Tam Luận tông, dựa vào ba bản dịch của thầy Cưu-ma-la-thập tam tạng “Trung Luận”, “Thập Nhị Môn Luận” của thầy Long Thọ và “Bách Luận” của thầy Đề-bà mà có tên là Tam Luận. Vào đầu thế kỷ thứ V SCN, thầy La-thập được vua Dao Hưng thỉnh về Trường An tôn làm quốc sư, chuyên phiên dịch kinh điển. Lúc đó, tất cả các pháp sư ưu tú ở Nam Bắc, đều hâm mộ danh đức kéo nhau về Trường An, theo thầy học tập phương pháp giải thoát của Phật-đà và trợ giúp thầy phiên dịch kinh điển. Trong số tác phẩm dịch thuật của thầy, bao quát cả Đại thừa và Tiểu thừa, tam tạng kinh-luật-luận, cho nên thầy không phải là học giả chỉ chuyên hoằng dương một pháp môn nào đó, mà là vị tăng lỗi lạc thông suốt toàn thể Phật pháp. Nhưng giáo học chính của thầy, chính là kinh luận Bát-nhã, đặc biệt là luận của thầy Long Thọ và Đề-bà. Tông Tam Luận sau này, có thể nói nguồn gốc bắt đầu từ sự phiên dịch và hoằng truyền của thầy La-thập; nhưng vào thời thầy, chẳng có ý nghĩa phân biệt phái Tam Luận tông, điều này nhất định chúng ta phải am tường.
Sau khi thầy La-thập trở về (thị tịch), tiếp theo là loạn vong Dao Tần. Chúng đệ tử của thầy, mỗi người đem những kinh luận thầy đã dịch (trong số đó có cả Tam Luận), phân chia đi khắp nơi hoằng truyền. Do sở thích và thể ngộ khác nhau, cho nên giáo học của thầy được phát triển và hình thành không giống nhau. Trong số đó, thầy Tăng Triệu, người đã theo thầy La-thập suốt mười mấy năm, được xem “giải không đệ nhất”, bất hạnh mãn phần sớm. Hoằng truyền về hướng Đông Nam, như Tăng Tung ở Bành Thành, Tăng Đạo ở Thọ Xuân, đều chú trọng “Thành Thật Luận”. Tăng Duệ đến Giang Nam, xem trọng Pháp Hoa, lại tín thọ giáo thuyết Niết-bàn thường trụ. Đặc biệt thầy Đạo Sinh, một mình nắm giữ cơ vận, hết sức khế hợp với Phật tính của Niết-bàn. Dưới tuệ quán của các thầy, cộng thêm tâm nhiệt huyết phiên dịch và hoằng truyền kinh điển, kiến lập thuyết phán giáo ở phương Nam hai giáo Đốn, Tiệm, dần dần chia ra làm năm thời, cùng đều qui về Pháp Hoa, Niết-bàn. Cho nên, công tâm mà nói, giáo học chính của thầy La-thập Bát-nhã và Tam Luận, nói gì thì nói, trên thực tế điều này chẳng được chú trọng. Thời nhà Tống, xem trọng đốn ngộ và Niết-bàn; thời nhà Tề, hoằng dương và xem trọng Thành Thật Luận; đến triều Lương, càng trở thành thời đại hoàng kim của luận Đại thừa. Bát-nhã chân không, lấy pháp môn Tam Luận làm trung tâm, hầu như bị cho vào kho tàng của sự quên lãng.
Trong quá trình phát triển của Phật giáo như vậy, đầu tiên phát dương Cổ Nghĩa Quan Hà (thời đại của thầy La-thập), hưng khởi tông phong Tam Luận, do Đại sư Tăng Lãng ở Liêu Đông giữa Tề và Lương. Lúc đó, Liêu Đông thuộc Cao Li, cho nên gọi “Cao Li Lãng”. Khoảng thời gian năm Kiến Võ nhà Tề (494-497 SCN), thầy Tăng Lãng đến Giang Nam, được xưng “Hoa Nghiêm, Tam Luận, tối sở mệnh gia”. Vào những năm cuối đời ẩn cư ở Nhiếp Sơn (núi Lâu Hà), tùy theo căn cơ giáo hóa, chỉ dạy, chuyên ròng chỉ quán. Vua Lương Võ Đế phái Tăng Thuyên và mười vị khác, đến bái thầy học Tam Luận, Tam Luận được thầy Tăng Thuyên thừa kế, rồi dần dần phát triển. Liên quan đến sự truyền thừa của thầy Tăng Lãng, người hợp thành của Tam Luận tông Đại sư Gia Tường, nói thầy học chính nghĩa với thầy La-thập, Triệu Sơn ở phương Bắc, trên thực tế sự truyền thừa này không được rõ ràng. Trong Tăng Truyện ghi: Tăng Lãng là đệ tử của thầy Pháp Độ ở Nhiếp Sơn; Pháp Độ là vị hành giả tinh thông Tịnh Độ tông. Trong Trung Luận Sớ Ký ghi: Thầy Tăng Lãng học pháp với thầy Đàm Khánh, có lẽ sử viết lộn Đàm Độ thành Đàm Khánh! Người gần miền Hoàng Dương, cho rằng Pháp Độ chính là luận sư Đàm Độ của tông Thành Thật. Nhưng theo học thuyết mà nói, đại nghĩa Tam Luận của thầy Tăng Lãng, khó khẳng định có phải được thừa kế từ pháp sư Pháp Độ hay không. Theo Bát Tông Võng Lược của thầy Ngưng Nhiên người Nhật ghi: Thầy Tăng Lãng thừa kế pháp môn của thầy Đạo Sinh và Đàm Tế, đây càng là truyền thuyết tưởng tượng không có căn cứ.
Sự thừa pháp Tam Luận học của thầy Tăng Lãng, tuy thiếu khuyết văn chứng minh, nhưng ít nhiều có thể thấy: Thầy đến phương Nam, phát huy rực rỡ. Đây là cách nói của “Tam Tông Luận”. Tam Tông Luận được Chu Ngung đời nhà Tề trước tác. Tam Tông là: Bất không giả danh tông, Không giả danh tông, Giả danh không tông. Trong luận, trước tiên ông dùng Bất không giả danh phá Không giả danh, thứ đến dùng Không giả danh phá Bất không giả danh, cuối cùng Giả danh không phá hai tông kia, thành lập Giả danh không làm chính tông của Đại thừa không nghĩa. Hoằng truyền Tam Luận Tông của Chu Ngung, có quan hệ với Trí Lâm người Cao Xương. Theo Lương Tăng Truyện, Trí Lâm truyện ghi: “Trí Lâm làm sáng tỏ nghĩa Nhị đế(1), khác biệt của tông Tam Luận. Lúc đó ông Chu Ngung người Nhữ Nam, trước tác Tam Tông luận, kế hợp với ý của Trí Lâm.” Trí Lâm gửi thư, xin Chu Ngung hãy công bố Tam Tông luận ra. Thư viết: “Nghĩa này (Tam Tông) vi diệu, chẳng phải tầm thường, ngôn từ tuyệt diệu. Lí thú cao thâm, sao lại giấu kín. Năm bần đạo 20, hiểu thấu được nghĩa này… khi còn ấu thơ thấy người già Trường An, phần lớn nói: Thù thắng vi diệu, mới có nghĩa này… truyền sang Giang Đông, quyết không thiếu người.” Tìm hiểu đệ tử của thầy La-thập, thầy Tăng Triệu được tôn “giải không đệ nhất”, có “bất chân không luận”, cũng chính Giả Danh Luận, là nghĩa chính của Tam Luận Không. Qua đây có thể thấy tông nghĩa xưa ở Trường An, rất ít người đủ khả năng lí giải, cái chỗ Phật giáo Giang Nam không biết đến. Mãi đến thời Trí Lâm, Chu Ngung, mới kết hợp với nhau cùng đề xướng tông phong. Trí Lâm chú giải bộ “Trung Luận” và “Thập Nhị Môn Luận”, có thể nói đây là tiếng nói đầu tiên hưng khởi Tam Luận tông. Thầy Trí Lâm là đệ tử của thầy Đại Lượng ở Quảng Châu (trong Tăng Truyện ghi là Đạo Lượng chùa Đa Bảo ở phương Bắc), thầy Đại Lượng nói Nhị đế làm giáo, cũng chính là chỗ đặc sắc của Tam Luận tông. Như vậy thấy được, nói thầy Đại Lượng và Trí Lâm (còn Chu Ngung), làm hưng khởi Tam Luận tông, có sức ảnh hưởng hết sức to lớn, thì ai cũng sẽ đồng ý.
Học giả Tam Luận cổ đại có truyền thuyết: Đại sư Tăng Lãng của Liêu Đông đến Giang Nam, truyền thọ nghĩa Tam Tông cho Chu Ngung, Chu Ngung mới làm thành “Tam Tông Luận”. Nhưng điều này khó có thể tin được. Chu Ngung mất trước năm Vĩnh Minh thứ 7 nhà Tề (489 SCN); Trí Lâm sau khi đắc pháp Tam Tông Luận, trở về Cao Xương, cũng mất vào năm Vĩnh Minh thứ 7. Tuổi tác của hai vị đó, đều có thể sánh với lão sư Pháp Độ thầy của Tăng Lãng, có khi lại còn lớn hơn (thầy Trí Lâm lớn hơn 38 tuổi)! Tăng Lãng đến phương Nam (năm Kiến Võ), Chu Ngung, Trí Lâm đều đã qua đời hết cả rồi! Cho nên, có thể nói thế này, thầy Tăng Lãng thọ nhận sự khai sáng luận nghĩa của Đại Lượng, Trí Lâm, Chu Ngung, rồi xiển dương một cách cao độ, như vậy mới hợp lí hơn.
“Trung Luận Sớ” ghi: “Giả danh không, vốn xuất phát từ Bất không chân luận của thầy Tăng Triệu.” Luận viết: Tuy không mà có… tuy có mà không. Tuy có mà không, gọi chẳng phải có; tuy không mà có, gọi chẳng phải không. Như vậy nếu chẳng không vật, vật chẳng thật vật, bởi vật chẳng phải vật, cái gì có thể là vật? Thầy Tăng Triệu cho vật chẳng phải chân vật, cho nên vật là giả vật, giả vật tức là không. Điều này so với Bất không giả danh và Không giả danh, xác thật không giống nhau. Nếu chiếu theo Trung Quán học của Tây Tạng, thế thì Bất không giả danh là phái Bất Cập, Không giả danh là phái Thái Quá, Giả danh không mới là chính nghĩa của Trung Quán. Nhưng thầy Tăng Triệu là Cổ Nghĩa Quan Hà, tức Giả là Không, chú trọng “Sơ trùng nhị đế” giả hữu làm tục, tức Không là Chân. Thầy Tăng Lãng (chiếu theo thầy Đại Lượng – Quảng Châu) lập Nhị đế làm giáo, có ý nghĩa đối trị của thầy. Các luận sư Thành Thật, đều nói “Có” là Tục đế, “Không” là Chân đế, xuất hiện ra kiến giải hai lí “Có và Không”. Cho nên theo “Trung Luận”: “Chư Phật dựa vào Nhị đế, nói pháp cho chúng sinh”, lập giáo Nhị đế. Nhị đế là phương tiện nhiếp hóa chúng sinh, nói “Có”, nói “Không”, đều chỉ mượn lối nói của thế tục mà thôi, thật sự không rơi vào bất nhị trung đạo của “Có” và “Không”. Điều này nói: Nhị đế là giáo, Trung đạo là lí, chính là “Trùng nhị đế thứ hai” lập trường “Có”, “Không” là tục, “Chẳng có”, “chẳng không” là chân. Cũng chính “Trung Giả nghĩa” của Có, Không là giả danh, chẳng có, chẳng không là chân. Do đó, Cổ Nghĩa Quan Hà và Nam độ tân thanh, tuy nghĩa thú bất đồng, mà lập thuyết thì không sai biệt gì lắm.
Thầy Tăng Thuyên, trú ở chùa Chỉ Quán – Nhiếp Sơn, cả đời không xuống núi, chỉ chuyên tâm vào giáo học tu trì. Hoằng dương “Hoa Nghiêm”, “Đại Phẩm”, “Tam Luận”… Chúng đệ tử thỉnh giảng kinh Niết-bàn, thầy luôn từ chối. Cuối cùng, chỉ giảng một bài kệ “Bổn hữu kim vô”. Trong chúng đệ tử của thầy Tăng Thuyên, có những vị rất nổi tiếng, như Hưng Hoàng – Pháp Lãng, Trường Can – Trí Biện, Thiền Chúng – Tuệ Dõng, Lâu Hà – Tuệ Bố. Đến đây, tông Tam Luận mới phát triển ra ngoài, vượt khỏi cánh cổng tam quan của nhà chùa xuống thành phố, từ đó chia thành hai phái sơn lâm và đô thị. Thầy Tăng Lãng và Tăng Thuyên ở Nhiếp Sơn, đều là giáo quán tổng trì, có thể nói chú trọng nơi hành trì. Truyền Tể nói: “Người đó (Đại sư Nhiếp Sơn) tĩnh lặng u mặc, tịch tĩnh vô vi, có dạy dỗ, khuyên nhắc điều chi, ít nói bằng lời, thường biểu thị nét mặt, chẳng động đến vật. Ý của thầy tuy thâm sâu, song lời nói lại hết sức bình dị.” Thầy Đạo Tuyên cũng từng xưng tán thầy Tăng Thuyên: “Tăng Thuyên ở Nhiếp Sơn, thọ pháp nơi Tăng Lãng, làm rõ điều huyền diệu, nhưng chỉ giữ lại Trung Quán. Thể hội lí phi tâm, lời nói có thể khế hợp được sao? Thấu rõ chỗ u huyền, thiền vị tương đắc.” Lại nói: “Thuyên công dạy: Pháp này tinh áo vi diệu, bậc trí có khả năng thực tập, có lòng mong cầu, xin nguyện chỉ dẫn. Kinh nói: Ta gặp những ai, ít nói kinh này; người đạt tới nơi thâm áo, thường ít dùng ngôn ngữ. Thuốc hay chữa lành bệnh, hãy gắng thực tập ngay.” Có thể thấy phong thái của Tam Luận học, vốn luôn chú trọng thực hành, chứ chẳng đặt nặng chuyên giảng nói suông. Tông này chủ trương như vậy, tự trong nó đã hàm tàng (ẩn chứa) trong mình năng lượng thâm hậu, dần dần phát triển thành tông lớn. Kế thừa tông phong của Nhiếp Sơn là Tuệ Bố, người thời bấy giờ xưng “Đắc Ý Bố”. Thầy “vui thích tọa thiền, xa rời ồn ào, náo loạn, nguyện không giảng thuyết, chỉ chuyên hộ trì.” Thầy từng đến phương Bắc, tham vấn thiền với thiền sư nhị tổ Huệ Khả, tổ khen ngợi thầy: “Những gì pháp sư chỉ dạy, có khả năng phá trừ ngã kiến của tôi, chẳng ai qua được!” Lại đến tham vấn với thiền sư Huệ Tư (thầy của Đại sư Trí Giả), ngày đêm miệt mài học tập, đàm luận, thiền sư Huệ Tư lấy thiết như ý gõ xuống bàn nói: “Vạn dặm không không, sánh không được với người trí đó.” Thầy cũng từng tham vấn với thiền sư Mạc rất khế hợp (tên tuổi của thiền sư Mạc chẳng thua kém gì thiền sư Huệ Tư, cũng chính là thầy của thiền sư Huệ Mệnh). Qua đây thấy, thầy Tuệ Bố duy trì được gia phong Nhiếp Sơn là cả vấn đề, biết hòa hợp, hỗ tương với Thiền tông và Thiên Thai tông.
Còn một phái khác: Sau khi thầy Tăng Thuyên trở về (thị tịch), Hưng Hoàng Lãng… ít nhiều có khuynh hướng hoằng truyền giáo học. Hưng Hoàng Lãng là đệ tử đắc lực nhất của thầy Tăng Thuyên! Thầy đến hoằng pháp ở Dương Đô 25 năm, đệ tử hơn ngàn vị, đệ tử ưu tú gọi là “Lãng môn nhị thập ngũ triết”. Trong suốt hơn 20 ròng rã ấy, thầy đã truyền tông phong Tam Luận tông khắp vùng Đại Giang Nam Bắc, cho đến Ba Thục, trở thành phái chủ yếu của Phật giáo đời Trần, điều này không thể không nói hết sức hi hữu! Hưng Hoàng tiếp nối tông nghĩa của thầy Tăng Lãng, Tăng Thuyên ở Nhiếp Sơn, viết bộ “Sơn Môn Huyền Nghĩa” (làm nền tảng cho bộ Tam Luận Huyền Nghĩa của Gia Tường), triển khai công việc phá tà hiển chính. Gia Tường dẫn thuật trong bộ sách của mình: “Những gì thầy nói khế hợp với lời đức Như Lai dạy, hiển bày ý chính của sơn môn. Thầy nói có hai người: Một là Thành Luận, hai là chê người học Tam Luận bất đắc ý.” (kì thật ngoài ra còn đả phá ngoại đạo và Tì-đàm, chẳng qua do chú trọng đến hai cái này mà thôi). Chê trách Thành Thật luận, chủ yếu là đoạn trừ những luận thuộc Tiểu thừa, nghĩa Không của Thành Thật, không giống với Đại thừa. Điều này đối với sự thịnh hành của Thành Luận Đại thừa triều nhà Lương, có tầm ảnh hưởng rộng lớn cả một vùng, thật sự khó phá, nhưng Thành Luận Đại thừa cũng nhanh chóng bị suy yếu. Lúc đó, pháp sư Đại Tâm Hạo, không đồng ý với cách đả phá, phê phán chư gia của môn hạ Hưng Hoàng, do đó viết bộ “Vô Tranh Luận”. Ngay lập tức Hưng Hoàng và đệ tử tại gia Truyền Tể viết bộ “Minh Đạo Luận”, để nói rõ không thể không nói chuyện này. Cho nên Lãng công được tôn xưng “Phục Hổ Lãng”, chính là nói rõ oai lực hàng phục tông phái này!
Hưng Hoàng Lãng, không chỉ chê trách chỗ được của Đại thừa, mà đối với đồng môn như Trường Can - Trí Biện, Thiền Chúng - Tuệ Dõng, cũng bị cho là “Trung Giả Sư(2)”, nghĩa là “người học Tam Luận không đắc ý”. Từ khi Lãng công phía Đông nhà Liêu thành lập “Nhị đế làm giáo”, tuyên nói giáo học Hữu Không (Vô) là giả danh, phi Hữu phi Không là Trung Đạo. Chấp vào chữ nghĩa, sẽ hiểu lầm rằng: Trung đạo của phi Hữu phi Không, vượt ra ngoài Hữu Không, giống như “đản trung” của tông Thiên Thai. Nhưng đây chắc chắn không phải là ý của thầy Lãng ở Nhiếp Sơn. Gia Tường Truyện nói Sơn Trung Sư (Chỉ Quán Thuyên): “Trung Giả Sư mắc tội nặng, vĩnh viễn không thể nào gặp được Phật!” Qua đây chúng ta thấy được, danh “Trung Giả Sư”, đã có từ lâu. Nhóm người Trí Biện, đặt nặng nơi sai biệt của Trung Giả, cho nên bị chê trách là Trung Giả Sư. Theo cách nói của Gia Tường, phi Hữu phi Không là thể của Trung, còn Hữu Không là dụng của Trung; phi Hữu phi Không là thể của Giả, còn Hữu không là dụng của Giả: Đánh tan chấp trước sai biệt của Trung và Giả. Theo cách nói của “Tứ trùng nhị đế(3)”, đây là thâm nhập vào “đệ tam trùng tứ đế” Hữu, Vô, phi Hữu phi Vô là tục đế; phi Hữu, phi Vô, phi phi Hữu phi Vô là chân đế. Tìm hiểu chủ ý của tông Tam Luận: Quan hệ của nhị đế là tức tục mà chân (tức chân mà tục); cái gọi tức tục mà chân đó, chính là “mẫn tuyệt vô kí(4)”. Nếu liễu rõ được ý này, thì Hữu là tục, Không là chân mà đức Như Lai nói, đã đạt đến mức của nó. Đây là loại thứ nhất của nhị đế, cũng có thể nói là căn bản của nhị đế. Nhưng có một số người, không thể hội được ý nghĩa của Nhị đế mà đức Thế Tôn nói, sinh ra chấp chân tục nhị đế, không dừng cũng không đoạn, do đó Đức Phật mới lại nói: Nói Hữu nói Không là Tục đế, phi Hữu phi Không là Chân đế (loại Nhị đế thứ hai). Nhưng phi Hữu phi Không ở đây, là Hữu Không tương tức mà mẫn tuyệt, chứ không phải rời xa Hữu Không, bởi rời xa Hữu Không thì chẳng có Hữu Không nào khác. Do chấp nơi tướng nên không tương tức bất đắc ý, vì vậy đức Như Lai không thể không nói loại Nhị đế thứ ba: Hữu, Không, phi Hữu phi Không là Tục; phi Hữu, phi Không, Phi phi Hữu phi Không là Chân. Nếu như vậy mà vẫn bất đắc ý, thì vô dụng hết chỗ nói. Tóm lại, hễ theo lời nói, suy nghĩ (rơi vào cảnh giới tương đối) là Tục đế; vong lời dứt bặt suy nghĩ là Chân đế. Tông Tam Luận kiến lập Tứ trùng nhị đế, thông qua kinh luận, để đối trị những người kiến chấp thời bấy giờ; cũng có thể dựa vào đây nói rõ trình tự phát triển học phái tông Tam Luận. Như Cổ Nghĩa Quan Hà, là loại đầu tiên của Nhị đế (theo giáo nghĩa loại này rất gần với thông nghĩa của tông Thiên Thai); Nam độ tân nghĩa của Nhiếp Sơn, là loại thứ hai của Nhị đế (theo giáo nghĩa loại này gần với biệt nghĩa của tông Thiên Thai); Viên trung viên giả của Hưng Hoàng trở về sau, là loại thứ ba của Nhị đế (theo giáo nghĩa loại này rất gần với viên nghĩa của tông Thiên Thai). Tuy trên phương tiện nói không giống nhau, song ý nghĩa của tông Tam Luận, trước sau nhất như.
Hoằng truyền Tam Luận của Hưng Hoàng Lãng, đặt nặng ở chỗ “phá tà hiển chính(5)”, ý nghĩa rất gần với “Trung Luận” “Thanh Mục Thích”. Phong thái của học phái phá tà hiển chính, đã phát huy một cách tận lực. “Trung Luận” mà Hưng Hoàng Lãng giảng nói, không giống Ngũ môn huyền nghĩa… của tông Thiên Thai, hình thành phương thức nhất định, mà là tùy theo căn cơ, phương tiện; sách sử ghi lại có hơn 30 cách. Nói rõ “Bát bất(6)” của “Trung Luận”, có ba cách nói (có thể được lưu truyền từ thầy Nhiếp Sơn), chú trọng nhất là cách đầu tiên “tẩy trừ phá hủy tất cả”. Trong Trung Luận Sớ ghi: “Thầy nói rằng: Nêu ra bát bất này, để nhiếp phục tất cả những người có sở đắc lớn nhỏ trong ngoài, tâm nghĩ, miệng nói, đều rơi vào tám việc này. Nay phá tám việc này, tức là phá tan tất cả những người có sở đắc lớn nhỏ trong ngoài này, cho nên nói là bát bất. Sở dĩ như vậy, bởi tất cả những người có sở đắc… vừa phát khởi tâm niệm, ngay tức khắc trong tâm liền phát sinh đầy đủ tám loại điên đảo này. Nay dùng tâm quán xét hết thảy, đưa tất cả sở đắc của tâm rốt ráo thanh tịnh, cho nên gọi là không sinh diệt, cho đến không đến không đi. Sư luôn thực hành ý này, cho nên như vậy, trước khi Tam Luận ra đời, thì những người của Tì-đàm, Thành Thật, có sở đắc về Đại thừa, cho đến Thiền, Luật, tu hành cần khổ, những người này đều có sở đắc. Sinh diệt đoạn thường, chướng ngại Trung đạo chỉ quán. Đã chướng ngại Trung đạo chỉ quán, cũng chính là chướng ngại giả danh nhân duyên vô phương đại dụng. Bởi khi đã phá và tẩy rửa sạch, đạt đến cứu cánh không còn rơi rớt, liền ngộ tướng chân thật. Một khi đã ngộ thể của thật tướng, tức thể hội giả danh nhân duyên vô phương đại dụng. Đãn phá bất lập của tông Tam Luận, tức phá vì hiển bày (cùng với Trung Quán truyền từ Tây Tạng sang kết hợp thành phái Tương Thuận), nếu trình bày bằng ngôn ngữ “nôn ra là luận”, chính là Trung Luận, hiển bày liễu bất cộng bát bất Trung đạo của thế gian. Như dụng công trên chữ nghĩa, rất dễ rơi vào cái hố của tranh đua phải trái, bị người hiểu lầm. Ngược lại ứng dụng vào tự tâm (quán sát trong tâm), chính là Trung Quán. Quán sát để phá trừ các loại kiến chấp của hết thảy sở đắc, chính là quán sát phá trừ các loại chấp trước trong tự tâm. Cho nên, phá riêng tất cả của Tam Luận, chính là “trách riêng tự tâm”. “Thắng Tu Kinh Bảo Quật” ghi: “Tiên sư hòa thượng Lãng (Hưng Hoàng Lãng), mỗi khi lên pháp tòa, đều dạy đồ chúng: Không được lấy lời nói làm giềng mối, mà hãy lấy tâm không chấp trước làm đầu.” Có thể thấy tuy khuynh hướng của Hưng Hoàng Lãng là biện luận khó khăn của luận lí, những điều phá trách của thầy, được xưng “phục hổ Lãng”, song lại hết sức chú trọng đến vô đắc chỉ quán của tự tâm, thừa kế mạng mạch của thầy Nhiếp Sơn.
Chỉ Quán Thuyên giải thích rõ ràng cho đệ tử, đắc ý nắm giữ vững, duy trì gia phong của Nhiếp Sơn, mà Hưng Hoàng Lãng lại là người phát quang Tam Luận, do đó được tôn xưng truyền nhân của Chỉ Quán Thuyên. Giống như vậy, đệ tử của Hưng Hoàng Lãng là Gia Tường Cát Tạng xiển dương giáo nghĩa học vấn của Tam Luận một cách rực rỡ; mà người có khả năng giữ vững tông phong của Nhiếp Sơn, lại là pháp sư Mao Sơn Minh. Thầy là bậc đại trí giả ngu, ở dưới trướng của Hưng Hoàng, được xưng “sáng của ngu si”. Khi thầy Hưng Hoàng thị tịch, truyền trao trọng trách lãnh đạo học chúng cho thầy. Thầy Minh “ngày đó bái biệt thầy Hưng Hoàng Lãng, dẫn chúng vào Mao Sơn, nguyện cả đời không rời chân khỏi núi nửa bước”, rõ ràng là phong cách của Nhiếp Sơn! Đệ tử của thầy Minh, như Tuệ Hạo, Tuệ Lăng, Pháp Mẫn…, đều là những nhân vật kiệt xuất, đặc biệt thầy Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu. Thầy Pháp Dung là Ngưu Đầu thiền phong (thầy sáng lập thiền phòng). Không cần hỏi thầy có phải là người nhận sự giáo hóa phong cách thiền của Tứ tổ hay không, mà nhìn vào đồ chúng thì biết, nói chung, học chúng của Ngưu Đầu sơn, có quan hệ hết sức gần với Thiền tông, do đó được mọi người gọi là một phái của Thiền. Đồ đệ của Hưng Hoàng Lãng, còn có Trí Khải, thầy từng tham học thiền quán với Đại sư Trí Giả tông Thiên Thai, cho nên thầy là người có quan hệ với hai tông phái Tam Luận và Thiên Thai. Thầy đến Lô Sơn, kiến tạo chùa Đại Lâm, “hơn 20 năm chân không rời núi, thường xuyên thiền định”. Tứ tổ Đạo Tín của Thiền tông, trước khi đến núi Song Phong, thầy từng trú ở chùa Đại Lâm 10 năm. Điều này đối với môn phong của Trí Khải, không thể nói không có ảnh hưởng. Căn bản Thiền của tổ sư Đạt-ma là dùng kinh Lăng-già để ấn tâm, sau đó biến hóa thành Bát-nhã, thật đạo vào phương Nam, được sự tô điểm của Bát-nhã Tam Luận. Qua đây chúng ta thấy, đồ đệ của thầy Hưng Hoàng rất chú trọng thiền quán, hết sức khế hợp với Thiên Thai và Thiền tông; cũng có thể thấy tông Tam Luận, không chỉ là sự hoằng truyền của giáo học.
Người phát quang nghĩa học của Tam Luận, chính là Đại sư Gia Tường Cát Tạng. Năm thầy lên 7, phát nguyện nương theo thầy Hưng Hoàng Lãng xuất gia. Thầy Hoàng Lãng thị tịch vào năm Trần Thái Kiến thứ 13 (581 SCN), lúc này thầy Cát Tạng chỉ mới có 32 tuổi. Thầy là người tuổi trẻ tài cao trong số môn hạ của thầy Hoàng Lãng, nhưng thầy không phải là người được truyền thừa chính tông Tam Luận. Mãi đến khi “nhà Tùy diệt 100 năm” (589 SCN), thầy Cát Tạng đến ở chùa Gia Tường – Hội Khể, trước tác bộ “Pháp Hoa Huyền Luận”. Đến cuối năm Khai Hoàng, vua Tấn thỉnh thầy vào đạo tràng Tuệ Nhật ở Dương Đô, thầy tuân lệnh trước tác bộ “Tam Luận Huyền Nghĩa”. Không lâu sau, đến miền Bắc Trường An, ở chùa Nhật Nghiêm. Thầy lưu lại Trường An hơn 20 năm (khoảng năm 601-623 SCN), thị tịch vào năm Võ Đức thứ sáu nhà Đường.
Tông Tam Luận, không phải hạn cục trong sự nghiên cứu tìm cầu ba bộ luận. Tam luận là những bộ luận thông cả cho hệ thống tư tưởng Đại thừa (Trí Luận là một luận khác, có văn cú và nghĩa lí khác nhau, nếu hợp chung lại gọi là tứ luận); tông Tam Luận lấy ba bộ luận làm nền tảng giải thích tất cả nghĩa lí kinh điển Đại thừa. Cho nên học giả Tam Luận, đối với “Đại Phẩm” (Bát-nhã), “Duy Ma”, “Pháp Hoa”, “Hoa Nghiêm kinh”…, đều ra sức hoằng dương. Đứng trên lập trường dùng ba bộ luận làm nền tảng giải thích tất cả nghĩa lí của kinh điển, Đại sư Gia Tường (Cát Tạng) càng có sự phát triển lớn hơn, chủ yếu cùng với sự thông suốt duy tâm Đại thừa. Tại Ấn Độ, Không tông của Bồ-tát Long Thọ và Hữu tông (Duy Tâm Luận) của thầy Vô Trước, Thế Thân, có sự tranh luận; tại Trung Quốc, cũng từng phát sinh tình trạng như vậy. Chân Đế Tam Tạng tại Quảng Châu, dịch luận điển của thầy Vô Trước, Thế Thân “Nhiếp Đại Thừa Luận”, “Chuyển Thức Luận”… Lúc bấy giờ (năm Đại Quang thứ hai), môn hạ của thầy Chân Đế, muốn thỉnh thầy đến Dương Đô. Lúc đó, chư đại đức ở Dương Đô, chủ yếu là học giả Tam Luận Hưng Hoàng Lãng…, viết tấu dâng Trần Đế xin hãy khước từ thầy, lí do: “Dịch phẩm của chúng tăng ở Lĩnh, phần lớn làm sáng tỏ Vô Trần Duy Thức. Lời nói theo lối trị thuật, nguy hại đến vận nước; không lo ngừa trước, hối hận không kịp.” Do đó, Duy Tâm Đại Thừa của thầy Chân Đế, không thể lưu truyền vào triều đại nhà Trần. Nhưng lúc Gia Tường đến Trường An, Nhiếp Luận tông đã lưu nhập vào phương Bắc, vả lại còn phát triển mạnh; bên cạnh đó còn có Thập đại luận sư(7). Tiếp xúc với học vấn rõ ràng của Duy Tâm Đại Thừa, thầy Gia Tường liền nương tựa ngay vào tông nghĩa Nhiếp Luận của thầy Chân Đế, vả lại còn hết sức thông suốt. Thầy Gia Tường ứng dụng “phương tiện duy thức” và “chính quán duy thức” của Thập Bát Không Luận(8), cho rằng vô cảnh duy thức là phương tiện, còn mọi thứ vô sở đắc của tâm cảnh là chính quán. Đây là chứng minh tông cực của vô cảnh duy thức và nghĩa Không rốt ráo nhất trí của Bát-nhã. Đặc biệt trong phẩm Phá Trần của Bách Luận Sớ, tăng thêm “Phá Trần Phẩm Yếu Quán”, phát huy sự tương thông nghĩa Không của thuyết Vô Trần và Tam Luận. Chính quán duy thức của Chân Đế, vốn chính là Chứng duy thức tính của thầy Huyền Trang truyền lại, nhưng thầy Chân Đế lại gọi nó là A-ma-la thức(9), hoặc tự tính thanh tịnh tâm. Do đó, thầy Gia Tường viết bộ “Thắng Tu Kinh Bảo Quật”, thông suốt tông nghĩa của Như Lai tạng(10) và Tự tính thanh tịnh tâm. Không chỉ như vậy, Gia Tường còn dẫn dụng bản dịch (hiện tại đã bị thất lạc) của thầy Chân Đế, Trung Luận Thích của thầy La-hầu-la - lấy thường lạc ngã tịnh giải thích bát bất. Như vậy, bát bất trung đạo của Bồ-tát Long Thọ, thấu suốt đại Niết-bàn của kinh Niết-bàn (Thắng Tu kinh). Kinh thầy Chân Đế dịch là “vô thượng y kinh”, làm sáng tỏ Như Lai giới (tên gọi khác của Như Lai tạng); “Phật Tính Luận” nói Phật tính (Lặc-na-ma-đà dịch là Bảo Tính Luận), đều nói đến: Bốn loại người - xiển-đề, ngoại đạo, Thanh văn, Độc giác; trừ bốn chướng ngại - ghét Đại thừa, ngã kiến, sợ sinh tử, không vui với việc tốt của người; tu tập bốn loại nhân - tin thọ vui vẻ với pháp Đại thừa, vô phân biệt trí(11), phá hư không tam-muội, đại bi; thành bốn quả Ba-la-mật thường, lạc, ngã, tịnh. Thầy Gia Tường dẫn thuyết bát bất của Ba-la-mật, hoàn toàn tương đồng. Đây là pháp môn Như Lai tạng, quả thật có lối giải thuyết Trung Luận Thích bát bất hay không? Song, đích thật thầy Gia Tường có dẫn dụng tác phẩm dịch của thầy Chân Đế như thế, làm cho thông suốt bát bất trung đạo của Tam Luận và thuyết đại Niết-bàn của Như Lai tạng, thường lạc ngã tịnh. Bởi vì, thầy Thuyên không chịu rộng giảng nói kinh Niết-bàn, thầy Gia Tường liền viết bộ “Niết-bàn Kinh Du Ý” gửi thầy. Tóm lại, thời đại hoàng kim của Duy tâm và Niết-bàn, trong đó thầy Gia Tường là vị có công lớn của tông nghĩa Tam Luận, dẫn dụng luận của thầy Chân Đế, nỗ lực dung thông tất cả lại với nhau! Vào những năm cuối đời ở tại Trường An, do phương Bắc hết sức coi trọng kinh Pháp Hoa, thầy cũng giảng nói kinh Pháp Hoa, vả lại dựa vào Pháp Hoa Luận của thầy Thế Thân để giảng thuyết. Cho nên đến thời của thầy Gia Tường tông Tam Luận, đã vượt xa nghĩa ban đầu của thầy Nhiếp Sơn, trở thành Tính không và Duy tâm, dung nhiếp thông suốt giáo học! Tông Tam Luận của Đại sư Gia Tường, là học phái tổng hợp Phật giáo Trung Quốc.
Vào giai đoạn hưng thịnh của nhà Đường, tông Tam Luận thuận theo đạo lí “thịnh giả tất suy”, cộng thêm sự xoay chuyển của bánh xe thời gian, cho nên nó bắt đầu suy yếu! Một phần vì học giả trung thành của chỉ quán, thân cận với thiền phong của Đạt-ma tổ sư, phần lớn đều bị Thiền tông thu phục. Một phần vì học giả của giáo học, phần lớn đã đánh mất đi phong cách ban đầu của thầy Nhiếp Sơn (Đại sư Gia Tường cũng không ngoại lệ), rơi vào Thành luận Đại thừa sư(12), giẫm lên vết xe đổ của biện luận huyền bí. Nghĩa học(13), vốn là đô thị của Phật giáo. Tông Tam Luận thịnh hành ở đời Trần vùng thượng hạ Trường Giang, song chỉ cực thịnh được một thời gian, do nhà Lương, Trần bị sụp đổ, trung tâm chính trị phương Bắc biến đổi, dần dần bị suy yếu và biến mất (tông Thiên Thai cũng suy yếu vào thời kì này). Truyền đến phương Bắc, biến phương Bắc thành vùng của Duy Tâm Đại Thừa, không chỉ có Nhiếp Luận và Địa Luận cổ xưa, tiếp thọ duy thức của thầy Huyền Trang, mà trong đó có Hoa Nghiêm của Hiền Thủ. Chú trọng của học Tam Luận “Cực vô sở trụ”, đối với đặc chất không lập đãn phá, lại không có tổ chức lí luận nghiêm mật, trước khi lấy nghiêm mật kiến xưng Duy Tâm Đại Thừa, hiển nhiên tông này không tránh khỏi sự khó khăn thiếu khuyết khi hoằng truyền. Cho nên, tổng hợp giáo quán Tam Luận, tự có tinh nghĩa độc đáo của thầy! Như trình bày từng vấn đề một cách nghiêm mật, thực tập tinh cần, thế thì sẽ mãi mãi sáng rực khắp pháp giới. Nhưng lúc đó, giáo và quán, có sự phân li nghiêm trọng, thế làm sao có thể tồn tại và đồng hành cùng các tông phái khác được! Đến khi Hội Xương pháp nạn(14) trở về sau, tông Tam Luận biến mất khỏi giới trường Phật giáo Trung Quốc!
(1). Nhị đế (二諦): Chân đế và Tục đế.
a. Chân đế: Tiếng Phạn Paramārtha-satya, cũng gọi Thắng nghĩa đế, Đệ nhất nghĩa đế. Chỉ lí chân thật bình đẳng mà Thánh trí nhận biết.
b. Tục đế: Tiếng Phạn Saṃvṛti-satya, cũng gọi Thế tục đế, Thế đế. Chỉ cho sự tướng thế gian mà mê tình nhận biết.
Ý nghĩa Nhị đế trong các kinh luận Đại, Tiểu thừa không đồng nhất.
(2). Trung giả sư (中假師): Các sư thuộc phái Trung Giả, tông Tam Luận do thầy Pháp Lãng, Cát Tạng phán lập.
Thầy Cát Tạng cho rằng thầy Huệ Tĩnh học trò thầy Tăng Thuyên là Trung giả sư; thầy Đạo Tuyên cho thầy Trí Biện, Tuệ Dõng học trò thầy Tăng Thuyên là Trung giả sư. Trung giả nghĩa là trung đạo chân thật và giả pháp phương tiện, là từ ngữ đối xứng với các chấp trước “Giả hữu vô” và “Trung phi hữu phi vô”.
(3). Tứ trùng nhị đế (四重二諦): Bốn lớp chân đế, tục đế do tông Tam Luận lập ra. Lớp Nhị đế thứ nhất lấy “Hữu” làm Tục đế, lấy “Không” làm Chân đế. Lớp Nhị đế thứ hai lấy Hữu, Không làm Tục đế, lấy Phi Hữu phi Không làm Chân đế. Lớp Nhị đế thứ ba lấy Nhị bất nhị làm Tục đế, lấy Phi nhị phi bất nhị làm Chân đế. Lớp Nhị đế thứ tư lấy ba loại Nhị đế trước làm Tục đế, lấy ngôn vong lự tuyệt làm Chân đế.
(4). Mẫn tuyệt vô kí (泯絕無寄): Các pháp đối đãi như phàm thánh, mê ngộ, oán thân… đều như mộng huyễn, nên phải thoát li mọi chấp trước, xa lìa điên đảo, đối với tất cả các pháp đều vô ngại, hiểu rõ xưa nay vốn vô sự, chứng đắc giải thoát.
(5). Phá tà hiển chính (破邪顯正): Phá bỏ tà kiến, hiển bày chính lí.
Các hiện tượng trong vũ trụ, các pháp vô lượng vô biên, nhưng nói chung không ra ngoài hai thứ Tà và Chính. Người mắc kẹt vào đường tà thì trôi lăn trong cõi tối tăm; người thông suốt được con đường chính thì dạo chơi ở cõi sáng sủa. Vì thế những bậc thánh hiền đời trước dùng lòng thương xót phá dẹp tà thuyết, hiển bày chính lí để thấu suốt đại sự, chuyển mê khai ngộ.
Các tông phái Phật giáo đều lấy phá tà hiển chính làm ý chỉ chủ yếu. Nhưng tông Tam Luận đặc biệt chú trọng việc phá tà hiển chính. Chủ thuyết của tông này khác với các tông khác. Lí thuyết chung của các tông đối với tà đạo là phải bài bác, đối chính lí cần phải làm cho sáng tỏ, do đó ngoài việc phá tà cần phải hiển chính. Tông Tam Luận thì chủ trương lập và phá đồng thời, nghĩa là phá tà tức đã hiển chính, ngoài việc phá tà không cần có hiển chính riêng. Đả phá các luận tà thuyết đạo, tà kiến, tà chấp… thì Trung đạo, chân lí thật tướng của các pháp tự nhiên hiển bày. Đồng thời tông này cho rằng các tông khác ngoài việc phá tà còn có hiển chính riêng thì hiển chính trở lại thành thiên chấp, phá tà của người khác mà mình cũng bị rơi vào tà. Do vậy, không được gọi là Chân phá tà.
Theo Tam Luận Huyền Nghĩa của thầy Gia Tường thuộc tông Tam Luận, phá tà hiển chính có 4 loại: Phá chẳng thâu, Thâu chẳng phá, Cũng phá cũng thâu, Chẳng phá chẳng thâu. Loại thứ 4 là phương pháp đúng để phá tà hiển chính.
(6). Bát bất (八不): Hay còn gọi là Bát bất trung đạo, Vô đắc trung đạo.
Bát bất tức là Trung đạo; tức ngăn chặn tám loại chấp trước: Sinh diệt, thường đạo, nhất dị (một, khác), lai xuất (đến, đi), để phát khởi lí Trung đạo vô sở đắc. Đây là một trong các pháp luận lí trọng yếu của học phái Trung Quán thuộc Phật giáo Đại thừa cổ đại ở Ấn Độ và của tông Tam Luận ở Trung Quốc. Ý nói: Muôn pháp trong vũ trụ đều do nhân duyên tụ tán mà phát sinh hiện tượng sinh diệt, nhưng thật ra không có gì sinh, không có gì mất đi. Nếu nói có sinh hoặc có diệt thì nghiêng về một bên; do lìa hai bên nên nói bất sinh bất diệt. Đây là lí Trung đạo.
(7). Thập đại luận sư (十大論師): Mười vị luận sư chú thích bộ Duy Thức Tam Thập Tụng của thầy Thế Thân. Đó là:
1. Hộ Pháp: Tiếng Phạn Dharmapāla, âm tiếng Hán đọc là Đạt-ma-ba-la.
2. Đức Huệ: Tiếng Phạn Guṇamati, âm tiếng Hán Lũ-noa-mạt-để.
3. An Huệ: Tiếng Phạn Sthiramati, âm tiếng Hán Tất-sĩ-la-mạt-để.
4. Thân Thắng: Tiếng Phạn Bandhuśri, âm tiếng Hán Bạn-đồ-thất-lợi.
5. Hoan Hỉ: Tiếng Phạn Nanda, âm tiếng Hán Nan-đà.
6. Tịnh Nguyệt: Tiếng Phạn Śuddhacandra, âm tiếng Hán Tuất-đà-chiến-đạt-la.
7. Hỏa Biện: Tiếng Phạn Citrabhāna, âm tiếng Hán Chất-đát-la-bà-noa.
8. Thắng Hữu: Tiếng Phạn Viseṣamitra, âm tiếng Hán Tì-thế-sa-mật-đa-la.
9. Thắng Tử: Tiếng Phạn Jinaputra, âm tiếng Hán Thần-na-phất-đa-la.
10. Trí Nguyệt: Tiếng Phạn Jñānacandra, âm tiếng Hán Nhã-na-chiến-đạt-la.
Về việc lập nghĩa, các luận sư nói trên đều có nhiều điểm khác nhau, đối với Chủng tử luận, thầy Nan-đà chủ trương thuyết Tân Huân, thầy Hộ Nguyệt (ngoài thập đại luận sư) chủ trương thuyết Bản Huân, thầy Hộ Pháp thì chủ trương thuyết Bản Hữu Tân Huân Hợp Sinh. Đối với thuyết Tứ Phần thì thầy Hỏa Biện và Trần-na (ngoài thập đại luận sư) cùng lập thuyết Tam Phần, thầy Thân Thắng, Đức Huệ đề xướng thuyết Nhị Phần, thầy An Huệ lập thuyết Nhất Phần, thầy Nan-đà, Tịnh Nguyệt… chủ trương thuyết Nhị Phần.
Trong hai luận điểm nói trên thì thuyết của hai thầy Hộ Pháp và An Huệ có sức thuyết phục nhất, đời sau cũng lần lượt được thầy Huyền Trang, Chân Đế truyền đến Trung Quốc. Theo truyền thuyết luận Thành Duy Thức là tổng hợp các tác phẩm thích luận của 10 vị Đại Luận Sư, nhưng chủ yếu y cứ vào thuyết của thầy Hộ Pháp, là tác phẩm xiển dương hệ thống thầy Hộ Pháp.
(8). Thập Bát Không Luận (十八空論): Do thầy Chân Đế dịch vào đời Trần, Trung Quốc.
Nội dung luận đầu tiên giải thích rõ ý nghĩa 18 không, kế đến giải thích bảy chân như, nói rõ ý nghĩa chân thật của 10 thắng trí. Kì thật, luận này giải thích phẩm Tướng và phẩm Chân Thật tổng luận Trung Biên Phân Biệt của thầy Thiên Thân, do đó mà người lầm cho đây là tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ, song đến nay vẫn chưa thống nhất tác giải của nó là ai. Luận này ngoài việc bao hàm nội dung của luận Trung Biên Phân Biệt, các phần khác cũng rất quan trọng, nhất là về mặt phát triển Duy Thức Học.
(9). A-ma-la thức (阿摩羅識 tiếng Phạn là Amala-vijñāna): Hán dịch Vô cấu thức, Thanh tịnh thức, Như Lai thức.
Đây là thức thứ 9 do tông Nhiếp Luận, thuộc hệ phái của thầy Chân Đế lập ra. Mặt mũi xưa nay (bản lại diện mục) của con người vốn xa lìa mê lầm và tự thanh tịnh, nên tông Nhiếp Luận cho rằng: “Chuyển cái mê lầm của thức A-lại-da trở về thanh tịnh giác ngộ, tức là thức A-ma-la.”
Theo luận Tam Vô Tính nói rằng chỉ có thức A-ma-la là không điên đảo, không thay đổi, nên gọi như như.
Trong Duy Thức học, ngoài sáu thức, còn có thêm thức Mạt-na và A-lại-da gọi chung là 8 thức. Tông Nhiếp Luận, ngoài 8 thức còn lập thêm thức thứ 9 là A-ma-la; tông Địa Luận và tông Thiên Thai cũng theo thuyết này. Nhưng theo hệ thống lí thuyết của thầy Huyền Trang thì thức thứ 8 đã bao gồm cả mặt thanh tịnh, nên không cần lập thêm thức thứ 9. Còn Chân thức mà kinh Lăng-già đề cập đến chính là thức thứ tám.
(10). Như Lai tạng (如來藏 tiếng Phạn Tathāgata-garbha): Pháp thân Như Lai xưa nay thanh tịnh (tức tự tính thanh tịnh) ẩn tàng trong thân phiền não của tất cả chúng sinh, nhưng không bị phiền não làm ô nhiễm, bản tính xưa nay tuyệt đối thanh tịnh, viễn viễn bất biến.
Ngoài ra, giáo pháp nói về tất cả hiện tượng nhiễm ô và thanh tịnh đều duyên theo Như Lai tạng mà khởi, gọi là Như Lai tạng duyên khởi. Trong kinh luận thường dùng tư tưởng này để nói về ý nghĩa mê ngộ đối lập của con người.
Theo phẩm Như Lai Tạng, luận Phật Tính ghi: Tạng có ba nghĩa:
a. Sở nhiếp tạng: Thanh tịnh cả chúng sinh đều được thu nhiếp vào trong trí Như Lai.
b. Ẩn phú tạng: Pháp thân Như Lai bất luận là ở nhân vị hay quả vị đều chẳng thay đổi. Nhưng chúng sinh bị phiền não che lấp nên chẳng thấy được.
c. Năng nhiếp tạng: Quả đức Như Lai đều thu nhiếp trong tâm phàm phu.
Ngoài ra, theo phẩm Tự Thể Tướng, luận Phật Tính và chương Tự Tính Thanh Tịnh, kinh Thắng Man ghi: Tạng có 5 nghĩa: Tự tính, nhân, chí đắc, chân thật và bí mật.
a. Tự tính: Vạn hữu đều là tự tính Như Lai, đó là nói theo nghĩa tự tính, nên gọi Như Lai tạng.
b. Nhân: Tạng này là đối cảnh do Thánh nhân tu hành chính pháp sinh ra, đó là nói theo ý nghĩa trở thành nhân của cảnh giới, nên gọi Chính pháp tạng hoặc Pháp giới tạng.
c. Chí đắc: Tin tạng này có khả năng chứng đắc quả đức pháp thân Như Lai, đó là nói theo ý nghĩa chí đắc, nên gọi Pháp thân tạng.
d. Chân thật: Tạng này vượt ngoài tất cả mọi thứ hư ngụy của thế gian, đó là nói theo ý nghĩa chân thật nên gọi Xuất thế tạng, Xuất thế gian thượng thượng tạng.
e. Bí mật: Tất cả các pháp đều thuận theo tạng này thì được thanh tịnh, trái với tạng này thì thành nhiễm ô, đó là nói theo ý nghĩa bí mật, nên gọi Tự tính thanh tịnh tạng.
Năm tạng kể trên gọi là Ngũ chủng tạng.
(11). Vô phân biệt trí (無分別智 tiếng Phạn Nir-vikalpa-jñāna): Trí tuệ xa lìa tướng chủ quan, khách quan, đạt đến sự chân thật, bình đẳng. Tức trí tuệ của Bồ-tát khi ở Sơ địa và Kiến đạo, duyên chân như của tất cả pháp, xa lìa sự phân biệt năng thủ và sở thủ, cảnh và trí thầm hợp, bình đẳng không phân biệt, cũng tức là xa lìa những nhận thức thế tục phân biệt hư vọng như danh tưởng, khái niệm... chỉ biết như thật và vô phân biệt với Chân như. Trí này thuộc trí xuất thế gian và trí vô lậu, là tâm phẩm tương ưng với Phật trí. Trí này có ba loại khác nhau là: Gia hạnh, Căn bản và Hậu đắc.
a. Gia hạnh Vô phân biệt trí: Chỉ trí tuệ Tầm Tứ, là Nhân và Đạo quả.
b. Căn bản Vô phân biệt trí: Chỉ trí tuệ căn bản của sự chứng đắc, là Thể của Đạo quả.
c. Hậu đắc Vô phân biệt trí: Trí tuệ phát khởi công dụng nhờ sự quán chiếu, là Quả của Đạo. Trí tuệ này nhờ tu mà có được.
Vô phân biệt trí lấy tu tuệ làm thể, Bồ-tát ở địa vị Thập địa luôn luôn tu tập, đến Bát địa trở lên thì có thể nhậm vận tương tục.
(12). Thành luận Đại thừa sư (成論大乘師): Các học giả chủ trương luận Thành Thật do thầy Cưu-ma-la-thập dịch là bộ luận Đại thừa, đặc biệt chỉ cho các học giả học phái Thành Thật đời Lương thuộc Nam triều. Vì đại sư Gia Tường Cát Tạng thuộc tông Tam Luận, đại sư Thiên Thai Trí Khải cho rằng luận Thành Thật thuộc về bộ luận Tiểu thừa, cho nên gọi những vị chủ trương luận này thuộc về luận Đại thừa là Thành Luận Đại Thừa Sư, để biểu thị ý phê phán.
(13). Nghĩa học (義學): Học về lí luận và giải thích danh tướng. Như học luận Duy Thức, luận Câu-xá, phân tích danh mục và số lượng của các pháp tướng, qui định về tổ chức giai vị nhân quả tu hành và giải thích văn tự, chương cú. Đó cũng là học vấn có liên quan đến lí luận giáo nghĩa.
(14). Hội Xương pháp nạn (會昌法難): Sự kiện phế bỏ Phật giáo xảy ra trong niện hiệu Hội Xương (841-846) đời Đường Vũ tông – Trung Quốc.
Vua Vũ Tông vốn tin Đạo giáo, sau khi lên ngôi, vào tháng 9 năm Tân Dậu (841), vua cho mời 81 vị Đạo sĩ như Triệu Qui Chân… vào cung tu chỉnh Kim Lục Đạo Tu. Tháng 10 năm ấy, vua đến Tam Điện, lên Cửu tiên huyền đàn, đích thân nhận Pháp Lục. Tháng 6 năm Nhâm Tuất (842), vua cho mời Đạo sĩ Lưu Nguyên Tĩnh ở Hoàng Sơn vào cung, nhậm chức Ngân Thanh Quang Lục Đại Phu, Sùng Huyền Quán Học Sĩ và cùng với Triệu Qui Chân tu chỉnh Pháp Lục. Tháng 3 năm Quí Hợi (843), vua bổ nhiệm Triệu Qui Chân làm Tả Hữu Nhai Đạo Môn Giáo Thọ Tiên Sinh. Lúc ấy, vua đã có ý định muốn phế bỏ đạo Phật, nên ra lệnh cho Lưỡng nhai đạo môn tra lục lại sự hưng phế của đất nước từ khi có đạo Phật đến nay rồi trình lên vua, vua sắc lệnh cho Tăng (Phật giáo) và Đạo (Đạo giáo) biện luận với nhau ở điện Lân Đức. Sa-môn Tri Huyền lên tòa, trình bày căn bản của Đạo giáo, rồi chê bai chỉ trích. Vua không vui, tháng giêng năm Ất Sửu (845), vua cho xây lầu Vọng Tiên ở Nam Giao, triệu tập các Đạo sĩ để thưa hỏi về Tiên đạo. Bấy giờ, ông Triệu Qui Chân đặc biệt được vua ân sủng, kề cận bên vua, Gián quan nhiều lần dâng sớ nói về việc này. Ông Triệu Qui Chân biết được bèn tiến cử Đạo sĩ Đặng Nguyên Siêu ở núi La Phù và rước vào cung. Từ đó, các đạo sĩ này cùng mưu đồ hủy báng đạo Phật, nhiều lần thưa vua phế bỏ chùa chiền, thêm vào đó thừa tướng Lí Đức Dụ cũng hưởng ứng theo.
Tháng 4 năm này, vua sắc chỉ cho quan Từ bộ kiểm tra tất cả tự viện và tăng ni trong toàn quốc, tất cả có 44.600 ngôi chùa, hơn 265.000 vị tăng. Tháng 5, vua hạ chiếu cho Thượng đô và Đông đô mỗi nơi giữ lại 4 ngôi chùa, mỗi chùa để lại 30 vị tăng. Còn các châu quận cả nước, mỗi nơi giữ lại 1 ngôi chùa, chùa lớn 20 vị, chùa vừa 10 vị, chùa nhỏ 5 vị, còn bao nhiêu bắt phải hoàn tục. Các chùa còn lại đều bị phá hủy, chuông, khánh, tượng đồng đều giao cho quan Diêm Thiết sứ đúc tiền, tượng sắt thì giao cho địa phương đúc nông cụ, tượng bằng vàng, bạch ngân, du thạch (đồng có màu như vàng rồng)… thì cho nấu chảy để dùng vào việc khác. Ngoài ra, trong dân chúng có tượng Phật bằng vàng, bạc… phải nộp cho quan trong thời gian một tháng. Tháng 8 năm này, vua chính thức hạ chiếu phế bỏ Phật giáo.
Tháng 3 năm Bính Dần (846), vua lâm bệnh và băng hà. Vua Tuyên Tông lên ngôi, bắt 12 người như các ông: Qui Chân, Nguyên Tĩnh, Nguyên Siêu… hạ ngục, tháng 3 năm Đinh Mẹo (847), vua cho khôi phục các chùa trong nước. Người đời gọi vua Vũ Tông phế bỏ đạo Phật là pháp nạn Hội Xương.