MỤC LỤC
Lời người dịch
Sơ lược về tác giả
Phật pháp là ánh sáng cứu độ thế gian
Đức Phật thị hiện xuống nhân gian
Phương pháp hàng phục ma
Nam mô đương lai hạ sanh Di Lạc Tôn Phật
Đều đại hoan hỷ
Xưng tán và nương tựa Bồ Tát Quán Thế Âm
Thực tập pháp môn đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm
Thánh đức của Bồ Tát Địa Tạng và pháp môn thực tập của Ngài
I. Sùng kính của tăng tục Trung Quốc
II. Bồ-tát Địa Tạng ở Cửu Hoa Sơn
III. Danh đức của Bồ-tát Địa Tạng
IV. Công đức đặc thù của Bồ-tát Địa Tạng
V. Cứu độ chúng sinh không để đọa vào địa ngục
VI. Cứu độ chúng sinh đã đọa lạc
Sáng lập các tông pháp phật giáo Trung Quốc
Đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc
Tìm hiểu sơ lược Tam Luận Tông Phong
Luận Tam Thừa và Nhất Thừa từ tâm hành của học giả
Trung đạo Phật giáo
Hai đặc sắc lớn của học Phật
1. Thống nhất tín ngưỡng và lí trí
2. Dung hợp từ bi và trí tuệ
Tín ngưỡng giáo pháp và chứng pháp
Nghĩa không của đại thừa
Sắc chính là không, không chính là sắc
Giảng lược kinh Pháp Ấn
Luận điểm đặc sắc của nhân quả
Việc lớn sanh tử
Đường rộng lớn dễ làm
Nói pháp cư sĩ cho cư sĩ
Năm mới nên có quan niệm mới
Kỷ niệm Phật Đản, nói về hòa bình
Buông lo âu và khổ não
Tâm không khổ thực tập thân không khổ
Ý nghĩa nhân sinh ở đâu?
Chớ có hiểu sai về Phật giáo
I. Hiểu lầm từ giáo nghĩa của Phật giáo
II. Hiểu sai chế độ của Phật giáo
III. Hiểu sai nghi thức của Phật giáo
IV. Hiểu sai tình hình hiện tại của Phật giáo
Ai là đồ khờ
Con đường sai lầm của xinh đẹp và hiểm hóc
A. Tu trì ở tư thế đứng lặng yên
B. Tu trì theo phương pháp ngồi yên lặng
Xá lợi tử giải thích nghi nan
Vấn đề tượng Phật lớn của chùa Kim Long
Mạn đàm về Phật giáo Philippin
Phật giáo Thái Lan
I. Sơ lược Phật giáo Thái Lan .
II. Đặc sắc của Phật giáo Thái Lan
III. Tình hình chung của Phật giáo Thái Lan
Ý nghĩa và mục đích của Hải Triều Âm
Liên quan đến Hải Triều Âm
Hy vọng cũ trong năm mới
Nên có nhận thức về Phật hóa âm nhạc
Thọ giới đã khó, giữ giới càng khó hơn
Phật giáo và chính trị, kinh tế
Luận “Tây phương không phải nơi Bồ Tát nên đi”
Lịch sử “Phổ Đà Sơn chí kí”
Tu Di Sơn và Tứ Châu
LỜI NGƯỜI DỊCH
Nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc cũng như Đài Loan, người ta sẽ nghĩ ngay đến Đại sư Thái Hư (1889-1947) và Đại sư Ấn Thuận (1906-2005). Song, thầy không rầm rộ vận động cải cách Phật giáo như Đại sư Thái Hư mà thầy âm thầm dùng hết thời gian kiếp sống nhân sinh của mình, chú tâm nghiên cứu Phật pháp. Kết quả, thầy đã để lại cho Phật giáo chúng ta nhiều công trình nghiên cứu vĩ đại, có giá trị học thuật rất cao.
Với chủ trương không chịu ảnh hưởng truyền thống của một tông phái nào, thầy chỉ xiển dương, giải thích phương pháp giải thoát của Phật-đà một cách khách quan với một cái nhìn trong sáng, đối với Phật pháp, quyết chẳng bị sự câu thúc hẹp hòi thành kiến tông phái, mong muốn đứng trên lập trường thành ý bạn bè cầu sự chân thật. Do đó, trong các tác phẩm của thầy để lại đều có sự nghiên cứu tường tận về hết thảy các tông phái Phật giáo. Tất cả công trình nghiên cứu của thầy được tập hợp lại thành “Diệu Vân tập” (24 quyển) và “Hoa Vũ tập” (5 quyển).
Tập sách “Phật Pháp Là Ánh Sáng Cứu Độ Thế Gian” mà các vị đang cầm trên tay, được dịch trong Diệu Vân tập. Trong này không phải chỉ có một bài viết với tên “Phật Pháp Là Ánh Sáng Cứu Độ Thế Gian”, mà trong đó có rất nhiều bài viết cũng như bài giảng khác. Chúng ta sẽ được đắm mình trong từng con chữ từng con chữ hết sức tinh xảo và đầy ý nghĩa của thầy. Quả thật, tập sách này là chìa khóa cho những ai muốn tìm hiểu Phật giáo, là công trình nghiên cứu vĩ đại cho những ai muốn nghiên cứu giáo nghĩa thâm sâu của Phật-đà, song không phải bên trong lại thiếu khuyết nội dung tu tập, mà mỗi con chữ, mỗi lời nói đều được phát xuất từ năng lượng tu tập của thầy, nhất định chúng ta sẽ được tận hưởng vị ngọt cam lộ khi thực tập theo những gì thầy dạy.
Trong quá trình phiên dịch, tôi nhận thấy có một số danh từ Phật học rất quen thuộc với người học Phật nước ta không thể dịch ra nghĩa, do đó tôi để nguyên âm. Suy ta ra người, trước kia còn tại gia, mỗi khi đọc sách gặp những danh từ Phật học, song dịch giả không chú thích, tôi cảm thấy rất khó chịu, biết hỏi ai bây giờ, mà chắc gì họ làm mình thỏa mãn, còn tra cứu thì không có thời gian, cũng như phương tiện. Với thịnh ý đó, khi phiên dịch có những danh từ Phật học nào, tôi cố gắng chú thích bên dưới, biết rằng làm như vậy sẽ có người cho rằng đây là sách phần lớn để đọc bình thường chứ đâu phải sách nghiên cứu, tôi không cho như vậy, dù sách gì đi chăng nữa, đó cũng là những lời do chính kim khẩu của đức Như Lai và chư đại đức tăng nói ra, cũng đều hướng người đọc đến thiện lành, tịnh hóa ba nghiệp, thăng hoa cuộc sống, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nối gót Bồ-tát, bước lên quả vị Phật. Với tâm nguyện đau đáu “xin làm những việc nhỏ bé nhất, nhưng làm với tâm lượng rộng lớn”, tôi hi vọng các bạn sẽ cảm nhận được tấm lòng rộng lớn của tôi qua tập sách này.
Sau cùng ngưỡng nguyện hồng ân ba ngôi báu thùy từ gia hộ cho các bạn thân tâm an lạc, cuộc sống hạnh phúc. Nguyện đem công đức lành có được trong dịch phẩm này, trước hồi hướng đến hai đấng sinh thành và bà con quyến thuộc, bạn bè gần xa, sau rộng ra cho hết thảy pháp giới chúng sinh. Nguyện tất cả đều an lành trong giáo pháp giải thoát của đức Như Lai!
Nam mô A-di-đà Phật!
Saigon mùa Vu Lan báo hiếu 2008
Thích Đạo Quang cẩn chí
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ
Pháp sư Ấn Thuận (1906 ~ 2005) là vị học tăng của Phật gio hiện đại Trung Quốc. Người Hải Ninh tỉnh Chiết Giang. Thầy họ Trương tên Lộc Cần.
Thuở nhỏ thầy học Nho, nghiên cứu đạo gia, y học Trung Quốc và tôn giáo Tây phương.
Năm 20 tuổi thầy tình cờ đọc Trang Tử, thấy lời tựa của Phùng Mộng Trinh có câu: “Như vậy văn Trang Tử, với lời chú của Quách Tượng, phải chăng mở đường cho Phật pháp?...” Do đó, thầy muốn tìm hiểu Phật pháp. Năm 23 tuổi mẹ thầy bỗng nhiên lâm bệnh qua đời, gây một chấn động lớn trong tâm hồn thầy. Không lâu sau chú và cha ruột cũng lần lượt rời xa thầy, thầy cảm thấy nhân sinh thật vô thường và quyết chí xuất gia.
Năm 25 tuổi, thầy xuất gia ở am Phúc Tuyền núi Phổ Đà. Lạy Hòa thượng Thanh Niệm làm thầy, pháp danh Ấn Thuận, hiệu Thịnh Chính. Sau đó, thầy tôn trưởng lão Dục Sơn làm nghĩa sư và thọ giới cụ túc ở chùa Thiên Đồng. Thầy từng học ở Phật học viện Mân Nam, thầy chỉ học có một học kì, bởi thầy vừa chăm chỉ vừa thông minh, cho nên kết quả rất tốt và được đặc cách làm giáo thọ học viện. Thầy thường đến tham phỏng hòa thượng Hư Vân, luật sư Từ Châu và thân cận với Đại sư Thái Hư… Đồng thời thầy thường đến các nơi như Phổ Đà, Hạ Môn, Vũ Xương để giảng kinh dạy học.
Năm 1936 thầy xem Đại Tạng ở Phổ Đà Phật Đảnh Sơn, rồi lần lượt đến Hàng Châu, Tây Hồ, Dương Châu… gặp được Đại sư Thái Hư. Tiếp đó thầy đến Phật Học Viện Vũ Xương, Viện giáo lí Hán Tạng, rồi đến Học Viện Pháp Vương huyện Hợp Giang tỉnh Tứ Xuyên, lúc đó thầy 33 tuổi, thường thảo luận về nghĩa lí đạo pháp với pháp sư Pháp Tôn.
Năm 42 tuổi, thầy chủ biên bộ Thái Hư Đại Sư toàn tập ở chùa Tuyết Đậu. Năm 44 tuổi (1949), thầy rời Hạ Môn đến Hương Cảng (Hồng Kông), nhận chức Hội Trưởng Hội Liên Hiệp Phật Giáo Hương Cảng, kim Hội trưởng phân hội Hương Cảng và Macao của Hội Hữu Nghị Phật Giáo Thế Giới; ấn hành Phật Pháp Khái Luận tại Hương Cảng.
Năm 47 tuổi, theo lời mời của cư sĩ Tử Khoan và quyết nghị của hội Phật giáo Trung Quốc, thầy dự đại hội Phật giáo lần thứ hai ở Nhật Bản. Cũng năm nay thầy đến Đài Loan. Sau đó, nhận chức đạo sư chùa Thiên Đạo và chủ nhiệm tạp chí Hải Triều Âm ở Đài Bắc. Năm 48 tuổi thầy dự định lập tinh xá Phúc Nghiêm ở Hương Cảng, sau lại đổi ý, dời về xây cất ở bờ hồ Thanh Thảo, Tân Trúc, Đài Loan và định cư ở đó.
Năm 49 tuổi, theo lời mời của pháp sư Tính Nguyện, thầy đến hoằng pháp ở Phi Luật Tân (Philippin). Năm 51 tuổi thầy làm trụ trì chùa Thiện Đạo. Năm sau thầy rời chùa. Sau đó nhiều lần thầy đi hoằng pháp ở nước ngoài. Sau nữa thầy lập Phật học viện cho nữ giới ở Tân Trúc và giảng đường Tuệ Nhật ở Đài Bắc. Năm 1964, thầy lập Diệu Vân Lan Nhã ở Gia Nghĩa (嘉義), vào tháng 5 năm đó thầy đóng cửa tịnh tu ở đây. Năm sau, thầy nhận làm giáo giáo sư Triết học tại Học Viện Văn Hóa Trung Quốc (Đại Học Văn Hóa ngày nay). Năm 1974, thầy được đại học Taishị của Nhật Bản căn cứ vào bộ sách Trung Quốc Thiền Tông Sử, tặng học vị Tiến sĩ Văn học, thầy là vị tăng đầu tiên của Trung Quốc được nhận Tiến sĩ Văn học của Nhật.
Trong giới Phật giáo có những pháp sư theo thầy tu học và nổi danh như: Thường Giác, Diễn Bồi, Tuệ Minh, Như Tuấn… Không chịu ảnh hưởng truyền thống của một tông phái nào, thầy chỉ xiển dương, giải thích phương pháp giải thoát của Phật-đà một cách khách quan với một cái nhìn trong sáng. Thầy trực tiếp y theo kinh luận nguyên thỉ như A-hàm, Tì-đàm và cả kinh luận ba hệ Ấn Độ xưa là Không, Hữu, Chân thường mà tìm hiểu tinh nghĩa về Đức Phật và các vị Đại sư đời sau. Đặc biệt thầy rất thấu đáo về sở học Trung Quán của Bồ-tát Long Thọ. Có thể nói từ đời Tống đến nay, thầy có cống hiến rất lớn về việc nghiên cứu Trung Quán. Ngoài ra đối với Phật giáo Nguyên Thỉ, các bộ phái Phật giáo và lịch sử Thiền Tông Trung Quốc thầy cũng có công phu nghiên cứu tinh thâm. Riêng đối với Đại thừa Phật giáo Ấn Độ, thầy phân ra làm ba hệ lớn là: Tính không duy danh, Hư vọng duy thức và Chân thường duy tâm.
Đối với học thuyết xưa thầy có cái nhìn rất khác biệt, cho nên tác phẩm của thầy rất phong phú và rộng rãi như Duy Thức Học Thanh Nguyên, Tính Không Học Thám Nguyên, Nguyên Thỉ Phật Giáo Thánh Điển Chi Tập Thành, Trung Quốc Thiền Tông Sử... Phần lớn những ghi chép về việc hoằng pháp và trước thuật của thầy được gom lại thành Diệu Vân Tập 24 quyển.
Năm 2005, thầy thấy nhân duyên hóa độ chúng sinh đã mãn, nên thuận theo thế thường an nhiên trở về, tại Tân Trúc, Đài Loan, thị hiện trụ thế 100 tuổi đời, 75 hạ lạp.
(Phỏng dịch theo Phật Quang Đại Từ Điển và Trung Quốc Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư).