(trả lời cho cư sĩ Lâm Lăng Chân)
Theo thế giới quan, Tu-di sơn là trung tâm, là truyền thuyết nhất trí của cổ điển Phật giáo. Theo truyền thuyết Phật giáo, lấy núi Tu-di làm trung tâm, có tám lớp núi, tám lớn biển bao bọc chung quanh; trong biển bốn hướng của núi Tu-di có bốn đại châu; mặt trời và mặt trăng, xoay quanh eo của núi Tu-di. Chương IX trong Phật Pháp Khái Luận tôi có nói: “Thế giới như vậy, bất đồng với những gì mình biết về thế giới hiện tại”. Ngược lại, truyền thuyết Phật giáo, cùng với những gì mình biết về tình hình thế giới gần đây, chẳng tương đồng. Giả sử nói, nó quá nhỏ mình không thể thấy được, hoặc cách xa đến 10 vạn trăm vạn ức cõi nước, thế thì tri thức thông thường của thế gian không có khả năng chứng thực, cũng không thể phủ nhận, chúng ta có thể không cần hỏi. Nhưng, núi Tu-di là trung tâm của thế giới chúng ta, mà bốn châu lại là nơi được mặt trời mặt trăng chiếu đến. Thế giới vừa gần lại lớn với thế giới của chúng ta, như vậy không thể lẫn tránh không nói đến. Điều này không thể hoàn toàn tương hợp giữa truyền thuyết xưa kia và hiện thực, do đó cần phải có cách giải thích hợp lí. Bằng không, giới tri thức đời này, sẽ sinh ra hiểu lầm, đánh mất đi tín ngưỡng Phật pháp.
Trong Phật Pháp Khái Luận, tôi có giải thích sơ qua. Nhưng cách giải thích hợp lí này, không phải là ý tưởng do tôi nghĩ ra. Trong “Phật Pháp Khái Luận” nói: “Dùng khoa học để nói về Phật pháp: Núi Tu-di tức Bắc cực; Tứ châu tức là Đại lục trên địa cầu này, Diêm-phù-đề bị hạn chế một dãy Á châu.” Đây là cách giải thích của nhà khoa học Vương Tiểu Từ tiên sinh. Cách giải thích này, rất tương hợp với truyền thuyết Nam châu trung nhật, Bắc châu dạ bán. Nhưng cho núi Tu-di là Bắc cực, biến ngọn núi cao thành nơi băng tuyết, hình như cách quá xa với truyền thuyết vốn có. Vả lại, “chân thật hiện nói: Tu-di sơn hệ tức là Thái dương hệ; bốn hành tinh thủy, hỏa, địa, kim tức là Tứ châu; bốn hành tinh mộc, thủy, thiên vương, hải vương tức là Bốn đại vương chúng thiên; Thái dương tức là Đao-lợi thiên”. Đây là cách nói trong “Chân Thật Hiện Luận” của Đại sư Thái Hư. Theo cách giải thích này, Bắc-câu-lô châu là một hành tinh riêng biệt, có thể không thành vấn đề. Truyền thuyết nói mặt trời quay xung quanh núi Tu-di, bây giờ nói mặt trời là trời Đao-lợi trên đỉnh núi Tu-di, cũng chẳng tương hợp cho lắm.
Đối với vấn đề này, tôi có mấy ý kiến:
1. Đức Phật là nhà tôn giáo trí tuệ, đức hạnh, Ngài hướng dẫn mọi người thực tập phương pháp rời ác hướng thiện, đoạn trừ phiền não lậu hoặc đạt được an lạc giải thoát. Đối với tình trạng thế giới này, chỉ tùy thuận theo thế tục mà nói thế giới tất-đàn(1). Ngược lại, thiên văn địa lí Đức Phật nói, tùy thuận theo tình trạng thế giới người Ấn Độ lúc đó biết, chẳng phải nói theo nội dung như thật của tri kiến Như Lai. Như người mẹ muốn con mình uống thuốc, mà đứa trẻ lại nhìn lên trời, nói mặt trăng trong mây đen chạy nhanh thật. Người mẹ không cần phải sửa lại cái thấy biết sai lầm của con, bởi vì nó quá nhỏ, không thể hiểu được đạo lí “mây kéo trăng đi”. Có nói cũng tốn công, có lẽ càng nói càng mơ hồ. Chi bằng cứ nghe nó nói, khuyên nó mau uống thuốc. Đức Như Lai giảng thuyết phương pháp giải thoát của Ngài cũng như vậy, luôn tùy thuận theo chúng sinh ngu muội, có “tùy theo ý nghĩ và lời nói của chúng sinh”, “thế giới tất-đàn”, có “hành động của trẻ con”, “việc làm của người mẹ”, nói những lời tùy theo chỗ ưa thích của chúng sinh. Những lời nói này trong Phật pháp, đều là phương tiện thiện xảo, lời nói như thật. Nếu đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn thị hiện đản sinh vào thời này, hoặc không thị hiện ở Ấn Độ, thì tình trạng thế giới mà Ngài nói, đương nhiên sẽ không tùy thuận theo thế giới quan của người Ấn Độ cổ xưa. Nếu bỏ qua điểm này, bắt thế tục theo ý nghĩ, lời nói của mình, cho đó là đạo lí bất di bất dịch, thế thì “căn bản đã trái ngược với tinh thần của Đức Phật”.
2. Tôi cho rằng, ví như tình hình thế giới Phật giáo lưu truyền, là “đức Như Lai thuận theo thế tục nói ra một ít, do người đời sau suy diễn sắp đặt hoàn thành”. Như “Kí Thế Kinh” (thể văn và nội dung, gần giống với sách Vãng Thế của Ấn Độ) trong Trường A-hàm bản Hán dịch, đặc biệt tường thuật bàn luận hết sức tỉ mỉ tình hình thế giới, song bản văn Pàli Nam truyền Tích Lan thời vua A-dục, không có kinh này. Kì thật phần mở đầu của kinh này, rõ ràng có nói do chúng đệ tử sau khi bàn bạc thương lượng ghi ra. “Lập Thế A-tì-đàm Luận” cơ bản rất giống nội dung của kinh này, thuộc tạng luận, nói đây là do Phật-bà-già-bà và A-la-hán nói. Đây không phải đã nói rõ rồi sao, trong này cũng có bao gồm thành phần do chúng đệ tử của đức Như Lai nói, càng chứng minh đây chỉ là do đệ tử Đức Phật thảo luận sắp đặt hoàn thành, cho rằng hợp với ý Phật. Nhưng, những gì Đức Phật nói không nhất định như vậy.
3. Truyền thuyết địa lí cổ đại, lúc đầu đều có y cứ vào sự thật. Hoặc quán sát không chính xác, hoặc do sự tưởng tượng của một số người nào đó, vì thế mới nói điều này không tương ứng với thật tế. Như truyền thuyết Yến Tề Phương Sĩ của Trung Quốc chúng ta nói: “Núi tiên trên biển” , “Bồng Lai tam đảo”, đương nhiên có y cứ vào sự thật. Nhưng Tam đảo trên biển, chẳng phải nơi cư trú của thần tiên như Phương Sĩ tưởng tượng. Lại như trong kinh ghi: Hồ lớn Vô Nhiệt, là đầu nguồn của bốn con sông lớn. Theo quán sát thật tế, cao nguyên Mạt-mễ-nhĩ, xác thật có hồ lớn, thường gọi là hồ Duy-đa-lợi-á. Chảy ra bốn hướng, quả thật có sông Hằng, sông Ấn Độ, sông Phược-sô; đến như sông Tỉ-đa, chảy vào sông Tháp-lí-mộc của Tân Cương, khả năng ngày xưa nối liền với Hoàng Hà. Nhưng, nói được bắt nguồn từ hồ lớn Vô nhiệt, chảy ra bốn hướng, Ngưu Khẩu, Tượng Khẩu…, không phải sai hoàn toàn. Cái mà hiện tại chúng ta cần thảo luận, núi Tu-di là trung tâm thế giới, Câu-la, Diêm-phù-đề châu…, đương nhiên cũng có căn cứ hẳn hòi. Song có điều trong truyền thuyết, không tránh thêm thắt thành phần tưởng tượng, đi xa với tình hình thực tế. Cho nên, duy chỉ có tìm cầu căn cứ sự thật ban đầu từ trong truyền thuyết, mới giải thích truyền thuyết hợp lí.
“Tôi cho rằng, thuyết núi Tu-di và Tứ châu của cổ đại, nhìn chung gần với sự thật”. Trước hết nói đến núi Tu-di: Núi Tu-di, thật sự chính là núi Hi-mã-lạp-da (kì thật, đây không chỉ là cách nói của tôi, mà nhiều người cũng có cùng ý kiến như vậy). Điều này không những thanh âm tương hợp, vả lại núi Tu-di là núi cao nhất trên thế giới, theo sự đo đạc gần đây, núi Hi-mã-lạp-da cũng là núi cao nhất trên thế giới. Trong kinh tạng Hán dịch, ngoài núi Tu-di ra, còn có Tuyết sơn, kì thật Tuyết sơn cũng chính là Tu-di Lô sơn. Như con cháu dòng họ Thích Ca ở trong 4 nước, có một nước chính là “Tuyết sơn hạ”. Ở chân núi phía Nam của dãy Hi-ma-lạp-da, có nước Tô-ni-la (dịch khác của Tu-di Lô), ngày xưa gọi là biên địa Tuyết sơn. Cho nên, Tuyết sơn - Hi-ma-lạp-da sơn và Tu-di Lô sơn, là phân hóa cùng một tên. Trong truyền thuyết Phật giáo, bỏ Tuyết sơn nói Tu-di sơn, cũng chính là đánh mất đi không gian hiện thật, mà không biết ở đâu!
Dựa vào kinh Khởi Thế, tôi thấy người xưa nói nước trên mặt đất, điều này mâu thuẫn với truyền thuyết Tứ châu ở trong biển. Lại theo kinh A-hàm, thấy đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai thuyết pháp cho mẹ trên cung trời Đao-lợi (đỉnh núi Tu-di), cho đến chuyện a-tu-la xâm chiếm trời Đao-lợi thất bại trở về, những điều này đều cách phía Nam của núi Hi-mã-lạp-da không xa (trong Phật Pháp Khái Luận có nói rất rõ), do đó có thể khẳng định như vầy: Tu-di sơn tức là Hi-mã-lạp-da sơn, Nam-diêm-phù-đề, Bắc-câu-lô châu…, chẳng có ở trong biển lớn, mà được phân bố men theo các khu vực xung quanh núi Hi-mã-lạp-da. Mùa thu năm ngoái, đọc tác phẩm “Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận” bản tân dịch vừa xuất bản, mới biết được truyền thuyết của Ấn Độ giáo, Diêm-phù-đề lấy núi Tu-di làm trung tâm, phân ra bảy nước. Phía Bắc có Uất-đãn-la-câu-la, phía Nam có Bà-la-đa. Bốn phía của núi Tu-di có bốn cây, cây phía Nam tên Diêm-phù-đề (lúc đầu dịch là Khương-bố, tức Chiêm-bộ. Phật giáo cũng nói tên Diêm-phù-đề là lấy theo tên cây này; cây nằm bên bờ sông, sông tên Diêm-phù-đề, sản kim). Cho nên phương Nam Bà-la-đa, cũng gọi là Diêm-phù-đề; mà gọi chung 7 nước là Diêm-phù-đề, chỉ là lấy Diêm-phù-đề gọi chung cho 7 nước của trung tâm núi Tu-di. Điều này cho thấy Phật giáo và Ấn Độ giáo, đều cùng y cứ vào truyền thuyết cổ đại ━ lấy núi Tu-di làm trung tâm mà phân ra bốn bên. Nhưng do mỗi người có mỗi cách tưởng tượng, sắp xếp thành hình dạng thế giới riêng biệt.
Cư sĩ Lâm Lăng Chân ở Giác Uyển - Đông Liên - Hông Kông, nghiên cứu tìm tòi Phật Pháp Khái Luận cho học sinh, đến phần liên quan thuyết tứ châu của núi Tu-di trung tâm sinh ra hoài nghi, cho nên phân ra từng phần thỉnh vấn. Do đó, đầu tiên tôi ghi lại câu hỏi, sau đó giải đáp từng phần.
Tu-di sơn tiếng Phạn Sumeru (Tu-di-lô), tức núi Hi-mã-lạp-da ngày nay. Xưa nay người ta luôn nói trên đỉnh núi Tu-di có trời Đao-lợi, mà trên đỉnh Hi-mã-lạp-da có trời Đao-lợi hay không? Trước kia có thám hiểm gia từng lên tới đỉnh Hi-mã-lạp-da, có phải đã đến trời Đao-lợi rồi không? Đã có khả năng đến được đỉnh Hi-mã-lạp-da, tại sao ngày nay khoa học gia, vẫn chưa có khả năng đạt được mặt trăng; bởi mặt trăng nằm ở lưng chừng núi, như vậy lên đến đỉnh, cũng có nghĩa đã đến được mặt trăng.
Đỉnh núi Tu-di, Phật giáo nói là cung trời Đao-lợi, chỗ ở của vua trời Đế-thích; Ấn Độ giáo nói là nơi của Phạm Thiên. Đế-thích tên là Nhân-đà-la, vốn là một vị thần của Ấn Độ giáo. Tóm lại núi Tu-di, núi Hi-mã-lạp-da, trong mắt của người dân Ấn Độ là nơi cư trú của thánh thần. Lên đến núi Hi-mã-lạp-da, có phải đã đến trời Đao-lợi không? Điều này có thể nói, “trời có khả năng thấy người, nhưng người không có khả năng thấy trời”, chỗ con người thấy toàn là đỉnh núi, băng tuyết, cây cối, nham thạch; mà tại cõi trời có thể là thất bảo trang nghiêm, cho nên đến rồi có nghĩa là chưa đến. Chí như eo núi Tu-di, mặt trời mặt trăng vận hành, cùng với những tình hình người ta biết gần đây bất đồng. Vả lại, tại eo núi, chẳng phải hõm sâu vào eo núi, nói là quĩ đạo vận hành, ngang bằng với eo núi Tu-di (cao 4 vạn do-tuần). Leo lên đỉnh núi bằng tay, thế thì có khả năng bay lên tới mặt trăng cao xa như vậy sao?
Thuyết Tứ châu đương thời, không bao hàm cao nguyên Đức-can… Từ tứ châu tới Phạm thiên, gọi là một tiểu thế giới. Đã, tứ châu đương thời, không có bao quát cao nguyên Đức-can, tiểu thế giới đó, có phải chỉ riêng cho nước Ấn Độ hay không? Thế thì những quốc độ khác, như Trung Quốc…, có phải có một tiểu thế giới hay không?
Lúc đầu tuy chỉ cho Ấn Độ, nhưng đến khi thế giới được thông giao, tầm nhìn được mở rộng, lúc đó tiểu thế giới cũng được mở rộng, rộng đến cả địa cầu (cả phần dưới mặt đất và không gian). Như ngày xưa Trung Quốc chúng ta nói thiên hạ, kì thật chỉ cho cửu châu lúc đó. Sau đó, được mở rộng ra. Đến ngày nay, nếu nói “thiên hạ”, đương nhiên bao quát cả nhân loại trên toàn địa cầu trong đó.
Luận Câu-xá nói: Trong thất kim (thất kim sơn), Tô-mê-la được xây dựng bằng tứ bảo… giữa núi có tám biển. Nếu núi Hi-mã-lạp-da là núi Tu-di, mà núi Hi-mã-lạp-da có phải được hình thành bằng tứ bảo không?.... Nói núi Tu-di là núi Hi-mã-lạp-da, hình như mâu thuẫn với kinh luận, chẳng hay rốt cuộc phải y cứ vào đâu? Có phải núi Thiết Vi…, đều thuộc thần thoại truyền thuyết hay không? Thế thì đức Như Lai nói vô lượng vô biên thế giới, có đáng tin không?
Nói Hi-mã-lạp-da tức là núi Tu-di, có mâu thuẫn với kinh luận không? Kì thật, không chỉ có mâu thuẫn với những gì tôi nói, mà ngay cả lập luận của cư sĩ Vương Tiểu Từ và Đại sư Thái Hư, cũng có mâu thuẫn như vậy. Nhưng, kinh luận mâu thuẫn, vốn thuộc về các kinh, luận “Kí Thế kinh”, “Lập Thế A-tì-đàm luận”… song những kinh luận này có khá nhiều sự tưởng tượng và sắp xếp của người đời sau. Vả lại, tình hình thế giới đức Như Lai nói lúc đó, không ngoài tùy thuận theo tình hình thế giới người thời bấy giờ biết. Điều này đối với những gì người thời nay biết về tình hình thế giới, không giống với truyền thuyết, khó tránh được mâu thuẫn. Mặt khác, để giải thích tình hình thế giới theo những gì người thời này biết, đương nhiên không thể tương hợp với truyền thuyết. Nếu giống nhau y đúc, chắc chắn bất đồng với những gì người bây giờ biết. Đến như Đức Phật nói có vô lượng thế giới, vốn đây là điều mà các tôn giáo ở Ấn Độ đều có nói, song Đức Phật nói rộng hơn. Dựa vào những gì người bây giờ biết, xác thật có thể tin!
Đức Phật nói Bắc-câu-lô châu, là một trong tám nạn, tại sao Phật giáo lại ngưỡng vọng về thế giới này? Lại sao ngoài thân thuộc của họ, tự do giao hợp, không phạm giới tà dâm? Lại đã nói Bắc châu là thế giới cực kì phúc lạc, mà sự thật Bắc-câu-lô châu có thực như vậy hay không?
Bát nạn, xưa kia gọi là “bát vô hạ”, bởi Bắc-câu-lô châu…, không có cơ duyên nghe được phương pháp giải thoát của Phật-đà. Tuy là thế giới có phước lạc cực lớn, song trong sinh tử luân hồi, không thể phát tâm vượt thoát, cho nên bị liệt vào một trong tám nạn. Như trong ba cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng cao nhất, cũng là một trong tám nạn trời Trường Thọ. Nạn này, muốn chỉ cho không có nhân duyên học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, chứ chẳng phải tai nạn và khổ nạn thông thường như chúng ta. Nói đến không tà dâm, thông thường người ta dùng quan niệm hiện có để xem xét họ, cho nên thấy tự do giao hợp, không thể không tà dâm. Không biết rằng giao hợp hợp pháp là chính dâm, giao hợp bất hợp pháp là tà dâm. Hợp pháp là sao? Nghĩa là được xã hội (quốc gia) đương thời, công nhận điều đó có thể, xã hội thời đó cho phép, là hợp pháp. Như Ấn Độ cổ đại, có 7 loại vợ: Mua bán hôn nhân gọi “tác đắc”, cướp đoạt hôn nhân gọi “phá đắc”, tự do luyến ái gọi “tự lai đắc”… Xã hội cho phép, pháp luật quốc gia không ngăn cấm, chính là hợp pháp. Bắc-câu-lô châu, không có tổ chức gia đình, không có kinh tế riêng, gần giống với xã hội nguyên thỉ. Trong xã hội này, mọi người đều như vậy, cho nên không có ai phạm tà dâm cả. Nếu không hiểu lí lẽ này, như truyền thuyết của Trung Quốc trước thời Phục Hi, không có chế độ hôn nhân, chẳng lẽ ai cũng đều phạm giới tà dâm đọa lạc hết sao? Song theo văn minh xã hội ngày càng tiến bộ, quan niệm đạo đức không ngừng tăng lên, do đó không thể lấy tình hình xã hội nguyên thỉ làm khuôn mẫu, rồi cho rằng hiện tại chúng ta cũng có thể làm như vậy! Thời này, nếu không có nghi thức hợp pháp, sẽ phạm vào tà dâm. Bắc-câu-lô châu thật sự có như vậy hay không, hiện tại vẫn chưa phát hiện ra nước vui như thế. Lẽ ra, ở trong cùng biển nước mặn, cùng được mặt trời mặt trăng chiếu đến, trong cùng một tiểu thế giới, thì không nên bỏ thế giới này mà tìm cầu đâu khác. Tôi gặp cư sĩ Phương Đại, ông muốn đẩy thế giới Bắc-câu-lô châu đi xa dãy Ngân Hà, để tránh tìm không ra nó rồi phiền não. Nhưng, đây không phải cách giải thích hợp lí.
Thuyết núi Tu-di Tứ châu mà Phật giáo lưu truyền, không giống với thế giới chúng ta biết thời này. Vấn đề này cần nói rõ. Người trước đã giải nói, nên tôi cũng giải nói một chút. Có lẽ cách giải nói của tôi không được như ý cho lắm, không được viên mãn cho lắm, có thể sửa lại cho viên mãn hơn, hi vọng sẽ có nhiều cách giải thuyết hay! Giả như, coi thường tình hình thế giới hiện tại, đề cao cảnh thánh, vả lại dùng một số “sai lầm”, “không triệt để” của khoa học, cho rằng đã giải quyết vấn đề được viên mãn rồi, thì đó chỉ là tự cho như vậy mà thôi!
(1). Thế giới tất-đàn (世界悉檀): Tùy thuận chúng sinh để thành tựu Phật đạo cho chúng sinh . Tức trước tiên đức Như Lai tùy thuận phàm tình thế gian, y theo các giả danh của thế gian như nhân ngã, dục lạc… mà giảng nói giáo pháp để chúng sinh thành tựu Phật đạo.