(giảng tại chùa Thiện Đạo, nhân ngày Phật đản sinh)
Thế giới chúng ta, may mắn được sự thị hiện của đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, Ngài đem đến hi vọng quang minh, hòa bình, tự do, vì thế nhân loại chúng ta mới có hi vọng rời xa khổ não được an vui giải thoát. Cho nên ngày hôm nay, quả thực đáng nhiệt liệt chúc mừng! Chúc mừng Phật đản, lẽ ra phải tuyên dương chân lí giải thoát của Phật-đà, tán thán ca ngợi công đức của đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni, nhưng bởi vì tôi vừa mới từ Philippin về nước, lần đầu tiên được hân hạnh tiếp chuyện với quí vị, cho nên muốn đem những gì mình tận mắt thấy tận tai nghe về Phật giáo Philippin, nói sơ lược cho quí vị nghe, để mọi người biết rõ, tín ngưỡng Phật giáo, không chỉ tại Trung Quốc mới có, mà phạm vi lưu truyền của nó, hầu như ở mọi góc độ trên toàn thế giới. Lại còn có thể nói, nơi nào có nhân loại sinh tồn, chỉ cần nhân duyên đầy đủ, đều thọ nhận được sự che chở và từ bi cứu hộ của Phật quang.
Philippin là quốc gia hải đảo, vị trí phía Đông Nam của nước ta, cự li bổn tỉnh rất gần. Ngồi máy bay từ Đài Bắc đến thủ đô Manila, phải mất hết 4 giờ, nhưng nếu từ Cao Hùng đi đến phía Bắc của Philippin, đảo Diễm Mĩ, thì chỉ có 10 dặm Anh mà thôi. Mục đích và nơi đến trong chuyến đi này của tôi, là thủ đô Manila của Philippin, hơn 1/2 thời gian lưu trú tại chùa Hoa Tạng vùng ngoại ô thành phố. Kế hoạch ban đầu chỉ định qua đó hơn 3 tháng, vì phải tranh thủ trở về để kịp tham dự pháp hội Quán Thế Âm vào ngày 19 tháng 2, sau đó vì hiệu trưởng Lưu của trường Phổ Hiền, mọi người trong Cư Sĩ Lâm…, thấy cơ duyên khó được này, thỉnh tôi đến miền Nam hoằng dương giáo pháp giải thoát của Phật-đà, do đó tôi kéo dài thêm 2 tháng nữa. Trong 5 tháng ngắn ngủi đó, mọi người được sự gia bị đặc biệt của ba ngôi báu (Tam Bảo), đều rất bình an, riêng tôi ở bên đó cũng nhờ ánh sáng từ gia bị của ba ngôi báu, tuy giảm đi 3 kg, song chẳng có bệnh tật gì cả, cho nên mới có khả năng trở về cùng diện kiến với quí vị trong buổi pháp hội đặc biệt hôm nay, quả thật ân điển này của đức cha lành Thích-ca Mâu-ni, làm cho chúng ta vui vẻ và yên tâm hết sức!
Lần này tôi đi hoằng dương phương pháp giải thoát của Phật-đà từ thủ đô Manila đến miền Nam, được tiến hành vào khoảng thời gian mùa hè, bởi vì ở đó vào mùa hè người ta mới rãnh rỗi. Như đội phục vụ người Philippin đi học nghề xa, cho đến trẻ em, quân đội…, đều sau khi nhà trường cho nghỉ hè, mới có thời giờ trở về nước phục vụ. Hiệu trưởng Lưu và mọi người, cũng lợi dụng cơ hội nghỉ hè này, thỉnh tôi đến các nơi, như xá vụ, Tam Bảo Nhan, Cổ Đảo, Nạp Mão…, tổng cộng chuyến du hóa đó khoảng 1 tháng, giảng pháp 16, 17 buổi. Nơi tôi tuyên thuyết giáo nghĩa giải thoát của Phật-đà, tại xá vụ, Tam Bảo Nhan, là quảng trường và hội trường của Trung Hoa trung học; còn tại Cổ Đảo, Nạp Mão, là hội trường đảng bộ. Tại thủ đô Manila, phần lớn giảng tại chùa Tín Nguyện, Hoa Tạng, Cư Sĩ Lâm... Kết thúc chuyến hoằng dương phương pháp giải thoát của Phật-đà tại miền Nam, trở về Manila lại bận rộn với việc làm thủ tục xuất cảnh, mất hết 4 ngày, cuối cùng thủ tục cũng hoàn tất, trở về nước thuận lợi.
Tôi vốn dĩ không biết tiếng Anh, lại cũng không hiểu tiếng Philippin, tôi đến Philippin, chẳng phải giảng pháp cho người Philippin hoặc người nước khác, mà đối tượng chính là kiều bào của chúng ta ở bên đó. Kiều bào người Hoa ở Philippin, có khoảng hơn 20 vạn (200.000 người), người Mân Nam ở Tuyền Châu, Chương Châu, An Khê… là nhiều nhất, người Quảng Đông chỉ chiếm tỉ lệ 1/10 hoặc 2/10, còn người tỉnh Triết Giang… càng ít. Nhân sĩ tôi tiếp xúc, cũng phần lớn là kiều bào người Mân Nam.
Phật giáo Philippin, tình hình truyền bá hết sức đặc thù, không giống với Phật giáo các nước trong khu vực. Đầu tiên không phải do chư tăng đi truyền bá, mà là người lái buôn thông thường, trong quá trình đi họ có mang theo tượng Phật, Bồ-tát, lúc đầu chỉ để cho mình hoặc số ít bạn bè lễ bái, dần dần số người tín ngưỡng càng nhiều, khi đó chùa chiền được thành lập. Như Quán Âm đường ở thủ đô Manila, Quán Âm chùa Phúc Tuyền ở Tam Bảo Nhan, đều là thánh tượng có lịch sử lâu đời tại Philippin. Chúng ta có thể nói, rất lâu xa về trước, kiều bào ở Philippin đều đã có tín tâm đối với ba ngôi báu, nhưng họ chỉ biết cầu phúc, cầu tài, cầu bình an, còn ý nghĩa phương pháp giải thoát của Phật-đà như thế nào, đa số không biết. Sau đó, một bộ phận cư sĩ có niềm tin thanh tịnh, chân chính vào ba ngôi báu, thành lập hội Trung Hoa Phật Học, còn xây dựng chùa Đại thừa Tín Nguyện có qui mô vĩ đại. Song lúc đó chưa có người xuất gia, cho mãi đến thời kì kháng chiến, mới cung thỉnh được lão pháp sư Tính Nguyện từ Tuyền Châu sang Philippin đảm nhiệm chức trụ trì, đồng thời lãnh đạo Phật giáo Philippin. Đến khi quân Nhật đánh chiếm Philippin, công việc đình đốn, đời sống vật chất của người Hoa kiều rơi vào tình trạng khốn khổ, trong khi đó tinh thần cũng bị sự uy hiếp khủng bố của chiến tranh, lúc này người con Phật và phương pháp giải thoát của Phật-đà, trở thành chỗ dựa tinh thần và giúp đỡ vật chất rất lớn, thể hiện tinh thần từ bi và hòa bình vô hạn mà đức Như Lai thường chỉ dạy, do đó người tin Phật ngày một gia tăng. Như các cư sĩ Diêu Nãi Côn, Thái Văn Hoa, Tô Hành Tam, Cung Niệm Bình, Ngô Tông Mục… đều là những vị phát khởi tín tâm vào thời kì đó; lại như tiên sinh Thí Tính Thủy lãnh đạo kiều bào người Hoa của đất nước Trung Quốc tự do hiện nay, cũng có niềm tin sâu sắc vào giáo pháp giải thoát của đức Như Lai. Năm 37, lại tiếp tục thỉnh hai vị pháp sư Thụy Kim và Thiện Khế từ Mân Nam sang, Phật giáo hoằng truyền càng rộng. Hiện tại ở Philippin có 8 vị pháp sư xuất gia và một vị Tì-kheo ni. Ở đó tín chúng tại gia rất nhiều, song người xuất gia lại quá ít, có thể nói Phật giáo Philippin, giống như đám ruộng chưa được khai phát, đám ruộng tương đối màu mỡ, đang chờ đợi chúng ta khai khẩn và gieo trồng.
Nhân duyên chuyến đi hoằng dương giáo nghĩa giải thoát của đức Như Lai đến Philippin này, là vì trước kia tôi nhiều lần trú ở Mân Nam, quen biết mấy vị bạn đồng tu của Mân Nam, đồng thời sư phụ của tôi, chư huynh đệ của tôi, học sinh của tôi, cũng có vị người Mân Nam, có được mối quan hệ mật thiết này, nhờ đó đã thành tựu chuyến hoằng pháp ở Philippin của tôi.
Trước kia Philippin từng bị sự thống trị hơn 300 năm của người Tây Ban Nha, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân nước đó, ngoài một số tín ngưỡng Hồi giáo ra, còn hầu hết là tín đồ Thiên Chúa giáo. Thiên Chúa giáo cũng có tu sĩ, cũng có nghi thức đốt đèn, nhang, lễ bái. Trong con mắt của họ, Phật giáo cũng giống như là thần giáo mà họ đang tôn thờ, cho nên có ấn tượng rất tốt đối với Phật giáo tuyệt nhiên chẳng có hành động phá hoại như tín đồ Thiên Chúa giáo ở các nước khác. Họ thấy chúng tôi, đều gọi là cha cố của Trung Quốc, lễ phép hết sức. Lúc tôi trở về nước, hải quan kiểm tra hành lí, họ nói xin lỗi không ngừng. Do đó, tại Philippin, nếu tín đồ Phật giáo có khả năng hiểu và nói được tiếng bản địa, tôi nghĩ sẽ rất dễ truyền bá Phật giáo đến với mọi người. Đại học Viễn Đông có một vị giáo sư, là tín đồ Phật giáo, họ cùng nhau tổ chức đoàn thể thuộc vào Thần Trí Học Xã, chuyên giảng dạy, coi trọng Du-già (yoga), thực tập tĩnh tọa. Thần Trí Học Xã, đại để là Ấn Độ giáo, tuy có chút bất đồng với Phật giáo nghiêm chính, song có nhiều điểm có thể thông cho nhau được, vả lại hơn 10 người họ đều ăn chay. Cho nên nếu chúng ta biết tiếng Philippin và tiếng Anh, đi truyền bá niềm tin chân chính giáo pháp giải thoát của Như Lai, nhất định sẽ dễ dàng đạt được sự đồng tình và tiếp thọ của họ. Tinh thần nồng hậu tôn giáo của họ, chính là điều kiện ưu việt số một.
Sau khi đến Philippin, có người hỏi tôi, có cảm tưởng như thế nào đối với Phật giáo Philippin, tôi nói rất tốt. Tốt ở điểm nào?
Thứ nhất: Nhân sĩ xã hội có khả năng, ngoài giáo đồ khác ra, đối với Phật giáo đều có tình cảm tốt, chư tiên sinh lãnh đạo kiều bào người Hoa như Diêu Nãi Côn, Thái Văn Hoa, Thí Tính Thống, Thái Kim Thương… đều là tín đồ Phật giáo có tâm nhiệt huyết hộ trì Phật pháp. Nếp sống chung của xã hội, thấy chùa tháp và người xuất gia không thù ghét, mà còn có khả năng sinh khởi tâm hoan hỉ, tâm cung kính, quả thật hiếm có. Còn về công phu tu tập của giáo đồ hiện tại ra sao, trình độ hiểu biết Phật giáo đến đâu, đó là vấn đề khác. Trong quá trình phát triển và mở rộng địa bàn hoạt động của Phật giáo, hoàn cảnh xã hội tốt, là việc rất quan trọng và cấp bách. Nếu xã hội luôn coi Phật giáo là mê tín, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà là lạc hậu, trong xã hội như vậy, đối với sự phát triển của Phật giáo mà nói, rất khó. Ví dụ lần này tôi qua bên đó, hộ trì Phật pháp là lãnh đạo và kiều bào người Hoa; nơi thuyết giảng giáo nghĩa giải thoát của Phật-đà, ngoài chùa ra, còn có trường học, đảng bộ, thương hội…, mỗi lần như vậy, thính chúng đến tham dự rất đông. Nếu họ có ấn tượng xấu đối với Phật giáo chúng ta, làm sao được phép hoằng dương chính pháp ở những nơi đó, lại làm sao có thể thu nhiếp dẫn dắt thính chúng nhiệt tâm nghe pháp nhiều đến như vậy chứ? Tôi cho rằng, hoàn cảnh xã hội lí tưởng như vậy, không chỉ trước kia tại Đại Lục không có, ngay cả hiện tại tất cả các nơi, cũng khó sánh kịp!
Thứ hai: Tăng chúng xuất gia rất ít, quan hệ nhân sự không phức tạp, vả lại đều là người Mân Nam, cho nên chẳng có khoảng cách quá lớn. Tuy nhiên tính cách, ý kiến, tác phong của mỗi vị, khả năng không tương đồng, song trên toàn cục của Phật giáo, chí hướng mọi người vẫn luôn hợp với đạo, cùng cố gắng hợp tác, biểu hiện đầy đủ tinh thần đoàn kết nhất trí, đây là hiện tượng rất đáng mừng.
Thứ ba: Kinh tế đầy đủ, giúp cho hoạt động Phật giáo dễ dàng hơn, như chi phí cho việc xây dựng chùa Hoa Tạng, hơn 30 vạn tiền Philippin; trùng tu lại chùa Tín Nguyện, tốn hơn 20 vạn; còn các chùa viện khác chí ít cũng tốn năm sáu vạn đồng. Vả lại, điều quí nhất, là chi phí tiêu dùng cho đời sống hằng ngày trong chùa viện, không cần phải dựa vào việc cúng kiến, Phật sự để duy trì.
Nhưng, Phật giáo tồn tại trong đất nước có bầu không khí đậm màu tôn giáo phương Tây, vẫn rất nguy hiểm. Ví dụ trong gia đình, thường thường cha mẹ tin Phật, song con cái lại tin Thiên Chúa giáo hoặc Gia Tô giáo. Điều này có rất nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là: Thứ nhất, vấn đề tiếp thọ giáo dục, bởi vì mưu sinh ở nước ngoài, tiếng Anh là công cụ quan trọng. Mỗi khi muốn học tiếng Anh phải đến trường học của người Thiên Chúa giáo; vào trường học giáo hội, chịu sự giáo dục của họ, dần dần tín ngưỡng tôn giáo đó, có khi vô hình trung biến đổi nhận thức của mình. Thứ đến, nam nữ kết hôn cũng là vấn đề. Chúng ta biết tư tưởng của tôn giáo họ không giống với Phật giáo. Hiện tại kết hôn, nhất thiết cần phải cử hành hôn lễ trong giáo đường, thỉnh mục sư chứng minh hôn lễ. Thậm chí có những ông chồng (vợ), vì vợ (chồng) mình tin thần giáo, do không cưỡng lại được sự bao vây của tình cảm, cho nên tín ngưỡng cũng bị cải biến theo tình cảm đó. Tinh thần của Phật giáo chúng ta, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người, vì thế trong mỗi gia đình, đều được tập hợp các tôn giáo. Nghĩa là cha hoặc chồng, tin theo Phật giáo, tuyệt đối không cản trở khuynh hướng dị giáo của vợ hoặc con cái; song trong thế gian ngày nay, phong cách của Phật giáo bị thiệt thòi rất nhiều. Bạn đồng nghiệp Phật giáo Philippin, hãy chú trọng đến việc gấp rút cứu Phật giáo, hấp dẫn giới tri thức thanh niên, mở trường học Phật giáo. Trường tiểu học Phổ Hiền ở Manila, nằm trong kế hoạch của Bồ-đề trung học, cho đến trường tiểu học Phổ Hiền cũng đang xúc tiến thành lập xá vụ, chính là thích ứng với nhu yếu hiện tại và sản sinh thêm. Bồ-đề trung học, dự trù xây dựng với kinh phí khoảng 100 vạn tiền Philpipin, hiệu trưởng quyết định trong nội bộ là tiến sĩ Tô Hành Tam, ông trước kia vốn là giáo đồ Gia Tô, sau đó bỏ Gia Tô quay về nương tựa ba ngôi báu. Ông từng thay mặt cho Phật giáo Philpipin, hai lần đi Nhật Bản và Miến Điện tham dự đại hội Thế Giới Phật Giáo Liên Nghị. Hiệu trưởng Lưu Thắng Giác trường Phổ Hiền, lúc mới đầu là vị tín đồ Thiên Chúa Giáo, sau đó cũng giống như tiến sĩ Tô biết quay về nương tựa ba ngôi báu. Họ là bạn thân của nhau, họ cùng nghĩ rằng nếu không làm như vậy sẽ không hấp thu được giới thanh niên nam nữ; đối với việc Phật hóa giáo dục, hết sức nhiệt tâm. Tín Nguyện lão pháp sư và pháp sư Thụy Kim, Như Mãn (trước kia từng tích cực ủng hộ trường học Từ Ân), đối với việc này cũng rất nhiệt tâm lo lắng, hi vọng Phật hóa giáo dục sẽ phát triển tích cực, sớm ngày thực hiện được lí tưởng này. Còn về Phật hóa kết hôn, có người hỏi tôi, có thể mượn chùa để cử hành hôn lễ không? Tôi nói: Căn cứ theo giới luật Thanh văn, tăng chúng xuất gia, không được làm mai mối cho người ta, song chẳng thấy điều nào qui định, không cho tín chúng kết hôn trong chùa, hoặc chứng hôn cho tín chúng. Đứng trên lập trường Đại thừa dung nhiếp pháp thế gian, loại phương tiện này, nên áp dụng. Giới Phật giáo Đài Loan ngày nay, vì nhu yếu của tình hình thực tế, cũng đã sớm làm công việc này. Các chùa chiền của Phật giáo Nhật Bản, lại đặc biệt xây dựng riêng lễ đường, dành riêng cho tín chúng cử hành Phật hóa hôn lễ. Xưa nay Phật giáo quá chú trọng đến Phật sự cứu độ người chết, mà bỏ qua tất cả chuyện vui của người đang sống. Nếu sinh nhật, kết hôn, chúc thọ…, đều tổ chức trong chùa, thì Phật giáo và sinh hoạt xã hội, càng phát sinh mối liên hệ mật thiết, càng ngày càng trở thành Phật hóa toàn xã hội, đây chẳng phải là phương tiện thiện xảo để tế độ sinh sao? Nhân sĩ Phật giáo Philippin, để giải quyết vấn đề hiện thực trước mắt, đã có người đề xướng xây dựng lễ đường trong chùa hoặc trường học của Phật giáo, để cho tín chúng Phật giáo và cả những người không phải tín đồ Phật giáo mượn tổ chức hôn lễ (hôn lễ mời khách đến chùa, thỉnh chư tăng thọ nhận cúng dường, việc này đã sớm được thực hiện rồi. Song vấn đề ẩm thực phải tính sao đây? Khi tổ chức hôn lễ trong chùa, đương nhiên thức ăn phải chay tịnh tuyệt đối, nước uống chúng ta nên dùng nước ngọt thay cho bia, rượu. Tôi nghĩ mục đích đến tham dự đám cưới, ai ai cũng mong muốn cho hai trẻ được trăm năm hạnh phúc, hòa thuận vui vẻ, chắc hẳn chẳng ai đặt nặng việc ăn uống làm gì, bởi vì chúng ta là con người mà!) Lúc tôi du hóa đến Nam đảo, tại thủ đô Manila lại tổ chức Phật Giáo Thanh Niên Hội, thỉnh mấy vị pháp sư và cư sĩ, làm cố vấn cho họ; người lãnh đạo tối cao là cư sĩ Thái Đôn Phúc. Vào ngày khai mạc (23/05), họ mượn đại kịch viện Á Châu long trọng cử hành lễ thành lập, thanh niên tham gia, có khoảng 2.000 người. Tối đó, tổ chức đêm đại nhạc hội ngoài trời hết sức hoành tráng, rầm rộ sôi nổi. Đây là người bạn đồng hành Phật giáo Philippin, trong hoàn cảnh chịu ảnh hưởng truyền thống tôn giáo phương Tây, trước hết phải hiểu được cách thu hút thanh niên như thế nào, làm sao để phát triển Phật giáo rộng khắp, sau đó mới có những việc làm biết nói nêu trên.
Ngoài ra còn một điểm, có liên quan đến văn hóa phong tục của dân tộc, cũng muốn đưa ra cho mọi người cùng tham khảo. Lúc ở Nam đảo có người đến hỏi tôi, đối với kiều bào người Hoa ở Philippin tôi có cách nhìn đặc biệt gì? Tôi đáp: Tôi là người xuất gia, không biết chính trị, chẳng rõ kinh tế, do đó không thể nói ra cách nhìn đặc biệt nào cả. Song có một điểm, khiến thâm tâm tôi có cảm xúc nho nhỏ: Đó là hiện tại Philippin đang náo động với việc biến đổi Philippin (Phi hóa), năng lực kinh doanh của kiều bào nước ta, cho đến siêng năng chịu khó chịu khổ, người Philippin không thể bì được; ngày đất nước ta ở trong tình trạng gian khổ, họ liên tục gây áp lực, hạn chế việc kinh doanh buôn bán của kiều bào người Hoa, cái này cũng Phi hóa, cái kia cũng Phi hóa, làm cho kiều bào khổ não không chịu nỗi! Đây quả thật là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nhưng tôi nghĩ, tương lai nhất định đất nước chúng ta sẽ giàu mạnh, những phương sách Phi hóa không hợp lí này, tự nhiên sẽ cải biến. Duy chỉ có Phi hóa tinh thần văn hóa của kiều bào người Hoa chúng ta, mới đáng nghiêm trọng hơn hết! Vốn dĩ, đa số người Philippin hàm chứa nguồn sống của kiều bào người Hoa; nhưng rất ít người Trung Quốc định cư tại Philippin có khả năng biến Philippin thành Trung Quốc, ngược lại chịu ảnh hưởng của người Philippin, về phương diện đời sống văn hóa, dần dần tự động bị Phi hóa. Rất nhiều thế hệ thứ hai, ba chào đời tại đất nước Philippin, do bận với việc làm ăn buôn bán, phần lớn đều mướn người bản xứ đến trông con chăm nôm, nuôi dưỡng, suốt cuộc đời của con em, từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng đời sống người Philippin nói tiếng Philippin; đến khi lớn lên một chút, hoặc khi thọ sơ lược giáo dục Trung Quốc, lại gửi chúng vào trường học ngoại quốc. Kết quả tất cả phương thức sinh hoạt, tư tưởng, hành động, không ai không bị sự đồng hóa của người ngoại quốc; còn đối với văn hóa, phong tục, tập quán vốn có của tổ quốc, thậm chí tiếng nói…, cũng vứt bỏ đi. Có một số người, ngay cả ăn cơm cũng không còn dùng đũa nữa. Ví như ngày đầu xuân âm lịch (tết nguyên đán), ở trong nước chúng ta náo nhiệt biết chừng nào, nhưng kiều bào người Hoa tại Philippin, chẳng thấy sự náo nhiệt này. Chỉ có những người Phật tử, đến ngày mùng 1 tết nguyên đán, mọi người cùng vào chùa dâng hương lễ Phật, vẫn bảo tồn được phong tục tập quán vào những ngày đầu xuân của tổ quốc. Cho nên tôi nói, muốn bảo toàn văn hóa tinh thần của tổ quốc, phòng chống Phi hóa kiều bào người Hoa, tốt nhất là tín ngưỡng Phật giáo, đưa con em vào trường học Phật giáo. Không như vậy, có thể gửi vào trường học không có sắc thái tôn giáo do kiều bào người Hoa mình lập ra. Đối với điểm này, nghe nói kiều bào người Quảng Đông, làm tốt hơn người Mân Nam nhiều, tất cả họ đều có khả năng bảo trì được tiếng nói của quê hương. Giả sử vợ là người Philippin, cũng sẽ bày cách dạy cho vợ học nói tiếng Quảng Đông; trong tập quán sinh hoạt, cũng biểu hiện hương vị quê nhà càng nhiều. Song, cũng không trách họ được, Phi hóa kiều bào mình, đại để bởi vì khi họ mới rời xa tổ quốc tìm kế mưu sinh, cuộc sống khó khăn gian khổ, do đó quyết tâm học tiếng bản địa (Philippin), tiếng Anh, để đạt được mục đích kinh doanh của mình. Mãi lo kinh doanh buôn bán, quên bặt đi những vấn đề này. Lúc tôi tuyên giảng phương pháp giải thoát của Phật-đà bên đó, từng nói với họ: Đây là Phật giáo được đem từ quê hương đất mẹ sang, là gia bảo vốn có của chúng ta, vì thế mình nên trân quí nó, sử dụng nó, không được vứt bỏ. Muốn kiều bào ta bảo tồn và phát triển tinh thần văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói chữ viết của tổ quốc tại xã hội Philippin, chỉ có cách duy nhất, đó là tin Phật. Còn các thế hệ thứ hai, ba được chào đời tại Philippin, nếu không được tiếp thọ nền giáo dục Trung Quốc, họ sẽ quên lãng mình còn có tổ quốc vĩ đại, núi sông xinh đẹp, sản vật phong phú; đối với tất cả gì thuộc về tổ quốc, sẽ đánh mất lòng nhiệt tình quí trọng. Nếu lần này thế hệ thứ hai, ba trở về nước phục vụ, cho đến kiều bào trở về thăm lại quê hương, người thân…, xác thật có khả năng tăng cường quan niệm quốc gia và ý thức dân tộc, là tốt nhất không gì bằng được!
Kiều bào đối với vấn đề trang phục hết sức coi trọng, xưa nay tôi không chú trọng đến vấn đề ăn mặc, cho nên quần áo rất tùy tiện, nghĩa là có gì mặc nấy, gặp y phục tốt thì mặc y phục tốt, gặp y phục rách thì vá lại mặc tiếp, nhưng khi qua bên đó, có người nói với tôi trang phục không được tùy tiện, cần phải lựa chọn, suy nghĩ, thường xuyên giặt và hồ áo quần (làm thấm đều một lớp nước có pha chất bột hoặc kéo vào áo quần, như vậy áo quần sẽ mềm và bóng hơn), ủi cho sạch sẽ chỉnh tề. Nếu người xuất gia đạo tâm đã tốt, đức học lại cao, mà y phục rách rưới dơ bẩn, như những vị tăng khổ hạnh trong nước, tại Philippin sẽ không được người ta tôn kính. Họ thấy áo dài tôi mặc màu quá đen, cũng cho là không tốt, bảo tôi phải mặc màu lợt hơn một chút. Đây là nguyên nhân tại sao cha cố và tu nữ của Thiên Chúa giáo nơi này, đều có sự nghiên cứu nghiêm túc đối với vấn đề trang phục. Mỗi nơi có dân tình phong thái riêng của nơi đó, do sự khác nhau của dân tình phong thái, cho nên ý thích của họ cũng khác nhau. Còn nữa, Phật giáo bị người ta hiểu lầm là mê tín, như trong chùa có tập tục đốt giấy tiền vàng mã. Kì thật đây là phong tục vốn có trong dân gian Trung Quốc, nào phải đâu là sản vật của Phật giáo! Các chùa viện Phật giáo ở Philippin, như chùa Tín Nguyện, chùa Hoa Tạng, đều không có những phong tục hủ lậu này, chùa Hoa Tạng cũng không có xin xăm, bói toán. Điều này không thể không nói Tính lão và pháp sư Thụy Kim…, có phương pháp lãnh đạo. Tôi rất vụng về Phạm bái(1), cho nên bình thường niệm chậm niệm mau, tụng cao tụng thấp, tôi đều không cẩn thận cho lắm, mà tín đồ tại Philippin lại hết sức coi trọng cái này. Như chùa Tín Nguyện, chùa Phổ Đà, đặc biệt xá vụ chùa Định Tuệ, qui tắc của họ hết sức nghiêm cẩn; không chỉ có xướng niệm chỉnh tề, mà tín chúng còn phải biểu hiện tinh thần một mực thành khẩn, mọi người khi đã vào điện Phật, phải im lặng tuyệt đối không được làm ồn.
Lễ tắm Phật ngày mùng 8/4 âl, tại chùa Đại thừa Tín Nguyện ở Philippin (không biết các tự viện khác có tổ chức như vậy không), lại kèm theo một tiết mục rất đặc thù. Vì đây là ngày đức cha lành Thích-ca Mâu-ni Như Lai thị hiện đản sinh, đức Thích-ca Mâu-ni ngày này cách đây hơn 2.000 năm, là em bé trai vừa chào đời, bắt đầu cho nhân gian có Đức Phật và phương pháp giải thoát của Ngài, nên chúc mừng một cách nhiệt liệt! Chúc mừng ngày đản sinh của đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, họ đặc biệt tổ chức buổi chiêu đãi các em nhi đồng, làm cho tất cả các em nhi đồng, đều được tắm mình trong hào quang ấm áp của đức Như Lai. Vào ngày này, tín chúng Phật giáo ở Manila, đưa hàng ngàn em thiếu nhi đến chùa, cử hành đại hội chúc mừng Phật đản, sau đó ban tổ chức tặng cho mỗi em một bịch kẹo bánh nhỏ gọi là “lộc Phật”, vô hình trung ngày thị hiện đản sinh của đức cha lành Thích-ca Mâu-ni, trở thành ngày lễ nhi đồng của Phật giáo. Việc làm này thật sự có ý nghĩa rất lớn, đáng noi gương, đề xướng. Tôi cũng có nói với họ, Phật giáo Đài Loan mỗi khi đến ngày Phật đản, đều mượn nơi rất lớn, như Trung Sơn đường…, phát động hàng ngàn hàng vạn tín đồ, tập hợp chúc mừng, đồng thời trong đại hội đó cũng phát động từ thiện xã hội, lợi ích nhân loại, cứu tế sự nghiệp…, để biểu dương tinh thần cứu độ thế gian của Đức Phật. Điều này cũng rất có ý nghĩa, rất đáng làm tấm gương cho những người làm công tác Phật giáo của Philippin.
Phật giáo Philippin còn có một điểm khá mới nữa, bình thường làm Phật sự, chỉ phổ Phật hoặc lên cúng là xong, đơn giản nghiêm túc, chẳng phiền phức rườm rà. Có người qua đời, Phật sự siêu tiến cũng rất đơn giản, một ngày chỉ ba lần. Bởi vì thời gian dài, nghi thức nhiều, ngược lại làm cho người ta cảm thấy tin Phật phiền phức quá. Kì thật việc Phật sự không ở chỗ nhiều, thời gian cũng không nên kéo quá dài, chủ yếu trang nghiêm, thành khẩn, trịnh trọng được rồi!
Chùa Tín Nguyện trong thành phố, mỗi tuần đều có tổ chức niệm Phật một lần, sau khi niệm Phật cử hành pháp hội giảng kinh thuyết pháp, mỗi lần như vậy luôn có hơn 300 người tham gia. Nơi tôi lưu trú chùa Hoa Tạng vùng ngoại ô thành phố, giao thông không được tiện lợi cho lắm, làm đạo tràng hành trì hoặc tu học, thích hợp nhất. Tôi không biết nói tiếng Mân Nam, cần gặp ai phải có người phiên dịch, bằng không người đến diện kiến nhất định càng nhiều, cũng sẽ càng phiền phức, lúc đó không chỉ giảm có 3 kg mà thôi.
Ngày Phật đản, lẽ ra nên tán thán công đức rộng lớn của Ngài. Song, do tôi vừa đi Philippin về, cho nên đặc biệt nói tình hình Phật giáo ở bên đó cho đại chúng biết, cũng coi như là món quà tinh thần đem từ nước bạn về tặng cho các vị. Đây là nhìn từ góc độ Phật hóa thế giới, sẽ rất nhanh chóng mà hợp lí, tôi muốn mọi người cùng sinh tâm hoan hỉ với họ!
(1). Phạm bái (梵唄 tiếng Phạn là Bhāṣā): Dùng khúc điệu để tụng kinh, tán vịnh, tán thán công đức của chư Phật.
Bái được dịch âm từ tiếng Phạn, nghĩa là tán thán, chỉ đoạn; nương theo khúc phổ của Phạm độ (tiếng Phạn) mà vịnh xướng nên gọi là Phạm bái.