(giảng tại Cư Sĩ Lâm ở Ma-ni-lạt)
Thọ mạng vô thường của một con người, sau khi được sinh ra, dần dần lớn lên, trải qua mấy chục năm, 100 năm, hoặc giả thời gian dài hơn, nhưng rốt cuộc cũng phải chết. Người bình thường cho rằng chết là hết, chẳng phải chuyện to tát gì. Nhưng theo nhà Phật, sinh mạng của một người, không phải sau khi sinh ra mới có, cũng chẳng phải chết rồi được xem là hết, nếu chỉ đơn giản như vậy, thì nhân sinh sẽ lăn lộn trong hồ đồ, không được xem là việc lớn. Kì thật sinh mạng đã có trước khi sinh ra, sau khi chết lại dẫn đến sinh mạng mới, sinh đến một nơi khác, sinh tử tử sinh, sinh sinh không thôi, vấn đề này rất khó giải quyết. Muốn giải quyết được nó chẳng phải chuyện đơn giản, cho nên mới trở thành việc lớn. Giống như người buôn bán, đầu năm bắt đầu kinh doanh, đến cuối năm kết toán lời lỗ, nợ ai và ai nợ, rất rõ ràng; sang năm lại như vậy, năm nào cũng như thế, chẳng phải kết toán là xong. Cứ mỗi năm qua đi, yêu cầu năm nào cũng lời, là chuyện không phải dễ.
Làm sao xử lí vấn đề này đây? Năm nay buôn bán tốt, kiếm được rất nhiều tiền, sang năm kinh tế ổn định, vạn sự đều được như ý; năm nay lỗ vốn, năm sau kinh tế túng thiếu, vay mượn khắp nơi, khốn khổ không thể chịu nổi. Nhân sinh cũng như vậy, khi sinh khi chết, ở trong sinh tử, nên cân nhắc được mất. Nếu đời này không làm việc tốt, đời sau mất thân người, như vậy được coi lỗ vốn. Còn nếu tiến bộ vượt hơn hiện tại, thế thì quá tốt. Có một điểm đáng chú ý, tuy nhiên cuối năm kết toán, tình trạng kinh tế không khả quan cho mấy, nhưng nhờ biết sắp xếp ổn thỏa, cũng có thể miễn cưỡng qua đi. Cho nên, người học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, lúc lâm chung hết sức quan trọng, lúc bình thường cố nhiên phải hướng thượng làm lành, song lúc lâm chung, cũng phải nên chú ý.
Bình thường đều nói sinh tử, có người lại hiểu sai một khi chết trăm thứ đều tiêu, cho nên bây giờ sẽ nói từ tử, từ tử nói đến sinh. Người bình thường đối với chết đều có tâm lí lo sợ, kì thật chết chẳng có gì đáng sợ cả, ví dụ như lúc bình thường kinh doanh thuận buồm xuôi gió, cuối năm lại biết điều tiết, năm sau, nhất định sẽ có được những tháng ngày hạnh phúc, sung túc. Cho nên lúc không có bệnh, cố nhiên vui vẻ, nhưng khi có bệnh thật đau đớn sắp chết, cũng không nên sợ hãi, chỉ cần lúc bình thường chuẩn bị tốt là được rồi!
Nhà Phật nói, chết có ba loại không giống nhau:
1. Chết khi thọ mạng hết: Khi thọ mạng quả thật đã hết, bất luận sống bao nhiêu tuổi, thọ mạng chiêu cảm nghiệp báo đời trước, nhất định sẽ chết. Như đèn cạn dầu, bây giờ dù mọi người sống khoảng 100 tuổi, khi đến lúc này cũng phải chết, không có cách nào cứu được.
2. Chết khi phước hết: Những nhu yếu trong sinh hoạt hằng ngày như áo quần, thức ăn, chỗ ở, phương tiện đi lại, có người khi tuổi đời còn rất trẻ, không đáng chết, song phước báo của y đã tận, cho nên không có cơm ăn, không có áo mặc, dẫn đến chết đói chết rét.
3. Không đáng chết mà lại chết: Như gặp phải chiến tranh, lụt lội, hỏa hoạn, lỡ tay đánh chết, bệnh tật không có thuốc, không biết điều dưỡng, dinh dưỡng không đủ, làm việc quá sức… mà sinh mạng bị kết thúc, cái chết này không giống với cái chết của thọ mạng hết, phước báo hết.
Người học Phật đối với cái chết, cần phải ghi nhớ hai đạo lí này:
1. Lúc nào cũng có thể chết, từ nhỏ đến lớn đều có khả năng chết. Thọ mạng của nhân loại, tuy về cơ bản tương đồng nhau, nhưng do phước báo tận hoặc chết oan uổng, cho nên có người khi vừa sinh ra đã chết, có người mãi đến khi thọ mạng hết mới chết, đều không có định kì. Cho nên người tin Phật, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, cần phải lập tức tiến đến trước, chớ đợi đến tuổi già hoặc hẹn lần hẹn lữa.
2. Không nên cho rằng thọ mạng hoàn toàn là nghiệp báo của đời trước, trên thực tế phần lớn do quả báo xấu của đời hiện tại. Làm những việc không nên làm, chẳng kéo léo bảo dưỡng thân tâm, hoặc lười biếng buông lung, phá hoại đến nỗi y thực không đủ, dẫn đến chết khi còn tuổi thiếu niên, thanh niên, tráng niên, tuyệt đối chớ cho rằng điều này nhất định chết do thọ mạng hết.
Trước khi chưa liễu sinh thoát tử, chết đi lại tiếp tục sinh ra, luân hồi sinh tử, rốt cuộc là chuyện gì, được lên cảnh giới lành, đọa lạc, lấy thứ gì làm tiêu chuẩn? Nhà Phật nói, do sức mạnh của nghiệp. Nghiệp lực, chính là sức mạnh của những việc làm, của những sinh khởi. Đời này thọ quả báo ở nhân gian, là do sức mạnh của nghiệp ở đời trước, nghiệp thiện ác của đời trước (chưa có quả báo) và đời này, lại quyết định con đường của tương lai. Có người Phật tử mỗi khi nói đến sức mạnh của nghiệp liền cho rằng đó là xấu, kì thật chẳng phải như vậy, sức mạnh được giữ lại của tâm niệm, việc làm, dù tốt hay xấu cũng đều gọi là nghiệp. Nương vào nghiệp lực của mình, để quyết định quả báo của mình, cho nên đức Như Lai dạy: “Tự làm tự chịu”. Song, nghiệp đời trước còn thừa lại, đời này tiếp tục tạo tác, hoặc nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, nghiệp lực vô biên, vậy cuối cùng đời sau do nghiệp lực gì dẫn dắt? Điều này có ba loại phân biệt:
1. Theo cái nào nặng, bất luận như thế nào, khi bệnh nặng sắp chết, nghiệp lực liền kéo đến, lúc bình thường làm việc tốt, việc xấu rất nhiều, đến lúc này, sẽ có chuyển biến to lớn, không luận tốt hay xấu hiện đến, chúng ta sẽ đi theo sức mạnh của nó để thọ quả báo. Như người giết cha, trong tâm luôn ghi nhớ hết sức rõ ràng, không thể nào quên được, giả sử có quên, song cũng vẫn tồn tại sức mạnh rất lớn. Lúc sắp chết, những tội ác đó sẽ hiện ra trước mắt. Đồng thời, một người bình thời vô cùng hiếu thuận với cha mẹ, lúc sắp mạng chung, nghiệp lành của hiếu thuận, cũng hiện bày ra trước mắt. Điều này giống với người bị mắc nợ, khi năm hết tết đến, chủ nợ đến đòi, trong số đó người nào mạnh có sức khỏe, có kinh nghiệm đòi nợ, nhất định sẽ bắt đi trước.
2. Theo tập quán, có người chẳng có nghiệp nào đặc biệt tốt hoặc xấu, nhưng trong việc làm hằng ngày, có việc trở thành thói quen, cũng sẽ sản sinh ra sức mạnh lớn, dù việc ác nhỏ, song cuối cùng cũng sẽ có ác báo, việc thiện nhỏ rốt cuộc cũng có thiện báo. Cho nên nói: “Giọt nước tuy nhỏ, nhưng nhỏ mãi cũng sẽ đầy bình”. Đức Thế Tôn dùng ví dụ: Giống như một cây lớn, lúc sinh trưởng nó đã nghiêng về phía Đông, dù có đốn chặt, nhất định cũng sẽ ngã về phía Đông. Người Trung Quốc thường nói oan hồn quỉ đòi mạng, người giết heo dê sẽ thấy heo dê, giết rắn thấy rắn, thống khổ kêu la cả ngày đêm, hoảng hốt bối rối. Sau khi heo dê súc sinh bị giết, chúng nó sẽ sớm theo nghiệp để thọ báo, song người giết, vô hình trung đã không ngừng lưu lại nghiệp sát, càng tích chứa càng nặng. Cho nên tướng nghiệp hiện tiền (thấy trâu, rắn, heo, dê… đòi nợ), tùy nghiệp đi thọ báo. Có câu chuyện như thế này: Có tên đạo tặc dòm ngó tài sản kếch sù của một người nhà giàu, do đó nửa đêm y liền thực hiện ý định của mình giết chết người nhà giàu, cướp tiền đem về. Y thấy người bị hại, cả đời cần tiền cần mạng, sợ hãi mà chết. Không lâu sau, người bị hại đến. Kì thật người ấy chỉ bị thương, chứ không chết. Cho nên hù y là oan hồn đến đòi nợ, chứ thực chất người ấy còn sống. Nhà Phật gọi là tướng nghiệp hiện tiền, mới hợp với sự lí. Người làm ác, lúc lâm chung tướng khổ não hiện ra; người làm thiện, tích chứa công đức, lúc lâm chung nhất định sẽ được an nhàn vui vẻ, đây đều là do những nghiệp lực mình đã tạo, tùy theo nặng hoặc tùy theo thói quen mà hiện ra.
3. Tùy theo kí ức: Cũng có người bình sinh chẳng có việc thiện, ác gì to lớn, cũng không có tích tập chuyện gì cả, khi sắp lâm chung hốt nhiên nghĩ đến cái gì, thì niệm thiện hoặc niệm ác đó sẽ đi thọ báo. Nhà Phật dạy chúng ta đối với người bị bệnh, nên dạy y niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, ca ngợi công đức bố thí, trì giới… mà ngày thường y đã làm, giúp y nhớ lại công đức của mình, phát khởi tâm lành, nương vào sức mạnh thiện lành này, sẽ đưa y đến con đường an vui hạnh phúc. Có người nghiệp lành rất nhiều, nhưng lúc lâm chung thân thể như bị châm chích, trong lòng cảm thấy khó chịu vô cùng, liền sinh lên niệm ác, cuối cùng dẫn đến đọa lạc. Ví dụ như trong suốt một năm, kinh doanh rất tốt, nhưng đáng tiếc đến cuối năm quản lí và sắp xếp lại thiếu sót, sơ hở, làm cho công lao nỗ lực trong suốt một năm đem đổ sông đổ biển. Cho nên người sắp lâm chung, bất luận trẻ già, tuyệt đối không nên khóc lóc kể lể, làm động tâm của họ, khiến họ sinh khởi phiền não. Nên khuyên anh ta buông bỏ tất cả, chuyên tâm niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm bố thí… Như kinh doanh không được tốt lắm, nhưng đến cuối năm biết cách giải quyết ổn thỏa, thì vẫn có thể đạt được lợi ích. Song, lúc bình thường đặt nặng đến khi lâm chung, như bình thường tạo nghiệp cực ác, ai ai cũng muốn anh ta khởi niệm thiện, nhưng không thể nào khởi lên được. Còn như bình thường làm được việc lành lớn, hoặc làm lành thành thói quen, đến lúc lâm chung lại cộng thêm sự nhắc nhở, khuyên răn của mọi người, nhất định anh ta sẽ được tự do tự tại.
Làm sao lại từ chết mà sinh? Một hơi hít vào không thở ra, tác dụng tinh thần đình chỉ, hơi ấm trong thân thể tiêu tán, đây gọi là chết. Thông thường người ta nói, khi ra khỏi bào thai mẹ gọi là sinh, song nhà Phật nói không phải như vậy. Nhà Phật cho rằng nghiệp thức đời trước là nhân, kết hợp với tinh cha huyết mẹ (nói theo nhân loại), từ khi bào thai được hình thành thì coi như đã bắt đầu có sinh mạng mới, đây gọi là sinh. Cho nên những người phá thai, phạm vào đại giới sát sinh. Vì sao sau khi chết lại sinh trở lại nữa? Điều này không nhất định, có người sau khi chết được sinh trở lại, lại có người không sinh trở lại. Cho nên sau khi chết sinh trở lại, tất cả là do sự lôi kéo của nghiệp lực. Nhưng dựa vào thiện nghiệp được thiện báo, ác nghiệp bị ác báo, bất cứ người nào cũng đều có thiện nghiệp và ác nghiệp cả, thế thì chẳng phải mãi mãi sẽ không giải quyết được sinh tử sao? Chân thật mà nói, chỉ có nghiệp lực, vẫn chưa có đủ khả năng dẫn dắt chúng ta thọ sinh trở lại; ngoài nghiệp lực ra, vẫn còn có sự tác động và trợ duyên của phiền não. Điểm trọng yếu nhất trong phiền não, đó chính là “yêu” sinh mệnh. Tham lam mến tiếc thế gian, hi vọng được sinh tồn, niệm tồn tại này, chính là nguồn gốc của sinh tử tử sinh. Người thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, muốn liễu thoát sinh tử, thì cần phải đoạn trừ niệm tham ái sinh mạng. Ví dụ như có hạt giống, mà không có phân, nước, thì hạt giống sẽ không nẩy mầm. Cũng như vậy, tuy nghiệp ác nhiều, nhưng nếu không có phiền não nước ái… tưới tẩm, sẽ không sinh trở lại chịu mầm khổ. Như chỉ cần tham luyến vinh hoa phú quí, ái luyến sinh mệnh, thế thì sinh tử tử sinh, vĩnh viễn không có kì hạn. Muốn liễu thoát sinh tử, cần phải xem xét và phá một cách triệt để, không có ái luyến sinh, thế thì sinh tử cũ được kết thúc, sinh tử mới sẽ không còn phát sinh.
Trước khi chưa liễu sinh thoát tử, hi vọng các vị nhớ cho: Không nên làm ác, hãy làm nhiều việc lành, trồng nhân thiện sẽ được quả thiện. Không được xem sinh tử là việc tốt, như vậy mới chán ghét xa rời sinh tử, ra khỏi biển khổ.