(bài tham luận tại Lạc Sinh Liệu Dưỡng viện)
Tôi đến Lạc Sinh viện, chia sẻ Phật pháp với các vị, quả thật có thể nói rất nhiều cảm nghĩ. Bệnh khổ của các vị, đương nhiên tôi là người đầu tiên cảm thấy đau xót. Ở trong hoàn cảnh như thế này, mọi người vẫn có thể cùng đến để học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, điều này không thể không nói rất khó! Lòng từ bi vô lượng của chư Phật, Bồ-tát, sẽ không bao giờ bỏ quên các vị. Xưa nay Phật, Bồ-tát chưa từng bỏ rơi bất cứ một ai, chúng ta đều đang ở trong ánh sáng ân đức hộ niệm của Phật, Bồ-tát; chỉ đáng tiếc tâm hành của chúng ta, hoàn toàn không tương ưng với tâm hành của Phật, Bồ-tát. Trong thế giới bị vô lượng vô biên thống khổ bách bức này, duy chỉ có giáo pháp giải thoát của đức Như Lai là niềm an ủi duy nhất của chúng ta, là ánh quang minh của chúng ta, là chỗ nương tựa vững chắc của chúng ta! Ngoài Phật pháp ra, chúng ta còn trông mong cái gì nữa?
Đức Phật dạy: “Nhân sinh là khổ”, đây là điều mà mọi người thể hội được một cách sâu sắc. Ngài dạy: “Thân người có bệnh, ung thư, bệnh hủi”, điều này chắc chắn mọi người càng có kinh nghiệm sâu sắc hơn. Đức Như Lai dạy triệt để biết bao! Không những hiện tại mọi người đang rơi vào hầm hố của bệnh tật, mà tất cả nhân loại, hết thảy chúng sinh, từ xưa nay đều không rời được bệnh tật, chẳng qua khổ ít, khổ nhiều, bệnh nhẹ bệnh nặng mà thôi. Cho nên bệnh khổ hiện tại của mọi người, nặng biết bao, nếu có thể giảm bớt một phần, đương nhiên sung sướng, hạnh phúc không tả xiết. Nhưng tuyệt đối chớ so sánh tị hiềm với người khác, sao họ vui vẻ không khổ, mạnh khỏe không bệnh, rồi tăng thêm thống khổ vô vị. Nên biết, tất cả chúng sinh còn sống trong vòng sinh tử, xưa nay chưa ai có thể tránh khỏi bệnh khổ. Mọi người cũng đừng suốt ngày nghĩ đến bệnh khổ mình đang mang, như vậy chỉ làm tăng thêm thống khổ mà thôi. Duy chỉ có buông bỏ hết, tiến thẳng đến con đường lớn giải thoát sinh tử, hướng thẳng đến cảnh giới không bệnh không chết!
Nói đến bệnh khổ, có thân khổ và tâm khổ. Như không áo quần, không thức ăn, gió mạnh, nóng bức, lạnh, bị đánh đập, lửa thiêu đốt, dao cắt, muỗi mòng cắn đốt, rắn cắn… tất cả thống khổ về thân này, mọi người đều cảm nhận như nhau. Điều này có thể nỗ lực buôn bán, làm việc, tiến bộ của y học có thể cứu được. Tuy không thể cứu tế hoàn toàn, song có thể tương đối. Đây là khổ thân, còn khổ tâm thì lại không giống nhau, như thất vọng, oán hận, ưu sầu, sợ sệt, bi ai, nóng nảy…, không ai giống ai. Giống như cùng ngắm trăng, do tâm tình khác nhau, sinh ra cảm giác khác nhau: Có người cảm thấy vui vẻ, có người bi thương, có người sợ hãi, có người cảm thấy cô độc thê lương, lại có người cảm thấy mát mẻ xinh đẹp… Giống như bệnh khổ, có người bệnh nhẹ mà trong lòng đau đớn, sợ hãi vô cùng, lại có người tuy bệnh rất nghiêm trọng, song tâm vẫn được an tĩnh không lo lắng. Cho nên, nghiệp báo từ quá khứ hoặc hiện tại chiêu cảm đến thân thọ khổ, tất nhiên chúng ta nên tìm cầu sự chữa trị tương đối; còn tâm khổ do chiêu cảm duyên hiện tại hoặc thói quen đời trước, chúng ta cần phải tinh tấn nỗ lực thực hành phương pháp giải thoát của Phật-đà, khéo léo tìm cách khống chế nó, loại trừ nó, đạt đến “không còn sợ hãi”, “sầu bi khổ não đều không còn”. Giả dụ các vị đã mắc phải căn bệnh trầm kha, bất luận nghiệp báo đời trước, hoặc ác duyên đời này, y học cũng không thể chữa trị triệt để, thế chỉ còn cách an thân, chớ ngu muội lo lắng làm tăng thêm tâm khổ. Ngược lại, tâm không khổ, thì ta làm chủ được mình. Tôi nói thật với các vị: Có một số vị A-la-hán đã liễu thoát sinh tử, song vẫn không tránh khỏi bệnh khổ của thân, song tâm các vị ấy rất tự tại, giải thoát. Đức Như Lai dạy: “Các con phải thực tập thân khổ mà tâm không khổ”. Tôi thấy “thân khổ mà tâm không khổ” là sự từ bi tột cùng, chỉ dạy phương tiện nhất của đức Như Lai! Các vị ngồi đây, còn chần chừ gì nữa mà không thực hành ngay!
Thân và tâm, tinh thần và vật chất, vốn dĩ có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, cho nên thân khổ sẽ dẫn đến tâm khổ, ngược lại tâm khổ thì thân làm sao không khổ được. Song thống khổ của thân thể được giảm đi, không nhất định thống khổ của tinh thần cũng được giảm nhẹ. Như hiện tại vật chất đầy đủ, con người rất văn minh, tiến bộ, theo lí lẽ đúng ra tinh thần càng thỏa mái, an ninh, trên sự thật lại không như vậy, bằng chứng số người bị suy nhược thần kinh, tinh thần bất ổn định ngày càng nhiều. Chính sách chiến tranh khủng bố, đưa nhân loại vào trong biển khổ kinh hoàng hoảng sợ, cầu sống không được, cầu chết cũng chẳng xong. So với bệnh khổ về thân mà các vị đang phải chịu, quả thật càng khó chịu, thống khổ hơn nhiều. Nhưng tâm không khổ, tuy không dám khẳng định thân sẽ không bệnh khổ; song có nhiều người nỗ lực, tinh tấn, thật tâm thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, xác thật có khả năng đẩy lùi được thân khổ. “Tâm không khổ thực tập thân không khổ”, đây là sự cứu tế triệt để nhất của Đức Phật và giáo lí giải thoát của Ngài! Điều này có thể làm lí tưởng cho chúng ta nỗ lực thực hành.
Người ngu không biết Phật pháp, không thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, khi thân khổ sẽ dẫn đến tâm khổ, tâm khổ sẽ dẫn đến thân khổ, khổ nhỏ biến thành khổ lớn. Nếu bệnh nhẹ mà luôn lo sợ ưu sầu, hoặc nằm mãi trên giường nhớ đến người thân, gia đình, càng ngày thân thể càng ốm yếu, càng khổ! Điều này trong nước chúng ta, nơi nào cũng có, ví dụ không hết. Bậc trí hiểu rõ Phật pháp, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, thân khổ sẽ không dẫn đến tâm khổ, quyết chẳng phải vì tâm khổ mà dẫn đến thân khổ, khổ nhỏ không biến thành khổ lớn, ngược lại khổ lớn biến thành khổ nhỏ, khổ nhỏ thành không khổ. Mấu chốt chủ yếu của điều này là:
1. Thông đạt sự lí nhân quả, tin sâu nghiệp báo, không bị sự nhiễu loạn của thống khổ, không tự làm cái mụt nhọt điên loạn.
2. Sám hối tội nghiệp, cầu chư Phật, Bồ-tát gia hộ, tích chứa nhiều căn lành để giảm thiểu khổ não.
3. Tu tập thiền quán, đây là phương pháp hữu hiệu chuyển thân theo tâm. Trước kia Đại sư Nam Nhạc Tư, lúc đầu bị phong tật phát tác, tứ chi chậm chạp, thân thể không chịu theo ý nghĩ. Sau đó nhờ năng lượng thiền quán, bệnh của thầy được bình phục. Còn một sự thật nữa, trong bút kí của thánh nhân, cũng tương hợp với Phật pháp, các vị có thể tham khảo thêm:
Cô được sinh ra trong gia đình giàu có, xinh đẹp lại thông minh, khi đến tuổi trưởng thành, được gả vào gia đình môn đăng hộ đối. Tình cảm vợ chồng rất tốt, hòa thuận với cha mẹ chồng, cứ ngỡ hạnh phúc sẽ thách thức với thời gian. Nào ngờ, bất hạnh ập đến, bỗng nhiên cô bị bệnh hủi - ma phong. Sau khi phát hiện, bất luận chồng và cha mẹ chồng thương cô như thế nào, cũng không thể không cách li. Không lâu sau, bệnh tình ngày càng nghiêm trọng, họ bèn làm cho cô một căn nhà nhỏ, suốt ngày cô ở trong đó, chẳng khác nào giam trong ngục. Cô ở trong một ngôi nhà nhỏ, ngày đêm nghĩ đến bệnh tình của mình, chán ghét thân thể dơ bẩn, càng nhìn càng thấy gớm nhờm, càng nghĩ càng chán ghét! Niệm chán ghét, nhờm gớm thân thể không lúc nào không hiện diện trong cô, ngay cả lúc ăn uống, đi vệ sinh cũng như vậy. Sau đó, do quán xét thân thể bất tịnh đến đỉnh điểm, nên cô quyết định không ăn uống, chỉ để lại mẩu xương trắng, không dơ bẩn. Đột nhiên trong mẩu xương trắng đó phóng ánh sáng chiếu khắp phòng, bệnh tật của cô cũng từ đó được bình phục! Cô chán ghét, xa rời sắc thân bất tịnh của thế gian này, luôn ở trong căn nhà nhỏ đó, hưởng cuộc sống tự do của mình. Đây là câu chuyện được mọi người kể lại, phù hợp với quá trình thực tập phương pháp bất tịnh quán thành tịnh quán của Phật pháp. Nhờ tâm có được sức mạnh của năng lực định và tuệ dẫn đến chuyển biến sắc thân, điều này có khả năng. Các vị! Hiện tại ngại gì không mượn căn phòng này của Lạc Sinh viện, nỗ lực thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà!
Tôi nghĩ: Bình thường mọi người đều niệm Phật. Niệm Phật, là pháp môn giúp thân tâm thanh tịnh nguyện vãng sinh. Cần phải chán ghét thế gian này, nhận chân thế gian này thật sự dơ bẩn bất tịnh, như vậy mới có khả năng. Người xưa nói: “Tâm chán Ta-bà không tha thiết, khó mà xả bỏ vãng Tây phương”. Ta-bà là thế giới xấu ác năm trược, sắc thân tập hợp của độc năm uẩn, nếu quán xét một cách thấu suốt nó bất tịnh, tự có khả năng chuyển bất tịnh thành thanh tịnh. Như cô gái vừa kể, có thể làm tấm gương cho mọi người noi theo. Các vị! Đức Phật là bậc thầy của nhân gian, là vị đại y vương! Tin Phật, học Phật, thực tập phương pháp giải thoát của Phật, có thể đã đạp lên chính đạo, hướng thẳng đến tiền đồ quang minh! Không nên quá xem trọng hiện tại, vẫn còn vị lai vô hạn, không nên quá chấp sắc thân này, vẫn còn tinh thần tự tại! Trong ân đức và oai đức của ba ngôi báu, xin cầu chúc các vị: Thân khổ mà tâm không khổ, tiến thẳng lên con đường phía trước tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh!