Văn học Pàli như ta có ngày nay cơ bản được phân thành hai thể loại: văn học Kinh tạng (canonical literature) và văn học không thuộc Kinh tạng (non-canonical literature) hay còn gọi là văn chương hậu tạng (post-canonical literature). Văn học Kinh tạng tiêu biểu cho Tam tạng Pàli (Pàli tipitaka), bao gồm các tác phẩm Kinh, Luật, Luận được sưu tập và mở rộng dần tại ba kỳ kiết tập đầu tiên tổ chức ở Ấn Độ và được chép thành văn bản tại hội nghị kiết tập thứ tư được tổ chức ở Tích Lan khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Tất cả những công trình trước tác, nghiên cứu, biên soạn và sáng tác sau đó, kể cả các tác phẩm Nettippakarana, Petakopadesa và Milindapanha, đều được xếp vào thể loại văn học không thuộc Kinh tạng hay văn chương hậu tạng. Sự phân loại này rõ ràng là để phân biệt giữa nguồn tài liệu Tam tạng Pàli và nguồn văn học Pàli được sáng tác về sau nhưng mặt khác sự phân loại này cũng đánh dấu sự phát triển của văn học Pàli qua các thời kỳ phát triển của nó.
Cách phân loại nói trên là mới nhất và được chấp nhận bởi phần lớn các học giả ngày nay. Tuy nhiên, trong lịch sử của nó, văn học Pàli trải qua nhiều sự phân loại khác nhau cho thấy quá trình hình thành phát triển của nền văn học này. Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của thể loại văn học Kinh tạng (canonical literature), chúng ta thấy sự phân loại những lời dạy của đức Phật được thực hiện rất sớm, thứ nhất bởi lý do chuyên môn hóa trong đội ngũ Tăng già và thứ hai bởi hoạt động của các kỳ hội nghị kiết tập. Việc những lời dạy của đức Phật được phân thành chín thể loại (anga): Kinh (Suttam), Ứng tụng (Geyyam), Ký thuyết (Veyyàkaranam), Kệ tụng (Gàtham), Cảm hứng ngữ (Udànam), Như thị thuyết (Itivuttakam), Bổn sanh (Jàtakam), Vị tằng hữu (Abbdutadhammam), Phương quảng (Vedallam), như được thấy trong một số bản kinh Pàli ngày nay có thể được xem là sự phân loại đầu tiên trong văn học Pàli. Sự phân loại này chắc chắn đã là nỗ lực của các tỷ kheo trong việc sưu tập những lời dạy của bậc Đạo sư để học tập và lưu vào ký ức từng phần giáo lý của ngài.
Tính chất phong phú và đa dạng của giáo pháp đức Phật không cho phép người ta dễ dàng học thuộc lòng hay ghi nhớ hết những lời dạy của ngài và như vậy việc các tỷ kheo trở thành những người đọc tụng kinh điển (suttantikà), những người chuyên về pháp (dhammakathikà), những người chuyên về luật (vinayadhàrà) hay những người chuyên tu thiền (jhàyì-bhikkhù) đã cho thấy sự ngầm phân công hay chuyên môn hóa trong đội ngũ Tăng già nhằm mục đích nắm bắt và lưu giữ toàn bộ giáo lý của bậc Đạo sư. Đây cũng là lý do khiến những lời dạy của đức Phật được phân chia thành các lãnh vực riêng biệt. Chính nhờ sự phân công hay chuyên môn hóa này trong tổ chức Tăng già mà từng phần giáo lý của bậc Đạo sư được ghi nhớ kỹ và bảo lưu khá chu đáo, trong khi để ghi nhớ và học thuộc lòng toàn bộ giáo lý của ngài là hết sức khó khăn và khó bảo đảm tính xác thực trong quá trình truyền thừa. Ànanda và Upàli, những người có trách nhiệm tụng đọc Pháp và Luật tại kỳ hội nghị kiết tập thứ nhất, là hai trường hợp điển hình cho việc ghi nhớ và học thuộc lòng từng phần giáo lý của bậc Đạo sư.
Công tác phân loại giáo pháp của đức Phật cũng được thực hiện thông qua các kỳ hội nghị kiết tập. Trong các bản kinh Pàli, danh từ Dhamma-vinaya (Pháp và Luật) thỉnh thoảng được dùng để chỉ toàn bộ giáo lý của đức Phật trước khi có sự phân chia giáo pháp của ngài thành Pháp và Luật rõ rệt. Chúng ta biết rằng trong hơn thập niên đầu sự nghiệp giáo hóa của ngài, đức Phật chưa chế định giới luật (Vinaya) cho các tỷ kheo. Lúc này nếp sống kỷ cương của họ căn bản được hướng dẫn bởi một số học pháp gọi là Giới học (Sìla) hay Tăng thượng giới (Adhi-sìla) thường gộp chung với Định học (Samàdhi) và Tuệ học (Pannà), như được thấy ở bài kinh Sa môn quả (Sàmannaphala Suttanta), Trường bộ hay kinh Mã ấp Đại kinh (Mahàssapura Sutta), Trung bộ. Giới luật được ban hành trên cơ sở sự cố nảy sinh và con số 150 giới điều được tìm thấy vài nơi trong các bản kinh Pàli so với 223 giới điều thuộc giới bổn Pàtimokkha mà ta có ngày nay cũng cho thấy giới luật được phát triển dần dần trong tổ chức Tăng già. Sự phân chia lời dạy của đức Phật thành Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) đánh dấu sự phát triển của Tăng già và khởi sự sau hơn thập niên đầu công tác truyền giáo của ngài. Số lượng giáo pháp (Dhamma) và giới luật (Vinaya) tăng dần theo cùng bước chân hóa độ của đức Phật và sự phát triển của Tăng già, và cho đến thời điểm bậc Đạo sư nhập Niết bàn thì giáo pháp của ngài đã được hình thành đầy đủ và được phân loại rõ rệt thành Pháp và Luật. Thông tin từ kinh Đại bát Niết bàn (Mahàparinibbàna Suttanta), Trường bộ, cho hay trước lúc nhập diệt, đức Phật khuyên các tỷ kheo phải biết so sánh với Kinh (Sutta=Dhamma), đối chiếu với Luật (Vinaya) những gì mình được nghe từ người khác. Như vậy chúng ta có thể nói rằng trước khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn, giáo pháp của ngài đã được phân định rõ rệt thành Pháp và Luật.
Theo các tài liệu Cullavagga, Dìpavamsa và Mahàvamsa thì tại cuộc Hội nghị Kiết tập lần thứ nhất tổ chức ở Vương Xá không lâu sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn, Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) là các nội dung được đưa ra tụng đọc và thảo luận. Tài liệu Samantapàsàdikà nói rằng tại Hội nghị Kiết tập lần thứ hai tổ chức ở Vesàli khoảng một trăm năm sau khi đức Phật diệt độ, ngoài việc tụng đọc Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya), các tỷ kheo cũng tập trung xem xét về pitaka, nikàya, anga và dhammakkhandhà. Thông tin này cho thấy giáo lý của đức Phật được phân thành tạng (pitaka), bộ (nikàya), thể loại (anga) và các nhóm pháp (dhammakkhandha) tại kỳ họp lần này. Các tài liệu Tích Lan và đa số các học giả này nay đều cho rằng Tam tạng Pàli gồm Luật tạng (Vinayapitaka), Kinh tạng (Suttapitaka) và Luận tạng (Abhidhammapitaka) được hình thành đầy đủ tại Hội nghị Kiết tập lần thứ ba được tổ chức dưới thời Asoka. Như vậy Hội nghị Kiết tập lần thứ ba đánh dấu sự phân chia giáo lý của đức Phật thành Tam tạng, đặc biệt các bộ luận được thêm vào để hình thành nên tạng thứ ba là Luận tạng.
Một số các thông tin nhận xét được tìm thấy trong các tác phẩm Sumangalavilàsinì và Atthasàlinì của Buddhaghosa cũng cho thấy một vài sự phân loại khác được thực hiện bởi các tỷ kheo trong lịch sử hình thành và phát triển Tam tạng. Theo Buddhaghosa thì danh từ nikàya có hai cách dùng. Theo nghĩa hẹp, nikàya được dùng để chỉ cho năm tuyển tập thuộc Kinh tạng (Suttapitaka). Nhưng ở nghĩa rộng thì danh từ này chỉ cho Tam tạng Kinh, Luật, Luận Phật giáo theo lối gộp Luật tạng (Vinayapitaka) và Luận tạng (Abhidhammapitaka) vào Tiểu bộ (Khuddakanikàya), tuyển tập thứ năm của Kinh tạng.(1) Nhận xét này của Buddhaghosa xác nhận sự kiện rằng Tam tạng Pàli đôi khi cũng được phân thành năm nikàya. Cũng theo Buddhaghosa thì các nhà tụng đọc Trường bộ (Dìghabhànakà) xếp các tác phẩm thuộc Tiểu bộ (Khuddakanikàya) sau Luận tạng (Abhidhammapitaka) và danh mục Tiểu bộ ở đây chỉ có 12 tập gồm Jàtaka, Mahàniddesa, Cullaniddesa, Patạisambhidàmagga, Suttanipàta, Dhammapada, Udàna, Itivuttaka, Vimànavatthu, Petavatthu, Theragàthà, Therìgàtha, trong khi các nhà tụng đọc Trung bộ (Majjhimabhànakà) nêu danh mục Tiểu bộ gồm 15 tập, 12 tập đã nói cộng thêm các tập Cariyàpitaka, Apadàna, và Buddhavamsa. Theo cả hai sự phân loại trên thì tập Khuddakapàtha không có trong danh mục và được tập Cullaniddesa thế vào. Trong sự phân loại Tiểu bộ gồm 15 tập được lưu truyền đến nay, có lẽ do Buddhashosa chủ trương, thì tập Khuddakapàtha đứng đầu danh mục và hai tập Mahàniddesa và Cullaniddesa được sáp nhập thành một gọi là Niddesa. Buddhaghosa cũng cho chúng ta biết bản kinh Tư lượng (Anumàna Sutta), Trung bộ, từng được xem là giới luật của tỷ kheo (bhikkhuvinaya) và kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta), Trường bộ, được gọi là giới luật cư sĩ (gihivinaya). Trong sự phân loại được biết rộng rãi ngày nay, các tập Suttasamgaha, Nettippakarana, Petakopadesa và Milindpanha được xem là các tác phẩm ngoài Kinh tạng (para-canonical texts) hay hậu Kinh tạng (post-canonical), tuy nhiên ở Miến Điện, các tác phẩm này được sáp nhập vào Tiểu bộ (Khuddakanikàya) thuộc hệ thống Tam tạng và được xem là thuộc văn học Kinh tạng.(2)
Ngoài ra, số lượng các bài kinh khác biệt nhau trong một số bộ kinh hay Nikàya giữa thông tin do Buddhdghosa cung cấp và các tài liệu hiện có cũng cho thấy các Nikàya cũng trải qua những sự phân loại khác nhau. Theo sớ giải Atthasàlinì của Buddhaghosa thì Tương ưng bộ (Samyuttanikàya) có 7.762 bài kinh và Tăng chi bộ (Anguttaranikàya) gồm 9.557 bài kinh, trong khi theo các văn bản do hội Pàli Text Society biên tập, xuất bản và được lưu hành rộng rãi ngày nay thì Tương ưng bộ gồm 2.904 bài kinh và Tăng chi bộ chỉ có 2.308 bài kinh. Sự chênh lệch rất lớn về con số các bài kinh giữa hai nguồn thông tin khiến chúng ta lo lắng về sự thất lạc nhiều bản kinh trong các tập Nikàya được truyền lại cho chúng ta ngày nay. Tuy nhiên theo khảo cứu của Tỷ kheo Bodhi(3) thì các bản kinh không thất lạc và sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do sự phân chia khác nhau về các bài kinh và sự sắp xếp các bài kinh giữa các chương và phẩm (vagga) trong các bộ kinh.
Văn học Kinh tạng hay Tam tạng Pàli được lưu truyền cho đến ngày nay bao gồm các tác phẩm sau đây được sắp xếp theo thứ tự Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng:
I. Luật tạng (Vinaya Pitaka), gồm 3 tuyển tập chính:
1. Suttavibhanga: tác phẩm nêu trỏ và dẫn giải tất cả các giới điều chứa đựng trong tác phẩm Pàtimokkha. Suttavibhanga được chia thành hai phần, Mahàvibhanga hay Bhikkhuvibhanga, giải thích về các điều luật dành cho các tỷ kheo và Bhikkhunìvibhanga, dẫn giải các giới điều dành cho các tỷ kheo ni.
2. Khandhaka: được chia làm hai phần, Mahàvagga và Cullavagga. Mahàvagga đề cập sự hình thành và phát triển của Tăng già thời đức Phật bắt nguồn từ sự chứng ngộ của đức Phật dưới cội Bồ đề, những hoạt động thuyết giáo và hóa độ đầu tiên của ngài, sự hình thành và phát triển giới luật gắn liền với nếp sống của chư tăng và các sinh hoạt của Tăng già. Cullavagga tiếp tục mô tả nếp sinh hoạt của Tăng già, sự ban hành giới luật, các sự vi phạm khác nhau của các tỷ kheo, sự tranh chấp trong Tăng già, các phận sự của tỷ kheo ni... Hai kỳ kiết tập kinh điển đầu tiên được tổ chức ở Ràjagaha và Vesàli cũng được nói đến trong tác phẩm này.
3. Parivàra: hay còn gọi là Parivàrapàtha bao gồm 19 chương, dẫn giải các vấn đề về Luật tạng, đặc biệt tác phẩm này đề cập danh mục 40 vị tổ sư giới luật, bắt đầu từ đức Phật sang Upàli và sau cùng là Sìvatthera, người sống vào khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch.
II. Kinh tạng (Sutta Pitaka hay còn gọi là Panca Nikàya(4)) bao gồm 5 tuyển tập:
1. Dìgha Nikàya (Trường Bộ), gồm 34 bài kinh, được chia thành ba phẩm, phẩm Sìlakkhandha gồm 13 kinh đầu, phẩm Mahàvagga gồm 10 kinh, từ kinh 14-23, và phẩm Pàtikavagga gồm 11 kinh cuối. Dìgha Nikàya cho chúng ta một bức tranh khá sinh động về bối cảnh xã hội thời đức Phật. Các bài kinh Dìgha Nikàya nói đến những sự kiện chính trị, xã hội cùng với các hoạt động tư tưởng và tôn giáo diễn ra khá phức tạp trong khoảng thời gian này (kinh Brahmajàla và Sàmannaphala). Các bài kinh cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin về các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng của xã hội đương thời, về các hội chúng Bà la môn và du sĩ đông đảo, các quan điểm tư tưởng được lưu truyền bởi các kinh điển Vệ đà, chủ trương của các trường phái tân tôn giáo xuất thân từ các phong trào sa môn, các hoạt động tế tự được tiến hành bởi các tín đồ Bà la môn giáo. Chế độ đẳng cấp cũng được nói đến như là quan niệm bảo thủ của các Bà la môn. Đặc biệt, các bài kinh Dìgha Nikàya cung cấp cho chúng ta những thông tin về các hoạt động giáo hóa của đức Phật, các quan điểm giáo lý và các tư tưởng triết học của ngài, mối liên hệ của ngài với các tầng lớp đương thời. Những ngày và những lời dạy cuối cùng cũng như sự kiện nhập Niết bàn, phân chia xá lợi của bậc Đạo sư được đề cập khá chi tiết trong bài kinh Mahàparinibbàna thuộc Dìgha Nikàya.
2. Majjhima Nikàya (Trung Bộ), gồm 152 bài kinh, được phân làm 3 nhóm, nhóm thứ nhất, Mahàpannàsa, gồm 50 bài kinh đầu, nhóm thứ hai, Majjhimapannàsa, gồm 50 bài kinh, từ số 51-100, và nhóm thứ ba, Uparipannàsa, gồm 52 bài kinh cuối. Các bài kinh Majjhima Nikàya cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin liên quan đến hoạt động giáo hóa của bậc Đạo sư, các cuộc tiếp xúc của ngài với tầng lớp vua chúa, hoàng thân quốc thích, các quan quyền, các vị đứng đầu hay đại diện của các giáo phái đương thời cùng nhiều tầng lớp khác của xã hội. Các bài kinh Majjhima Nikàya cũng nói đến nếp sống và sinh hoạt của các tỷ kheo, đề cập các hoạt động tín ngưỡng đương thời của các Bà la môn , quan điểm tư tưởng và các hình thái khổ hạnh được chấp nhận bởi các tín đồ Kỳ na giáo (Jainism). Đặc biệt, các bài kinh Majjhima Nikàya là nguồn thông tin lớn về số lượng giáo lý và pháp môn thực hành của Phật giáo. Các giáo lý trọng yếu của Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn, các quan niệm về vô thường, khổ, vô ngã, Niết bàn, nghiệp, cùng các pháp môn tu tập như Giới, Định, Tuệ, Tứ niệm xứ, Từ, Bi, Hỷ, Xả... đều được tìm thấy trong tuyển tập Majjhima Nikàya.
3. Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), gồm 2904 bài kinh, được chia làm năm phẩm chính phân loại theo chủ đề. Phẩm Sagàtha gồm các bài kinh có xen kệ tụng, phẩm Nidàna chủ yếu giải thích về duyên khởi, phẩm Khandha dẫn giải về ngũ uẩn, phẩm Salàyatana chuyên sâu về 12 xứ, gồm sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, và phẩm Mahà bao gồm các chuyên đề như Giác chi (Bojjhanga), Niệm xứ (Satipatthàna), Căn (Indriya), Lực (Bala)....
4. Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ), gồm 2308 bài kinh, được chia làm 11 chương, phân theo thứ tự pháp số, từ chương một pháp đến chương 11 pháp. Do sự phân chia theo thứ tự pháp số, các bài kinh Anguttara Nikàya được biên tập theo dạng liệt kê các quan điểm giáo lý hay các pháp môn thực hành, đôi khi được giải thích và minh họa bởi các ví dụ hay những sự kiện rút ra từ thực tế cuộc sống. Rất nhiều vấn đề khác nhau được nói đến trong các bài kinh Anguttara Nikàya, tùy thuộc vào con số mà các bài kinh đại diện.
5. Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ), bao gồm 15 tuyển tập nhỏ:
1. Khuddakapàtha (Tiểu tụng), đề cập các vấn đề: như quy y Tam bảo, 10 giới Sa di, 32 thân phần cơ thể...
2. Dhammapada (Pháp cú), bao gồm 423 câu kệ, được chia làm 26 phẩm.
3. Udàna (Tự thuyết), gồm 80 bài kinh hay mẫu chuyện, được chia làm tám phẩm, đề cập nhiều vấn đề do đức Phật tự nói ra gọi là Phật tự thuyết hay vô vấn tự thuyết.
4. Itivuttaka (Phật thuyết như vậy), gồm có 122 bài kinh ngắn kết thúc bằng kệ tụng, do các đệ tử của đức Phật nói lại bởi chính họ đã được nghe từ miệng bậc Đạo sư.
5. Suttanipàta (Kinh tập), bao gồm 70 bài kinh, được chia làm năm phẩm. Phẩm thứ nhất, Uragavagga, gồm 12 bài kinh, phẩm thứ hai, Cùlavagga, có 14 bài kinh, phẩm thứ ba, Mahàvagga, 12 bài, phẩm thứ tư, Atthakavagga, gồm 16 bài, và phẩm cuối cùng, Pàràyanavagga, 16 bài kinh.
6. Vimànavatthu (Thiên cung sự), bao gồm 85 mẫu chuyện, được chia làm bảy chương, nói về những người quá cố được sanh thiên giới vui hưởng thiên lạc nhờ thiện nghiệp.
7. Petavatthu (Ngạ quỷ sự), gồm 51 câu chuyện, chia làm bốn phẩm, đề cập sự khổ đau bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ của các chúng sinh làm ác nghiệp.
8. Theragàthà (Trưởng lão Tăng kệ), bao gồm 1279 câu kệ do các tỷ kheo tăng nói ra trong lúc thành tựu quả vị giải thoát.
9. Therìgàthà (Trưởng lão Ni kệ), gồm 494 bài kệ do các tỷ kheo ni nói lên sau khi đoạn trừ các lậu hoặc.
10. Jàtaka (Bổn sanh), gồm 547 câu chuyện nói về các đời sống quá khứ của bậc Đạo sư.
11. Niddesa (Nghĩa thích), gồm hai phần chính, Mahàniddesa và Cullaniddesa, chủ yếu giải thích các bài kệ trong các phẩm Atthavagga, Pàràyanavagga thuộc Kinh tập (Suttanipàta), tương truyền do Sàriputta thực hiện.
12. Patisambhidàmagga (Vô ngại giải đạo), gồm ba phẩm chính, Mahàvagga, Yuganandhavagga, Pannàvagga, mỗi phẩm lại chia thành 10 phẩm nhỏ, lý giải sự hiểu biết hay tri kiến (nàna) về vô thường, khổ, về bốn sự thật, duyên khởi.... Cũng như Niddesa, Patisambhidàmagga được xem là do Sàriputta thực hiện.
13. Apadàna (Truyện tích), gồm bốn phần chính: (a) Buddha-apadàna, truyện tích về chư Phật, (b) Paccekabuddha-apadàna, truyện tích về Bích chi Phật, (c) Thera-apadàna, gồm 55 phẩm, mỗi phẩm có 10 truyện tích về các tỷ kheo A la hán, (d) Therì-apadàna, gồm 40 truyện tích, phân làm bốn phẩm, nói về các tỷ kheo ni A la hán.
14. Buddhavamsa (Phật sử), tác phẩm mô tả bằng kệ về 24 vị Phật xuất hiện trước đức Phật Gotama, bắt đầu với đức Phật Dìpankara (Nhiên Đăng).
15. Cariyàpitaka (Sở hành tạng), được chia làm ba phần, gồm 35 câu chuyện nói về các đời sống quá khứ của đức Phật như là vị Bồ tát. Do đó Cariyàpitaka có nội dung gần giống với Jàtaka.
III. Luận tạng (Abhidhamma Pitaka) gồm 7 tác phẩm:
1. Dhammasangani, được chia làm 13 phần, chủ yếu dẫn giải các thuật ngữ và khái niệm Phật học hiện diện trong các bộ kinh Nikàya.
2. Vibhanga, gồm 18 chương, luận giải các vấn đề như uẩn (khandha), xứ (àyatana), giới (dhàtu)... được đề cập trong Kinh tạng.
3. Dhàtukathà, được phân làm hai phần, chủ yếu bàn luận các khái niệm Phật giáo về giới (dhàtu) hay yếu tố.
4. Puggalapannati, luận giải các khái niệm hay quan điểm Phật giáo về người hay nhân thể.
5. Kathàvatthu, tác phẩm biện thuyết tương truyền do Tissa Moggalliputta biên soạn nhằm mục đích đả phá các quan điểm của ngoại đạo.
6. Yamaka, bàn luận các vấn đề Phật học như thiện (kusala), bất thiện (akusala), cội rễ của thiện (kusalamùla) và bất thiện (akusalamùla), ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới...
7. Patthàna, thảo luận các vấn đề về nhân duyên (hetu-paccaya).
Văn học Pàli không thuộc Kinh tạng hay văn chương Pàli hậu tạng bao gồm một số tác phẩm tiêu biểu thuộc các thể loại sau đây:
IV. Các tác phẩm hậu Kinh tạng xuất hiện trước thời kỳ các sớ giải:
1. Suttasamgaha, tuyển tập các bài kinh.
2. Nettippakarana, chỉ nam về Phật pháp.
3. Petakopadesa, sách chỉ nam về Phật pháp.
4. Milindapanhà, tác phẩm vấn đàm về Phật học giữa tỷ kheo Nàgasena và vua Milinda hay Menander.
V. Hai tác phẩm nổi tiếng bàn về Giải thoát đạo và Thanh tịnh đạo:
1. Vimuttimagga, tác phẩm nói về Con đường giải thoát.
2. Visuddhimagga, tác phẩm luận giải Con đường thanh tịnh trên cơ sở sự thực hành Giới, Định, Tuệ.
VI. Các sớ giải về Tam tạng Pàli:
A. Các sớ giải về Luật tạng:
1. Samantapàsàdikà, chú giải về về Luật tạng.
2. Kankhàvitaranì, chú giải về Pàtimokkha.
3. Vinayavinicchaya, chú giải về Luật tạng.
4. Uttaravinicchaya, chú giải về Luật tạng.
B. Các sớ giải về Kinh tạng:
1. Sumangalavilàsinì, chú giải về Trường bộ.
2. Papancasùdanì, chú giải về Trung bộ.
3. Manorathapùranì, chú giải về Tương ưng bộ.
4. Sàratthappakàsinì, chú giải về Tăng chi bộ.
5. Paramatthajotikà (Khuddakapàtha-atthakathà), chú giải về tập kinh Tiểu tụng (Khuddakapàtha) thuộc Tiểu bộ.
6. Dhammapadatthakathà, chú giải tập Pháp cú (Dhammapada), Tiểu bộ.
7. Paramatthadìpanì (Udàna-atthakathà), chú giải tập Phật tự thuyết (Udàna), Tiểu bộ.
8. Paramatthadìpanì (Itivuttaka-atthakathà), chú giải tập Phật thuyết như vậy (Itivuttaka), Tiểu bộ.
9. Paramatthajotikà, chú giải tập Kinh tập (Suttanipàta), Tiểu bộ.
10. Paramatthadìpanì (Vimànavatthu-atthakathà), chú giải tập Thiên cung sự (Vimànavatthu), Tiểu bộ.
11. Paramatthadìpanì (Petavatthu-atthakathà), chú giải tập Ngạ quỷ sự (Petavatthu), Tiểu bộ.
12. Paramatthadìpanì (Theragàthà-atthakathà), chú giải tập Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà), Tiểu bộ.
13. Paramatthadìpanì (Therìgàthà-atthakathà), chú giải tập Trưởng lão Ni kệ (Therìgàthà), Tiểu bộ.
14. Jàtakatthavannanà, chú giải tập Bổn sanh (Jàtaka), Tiểu bộ.
15. Sadhammapajotikà, chú giải tập Nghĩa thích (Niddesa), Tiểu bộ.
16. Saddhammapakàsinì, chú giải tập Vô ngại giải đạo (Patisambhidamagga), Tiểu bộ.
17. Visuddhajanavilàsinì, chú giải tập Thí dụ (Apadàna), Tiểu bộ.
18. Madhuratthavilàsinì, chú giải tập Phật sử (Buddhavamsa), Tiểu bộ.
19. Paramatthadìpanì (Cariyàpitaka-atthakathà), chú giải tập Sở hàng tạng (Cariyàpitaka), Tiểu bộ.
C. Các sớ giải về Luận tạng:
1. Atthasàlinì, chú giải về tập Dhammasanganì.
2. Sammohavinodanì, chú giải về tập Vibhanga.
3. Pancappakaranatthakathà, chú giải các tập Dhàtukathà, Puggalapannati, Yamaka, Kathàvatthu, Patthàna.
4. Abhidhammàvatàra, chú giải các vấn đề Luận tạng.
5. Rùpàrupavibhàga, chú giải một số vấn đề thuộc Luận tạng.
VII. Sớ giải các tập Nettippakarana và Visuddhimagga:
1. Nettippakaranạa-atthakathà, chú giải tập Nettippakarana.
2. Paramatthamanjùsà, chú giải tập Visuddhimagga.
VIII. Các tác phẩm sử liệu:
1. Dìpavamsa, hay Tích Lan đảo sử.
2. Mahàvamsa, hay Đại biên niên sử Tích Lan.
3. Cùlavamsa, tác phẩm tiếp nối nội dung của Mahàvamsa.
4. Mahàbodhivamsa, tác phẩm ghi lại nhiều sự kiện về lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Tích Lan, bắt đầu bằng sự kiện chứng ngộ của đức Phật dưới cội Bồ đề, sự kiện đức Phật nhập Niết bàn, ba kỳ kiết tập đầu tiên ở Ấn Độ, sự kiện Mahinda giới thiệu đạo Phật sang Tích Lan ...
5. Thùpavamsa, tác phẩm mô tả các đời sống quá khứ của đức Phật, cuộc đời và sự nghiệp hiện tại của ngài, sự kiện nhập Niết bàn và phân chia xá lợi của bậc Đạo sư, việc xây tháp tôn thờ xá lợi, thông tin về các đoàn truyền giáo do Moggaliputta Tissa chủ trương...
6. Dàthavamsa, tác phẩm nói về lịch sử xá lợi răng Phật ở Tích Lan.
7. Nalàtadhàtuvamsa, tác phẩm nói về xá lợi xương trán.
8. Chakesadhàtuvamsa, tác phẩm nói về xá lợi tóc Phật.
9. Hatthavanagallavihàravamsa, tác phẩm nói về lịch sử tinh xá Attanagalla.
10. Samantakùtavannanà, tác phẩm mô tả những cuộc viếng thăm Tích Lan của đức Phật.
11. Sangìtivamsa, tác phẩm nói về các cuộc hội nghị kiết tập.
12. Anàgatavamsa, tác phẩm mô tả những sự kiện sẽ xảy ra lúc đức Phật Di Lặc (Metteyya) ra đời.
13. Dasabodhisattauddesa, tác phẩm nói về mười vị Bồ tát tương lai, xuất hiện trong thời Phật Metteyya.
14. Dasabodhisattuppattikathà, tác phẩm đề cập các câu chuyện ra đời của mười vị Bồ tát tương lai.
15. Gandhavamsa, tác phẩm nói về lịch sử các tác phẩm Pàli.
IX. Các tiểu sớ giải hay phụ chú:
A. Phụ chú về các sớ giải Luật tạng:
1. Sàratthadìpanì, phụ chú về tập sớ giải Samantapàsàdikà.
2. Kankhàvitaranìporànatìkà, phụ chú về sớ giải Kankhàvitaranì.
3. Vinayasàratthadìpanì, phụ chú về sớ giải Vinayavinicchaya.
4. Uttaralìnatthapakàsinì, phụ chú về sớ giải Uttaravinicchaya.
B. Phụ chú về các sớ giải Kinh tạng:
1. Lìnatthapakàsinì, phụ chú về bốn tập sớ giải Kinh tạng: Samangalavilàsinì (sớ giải về Trường bộ), Papancasùdanì (sớ giải về Trung bộ), Sàratthapakàsinì (sớ giải về Tương ưng bộ), Manorathapùranì (sớ giải về Tăng chi bộ).
2. Lìnattha-pakàsinì, phụ chú về sớ giải Jàtaka.
C. Phụ chú về các sớ giải Luận tạng:
1. Lìnatthavannanà, phụ chú về các sớ giải Luận tạng.
2. Atthasàlinì-atthayojanà, phụ chú về sớ giải Luận tạng.
3. Vibhangatthakathà-atthayojanà, phụ chú về sớ giải Vibhanga.
4. Abhidhammatthavibhàvinì-atthayojanà, phụ chú về sớ giải Abhidhamma.
X. Các sách chỉ nam hay hợp tuyển:
A. Các chỉ nam về Luật tạng:
Vinayavivicchaya, Vinayatthasàrasandìpanì, Uttaravinicchaya, Uttaralìnatthapakàsinì, Khuddakasikkhà, Mùlasikkhà, Pàlimuttakavinayavinicchayasangaha, Vinayasangahaporànatìkà, Vimativinodanì, Sìmàvivàdavinicchayakathà, Sìmalankàra, Sìmalankàrasangaha.
B. Các chỉ nam về Luận tạng:
Abhidhammàvatàra, Abhidhammàvatàraporànatìkà, Rùpàrùpavibhàga, Abhidhammatthavikàsinì, Abhidhammatthasangaha, Abhidhammatthavibhàvinì, Manisàramanjùsà, Abhidhammatthasangahadìpanì, Paramatthavinicchaya, Nàmarùpapariccheda, Saccasankhepa, Nàmarùpasamàsa, Nàmarùparadìpaka, Mohavicchedanì.
C. Một số chỉ nam khác:
Sàrasangaha, tuyển tập tinh hoa Phật học hay sách chỉ nam dành cho các tỷ kheo. Upàsakajanàlankàra, chỉ nam nói về tinh hoa của đời sống cư sĩ. Mangalatthadìpanì, chỉ nam về kinh Điềm lành tối thượng (Mahàmangala Sutta) thuộc tuyển tập Suttanipàta, Tiểu bộ. Pathamasambodhi, tuyển tập hay chỉ nam về cuộc đời đức Phật. Jinamahànidàna, tuyển tập hay mẫu chuyện lớn về bậc Chiến thắng, nói về chư Phật tính từ thời Phật Nhiên Đăng (Dìpankara).
XI. Các thi phẩm:
Một số tác phẩm Pàli thuộc thể loại này được sáng tác phần lớn ở Tích Lan khoảng thế kỷ thứ mười cho tới thế kỷ thứ mười lăm và ít nhiều chịu ảnh hưởng của thể loại thi ca Sanskrit. Sau đây là một số tác phẩm tiêu biểu đã được biên tập hoặc dịch thuật:
1. Pajjamadhu, gồm 102 bài kệ (thơ) chủ yếu ca ngợi đức Phật, Tăng đoàn và sự chứng ngộ Niết bàn của ngài.
2. Telakatàhagàtha, gồm 98 bài kệ thiên về mô tả giáo lý Phật giáo.
3. Jinacarita, tác phẩm gồm 449 bài kệ diễn tả sự nghiệp của đức Phật khởi sự từ thời Phật Nhiên Đăng (Dìpankara).
4. Jinàlànkàra, gồm 241 bài kệ tập trung diễn tả về hạnh nguyện của đức Phật.
5. Sàdhucaritodaya, tác phẩm gồm 1432 bài kệ nói về các thiện nghiệp mà người ta đã làm trong quá khứ.
6. Saddhammopàyana, gồm 629 vài kệ ca ngợi về Diệu pháp (Saddhamma).
XII: Các tác phẩm vũ trụ học và ngữ pháp Pàli:
Sau cùng, một số tác phẩm thiên về mô tả các cảnh giới hay vũ trụ học được biên soạn hoặc chuyển dịch từ Sanskrit bởi các nhà thông thạo Pàli cùng với một số lượng lớn các tác phẩm ngữ pháp đánh dấu sự nỗ lực lớn của các chuyên gia Pàli về phương diện ngôn ngữ học đã góp phần làm cho kho tàng văn liệu Pàli càng thêm phong phú và đồ sộ.
(1). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. I, tr. 18.
(2). M. Bode, Pàli Literature of Burma, tr. 4 f; Wilhelm Geiger, Pàli Literature and Language, tr. 26.
(3). Bhikkhu Bodhi, The connected Discourses of the Buddha, tr. 26.
(4). Panca Nikàya, 5 bộ kinh hay 5 tuyển tập Kinh tạng. Theo T. W. Rhys Davids, cựu chủ tịch sáng lập Hội đồng Kinh tạng Pàli (Pàli Text Society), panca-nikàya, như một thuật ngữ thường dùng của tác phẩm văn học, được áp dụng nhằm nêu trỏ các thánh kinh Phật giáo và chỉ ngụ ý các thánh kinh Phật giáo mà thôi. (Xem T. W. Rhys Davids, Buddhist India, tr. 168.)