(thư đáp cư sĩ Cao Thế Hùng)
Bạn gửi thư đến kể lại, mấy năm gần đây “hoàn cảnh không thuận lợi”, “nỗi nhớ nhà không nguôi”, “thân thể ngày càng ốm yếu”; điều này đối với tiền đồ của bạn, quả thật đang bị chôn vùi trong màn đêm đen tối. May mà bạn đã biết quay về nương tựa ba ngôi báu, bước đi những bước an lạc thảnh thơi trong ánh quang minh của ba ngôi báu. Tôi tin tưởng, trong ân điển và oai lực của ba ngôi báu, không bao lâu nữa bạn sẽ có được quang minh và niềm an ủi, động viên.
Bạn kể bạn đau khổ, hi vọng bạn sẽ hấp thụ ánh quang minh trong Phật pháp. Quang minh, không lúc nào không có mặt, nó đang đợi sự lãnh thọ của bạn, vậy bạn hãy vận dụng tuệ nhãn của mình đi! Bạn xem! Quang minh đang ở trước mặt! Bạn đã rõ rồi chứ! Những đau khổ này, không chỉ đơn thuần phiền muộn của một người, mà là khổ nạn thời đại của sự chiêu cảm cộng nghiệp. Trung Quốc và thế giới, từ khi bị cắt đứt và cô lập đến nay luôn tìm cầu tự do, ngàn vạn người giống y như bạn cùng sống lang thang rày đây mai đó, cùng khốn khổ hoạn nạn như nhau; cùng chịu cảnh ngộ vợ con li tán, cha mẹ bà con biệt vô âm tín, có nhà nhưng không thể quay về; cùng bị bao vây bởi ưu sầu khổ não, làm thân tâm tán loạn, hoản sợ, mất tự chủ… điều này chẳng phải mình bạn chịu cảnh đó. Nhìn xa một chút, nếu mình đang ở trong chiến tranh, thế hoàn cảnh có thuận lợi không? Gia đình có đoàn tụ được không? Không lo làm ăn, ăn uống thiếu thốn, có được khỏe mạnh, cường tráng không? Bạn nên nhận thức rõ ràng, mới lựa chọn được tự do. Chúng ta đã rơi vào thời đại khốn khổ hoạn nạn của cộng nghiệp, việc đầu tiên không nên suy nghĩ, tính toán cho cá nhân.
Sức khỏe ngày càng giảm sút, là quả, do hoàn cảnh bất như ý, nỗi nhớ nhà không nguôi dẫn đến. Vì thế không nên suốt ngày lo lắng đến sức khỏe, mà nên lo lắng sự buồn rầu, đau khổ do hoàn cảnh không thuận lợi, nỗi nhớ nhà mang đến. Nếu hoàn cảnh không thuận lợi, nỗi nhớ nhà không biết cách buông xuống, ngược lại càng buồn rầu, khổ não thêm, thì chỉ có tự mình làm thương hại chính mình, lúc đó sức khỏe càng khó cải thiện hơn. Bạn nên suy nghĩ: Hoàn cảnh không thuận lợi, quyến thuộc, mẹ cha li tán, dù có ưu tư, sầu não, nhớ mong… có thể cải thiện được tình thế hay không? Đương nhiên không thể. Không những không thể, còn làm cho bệnh khổ thêm trầm trọng hơn mà thôi. Đây là những ưu tư vô nghĩa, không lợi ích. Người thực tập giỏi phương pháp giải thoát của Phật-đà, nên nhìn xa, trông rộng, trong tín giải của giáo lí nhà Phật, nên buông bỏ một cách triệt để những “khổ não” vô ý nghĩa do mình tạo ra.
Hoàn cảnh không thuận lợi, cố nhiên là sự thật. Nhưng nếu mình không đem nó so sánh với sự thuận lợi trước kia, thế thì có ưu sầu khổ não đến như vậy không? Quá khứ đã đi qua, quang vinh, hạnh phúc, vui vẻ của quá khứ, không đáng lưu luyến, nhung nhớ. “Ôm giữ quá khứ”, là phiền não của chúng sinh trói buộc, đưa chúng ta trở về hồi ức thời quá khứ, càng tăng thêm nỗi thất vọng và bi ai, giảm sút sự nỗ lực tinh tấn khắc phục khó khăn. Tại sao không nghĩ như vậy? Lúc bạn chưa chạy giặc, bạn cùng với ngàn vạn đồng bào, may mắn hết sức! Song mấy năm trở lại đây luôn lênh đênh sóng gió, xâm phạm đến tự do tổ quốc, vả lại còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Lúc này so với khi chưa xảy ra chiến sự, thống khổ của nạn thất nghiệp càng nhiều, tình trạng lúc đó chẳng phải thích hợp hơn nhiều sao! Từ nghiệp duyên tạo thành cảnh ngộ trước mắt, nên biết an phận thủ thường, dần dần cầu tiến bộ, tự cầu đa phước. Khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, nên thực tập đời sống giản dị, đạm bạc qua ngày. Nỗi bất an của con người, sự việc, có thể cải thiện bằng cách siêng năng làm việc và tiết kiệm (nhớ là tiếc kiệm chứ không phải hà tiện). Trong nhà Phật có phương pháp giải thoát gọi là “ít muốn”, “biết đủ”, “ăn ở tùy duyên”, bạn nên thực tập.
Trong kinh ghi: “(Tài vật) tích chứa sẽ có ngày tiên tan, (địa vị, danh vọng) tối cao ắt có lúc bị mất, (quyến thuộc, bạn bè) hợp có khi phân li, có sinh không thể không có tử”. Đây là “tứ phi thường kệ” rất nổi tiếng trong Phật pháp, bệnh nhớ nhà của anh, thật mê mộng. Nên biết: Gia nghiệp không chắc thật, quyến thuộc chẳng phải không phân li, chẳng qua vấn đề là thời gian mà thôi. Nếu có phước đức nhân duyên, từ tay không cũng có thể gầy dựng nên sản nghiệp; bằng không, chẳng thể nào giữ vững được gia nghiệp. Tài sản vốn cộng chung của năm nhà (nước, lửa, giặc cướp, người lãnh đạo thiếu tài vô đức, con cái phá), nếu trong thời chiến tranh mang theo tài sản, sản nghiệp sẽ bị đảng tịch thu, cướp lấy, chấn lột hết, thống khổ không thể kể xiết, càng thống khổ gấp vạn lần so với bạn hiện tại không có tài sản. Đến như quyến thuộc, nếu nhân duyên đã hết, dù ở tại quê nhà, cũng sẽ xảy ra chuyện sinh li tử biệt. Còn nếu nhân duyên chưa hết, tự nhiên sẽ có ngày trùng phùng. Cuộc sống của cha mẹ vợ con như thế nào, có khỏe mạnh không, còn sống hay đã chết, những điều này bạn luôn suy tư ray rứt ngày đêm, chẳng có khi nào được an cả. Đức Phật dạy: “Niệm ái sinh thì khổ liền sinh”, tuy là thường tình của con người, nhưng sống trong thời đại phi thường này, nên yêu thương bản thân mình, không nên cứ mãi chạy theo sự buồn rầu khổ não. Bạn nghĩ xem: Bạn nhớ nhung buồn rầu như thế, đến nỗi thân thể bệnh tật, liệu cha mẹ vợ con của bạn có vui được không? Nếu có nhân duyên trùng phùng, chẳng phải làm tăng thêm bi ai cho quyến thuộc, chồng chất thêm khó khăn cho gia đình sao? Do đó, bạn nên nghĩ và làm theo hướng có lợi ích, kiềm chế nỗi đau; ưu tư chẳng có lợi ích chi cả, bạn nên thật sự buông bỏ! Làm như vậy không phải vô tình, mà là vượt thoát khỏi sự mê hoặc của tình ái ngu si.
Sự trói buộc của tình ái gia đình, là nguyên nhân chủ yếu của mọi thống khổ. Người biết thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, đầu tiên phải có tấm lòng khoan dung, rộng lớn, bỏ tự kỉ. Chúng sinh từ xưa đến nay, sinh tử vô biên, hiện tại 800.000 quân dân ở đảo báu này (Đài Loan), cha mẹ vợ con anh chị em của ai không từng gặp cảnh nạn như bạn, nhưng vì sao họ không thống khổ thâm sâu như bạn? Trong thời kì loạn lạc, 4 ức 5.000 vạn đồng bào, cha mẹ vợ con anh chị em của ai không trải qua thảm cảnh như bạn, nhưng họ không bi ai điên cuồng như bạn! Do luôn loanh quanh trong cái vòng bé nhỏ, nên mới dẫn đến sầu tư vô biên như vậy. Người như thế chẳng những vô ích, mà còn làm hại chính mình, ngu si biết chừng nào! Không nhớ nhà Nho có câu sao? “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (tôn kính bậc trưởng bối trong nhà mình, tiếp đến tôn kính bậc trưởng bối của nhà người khác. Yêu thương bảo hộ con cái của mình, thì cũng nên yêu thương và bảo hộ con cái nhà người khác). Phật pháp càng rộng lớn triệt để hơn, tâm từ bi nhờ đây được kích phát; sợi dây ái trói buộc mình, được tháo gỡ từ đây. Song lại phát sinh vấn đề mới: Làm thế nào để yêu thương bảo hộ đồng bào của mình, giải cứu đồng bào của mình? Không được nói bạn chẳng có khả năng gì cả! Bởi khả năng chỉ có lớn nhỏ, chẳng phải vấn đề gì to tác. Chỉ cần mình làm hết sức lực của mình, đầu tiên hoàn thành trách nhiệm trên cương vị của mình hiện có, nếu còn dư thì mình làm những việc có lợi cho mọi người, cho quốc gia. Dẫu một việc nhỏ như giọt nước, nhưng cũng đều có công đức không thể nghĩ bàn. Nếu mọi người có khả năng tích tập nhiều giọt nước nhỏ sẽ thành dòng chảy lớn, chính trị binh biến, hành vi bất thiện, chỉ cần mọi người đồng lòng quyết định một cái liền xong. Khổ nạn của chiêu cảm cộng nghiệp, cần phải được cải biến từ trong sự nỗ lực của cộng đồng! Vấn đề trói buộc tâm bạn, cũng chỉ có như vậy, mới có khả năng giải quyết triệt để. Nếu không nghĩ và làm như thế, mà suốt ngày chìm đắm trong sầu khổ, thật vô ích hết chỗ nói. Do đó, vấn đề cải thiện sức khỏe, cũng do chính mình, Đức Phật và Bồ-tát không có khả năng giải quyết thế cho bạn. Phật pháp luôn giải quyết mọi việc trong tinh thần nhân quả, không giống với thần giáo cuồng vọng, cho rằng ý chỉ của thần, có thể cải đổi tất cả tự do.
Những thứ này, tôi nghĩ nhất định bạn đã biết rất nhiều rồi, chỉ có điều nói thì dễ làm lại khó, từ lí thuyết đến thực hành là cả chặng đường gian nan khó khăn. Các ý tưởng lăng xăng về hoàn cảnh và cha mẹ vợ con, lúc nào cũng chiếm trọn thể xác và tâm hồn bạn. Tự mình trói buộc chính mình, không có cách nào thoát ra. Đối với những chuyện này, tinh thần nhất quán của Phật pháp, đó là dùng trí hóa tình. Nếu có khả năng phản tỉnh triệt để, thấu suốt ngọn nghành, hạ quyết tâm, thế thì ưu tư vô vị đó, tự nhiên sẽ giảm đi, tinh thần được phấn chấn trở lại. Trong quá trình chuyển hóa này, có hai điểm có thể thực tập hằng ngày, đó là pháp môn thay thế tình nhiễm ô bằng tình thanh tịnh.
1. Sám hối: Hiện tại tuy là thời đại khổ nạn do cộng nghiệp chiêu cảm, mà bạn lại may mắn gặp được cơ hội tốt. Một số phương diện, mình cảm thấy hết sức thống khổ; đây là nghiệp riêng của mình, những gì đã tạo ra ở đời trước và đời này, hiện tại mình đang chịu quả khổ của nghiệp đó. Do đó, chúng ta nên sớm tối đến trước tượng của chư Phật, Bồ-tát (nếu không có tượng, có thể tưởng các Ngài đang ở bên cạnh mình), thành tâm thành ý sám hối nghiệp chướng của mình. Sám hối thâm thiết, đầy đủ tín nguyện khẩn thiết sám hối, là đang đem đến năng lực vĩ đại cho cuộc sống mới. Tư tưởng đã quen với những suy nghĩ vẩn vơ, nghĩ này nghĩ kia, hốt nhiên không biết mình đang đi về đâu. Tình cờ nghĩ lại, cũng sẽ lập tức tự giác dừng lại.
2. Xưng niệm thánh hiệu của chư Phật, Bồ-tát: Dùng tâm thanh tịnh, xưng niệm thánh hiệu thanh tịnh, đập tan những tạp niệm vu vơ, tự nhiên tạp niệm liền không còn. Tâm dần dần được bình tĩnh, an định trở lại, không những ưu sầu khổ não dần dần bị loại trừ, mà cảm ứng đạo giao(1) với chư Phật, Bồ-tát, cũng nhờ đây mà được. Một khi tâm địa được bình tĩnh, tức thời sẽ có vô biên quang minh, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Tinh thần của bạn, thân thể của bạn, khỏi cần cầu tốt đẹp mà tự nó chuyển thành tốt đẹp!
Tóm lại, ưu tư quả thật ngu muội, vô ích! Người học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà nên vì tất cả chúng sinh vì khổ nạn của nhân loại mà phát tâm, mới có thể triệt tiêu tư ngã hẹp hòi! Chúc bạn có đời sống trong ánh quang minh của giáo pháp giải thoát của đức Như Lai, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc của chính pháp!
(1). Cảm ứng đạo giao (感應道交): Mối tương giao và cảm ứng giữa Đức Phật và chúng sinh.
Quan hệ giữa Phật và chúng sinh giống như tình mẹ con. Đây là do cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục, khiến được chư Phật hưởng ứng, nên cảm của chúng sinh và ứng của chư Phật giao xen nhau. Hơn nữa, căn tính của chúng sinh nhiều đến trăm ngàn, nên sự ứng hiện khéo léo của chư Phật cũng vô lượng.
Theo Pháp Hoa Huyền Nghĩa, mối tương giao cảm ứng giữa chúng sinh và Phật có bốn trường hợp như sau:
1. Minh cơ minh ứng (cơ thầm ứng thầm): Chúng sinh ở đời quá khứ chuyên tu ba nghiệp, ở đời hiện tại tuy chưa tu nghiệp của thân và miệng nên không nhận thấy sự linh ứng, nhưng nhờ căn lành đời trước (minh cơ) mà thầm được lợi ích pháp thân (minh ứng).
2. Minh cơ hiển ứng (cơ thầm ứng hiển): Chúng sinh ở đời quá khứ vun bồi gốc lành, cơ duyên đã âm thầm thuần thục, gặp Phật nghe pháp, hiện tiền được lợi ích.
3. Hiển cơ hiển ứng (cơ hiển ứng hiển): Chúng sinh ở đời hiện tại tinh tấn tu tập ba nghiệp, thân, miệng, ý mà cảm được lợi ích.
4. Hiển cơ minh ứng (cơ hiển ứng thầm): Chúng sinh ở trong một đời siêng năng tu tập, chứa nhóm nhiều hạnh lành, tuy không hiểu rõ cơ cảm, nhưng vẫn thầm được lợi ích.