Hôm nay là ngày đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sinh, đại chúng thọ nhận ân đức chiêu cảm của Ngài, hăng say tham gia mừng ngày khánh đản của Ngài, thành kính biểu thị niềm hoan hỉ của tâm mình. Tôi nghĩ, trong pháp hội mừng ngày Đức Phật đản sinh này, phải nói đến chúng ta cần cảm tạ ân đức của Ngài như thế nào. Hôm nay có phải các vị đến vì cảm kích ân đức của đức Thế Tôn không? Hơn 2.000 năm trước, Ngài thị hiện xuống thế giới khổ não ngũ trược(1) này, mục đích tiếp dẫn chúng ta và chúng sinh đang chìm đắm trong những khổ não này, có thể nói Đức Phật không có ân huệ với chúng ta sao?
Tóm tắt quá trình tu hành của Đức Phật như thế này: Phát tâm tu tập hạnh Bồ-tát, trải qua ba đại A-tăng-kì kiếp, tích chứa công đức thanh tịnh vô biên, lẽ ra phải thành Phật ở quốc độ thanh tịnh, được quả báo viên mãn nhất. Nhưng, vì cứu độ, tiếp dẫn, thương tưởng chúng sinh, nên Ngài thị hiện thành Phật ở thế giới Ta-bà ngũ trược này. Hay nói cách khác, đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn đến để cứu độ chúng ta. Vì thế, sự thị hiện của Đức Phật ở thế giới này, có quan hệ hết sức mật thiết với chúng ta, vậy chúng ta làm sao có thể quên ân đức của Ngài được chứ? Lúc đức Thế Tôn còn tu Bồ-tát đạo, luôn tinh tấn để lợi mình lợi người, đến khi hoàn thành quả vị Phật rồi, mà cũng vẫn còn từng tâm niệm, từng tâm niệm không bỏ chúng sinh khổ nạn trong thế gian. Từng hành động cứu độ chúng sinh của Phật, thể hiện lòng thương vô lượng không gì sánh được. Nhân gian, giống như hầm xí dơ bẩn, hôi thối không thể chịu được, chúng ta đang trôi lăn, vùng vẫy trong hầm xí đó, vậy ai là người tình nguyện bước vào để đưa chúng ta ra đây? Duy chỉ có lòng thương vô lượng của đức cha lành Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, mới chịu hi sinh đến thế gian khổ nạn này. Cho nên, vào ngày này hơn 2.000 năm trước, đức Thế Tôn đã thị hiện xuống nhân gian, xuất gia tu hành, thành Phật, hóa độ chúng sinh. Nếu như không có chúng sinh khổ nạn chúng ta, Ngài đã giải thoát khỏi sinh tử, chứng ngộ tướng chân thật của các pháp, vậy Ngài đến thế giới khổ não này làm chi nữa! Ân đức của Phật đối với chúng ta, là biển sâu không đáy, Phật tử tín phụng, tôn thờ Ngài, nên tăng thêm quán niệm báo ân Phật. Bằng không, sẽ không thể hội được tấm lòng của Ngài, không học theo từ bi của Ngài, không cầu công đức rộng lớn của pháp Đại thừa, người này quả thật không đủ tư cách, điều kiện làm đệ tử yêu quí của Ngài.
Đức Phật thị hiện xuống nhân gian, rốt cuộc có lợi ích gì cho nhân gian chứ? Phương pháp cứu độ chúng sinh là gì?
1. Đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn thị hiện xuống thế gian đen tối này, mang ánh sáng đến cho chúng sinh: Ánh sáng này là ánh sáng giải thoát khổ đau, chứ không phải ánh sáng mặt trời, điện. Thế giới chúng ta đang sống, là nơi biểu diễn chiến tranh, trò hề của sự ức hiếp; khoảng cách giữa con người và con người, đầy dẫy sợ hãi và đen tối, nhân gian rõ ràng đã mất đi ánh sáng của chân lí, đây là điều thiếu khuyết rất lớn trong lòng nhân loại. Hết thảy việc làm, hành động của nhân loại, mới xem qua giống như rất có lí tưởng, có kế hoạch, mục đích, song nếu suy xét kỹ, toàn việc làm hồ đồ trong hồ đồ, vậy làm sao đúng được chứ. Chúng sinh ở thế giới này, suốt ngày lăn lộn trong cuộc sống ngu si đen tối, trải qua đời sống khổ não, hồ đồ. Thầy Xá-lợi-phất từng nói: “Đức Phật chưa thị hiện xuống thế gian, ta chẳng khác nào người mù.” Trong số đệ tử của đức Thế Tôn, thầy Xá-lợi-phất là người trí tuệ đệ nhất. Nghĩ mà xem, Xá-lợi-phất trí tuệ đệ nhất, mà còn nói mình chẳng khác nào người mù, huống gì hết thảy chúng sinh? Cho nên, đức Thế Tôn thị hiện xuống thế gian, mang đến cho chúng ta ánh sáng chân lí, chỉ cho chúng ta con đường chân chính giải thoát khổ đau, nhờ đó nhân gian mới có trí tuệ chân thật. Như vậy, ân đức của Ngài đối với chúng ta, có thể nói không nặng được sao?
2. Đức Phật thị hiện xuống thế gian, lại còn mang cho chúng ta hơi ấm: Hơi ấm đến cùng một lượt với ánh sáng, giống như mặt trời vừa mọc, đồng thời có ánh sáng, cũng có hơi ấm. Ân ái vợ chồng, anh em, con cháu của thế gian; chân thật, hữu nghị của thân tộc, bạn bè; giúp đỡ của xã hội và quốc gia, đây đều là hơi ấm của nhân loại. Nhưng, ân ái, hữu nghị của thế gian, một khi tan vỡ, ngay tức khắc sẽ trở thành thù oán, cái gì cũng cay nghiệt. Song ánh sáng của Phật, lòng từ bi thương tưởng, che chở của Phật, không có lúc nào rời bỏ chúng sinh cả.
Lần nọ, đức Thế Tôn đến thăm chúng đệ tử, thấy một người đệ tử bệnh nằm trên giường, y phục, chiếu mền dính đầy phân tiểu. Đức Thế Tôn ân cần hỏi thầy:
- Tất cả sư anh sư em của con đâu?
- Bạch đức Thế Tôn! Sư anh sư em đi hết rồi! – thầy đau đớn nói một cách đầy hối hận: - Bạch đức Thế Tôn! Trước kia lúc sư anh sư em bệnh, con không chịu quan tâm, chăm sóc, vì thế hôm nay con bị bệnh, cũng chẳng có ai chăm sóc cho con cả.
Đức Thế Tôn từ bi an ủi:
- Con không nên đau buồn, thầy sẽ chăm sóc cho con!
Thế là, Ngài lau chùi, giặt giũ sạch phân tiểu, cho thầy uống thuốc. Tuy mọi người đều xa lánh, rời bỏ thầy, nhưng đức Như Lai thì lại hết sức quan tâm, lo lắng, giúp đỡ thầy. Trong kinh còn ghi chuyện thầy Châu-lợi-bàn-đà-già.
Thầy Châu-lợi-bàn-đà-già là ngươi ngu đần không thể tưởng tượng được, thầy cùng xuất gia và ở chung một chỗ với anh mình. Lần nọ, anh thầy dẫn thầy bỏ ngoài tinh xá, tội nghiệp thầy đứng khóc rất đáng thương. Đức Thế Tôn đến bên cạnh, hỏi thầy một cách hết sức nhẹ nhàng, từ ái:
- Châu-lợi-bàn-đà-già à! Sao con lại khóc vậy?
- Kính bạch đức Thế Tôn! Anh trai con nói con quá ngu đần, không có khả năng học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, từ đây không cho con xuất gia sống đời phạm hạnh nữa!
Thầy nói xong, càng khóc dữ hơn. Đức Thế Tôn nói với thầy một cách hết sức từ hòa:
- Phật pháp là của thầy, con không nên sợ, hãy đi theo thầy học.
Tuy anh trai bỏ thầy một cách không thương tiếc, nhưng đức Thế Tôn lại ân cần dẫn thầy trở về, cho ở bên cạnh, nhẫn nại dạy học, thực hành phương pháp giải thoát. Đây là tinh thần vĩ đại không bỏ chúng sinh, chỉ có tâm từ bi rộng lớn của Đức Phật mới làm nổi. Cho nên tâm từ bi của đức Như Lai, mới chính là hơi ấm đích thực của nhân gian.
3. Đức Thế Tôn thị hiện xuống thế gian, làm nơi cho chúng ta quay về nương tựa, cho chúng ta năng lượng vĩ đại: Chúng ta quay về nương tựa Đức Phật, ngay lập tức tăng trưởng năng lượng trong tâm. Đây là sức gia trì không thể nghĩ bàn mà đức Thế Tôn ban cho chúng ta. Như trước kia có những việc không thể làm nổi, sau khi học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà lại có khả năng làm một cách hết sức dũng mãnh; lúc chưa học tập Phật pháp, thân tâm đầy dẫy thống khổ, học tập rồi cảm thấy dễ chịu, vui vẻ vô cùng. Ví dụ lúc chúng ta đi ra ngoài một mình, trong lòng sợ hãi, chỉ cần nghĩ nhớ công đức, tướng tốt của Đức Phật, tự nhiên sợ hãi trong tâm biến mất. Giống như quân lính chỉ cần thấy được lá cờ của quân mình, bay phất phới trên chiến trường, tự nhiên anh ta sẽ có được năng lượng rất lớn, đánh đuổi quân thù. Người học Phật, con đường phía trước tràn ngập ánh sáng và hi vọng, dù lúc mãn duyên trần, vẫn được an ổn trong năng lượng gia trì của Phật pháp, như vậy còn sự thống khổ của thất vọng và sợ hãi gì nữa?
Từ bi là công đức đặc thù của Phật, Ngài dùng tâm từ bi rộng lớn, cứu độ và gia hộ cho hết thảy chúng sinh, cho nên tuy Ngài đã thị hiện rời xa nhân gian hơn 2.000 năm, nhưng chúng ta vẫn tổ chức kỷ niệm hoành tráng; lúc nào Ngài cũng hiển hiện trong tâm chúng ta. Thật tế mà nói, nếu Ngài không có ân đức sâu nặng với chúng ta, vậy hôm nay có ai chịu tổ chức lễ kỷ niệm long trọng này không?
Từ bi, là công đức đặc thù của Phật. Từ là đem niềm vui đến cho chúng sinh, bi là nhổ hết gốc rễ khổ đau của chúng sinh. Tuy từ bi có sâu cạn, nhưng nguyên tắc cứu khổ ban vui là bất biến. Có người cho rằng từ bi của Phật giáo, nhân ái của Khổng Tử và bác ái của Cơ Đốc giáo, chẳng có khác biệt gì. Kì thật, nhân ái hoặc bác ái, và từ bi mà đức Thế Tôn nói, có khác biệt rất lớn.
a. Từ bi của Phật, không bị hạn chế giai cấp: Có người hỏi như thế này: “Phật giáo đều nói thống khổ sâu nặng của nhân loại, thật đáng thương lắm, có phải vừa học tập Phật pháp liền hết đáng thương không?” Kì thật, Phật giáo nói đáng thương, trong đó có mình, bởi chúng ta đều đang lặn hụp trong phiền não thống khổ sâu nặng, sao có thể nói mình không đáng thương được cơ chứ? Thẳng thắn mà nói, chỉ có Đức Phật chứng ngộ pháp tính, chấm dứt sinh tử, mới có được hạnh phúc đầy đủ muôn đức. Nếu chúng sinh không cầu trí tuệ, không đoạn trừ phiền não, thì ai cũng không được nói mình không đáng thương. Sự thật là như vậy, hễ còn là chúng sinh trầm luân trong sinh tử, lúc nào cũng sẽ ở trong bi ai thống khổ cực nặng, đương nhiên họ là thành phần được đức Thế Tôn từ bi gia hộ, thương yêu nhiều nhất. Nhưng chúng ta thực tập phương pháp giải thoát giỏi như vậy - tinh tấn đoạn trừ phiền não, cầu đắc trí tuệ, cũng có thể đạt được chính giác cứu cánh, vĩnh viễn xa rời thống khổ của nhân gian. Đức Phật cho hết thảy chúng sinh địa vị bình đẳng, cứu độ bình đẳng. Từ bi chẳng phải đặc quyền riêng của thần, chúng ta cũng chẳng phải mãi mãi bị đáng thương. Chúng ta nên thành kính tiếp nhận tâm từ bi của Phật, đồng thời cũng phải có tâm từ bi cứu độ chúng sinh, được như vậy mới có khả năng lìa khổ được vui, đạt đến đại từ bi như đức Thế Tôn không hai không khác.
b. Từ bi của Phật, chẳng có tính thiên vị hẹp hòi: Người mẹ có mấy đứa con, bạn bảo bà phải có tâm bình đẳng với con mình, không thương đứa này nhiều đứa kia ít, việc này không đơn giản, hay nói cách khác vô cùng khó, nhưng Đức Phật xem chúng sinh giống như con một. Xem người lớn hơn là cha mẹ, người bằng tuổi là anh chị em, người nhỏ hơn là con cháu. Người đời, ai thương mình thì gần gũi, còn không tốt thì xa lánh, trong mối quan hệ của họ, luôn biểu hiện hiện tượng thân sơ. Đức Phật đánh tan quan niệm thân sơ, dùng từ bi và trí tuệ sâu rộng của mình cứu độ hết thảy chúng sinh. Dẫu chúng sinh cực xấu ác, Ngài cũng vẫn gia hộ anh ta. Còn Cơ Đốc giáo (Công giáo), tin tưởng thượng đế của mình thì sẽ nhận được ân điển của thượng đế, có thể được cứu; ngược lại, bạn là tội nhân, sẽ bị vĩnh viễn ở trong địa ngục, đừng trông mong ngày giải thoát. Như vậy, giả sử bây giờ tôi tin tưởng thượng đế, mà tổ tiên của tôi trước kia không tin Cơ Đốc giáo, há không phải vĩnh viễn bị đọa trong địa ngục sao? Phật pháp không từ bỏ bất cứ một chúng sinh nào, từ bi cứu độ, hộ trì khắp cả, giả sử chúng sinh đọa trong địa ngục, tội nghiệp của họ quá nặng, nhất thời không thể cứu độ, nhưng khi tội báo họ không còn, hoặc cơ duyên giáo hóa thuận tiện, liền ra tay cứu độ, hướng họ đến con đường thành Phật. Cho nên, tâm từ bi cứu độ khắp chúng sinh của đức Thế Tôn, tinh thần cứu độ bình đẳng, thì nhân ái không thể nào bì được.
c. Từ bi của Phật, không chỉ là yêu thương của tình cảm, mà còn được phát khởi thông qua lí trí: Cha mẹ yêu thương con của mình, có khi vì quá yêu nên đã đánh mất đi lí trí, cái gì cũng cho con mình tốt hết; nếu nghe ai chê trách con mình không tốt, ngay lập tức trong lòng buồn thiu. Còn trong từ bi của Phật, có đầy đủ lí trí. Đức Phật có năng lực từ bi cứu độ chúng ta, vậy tại sao đến hôm nay chúng ta vẫn còn lặn hụp trong bi ai thống khổ? “……. cửa Phật rộng lớn, nhưng khó độ người không có tâm lành.” Chúng sinh đều có quả báo tốt xấu của họ ở quá khứ, khi ác nghiệp của anh ta đã thành thục, lòng từ bi của đức Thế Tôn cũng không cứu nổi anh ta. Ngài muốn chúng sinh dứt ác làm lành, nhưng chúng sinh lại cứ mãi làm ác, không tin nhân quả, từ bi của Phật lại có thể cứu được sao? Chúng ta đặt mình trong định luật nhân quả, làm mọi hạnh lành, tự nhiên Đức Phật sẽ hộ trì không thể nghĩ bàn cho chúng ta. Chỉ cần có một tia khả năng, Phật sẽ nương theo chính hạnh của nhân quả cứu độ mình. Còn ngược lại, oai đức từ bi của Phật, tuy rộng lớn vô biên, cũng cứu không nổi chúng ta. Lòng từ bi gia hộ của Phật đối với chúng sinh, chẳng phải vì chúng sinh đều có lòng tin thanh tịnh, kiền thành với Ngài. Đây là điều đáng được xem trọng, hễ hết thảy việc làm, lời nói, cử chỉ của chúng sinh đều lành, tự nhiên sẽ nhận được quả báo lành. Nuôi lớn tâm lành, dẫu không tin Phật, nhưng Ngài cũng quan tâm gia hộ cho anh ta, vả lại tự nhiên sẽ được Phật tiếp dẫn quay về nương tựa nơi Ngài. Không phải thế, thì luật nhân quả đã bị xóa sạch, cho vào kho tàng của sự quên lãng. Oai đức và sức mạnh chí nguyện từ bi của Phật, tuy rộng lớn, nhưng nghiệp lực của chúng sinh càng lớn hơn. Rõ ràng rồi, trong nguyện lực từ bi của Phật có đầy đủ lí tính. Rất nhiều người không có sự hiểu biết Phật pháp đúng đắn, chính xác, khi bị bệnh, chịu đựng không nổi sự hành hạ của con bệnh, cảm thấy học Phật không có lợi ích gì cả, đây hoàn toàn chưa hiểu ý nghĩa chân chính của Phật pháp. Như người buôn bán, dùng mưu mẹo, thủ đoạn để kiếm lời, gạt gẫm tiền của, kết quả trắng tay, tù tội, vậy Đức Phật làm sao có thể cứu được đây? Cho nên đức Thế Tôn cứu độ chúng sinh, nhưng quyết không vượt ra ngoài luật nhân quả, đây là biểu hiện lí tính trong từ bi. Ngoài ra, từ bi của Phật, còn có hạnh từ bi phối hợp với lí trí, không những không trái ngược với sự lí nhân quả, dù chân lí Ngài chứng đắc vượt qua phàm tình thế gian, cũng vẫn hoàn toàn ăn khớp với nhau. Cho nên từ bi của Phật, là bi trí bình đẳng, từ bi mà có khả năng thể nghiệm chân lí, trí tuệ mà có khả năng cứu độ, hộ trì chúng sinh. Các tôn giáo khác, chỉ giảng nói tín ngưỡng, đó là nghiêng lệch về ái của cảm tình mà quên lãng lí trí; ngược lại các bậc thánh giả của Phật giáo Tiểu thừa (Thượng Tọa bộ) đặt nặng lí trí, thiếu tâm từ cứu độ chúng sinh. Đức Thế Tôn hợp nhất tình cảm và lí trí thành một thể, không nghiêng lệch về phía nào, đạt được cảnh giới tối cao của bi trí bình đẳng và cứu cánh, đây là chỗ tôn quí của từ bi Phật giáo.
d. Từ bi của Phật, chú trọng đến cứu độ triệt để: Như trị bệnh, phải trị cái gốc, tức trị căn nguyên của bệnh, chứ còn trị ngọn, tức đau đầu chữa đầu, đau chân chữa chân, tuy có thể dứt thống khổ trong khoảng khắc, nhưng không thể diệt tận gốc rễ căn bệnh. Cứu độ thống khổ của nhân loại, cũng có hai cách. (1) Phương tiện: Gặp người bần cùng đói rách, cho họ thức ăn, y phục, đây là giải pháp tình thế tức thời. (2) Cứu độ căn bản: Cần phải tìm hiểu ngọn ngành của nghèo khổ, như có người nghèo vì thiếu kỹ năng sống nào đó, ta dạy họ kỹ năng đó; như năm nào họ cũng bị lụt lội, thì nghĩ cách nạo vét sông ngòi, khai thông cống rãnh, như vậy mới có thể diệt trừ triệt để thống khổ bần cùng của họ. Phật pháp cũng như vậy, trên phương tiện, chủ trương bố thí để cứu độ…; nhưng căn bản lại chú trọng đến nỗ lực của tự thân, thống khổ của mình, phải do mình nỗ lực giải quyết. Cho nên, người Phật tử chân chính thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, phải thật tâm thực tập theo những gì Đức Phật dạy, nhờ đó đạt được cứu cánh giải thoát thống khổ. Nếu mình không nỗ lực thực tập theo những gì Ngài dạy, chỉ mong chờ sự từ bi cứu độ của Phật, Bồ-tát, thế thì vĩnh viễn không bao giờ có được sự cứu độ căn bản, vĩnh viễn bị xoay chuyển trong đường khổ nạn.
Thông thường người đời chỉ thấy được tí xíu trên bề mặt, không thấy chỗ quan trọng bên trong. Trước kia, có người mời bạn đến nhà, người bạn xuống bếp, thấy ống khói dựng thẳng sát mái hiên, vô cùng lo lắng, nói với người chủ:
- Anh à! Ống khói để sát vách như vậy, rất dễ xảy ra hỏa hoạn, tốt nhất nên bẻ cong nó ra.
Lúc đó, người chủ không nghe lời bạn khuyên. Không lâu sau, bất hạnh hỏa hoạn xảy ra, thiêu rụi nhà cửa, tài sản. Lúc này, người chủ vừa xót của, vừa cảm kích những người đến cứu hỏa. Nhưng lại quên người bạn bảo bẻ cong ống khói. Những người tin Phật, chỉ biết cầu xin Phật gia hộ, mà quên đi phương pháp cứu độ căn bản, không chân thật thực hành, người này chẳng khác nào ông chủ ngu muội kia.
Học Phật phải chú trọng thực hành pháp một cách chân thật, có khả năng thiết thực phụng hành Phật pháp, tự nhiên sẽ được sự gia trì của Phật lực, tất cả khó khăn tự có thể giải quyết tốt đẹp. Nếu tự thân mình không dứt trừ điều ác, không chịu thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, dẫu Đức Phật từ bi độ khắp chúng sinh, nhưng không cứu nổi bạn. Cho nên, chúng ta phải chân thật thực hành giáo pháp của Phật, đây cũng tức là đã tiếp thọ sự cứu độ của Ngài rồi vậy. Thật vậy, đức Thế Tôn có ân cứu độ rất sâu rộng đối với chúng ta, hi vọng hôm nay các vị đến đây mừng ngày Ngài đản sinh, nhất thiết không được quên ân đức của Ngài!
(1). Ngũ trược (五濁 tiếng Phạn Pañca kaṣāyāḥ): Là năm thứ cặn đục khởi lên trong kiếp giảm. Gồm: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mạng trược.
a. Kiếp trược: Vào thời kiếp giảm, lúc tuổi thọ con người rút ngắn xuống còn 30 tuổi, thì nạn đói kém xảy ra, lúc giảm còn 20 tuổi thì nạn bệnh tật xảy ra, lúc giảm còn 10 tuổi thì nạn chiến tranh xảy ra, tất cả chúng sinh trong thế giới đều bị hại.
b. Kiến trược: Chánh pháp đã diệt, tượng pháp dần dần khởi, tà pháp bắt đầu sinh, tà kiến tăng mạnh, làm cho con người không tu tập pháp lành.
c. Phiền não trược: Chúng sinh nhiều ái dục, tham lam bỏn xẻn, thích đấu tranh, dua nịnh, dối trá, tiếp nhận tà pháp, nên tâm thần bị não hại.
d. Chúng sinh trược: Chúng sinh phần nhiều độc ác, không hiếu kính cha mẹ, người lớn tuổi, không sợ quả báo ác, không tạo công đức, không tu tuệ thí, không giữ gìn trai giới.
e. Mạng trược: Thời xưa con người thọ 80.000.000 tuổi, đời nay do ác nghiệp tăng trưởng nên tuổi thọ giảm dần, người trăm tuổi rất hiếm.
Trong năm trược này thì kiếp trược là chung, bốn trược còn lại là riêng. Trong bốn trược thì kiến trược và phiền não trược làm tự thể mà tạo thành chúng sinh trược và mạng trược.
A-tăng-kì (阿僧祇 tiếng Phạn Asaṃkhya): Hay còn gọi là A-tăng-xí-da, một đơn vị số lượng của Ấn Độ, là số cực lớn chẳng thể tính đếm nổi. Theo cách đọc thì một A-tăng-kì có một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu ( 1.000.000 = 10.000 ức, 1 ức = vạn vạn, 1 vạn = 104) tức là 1047 . Trong 60 số mục ở Ấn Độ thì A-tăng-kì là số thứ 52.
Có ba loại A-tăng-xí-da:
a. Kiếp A-tăng-xí-da: Lấy đại kiếp làm một, nhân lên dần đến lạc-xoa-câu-chi, lần lượt đến bà-yết-la.
b. Sinh A-tăng-xí-da: Chỉ cho mỗi mỗi kiếp trải qua vô số đời.
c. Diệu Hạnh A-tăng-xí-da: Mỗi mỗi kiết tu vô số hạnh vi diệu.