(giảng tại Cư Sĩ Lâm ở Ma-ni-lạt)
Cư Sĩ Lâm mời tôi đến đây để giảng pháp ba ngày, vì thấy Phật pháp không dễ gì có cơ hội được nghe, có khả năng tập hợp đầy đủ người giảng và người nghe tại đây, thật là chuyện không dễ chút nào, cho nên tôi cũng rất lấy làm vui mừng khi đến đây để trao đổi phương pháp giải thoát của Phật-đà với quí vị. Tục ngữ nói: “Thấy ông nói pháp cho ông, thấy bà nói pháp cho bà”. Phật pháp ứng hợp với mọi căn cơ, ở đây là cư sĩ Lâm, các vị lại toàn là cư sĩ, cho nên tôi lấy cư sĩ làm đề tài để nói pháp cho cư sĩ.
Trước hết nói đến chữ “cư sĩ Lâm”, sao gọi là cư sĩ? Còn sao gọi là Lâm? Cư sĩ (居士 tiếng Phạn Gṛha-pati), Hán dịch Ca-la-việt. Dân tộc Ấn Độ luôn phân biệt giai cấp, quí tộc gọi Sát-đế-lợi, giai cấp tôn giáo gọi Bà-la-môn, giai cấp thấp nhất gọi là nô lệ, ngoài ra còn một loại dân có cuộc sống tự do làm nông, làm thợ, tự do buôn bán. Số dân tự do ở Ấn Độ dần dần có địa vị trong xã hội, giống như giai cấp tư sản bây giờ, chính là giai cấp cư sĩ thời bấy giờ, đây là bổn nghĩa của cư sĩ. Phật pháp luôn nói đến bình đẳng, không chủ trương giai cấp, cho nên xưa nay số dân tự do càng ngày càng nhiều, do đó ý nghĩa cư sĩ, trong Phật pháp được biến thành người tại gia; sau khi truyền đến Trung Quốc, lại biến thành từ gọi chung cho những người tại gia tín phụng tôn thờ ba ngôi báu. Tại Phi-luật-tân xưng hô cư sĩ rất nhiều, trong nước bất luận là nam hay làm nữ đều gọi là cư sĩ, cho nên cư sĩ đã trở thành từ gọi chung cho những người tại gia thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà. Lâm nghĩa là đông nhiều, nhiều cây cùng tập hợp lại gọi là lâm. Trước kia nhiều người xuất gia, cùng tụ tập lại trong một tự viện gọi là tùng lâm; tùng lâm chẳng phải chùa chiền, mà là tập đoàn tăng chúng. Bây giờ nhiều cư sĩ cùng tập trung lại mà có tổ chức hẳn hoi, gọi cư sĩ lâm, cho nên lâm nghĩa là hội và xã. Lịch sử của cư sĩ Lâm tại Trung Quốc không dài lắm, khoảng năm Dân Quốc thứ 10 (1921), những người tin thờ Phật đi theo hai đường Hỗ Ninh và Hỗ Hàng, cùng nhau tổ chức đoàn thể, lấy tên Thế Giới Phật Giáo Cư Sĩ Lâm, đây là điểm khởi đầu của cư sĩ Lâm, rồi dần dần được mọi nơi áp dụng.
Tín đồ Phật giáo, phân làm hai loại, chính là phân biệt người xuất gia và người tại gia. Người xuất gia tập hợp lại gọi xuất gia tăng, tổ chức học Phật tại gia, gọi là cư sĩ Lâm. Hai loại này có chỗ nào không giống nhau? Theo phương diện qui y tín ngưỡng, giống nhau cùng tín ngưỡng ba ngôi báu Phật, pháp và tăng; còn về phương diện tu chứng Phật pháp, cũng chẳng có sai biệt gì lắm. Theo thuyết Tiểu thừa, người tại gia có khả năng chứng đắc được tam quả A-na-hàm, người xuất gia có khả năng chứng đắc tứ quả A-la-hán, cũng chỉ cách biệt nhau một bậc. Còn trong Phật giáo Đại thừa, Bồ-tát tại gia rất nhiều. Trong chư đại Bồ-tát, như Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng… chỉ có Bồ-tát Địa Tạng hiện tướng xuất gia, còn phần lớn đều hiện tướng tại gia cư sĩ. Chớ nên cho rằng người tại gia không có khả năng tu chứng đến chỗ tột cùng của Phật pháp, chỉ có người xuất gia mới có thể làm được việc đó.
Đã không có sai biệt, vậy có gì không giống nhau chứ? Đức cha lành Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện đản sinh tại nước Ấn Độ, xuất gia tu hành thành Phật, lúc đầu mới hoằng truyền phương pháp giải thoát của Ngài, thính chúng giác ngộ tự nguyện xuất gia theo Ngài, đức Như Lai tổ chức các vị đó thành tăng đoàn. Qui định của Phật, người xuất gia không được buôn bán kinh doanh, không làm quan, tham gia các tổ chức chính trị, chỉ chuyên vào việc hoằng pháp lợi sinh, do đó Phật pháp xem người xuất gia là chủ thể để kéo dài và phát triển phương pháp giải thoát của Phật-đà. Trước kia trọng trách của người xuất gia, đặc biệt chú trọng phương diện này. Điều này giống như tổ chức chính đảng, trước hết cần phải có chủ nghĩa, đảng viên nhất định phải tín ngưỡng và thực hành chủ nghĩa đó, nhưng cần phải có một bộ phận không những chỉ tín ngưỡng thực hành, mà còn có công việc chuyên môn giải quyết những chuyện trong đảng. Đây chẳng phải nói, chúng tại gia cư sĩ không cần phải phát quang Phật pháp, nhưng mọi người biết, chúng tại gia cư sĩ còn có cha mẹ, chồng vợ, con cái, bận rộn với việc mưu sinh, và rất nhiều rất nhiều chuyện khác nữa, nên không đủ khả năng và thời gian đứng ra gánh vác trọng trách phát quang Phật pháp (ở đây nói không đủ khả năng và thời gian chứ không phải không có, hiện tại vẫn có một số cư sĩ tham gia các tổ chức Phật giáo, phụ giúp với chư tăng hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh), do đó mới cần đến người xuất gia. Tăng chúng xuất gia, bởi không có phiền lụy của gia đình, kế sinh nhai, cho nên về phương diện thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà và hoằng pháp lợi sinh, tiện lợi hơn nhiều. Đây là điểm khác nhau nho nhỏ giữa tăng chúng xuất gia và tại gia cư sĩ.
Không nên cho rằng cư sĩ tại gia bị ràng buộc chuyện gia đình, kế mưu sinh, nên không có khả năng thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà và hoằng pháp lợi sinh, kì thật đây chính là sở trường của người cư sĩ tại gia. Phật giáo chẳng phải đến chùa chiền đốt hương niệm Phật, cũng chẳng phải thuyết pháp tọa thiền, mà nó cần phải chỉ dẫn cho nhân loại, thế giới, đưa nhân loại ngày càng hướng đến điều lành, cùng hưởng nguồn sữa pháp vi diệu của Như Lai, cùng chứng quả Vô thượng Bồ-đề. Người tại gia cư sĩ phân bố khắp các nghành nghề, có mặt trong các tầng lớp xã hội, lực lượng cư sĩ là nhu yếu chính của Phật pháp, nhờ có cư sĩ mà Phật pháp được lưu truyền đến mọi góc nhìn trong toàn thế giới. Người xuất gia nắm giữ truyền thống Thanh văn Phật giáo, do đó phải có khoảng cách nhất định với xã hội; hoặc có vị chuyên tu một mình, tạm thời cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Song đối tượng của Phật giáo Đại thừa là chúng sinh, cho nên cần phải hoằng pháp lợi sinh trong các nơi như thôn, xóm, làng, thị trấn, thành phố, hòa nhập chung với xã hội. Quan hệ giữa cư sĩ và xã hội hết sức mật thiết, càng dễ thực hiện trọng trách này, qua đây có thể thấy địa vị của người tại gia cư sĩ trong Phật giáo, quan trọng như thế đó! Người cư sĩ thực tập và học phương pháp giải thoát của Phật-đà, nên chú trọng đến xử thế, cứu thế, sống vui vẻ, an lạc. Tuyệt đối chớ tiêu cực, hưởng vui một mình, nỗ lực trong việc độ người sống cứu người chết. Tăng chúng xuất gia và người tại gia cư sĩ, nên phân công, cùng nhau hợp tác làm việc, để cùng nhau chia sẻ trọng trách gánh vác ngôi nhà Phật pháp. Nếu cư sĩ lâm cũng trở thành giống như chùa chiền, thì chẳng còn chút ý nghĩa gì cả, đã đánh mất đi ý nghĩa chân chính của tổ hợp Phật giáo đồ.
Cư sĩ nên làm cư sĩ Đại thừa, học làm Bồ-tát, trên cầu làm Phật, dưới cứu độ khắp chúng sinh. Cần phải đi trên lộ trình Bồ-đề, nhất định cần phải học tập và thực hành năm pháp, năm pháp này đức Như Lai đặc biệt nói cho người tại gia cư sĩ. Các vị học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, trước hết cần phải hỏi lại mình, năm loại công đức này, đã học và thực tập được toàn bộ chưa, hay là còn một vài phần chưa học. Như con người cần phải có ngũ quan (tai, mắt, mũi, miệng và thân thể) đoan chính, thiếu một chẳng thể được, năm đức này, người thực tập và học phương pháp giải thoát của Phật-đà cũng phải nên làm cho được trọn vẹn. Năm pháp là những gì?
1. Tín: Tín ngưỡng ba ngôi báu (Tam Bảo) có thâm sâu, kiến quyết hay không, nếu do dự không quyết đoán, giống như tin mà lại chẳng tin, thì càng đi sai lạc và xa rời với giáo pháp giải thoát của đức Như Lai, cho nên đầu tiên cần phải tín ngưỡng ba ngôi báu một cách tuyệt đối.
2. Giới: Cư sĩ tại gia nên tín ngưỡng phụng thờ ba ngôi báu, tiến thêm một bước nữa là phải thực tập năm nguyên tắc đạo đức (ngũ giới), bởi vì giới hạnh là cơ sở của tất cả đạo đức nhân sinh. Người thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà đầu tiên cần phải hoàn bị nhân cách, trở thành bậc quân tử, mô phạm cho cả nhân loại và chúng sinh.
3. Văn: Người thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, chỉ có tín ngưỡng ba ngôi báu, cho đến có được hành vi đạo đức tốt, cũng vẫn chưa đủ. Cần phải gần gũi những bậc thiện tri thức(1), nghe nhiều Phật pháp, đạt chính tri kiến của Phật pháp, có sự thể ngộ sâu sắc đối với Phật pháp. Các loại công đức trong giáo pháp của đức Như Lai, có được đều từ nghe, cho nên nói: “Nhờ nghe biết được điều lành, nhờ nghe biết được điều ác, nhờ nghe rời xa những thứ vô nghĩa, nhờ nghe đạt Niết-bàn thanh tịnh.”
4. Thí: Ba loại trên, đều là vì lợi ích cho mình, do đó công đức không đủ để viên mãn. Vì thế cần phải thi ân, hi sinh lợi ích cá nhân, có tiền cho tiền, có sức giúp đỡ sức, giúp đỡ người khác.
5. Tuệ: Công đức nghe pháp ở trên, vẫn còn gần với tri thức thông thường. Trong khi đó Phật pháp yêu cầu phải xa rời chấp trước, liễu thoát sinh tử, độ tận chúng sinh, đều cần phải có trí tuệ chân thật. Trí tuệ chân thật này chỉ có từ nghe, suy nghĩ và thực tập, ngộ giải chân đế, mới có khả năng đạt được chỗ thâm áo của Phật pháp. Cho nên, trong quá trình học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, trí tuệ chân thật này vô cùng quan trọng.
Người học Phật có vị học thức uyên bác, có vị phẩm đức cao thượng, có vị từ bi hỉ xả, mỗi vị có mỗi sở trường riêng. Song cư sĩ tại gia muốn tiến đến chỗ viên mãn, thì cần phải học tập và thực hành trọn vẹn hết năm nguyên tắc đạo đức này. Tròn đầy năm nguyên tắc đạo đức, mới có phong cách của Bồ-tát, mới đạt được mục tiêu đệ nhất làm cư sĩ Bồ-tát.
Cư sĩ Bồ-tát, cần phải dưới hóa độ chúng sinh, muốn đạt được điều này nhất định cần phải học Tứ nhiếp pháp. Nhiếp nghĩa là lãnh đạo nhiếp thọ. Cần phải có tư tưởng ảnh hưởng đến người khác, làm cho họ tiếp thọ ý kiến của mình, muốn làm được điều đó cần phải có phương pháp. Không nên xem thường mình, cho rằng khả năng mình làm được gì chứ, học sinh có thể lãnh đạo bạn đồng học, cha mẹ có thể lãnh đạo con cái, chủ tiệm có thể lãnh đạo nhân viên, thầy giáo có thể lãnh đạo học sinh, ngay cả người làm nông, làm nghề, buôn bán đều thành tựu việc lãnh đạo không thể nói hết, miễn ai có quan hệ với mình, chỉ cần có phương pháp đều có thể nhiếp thọ lãnh đạo họ, dùng phương pháp giải thoát của Phật-đà cảm hóa họ, giáo hóa họ, cứu độ họ, phương pháp này chính là tứ nhiếp pháp sẽ được trình bày ngay sau đây:
1. Bố thí: Giúp đỡ kinh tế, sự nghiệp, tư tưởng, công việc, gọi là bố thí. Một khi đã mang ân huệ của bạn tự nhiên họ sẽ phát sinh ấn tượng đẹp đối với bạn, tin tưởng những gì bạn nói, nghe theo những gì bạn dạy, cho đến những lời nói không hợp tình không hợp lí, họ cũng sẽ phục tùng, nghe theo bạn. Có người hỏi tôi: Giáo lí của ngoại đạo nông cạn như vậy, thế mà tại sao lại phát đạt như thế? Tôi đáp: Nguyên nhân chẳng phải có một, nhưng chí ít họ đã rất thành công trên phương diện bố thí, ví như xây trường học, xây bệnh viện, người chịu ân huệ đó không chỉ ngàn vạn! Dưới sự cảm kích, cho dù thiên quốc có hay không, giáo chủ có đủ khả năng cứu người ấy về cõi trời hay không, đều tin nốt. Phật giáo đồ muốn Phật giáo phát triển, cần phải bắt đầu từ bố thí, làm các việc phúc lợi như giáo dục, từ thiện, cứu tế… Giả như người học tập phương pháp giải thoát của Phật-đà chỉ vì riêng mình được liễu sinh thoát tử, thế thì không có gì phải bàn đến, còn ngược lại người học pháp Đại thừa, nguyện độ tận chúng sinh, nhất định cần phải thực tập bố thí. Cho nên, chư Bồ-tát chú trọng đến bố thí Ba-la-mật, mỗi lần nghe A nói, anh ta không tin, nhưng lời nói của B giống với lời nói của A, thì ngược lại anh ta tin, vì sao vậy? Bởi vì giữa anh ta và B có mối quan hệ nhân duyên đặc biệt. Người nào chịu ơn, người đó có duyên, có duyên thì giáo hóa dễ dàng, đây là phương pháp tất yếu để hoằng dương Phật pháp, cứu tế chúng sinh.
2. Ái ngữ: Dùng lời nói nhã nhặn, điềm đạm để nói chuyện với nhau, ái ngữ được chia ra làm ba loại:
a. Ủy dụ ngữ: Lúc gặp nhau, dùng nét mặt niềm nở, từ hòa, lời nói thân ái để chào hỏi nhau. Nếu gặp người bệnh hoặc tai nạn, sợ hãi, càng nên khuyến khích, sách tấn họ, an ủi và vực dậy tinh thần đang bị vùi chôn dưới bùn của họ. Mặc dù chẳng có sức lực gì có thể giúp họ cả, song nhờ lời nói ôn hòa, mềm dịu, thái độ đồng cảm, nhất định họ sẽ cảm kích bạn.
b. Khánh duyệt ngữ: Mỗi người đều có sở trường của riêng mình, ngay cả người xấu họ cũng có chỗ tốt. Miễn có chỗ tốt, chúng ta đều nên tán thán, khuyến khích, khêu gợi, làm cho họ được vui, nhờ đó có thể khêu gợi tâm hướng thượng của anh ta. Trước kia tại Châu Âu có nhà triết học, lúc đầu ông ta cũng là người bình thường như bao người bình thường khác, nhưng nhờ được khuyến khích thường xuyên, giúp ông nỗ lực, cố gắng, kết quả trở thành nhà triết học nổi tiếng. Muốn giáo hóa người khác, điều đầu tiên phải nên khen ngợi, khuyến khích họ, để họ nhận ra mình cũng có ưu điểm, nhận ra công đức của mình, không những thế mà nhờ đó họ sẽ phát sinh thiện cảm đối với chúng ta, cũng nhân cơ hội này mình hướng dẫn họ đi theo con đường lương thiện.
c. Thắng ích ngữ: Nghĩa là giúp người tiến bộ. Ví dụ như có người đã có khả năng bố thí, nên hướng dẫn anh ta tiến thêm bước nữa là phát tâm thực tập những nguyên tắc đạo đức (trì giới); học xong pháp Tiểu thừa, nên hướng dẫn họ học thêm pháp Đại thừa, như vậy mới cứu cánh. Với mục đích muốn người ta tiến bộ, cho nên không chỉ dùng những lời tốt đẹp khuyến khích, động viên, có khi lại la mắng, khiển trách. Nhưng phải dùng thái độ thành khẩn, tình cảm chân thành tha thiết, chắc chắn đối phương sẽ vui vẻ tiếp thọ.
3. Lợi hành: Cha mẹ dạy dỗ, nuôi dưỡng con cái, quan tâm đến lợi ích thân tâm của chúng, tự nhiên sẽ được con cái hiếu thảo; thầy giáo dạy dỗ học trò, nếu lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích của học sinh, nhất định cũng nhận được sự tin yêu của học sinh; người làm lớn chăm lo đến lợi ích của nhân viên, cấp dưới, chắc chắn sẽ được sự ủng hộ và yêu mến của nhân viên, cấp dưới. Cho nên vì giáo hóa chúng sinh, làm cho người ta vui vẻ tiếp nhận ý kiến của bạn, tiếp thọ sự lãnh đạo của bạn, thì không thể không chú ý đến lợi hành. Ở Châu Âu có người nuôi dạy dã thú rất giỏi, suốt ngày luôn tập luyện cho cọp, sư tử, hết đánh đập đến la hét, nhưng những con dã thú đó không làm hại ông ta. Người ta hỏi ông làm sao không bị cọp ăn thịt, ông ta nói: Điều này đâu có gì kì lạ, chỉ cần bạn cho nó biết bạn đối xử tốt với nó, không có ý làm thương hại nó, tự nhiên nó sẽ phục tùng bạn, cũng không tùy tiện làm thương hại bạn. Loài súc sinh còn như vậy, huống gì con người! Chỉ cần bạn cho họ ân huệ, lúc nào cũng nghĩ đến lợi ích của người khác, nhất định người khác sẽ tín nhiệm bạn, vui vẻ tiếp nhận sự chỉ đạo của bạn.
4. Đồng sự: Đồng sự là cùng nhau đảm nhiệm công việc, cùng đồng cam cộng khổ với bạn bè, cấp dưới. Sợ sức của mình yếu, tự có nhiều người đến giúp đỡ bạn, nghe theo bạn. Vả lại, muốn giáo hóa anh ta, cần phải học theo anh ta, cùng làm một công việc với anh ta. Vào thời kháng chiến, có bộ phận thanh thiếu niên học sinh, tổ chức đoàn kịch và đội ca vịnh, về nông thôn ca múa, nhảy, khuyến khích dân chúng, ủng hộ kháng chiến. Tuy có ít nhiều thành công, nhưng kết qua thu được không cao lắm. Họ tổ chức kiểm thảo trở lại tại sao lại thành công thấp như vậy, bởi thái độ sống của học sinh và người nông dân một nắng hai sương cách biệt nhau quá xa, có chút gì đó không được hiểu nhau cho lắm, cho nên người nông dân không dễ gì phát khởi ý thức cộng đồng. Cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm, mới dùng 32 ứng thân để hóa độ chúng sinh, người như thế nào, hiện thân như thế đó, giống y như họ, để hóa độ họ, chính là ý này.
Bốn phương pháp này, là phương pháp căn bản nhiếp thọ, lãnh đạo người khác; những chuyện trên thế gian cũng không thể trái ngược với nguyên tắc này. Bây giờ chúng ta dùng phương pháp này để hoằng dương Phật pháp, nhất định sẽ đạt được hiệu quả rất lớn. Tuy chúng ta thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, hoặc giáo hóa người khác, nhưng không có khả năng làm cho người ta cảm kích, không có khả năng làm nhiều người tin tưởng, nguyên nhân do chúng ta không học bốn phương pháp này đến nơi đến chốn, không làm tốt. Nếu thực hiện tốt Tứ nhiếp pháp này, nhất định sẽ phát sinh tác dụng rất lớn. Mỗi người đều có người thân, bạn bè có quan hệ với chúng ta, thế thì chúng ta nên thực thi ngay trọng trách của người cư sĩ, hướng dẫn họ qui kính ba ngôi báu, góp phần phát dương quang đại phương pháp giải thoát của Phật-đà!
(1). Thiện tri thức (善知識 tiếng Phạn Kalyāṇamitra): Người chân chính ngay thẳng, có đức hạnh, có khả năng giáo hóa, dẫn dắt người khác theo chính đạo. Trái lại, người giáo hóa, dẫn dắt người khác theo tà đạo gọi là Ác tri thức.
Thiện tri thức có nhiều cách giải thích, như theo Ma-ha Chỉ Quán của thầy Trí Khải, có ba loại Thiện tri thức như sau:
a. Ngoại hộ: Giúp đỡ từ bên ngoài, giúp cho an ổn thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà.
b. Đồng hành: Cùng chung hành động, khích lệ lẫn nhau.
c. Giáo thọ: Khéo léo thuyết pháp.
Còn theo kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới, trong quá trình cầu đạo, Thiện Tài đồng tử đã tham vẫn tất cả 55 vị Thiện tri thức (thông thường cho rằng 53 vị Thiện tri thức), tức trên từ Phật, Bồ-tát, dưới đến người trời, bất luận xuất hiện dưới hình thái nào, hễ là người nào khả năng dẫn dắt chúng sinh bỏ ác tu thiện, vào Phật đạo đều gọi Thiện tri thức.