Đầu mùa Thu năm ngoái, Tôn cư sĩ đưa đến hai thiên văn tuyệt diệu “Đồ Khờ Hồi Đầu”, “Nhân Loại Mê Mộng Và Trung Quốc Xuất Lộ”. Lúc đó tiện tay bỏ đâu, tìm mãi không thấy. Tháng trước kéo hộc bàn ra, thấy hai thiên văn nằm sờ sờ trong đó, đọc lại một lần nữa, thấy được mục đích của tác giả, phản đối chế độ kinh tế và chính trị cách mạng của Mã Khắc Tư, từ động cơ trên, chúng ta chỉ có đồng tình với ông ta, tán thành ông ta. Song, ông ta lại đem ngộ chứng của Phật giáo gộp lại nói chung trong đó, “đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi dưới cội Bồ-đề, nghĩ vu vơ thế giới Cực Lạc, trên thế gian đồ khờ nhất, chỉ có mình đức Thích-ca Mâu-ni”; “Lục triều Tùy Đường, lại xuất hiện vị đại Bồ-tát, tĩnh tọa tham thiền, nghĩ tưởng vu vơ âm thầm tìm kiếm, hoàn toàn dùng trí tuệ cầu chân lí. Tuy lập luận sâu sắc, song chẳng có lợi ích gì đối với văn hóa Trung Quốc”. Tác giả đánh giá cao thực nghiệm, thử hỏi đối với lí luận Phật giáo, nội dung trí tuệ, có xác thật đã hiểu rõ, đã xét duyệt, đã thí nghiệm qua chưa? Thật ra mà nói, đối với ngộ chứng của Phật giáo, anh ta chẳng biết gì cả, chỉ suy tưởng vu vơ, quá khích, dựa theo tinh thần phản tôn giáo của bọn tà ác, cộng thêm hiểu sai của thói đời, mà viết ra những lời lẽ thiếu trách nhiệm, hủy báng thật tế! Nghĩ vớ vẩn mà cuồng ngôn hồ đồ, cũng chẳng cần phê bình, chỉ cần cho ông ta biết một điểm nhỏ là được rồi!
Quan niệm đường thẳng, quan niệm bình diện, quan niệm cố định, quan niệm tuyệt đối không gian thời gian, tác giả dựa vào tương đối luận, nhất nhất đều gọi sai lầm mê mờ. Ông ta nghĩ, tự giác thực nghiệm của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, là suy lí âm thầm tìm kiếm mà trái ngược với những thứ này. Đâu biết rằng, tự giác thực nghiệm của đức Thế Tôn, là từ căn bản phủ định “tự tính kiến”, chính là thành kiến rất phổ biến trong ý thức của nhân loại, xưa nay chưa từng rời xa, trở thành nhân tố tâm lí của tất cả sai lầm và hồ đồ. Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai là bậc đại giác đại ngộ triệt để, rời xa loại vọng kiến điên đảo này, đây mới từ hiện chứng trong tất cả pháp, phát kiến: “Các hành vô thường”, hết thảy chỉ là quá trình sinh diệt và kéo dài không ngừng, mà chẳng có sự vật bất biến; “các pháp vô ngã”, hết thảy chỉ là hiện tượng của sự hòa hợp nhiều mối quan hệ, mà chẳng có cá thể tồn tại độc lập; “Niết-bàn tịch tĩnh”, tất cả hiện tượng sai biệt và rối loạn, ngay tức khắc được bình đẳng, hài hòa, yên lặng. Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai vốn tự giác thực chứng cái này, sau đó chỉ dạy cho chúng ta, tất cả là duyên khởi, tương đãi (tương đối); hết thảy sự vật, chỉ là duyên khởi Không mà vô thường, vô ngã, vô sinh. Vấn đề này trong đại Trung Quán, đặc biệt phát dương một cách rõ ràng thấu triệt, quán phá quan niệm cố định, luận điệu hoang đường thời gian, không gian tuyệt đối… Cho nên, dựa vào thực nghiệm và tương đối luận, nhắm mắt đụng chạm đến Phật giáo, càng làm lộ rõ chân tướng suy luận và ngây ngô khờ dại của tác giả.
Sai lầm của thế giới ngày nay (xưa kia cũng đã có, song đến ngày nay càng mạnh hơn), là tà kiến đứng đầu. Bất cứ ai, cũng đều muốn dựa vào sự lí mà mình cho là phải (kì thật bộ phận này nhiều nhất), từ đó đem ra suy luận tất cả. Nếu dùng vật lí khoa học làm chỗ y cứ, mà giải nói về sinh lí, tâm lí, đi đến cái thấy xằng bậy về duy vật luận. Y cứ vào kinh tế, giải nói hết thảy biến động xã hội, đi đến cái thấy xằng bậy về kinh tế sử quán. Lại nếu chuyên dựa vào thực nghiệm của vật lí khoa học, tưởng lấy đánh giá tất cả, cho rằng những thứ không như vậy thì không phải thực nghiệm. Không biết vật chất thực nghiệm của thế giới, cùng với xã hội giới không có khả năng toàn đồng, thực nghiệm của xã hội giới chính trị kinh tế, lại nhất định không giống với thực nghiệm của sinh mạng và tự tâm. Loại luận điệu hoang đường xen lẫn quan niệm quyền lực này, chẳng qua trái ngược với tương đãi tính (tương đối) sai lầm và hồ đồ. Tác giả nói nhiều về tương đối luận, đề xướng thật nghiệm luận, kì thật chính ngay ông ta lại thiếu khuyết thực nghiệm, cũng qua loa với tương đối. Nếu chủ trương “có trị người, không trị pháp”, chính là loại phản pháp trị luận cực đoan. Người và pháp tương đối; người mà là bậc hiền minh, cố nhiên có thể xúc tiến tạo thành chế độ tốt đẹp; trong chế độ tốt đẹp, cũng dễ huân đúc tạo thành, phát triển người có tài có đức. Ngược lại, người không hiền không sáng suốt, tất cả phương pháp hay, chế độ tốt, cũng đều không có hiệu quả; nếu pháp luật lỏng lẻo, chế độ rối loạn, không an ninh, chắc chắn sẽ không có được thành tích tốt, thậm chí người tốt cũng không thể tồn tại trong hoàn cảnh hư hoại, thối nát như vậy. Dưới quan hệ nhân và pháp tương đãi, ảnh hưởng qua lại này, rõ ràng biết chừng nào! Tại sao phải nói nghiêng về “có trị nhân, không trị pháp”? Vấn đề nằm ở chỗ ông ta xưa nay chưa từng biết qua “tương đối” luận. Tương đối, tương đối, chỉ là lời nói ngoài miệng, chứ chẳng có nằm trong tâm ông ta.
Tự giác thực chứng của đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, trước hết bắt đầu từ phân biệt sự tướng (pháp tướng thiện xảo); tiếp theo, nắm vững quan hệ bên trong của căn (sinh lí), cảnh (vật lí) và thức (tâm lí), tất cả tâm và cảnh tương quan, tự và tha tương quan, vật và mình tương quan, trình tự hoạt động thông thường (duyên khởi thiện xảo); lại thâm nhập đến nội chứng của bản tính các pháp, thể nghiệm chân thật. Điều này cùng với từ quán sát mà thực nghiệm của khoa học, chẳng có gì không hợp. Thực nghiệm của giác chứng đó, lấy gì biết nó chân thật? Bởi vì trong pháp tính tự giác này, xuất hiện tính duyên khởi tương đãi của tất cả sự vật, duyên khởi và tính Không nhị đế dung thông mà chẳng mâu thuẫn nhau. Cho nên, suy lí hợp nhau, đại giác cứu cánh của đức Như Lai, có thể kết luận mà chẳng nghi ngờ gì cả. Trung tâm giác ngộ lớn trong Phật, chỉ ra tính duyên khởi tương đối của vũ trụ nhân sinh; chỉ ra các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh, điều này được giới trí thức tiến bộ, chứng minh là chân lí sống mãi với thời gian. Tác giả tự mình nghĩ tưởng vu vơ, hồ đồ, thế mà lấy tâm mình suy tâm Phật, phê phán đức Như Lai của chúng ta “không có thực nghiệm”, là “thiếu khuyết kinh nghiệm”! Hãy bình lặng phản tỉnh trở lại đi! Anh không nghĩ tưởng vu vơ, thực nghiệm thật đấy, chào đời sau hơn 2.500 năm, cũng chỉ là kẻ ăn cắp một số luận tương đối của người khác, để ra oai khua môi múa mép, mà trong tâm chẳng có gì cả. Nếu đức Như Lai suy nghĩ vu vơ, hồ đồ, thị hiện ra đời hơn 2.500 năm trước, mà lại có khả năng phát hiện ra luận tương đối càng hoàn thiện (luận tương đối ái thị, trong đây độ thời không)! Vậy đồ khờ, cuối cùng là ai? Trên thực tế, nói thực nghiệm, tự giác thực chứng của đức Như Lai, chính là thực nghiệm. Ai chịu nương vào đây tu tập, thì ai cũng có khả năng thực nghiệm, có tính tất nhiên và tính phổ biến, chứ chẳng phải sản vật của chủ quan. Cho nên nói: Pháp này (thể nghiệm đến), “phi Phật tác, cũng phi dư nhân tác, pháp tính pháp nhĩ”. Chẳng qua loại thể nghiệm này, là thực nghiệm căn bản mà rất thâm sâu, triệt để, không nghiêng về tự nhiên giới, xã hội giới, đặt nặng thực nghiệm sinh mệnh tự thể, chỉ do chúng ta cứ mãi hướng ngoại tìm cầu nên không có khả năng thông đạt mà thôi. Cho nên, Đại sư Thái Hư viết bộ “Nhân Sinh Quan Của Khoa Học”, nói Phật pháp là nghĩa rộng của khoa học, nghĩa rộng của thực nghiệm. Các nhà luận điệu điên cuồng, suy tưởng vu vơ, cực đoan, làm sao hiểu được!
Đối với văn hóa Trung Quốc, tác giả ca ngợi thời đại chiến quốc Tần (Tây) Hán, nói: “Sách của Khổng Tử, quyết (?) chẳng mê tín”; “sở dĩ Trung Quốc có được thời kì văn minh như trước kia cho mãi đến ngày nay, là do không có tôn giáo”. Rất hiển nhiên, đây là khẩu khí đại biểu cho số người đời sau không tôn giáo hoặc phản tôn giáo của Trung Quốc. Trong lịch sử văn hóa Trung Quốc, Tần, Hán chính là thời kì rất phong phú về tính tôn giáo. Hãy xem những nhà Nho thời Tây Hán, Khổng Tử không phải là thần sao? Ngũ hành, Sấm vĩ, Hưu cữu, tất cả chẳng phải của người nhà Nho sao? Đến thời phát triển rực rỡ của văn minh Tùy, Đường, sử sách ghi chép hết sức chân thật và đầy đủ. Người ngoại quốc gọi Hoa Kiều là “người Đường”, Hoa Kiều xưng quê hương mình là “núi Đường”, tuyệt nhiên chẳng thua kém gì hai nhà Hán (Tây Hán và Đông Hán). Văn minh Tùy, Đường, Phật giáo là đại tông, rồi đến Đạo giáo, Cảnh, Yêu, Hồi… thời kì phát triển rực rỡ nhất của tất cả tôn giáo. Bác bỏ, triệt tiêu văn minh rực rỡ của triều Tùy, Đường, lại ca ngợi những thứ của bọn ngoại quốc xâm lược, mà nói Phật giáo “không có lợi ích gì cho văn hóa Trung Quốc”, đây rõ thật là tự hủy hoại văn hóa Trung Quốc!