(bài tham luận trong buổi tọa đàm tại viện giáo lí Hán Tạng)
Vấn đề Đại sư đưa ra, vừa nghe qua ý kiến phát biểu của hai vị cư sĩ, tôi cũng có một vài cảm nghĩ. Phật giáo lấy loài hữu tình (vật có sinh mạng) là trung tâm làm điểm xuất phát, cho nên mục đích của Phật pháp, ở chỗ làm cho loài hữu tình nhận thức rõ thống khổ mà cầu giải thoát. Bởi chủ ý của Phật pháp như vậy, cho nên Phật pháp hoàn toàn vì muốn cải thiện nhân sinh. Mấu chốt sinh khởi sự thống khổ của loài hữu tình, không ngoài ba điểm chính: Một, do chính mình (thân tâm) gây nên. Hai, do xã hội (mình và người) phát sinh. Ba, hoàn cảnh tự nhiên (mình và vật) đưa đến. Tông chỉ của Phật pháp, cần phải giải quyết những thống khổ này. Nhưng giữa ta và tự nhiên, chỉ cần có phương pháp, hiểu rõ nguyên lí vật chất tự nhiên, liền có thể khống chế lợi dụng thoát khỏi được nó, vấn đề này ai ai cũng có thể thực nghiệm, giống như khoa học đã nói. Song giữa tự tha trong nhân loại xã hội, sẽ không đơn giản như vậy, trong hoàn cảnh nào đó, cùng một quan hệ xã hội, cơ cấu xã hội, anh ta tán thành, ngược lại bạn không vừa lòng; trước kia có thể được an toàn, hiện tại không thể khống chế; trước kia truy cầu một cách điên dại, bây giờ lại chán ghét. Hiện tượng xã hội tất nhiên không giống với khoa học tự nhiên, bởi trong nó có sự hoạt động tinh thần của nhân loại. Cho nên một mình khoa học không đủ sức cải tiến xã hội. Cải thiện xã hội, phải thích hợp với yêu cầu của nhiều người, dùng sức mạnh chung của xã hội để cải thiện nó, tất cả chính trị, xã hội…, đều hướng về nó. Nói đến vấn đề giữa thân và tâm, chỉ cần mình phản tỉnh trở lại, liền có thể biết càng phức tạp, càng không dễ nắm bắt hơn sự tranh chấp xã hội. Muốn cải thiện tính cách, hứng thú, sở thích, tư tưởng của một người nào đó, quả thật một chuyện không dễ. Tất cả tôn giáo, tu dưỡng, đặc biệt Phật giáo hết sức coi trọng điểm này. Nói rộng ra, cần cải thiện hiện thực xã hội nhân loại và ba loại quan hệ nói trên, cũng có thể nói khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cho đến tôn giáo Phật pháp, đều lấy việc cải thiện hữu tình nhân gian làm chính. Nhưng nếu xã hội xấu, chế độ tàn ác độc tài, thế thì khoa học sẽ bị biến thành món đồ tàn hại xã hội. Hiện tại chiến tranh, chẳng phải hứng hết sự tổn thương của khoa học đó sao? Nhưng điều này không có liên quan gì đến bản thể khoa học cả. Tiến thêm một bước nữa, nếu nhân loại phát triển dục vọng cá nhân, nhân cách đạo đức con người trụy lạc, thế thì mặc dù chế độ xã hội như thế nào, cũng khó cải thiện được xã hội. Đã có biết bao nhiêu người mượn danh nghĩa dân ý, lợi dụng ngu dân; biết bao nhiêu người lợi dụng cơ cấu chính trị, kinh tế, để phá hoại xã hội và hòa bình. Cho nên ba mối quan hệ này đều coi trọng như nhau, mà cải thiện xã hội, thì phải cải thiện từ căn bản nhân cách tư tưởng, đây là lập trường bất di bất dịch của Phật pháp. Vả lại, tiến bộ khoa học, không nhất định là hợp lí và bình an của xã hội. Cải thiện xã hội, không thể đảm bảo thân tâm an lạc của bạn. Phật pháp xuất phát từ quan điểm cứu cánh này.
Sự tốt xấu của tổ chức xã hội nhân loại, tuy kiến giải mỗi người mỗi khác, song chẳng phải không thể so sánh. Đại để lúc quốc gia giàu mạnh, chính sách của quốc gia đó tương đối khoan dung và có khuynh hướng đại đồng; nhưng nếu lúc đang phải chịu áp bức, có nguy cơ diệt vong, cần phải tương đối cường điệu chủ nghĩa dân tộc quốc gia hẹp hòi. Kết cục của xã hội, đương nhiên là khuynh hướng đại đồng, nhưng tốt xấu chân chính, tôi cho rằng cần phải theo yêu cầu chung của nhân loại, mà càng nên xem trọng nhu yếu hiện thật trong một thời gian không gian nào đó, từ trong chiếu cố mọi mặt của hai bên để lượng đoán giá trị của nó. Bằng không, chế độ như thế nào cũng không thể thích hợp, chắc chắn điều này mãi mãi là ví dụ.
Phật pháp đối với cải tạo hiện thật xã hội, có thể lấy Thanh văn Phật giáo và Đại thừa Phật giáo để nói. Phật pháp Thanh văn và Phật pháp Đại thừa có khác nhau đôi nét, Phật pháp Thanh văn siêu việt, không phải đến từ hoạt động trực diện của kinh tế, chính trị…, mà nó từ hữu sinh đến vô sinh, vượt thoát khỏi xã hội đạt được giải thoát. Có người cho rằng: Như vậy là tiêu cực, nhưng tiêu cực không nhất định xấu, không có lợi cho thế gian. Như các bậc thánh Tiểu thừa, các thầy có tinh thần trao dồi đạo đức vĩ đại, có nhân cách cao thượng, như thế có thể ảnh hưởng tốt đến xã hội. Như Bá Di, Thúc Tề của Trung Quốc, tinh thần của những vị này cũng chiêu cảm rất nhiều người đời sau. Nhưng tư tưởng của Phật pháp Đại thừa, ngược lại hoàn toàn bất đồng. Cho rằng sinh tức vô sinh, vô sinh mà không rời sinh, cho nên dám đối diện trực tiếp với các hoạt động kinh tế, chính trị…, mà chẳng trở ngại sự thanh tịnh giải thoát của mình. Cần thể nghiệm sự nghiệp thế gian mà được giải thoát, giải thoát này, gọi là “bất tư nghì giải thoát”, điều này trong kinh Hoa Nghiêm nói rất nhiều. Cho nên tư tưởng của Phật giáo Đại thừa, đối với xã hội, chẳng nhất định phải nghiêng về chính trị, kinh tế…, trong hệ thống tư tưởng nhất trí của Phật giáo, cái gì cũng đều Phật pháp cả. Bởi Đại thừa chủ trương thế gian pháp tức là xuất thế pháp. Tóm lại, Phật pháp, một là Thanh văn giáo tịnh hóa thân tâm, giữ vững cương vị của mình, không đánh mất lập trường, ảnh hưởng xã hội từ một phía, không làm các hoạt động trực tiếp, như kinh tế, chính trị…, không thể giáo hóa rộng khắp. Hai là Phật pháp Đại thừa dùng thế gian để đạt được thanh tịnh giải thoát, có thể trực tiếp làm các hoạt động kinh tế, chính trị… Người xuất gia nên lấy Phật giáo Thanh văn làm điểm tựa, còn hàng cư sĩ Phật giáo phải có tinh thần Phật giáo Đại thừa, trực tiếp tham gia chính trị, kinh tế… Chính trị, kinh tế… này, chính là Phật pháp!