Tông phái của Phật giáo Trung Quốc tuy nhiều, nhưng không hoàn toàn bắt chước theo phía Tây (Ấn Độ), mà lấy tinh thần “hết sức rộng lớn mà vô cùng tinh vi, cực kì cao thâm mà dung hợp với trung đạo”, giúp hoằng dương, chỉnh sửa, phổ biến Phật pháp, trong số đó tông phái được dân chúng Trung Quốc sùng bái, kính ngưỡng nhất, chẳng phải xa lạ, Thiên Thai, Hiền Thủ, Thiền, Tịnh bốn tông.
Thiên Thai tông, vốn là thiền của Bát-nhã Trung Quán, thiền sư Tuệ Văn – Bắc Tề, khi đọc “Trí Luận” (tất cả trí được trong một lúc) và “Trung Luận” kệ pháp duyên sinh tức không, tức giả, tức trung, thể hội nhất tâm tam quán, viên dung tam đế, một lòng nương theo. Sau đó truyền cho Đại sư Trí Giả nhà Tùy, từ Thiền nói giáo, tông “Pháp Hoa”, “Niết-bàn”, tinh thông luận nhất đại thời giáo. Viên mãn đốn chỉ quán: Trăm giới thiên như, ba ngàn pháp, tức không, tức giả, tức trung, đầy đủ ở bên kia tâm vọng, gọi là một niệm ba ngàn. Nhưng tâm sắc học Bát-nhã vốn bình đẳng, cho nên thật là “một sắc, một hương, không chi không phải trung đạo”. Nhất đại thời giáo, chính là thời gian, phương thức và nội dung nói pháp, phán quyết là năm thời tám giáo(1). Lí nghiêm mật nhưng quán thông, từ trước đến sau! Viên mãn thuần khiết, đệ nhất vi diệu của kinh Pháp Hoa qui về tông này, nương vào kinh để làm rõ khai quyền hiển thật, khai tích hiển bổn, chỉ rõ cứu cánh phương tiện giáo hóa của đức Như Lai, bổn hoài xuất thế. Tông Thiên Thai đều coi trọng giáo quán, nâng đỡ Giới Luật, hoằng dương Tịnh Độ, sâu rộng mà hết sức bình dị, sự thuần khiết, to lớn của tông này, trở thành điểm đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc!
Hoa Nghiêm tông, vốn là thiền “Hoa Nghiêm” (Thập Địa) duy tâm. Nhà Tùy, Đường, các thầy Đỗ Thuận, Trí Nghiêm, từ thiền nói giáo, mở ra Hoa Nghiêm giáo quán. Khi pháp tạng của tông Hiền Thủ đoạn, tông này phát triển mạnh. Tông này làm sáng tỏ ngũ môn chỉ quán, lấy Hoa Nghiêm tam-muội (pháp giới quán) làm viên mãn tối cực. Pháp giới vốn trong một tâm: Tương tức tương nhập, sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận; “nhân cai quả hải, quả triệt nhân nguyên”. Nói rõ nghĩa này, tức sáu tướng(2), mười huyền môn(3). Vốn là thiền chân thường duy tâm, cho nên làm tuyệt đối duy tâm luận, lấy hiển hiện của tất cả nhất chân pháp giới tâm, có qua lại tương đối thâm thiết với Thiền tông. Phán chung nhất đại thời giáo(4), làm tam thời, ngũ giáo, thập tông; sự viên mãn, tự tại của tông này, giống như không dính líu gì đến tông Thiên Thai, kì thật chúng có quan hệ mật thiết không thể nghĩ lường được.
Đặc sắc của hai tông Thiên Thai và Hiền Thủ: (1) Vốn được phát triển từ thiền quán, (2) Tông chỉ ở khế kinh, (3) Chú trọng quán hành, (4) Tổng quát thánh giáo một đời, nghĩa lí và quá trình tu tập, cho tự biệt, phán biệt và quán thông; toàn thể Phật giáo, như tấm lưới được giăng lên, không gì có thể lọt ra ngoài, lấy điểm đích là phát triển phương pháp giải thoát cứu cánh vi diệu của Như Lai. Tất cả đặt vào tổ chức, cầu chân và quán hành. Tinh thần của Phật giáo Trung Quốc, có thể nắm bắt được ngay đây.
Thiền tông, tổ Đạt-ma truyền ở thời Bắc Ngụy, vốn là thiền chân thường duy tâm. Đánh bạt danh tướng, chỉ thẳng bổn tâm thanh tịnh của chúng sinh, tức tâm tức Phật. Học giả kính ngưỡng, thực tập tông này, bởi vì đây là tông do đức Như Lai truyền cho thầy Ca-diếp, truyền tâm ấn hết vị tổ này đến vị tổ khác. Lúc đầu lấy “Lăng-già” làm tâm ấn, người học phải kiêm thêm giữ văn tự. Đến thời Lục tổ Huệ Năng đời Đường, đắc pháp dưới trướng của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. “Tức tâm là Phật, vô tâm là đạo”; “duy chỉ rõ thấy tính”, khai sáng tông chỉ thiền phương Nam, phát triển rực rỡ ở Trung Quốc. Dưới Lục tổ có hai thế hệ là Nam Nhạc và Thanh Nguyên; đến cuối đời Đường chia thành năm tông: Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn và Tào Động. Thiền vốn là diệu ngộ của Bát-nhã, không đặt nặng văn tự, cho nên phong cách của thiền giả, mỗi thầy có chỗ truyền thừa và sở đắc khác nhau. Trong năm nhà, “Tào Động đinh ninh, Lâm Tế thế thắng, Vân Môn đột cấp, Pháp Nhãn xảo tiện, Qui Ngưỡng hồi hỗ!” Nội dung của thiền ngộ, tuyệt nhiên không sai khác. Nếu chấp trước vào phương tiện, liền che bít cửa ngộ, do đó thiền có sự sai khác: Lúc đầu đặt nặng cơ phong siêu Phật vượt tổ, thứ đến chuyển sang lấy xưa học xưa, sau cùng lại coi trọng tham thoại đầu. Không dự vào lập quán cảnh, duy chỉ có dứt bặt ý thức danh ngôn mà khế nhập. Pháp này giản dị, không rời xa những chuyện trong đời sống hằng ngày, xuất thế mà không ngăn ngại nhập thế.
Tịnh Độ tông, thầy Huệ Viễn ở Lô Sơn đời Đông Tấn, kết tập hội niệm Phật, phát nguyện vãng sinh thế giới Cực Lạc, có thể xem đây là khởi đầu của tông Tịnh Độ; song chân thật vẫn chú trọng ở thiền quán. Thầy Đàm Loan thời Bắc Ngụy, thầy Đạo Xước nhà Đường, đến thầy Thiện Đạo chùa Quang Minh, đều chuyên lấy việc xưng niệm thánh hiệu Phật A-di-đà làm giáo. Xem Di-đà là báo thân Phật, Cực Lạc là báo độ. Hành giả nương vào tha lực bổn nguyện của đức Phật A-di-đà, tin sâu, nguyện thiết, trì thánh hiệu, có khả năng vẫn còn phiền não, mang nghiệp vãng sinh về Tịnh Độ. Pháp môn này rất đơn giản, song thành quả, lợi ích cực kì cao; nhiếp độ hết thảy mọi căn cơ, được phần lớn tín đồ Phật tử Trung Quốc tín ngưỡng, thực hành. Có lúc do quá nhiệt tâm hoằng dương Tịnh Độ, cộng thêm chưa thấu triệt Thiền tông, do đó sinh ra sự hiểu lầm, chê trách. Nhà Tống, Minh về sau phát triển rực rỡ, lúc này niệm Phật và Thiền tông đã tương dung với nhau, như cách giải thích nhất tâm bất loạn của thầy Liên Trì là sự nhất tâm, lí nhất tâm… Thiền Tịnh một lòng, độ khắp ba căn, đây là chuyện cực kì cao thâm mà lại hết sức bình dị!
Hai tông Thiền - Tịnh, cũng đều chú trọng chỗ chân thật thực hành. Đại lược mà nói, Thiền đi vào sâu, Tịnh lợi ích rộng khắp. Thiền là hành theo pháp, Tịnh là hành theo tín. Một đặt nặng tự lực, một chú trọng tha lực. Nhà Minh, Thanh trở về sau, học giả tông Thiên Thai, Hiền Thủ, ít người tu trì chỉ quán, mà hầu hết chuyển sang thực tập Thiền, Tịnh. Về giáo nghĩa xưng là Thiên Thai, Hiền Thủ, mà thực chất đều qui về Thiền, Tịnh, hai tông này cùng nương tựa vào nhau để phát triển, đây lại là điểm hết sức đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc!
(1). Năm thời tám giáo (五時八教):
- Thời Hoa Nghiêm: Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày đầu tiên sau khi Ngài thành đạo.
- Thời A-hàm: Trong khoảng 12 năm sau khi Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, là thời kì nói bốn bộ kinh A-hàm Tiểu thừa ở 16 nước lớn. Vì nơi thuyết pháp đầu tiên trong thời kì này là tại vườn Lộc Dã, nên cũng gọi là thời Lộc Dã.
- Thời Phương Đẳng: Tức thời kì nói các kinh điển Đại thừa như: Duy Ma, Tư Ích, Thắng Man… trong khoảng 8 năm sau thời A-hàm
- Thời Bát-nhã: Là thời kì nói các kinh Bát Nhã, trong khoảng 22 năm sau thời Phương Đẳng.
- Thời Pháp Hoa, Niết Bàn: Là thời kì làm cho năng lượng của người thọ nhận tiến đến cảnh giới cao nhất, chứng nhận tri kiến Phật. Đây là thời kì nói kinh Pháp Hoa trong khoảng 8 năm cuối cùng và nói kinh Niết Bàn một ngày một đêm trước lúc Đức Phật nhập Niết-bàn.
Tám giáo: Gồm “bốn giáo hóa nghi”, tức bốn hình thức và nghi tắc dùng để giáo hóa chúng sinh của Đức Phật; cùng “bốn giáo hóa pháp”, tức là nội dung giáo pháp mà Đức Phật sử dụng để giáo hóa chúng sinh.
Bốn giáo hóa nghi:
- Đốn giáo: Đức Phật đầu tiên trực tiếp chỉ dạy chúng sinh bằng phương pháp tự nội chứng, tương đương với thời Hoa Nghiêm đã nói.
- Tiệm giáo: Nội dung những điều giáo hóa là dùng giáo pháp từ cạn đến sâu, tương đương với ba thời: A-hàm, Phương Đẳng và Bát Nhã.
- Bí mật giáo: Đức Phật ứng theo căn cơ, năng lực, bản chất khác nhau của chúng sinh mà truyền dạy giáo pháp khác nhau. Khiến cho người kia người này không biết lẫn nhau.
- Bất định giáo: Chúng sinh tuy cùng ngồi chung trong một pháp hội, nhưng tùy theo năng lực của mỗi người mà thể ngộ giáo pháp khác nhau.
Bốn giáo hóa pháp.
- Tam tạng giáo (Tạng giáo): Là giáo pháp Tiểu thừa. Tức nói kinh A-hàm để làm rõ lí “Đản Không”. (Lí “Đản Không” nghĩa là chấp trước hoặc hiểu về lí “Không” mà không biết về lí “bất Không” của vạn hữu.) Từ “Tích không quán” mà vào “Vô dư Niết-bàn”.
- Thông giáo: Cũng gọi “Xảo độ quán”, vì giáo môn ấy là giáo môn đầu tiên của Đại thừa chung cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, nên gọi thông giáo. Tức từ lí như huyễn, tức không mà quán giáo thể không quán.
- Biệt giáo: Biệt có hai nghĩa là bất cộng và lịch biệt. Tức không chung với Nhị thừa mà nói riêng cho Bồ-tát, lại từ mặt sai biệt quán sát các pháp (lịch biệt), nên gọi biệt giáo.
- Viên giáo: “Viên” nghĩa không thiên lệch, đầy đủ dung hợp lẫn nhau, tức đã không luận đến mê ngộ và bề mặt bản chất cũng không phân biệt. Đây là chân lí thật mà đức Thế Tôn đã giác ngộ, cho nên viên giáo chỉ rõ sở ngộ của Phật, tức làm rõ giáo lí tự nội chứng của Ngài.
(2). Sáu tướng (六相): Sáu tướng của sự vật trong vạn hữu được nói trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Thập Địa.
a. Tổng tướng: Một pháp duyên khởi đầy đủ nhiều đặc tính, như thân người đầy đủ các căn.
b. Biệt tướng: Ở trong nhiều đặc tính đó, các pháp nương nhau mà họp thành một pháp, như thân người tuy là một, nhưng các căn đều khác nhau.
c. Đồng tướng: Nhiều đặc tính hòa hợp nương nhau tạo thành một pháp mà không chống trái nhau, như mỗi căn có đặc tính riêng, có tác dụng khác nhau, nhưng không ngăn ngại nhau.
d. Dị tướng: Nhiều đặc tính khác nhau tạo thành một pháp, như các căn khác nhau tạo thành thân người, mỗi căn đều khác nhau.
e. Thành tướng: Nhiều đặc tính nương nhau tạo thành một pháp, như tướng các căn nương nhau tạo thành thân người.
g. Hoại Tướng: Mỗi căn đều trụ nơi bản vị không dời đổi, nên không thành Tổng tướng, như các căn đều ở nguyên vị trí, nhưng mỗi căn đều có tác dụng riêng, không làm thành một thể.
Hai tướng Tổng và Biệt đứng trên lập trường tương đối, biểu thị hai môn Bình đẳng và Sai biệt. Hai tướng Đồng, Dị là biện biệt ý nghĩa của hai môn Bình đẳng và Sai biệt; hai tướng Thành, Hoại là kết quả của việc dùng hai tướng Đồng, Dị để phân biệt hai tướng Tổng, Biệt. Đây gọi là hai môn Bình đẳng và Sai biệt.
(3). Mười huyền môn (十玄門): Mười môn huyền diệu biểu thị tướng của Sự sự vô ngại pháp giới, nếu thông đạt được nghĩa này thì có thể nhập vào biển vi diệu của kinh Hoa Nghiêm, nên gọi là Huyền môn; mười môn này làm duyên cho nhau sinh khởi, nên gọi là Duyên khởi. Mười môn tương tức tương nhập, tác dụng lẫn nhau mà không chướng ngại, nên gọi là Vô ngại.
Tông Hoa Nghiêm lấy thuyết Thập huyền môn và Lục tướng viên dung làm giáo lí căn bản, xưa nay gọi chung là “Thập huyền lục tướng”, cả hai hội thông và thành lập nội dung trung tâm của pháp giới duyên khởi. Thập huyền chính là dùng 10 phương diện để thuyết minh tướng Sự sự vô ngại pháp giới, biểu thị hiện tượng và hiện tượng nhất thể hóa (tương tức), dung nhập (tương nhập) nhau mà vô ngại, như các mắt lưới kết hợp với nhau, 10 môn này biểu thị cho nghĩa sâu xa của pháp giới duyên khởi.
a. Đồng thời cụ túc tương ưng môn: Tất cả hiện tượng đồng thời tương ưng, đồng thời đầy đủ, nương theo lí Duyên khởi mà thành lập, một và nhiều dung hợp nhau thành một thể, không có trước sau khác nhau.
b. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn: Sự đối lập về rộng, hẹp của không gian mâu thuẫn với nhau, nhưng sự mâu thuẫn đối lập ấy chính là môi giới tương tức tương nhập, cho nên tự tại viên dung vô ngại.
c. Nhất đa tương dung bất đồng môn: Về tác dụng (dụng) của hiện tượng, thì trong một có nhiều, trong nhiều dung chứa một, một và nhiều dung nhập vô ngại, nhưng thể của chúng thì khác nhau, không mất tướng một, nhiều.
d. Chư pháp tương tức tự tại môn: Về thể của hiện tượng, một và tất cả luôn đắp đổi nhau là không và hữu, cả hai nhất thể hóa, dung thông nhau, hàm nhiếp nhau một cách tự tại vô ngại.
e. Ẩn mật hiển liễu câu thành môn: Về hiện tượng duyên khởi, khi lấy “một” làm hữu và tướng hiển hiện, thì nhiều chính là không và không hiển hiện. Tức ẩn và hiển nhất thể hóa trong nhau và đồng thời thành lập, tất cả pháp và một pháp hợp nhau thành một thể.
g. Vi tế tương dung an lập môn: Khi y cứ vào lí tương nhập của thuyết hiện tượng duyên khởi thì đặc biệt chú ý ở điểm không hoại tự tướng. Tức trong mỗi hiện tượng, nhỏ dung nhập vào lớn, dùng một nhiếp nhiều, lớn nhỏ dung nhiếp lẫn nhau mà không loạn, không hoại tướng một nhiều, trật tự rõ ràng.
h. Nhân-đà-la võng pháp giới môn: Vạn tượng sum la, mỗi mỗi đều hiển phát lẫn nhau, trùng trùng vô tận, như mành lưới của Nhân-đà-la (mành lưới bằng châu báu trong cung điện của Đế-thích).
i. Thác sự hiển pháp sinh giải môn: Nghĩa lí sâu xa, vi diệu nhờ nương vào các pháp sự nhỏ nhặt mà được hiển bày, sự được nương và lí được hiển không hai không khác.
k. Thập thế cách pháp dị thành môn: Trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, mỗi đời lại có ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, hợp chung thành 9 đời. Chín đời này cũng chỉ nhiếp vào một niệm, hợp 9 đời và một niệm thành 10 đời. 10 đời này tuy có sự gián cách về thời gian, nhưng kia đây tương tức tương nhập, trước sau dài ngắn đồng thời hiển hiện đầy đủ, thời và pháp không lìa nhau.
l. Chủ bạn viên minh cụ đức môn: Các hiện tượng duyên khởi, hễ nêu một pháp nào thì pháp đó làm chủ, còn tất cả hiện tượng khác là bạn, cứ như thế làm chủ bạn lẫn nhau, đầy đủ tất cả đức.
(4). Nhất đại thời giáo (一代時教): Giáo pháp mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói ra trong một đời từ lúc thành đạo đến khi thị hiện diệt độ. Tức là ba tạng, 12 thể loại kinh, 84.000 pháp môn…