đáp lễ: “Người nào có tội mà biết sám-hối thật đáng tán dương”.
Khi trở về cung, thấy bốn cận thần, kề tai nói nhỏ, Hiền Nhân trình bày:
- Người tự mê hoặc, không phân chân tà, sẽ gặp khổ nguy. Mọi việc trên đời, hạnh phúc, khổ đau đều do nhân quả, không thể tránh được.
Ai làm việc ác, ác quả đeo bám; ai làm điều lành, quả tốt đền trả, trọn đời không mất. Họa phúc theo ta như hình với bóng, kẻ ngu chẳng biết. Họa phúc rõ ràng cũng như tiếng vang bám theo âm thanh, như bóng theo hình, không thể ngẫu nhiên, trên trời rơi xuống. Các ngươi làm ác mà không hối cải, không thể che giấu.
Trong số các vị, có người cho rằng: “Sau khi chết đi, thần thức chết theo, cuộc sống kết thúc”. Cũng có người nói: “Không có tội phước với các hành động”. Trong vũ trụ này, mọi việc rõ ràng, đều theo quy luật của nhân và quả. Chết không kết thúc sự sống con người. Con người tái sinh chạy theo dòng nghiệp. Nhân quả tốt xấu sẽ đeo bám ta, không thể khinh thường.” Bốn quan cận thần nghe lời chí lý, lẳng lặng làm thinh, không biết nói sao. O
NHÂN QUẢ ĐẠO ĐỨC
Hiền Nhân nói tiếp:
- Tất cả hiện tượng trong vũ trụ này đều do nhân quả, sự sống con người đều do tội phước. Làm lành hay ác đều có quả báo, như bóng theo hình. Người chết bỏ thân, nghiệp vẫn còn nguyên. Gieo giống xuống đất, sẽ sanh nhánh lá, kết hạt trên ngọn. Thắp đèn tim lụn, lửa vẫn đỏ mãi. Hành vi tội phước vẫn còn với ta, như người viết chữ bên ánh đèn khuya, khi đèn tắt đi, chữ vẫn còn nguyên. Tâm thức con người, sau khi chết đi, tái sinh theo nghiệp, có mặt trong thai, đời này đời khác, không hề kết thúc. Những việc làm ác không thể tránh khỏi các quả đau khổ, giết cha mẹ chết không thể vô tội! O
Bốn quan đáp rằng: “Một nhánh cây nhỏ còn không nên hái, huống hồ giết chết cha mẹ của mình sao vô tội được”.
Hiền Nhân đáp lại: “Người giả bên ngoài làm lành lánh dữ, trong thì uẩn khúc, làm việc gian ác, thật là nguy hại. Cũng như vàng giả, bề ngoài mạ vàng, trong toàn là đồng. Bề ngoài tốt đẹp, tâm toàn tà ngụy là điều nên tránh. Việc này khác gì những con chó sói lẫn vào bầy dê, ngấm ngầm giết thịt các con dê con, không hề hay biết. O
Nhiều kẻ ác độc tự xưng đạo đức, giả trang khổ hạnh, diễn giải kinh sách, làm hoa mắt người, nhưng bên trong thì, tâm luôn tà ngụy, cầu mong danh lợi, không chút xấu hổ. Người không kinh nghiệm dễ dàng bị lừa, quay đầu tin phục. Như nước sông lụt, chưa chảy ra biển, làm hại nhiều người. Các bậc thánh nhân cứu giúp thiên hạ, chuyển hóa nghiệp xấu, siêng làm việc lành, giữ tâm thanh tịnh, mọi người lợi lạc.
Quả báo của nghiệp là rất rõ ràng. Làm dữ bị họa, mọi người đều ghét, không chóng thì chầy, khổ đau sẽ đến. Làm việc phước đức, tuy không ai biết, phước lành trổ quả, mọi người khen ngợi. Như bánh xe tròn, lăn hoài không dứt. Nghiệp của con người, trải qua nhiều kiếp, tái sinh nhiều nơi, không thể mất đi. Phải tin tội phước, để không gian dối, không gây hại ai. O
Làm người hạnh phúc phải biết cẩn trọng, lánh xa kẻ ác, sám hối lỗi lầm. Nếu mọi người đều làm lành lánh dữ như bản tánh họ thì trên đời này quả phước giống nhau. Song người làm ác ở đâu cũng có, nên quả sai khác. Từ nghiệp sai khác, tình huống khác nhau: người thọ, kẻ yểu, người khỏe, kẻ bệnh, người tốt, kẻ xấu, người giàu, kẻ hèn, người khôn, kẻ ngu, người thân tướng đẹp, kẻ què, tàn tật, người đủ giác quan, kẻ đui, điếc, câm... Tất cả đều do nhân duyên kiếp trước, nhân quả kiếp này mà có quả báo vô cùng khác biệt. Những người đức hạnh, trung trực, hiền lành, trí tuệ, từ bi, sống đời cao thượng, hào phú, hạnh phúc là do nghiệp lành. Nhân quả rõ ràng như một quy luật, không do trời định, không phải ngẫu nhiên, không do hên xui. Hãy suy nghĩ kỹ, tất cả kết quả, dù tốt hay xấu, đều có nguyên nhân cộng với các duyên tác động qua lại. Đừng nên lầm lạc, phủ định nhân quả, thật là bất hạnh. O
THUẬT QUẢN TRỊ QUỐC GIA
Hiền Nhân nói tiếp: “Kính thưa Đại vương, trong nước có vua, vua ban pháp luật, sống thuận đạo lý, giao cho người hiền, phó việc tài trí, ban thưởng người lành, trừng phạt kẻ ác”. Nhờ kỷ cương này, đất nước an bình, xã hội phát triển, nhân dân hạnh phúc. O
- Kính thưa Đại vương, ngày xưa có vua tên là Cẩu Lạp, có ao trong thành, nuôi nhiều cá ngọt. Một quan giám ngư được vua yêu cầu trông coi ao cá. Mỗi ngày giám ngư dâng vua tám con, nhưng sau lưng vua, cắp tám con khác. Biết cá bị mất, nhà vua ra lệnh tám giám ngư nữa giữ gìn ao cá. Tám giám ngư mới cấu kết người cũ, mỗi ngày ăn cắp thêm nhiều con nữa. Sự thật đau lòng, nhiều người giữ cá, cá mất nhiều hơn, do người giữ cá là kẻ ăn cắp. O
Giao một nhiệm vụ cho quá nhiều người, không hẳn đã tốt, nước thêm rối loạn. Cũng như tình trạng người hái quả non, ăn không mùi vị, lại càng mất giống; nhà vua trị nước, không dùng hiền tài, thiệt hại đất nước, nguy hại cho dân, tiếng tăm mất dần, phước phần tổn giảm. Trị nước không nghiêm, trái với luật pháp, làm cho thiên hạ khởi tâm tranh chấp, bất ổn xã hội, khác nào muốn giàu, phát triển sự nghiệp, mà không dụng chí thì của cải có, mỗi ngày tổn giảm, là điều tất yếu. O
Trong một đất nước có tướng binh nhiều, không chịu tập trận, không lo phát triển, nước sẽ yếu dần. Làm vua một nước không trọng luật pháp, không theo đạo đức, không thờ thánh nhân, không dùng hiền tài thì hiện tại này không người giúp đỡ, trong tương lai tới, không thể hạnh phúc; bá tánh kêu ca, tai ương tới tấp, sống để tiếng dơ, chết tái sanh xấu.
Trị nước theo luật và chánh pháp Phật thì được lòng người. Kính bậc đạo đức, hiếu thuận cha mẹ, thương yêu trẻ thơ, siêng làm việc lành, thì hiện tại này sống được bình an, kiếp sau hạnh phúc. Làm việc trung nghĩa như đi thẳng đường. Công bằng, chính trực ai nấy đều phục. Sống phải sáng suốt, tích lũy kiến thức từ các cổ thánh để làm kinh nghiệm sống của kiếp này, động tịnh biết thời, ân oán có nhân, ban tặng ân phước, giúp dân lập nghiệp, bố thí bình đẳng, tái thiết thái bình. Làm được như thế, đời này an lạc, đời sau phước quả. Quyết chí tu hành, chứng nên đạo giác. O
Nghe Hiền Nhân dạy, mọi người mừng rỡ, vâng phục làm theo. Nhà vua đứng dậy, cúi đầu thưa rằng: “Được nghe Ngài dạy, trẫm thấy nhẹ lòng, như cơn gió mạnh xua tan mây mù. Xin Ngài từ bi, thương đất nước này, giáo hóa quốc dân, giúp trẫm trị nước, như trước đây vậy”.
Cảm động tấm lòng của một Đại vương, Hiền Nhân nhận lời. Ngài liền đứng dậy, theo vua về cung, luận bàn triều chính.
Bốn quan cận thần bị phát hiện ra có nhiều sai phạm, nên bị trừng phạt. Hiền Nhân giúp nước, phước thấm muôn nhân, mưa nắng đúng thời, mùa màng bội thu, nhân dân hoan hỷ, bốn biển thanh bình, trên dưới hòa thuận, chung sức đồng lòng, xây dựng cuộc sống ngày một thái bình, giàu sang, hạnh phúc. O
LIÊN HỆ KIẾP SỐNG
Sau khi kể xong câu chuyện Hiền Nhân, đức Phật ngừng lại, nhìn về đại chúng, rồi dạy tiếp rằng: O
- Này các đệ tử! Hiền Nhân đời trước chính là Ta đây. Còn Đạo Nhân kia là A-nan-đa. Vua Lâm Đạt đó không ai khác hơn vua Tỳ-tiên-nặc. Hoàng hậu thuở đó là Tôn-đà-lỵ. Con chó nhà vua là ông Sa-nặc. Bốn quan cận thần là bốn kẻ ngoại đạo giết Tôn-đà-lỵ. Mọi việc trên đời đều có liên hệ, không hề ngẫu nhiên, nên nhớ nhân quả, để sống thật tốt, an vui, hạnh phúc.
Nghe Thế Tôn dạy kinh nghĩa sâu xa, hơn ba ức người hiểu được lý đạo, phát nguyện vâng giữ năm điều đạo đức, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO