Theo báo ghi: Chùa Kim Long ở Nội Hồ-Đài Bắc, đúc tượng Phật bằng đồng theo kiểu dáng Nhật, cao 72 thước Trung Quốc. Du khách có thể đi vào lòng tượng Phật, theo cầu thang leo lên trên, khi lên đến đầu, nhìn được khắp nơi thông qua mắt Phật. Hành vi bất kính đối với Đức Phật bậc giác ngộ tỉnh thức này, bị sự phê bình của tín đồ Phật tử cũng như không phải Phật tử. Nghe nói, do khắp nơi có phản ứng không tốt, vì thế kế hoạch này có thể bị hủy bỏ.
Chuyện vào lòng tượng Phật để ngắm cảnh vật xung quanh, làm cho tôi nghĩ đến vấn đề, đó là mâu thuẫn giữa hết lòng tôn kính chùa tháp, tượng Phật và tham quan danh lam thắng cảnh. Các ngọn núi nổi tiếng, chùa to Phật lớn, thông thường bị xã hội, nhân sĩ, yêu cầu biến trở thành khu phong cảnh, nơi thưởng ngoạn. Những vị trú trì, cũng lấy đây làm phương tiện, cho rằng không những có thể nhiếp hóa được quần chúng, vả lại còn có thể tăng thêm thu nhập cho bổn tự. Nhưng phần lớn du khách đến vì tham quan danh lam thắng cảnh, đại để “mượn Phật du xuân”, thiếu tâm kín tin kiền thành của tôn giáo. Mặt khác, du khách ồn ào náo nhiệt, dẫn đến tâm sở xấu (tâm thế tục) trong chúng tăng ngày càng tăng trưởng. Như vậy, thu nhập gia tăng, kinh tế vững mạnh, nhìn bề ngoài thấy Phật giáo phát triển, nhưng thật chất, Phật giáo lại đang có chiều suy thoát.
Theo ý nghĩa chân thật của Phật giáo: Tượng Phật, tượng Bồ-tát, đều là đối tượng để lễ bái cung kính cúng dường. Tháp, hoặc tháp xá-lợi thân Phật (sinh thân), hoặc tháp pháp thân xá-lợi (kinh điển), cũng là vật để chúng ta tôn kính và lễ kính. Chùa chiền là nơi thờ cúng Phật, nơi tăng chúng an ổn tu hành và hoằng dương Phật pháp. Chùa tháp tượng Phật, nếu một tín đồ Phật giáo chân chính, tuyệt đối không được xem nó là danh lam thắng cảnh. Theo qui định nhà Phật, tượng và tháp, ngoài kiền thành lễ bái, xưng tán, cúng dường một cách trang nghiêm và thanh tịnh ra, không được đi vòng vòng, nằm nghỉ, nô đùa cười giỡn, làm ồn, khạt đàm hỉ mũi, đại tiểu tiện nơi tượng Phật, tượng Bồ-tát, tháp. Bởi vì tâm kính tin kiền thành của tôn giáo, không thể xen tạp với tâm và hành động phóng dật du đãng. Đối với tâm kính tin kiền thành tượng tháp, vùng Phật giáo Đại thừa, có lẽ nên thấp một số. Như tháp của thời kì cuối ở nước nhà, phần lớn đều có thể leo lên từng tầng, đứng trước hành lang xem cảnh vật xung quanh. Tháp, vô hình trung đã trở thành vật tô điểm cho phong cảnh (hoặc biến thành vật trấn áp phong thủy…), trong khi đó ý nghĩa chân thật của tháp, lại bị đưa vào kho tàng quên lãng. Không biết tháp và tượng Phật, ở trong tâm của tín đồ Phật giáo, vốn giống nhau. Nhưng bây giờ, nghe vào bụng Phật leo lên cao để xem cảnh vật xung quanh, vẫn biết là chuyện không nên, vậy mà hành động leo lên tháp để ngắm cảnh, lại bị coi là chuyện đương nhiên! Tôi hi vọng sau này tu bổ lại tháp xá-lợi của Tam tạng pháp sư Huyền Trang, nhất thiết chớ vì phong cảnh đầm Nhật Nguyệt, mà xây dựng nó trở thành bảo tháp “leo lên để nhìn xa”. Bởi vì tuy điều này là bộ mặt của Trung Quốc, song lại phi Phật pháp.
Hi vọng nhân sĩ xã hội, chớ dùng tâm tham quan danh lam thắng cảnh, để đi chiêm ngưỡng chùa, tháp, tượng Phật. Còn các vị trú trì, cần phải đặc biệt nhận thức rõ điểm này, tăng trưởng tín tâm cung kính kiền thành nghiêm túc. Tôi thấy có một số chính điện, tượng Phật, không được trang nghiêm, thanh tịnh, sạch sẽ cho lắm; có một số bề ngoài trông giống như thanh tịnh, mà trong chuông, trong hộc tủ dưới bàn Phật, bên tượng Phật, toàn nhang đèn linh tinh, cả đống tạp nham trong đó. Đặc biệt chư tăng hoặc Phật tử, thường đi dạo nô đùa trong điện Phật, điều này biểu hiện anh là người thiếu tín tâm cung kính kiền thành nghiêm túc. Không có tâm cung kính kiền thành chân thật tha thiết (không phải không có tín tâm, nhưng tín tâm đó chưa đủ tiêu chuẩn), chính điện, chùa tháp, càng không thanh tịnh, thì càng không cúng dường hoặc ngó ngàng đến; chùa nào càng nghèo, càng lụp sụp, càng xa lánh, mà chỉ tìm chùa to Phật lớn, nổi tiếng để cúng dường. Đâu biết rằng khởi tâm như vậy, công đức của mình, không được tăng trưởng; còn nhân sĩ xã hội, cũng không sinh khởi tín tâm khi thấy chùa tháp không được trang nghiêm, cung kính, thanh tịnh. Điểm này, chùa tháp ở Đài Loan, làm tốt hơn chùa tháp ở Đại Lục, hi vọng điều này sẽ được giữ gìn và càng phát huy thêm!
Phía trước có nói đến, nếu lấy quan điểm danh lam thắng cảnh để xem chùa, tháp, kinh, tượng, là sai lầm, không có lợi cho Phật giáo. Trong nhà Phật có câu nói từ ngàn xưa: “Dưới chân núi nổi tiếng không có cao tăng”. Bởi vì một khi đã trở thành ngọn núi nổi tiếng, nhang đèn (tiền bạc) tràn đầy, khách thập phương và du khách tìm đến ngày một nhiều, về mặt kinh tế đương nhiên cũng tăng lên, song trong tăng chúng lại thiếu khuyết tinh thần chịu khó chịu khổ, vấn đề sa đọa sớm hay muộn mà thôi. Tôi kể cho quí vị nghe thời gian tôi ở núi Phổ Đà-Nam Hải, trước khi đường biển chưa phát triển, những người đến núi Phổ Đà lễ Phật, dâng hương, đều là Phật tử có tín tâm khẩn thiết, đạp sóng gió để đến. Lúc đó, Phật đỉnh sơn không chỉ nổi tiếng siêng năng lễ tụng, đạo phong cực tốt; mà tất cả chùa lớn, miếu nhỏ ở đó, hai buổi sớm tối luôn ngân vang tiếng chuông mõ, chân thật tu hành. Đến khi đường biển được lưu thông, khách hành hương, kì thật phần lớn là khách tham quan, mỗi năm mỗi nhiều. Việc lên núi dâng hương, cũng dần biến thành mùa xuân đi thưởng ngoạn, mùa hè đi nghỉ mát. Nhìn bề ngoài, am cốc tăng lên gấp bội, nhà người dân đã có điện sáng rỡ, thật khả quang, phát đạt! Song xem lại đạo phong, ôi thôi, không dám nghĩ đến, mỗi lần nghĩ đến làm cho đầu tôi càng đau buốt!
Vì sao chùa Kim Long lại muốn làm tượng Phật lớn như vậy, đã to mà lại còn có thể leo lên xem cảnh vật xung quanh? Có lẽ vì muốn tạo thành danh lam thắng cảnh. Đâu biết rằng danh lam thắng cảnh hóa chùa tháp, chỉ hợp với vấn đề kinh tế mà thôi, chứ chẳng có chút nào hợp với tinh thần giải thoát mọi khổ đau, ràng buộc của Phật giáo. Điểm này, có thể hiến dâng cho thầy trú trì chùa Kim Long tham khảo! Chúng ta là những người thọ nhận ân điển và giáo pháp giải thoát của đức cha lành Thích-ca Mâu-ni, vì vậy chúng ta cần phải báo ân Phật, không nên khinh Phật, làm thân Phật chảy máu! Giả sử nói đúc tượng vì Phật giáo, không những không được xây dựng tượng Phật có thể leo lên để tham quan (nói như vậy không phải tôi cấm xây dựng tượng Phật lớn), mà làm bất cứ việc gì cũng không được có mặt của ý nghĩa tạo thành danh lam thắng cảnh! Ngày nay, chùa tháp Phật giáo Đài Loan, trở thành khu danh lam thắng cảnh không phải ít, thế mà vẫn có một số đang gấp rút xây dựng để được mang hư danh lợi bất cập hại đó. Mặc dù kiến trúc chùa tháp càng lớn, khách thập phương và du khách càng nhiều, thu nhập cũng càng tăng, được một số người nào đó ngợi khen hâm mộ, song thực tế đây là hiện tượng suy bại của Phật giáo! Tôi dập đầu bái thỉnh bốn chúng đệ tử (Tì-kheo, Tì-kheo ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di) Phật môn, hãy phát tâm hộ trì Phật giáo, chớ để Phật giáo đọa lạc vào hầm hố nguy hiểm của danh lam thắng cảnh!