Niệm Phật và tịnh độ, vốn là pháp môn phổ biến rộng khắp của Phật giáo, bất luận tông phái nào, thừa nào, đều có phương tiện này. Song phổ biến nhất, phải kể đến Phật A-di-đà và vãng sinh Cực Lạc Tịnh Độ; sức hoằng dương mạnh nhất, phải nói đến tông Tịnh Độ.
Pháp môn này, trình bày rất đầy đủ, không có gì so sánh được với “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện”. “Mười nguyện lớn, dạy qui về Cực Lạc” (mười nguyện, quả thật mười hạnh nguyện) của “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện”, trình bày hết sức đầy đủ pháp môn niệm Phật con đường dễ tu. Niệm Phật, luôn nhớ nghĩ pháp thân, công đức, tướng hảo, danh hiệu của Đức Phật nhiếp tâm bất loạn. Niệm Phật, không chỉ có miệng xưng niệm, mà bao hàm:
1. Lễ bái Phật.
2. Tán thán tất cả công đức của Phật (đức do tên lập nên, cho nên miệng xưng niệm A-di-đà Phật, tức đã tán thán tất cả công đức của Phật rồi).
3. Cúng dường rộng khắp.
4. Chân thành sám hối những lỗi lầm đã gây.
5. Sinh tâm tùy hỉ đối với công đức của Phật (trong đó có chư Bồ-tát…)
6. Thỉnh Đức Phật chuyển bánh xe pháp.
7. Thỉnh Đức Phật trụ lâu ở thế gian, để cho nhiều chúng sinh được lợi ích.
8. Theo Đức Phật và thực tập phương pháp giải thoát của Ngài.
9. Học tập như Phật hãy tùy thuận theo chúng sinh.
10. Hồi hướng công đức thành Phật đạo cho hết thảy chúng sinh.
Tất cả những việc này, đều là niệm Phật; đều là quán tưởng trong nội tâm (thắng giải), không đợi ngoại duyên, cho nên dễ thực tập nhất. Quán tưởng tất cả Phật (tức vô lượng Phật) đều có hạnh nguyện như vậy, tức thường niệm, niệm khắp vô lượng Phật. Lấy mười phương vô lượng Phật (tức Tây phương Vô Lượng Phật) làm cảnh để chuyên tâm vào, cho nên tu hành thành tựu, có khả năng nhập vào khắp pháp giới, sinh nước Cực Lạc.
Nhưng mà, trình bày sâu cạn có thứ lớp, lại chẳng so sánh được với “Đại Thừa Khởi Tín Luận”. Thứ lớp tu hành, giảng lược có bốn cấp độ:
1. “Sơ học” Đại thừa mà “tâm của y khiếp nhược”: Sợ không có khả năng thấy Phật, sợ không thể tránh khỏi đọa lạc. Người này vẫn chưa có đủ căn cơ thuần thục, tư cách, tín tâm thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà. Đối với hạng người này, cần phải dạy cho anh ta phương tiện đặc biệt thiện xảo, đó là bảo anh ta “chuyên tâm niệm Phật” A-di-đà Phật; khuyên anh ta hồi hướng về thế giới Tây phương Cực Lạc. Nhờ sự nhiếp thọ hộ trì của Phật lực, làm cho anh ta không mất tín tâm, thành tựu dần dần (nếu có khả năng thật tướng niệm Phật, lại là chuyện khác).
2. Thông thường Bồ-tát sơ phát tâm, vẫn phải thực tập giai đoạn tín tâm (quả vị thập tín): Lễ Phật, sám hối, tùy hỉ, hồi hướng công đức… niệm Phật con đường dễ thực hành, tức là phương tiện tiêu trừ nghiệp chướng xấu ác. Dùng con đường dễ thực hành để tiêu trừ nghiệp chướng xấu ác, tức có khả năng trợ giúp những phương tiện khó làm như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn…, đạt đến thành tựu tín tâm.
3. Bồ-tát thành tựu tín tâm (sơ trụ trở lên), tu tập sám hối chỉ là phương tiện; phát triển nuôi lớn căn lành phương tiện qua những phương pháp tu tập, như cúng dường, lễ bái, khen ngợi, tùy hỉ, khuyến thỉnh. Cần phải như vậy, mới có khả năng trợ giúp thành tựu đại nguyện bình đẳng, từ bi và trí tuệ tương ưng; như vậy mới có thể tăng trưởng tín tâm, chí cầu vô thượng Bồ-đề.
4. Đến như đại địa Bồ-tát hiện chứng pháp giới, vẫn cần phải thực tập pháp môn niệm Phật. Nhưng đây chỉ là vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh, cho nên thường ở trong 10 phương chư Phật, thực hành cúng dường, thỉnh chuyển bánh xe pháp… Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện về nước Cực Lạc, đều thuộc vào tâm nguyện này, chứ chẳng phải giống như bậc sơ học sợ không thấy Phật, sợ thối thất tín tâm.
Qua đây có thể thấy, niệm Phật con đường dễ tu, là pháp môn hoàn toàn trong đường Bồ-tát. Pháp môn tuần tự dần dần đi vào sâu, chỉ cần xem coi căn tính như thế nào. Sở dĩ tôi dựa vào “Trí Luận” để nói: Con đường dễ tu và con đường khó tu, vì căn cơ của người mới học không giống nhau, vì thế có thể nghiêng về nặng nhẹ; trong đường Bồ-tát hoàn chỉnh, xưa nay không có chuyện mâu thuẫn, không thể vọng sinh nắm giữ buông bỏ! Nếu chưa đọc qua “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm”, sẽ không biết được bên trong chứa nội dung rộng lớn của niệm Phật con đường dễ thực hành. Chưa đọc qua “Đại Thừa Khởi Tín Luận”, sẽ không biết được thứ lớp cạn sâu của pháp môn Niệm Phật (tương đồng với Trí Luận và Thập Trụ Tì-bà-sa luận của thầy Long Thọ). Cho nên tôi muốn giới thiệu ý nghĩa rộng lớn của các kinh luận này cho người niệm Phật đời hiện đại biết được con đường niệm Phật dễ tu; tránh đi tình trạng xén đầu cắt đuôi (theo ý mình), tự hủy hoại pháp môn cao thâm rộng lớn!